Một nơi tử tế thì đâu thể thiếu tiệm sách được chứ, Izzie!
Bởi thế mà ngoài khơi xa, ở nơi nắng vàng lấp lóa trên sóng bạc đảo xanh, nơi dân cư thưa thớt lại không thích học hành, vẫn có một tiệm sách nho nhỏ màu đỏ tía. Tiệm này không bán truyện hậu hiện đại, huyền huyễn, viễn tưởng, hậu tận thế; không bán hồi ký, trinh thám, thiếu nhi, truyện tranh, sách dịch, teen và hồi teen; ghét truyện nhiều phông chữ và minh họa nhiều hình, loại thẳng cánh các cuốn có số trang trên bốn trăm hay dưới trăm rưỡi. Gã chủ thì khó đăm đăm và xa lánh nhân tình thế thái… Mặc kệ, tiệm sách vẫn tồn tại.
Để một ngày nọ, có người vào tiệm cuỗm đi món đồ quý giá nhất, Rồi một ngày nọ, có người giả khách vào xem sách và lén lút vứt con lại.
Từ ấy có một em bé lớn lên giữa mùi giấy mới; có một cô gái muộn chồng với hàm răng to oành, “mông cũng chẳng khá hơn, 31 mà uống rượu như mới 25, đã ăn mày lại quyết đòi xôi gấc”; có một người đàn ông thức giấc nhờ mùa xuân thứ hai của cuộc đời… Câu chuyện tình cảm và tinh quái, pha phối chút bí hiểm, xoáy tròn như một cơn lốc qua các giá sách, người đọc sách lẫn người không đọc. Từ chối mọi kịch tính hay lắt léo. Chỉ rõ khác biệt giữa sách và đời, lại không thể phủ nhận ảnh hưởng đầy êm ái của cả hai bên đối với nhau.
Sách ngược đời xuôi (The Storied Life of A.J. Fikry) có mặt bốn tháng liền trên New York Times Best Seller List, trụ hạng 1 lâu dài trên National Indie Bestseller List và đạt thành tích ngoạn mục ở rất nhiều quốc gia khác.
Đôi khi không thích một cuốn sách chỉ là do ta đọc nó chưa đúng thời điểm mà thôi.
A.J. Firky sở hữu một tiệm sách duy nhất ở một hòn đảo xa xôi phải đi mất hai chuyền phà mới tới nơi. Anh có cả một danh sách dài những thể loại bản thân ghét và sẽ không bao giờ bán ở tiệm của mình.
Không tiểu thuyết văn học về những cuộc diệt chủng Do thái hay các bi kịch của nhân loại. Không “thể loại lai tạp” như tiểu thuyết văn học trinh thám hay viễn tưởng văn học. Không sách thiếu nhi, đặc biệt là về lũ trẻ mồ côi. Không tiểu thuyết đạo nhái, sách tranh, sách ảnh, hồi ký của mất tay nổi tiếng.
Hiếm khi nhập các cuốn sách đầu tay hay những cuốn lãng mạn, hài hước dành cho các thiếu nữ mộng mơ, trừ khi tiệm của anh được đặt hàng trước. Anh cũng bỏ qua những series được hứa hẹn, nếu như chúng không nằm trong danh sách bán chạy của New York Times. A.J. không thích sách dày quá 400 trang nhưng cũng không được mỏng hơn 150 trang.
Với anh, sách nào cũng được, miễn là không phải đống trên.
A.J. cũng chẳng phải là tay bán sách thân thiện gì. Anh thẳng tay đuổi mấy đứa nhóc vào bôi bẩn những cuốn sách trưng bày. Anh khó chịu với những phụ nữ trung niên lượn lờ trong tiệm mà chẳng mua gì. Anh cáu gắt với nhân viên của nhà xuất bản đến chào hàng sách mới. Thế nên tiệm sách Hải Đảo dần dần thua lỗ một cách trầm trọng.
Nhưng cuộc đời anh bỗng chốc được rẽ ngoặt sang một trang mới khi có hai sự kiện lớn xảy đến tiệm sách Hải Đảo. Một là cuốn sách giá trị nhất trong bộ sưu tập của A.J. biến mất không để lại dấu vết, và hai là người ta để “quên” một con nhóc 2 tuổi trong tiệm của anh.
Sách ngược đời xuôi không chỉ kể lại câu chuyện cuộc đời của A.J. Fikry mà còn khắc họa tình cha con sâu đậm giữa một gã bán sách khó tính và một cô nhóc có gu đọc sách dở tệ. Mỗi chương sách là tên của một cuốn sách mà A.J. vô cùng yêu thích, dù số sách này cũng chỉ hơn số đầu ngón tay một chút, kèm theo đó là một bức thư mà ông bố ấy vụng về gửi cho con gái Maya.
Đọc sách, độc giả sẽ cười nghiêng ngả rồi lại rơm rớm nước mắt trước cuộc đời đầy những sự ngược đến với A.J. chứ chẳng xuôi gì. Bước sang tuổi 40, anh không chỉ trải qua nỗi đau mất vợ, rồi lại đến chứng vắng ý thức khiến anh đơ như bức tượng gỗ trong vài phút, mà còn là cơn nghiện rượu dai dẳng và nỗi cô đơn cùng cực.
Nhưng sự xuất hiện của Maya đã đem lại sức sống mới cho anh, cũng giống như tiệm sách Hải Đảo mang đến niềm vui cho đảo Alice. A.J. quyết định nâng cấp tiệm sách cũng như thay đổi chính mình, vì người ta vẫn nói: thay đổi tất cả thì không thể tệ hơn giữ nguyên mọi thứ như ban đầu. Và anh tin vào điều đó.
Sách ngược đời xuôi chắc chắn không phải là một câu chuyện cổ tích, vì vốn trong cuốn sách đâu có kẻ tốt hay người xấu. Nhưng mỗi chúng ta đều có quyền tin vào cái kết kỳ diệu dành cho mỗi nhân vật và cả các cửa hàng sách. Ở một nơi tử tế thì đâu thể thiếu tiệm sách được cơ chứ!
***
Gabrielle Zevin là nữ tiểu thuyết gia trẻ người Mỹ, đến nay đã là tác giả của chín cuốn sách được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Sách ngược đời xuôi là một trong những tác phẩm nổi tiếng của cô, đã từng đứng trong danh sách bán chạy của tờ New York Times suốt bốn tháng liền. Hiện Zevin đang tập trung vào sự nghiệp biên kịch trước khi bắt tay vào cuốn sách thứ mười của cô.
Mời các bạn đón đọc Sách Ngược Đời Xuôi của tác giả Gabrielle Zevin.