Tác phẩm kinh điển của văn học Séc được dịch sang tiếng nước ngoài nhiều nhất.
Karel Čapek từng nhận xét về cuốn sách: “Ở nhà trường, các thầy cô thường bảo chúng ta rằng sự hài hước là gia vị. Nhưng đúng hơn mà nói, ngày nay tôi có cảm giác sự hài hước không phải là gia vị, mà là cái nhìn cơ bản nhất định về thế giới. Hašek là người có khiếu hài hước. Hašek là người nhìn nhận được thế giới, trong khi nhiều người khác chỉ viết về nó”.
Văn học hiện đại Séc nửa đầu thế kỷ XX có nhiều nhà văn nổi tiếng, nhưng nổi trội là bộ ba vĩ đại: Jaroslav Hašek (1883–1923), Franz Kafka (1883–1924) và Karel Čapek (1890–1938). Franz Kafka sáng tác bằng tiếng Đức, Jaroslav Hašek và Karel Čapek sáng tác bằng tiếng Séc. Franz Kafka và Karel Čapek là hai tác giả đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Còn bộ tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của Jaroslav Hašek là tác phẩm văn học Séc được chuyển ngữ nhiều nhất, tính đến năm 2013 đã được dịch sang 58 ngôn ngữ khác. Ngay từ khi tác phẩm ra đời và cho đến hiện nay, không chỉ ở Séc, mà cả ở nước ngoài, nó cũng còn được chuyển thể sang kịch bản sân khấu, điện ảnh, truyền hình và truyền thanh.
Cuốn tiểu thuyết có một không hai trong lịch sử văn học Séc này cũng có một số phận rất đặc biệt. Ngay sau khi nó ra đời, và cả một thời gian dài sau đó, trong khi những người dân thường đọc nó một cách say mê và khoái chí thì, trừ một số nhà văn nhà báo nhận thấy ngay đây là một tác phẩm đáng đọc, làng văn Séc hầu như không chấp nhận nó, không coi nó là một tác phẩm văn học, không coi tác giả của nó là nhà văn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng Švejk là kẻ trốn tránh nghĩa vụ, rằng cuốn sách này gây tác hại đến đạo đức người lính, có người còn nguyền rủa phỉ báng Hašek và cách sống của ông.
Nhưng dần dần, những lời khen nhiều hơn và cuối cùng cả giới phê bình phải nhận định Jaroslav Hašek là 1 trong 3 nhà văn vĩ đại nhất Văn học Séc nửa đầu thế kỷ XX.
Chúng tôi lại xin mượn lời của nhà báo, nhà văn và dịch giả Séc Ivan Olbracht: “Các bạn hãy đọc đi, đây là một cuốn sách tuyệt vời.”
Năm 1998, Séc tổ chức cho 23 nhà phê bình xuất sắc nhất bình chọn cuốn tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của văn học Séc. Đứng đầu danh sách được đăng trên tạp chí Týden là tác phẩm “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” của Jaroslav Hašek. Không ngạc nhiên gì khi tác phẩm văn học Séc được dịch ra hơn 60 thứ tiếng trên thế giới này là lựa chọn của các phê bình gia. Chính một nhà văn Séc nổi danh thế giới khác, Milan Kundera, cũng đã nhận định rằng, “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” có thể là cuốn tiểu thuyết dân gian lớn cuối cùng. Đầy phi lý, mang tính đả phá lớn, kiệt tác này là một tượng đài trong văn học phản chiến, và sẽ còn khiến thế hệ tương lai liên tục lật giở trang vì những câu chuyện khôi hài thâm sâu của nó.
“Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” bao gồm 4 tập: Ở hậu phương, Ngoài mặt trận, Trận đòn vẻ vang, Tiếp tục trận đòn vẻ vang, mà tập đầu tiên được xuất bản lần đầu cách đây 99 năm. Tác phẩm kể về một anh chàng tên là Švejk kiếm sống bằng nghề bán chó ở Prague. Anh chàng từng đi lính nhưng được cho giải ngũ vì bị ban quân y kết luận là kẻ ngu độn.
Tác phẩm hài hước bậc nhất này mở đầu bằng một câu mà nay đã trở thành kinh điển của bà giúp việc của Švejk “Thế là họ giết mất Ferdinand của chúng ta rồi.” Nó nhắc đến vụ ám sát Đại Công tước Franz Ferdinand của đế quốc Áo-Hung, nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đáp lại lời thông báo đầy trịnh trọng ấy, Švejk ngây ngô hỏi rằng đó là Ferdinand nào, bởi anh biết hai người cũng có tên như vậy: một thằng hầu, và một thằng chuyên nhặt phân chó.
