Cuốn sách “Xã Hội Việt Nam Từ Thế Kỷ XVII” của các tác giả Kiều Mai Sơn, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Trung Thành sưu tầm những bản dịch, bài viết của nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Phấn (1910-1996đăng trên tạp chí Thanh Nghị từ năm 1941 đến năm 1945. Nội dung các bài viết mô tả xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII qua sự quan sát, ghi chép của những người phương Tây đến Việt Nam vào thời gian đó. Nhà Sử học Dương Trung Quốc trong “Đôi lời về một người ẩn danh” (Thay lời tựa sáchđã viết: “…Cuốn sách này rất mỏng, lại chỉ là những mẩu tư liệu sưu tầm từ những sách báo của người phương Tây viết về buổi tiếp xúc đầu tiên với đất nước và con người Việt Nam vào thế kỷ XVII. Đó mới chỉ là những bài báo rút ra từ tờ “Thanh Nghị”, sự tập hợp trách nhiệm của những trí thức có tinh thần dân tộc vào thời điểm đang đón chờ cơ hội giành độc lập cho đất nước khi chiến tranh Thế giới lần thứ II tạo ra… Đúng như phụ đề “thu nhặt tài liệu để giúp vào sự giải quyết những vấn đề quan hệ đến cuộc sinh hoạt của dân tộc Việt Nam”, cụ Nguyễn Trọng Phấn và các bạn trí thức “đồng chí” của mình đã làm mọi việc để đặt nền tảng cho một tư duy mới, điều mà ngày nay ta hay dùng, là chuẩn bị tâm thế cho công cuộc hội nhập với thế giới một khi nước nhà giành được độc lập…”.