Hảo ra bến xe vừa kịp chuyến đầu tiên chạy Hải Phòng. Hai hàng ghế trên đã có người ngồi chật. Thấy cô gái ló đầu ở cửa sổ, một anh đeo kính nhỏm dậy, muốn nói gì. Có lẽ anh định nhường chỗ. Nhưng Hảo đã chạy vội về phía sau. Cô lên xe đặt chiếc túi du lịch vào gầm ghế, rồi vui vẻ ngồi xuống một chỗ còn trống Đệm xe ngồi khá êm ái. Có lẽ không phải là chiếc xe đã đưa Hảo từ Hải Phòng ra đây một tuần trước. Nhưng rồi Hảo nhận ra chiếc bọc đệm bằng ni lông màu đỏ và nhất là cái cửa kính vỡ được thay bằng một tấm tôn sơn xanh, vẫn chính là nó. Sao hôm nay nhìn nó lại có vẻ sang trọng, cô gái tự hỏi mình. Một buổi sáng đầu mùa thu trong trẻo và yên tĩnh. Những dãy nhà của thị xã nhỏ ở miền biển này còn ngái ngủ. Một vài cánh cửa vừa hé ra đã vội khép lại. Hàng cây bên đường được sương đêm rửa đi lớp bụi hồng của những chiếc xe hơi chạy suốt ngày, bám trên những chùm lá. Mặt trời không biết còn chìm dưới biển hay khuất ở chân mây màu xám đục giống như tấm kính mờ. Gió sớm lành lạnh từ sông Bạch Đằng thổi về từng đợt. Cô gái vẫn còn cảm thấy ngây ngất với mỗi làn gió ở đây. Nó mang theo mùi hương ngan ngát, vị đậm đà và hơi thở mãnh liệt của biển. Nó không chịu đi qua mà không để lại dấu vết. Nó làm xanh thêm màu xanh của lá, xám thêm màu xám của con đường nhựa, sẫm thêm màu rêu trên những mái nhà… Và nhất là nó để lại dấu vết ở những con người. Đó là cái chất men rạo rực, kích thích làm cho người ta cảm thấy cơ thể mình cũng căng lên như một cánh buồm lộng gió. Cô bạn ở phòng phân tích mẫu vật ban nãy tỏ ra băn khoăn vì không tiễn được Hảo ra xe. Sáng nay, Loan phải lên ty họp sớm. Kể ra nó và cả cái phòng của nó đã thừa chu đáo đối với mình. Sự chu đáo đó làm cho Hảo phải ân hận khi nhớ lại những lần bạn về Hà Nội đến thăm mình. Hảo vừa tốt nghiệp khoa sinh vật tại trường Đại học Tổng hợp và đang ở thời kỳ chờ đợi sắp xếp công tác. Cô xuống Quảng Yên chơi với một người bạn học cũ và cũng là để thăm hỏi tình hình. Hảo đã nhận thấy không khí làm việc khá dễ chịu. Cô bạn ra trường trước Hảo một năm, ngày hai buổi ngồi ở phòng phân tích, trông ra dáng một nhà nghiên cứu. Không có những khó khăn và thay đổi lớn so với lúc ở trường. Mọi người hay nhắc tới những chuyến đi biển. Đó là những chuyến đi tới những hòn đảo mang những cái tên tuyệt đẹp: Minh Châu, Cô Tô, Ngọc Vừng… Nghe anh chị em kể chuyện các đảo, Hảo phát ghen lên với những người đã được đặt chân tới đó. Chỉ mới ở có ít ngày, Hảo đã thấy rất mê sông biển và phong cảnh vùng này. Những khu rừng xanh mướt quanh năm. Những cây thông thơm ngát có những chùm lá vươn lên cao như những bàn tay đẹp của cô gái múa. Những con sông cuồn cuộn đổ ra biển, đem phù sa từ đất liền tạo thêm bờ bãi mới. Cô gái đã ngồi hàng giờ nhìn những cây sú hoang dại đứng dầm chân trên bùn đỏ và những con cáy, con còng chạy ngang, chạy dọc say sưa nghĩ đến công việc mình sẽ làm sau này. Một chân trời xán lạn, xanh rờn sóng nước đang mở ra trước mắt. Trong khi mọi người kể cho Hảo nghe về cái hay của biển và đảo, có những người đã để lộ ra một điều: đó là sự ngại ngùng đối với sóng gió. Họ đã coi những chuyến đi biển như vậy là không thể tránh được vì nghề nghiệp của mình. Chính cái thái độ ấy đã kích thích Hảo. Mình sẽ không sợ những khó khăn, không tìm cách né tránh nó, không coi nó là cái gì mà