Ngay từ những dòng đầu tiên, Hašek đã tạo nên một loại tình huống có thể gọi là phá hủy sự trịnh trọng, mà kể từ đó về sau sẽ là thứ xuyên suốt toàn bộ câu chuyện. Người đầu trò thực thi những sự đả phá, không hiểu vô tình hay cố ý, chính là Švejk, nhân vật chính phức tạp gây nên không biết bao nhiêu tranh cãi của giới nghiên cứu. Bụng một bồ những câu chuyện dân gian, Švejk luôn mồm kể đủ loại thứ chuyện ngớ ngẩn tưởng chừng chẳng hề liên quan đến bất kỳ sự việc khẩn cấp nào đang xảy ra. Thêm vào đó, phản ứng thường trực của anh trong mọi cảnh huống là xuôi theo hoàn cảnh. Bị bắt vào sở cảnh sát, bị đẩy vào nhà thương điên, bị đưa vào trại giam, gây ra sự cố trên tàu hỏa, bị nghi làm gián điệp, bị đi lạc, … tất cả những tai họa ập xuống đầu anh, Švejk đều nhẹ nhàng vượt qua vì tinh thần hài lòng tuyệt đối đến ngờ nghệch khó hiểu. Kết quả là, không ai biết chân tướng thực sự của Švejk là gì: thông minh hay đần độn, khôn lỏi hay ngu ngơ. Khi chiến tranh nổ ra, Švejk xung phong nhập ngũ để phụng sự Hoàng đế Áo Hung.
Jaroslav Hašek vẽ ra vô vàn nghịch lý trong kiệt tác của mình chính nhờ nhân vật có một không hai Švejk ấy: từ những nghịch lý nhỏ bé tầm thường đến những nghịch lý lớn lao không ai giải thích nổi. Chiến tranh và quyền lực của nó trở thành trò cười dưới ngòi bút đầy giễu nhại của ông. Độc giả không lấy làm ngạc nhiên khi Joseph Heller coi “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới” là hình mẫu để dựa trên nó mà viết nên cuốn tiểu thuyết phản chiến vĩ đại “Bẫy-22” của mình. Trong sự tàn bạo của chiến tranh, trong sự đè nén đến nghẹt thở của bộ máy công vụ quan liêu, khi những mạng người bị đem nướng sống vào những cuộc chiến vô nghĩa, rất ít người chất vấn hay thấy mình cần phải thoát khỏi những mệnh lệnh quái quỷ trong chiến tranh, phải thoát khỏi hệ thống áp đặt.
Quả đúng như Kundera phân tích, ở tác phẩm “Iliad” của Homer, cả ở “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tolstoi, chiến tranh vẫn có ý nghĩa rõ ràng: “người ta chiến đấu vì nàng Helen xinh đẹp hay vì nước Nga.” Nhưng ở “Vận mệnh người lính tốt Švejk”, “Švejk và các đồng đội của anh ra trận mà chẳng biết vì sao và, còn tệ hơn, chẳng quan tâm gì đến chiến tranh.”
Hašek là một nhà văn đặc biệt trong nền văn học Séc: nghiện ngập, vô chính phủ, đào ngũ, tinh thần phóng túng tột bậc. Là một nhà báo chuyên lăn lộn đường phố, ông rành rõi thứ ngôn ngữ bình dân và những câu chuyện lưu truyền trong dân gian. Hašek đã đưa được thứ ngôn ngữ trào phúng đầy tự nhiên ấy vào tác phẩm của mình, tạo nên một giọng văn dí dỏm đặc biệt. Đả kích chiến tranh và những sự phi lý của nó bằng những câu chuyện như sinh ra từ trí tuệ dân gian, không ngạc nhiên khi “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” là danh tác không chỉ được độc giả Séc mà cả thế giới tung hô.
Tập 2 của kiệt tác văn học Séc này từng được dịch sang tiếng Việt qua bản dịch tiếng Pháp và được NXB Văn Học xuất bản vào năm 1992 với tên “Những cuộc phiêu lưu mới của Xvêch, anh lính chân thực.” Ở lần xuất bản năm 2020 này, “Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới” sẽ được dịch đầy đủ từ nguyên bản tiếng Séc. Bản dịch được NXB Phụ Nữ Việt Nam chia thành 2 quyển với toàn bộ tranh minh họa màu của họa sĩ Josef Lada, bạn thân của Hašek: Quyển 1 gồm tập 1 và 2, xuất bản vào tháng 10/2020; Quyển 2 gồm tập 3 và 4, xuất bản vào giữa năm 2021.
