Giới thiệu, tóm tắt, review (đánh giá) cuốn sách Đi Trốn của tác giả Bình Ca, cũng như link tải ebook Đi Trốn miễn phí với các định dạng PDF, EPUB sẽ được ebookvie chúng mình chia sẻ trong bài viết này, mời mọi người đọc nhé
Cuốn sách “Đi Trốn” đưa người đọc vào hành trình của những đứa trẻ, những người xảy ra những sai lầm nhỏ và sợ hãi trước án phạt của người lớn, mà họ quyết định “đi trốn” vào nơi rừng sâu để tránh sự trừng phạt. Bằng ngôn ngữ trong trẻo, câu chuyện truyền đạt cảm giác như người đọc đang tham gia vào chuyến phiêu lưu cùng các nhân vật, khám phá những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đôi khi mang đến cảm giác như đang theo dõi một bộ phim kinh dị với những cuộc chiến sinh tồn trong rừng hoang dã và nước độc.
Cuốn sách này kể về một câu chuyện diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Tất cả các nhân vật chính đều được xây dựng bởi sự tưởng tượng của tác giả. Vì vậy, nếu tình cờ có những chi tiết trùng với sự thật đã xảy ra ở một nơi nào đó, tác giả xin được miễn trách.
Đi trốn lấy bối cảnh những năm sáu-mươi, bảy-mươi của thế kỷ trước, trong giai đoạn Đế quốc Mỹ rắp tâm thực hiện âm mưu mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc, buộc một bộ phận lớn người dân Việt Nam thuở bấy giờ buộc phải sơ tán, phải tản cư đi khắp mọi miền mọi ngả, vừa kháng chiến, vừa tập trung kiến quốc. Lớp trẻ trong truyện cũng không là ngoại lệ. Từng là con em thủ đô, là con cháu của các cán bộ cấp cao, hay COCC như người ta vẫn thường gọi, giờ đây, ai cũng như ai, chuyển về các khu sơ tán, ngủ lán, nằm rừng, học tập sinh hoạt nhưng chưa bao giờ thôi lo lắng tiếng bom rơi đạn nổ. Song, Đi trốn không tập trung thuật lại những gian khổ ấy, bởi đâu đâu cũng được kể nhiều rồi. Bình Ca, cây bút đầy cuốn hút và cũng đầy mới lạ, đã chính thức khởi xướng một cuộc phiêu lưu.
Vì lo sợ sẽ bị kỷ luật nặng do “nghịch bậy” trong kho vũ khí, đạn dược của nhà nước, Việt Bắc, Tự Thắng, Linh, Hoài Nam (về sau bớt Nam thêm Thảo) cùng với Sơn đã quyết định rời trại sơ tán, “tạm lánh” tới vùng sơn cước chưa một dấu chân người. Cuộc “trốn trại” dự tính chỉ diễn ra trong tầm đôi ba ngày, song nào ngờ, do đạn bom phía địch, chuyến phiêu lưu kỳ thú, hấp dẫn bỗng biến thành một cuộc sinh tồn đầy hiểm nguy giữa lòng rừng thiêng nước độc. Năm đứa trẻ đang chấp chới tuổi trưởng thành, nay bỗng buộc học cách đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức: thú dữ, hoa độc, bom đạn, và đặc biệt là những tuyệt lộ tít mù khơi kin kít không một lối ra.
Như đã nói ở trên, trước khi tìm tới Đi trốn, mình cũng đã từng đọc qua (và mê mệt) Quân khu Nam Đồng. Mê lối kể chuyện, mê cách dùng từ, mê nhân vật, mê bối cảnh, mê cả những thông điệp ý nghĩa mà người đọc chỉ có thể ngẫm tới sau khi đã ngưng dứt thành công những trận cười nắc nẻ. Ở cuốn sách thứ hai này, Bình Ca không những tiếp tục phát huy tốt những ưu điểm đó, mà thậm chí còn mài giũa chúng để thiên truyện càng trở nên hay ho gấp bội.