mình chịu đựng. Mình sẽ không ở trong buồng kính như cái Loan và các bạn cùng phòng nó đâu. Mình sẽ xin đi… Tốt nhất là về một trong những đoàn điều tra mà Hảo nghe nói đang được tổ chức. Ở phòng thí nghiệm cũng hay nhưng ít nhất, trước khi vào phòng thí nghiệm, mình phải đi đã. Mình sẽ tự tìm đến với những khó khăn. Và chính ý nghĩ ấy đã đem niềm vui cho Hảo sớm nay khi cô gái lên đường trở về. Anh thanh niên đeo kính ngồi ở hàng ghế phía trước quay lại bà có bồ na ngồi bên Hảo, hỏi mua ít quả đã mở mắt. Bà bán na đang chọn, thì một anh mặc quần áo xanh công nhân nói chen vào: – Mua na mở mắt của bà ấy để bà ấy bóp mắt cho à? Hảo quay lại nhìn anh áo xanh, lo câu nói của anh dẫn đến chỗ to tiếng. Nhưng bà bán na có bộ mặt ngắn ngủn và cái lưng rất dài, không hề tỏ vẻ tức giận. – Chú em đừng nói càn. Ngoan rồi chị làm mối cho cô khí tượng ở Hà Nội mới về ở ngay nhà chị, đẹp như huê. – Người Hà Nội mà về cái đất nhà bà ngày mấy lần gánh nước leo dốc sỏi thì cũng mất “phom” Hà Nội đi rồi. Nhiều tiếng cười, trong đó nổi bật lên những tiếng hơ hơ hơ hơ… của anh chàng đội mũ cát, mặc áo sơ mi trứng sáo. Anh bắt đầu gom chuyện bằng giọng nói hiền lành: – Tôi sợ nhất đi xe đạp ở thị xã này. Đường chẳng có ma nào. Mình một bên đường, cô ấy một bên đường. Thế mà trông thấy mình là cô ấy lao sang đâm thẳng vào mình, quẹo cả ghi đông. Từ khi Hảo bước lên xe, nhiều người bỗng nhiên hoạt bát hẳn lên. Mấy anh thanh niên đều như muốn giới thiệu mình là người Hà Nội hoặc Hải Phòng. Hảo không khó chịu chút nào, cô cười theo họ rất hồn nhiên. Xe bắt đầu chuyển bánh. Những chùm lá tre lòa xòa hai bên đường cọ vào mấy chiếc xe đạp xếp trên mui. Những tiếng lạo xạo khô ráp như tiếng thóc đổ vào bổ. Anh áo xanh công nhân đã ngồi vào vị trí của mình ở cuối xe với cặp vé trong tay. Anh là người phụ lái. Những câu chuyện ngổ ngộ vẫn không dứt. Chốc chốc lại rộ lên những chuỗi cười trong đó vẫn bay lên những tiếng hơ hơ hơ hơ… của cái anh chàng chắc là tính nết phổi bò. Bác lái xe già sùm sụp chiếc mũ cát-két trên đầu, mặt mũi cau có. Bác đưa mắt nhìn vào gương phía trước xem anh chàng vô duyên đang nói là ai. Chỉ có một cô gái mà cánh thanh niên này đã bốc đồng cả lên. Đường ra sông Rừng vắng vẻ mà bác bỗng ấn những hồi còi. *** Nhà văn Hữu Mai, tên thật là Trần Hữu Mai (1926 – 2007, được sinh ra ở Thanh Hóa trong một gia đình viên chức nhỏ. Là nhà văn mặc áo lính, các sáng tác của Hữu Mai luôn viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Khoảng 60 năm cầm bút, Hữu Mai để lại hơn 60 đầu sách đã xuất bản, trong đó hầu hết viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Sinh ra trong giai đoạn chiến tranh, Hữu Mai trước hết là một chiến sĩ, chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Là chiến sĩ cầm bút, các trang văn của Hữu Mai đã ghi lại một thời đại lịch sử của dân tộc. Viết tiểu thuyết lịch sử, hồi ký, kịch bản phim, hay về nhân vật có thật trong lịch sử nhưng ngòi bút của ông không dừng lại ở việc phản ánh, ghi chép, kể lại. Tác phẩm của ông vừa có sức hấp dẫn của văn chương, vừa nói lên cái cao hơn sự thật khắc nghiệt, ấy là con người, dân tộc trong chiến tranh. Tiểu thuyết “Vùng trời” (ba tậplà bộ tiểu thuyết dày dặn nhất, công phu nhất về đề tài bộ đội không quân trong chiến tranh phá hoại của nhà văn Hữu Mai.