***
Văn học hiện đại Séc nửa đầu thế kỷ XX có nhiều nhà văn nổi tiếng, nhưng nổi trội là bộ ba vĩ đại: Jaroslav Hašek (1883–1923), Franz Kafka (1883–1924) và Karel Čapek (1890–1938). Franz Kafka sáng tác bằng tiếng Đức, Jaroslav Hašek và Karel Čapek sáng tác bằng tiếng Séc. Franz Kafka và Karel Čapek là hai tác giả đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Còn bộ tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của Jaroslav Hašek là tác phẩm văn học Séc được chuyển ngữ nhiều nhất, tính đến năm 2013 đã được dịch sang 58 ngoại ngữ. Ngay từ khi tác phẩm ra đời và cho đến hiện nay, không chỉ ở Séc, mà cả ở nước ngoài, nó cũng còn được chuyển thể sang kịch bản sân khấu, điện ảnh, truyền hình và truyền thanh.
Giai đoạn văn học Séc đầu thế kỷ XX có bối cảnh lịch sử cũng như văn hóa sâu xa và phức tạp với đỉnh điểm là Đại chiến Thế giới I và sự sụp đổ của Đế quốc Áo–Hung. Trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đặc biệt đầu thế kỷ XX, Đế quốc Áo–Hung đa dân tộc có tình hình chính trị không ổn định, nhà nước đã phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị và xã hội, đặc biệt là vấn đề chính sách dân tộc mà chủ yếu là chính sách ngôn ngữ. Là thành viên quan trọng của Đế quốc Áo–Hung, Vương quốc Bohemia của người Séc luôn cố gắng yêu cầu được quyền tự trị về chính trị và văn hóa dân tộc, nhưng không bao giờ được đáp ứng. Mặc dù vậy, phần lớn những nhà lãnh đạo của Vương quốc Bohemia vẫn muốn gìn giữ nhà nước Áo–Hung với yêu cầu phải có thay đổi lớn trong chính sách dân tộc.
Sau vụ Thái tử của Đế quốc Áo–Hung, Đại Công tước Franz Ferdinand d’Este, cùng phu nhân bị một người Serbia ám sát ở Sarajevo vào ngày 28/6/1914, Đế quốc Áo–Hung tuyên chiến với Serbia. Chiến tranh bùng nổ không chỉ trong phạm vi châu Âu, mà còn lan rộng ra thế giới. Nhà nước Áo–Hung ra lệnh tổng động viên trên toàn bộ lãnh thổ. Người Séc thể hiện rõ thái độ chống chiến tranh, không muốn chiến đấu chống các dân tộc người Slav, nhiều lính Séc tình nguyện để bị bắt làm tù binh. Rất nhiều tù binh người Séc ở chiến trường Nga sau này tham gia lực lượng đội quân lê dương tình nguyện Séc.
Cuộc chiến tranh đẫm máu không kết thúc trong thời gian vài tháng như nhiều người đã tưởng, mà kéo dài đến tận tháng 11 năm 1918, gây tổn thất bao nhiêu sinh mạng, gây kiệt quệ cho Áo–Hung về nhiều mặt, mang lại kết cục thảm hại cho nhà nước quân chủ của triều đại Habsburg-Lothringen. Đế quốc Áo–Hung sụp đổ, dẫn đến sự ra đời của Cộng hòa Tiệp Khắc (Séc & Slovakia), Cộng hòa Áo, Cộng hòa Hungary và một số nhà nước khác ở châu Âu.
Nhà báo, nhà văn Jaroslav Hašek đã sống và sáng tác trong giai đoạn lịch sử đầy biến động đó. Bậc thầy trào phúng Jaroslav Hašek, một tên tuổi rất đặc biệt trong lịch sử văn học hiện đại Séc, sinh ngày 30/4/1883 tại Praha, trong một gia đình nghèo theo Kitô giáo. Cha của ông là một thầy giáo dạy Toán và Vật lý ở một trường tiểu học Praha, mẹ làm nội trợ. Cả cha và mẹ ông đều là người quê ở vùng Nam Séc. Thủ phủ vùng Nam Séc, thành phố České Budějovice, và vùng lân cận là những địa danh được nhắc đến rất nhiều ở tác phẩm Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của ông. Bản thân Hašek khi nhập ngũ năm 1915 cũng được đưa tới doanh trại ở České Budějovice. Vùng Nam Séc là nơi gắn liền với tuổi thơ của Hašek, khi cậu cùng em trai thường được cha mẹ gửi về quê sống với ông bà ngoại, đặc biệt sau khi cậu bé Jaroslav mới bốn tuổi đã có biểu hiệu của bệnh yếu tim và tuyến giáp.
