Sau khi người cha bị phá sản và qua đời, cô bé Sara Crewe từ chỗ được yêu chiều hết mực ở trường nội trú của cô Minchin, bỗng trở thành đứa trẻ mồ côi phải sống trên gác mái, bị đối xử tàn tệ, ăn chẳng đủ no. Nhưng sự tàn nhẫn của cô Minchin không hề làm Sara thay đổi, cô bé luôn là nàng công chúa nhỏ thông minh và nhân hậu, kiên nghị trong khó khăn. Nhờ tình bạn của Becky, Ermengarde và cả chú chuột Melchisedec, Sara vẫn giữ được niềm tin vào những điều tốt đẹp, và rồi một ngày, phép màu thật sự đã xảy ra với tất cả. Từ khi ra đời, câu chuyện Công chúa nhỏ đậm màu sắc cổ tích, ca ngợi lòng tự trọng, tình yêu thương và lung linh sắc màu tưởng tượng luôn được nhiều thế hệ thiếu nhi yêu thích. Cuốn sách đã nhiều lần được chuyển thành phim điện ảnh, truyền hình và nhạc kịch.*** Frances Hodgson Burnett sinh ra tại Manchester (Anh, với tên đầy đủ Frances Elisa Hodgson Burnett, là một tiểu thuyết gia vĩ đại. Bà đã viết nhiều tác phẩm có giá trị. Trong dòng văn học lãng mạn bà đã cống hiến: Through One Administration (1883, Tiểu Huân tước Fauntleroy (Litter Lord Fauntleroy, 1886, Phu nhân của phẩm giá (A Lady of Quality, 1896… Nhưng những tác phẩm thực sự mang lại tên tuổi của bà là những tác phẩm dành cho thiếu nhi, đặc biệt là: Khu vườn bí mật (1888, Sara Crew (1909, sau viết lại với tên A little Prince. *** Vào một ngày đông ảm đạm, một màn sương màu vàng bao trùm lên cây cối trên đường phố Luân Đôn, đầy đến nỗi tất cả các cửa hàng đều phải bật đèn lên như ban đêm vậy. Một bé gái trông vẻ mặt hơi khác thường ngồi cùng cha trên một chiếc xe đi chầm chậm trên các đường phố chính. Em ngồi co chân lên, dựa vào bố, dán mắt qua cửa sổ ngắm nhìn mọi người qua lại với những ý nghĩ cổ điển kỳ quặc được thể hiện qua ánh mắt to tròn của em. Người bố ôm lấy vai con gái. Dáng hình nhỏ bé của em chẳng phù hợp với cách nhìn và những gì thể hiện trên khuôn mặt nhỏ nhắn của mình. Khuôn mặt đó còn già dặn hơn cả đứa trẻ mười hai tuổi chứ không phải là đối với một em gái mới chỉ có bảy tuổi như Sara Crewe. Sự thực là lúc nào em cũng chìm trong những mơ mộng và những suy nghĩ về những chuyện không bình thường. Chính em cũng chẳng thể nhớ nổi có khi nào mình không nghĩ đến thế giới của người lớn không. Em có cảm tưởng như mình đã sống một quãng đời dài lắm rồi. Lúc này đây em đang nhớ về những gì đã xảy ra trong chuyến đi mà em cùng cha, thuyền trưởng Crewe, đã thực hiện từ Bombay về Luân Đôn. Em nghĩ về những con tàu đồ sộ, những thủy thủ người Ấn Độ lặng lẽ đi tới đi lui trên thuyền, về những đứa trẻ chơi trên boong tàu nóng bức và cả những người vợ của những sĩ quan trẻ tuổi, họ thường bắt chuyện với em và bật cười khi em nói những gì ngộ nghĩnh. Phần lớn suy nghĩ của em tập trung vào những điều kỳ lạ khi em còn ở Ấn Độ dưới ánh nắng cháy bỏng hay ở giữa đại dương và rồi lại đi trên chiếc xe lạ hoắc qua những dãy phố xa lạ, nơi mà ban ngày cũng tối như ban đêm vậy. Bất chợt em cảm thấy bối rối và ngồi xích lại gần bố, thì thầm với giọng huyền bí gọi “Bố ơi”. “Gì vậy con yêu?” Thuyền trưởng Crewe hỏi và kéo con gái lại gần mình hơn, nhìn vào mặt con và tự hỏi “Không biết con bé đang nghĩ gì?” “Đây có phải là “nơi đó” không bố?” Sara thì thầm và càng xích lại gần cha hơn. “Có phải “nơi đó” không bố?” “Đúng rồi con gái bé bỏng của bố, cuối cùng thì bố con mình cũng đã đến nơi rồi.” Mặc dù mới bảy tuổi nhưng em đã nhận ra rất rõ rằng bố đã rất buồn khi phải trả lời câu hỏi của em. Đối với Sara, bố đã phải chuẩn bị tư tưởng cho em rất lâu về cái “nơi đó” theo cách gọi của em. Em