Do Sự-vụ-lệnh số 721-GD/VH/SVL, ngày 20-6-1962 của Ông Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục, một Ủy-Ban gồm những vị sau đây được thành-lập để khảo-duyệt quyển « Việt-Nam Nhân-Vật-Chí Vựng-Biên » do Ô. Hồ-đắc-Hàm và Ô. Thái-văn-Kiểm biên soạn :
– Ô. NGUYỄN-KHẮC-KHAM, Giám-Đốc Nha Văn-Khố và Thư-Viện Quốc-Gia, Chủ-tịch.
– Ô. BỬU-CẦM, Chuyên-viên Hán học Viện Khảo-cổ, Giảng-viên Đại-Học Văn-Khoa Saigon, Hội-viên.
– Ô. PHẠM-VĂN-DIÊU, Giảng-viên Đại-Học Văn-Khoa Dalat, Thuyết-trình-viên.
– Cô. TRỊNH-THỊ-YÊN, Giáo-viên Nha Văn-Hóa, Thư-ký.
Do công-văn số 14.418-GD/HV/NCGK ngày 1-9-62 và biên-bản của Ủy-Ban nói trên (được Ông Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục duyệt-y ngày 31-8-62), Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục đã chấp-thuận cho Nha Văn-Hóa xuất-bản trong tập-san « Văn-Hóa Tùng-Thư » quyển VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN.
***
Trên đường tìm hiểu Đất Nước, chúng tôi nhận thấy có nhiệm-vụ phổ-biến những tinh-hoa của Dân-Tộc, không ngoài mục-đích nâng cao trình-độ văn-hóa của đại-chúng, kích-thích lòng yêu nước thương nòi và phát-huy uy-tín Quốc-Gia đối với các dân-tộc khác trên thế-giới.
Trên lập-trường ấy, chúng tôi rất lấy làm hân-hạnh cho xuất-bản quyển : « VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN » của hai học-giả Hồ-Đắc-Hàm và Thái-Văn-Kiểm, đã dày công sưu-tầm, tra-cứu các sử sách xưa để thu-thập và xếp đặt tiểu-truyện và công-nghiệp các danh-nhân liệt-nữ Việt-Nam, theo thứ-tự a, b, c và theo quan-niệm « Cái quan luận-định » (Đậy nắp rồi mới xét-định giá-trị).
Sở-dĩ chúng tôi đã không ngần-ngại làm việc này, mặc dầu với những phương-tiện rất eo-hẹp, là vì chúng tôi đồng quan-niệm với người xưa rằng : « Dĩ cổ vi giám » (Lấy việc xưa làm gương), « Vô cổ bất thành kim » (Không có xưa làm gì có nay) và chúng tôi cũng tán-thành lời nói bất-hủ của triết-gia Auguste Comte : « Người chết coi quản người sống » (Les morts gouvernent les vivants).
Sau hết, chúng tôi thành thật mong ước lời phê-bình chỉ-giáo của liệt-vị độc-giả trong nước và hải-ngoại để hoàn-thiện kỳ tái-bản.
Saigon, Thu Nhâm Dần (1962)
Tòa-soạn Văn-Hóa Tùng-Thư
***
Muốn biết việc xưa, nên xem truyện cổ. Xem truyện cổ để hiểu cách xử-thế, hành-sự của người-xưa, suy-luận và rút kinh-nghiệm để xử-sự trong thời nay.
Vì lẽ đó mà ông Phó-Duyệt đã khuyên vua Cao-Tôn nhà Thương : « Người ta cần nghe biết cho được nhiều, để lập sự-nghiệp ; muốn vậy phải học những lời dạy của người xưa ; nếu không noi theo xưa, cứ tự-ý làm, mà được vĩnh-viễn trên đời, thì Duyệt này chưa từng nghe vậy ! » (Nhân cầu đa văn, thì duy kiến-sự, học vu cổ huấn nãi hữu hoạch ; sự bất sư cổ, dĩ khắc vĩnh thế, phỉ Duyệt du văn !) (Kinh Thư).
Tiếp lời ông Phó-Duyệt, đức Khổng-Tử cũng có nói : « Ta sinh ra không phải tự nhiên mà biết được mọi việc, trái lại phải ham học người xưa, siêng-năng tìm-tòi đó vậy ». (Ngã phi sinh nhi tri chi giả, hiếu cổ mẫn dĩ cầu chi giả dã).