Cái hay đầu tiên đáng để nhắc tới nhất, đó chính là việc xây dựng không khí truyện – đầy tươi sáng và lạc quan. Lấy bối cảnh đất nước những năm bom đạn, song phủ lên từng con chữ trong Đi trốn không phải là tấm vải liệm tang tóc, bi thương, mà đổi lại lại là bầu không khí tươi vui, đẫm trong ánh sáng. Chắc có lẽ bởi hơn ba trăm trang sách chỉ xoay quanh đôi mắt nhìn của đám trẻ loi nhoi, nên phải hiếm lắm mới thấy một chút gì gọi là sầu thảm hay bi kịch. Truyện chủ yếu viết về những trò đùa, những cuộc vui, những chuyến phiêu lưu bất tận của tuổi thơ mà những người đã “bước qua bên cái sườn dốc bên kia của đời” khó lắm mới có thể hiểu nổi. Con nhà lính, tình nhà lính, học cách lính, chơi cách lính. Không ít những pha dở khóc dở cười đã nổ xuyên suốt từ đầu tới cuối truyện: từ phi vụ làm tên lửa, “ỉa thuê” tới cả trộm đạn đi tập bắn. Dường như cái bi kịch của chiến tranh không mảy may có thể chạm tới khát khao phiêu du của bầy trẻ. Máy bay địch tới, chúng ngắm nhìn bầu trời xanh vằn vện những vệt khói trắng với niềm thích thú vô hạn. Bom địch dội, chúng vội chạy vào hầm, nhưng bom đi, chúng lại tiếp tục cuộc chơi. Chúng chơi với súng, nghịch với đạn, cho tới khi toác cả đầu, tướt cả máu, chúng cũng chỉ hốt hoảng đôi hồi, chạy lẹ vào trạm xá rồi lại thôi.
Song, không phải vì thế mà lại có thể phán xét rằng Đi trốn phản ánh hiện thực một cách hời hợt. Mặt khác, truyện bám rất sát thực tế lịch sử, với chất hiện thực sắc lạnh như có thể sờ, chạm thấy ở từng con chữ. Đó là câu chuyện của những đứa trẻ từ miền Nam ra đất Bắc, luôn gặp phải không ít những khó khăn trong công cuộc hòa nhập với đồng bào; là câu chuyện của những gia đình vì chiến tranh mà buộc phải li tán, vì thời gian mà đánh rơi mất những kỷ niệm bên nhau; là những sai lầm trong đấu tố giai cấp, là những thiếu sót trong công cuộc Cải cách, đem lại không ít những đớn đau, bất hạnh. Viết về lịch sử, song Bình Ca không hề muốn đánh giá hay suy xét lại lịch sử, ông chỉ muốn kể một câu chuyện, và từ đó mỗi chúng ta đều có thể gom nhặt lại được chút gì đó cho mình.
Cái hay thứ hai, đó là cách Bình Ca miêu tả con người – miêu tả con người trong tương quan so sánh với cái hung hiểm, cái độc dữ lẫn cả cái đẹp, cái tráng lệ của tự nhiên. Nhân vật xuất hiện trong Đi trốn không nhiều. Vị chi trừ đi năm, sáu đứa trẻ tham gia vào cuộc phiêu lưu thì chỉ còn đôi ba người lớn và những cái tên được điểm qua điểm lại, song cũng bởi vậy mà mỗi nhân vật, mỗi con người đều như hiện lên với những nét tính cách, những câu chuyện đời đậm đặc chất riêng. Sinh ra trong thời loạn, dường như cái “máu lính” đã chảy rần rật trong huyết quản mỗi người ngay từ khi chúng còn chưa biết vâng dạ. Chúng ăn nói bỗ bã, vui chơi thì toàn những trò đùa trời đánh thánh hết hồn, tưởng vậy là hư, son chúng lại sống vô cùng tình cảm, trọng tình nghĩa và luôn hết lòng vì bè bạn. Vì một đứa mang tội, cả đám sẵn sàng khăn gói ới nhau vào rừng tạm lánh. Vì một trò nghịch dại, cả đám mặc kệ tương lai trường lính, quyết cùng bạn bè sinh tử có nhau. Chính bởi vậy mà cái cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ ấy mới có dịp được khởi xướng.
Xuyên suốt cuộc băng suối, thăm rừng, người đọc không những nhìn thấy được tình bạn khăng khít lẫn cả những tình cảm lứa đôi trong sáng vừa mới chớm nở, thấy được sự tháo vát, tài trí, dũng cảm của đám trai, đám gái nhà binh, hơn thế nữa, ta còn có cơ hội đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên núi rừng đất nước thuở ban sơ – khi mà sự tàn phá của con người hiện mới chỉ là một viễn cảnh xa xôi không tưởng. Đó là thiên nhiên của những mặt hồ trong vắt, lấp lánh ánh nắng mỗi sớm mai vươn mình; là thiên nhiên của những vạt rừng ríu rít tiếng chim kêu, của vô vàn những loài động vật hoang dã giờ hiện đang ngấp nghé bên bờ tuyệt chủng; là thiên nhiên của những hang động kỳ vĩ, của những khối thạch nhũ trăm sắc, ngàn dạng, của hoa lá, của cỏ cây, của chốn thiên đường trên mặt đất. Lối miêu tả giản dị song đầy sức gợi, kết hợp cùng sự am tường các vùng, miền địa lý, Bình Ca đã thực sự phác nên một bức tranh thiên nhiên Việt Nam kỳ thú tới nín lặng. Bức tranh ấy như thoát ly khỏi hiện thực tàn khốc thời chiến, như xa rời khỏi những mất mát, bạo tàn của chiến tranh, đem tới những mộng tưởng tuyệt đẹp về cuộc sống thôn dã bắt cá, trồng cây thanh bình, yên ả, khiến độc giả không khỏi ngất ngây, say đắm.