mất mẹ ngay sau khi cất tiếng khóc chào đời nên em chẳng có chút kỷ niệm gì về mẹ và chưa bao giờ có khái niệm nhớ mẹ cả. Người bố trẻ, đẹp, giàu có và hết mực cưng chiều con là mối quan hệ máu mủ duy nhất mà em có trên đời. Hai bố con rất yêu quý, quấn quýt nhau và thường chơi đùa cùng nhau. Em hiểu cha mình giàu vì nghe được những người xung quanh bàn tán như vậy khi họ cho là em không chú ý nghe. Họ cũng bàn tán với nhau rằng lớn lên Sara cũng sẽ giàu có nhưng em chưa thể hiểu hết ý nghĩa của từ giàu có là như thế nào. Em luôn sống trong căn nhà xinh đẹp và luôn có những người hầu luôn cúi đầu chào và gọi em là “cô chủ nhỏ” và luôn chiều theo mọi ý muốn của em. Sara có rất nhiều đồ chơi, vật cảnh và cả một người hầu gái rất biết nghe lời và kính nể em. Dần dần em hiểu ra rằng người giàu thường có những thứ này. Đó là tất cả những gì mà em hiểu được về hai từ “giàu có”. Có lẽ từ khi em chào đời chỉ có mỗi một chuyện duy nhất làm em khó chịu đó là mỗi khi nghĩ đến cái “nơi đó”, nơi mà em sẽ phải đến ở một mình vào một ngày nào đó. Người lớn cho rằng khí hậu ở Ấn Độ rất không tốt cho trẻ em nên người ta thường gửi con đi học ở đâu đó càng sớm càng tốt, thường là các trường học ở nước Anh. Em cũng đã chứng kiến các bạn nhỏ khác cũng bị gửi đi và cũng được nghe các ông bố bà mẹ đọc những lá thư của con cái mình, nên em hiểu rằng em cũng có nghĩa vụ phải đi học như thế nhưng em vẫn buồn vì sẽ không được cùng cha đi đến những vùng xa lạ và nhất là không được ở cùng với người cha yêu quý của mình nữa. “Bố có đến “nơi ấy” cùng con được không?” Câu hỏi này Sara đã đặt ra từ lúc em mới lên năm tuổi. “Bố cũng đi học chứ? Con sẽ giúp bố làm bài tập.” “Con có phải ở lại đây lâu đâu. Con sẽ đến một căn nhà đẹp đẽ, ở đó có rất nhiều các bạn nhỏ như con và các con sẽ cùng chơi với nhau. Bố sẽ gửi cho con thật nhiều sách để con đọc. Con sẽ lớn nhanh như thổi đến nỗi chỉ một năm sau thôi là con đã đủ lớn và đủ khôn để trở về chăm sóc bố được rồi.” Sara rất thích thú với ý nghĩ được chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa giúp bố, đi dạo cùng bố và được ngồi đối diện với bố ở đầu bàn ăn mỗi khi bố mở tiệc hoặc được nói chuyện hay đọc sách cùng bố. Đó là tất cả những gì Sara mơ ước ở trên đời này. Nếu như phải đi đến “nơi đó” ở nước Anh để có thể đạt được mơ ước của mình thì em sẵn sàng đi ngay. Sara chẳng mấy quan tâm đến việc bố nói sẽ có rất nhiều bạn gái khác mà em chỉ quan tâm đến sẽ có rất nhiều sách, có sách là em đã được an ủi phần nào trong những ngày xa bố vì em thích sách hơn bất cứ cái gì. Em đã từng sáng tác ra những câu chuyện về các đồ vật xung quanh và tự kể lại cho mình nghe. Thỉnh thoảng em cũng kể lại những câu chuyện tự mình hư cấu cho bố nghe và bố cũng thích thú nghe chẳng kém gì em. “Bố,” Sara nói yếu ớt “Con nghĩ là từ nay chắc cha con mình phải chấp nhận số phận thôi.” Ông cười vì cách dùng từ rất người lớn của con rồi hôn con âu yếm. Ông không hề có ý định cam chịu mặc dù ông phải giấu kín trong lòng. Ông đã quá quen với sự có mặt của Sara và nghĩ rằng ông sẽ rất cô đơn khi quay về Ấn Độ một mình, bước vào căn nhà mà ông biết chắc rằng không còn có đứa con gái bé bỏng trong bộ váy trắng chạy ùa ra đón ông nữa. Nghĩ tới đó ông ghì chặc Sara vào lòng trong khi cỗ xe lăn đến góc phố rộng nhưng buồn tẻ, nơi có ngôi nhà mà cha con ông phải tới. Nó là một ngôi nhà gạch lớn, xấu xí giống như những căn nhà khác trong cùng dãy phố. Trước cửa nhà có treo một chiếc biển bằng đồng có khắc chữ màu đen: CÔ MINCHIN TRƯỜNG DÒNG DÀNH CHO NỮ SINH