Nước ta lập-quốc từ đời Hồng-Bàng tới nay đã mấy chục thế-kỷ ; trong khoảng thời-gian đó, các nhà chép sử đã biên theo từng thời-đại những việc hưng-vong thành-bại, những điều đắc-thất thị-phi, thảy thảy đều có ghi chép rõ-ràng.
Song các pho sách ấy đều biên-soạn bằng chữ Hán, ngày nay khó đem ra phổ-biến, vì rằng chữ Hán mất tính-cách thông-dụng như ngày xưa, và do đó những tài-liệu quý-báu của ta lần hồi có thể bị chìm đắm trong sự lãng quên.
Chúng tôi là đôi bạn vong-niên cùng đi trên đường tìm hiểu và phát-huy những tinh-hoa của dân-tộc, đã không ngần-ngại bắt tay vào việc thu-thập tra-cứu các pho sách sử chữ Hán và đem dịch lần ra Việt-ngữ, để cho đồng-bào trong nước và ở hải-ngoại ai nấy đều có thể làm bạn với người xưa, đã có công gây dựng nên cơ-đồ sự-nghiệp quang-vinh để chúng ta cùng thọ-hưởng.
Chúng tôi quan-niệm với Ernest Renan rằng tìm hiểu những nhân-vật xưa, chính là điều-kiện tất-yếu để tiến-bộ, là vì : « những người thật là tiến-bộ, khởi-điểm bằng sự kính-trọng dĩ-vãng ». (Les vrais hommes de progrès sont ceux qui ont pour point de départ un respect profond du passé).
Lại nữa, lòng yêu nước chân-chính không phải chỉ biết yêu đất nước mà phải biết yêu dĩ-vãng, biết kính-trọng những thế-hệ đã đến trước, như Fustel de Coulanges đã nói : « Le véritable patriotisme n’est pas seulement l’amour du sol, c’est encore l’amour du passé, c’est le respect pour les générations qui nous ont précédés ».
Chính vì quan-niệm như vậy mà chúng tôi đã khởi-công bằng cách lựa chọn một số danh-nhân liệt-nữ mà tiểu-truyện và công-nghiệp có ghi chép trong các bộ sử sách chính-yếu, như :
– Đại-Việt Sử-Ký của Ngô-Sĩ-Liên,
– Khâm-Định Việt-Sử của Quốc-Sử Quán,
– Đại-Nam Thực-Lục của Quốc-Sử Quán,
– Đại-Nam Liệt-Truyện của Quốc-Sử Quán,
– Đại-Nam Nhất-Thống-Chí của Cao-Xuân-Dục,
– Quốc-Triều Chánh-Biên của Cao-Xuân-Dục,
– Ô Châu Cận-Lục của Dương-Văn-An,
– Phủ Biên Tạp-Lục của Lê-Quý Đôn,
– Gia-Định Thông-Chí của Trịnh-Hoài-Đức,
– v.v…
…để biên soạn thành một cuốn lấy tên là : VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN lục-kê các nhân-vật theo thuận-tự a, b, c, để cho dễ tìm kiếm.
Ngoài ra, nếu trong « Việt-Sử Tổng-Vịnh » của vua Tự-Đức có vịnh đến các nhân-vật thì thi-vịnh ấy được phiên ra Việt-âm, rồi dịch ra Việt-văn, theo thể thơ, hay là trong « Đại-Nam Quốc-Sử Diễn-Ca » của Phạm-Đình-Toái có diễn đến thì cũng trích-đăng vào, để đọc cho vui tai và dễ nhớ.
Quyển Tự-Vựng này ra đời trong những điều-kiện thiếu-thốn, chắc thế nào cũng có nhiều sơ-sót, nhất là về các nhân-vật của thời-kỳ cận-đại, mà chúng tôi đang thu-thập tài-liệu để biên-soạn một cuốn thứ hai sẽ xuất-bản sau.
Vậy kính mong chư-vị độc-giả lượng-thứ và vui lòng chỉ-giáo để hoàn-thiện kỳ tái-bản.
Saigon, Mạnh-Xuân Nhâm-Dần (1962)
HỒ-ĐẮC-HÀM và THÁI-VĂN-KIỂM
Mời các bạn đón đọc Việt Nam Nhân Vật Chí Vựng Biên của tác giả Hồ Đắc Hàm & Thái Văn Kiểm.