Giản dị, hài hước mà cũng hết đỗi sâu sắc. Mình nghĩ Đi trốn là một trong những cuốn sách tuyệt vời mà ai, ở độ tuổi nào, quan điểm sống ra sao, cũng đều có thể đọc được. Hành trình “đi trốn” ròng rã nhiều ngày trời của Việt Bắc, Tự Thắng, Linh, Sơn, Hoài Nam và Thảo thực sự không đơn thuần chỉ là một cuộc phiêu du thú vị mà cũng đầy trắc trở, đó còn là hành trình đi-để-đến, đi để trưởng thành, đi để chiêm nghiệm, đi để chắc chắn là bản thân ta đã đã lớn thêm chút ít. Đánh giá: 5/5 sao.
MỘT CÂU CHUYỆN SINH ĐỘNG VÀ CẢM ĐỘNG
Năm năm sau ngày ra mắt Quân khu Nam Đồng, cuốn truyện đầu tay rất hay và thành công của mình, tác giả Bình Ca đã viết xong cuốn thứ hai. Năm năm, là khoảng thời gian vừa phải để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, và sự điềm tĩnh ấy cho thấy là nhà văn đã không vì sự đánh giá cao và cả sự hối thúc nữa của dư luận bạn đọc mà phải vội vã, song cũng không quá chậm rãi khiến làm giảm đi mất nhuệ khí và phong độ của cuốn đầu.
Qua những trang mở đầu cho tiểu thuyết Đi trốn, tôi hiểu do đâu mà tác giả đã tin cậy lựa tôi là một trong những người đọc bản thảo. Là bởi vì cuốn tiểu thuyết này kể về cuộc đời của thế hệ tôi, hoặc nói một cách cụ thể hơn là lứa chúng tôi, những đứa trẻ “con nhà cán bộ kháng chiến”, sinh ra vào đầu thập niên 1950 ở vùng tự do; sau ngày kháng chiến thành công theo gia đình về Thủ đô yên hưởng mười năm hòa bình giữa hai cuộc chiến; tới đầu 1965 cuối thời niên thiếu lại bắt đầu đời gian khổ: rời Hà Nội, xa bố mẹ sơ tán về các miền quê, trải từng cuộc sống kham khổ thiếu thốn cùng đồng bào nông thôn; học hành, thi cử trong không gian đất trời dữ dội thời Chiến tranh Phá hoại; và đến tuổi thanh niên thì tiếp bước cha anh lên đường trường chinh chống Mỹ. “Bởi hầu hết số phận của những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong những năm đất nước có chiến tranh là ở chiến hào”.
“Có thể mường tượng thấy hướng đi cuộc đời của các nhân vật trong Đi trốn là như vậy, tuy nhiên tác giả không dõi theo họ cho tới ngày họ lên đường ra trận, mà, như đã nêu trong phần Vĩ thanh: “Cuộc đời mỗi người như một dòng sông, luôn chảy về phía trước. Trong cuốn sách này, tôi muốn giới hạn câu chuyện kể về những nhân vật của mình trong một khúc sông tuổi thơ.”
Một khúc sông ngắn ngủi thời niên thiếu, một cuộc phiêu lưu trẻ thơ, non nớt, vụng dại. Ban đầu chỉ với ý định tạm trốn khỏi trại sơ tán để thoát cuộc điều tra liên quan đến việc ăn trộm súng đạn, bốn cậu học trò Tự Thắng, Việt Bắc, Linh, Hoài Nam, về sau bớt Nam thêm Thảo, cùng với Sơn là cậu bạn người địa phương đã bí mật rủ nhau làm một chuyến “dã ngoại” thăm thú núi rừng hang động. Nhưng do vướng vào trận bom Mỹ nên cuộc trốn học rong chơi ấy đã hóa thành một vụ lạc rừng đáng sợ, đầy gian nan và hiểm nguy, đi dần đến tuyệt lộ.
Đây là một vụ mất tích do nhà văn tưởng tượng ra hay là một hồi ức có thật? Bạn đọc khó lòng phân biệt, nhưng dù là hư cấu hay phi hư cấu, Đi trốn vẫn là một câu chuyện được kể rất sinh động và cảm động.
Với vốn sống dày dặn phong phú và bằng lời văn kể chuyện giản dị, miêu tả phác họa, nhanh và tự nhiên, chữ nghĩa không cầu kỳ nhưng diễn đạt được nội tâm cùng lối nghĩ và lời nói của các nhân vật một cách rất đúng tuổi đúng thời, nhà văn Bình Ca đã nhẹ nhàng, trữ tình và cả hóm hỉnh nữa, dẫn dắt bạn đọc qua lần lượt những chặng mạo hiểm đầy hấp dẫn và hồi hộp: đánh nhau với rắn hổ mang chúa, bị ong mật tấn công, gặp phải trăn gấm, đụng đầu bom Mỹ… Và giữa những pha gay cấn ấy, ngòi bút nhà văn đã đồng thời làm hiện lên trước mắt chúng ta vẻ đẹp nên thơ và huyền bí của thiên nhiên hoang dã: Hồ Mây, Vách Đá Ma, Vườn Chim, Động Người Xưa… Nhưng điều quan trọng hơn cả, cốt yếu đối với một tác phẩm văn học, ấy là nhà văn đã khắc họa được rõ nét diện mạo, tính nết, phẩm cách và phần nào đó cả gốc gác thân phận của từng nhân vật trong nhóm trẻ đi trốn.
Đọc bản thảo Đi trốn, tôi vừa như đang nhập mình vào một chuyến đi cắm trại hồn nhiên tưoi vui của một nhóm thanh thiếu niên, lại như đang trở về với ký ức xưa kia, một toán lính trẻ tân binh bị lạc trong rừng sâu sau trận đánh, đang co cụm lại, sát cánh nhau vượt qua nguy nan lần đường trở về với đơn vị. Phần nào đó như những người lính ấy, năm bạn trẻ trong Đi trốn, ngoài Sơn có kinh nghiệm núi rừng, đều là dân thị thành không chút từng trải, nên thoạt đầu khi gặp tình huống gian nan thì không tránh khỏi bối rối, hoang mang, sợ hãi, song đã vừa độc lập và tự thân kiên cường lên, vừa giữ vững được sự đoàn kết, nương tựa vào nhau, vực dậy tinh thần và sức lực của nhau, cùng nhau vượt qua hoàn cảnh tuyệt vọng.
Hồi trước, trong chiến tranh, tôi luôn thầm một nỗi ngạc nhiên về những bạn đồng đội vốn là học trò thành phố, con em các gia đình cán bộ công nhân viên chức, thậm chí có cả COCC, nghĩa là những tay, như người ta thường định kiến, chính hiệu tạch tạch xè, dài lưng tốn vải và quen ăn trắng mặc trơn, vậy mà do đâu, vì sao, họ đã mau chóng và mạnh mẽ nhập mình vào quân ngũ, cứng cáp lên rất nhanh, sớm trở thành những chiến binh can trường trong chiến đấu, giỏi chịu đựng gian khổ, tháo vát lanh lẹ vượt qua những tình huống khó khăn thử thách? Có thể nói tiểu thuyết Đi trốn như đang muốn giúp tôi tự cắt nghĩa thắc mắc ấy.
Theo tôi, nhóm bạn trẻ năm người trong tiểu thuyết chính là hình ảnh thời niên thiếu của cánh lính trẻ gốc gác học trò thành thị những năm chống Mỹ. Nhờ vào truyền thống gia đình (mà trong truyện là trực tiếp từ đường đời và số phận có thể nói đầy nghiệt ngã và bi kịch của cha mẹ), và do hoàn cảnh đất nước bị tai ương chiến tranh, phải rời Hà Nội đi sơ tán, sớm chạm trán với khó khăn thử thách, (mà trong truyện là cuộc đi trốn đầy hiểm nguy), các nhân vật thiếu niên hồn nhiên vô tư lúc đầu truyện đến cuối truyện đã từng trải và trưởng thành hẳn lên. Có thể thấy trước rằng với những đức tính và phẩm cách bước đầu có được sau cuộc đi trốn nhớ đời ấy mà Tự Thắng, Việt Bắc, Linh, Thảo sẽ là những nhân vật điển hình cho một thế hệ thanh niên còn ghi dấu mãi trong lịch sử đất nước: thế hệ đã trải qua thời niên thiếu gian khổ nhưng gắn bó sâu nặng với nhân dân và thiên nhiên, thế hệ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, thế hệ đã đưa đất nước vượt qua gian khó thời hậu chiến bao cấp, thế hệ đã mở màn công cuộc Đổi mới…
Nhà văn Bình Ca gắn bó mật thiết với thế hệ ấy. Truyện Quân khu Nam Đồng và tiểu thuyết Đi trốn đều kể về thời thanh thiếu niên của họ. Và rồi đây, như nhà văn đã hứa hẹn: “Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ kể cho các bạn về họ ở một khúc sông khác, trong một câu chuyện chiến tranh.” Tôi chắc chắn nhà văn sẽ luôn thành công trong văn nghiệp như là sự thành công của thế hệ tuyệt vời ấy.
Bảo Ninh
Nguồn: https://ebookvie.com