Ngay từ nhỏ, Hašek cùng em trai được cha mẹ dạy dỗ rất nghiêm khắc, nhưng ông lại là người có bản tính thích tự do không chịu theo khuôn khổ, thích lang thang, thích bia rượu cùng bè bạn, có một thời gian còn theo chủ nghĩa vô chính phủ, và suốt đời sống theo phong cách Bohemian. Hašek cũng rất thích ngao du, ông đã có nhiều chuyến đi chơi dài ngày, nhiều khi đi bộ, đến hầu hết những vùng thuộc phạm vi Đế quốc Áo–Hung và một số nơi khác của châu Âu. Những chuyến đi ấy đã mang lại cho ông nhiều trải nghiệm và cảm hứng trong sáng tác.
Năm 1894, Hafek vào học trung học phổ thông, nhưng sau khi cha mất năm 1896, Hašek chểnh mảng hơn và đến năm cuối cùng thì bỏ không học nữa. Một thời gian sau đó ông giúp việc ở cửa hàng vệ sinh và mỹ phẩm, rồi theo nguyện vọng của mẹ, ông nhập học trường trung cấp thương mại Praha. Sau khi tốt nghiệp, Hašek vào làm việc ở Ngân hàng Bảo hiểm Slavia Praha. Nhưng chán cuộc sống nhàm tẻ của một viên chức, chỉ chưa đầy một năm, ông bỏ nghề và chuyển hẳn sang viết báo viết văn.
Năm 1910, vượt qua nhiều trở ngại và nhất là khi đã là biên tập viên của tạp chí Thế giới động vật, Hašek được phép kết hôn với Jarmila, tình yêu lớn của ông, con gái của một gia đình tiểu tư sản rất nền nếp ở Praha, người mà sau này cũng trở thành một nữ văn sĩ. Nhưng với phong cách sống của mình, Hašek không thể làm trụ cột gia đình, không thể làm người chồng tốt, người cha tốt được. Vì vậy, sau khi con trai họ ra đời vào năm 1912, Jarmila đem con về nhà cha mẹ đẻ, và từ đó gia đình họ không bao giờ đoàn tụ nữa, cho dù sau này họ coi nhau như những người bạn, thậm chí khi viết Vận mệnh người lính tốt Švejk,Hašek còn đọc cho Jarmila nghe những chương đầu. Sau khi Hašek qua đời, Jarmila đã viết: “Chương này nối chương kia, tôi bắt đầu ngưỡng mộ nghệ thuật của anh, người mà trước đây tôi từng yêu vì ánh nhìn tuyệt đẹp của anh đối với cuộc sống.”
Mốc quan trọng nữa trong cuộc đời Hašek là năm 1915, khi ông gia nhập quân đội Áo–Hung và bị đưa sang chiến trường Nga. Ông bị bắt làm tù binh, và cũng tại Nga, ông tham gia đội quân tình nguyện Séc & Slovakia (còn gọi là quân lê dương Séc & Slovakia) chống Đế quốc Áo–Hung. Sau đó, do bất đồng chính kiến, ông rời hàng ngũ quân lê dương Séc và chuyển sang cộng tác với Hồng quân Nga. Trong thời gian ở Nga, nhờ biết nhiều ngoại ngữ, ông đã làm việc như một biên tập viên, đặc biệt cho tờ Čechoslovan của người Séc & Slovakia tại Nga, phụ trách nhà in, làm trợ lí cho chỉ huy thành phố Bugulma. Công việc trong Hồng quân cũng đã đưa ông tới tận Siberia, tới thành phố Irkusk. Cuối năm 1920, Hašek trở về Praha, mang theo người vợ Nga tên là Šura.
Mùa thu năm 1921, Hašek cùng Šura chuyển về thành phố nhỏ mang tên Lipnice nad Sázavou (cách Praha 103 km về phía đông nam), một nơi yên tĩnh để Hašek có thể tập trung làm việc. Tại đây, ông tiếp tục viết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới. Nhưng cũng tại đây, sức khỏe của ông xấu đi trầm trọng do hậu quả của những năm tháng lang thang trước đó, của những cuộc say mèm, của khoảng thời gian khắc nghiệt ở Nga, của bệnh tim từ nhỏ và cả bệnh thương hàn mắc phải ở Siberia. Cuối năm 1921, khi bị bỏng tay không viết được, ông đã thuê một thanh niên ở Lipnice làm thư ký, và đọc cho anh viết tiếp. Hằng ngày, cứ viết được bao nhiêu là họ gửi đến nhà xuất bản bấy nhiêu, chỉ giữ lại trang cuối để hôm sau biết tiếp tục từ chỗ nào. Nhưng do bệnh nặng, ngày 3/1/1923, ở tuổi chưa đầy bốn mươi, Jaroslav Hašek qua đời, để lại cuốn tiểu thuyết còn đang dang dở. Từ ý định ban đầu viết về Vận mệnh người lính tốt Švejk
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn