"
Việt Nam Nhân Vật Chí Vựng Biên - Hồ Đắc Hàm & Thái Văn Kiểm full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Việt Nam Nhân Vật Chí Vựng Biên - Hồ Đắc Hàm & Thái Văn Kiểm full mobi pdf epub azw3 [Biên Khảo]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN Soạn giả : HỒ-ĐẮC-HÀM và THÁI-VĂN-KIỂM
Nhà xuất bản : NHA VĂN-HÓA BỘ QUỐC-GIA GIÁO-DỤC Năm xuất bản : 1962
------------------------
Nguồn sách : TVE-4U
Đánh máy : gacondeptrai, Vũ Đình Hào, Duonghuyen, Đình Giao, Robinson1412, tinhhienpt, nguyễn văn trọng, Kim Như, Lê Gia Thụy, Mekhoaibi, nonliving, bacboo, Aprilicious, ElvisRey, blacktulip161, Chau1011, meyeusoi, Phạm Đức Thảo, TiMon, Hanna Lê, Lucabarazi, Martian_K, tmtuongvy, Ngoc Ma
Kiểm tra chính tả : Lê Nguyễn Thuỳ Lynh, Nguyễn Văn Huy, Dương An Chi, Trần Văn Mạnh, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Văn Ninh, Trương Thu Trang
Biên tập chữ Hán – Nôm : Ngô Thị Huyền
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 10/10/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn soạn giả HỒ-ĐẮC-HÀM, THÁI-VĂN-KIỂM và NHA VĂN-HÓA BỘ QUỐC-GIA GIÁO-DỤC đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN PHI-LỘ
LỜI DẪN
ÁI (HOÀNG-ĐÌNH) 愛(⿈廷)
AM-(DƯƠNG-DOÃN) 庵(楊允) AN-(CHU) 安(朱)
AN-(DƯƠNG-VĂN) 安(楊⽂)
AN-(LÊ-THỊ) 安(黎⽒)
AN-(LÊ-VĂN) 安(黎⽂)
ÁN-(TRẦN-DANH) 案(陳名)
ẨU-(TRIỆU) 嫗(趙)
BA-(BÙI-MỘNG) 葩(裴梦)
BÁT-(CHÂN-THỊ) 扒(真⽒)
BẠT-(NGUYỄN-THÁI) 拔(阮泰) BẶC-(NGUYỄN) 匐(阮)
BẰNG-(LƯƠNG-ĐẮC) 朋(梁得) BIỂU-(NGUYỄN) 表(阮)
BÌNH-(LƯU-VĂN) 平(劉⽂)
BÌNH-(PHAN-ĐÌNH) 評(潘廷)
BÌNH-(VŨ-TRỌNG) 平(武仲)
BÍNH-(TRẦN-DANH) 柄(陳名)
BỬU-(QUÁCH-ĐÌNH) 寳(郭廷) CÁT-(ĐỖ-XUÂN) 吉(杜春)
CẨN-(PHAN-HUY) 謹(潘辉)
CẨN-(VŨ-XUÂN) 謹(武春)
CỰ-(TẠ-QUANG) 巨(謝光) CHÂN-(TRẦN) 真(陳)
CHÂN-(TRẦN-KHÁT) 真(陳渴) CHẨN-(PHẠM-TIẾN) 軫(范進) CHẤT-(LÊ) 質(黎)
CHÂU-(NGÔ-TÙNG) 周(呉從) CHÂU-(NGUYỄN-TỬ) 珠(阮⼦) CHÂU-(PHAN-BỘI) 珠(潘佩) CHÂU-(TỐNG-PHƯỚC) 珠(宋褔) CHÂU-(TRẦN-QUANG) 珠(陳光) CHI-(MẠC-ĐĨNH) 之(莫挺) CHI-(LÊ-QUANG) 枝(黎光) CHÍ-(NGUYỄN) 志(阮)
CHÍCH-(LÊ) 隻(黎)
CHIÊM-(NGUYỄN-KHOA) 占(阮科) CHỈNH-(NGUYỄN-HỮU) 整(阮有) CHUẨN-(TRẦN-VĂN) 準(陳⽂) CHUNG-(NGUYỄN-ĐỨC) 鍾(阮徳) CHUNG-(TRẦN-KHẮC) 終(陳克) DANH-(NGUYỄN-VĂN) 名(阮⽂) DẪN-(VĂN-ĐÌNH) 胤(⽂廷) DẬT-(NGUYỄN-CỬU) 逸(阮久) DẬT-(NGUYỄN HỮU) 鎰(阮有) DỊ-(NGUYỄN-CẢNH) 異(阮景) DU-(THÁI-BÁ) 攸(蔡伯)
DUẬT-(TRẦN-NHẬT) 煜(陳⽇) DIỆU-(HOÀNG) 曜(⻩)
DU-(NGUYỄN) 攸(阮)
DU-(PHẠM-NGUYỄN) 攸(范阮)
DUỆ-(VŨ) 睿(武)
DUY-(NGUYỄN) 維(阮)
DUYÊN-(ĐẶNG-THỊ) 緣(鄧⽒)
DUYỆT-(LÊ-VĂN) 悅(黎⽂)
DUYỆT-(TRƯƠNG-PHU) 說(張孚) DUNG-(ĐẶNG) 容(鄧)
DUNG-(MẠC-ĐĂNG) 庸(莫登)
DỤNG-(TRƯƠNG-QUỐC) ⽤(張國) DƯ-(TRẦN-KHÁNH) 餘(陳慶)
DƯƠNG-(NGUYỄN) 楊(阮)
ĐÁN-(TRẦN-NGUYÊN) 旦(陳元)
ĐẢN-(NGỤY-KHẮC) 亶(魏克)
ĐẠO-(VŨ-CÔNG) 道(武公)
ĐẠT-(NGUYỄN-ĐỨC) 逹(阮徳)
ĐẠT-(TRẦN-HƯNG) 逹(陳興)
ĐẮC-(NGUYỄN-ĐÌNH) 得(阮廷)
ĐĂNG-(NGUYỄN-KHOA) 登(阮科) ĐỆ-(LÊ-CẬP) 苐(黎及)
ĐIỀN-(TRẦN-QUỐC) 塡(陳國)
ĐIỂN-(LÊ-PHƯỚC) 腆(黎福)
ĐINH-(TIÊN-HOÀNG) 丁(先皇) (968-979) ĐINH-(PHẾ-ĐẾ) 丁(廢帝)
ĐỘ-(NGUYỄN-HỮU) 度(阮有)
ĐỘ-(TRẦN-THỦ) 度(陳守)
ĐỔ-(NGUYỄN-NHƯ) 堵(阮如)
ĐỔ-(TRƯƠNG) 覩(張)
ĐỐC-(PHẠM) 篤(范)
ĐÔN-(LÊ-QUÍ) 惇(黎貴)
ĐỐNG-(HỒ-SĨ) 棟(胡⼠)
ĐỚI-(VŨ) 戴(武)
ĐỨC-(NGUYỄN-HOÀNG) 德(阮⻩) ĐỨC-(TRỊNH-HOÀI) 德(鄭懷)
ĐƯỜNG-(NGUYỄN-TRỌNG) 珰(阮仲) ĐƯƠNG-(NGUYỄN-TRỌNG) 珰(阮仲) GIÁC-LÊ 覺(黎)
GIAI-(NGUYỄN-VĂN) 偕(阮⽂) GIẢN-(NGUYỄN-ĐÌNH) 簡(阮廷) GIẢN-(PHAN-THANH) 簡(潘清) HÀI-(ĐOÀN-NHỮ) 諧(段汝)
HÃN-(TRẦN-NGUYÊN) 扞(陳元) HÃNG-(NGUYỄN-CÔNG) 沆(阮公) HÂN-(LÊ) 忻(黎)
HIỂU-(LÊ-PHỤNG) 曉(黎奉)
HỔ-(BÙI-CẦM) ⻁(裴扲)
HUY-(ĐÀM-THẬN) 徽(譚愼)
HÙNG-VƯƠNG 雄王 (2879-258 tr Th.C) KỲ-(BÙI-BÁ) 耆(裴伯)
KÝ-(NGUYỄN-BÁ) 驥(阮伯)
KIÊM-(ÔNG-ÍCH) 謙(翁益)
KIỂM-(TRỊNH) 檢(鄭)
KIỆT-(LÊ-TUẤN) 傑(黎俊)
KIỆT-(LÝ-THƯỜNG) 傑(李常)
KIM-(NGUYỄN-THỊ) ⾦(阮⽒)
KHA-(DƯƠNG-TAM) 哥(楊三)
KHẢ-(TRỊNH) 可(鄭)
KHẢI-(TRẦN-QUANG) 啟(陳光)
KHÁNH-(LƯƠNG-HỮU) 慶(梁有)
KHIÊM-(ĐẶNG-MINH) 謙(鄧鳴)
KHIÊM-(NGUYỄN-BỈNH) 謙(阮秉)
KHOAN-(PHÙNG-KHẮC) 寬(馮克)
KHÔI-(LÊ) 魁(黎)
KHÚC-CHÚA (KHÚC-THỪA-HẠO) 曲顥 KHƯƠNG-(NGUYỄN-TRỌNG) 姜(阮仲) LAI-(LÊ) 來(黎)
LANG-(NGUYỄN-VĂN) 郎(阮⽂)
LANG-(TRẦN-NGÔ) 郎(陈吳)
LÃO-(PHẠM-NGŨ) ⽼(范五)
LÊ-(ĐẠI-HÀNH) 黎(⼤⾏)
LÊ-(TRUNG-TÔNG) 黎(中宗) (1005) LÊ NGỌA-TRIỀU-ĐẾ 黎卧朝帝 (1005-1009) LÊ THÁI-TỔ 黎太祖 (1428-1433)
LÊ-(THÁI-TÔNG) 黎(太宗) (1434-1442) LÊ-(NHÂN-TÔNG) 黎(仁宗) (1443-1459) LÊ-(THÁNH-TÔNG) 黎(聖宗) (1460-1497) LÊ-(HIẾN-TÔNG) 黎(憲宗) (1497-1504) LÊ-(TÚC-TÔNG) 黎(肅宗) (1504)
LÊ-(OAI-MỤC-ĐẾ) 黎(威穆帝) (1505-1509) LÊ-(TƯƠNG-DỰC-ĐẾ) 黎(襄翼帝) (1510-1516) LÊ-(CHIÊU-TÔNG) 黎(昭宗) (1516-1521)
LÊ-(CUNG-ĐẾ) 黎(恭帝) (1521-1527) LÊ-(TRANG-TÔNG) 黎(莊宗) (1533-1548) LÊ-(TRUNG-TÔNG) 黎(中宗) (1548-1556) LÊ-(ANH-TÔNG) 黎(英宗) (1556-1573) LÊ-(THẾ-TÔNG) 黎(世宗) (1573-1595) LÊ-(KÍNH-TÔNG) 黎(敬宗) (1600-1619) LÊ-(THẦN-TÔNG) 黎(神宗)
LÊ-(CHÂN-TÔNG) 黎(真宗) (1643-1649) LÊ-(HUYỀN-TÔNG) 黎(⽞宗) (1663-1671) LÊ-(GIA-TÔNG) 黎(嘉宗) (1672-1675) LÊ-(HY-TÔNG) 黎(熙宗) (1676-1705) LÊ-(DỤ-TÔNG) 黎(裕宗) (1705-1729) LÊ-(PHẾ-ĐẾ) 黎(廢帝) (1729-1732) LÊ-(THUẦN-TÔNG) 黎(純宗) (1732-1735) LÊ-(Ý-TÔNG) 黎(懿宗) (1735-1740) LÊ-(HIỂN-TÔNG) 黎(顯宗) (1740-1786) LÊ-(MẪN-ĐẾ) 黎(愍帝) (1787-1790) LỄ-(ĐÀM-VĂN) 禮(覃⽂)
LỄ-(ĐINH) 禮(丁)
LỄ-(NGUYỄN) 禮(阮)
LY-(HỒ-QUÍ) 犛(胡季)
LY-(LÊ-BÁ) 麗(黎伯)
LÝ-(NAM-ĐẾ) (tiền) 李(南帝)前 (544-548) LÝ-(NAM-ĐẾ) (hậu) 李(南帝)後 (571-602) LÝ-(THÁI-TỔ) 李(太祖) (1010-1028) LÝ-(THÁI-TÔNG) 李(太尊) (1028-1054) LÝ-(THÁNH-TÔNG) 李(聖尊) (1054-1072)
LÝ-(NHÂN-TÔNG) 李(仁尊) (1072-1027) LÝ-(THẦN-TÔNG) 李(神尊) (1128-1138) LÝ-(ANH-TÔNG) 李(英尊) (1138-1175) LÝ-(CAO-TÔNG) 李(⾼尊) (1176-1210) LÝ-(HUỆ-TÔNG) 李(惠尊) (1211-1225) LÝ-(CHIÊU-HOÀNG) 李(昭皇) (1224) LIỆT-(ĐINH) 列(丁)
LIÊU-(NGUYỄN-HỮU) 僚(阮有)
LIÊU-(TRỊNH-DUY) 僚(鄭維)
LOAN-(TRƯƠNG-PHƯỚC) 巒(張福) LẠNG-(PHẠM-CỰ) 倆(范巨)
MAI-(HẮC-ĐẾ) 梅(黑帝) (722)
MẠI-(NGUYỄN) 邁(阮)
MẬU-(LÊ-TUẤN) 懋(黎俊)
MỴ CHÂU 媚珠
MỴ-Ê 媚醯
MINH-(DƯƠNG-TỰ) 明(杨嗣)
MINH-(NGUYỄN-KHOA) 明(阮科) MÔ-(NGUYỄN-CẢNH) 模(阮景)
MỘNG-(PHẠM-ỨNG) 夢(范應)
NIỆM-(LÊ) 念(黎)
NGẠC-(TRẦN) 顎(陳)
NGẠN-(NGUYỄN-TRUNG) 彦(阮忠) NGHỆ-(DƯƠNG-ĐÌNH) 藝(楊廷) (931-938) NGHIÊM-(NGUYỄN-HỮU) 嚴(阮有) NGỌC-(LÊ-BÁ) ⽟(黎伯)
NGÔ-(TIÊN-CHÚA) 吳(先主) (939-945)
NGÔ-(HẬU-CHÚA) 吳(後主) (951-965) NGUY-(VÕ-DY) 巍(武彝)
NHÂN-(ĐỖ-THANH) 仁(杜清)
NHƯỢNG-(TRẦN) 讓(陳)
OAI-(HỒ) 威(胡)
PHAN-(NGUYỄN) 潘(阮)
PHÙNG-HƯNG 馮興
PHƯƠNG-(NGUYỄN-TRI) ⽅(阮知)
QUÁT-(LÊ) 括(黎)
QUẾ-(TRƯƠNG-ĐĂNG) 桂(張登)
QUYÊN-(NGUYỄN-VĂN) 涓(阮⽂)
QUÝNH-(LÊ) 侗(黎)
SẢN-(TRỊNH-DUY) 㦃(鄭惟)
SÁT-(LÊ) 察(黎)
SĨ-(NGÔ-THÌ) 仕(吳時)
SIÊU-(ĐẶNG-ĐỨC) 超(鄧德)
SIÊU-(TRƯƠNG HÁN) 超(張漢)
SÚY-(NGUYỄN) 帥(阮)
TÁNH-(VŨ) 性(武) (cũng gọi là VŨ-TÍNH) TẮC-(TRẦN-ÍCH) 稷(陳益)
TÂY-SƠN-(NGUYỄN-VĂN-NHẠC) ⻄⼭(阮⽂岳) TÂY-SƠN-(NGUYỄN-VĂN-HUỆ) ⻄⼭(阮⽂惠) TÂY-SƠN-(NGUYỄN-QUANG-TOẢN) ⻄⼭(阮光纘) TẤT-(ĐẶNG) 悉(鄧)
TIÊM-(BÙI-SĨ) 暹(裴仕)
TIẾN-(NGUYỄN-HỮU)
TIẾP-(CHÂU-VĂN) 接(朱⽂)
TOẢN-(TRẦN-QUỐC)
TỘ-(NGUYỄN-TRƯỜNG) 祚(阮⻑) TỤ-(VŨ) 聚(武)
TUÂN-(LÊ-CẢNH) 恂(黎景)
TUẦN-(NGỤY-KHẮC) 循(魏克) TUẤN-(TRẦN-QUỐC) 峻(陳國) TÚC-(TRẦN-ĐÌNH) 肅(陳廷) TÙNG-(TRỊNH) 松(鄭)
TỪ-(ĐÀO-DUY) 慈(陶維)
TƯỚC-(PHAN-THIÊN) 爵(潘天) THÀNH-(NGUYỄN-VĂN) 誠(阮⽂) THÀNH-(TÔ-HIẾN) 誠(蘇憲) THÀNH-(TRẦN-TIỄN) 誠(陳踐) THẬN-(ĐINH-NHỰT)
THẬN-(LÊ-BÁ) 慎(黎伯)
THẬN-(MỤC) 慎(穆)
THẬP-NHỊ-SỨ-QUÂN ⼗⼆使君 (966) THÍCH (ĐỖ) 釋(杜)
THIỀU-(NGUYỄN-GIA) 韶(阮嘉) THỊNH-(LÊ-VĂN) 盛(黎⽂)
THUẤN-(PHAN-THỊ) 舜(潘⽒) THỤC AN-DƯƠNG-VƯƠNG 蜀安陽王 THỤC-(ĐOÀN-NGUYỄN) 俶(段阮) THUYÊN-(HÀN) 韓(詮)
THUÂN-(TRỊNH-DUY) 悛(鄭惟) THƯ-(ĐỖ-THIÊN) 杜天
THƯỚC-(TRẦN-CÔNG) 爍(陳公)
THƯƠNG-(HỒ-HÁN) 蒼(胡漢)
TRÁC-(TRẦN-NGUYÊN) 晫(陳元)
TRÃI-(NGUYỄN) 廌(阮)
TRẦN-(LÊ-PHỤ) 陳(黎輔)
TRẦN-(THÁI-TÔNG) 陳(太尊) (1225-1258)
TRẦN-(THÁNH-TÔNG) 陳(聖宗) (1258-1278)
TRẦN-(NHÂN-TÔNG) 陳(仁宗) (1279-1293)
TRẦN ANH-TÔNG (1293-1314)
TRẦN-(MINH-TÔNG) 陳(明尊) (1314-1329)
TRẦN-(HIẾN-TÔNG) 陳(憲尊) (1329-1341)
TRẦN-(DỤ-TÔNG) 陳(裕宗) (1341-1369)
TRẦN-HÔN-ĐỨC-CÔNG DƯƠNG-NHẬT-LỄ 陳 昏 德 公 楊 ⽇ 禮 (1369-1370)
TRẦN-(NGHỆ-TÔNG) 陳(藝尊) (1370-1372)
TRẦN-(DUỆ TÔNG) 陳(睿尊) (1372-1377)
TRẦN-(PHẾ-ĐẾ) 陳(廢帝) (1377-1388)
TRẦN-(THUẬN-TÔNG) 陳(順尊) (1388-1398)
TRẦN-(THIẾU-ĐẾ) 陳(少帝) (1398-1340)
TRẦN-(GIẢN-ĐỊNH-ĐẾ) 陳(簡定帝) (1407-1409) TRẦN-(TRÙNG-QUANG-ĐẾ) 陳(重光帝) (1409-1413) TRIỆU-(NGUYỄN-VIẾT) 肈(阮⽈)
TRIỆU-(VŨ-ĐẾ) 趙(武帝) (207-137 tr.Th.Ch)
TRIỆU-(VĂN-VƯƠNG) 趙(⽂王) (138-125 tr. Th. Ch) TRIỆU-(MINH-VƯƠNG) 趙(明王) (124-113 tr. Th. Ch.) TRIỆU-(AI-VƯƠNG) 趙(哀王) (112 tr. Th. Ch.)
TRIỆU-(VỆ-DƯƠNG-VƯƠNG) 趙(衛陽王) (111 tr. Th. Ch.) TRIỆU-VIỆT-VƯƠNG 趙(越王) (549-570)
TRINH-(PHAN-CHÂU) 楨(潘朱) TRỌNG-(PHẠM-ĐÌNH) 仲(范廷) TRỌNG-(TRẦN-BÌNH) 仲(陳平) TRUNG-(THÂN-NHÂN) 忠(申仁)
TRỨ-(ĐẶNG-HUY) 著(鄧暉) TRỨ-(NGUYỄN-CÔNG) 著(阮公) TRỰC-(NGUYỄN) 直(阮)
TRƯNG-NỮ-VƯƠNG 徵⼥王 (40-43) UYÊN-(VŨ-VĂN) 淵(武⽂)
VŨ-(ĐỖ-ANH) 鵡(杜鸚)
XÍ-(NGUYỄN) 阮(熾)
VĂN-HÓA TÙNG-THƯ
VIỆT-NAM
NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN TẬP THƯỢNG và TẬP HẠ
HỒ-ĐẮC-HÀM và THÁI-VĂN-KIỂM biên-soạn
NHA VĂN-HÓA
BỘ QUỐC-GIA GIÁO-DỤC XUẤT-BẢN TẬP SỐ 13
NĂM 1962
VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN
Do Sự-vụ-lệnh số 721-GD/VH/SVL, ngày 20-6-1962 của Ông Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục, một Ủy-Ban gồm những vị sau đây được thành-lập để khảo-duyệt quyển « Việt-Nam Nhân-Vật-Chí Vựng-Biên » do Ô. Hồ-đắc-Hàm và Ô. Thái
văn-Kiểm biên soạn :
- Ô. NGUYỄN-KHẮC-KHAM, Giám-Đốc Nha Văn-Khố và Thư-Viện Quốc-Gia, Chủ-tịch.
- Ô. BỬU-CẦM, Chuyên-viên Hán học Viện Khảo-cổ, Giảng-viên Đại-Học Văn-Khoa Saigon, Hội-viên.
- Ô. PHẠM-VĂN-DIÊU, Giảng-viên Đại-Học Văn-Khoa Dalat, Thuyết-trình-viên.
- Cô. TRỊNH-THỊ-YÊN, Giáo-viên Nha Văn-Hóa, Thư-ký.
Do công-văn số 14.418-GD/HV/NCGK ngày 1-9-62 và biên-bản của Ủy-Ban nói trên (được Ông Bộ-Trưởng Quốc Gia Giáo-Dục duyệt-y ngày 31-8-62), Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục đã chấp-thuận cho Nha Văn-Hóa xuất-bản trong tập-san « Văn-Hóa Tùng-Thư » quyển VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN.
PHI-LỘ
Trên đường tìm hiểu Đất Nước, chúng tôi nhận thấy có nhiệm-vụ phổ-biến những tinh-hoa của Dân-Tộc, không ngoài mục-đích nâng cao trình-độ văn-hóa của đại-chúng, kích-thích lòng yêu nước thương nòi và phát-huy uy-tín Quốc-Gia đối với các dân-tộc khác trên thế-giới.
Trên lập-trường ấy, chúng tôi rất lấy làm hân-hạnh cho xuất-bản quyển : « VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG BIÊN » của hai học-giả Hồ-Đắc-Hàm và Thái-Văn-Kiểm, đã dày công sưu-tầm, tra-cứu các sử sách xưa để thu-thập và xếp đặt tiểu-truyện và công-nghiệp các danh-nhân liệt-nữ Việt-Nam, theo thứ-tự a, b, c và theo quan-niệm « Cái quan luận-định » (Đậy nắp rồi mới xét-định giá-trị).
Sở-dĩ chúng tôi đã không ngần-ngại làm việc này, mặc dầu với những phương-tiện rất eo-hẹp, là vì chúng tôi đồng quan-niệm với người xưa rằng : « Dĩ cổ vi giám » (Lấy việc xưa làm gương), « Vô cổ bất thành kim » (Không có xưa làm gì có nay) và chúng tôi cũng tán-thành lời nói bất-hủ của triết-gia Auguste Comte : « Người chết coi quản người sống » (Les morts gouvernent les vivants).
Sau hết, chúng tôi thành thật mong ước lời phê-bình chỉ-giáo của liệt-vị độc-giả trong nước và hải-ngoại để hoàn-thiện kỳ tái-bản.
Saigon, Thu Nhâm Dần (1962)
Tòa-soạn Văn-Hóa Tùng-Thư
LỜI DẪN
Muốn biết việc xưa, nên xem truyện cổ. Xem truyện cổ để hiểu cách xử-thế, hành-sự của người-xưa, suy-luận và rút kinh-nghiệm để xử-sự trong thời nay.
Vì lẽ đó mà ông Phó-Duyệt đã khuyên vua Cao-Tôn nhà Thương : « Người ta cần nghe biết cho được nhiều, để lập sự-nghiệp ; muốn vậy phải học những lời dạy của người xưa ; nếu không noi theo xưa, cứ tự-ý làm, mà được vĩnh
viễn trên đời, thì Duyệt này chưa từng nghe vậy ! » (Nhân cầu đa văn, thì duy kiến-sự, học vu cổ huấn nãi hữu hoạch ; sự bất sư cổ, dĩ khắc vĩnh thế, phỉ Duyệt du văn !) (Kinh Thư).
Tiếp lời ông Phó-Duyệt, đức Khổng-Tử cũng có nói : « Ta sinh ra không phải tự nhiên mà biết được mọi việc, trái lại phải ham học người xưa, siêng-năng tìm-tòi đó vậy ». (Ngã phi sinh nhi tri chi giả, hiếu cổ mẫn dĩ cầu chi giả dã).
Nước ta lập-quốc từ đời Hồng-Bàng tới nay đã mấy chục thế-kỷ ; trong khoảng thời-gian đó, các nhà chép sử đã biên theo từng thời-đại những việc hưng-vong thành-bại, những điều đắc-thất thị-phi, thảy thảy đều có ghi chép rõ-ràng.
Song các pho sách ấy đều biên-soạn bằng chữ Hán, ngày nay khó đem ra phổ-biến, vì rằng chữ Hán mất tính cách thông-dụng như ngày xưa, và do đó những tài-liệu quý-báu của ta lần hồi có thể bị chìm đắm trong sự lãng quên.
Chúng tôi là đôi bạn vong-niên cùng đi trên đường tìm hiểu và phát-huy những tinh-hoa của dân-tộc, đã không ngần-ngại bắt tay vào việc thu-thập tra-cứu các pho sách sử chữ Hán và đem dịch lần ra Việt-ngữ, để cho đồng-bào trong nước và ở hải-ngoại ai nấy đều có thể làm bạn với người xưa, đã có công gây dựng nên cơ-đồ sự-nghiệp quang-vinh để chúng ta cùng thọ-hưởng.
Chúng tôi quan-niệm với Ernest Renan rằng tìm hiểu những nhân-vật xưa, chính là điều-kiện tất-yếu để tiến-bộ, là vì : « những người thật là tiến-bộ, khởi-điểm bằng sự kính-trọng dĩ-vãng ». (Les vrais hommes de progrès sont ceux qui ont pour point de départ un respect profond du passé).
Lại nữa, lòng yêu nước chân-chính không phải chỉ biết yêu đất nước mà phải biết yêu dĩ-vãng, biết kính-trọng những thế-hệ đã đến trước, như Fustel de Coulanges đã nói : « Le véritable patriotisme n’est pas seulement l’amour du sol, c’est encore l’amour du passé, c’est le respect pour les générations qui nous ont précédés ».
Chính vì quan-niệm như vậy mà chúng tôi đã khởi-công bằng cách lựa chọn một số danh-nhân liệt-nữ mà tiểu truyện và công-nghiệp có ghi chép trong các bộ sử sách chính-yếu, như :
- Đại-Việt Sử-Ký của Ngô-Sĩ-Liên,
- Khâm-Định Việt-Sử của Quốc-Sử Quán,
- Đại-Nam Thực-Lục của Quốc-Sử Quán,
- Đại-Nam Liệt-Truyện của Quốc-Sử Quán,
- Đại-Nam Nhất-Thống-Chí của Cao-Xuân-Dục, - Quốc-Triều Chánh-Biên của Cao-Xuân-Dục,
- Ô Châu Cận-Lục của Dương-Văn-An,
- Phủ Biên Tạp-Lục của Lê-Quý Đôn,
- Gia-Định Thông-Chí của Trịnh-Hoài-Đức,
- v.v…
…để biên soạn thành một cuốn lấy tên là : VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN lục-kê các nhân-vật theo thuận-tự a, b, c, để cho dễ tìm kiếm.
Ngoài ra, nếu trong « Việt-Sử Tổng-Vịnh » của vua Tự Đức có vịnh đến các nhân-vật thì thi-vịnh ấy được phiên ra Việt-âm, rồi dịch ra Việt-văn, theo thể thơ, hay là trong « Đại-Nam Quốc-Sử Diễn-Ca » của Phạm-Đình-Toái có diễn đến thì cũng trích-đăng vào, để đọc cho vui tai và dễ nhớ.
Quyển Tự-Vựng này ra đời trong những điều-kiện thiếu thốn, chắc thế nào cũng có nhiều sơ-sót, nhất là về các nhân-vật của thời-kỳ cận-đại, mà chúng tôi đang thu-thập tài-liệu để biên-soạn một cuốn thứ hai sẽ xuất-bản sau.
Vậy kính mong chư-vị độc-giả lượng-thứ và vui lòng chỉ giáo để hoàn-thiện kỳ tái-bản.
Saigon, Mạnh-Xuân Nhâm-Dần (1962)
HỒ-ĐẮC-HÀM và THÁI-VĂN-KIỂM
VIỆT-NAM NHÂN-VẬT-CHÍ VỰNG-BIÊN (QUYỂN THƯỢNG VÀ HẠ)
ÁI (HOÀNG-ĐÌNH) 愛(⿈廷)
Người ở Vĩnh-Lộc, dũng cảm và có mưu lược. Đời vua Lê Trang-Tông, theo vua đánh dẹp có công. Đời Trung-Tông niên hiệu Thuận-Bình, đánh họ Mạc ở Mã-Giang. Đời Anh Tông, niên hiệu Thiên-Hựu, ông cùng Phạm-Đốc, đánh quân Mạc ở Nghệ-An đều có công, phong tước Vinh quận-công. Ông đem quân từ Thiên-Quan ra Sơn-Tây, quân đến đâu, giặc đều chạy cả, rồi ông lưu trấn ở Lạng-Sơn. Niên hiệu Chính-Trị năm thứ 4 (1561), Mạc Kính-Điển vượt biển vào đánh phá. Triều đình vời ông về Thanh-Hóa để cự địch, Kính-Điển phải rút lui. Năm thứ 13 (1570), con Trịnh-Kiểm là Cối làm loạn, rồi hàng Mạc, đem binh tới xâm phạm
hành-tại ở An-Trường (hành-tại là chỗ vua ở tạm). Đình-Ái trú binh ở sông Kim-Bôi, đem các tướng vào yết vua, thế quyết trừ quân giặc.
Lúc bấy giờ Trịnh-Tùng làm Đô-tướng, đem quân đi đánh. Đình-Ái và Đặng-Huân ra Hữu-lộ, dẹp yên được Ngọc Sơn và Nông-Cống, rồi trở về. Đời Thế-Tông, niên hiệu Quang-Hưng năm thứ 4 (1581), tướng giặc là bọn Đôn Nhượng cử đại binh vượt biển vào Quảng-Xương, Thế-Tông sai Đình-Ái lãnh chư tướng đem quân ra ngự địch. Đình-Ái chia quân ra làm ba đạo, đánh cùng tướng họ Mạc, chém hơn sáu trăm người, bắt sống được hai tướng. Từ đó quân họ Mạc không dám dòm ngó Thanh-Hóa nữa, dân gian được yên. Năm thứ 15 (1592), tới đánh Đông-Đô, bắt đại tướng Nguyễn-Quyên, Đông-Đô bình. Ông lại đánh Mạc-Kính-Chỉ ở Thanh-Lâm. Thế-Tông trở về Thăng-Long. Luận công khôi
phục, gia hàm ông là Hữu-tướng-quốc Thái-úy. Kính-Tông tức vị, thăng ông chức Đồng-bình-chương-sự tham dự triều chính. Ông mất, 81 tuổi.
Đình-Ái có học thức, tinh binh pháp, đánh trải trăm trận, vị kiêm tướng tướng (cả văn và vũ), mà không ỷ mình có oai quyền, người đời bấy giờ khen là hiền thần vậy.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Khu trừ ngụy Mạc trí trung hưng,
Chư tướng vân sum hãn tỷ đồng.
Nguyên tự đắc sư sung học thức,
Cánh gia hạ sĩ võng kiêu căng.
Dịch nôm :
Khu trừ giặc Mạc giúp trung hưng,
Chư tướng như mây ít kẻ bằng.
Nguyên tự được thầy, nhiều học thức,
Lại thêm khiêm nhượng chẳng kiêu căng.
AM-(DƯƠNG-DOÃN) 庵(楊允)
Người huyện Quỳnh-Lưu, Nghệ-An, đậu cử-nhân đời Thiệu-Trị, năm thứ 3 (1843). Tự-Đức năm thứ 13 (1860) bổ Án-sát tỉnh Thanh-Hóa, đi dẹp giặc thổ khấu ở Ninh-Bình, về thăng Bố-chính Thanh-Hóa. Năm thứ 17, làm Hộ-lý Vũ
khố, rồi ra sung Tán-lý quân thự ở Hải-Yên, bị lỗi phải về. Năm thứ 23, ở Ninh-Thái có việc rối loạn, Tổng-thống Hoàng-Tá-Viêm ⿈佐炎 sớ tâu xin cho ông đi theo quân thứ. Ông lập được nhiều chiến công, bổ quyền sung quân thứ tán-tương, phá được mấy đồn giặc, thăng Thị-lang, sung chức Đồn-điền đạo Tân-Hóa, chiêu mộ lưu dân khai khẩn ruộng đất, chỉ trong mấy năm mà thành ra chỗ tụ hội khá đông đúc. Năm thứ 31 (1878), sung chức Tán-lý-đạo Sơn Hưng-Tuyên, bị bệnh mất tại chức.
AN-(CHU) 安(朱)
Người ở Quang-Liệt, Thanh-Đàm (Thanh-Trì ngày nay), tính ngay thẳng, không chịu khuất, chẳng cần ai nghe biết đến mình ; ở nhà dạy học, học nghiệp rất tinh thuần, học trò thành tựu rất nhiều. Vua Trần Minh-Tông thấy ông có đạo học, bổ ông làm Tư-nghiệp Quốc-tử-giám. Đến đời Dũ Tông, chính sự trễ nãi, quần thần nhiều người làm điều phi pháp, ông can gián mà vua không nghe, ông bèn dâng tờ sớ xin chém bảy người nịnh thần, đều là những người quyền hành đương thời, tờ sớ ấy người ta gọi là « Thất trảm sớ ». Sớ dâng vào, vua làm thinh không trả lời. Ông bèn từ chức xin về. Ông ưa núi Chí-Linh, tới ở đó, tự hiệu là Tiều-Ẩn. Khi có đại triều hội, thì ông về kinh chầu. Dũ-Tông muốn ủy ông làm việc chính sự, ông cố từ không chịu.
Chu-An giữ sư đạo tôn nghiêm, sở học của ông là chú trọng về cùng lý chính tâm, tịch tà cự bí. Học trò như các ông Phạm-Sư-Mạnh, Lê-Quát đều hay giữ được lời thầy dạy, nghĩa là tịch Phật thuyết, minh chính đạo. Có người đã làm đến chức Hành-khiển (như bậc đại thần) mà vẫn giữ lễ học trò. Thỉnh-thoảng đến hầu thầy, được thầy nói chuyện thì mừng lắm. Trò có điều gì sai lầm, thì thầy quở trách la rầy, có khi trò đến, thầy không cho vào cửa. Tính ông nghiêm nghị như thế, đức vọng rất cao, các bậc công khanh đều hướng mộ.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Thượng tường sơn đẩu thế gian sư,
Tâm dự nhân quai nhứt khứ trì. Thất trảm sớ thành thiên địa giám, Trực thanh bất cộng hữu thần suy.
Dịch nôm :
Ngôi cao sơn đẩu xứng thầy người, Việc trái lòng ta, chẳng ở dai.
Chém nịnh sớ dâng, trời đất thấu, Trần vong, tiếng « thẳng » vẫn còn hoài.
AN-(DƯƠNG-VĂN) 安(楊⽂)
Người Lệ-Thủy, Quảng-Bình, ra ở ngụ tại Từ-Liêm, đậu tiến sĩ khoa Đinh-vị đời họ Mạc. Quan đến chức Lại bộ tả thị-lang, có làm bộ sách « Ô Châu Cận Lục ».
AN-(LÊ-THỊ) 安(黎⽒)
Chị em con chú con bác với Lê-Thị-Nghiêu, lúc tuổi hai mươi, lấy chồng người ở An-Ấp, huyện Hương-Sơn, tên là Hồ-Công-Tú. Công-Tú nhà giàu làm ruộng. Thị lo coi sóc việc trong nhà. Chồng chết thị lăn khóc muốn chết theo, ông bà ra sức can ngăn, mới thôi. Thị bèn cho đầy tớ trong nhà về hết, chỉ để một đứa em theo mình, ngày nào cũng đến nơi mộ chồng khóc. Khi hết tang thì đóng cửa tự ải.
AN-(LÊ-VĂN) 安(黎⽂)
Người huyện Thụy-Nguyên, Thanh-Hóa, theo vua Lê Thái-Tổ khỉ binh. Trận đánh ở Khả-Lưu quan, ông xông vào trước, phá quân địch ; trận đánh ở Tân-Bình và Thuận-Hóa, ông cùng Trần-Nguyên-Hãn đánh phá được hai thành. Trận vây ở Xương-Giang, ông cùng Phạm-Vấn đánh bắt được bọn Thôi-Tụ. Niên hiệu Thuận-Thiên năm đầu (1428), phong Đình-thượng hầu bình-chương quân quốc trọng sự. Niên hiệu Thiệu-Bình năm đầu, đánh giặc ở trận Lạng-Sơn có công, gia hàm Nhập-nội đại-tư-mã. Ông mất, tặng hàm Tư
không.
Ông An, làm người trung dũng, tiếp đãi sĩ phu có lễ tiết ; chỉ lúc ở Lạng-Sơn, sưu dịch làm quá khắc, nhũng nhiễu quân dân, kẻ thức giả chê cười ông.
ÁN-(TRẦN-DANH) 案(陳名)
Người ở Bửu-Triện (tức là Gia-Bình), hiệu Liễu-Am con Trần-Danh-Lâm, Thượng-thơ nhà Lê. Đậu tiến-sĩ năm thứ hai vua Chiêu-Thống (1788), làm Viên-ngoại-lang. Khi Tây Sơn tới đánh, Chiêu-Thống qua Kinh-bắc, An cầm cương theo vua ở Lương-Tài. Vua được thơ cứu viện của nhà Thanh từ Quảng-Tây gởi sang, bèn chọn người có danh vọng đi tiếp để trọng quốc thể, vua mới sai Danh-Án với Lê-Duy Đán đi. Danh-Án đến Quảng-Tây, ra mắt Tôn-Sĩ-Nghị. Sĩ Nghị thấy Danh-Án ứng đối lưu lợi, bằng lòng. Liền ngày ấy phát binh cứu viện. Lấy lại được thành Thăng-long, rồi bổ Danh-Án làm Phó-đô-ngự-sử. Đến khi Sĩ-Nghị bị thua trận, Chiêu-Thống chạy qua Tàu, Danh-Án chạy theo không kịp, bèn đi trốn. Tây-Sơn khiến Phan-Huy-Ích, Ngô-Thời-Nhậm viết thơ vời đến, Danh-Án phúc thơ cự tuyệt. Tây-Sơn lại tìm bắt được. Trung-thơ Tây-Sơn là Trần-Văn-Kỷ muốn dỗ cho làm quan. Ông không chịu khuất, nên bị bắt giam lại. Danh-Án làm bài thơ có câu :
Phiên âm :
Thử thân tuy đạo sài lang vẩn,
Túng tử nan vi cẩu trệ tâm.
Dịch nôm :
Kề răng hùm sói thân bao quản,
Dù thác khôn làm dạ chó heo.
Rồi ông viết thơ cho Văn-Kỷ tỏ ý không thờ vua hai họ. Tây-Sơn biết không thể ép ông được, khen mà tha đi. Sau
lại người Thanh ăn hối lộ của Tây-Sơn, viện binh không đến nữa. Danh-Án cùng Trần-Quang-Châu mưu khỉ nghĩa, nhưng không được gì, rồi ông mất.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Tân quốc trung-thơ ta nhĩ tào,
Thủ than ha nại đạo bê lao.
Ngâm thành chính khí ca kham tục,
Bất quí ô-đài nghĩa liệt cao.
Dịch nôm :
Giả chức Trung-thơ của chúng mầy
Thân nầy bao quản ở tù đây,
Bài ca chính khí lời nên nối
Chẳng hổ Đài-ô nghĩa khí hay.1
ẨU-(TRIỆU) 嫗(趙)
Người ở huyện Nông-Cống, Thanh-Hóa, em gái Triệu Quốc-Đạt, tiếng nói như chuông, mình cao 9 thước, vú dài 3 thước, lưng to mấy vần, một ngày đi được trăm dặm. Tuổi lên hai mươi thì cha mẹ đều mất, ở với anh. Người chị dâu rất ác nghiệt. Ẩu bèn giết đi, rồi lên núi làm ăn một mình. Nàng có chí lớn, triệu tập những kẻ tráng sĩ, được vài nghìn người. Người anh bảo nàng rằng : « Đàn bà con gái không nên làm như thế ». Nàng đáp lại : « Tôi muốn duồng gió đuổi sóng, quét sạch quân giặc cướp, để cứu sinh linh ra khỏi lầm than, há lại bắt chước thế thường, cúi đầu cong lưng, để hầu hạ người ta sao ? »
Trong niên hiệu Vĩnh-An nhà Ngô (248-258), các quan thú mục Tàu sang cướp bóc của cải, dân tình khốn khổ. Quốc-Đạt khỉ binh đánh người Ngô, cầm cự được ít lâu, thì Quốc-Đạt chết. Dân chúng thấy nàng có tài tướng súy, bèn lập lên làm chủ. Mỗi khi đánh cùng quân Ngô, nàng vất vú ra sau lưng, lấy lụa bao lại, mình mặc giáp vàng, cỡi trên đầu voi, oai phong lẫm liệt, không ai dám chống lại. Thời bấy giờ, người ta gọi nàng là Lệ-Hải-Bà-Vương. Nhà Ngô bèn sai Lục-Dẫn đem binh sang đánh. Nàng suất chúng ra chống cự, trong năm sáu tháng đánh hơn bảy chục trận, quân Ngô thua luôn.
Triệu-Ẩu tính tinh khiết, hễ thấy vật gì ô uế thì tránh đi. Lục-Dẫn là một tên tướng có trí, dò biết sự tình. Khi ra đối trận, nàng cầm siêu-đao, ngồi trên ngựa, thấy quân sĩ của Ngô đều ở trần truồng không mặc quần áo, đứng từng bầy,
tay cầm giáo mác, múa men như người điên. Nàng thấy vậy thì thẹn và tức giận lắm, bèn thúc ngựa chạy, ra Bố-Diễn (tức là Phủ-Diễn) thuộc huyện Hậu-Lộc, lên trên núi tự tận. Lúc ấy nàng mới 23 tuổi.
BA-(BÙI-MỘNG) 葩(裴梦)
(Không rõ người ở đâu và chức gì). Đời Trần Phế-Đế, chúa Chiêm-Thành là Bồng-Nga vào phá cướp, đến trấn Quảng-Oai, ở thành Thăng-Long, ai nấy đều lo sợ. Lê-Mật Ôn đem quân ra chống bị thua chạy. Vua Nghệ-Tông ngự ra Đông-Ngạn để tránh giặc, Mộng-Ba để cả áo mão mặc trong mình, lội xuống nước, níu thuyền ngự lại, xin vua ở lại để đánh giặc, vua không nghe.
Đời vua Thuận-Tông, niên hiệu Quang-Thái (1388- 1397), Hồ-Quí-Ly lộng quyền ; Thượng-Hoàng rất tin dùng. Lúc bấy giờ Thái-úy Trần-Ngạc, Tri-thẩm Hình-viện Lê-Á Phu, tôn-thất Trần-Nhật-Chương, vì việc mưu sát Quí-Ly không xong, đã bị chết cả. Gặp lúc trời đại hạn, vua hạ chiếu cầu trực ngôn (ai biết điều gì cho nói thẳng), Mộng-Ba dâng tờ sớ có câu rằng : « Tôi nghe đồng dao có câu : Thâm tai Lê sư (Thâm thay ông họ Lê) xem đó thì biết Quí Ly có lòng dòm ngó ngôi báu ». Thượng hoàng xem tờ sớ rồi đưa cho Quí-Ly xem. Sau lại Quí-Ly chuyên chính. Mộng-Ba đi ẩn núp, không ra mặt nữa.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Tỵ địch quân vương trọng bảo thân,
Trung lưu khiên lãm phí phu trần.
Lâm khê tùng thử vô tung tích,
Cáp tự đồng diêu mỵ hữu nhân.
Dịch nôm :
Tránh giặc nhà vua muốn giữ mình,
Giữa dòng vin lái để trần tình. Khe rừng từ ấy không tăm tích, Vì tiếng đồng diêu đoán đã tinh.
BÁT-(CHÂN-THỊ) 扒(真⽒)
Người ở Hoàn-Hậu, Quỳnh-Lưu, Nghệ An, có sắc đẹp, vợ hầu ông Hồ-Phi-Tích, Thượng-thơ bộ Binh. Phi-Tích mất rồi, nàng cứ thủ tiết thờ chồng. Nghịch tặc là Nguyễn-Hữu-Cầu đến cướp phá trong làng, bắt ép nàng, nàng nói dối với tên giặc rằng để cho nàng lạy nhà thờ chồng, rồi xin theo. Hữu
Cầu đem nàng đến nhà thờ. Nàng khóc lạy xong, rồi lấy con dao của nàng dấu sẵn trong tay áo, tự vẫn mà chết.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Nhứt tiếu khuynh thành túy tặc tâm,
Ứng cơ thiện đãi, thục năng xâm.
Phu từ bái biệt tương an thích,
Tự hữu long-tuyền 2 dĩ tại khâm.
Dịch nôm :
Cười phải nghiêng thành giặc đã say,
Lừa chiều, khéo dối, dễ ai lay,
Từ chồng mấy lạy đi đâu nữa,
Đã sẵn dao thiêng nắm ở tay.
BẠT-(NGUYỄN-THÁI) 拔(阮泰)
Người ở Bình-Lãng, Cẩm-Giang, đậu tiến-sĩ đời Lê Chiêu-Tông làm quan Hàn-Lâm. Khi họ Mạc tiếm vị, Thái Bạt giả nói mắt lờ, không chịu khuất. Đăng-Dung bắt phải vào hầu. Ông xin đến gần để thưa chuyện, nhân đó Ông mắng rồi nhổ nước miếng vào mặt Đăng-Dung. Bèn bị hại. Sau dân ở Cẩm-Giang lập miếu thờ ông.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Thử nhật sơn hà bất nhẫn khan,
Dã cam mông cổ độc tâm quan.
Nhứt triều thóa diện kham ô nhĩ,
Phi thị Lâu gia khả tự can.
Dịch nôm :
Non sông còn muốn nhắm chi mô,
Làm dáng đui mù để giả lơ.
Nay nhổ mặt mầy cho nhớp nhúa,
Há như người trước để rồi khô. 3
BẶC-(NGUYỄN) 匐(阮)
(Không rõ người ở đâu) Đời Đinh Tiên-Hoàng, Bặc giết Thích rồi cùng Đinh-Điền với Thập-đạo-tướng-quân là Lê Hoàn lập con Tiên-Hoàng là Vệ-Vương lên ngôi vua. Vua mới 6 tuổi, Hoàn thâu hết cả quân cấm-lữ, ra vào tự do ở cấm-trung, tư thông cùng Dương Thái-Hậu (vợ Tiên Hoàng), rồi nhiếp chính, xưng Phó vương. Bặc bàn với Đinh Điền và Phạm-Hạp rằng : « Thái-hậu nội loạn, Lê-Hoàn sẽ hại ấu chúa, chúng ta chịu ơn nước đã dày, nếu không lo sớm mà dẹp đứa gian ác ở bên mình vua, để dứt mối loạn, thì mặt mũi nào mà gặp Tiên-Đế ở dưới cửu tuyền ? » Đoạn rồi cùng nhau đem binh đến kinh-sư, toan giết Lê-Hoàn, đánh tại Hoa-Lư, không được rồi lại bị chết.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Tiểu lại tài tru, đại tướng chuyên
Cô quân tả đản, khử tham quyền.
Anh hồn nguyện tác đinh điền hữu.
Đồng miếu tự khan lão phụ duyên.
Dịch nôm :
Giặc nhỏ trừ xong, đại tướng chuyên,
Cô quân trở áo đuổi tham quyền.
Đinh điền hồn muốn làm đôi bạn,
Thẹn thấy thờ chung ngó trái duyên. 4
BẰNG-(LƯƠNG-ĐẮC) 朋(梁得)
Người huyện Hoằng-Hóa, Thanh-Hóa, lúc nhỏ người ta gọi là thần đồng. Đời Lê-Hiến-Tông, niên hiệu Cảnh-Thống năm đầu (1498) đậu bảng-nhãn, bổ làm Đông-các học sĩ. Ông điều trần 14 điều về việc trị bình, được vua dùng ; quan đến chức Lại-bộ thượng-thơ.
Lúc ông đi sứ Tàu, có được quyển Thái-Ất-kinh, về dậy cho học trò là Nguyễn-Bỉnh-Khiêm, nhờ quyển ấy mà tinh được lý học.
BIỂU-(NGUYỄN) 表(阮)
Người ở An-Đô, La-Sơn, đời Trùng-Quang-Đế nhà Trần làm Điện-tiền-thị-ngự-sử. Lúc Trùng-Quang mới lên ngôi, sai Hành-khiển là Nguyễn-Nhật-Tư sang nhà Minh cầu phong, vua Minh bắt giam rồi giết đi. Đến khi Trương-Phụ qua đánh Nghệ An, Trùng-Quang-Đế chạy vào Hóa-Châu, lại sai Nguyễn-Biểu làm sứ đi cầu phong. Biểu đem các đồ thổ sản phương vật đi đến Nghệ-An, Phụ bắt ở lại. Biểu bèn mắng Phụ rằng : « Trong lòng thì tính việc đánh phá, mà ngoài mặt giả làm bộ nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu họ Trần, mà lại đặt quận, huyện, cướp bóc của cải, làm hại sinh linh, chúng bay thật là nghịch tặc ». Phụ cả giận, giết đi. Đời Lê Thánh-Tông truy lục tiết nghĩa của ông, truyền lập nhà thờ ở làng, cho con cháu ông một người làm Phụng lễ-lang.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Quân trung sổ ngữ lịch can tràng,
Vị quốc quyên khu tráng quốc quang.
Cố chỉ linh từ thiên cổ tại,
Lê-hoàng hữu đạo dị Minh-hoàng.
Dịch nôm :
Trong quân mắng giặc trải can tràng,
Vì nước quên mình được vẻ vang.
Nền cũ thờ nay còn để lại,
Vua Lê biết đạo khác Minh-hoàng.
BÌNH-(LƯU-VĂN) 平(劉⽂)
Người huyện Bố-Trạch, Quảng-Bình, tên chữ là Như Hoành, đậu Phó-bảng khoa Quí-Mão, năm Tự-Đức thứ 6 (1853) ; học nghiệp tinh thuần, nhất sinh chỉ lấy kinh sử làm vui, lúc làm Tri-huyện mà cũng chăm việc dạy học, các tú sĩ trong hạt đến học kể hàng trăm người, đến lúc làm Tri phủ (đều ở tỉnh Nghệ-An) thì bình dị cận dân, dân yêu mến lắm. Đã có chỉ đổi về Kinh chức mà dân trong hạt ái mộ, xin lưu lại hơn sáu năm, mới bổ về Viên-ngoại bộ Hình. Ông làm người thanh bạch, ai cũng khen ngợi. Đến 60 tuổi, ông cáo bệnh về, rồi mất ở nhà.
BÌNH-(PHAN-ĐÌNH) 評(潘廷)
Tên chữ là Nhẫn-Trai, người huyện Quảng-Điền, Thừa Thiên, học giỏi có tiếng, đậu tiến-sĩ năm Tự-Đức thứ 2 (1849), quan đến Tham-tri bộ Binh. Lúc bấy giờ người Pháp qua lập thương ước, nhân tình xao xuyến, vua sai ông ra Hà-Nội hiệp đồng với Đại-sứ là Nguyễn-Tri-Phương để thương nghị xử trí. Pháp đình sai An-Nghiệp (Fracis Garnier) sang bắt phải thi hành tân ước. Nhân đó thành khích hấn. Người Pháp đánh tỉnh thành, thành bị hãm. Ông bị bắt, đem
vào Gia-Định, rồi tha về. Khi trở về thì bị cách chức ; phải đi hiệu lực ở quân thứ Cao-Bằng ; khai phục Bố-chính-sứ ở Bắc-Ninh. Ông cùng Lê-Hữu-Tá trù liệu công việc ở Bắc Ninh và Thái-Nguyên được nhiều kết quả. Rồi bổ lãnh Tuần
vũ tỉnh Ninh-Bình, sau lại thụ Tổng-đốc Định-An (Nam-Định và Hưng-An).
Niên hiệu Hàm-Nghi năm thứ nhất (1885) Kinh-thành hữu sự, vua bỏ chạy. Lưỡng cung (Từ-Dũ và Trang-Ý) thăng ông thự Thượng-thơ, sung Cơ-mật viện đại thần, cùng Vĩnh lại Quận-công là Nguyễn-Hữu-Độ hội với Pháp quan thương giảng quốc sự. Hai ông đồng tâu với Thái-hoàng Thái-hậu xin tôn Kiến-Giang-công lên ngôi (tức là vua Đồng-Khánh). Đồng-Khánh tức vị, gia cho ông hàm Tá-quốc-huân-thần, thự Văn-minh-điện đại-học-sĩ, phong tước Phò-nghĩa-tử. Niên hiệu Đồng-Khánh thứ 2 (1887), có người nói rằng lúc ở Bắc-kỳ, khi thương thuyết, ông có nói nên lập con cháu vua Dực-Tông (Tự-Đức) theo lời đó thì hơi có hình tích (nghĩa là ông không muốn lập Kiến-Giang công), việc ấy đem cho
đinh-thần nghĩ xử, rồi đoạt hết quan tước Ông, và giam vào ngục, thì ông mất.
Vua Thành-Thái lên ngôi, nghĩ ông là Quốc-thích (ông ngoại vua), truy phục hàm tước lại như cũ. Năm Thành-Thái thứ 4 (1892) truy tặng Thái-bảo, phong Phò-quốc-công, làm từ đường tại làng ông.
BÌNH-(VŨ-TRỌNG) 平(武仲)
Người phuyện Phong-Phú, Quảng-Bình, đậu cử-nhân năm Gia-Long thứ 15 (1816), làm Phủ-doãn Thừa-Thiên. Vua thấy ông thanh liêm cần cán, thưởng cho một cái đại hạng kim khánh. Thăng Tuần-vũ tỉnh Hưng-Yên, rồi cải qua Tổng-đốc Ninh-Thái, kinh-lược các đạo Ninh, Thái, Lạng, Bình. Lúc bấy giờ quân Thổ-phỉ dấy loạn cướp phá xứ Bình Xuyên, ông đánh dẹp có công, được thăng Hiệp-biện học-sĩ, sung Hiệp-thống Bắc-Kỳ quân-vụ. Niên hiệu Tự-Đức thứ 27 (1874) ở Nghệ-An có loạn tên Mai-Tấn, ông cải lãnh Tổng
đốc tỉnh ấy, rồi cải lãnh Tổng-đốc ba tỉnh : Sơn, Hưng, Tuyền. Chưa được bao lâu, lấy cớ tuổi già xin về dưỡng bệnh ; vua không cho, mà lại đổi làm Tổng-đốc Định-An. Năm thứ 36 (1883), quân Pháp từ Hà-Nội tới đánh tỉnh thành, thành bị thất thủ, ông bị cách về. Niên hiệu Kiến Phước năm đầu (1884), khỉ phục làm Thương-biện tỉnh vụ tỉnh Nghệ An, thăng Thượng thơ bộ Hộ, vừa đến tuổi hưu trí. Qua niên hiệu Đồng-Khánh năm đầu, vua chuẩn cho lấy hàm Thượng-thơ về hưu. Đến niên hiệu Thành-Thái năm thứ 10 (1898) ông mất tại nhà, thọ 91 tuổi, truy thọ hàm
Hiệp-biện đại học sĩ.
Vũ-Trọng-Bình làm người thật-thà, thẳng-thắn, đi đâu cũng có tiếng liêm bình. Trải việc chính trị trong 50 năm, không có một tỳ vết gì, thật là một bậc đáng làm gương cho những kẻ khác.
BÍNH-(TRẦN-DANH) 柄(陳名)
Người ở Ngọc-Diên, Thạch-Hà, Hà-Tịnh, có tài học mà không ứng thí. Lúc bấy giờ Tây-Sơn bắt các xã thôn mỗi người phải đeo một cái bài bằng giấy để làm tin, chỉ ông Bính không chịu đeo. Quân đội bắt ông đem tới trấn Nghệ
An, tướng là Nguyễn-Diêu bắt ông lạy, ông không lạy, dọn cơm, ông không ăn, biểu làm một bài thơ, ông làm xong ngay. Tướng Tây-Sơn biết không thể ép ông được, bèn tha cho về. Về rồi ông tụ dân chúng ở núi Nga-Khê huyện Can
Lộc, đến tập kích đồn. Đến núi Bân-Xá thì gặp quân Tây Sơn đánh thua, quân ông tan chạy, ông bèn tự tận.
BỬU-(QUÁCH-ĐÌNH) 寳(郭廷)
Người ở xã Lan-Phước, Thanh-Khê, tuổi 24, đậu bảng nhãn khoa Quí-vị đời Lê Thánh-Tông niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), làm Hàn-lâm viện học sĩ. Năm Canh dần, niên hiệu Hồng-Đức đi sứ nhà Minh, về thăng Đông-các
hiệu thơ, rồi thăng Phó-đô ngự-sử. Ông cùng Thân-Nhân Trung soạn biên tập « Thiên Nam Dư Hạ » và tập « Thân Chính Kỷ », thăng Lễ bộ Thượng-thơ. Ông là anh ông Hữu Nghiêm, huynh đệ đồng triều. Tương truyền rằng lúc trước có người quên một số vàng tại nhà ông nội ông, ông ấy cứ giữ mà đưa lại cho họ, cho nên các cháu được hưởng phúc ấy.
CÁT-(ĐỖ-XUÂN) 吉(杜春)
Người huyện Hoằng-Hoá, Thanh-Hoá, đậu cử-nhân niên hiệu Thiệu-Trị năm đầu (1841) không chịu ra làm quan, ở nhà dạy học, tự hiệu là Châu-Tân cư-sĩ. Ông bảo rằng : Người ta trước hết phải thiệt hành, sau mới dùng văn chương. Ông thường nói : « Muốn quyết khoa, thì phải tồn tâm dưỡng tính, muốn lập sự nghiệp, thì phải giữ gìn lễ độ trong lúc ứng đối tiến thối ; những người cử chỉ không có điều độ, mà kiến công lập nghiệp được, thì chưa từng thấy vậy ».
Ngoài kinh truyện ra, nào là thiên văn, nào là luật lịch, sách gì ông cũng thông suốt. Ông thờ mẹ rất hiếu ; đối với bà con thì thăm viếng châu tất, giúp đỡ kẻ nghèo khó. Đời Tự-Đức đường đê ở Bắc-Kỳ hay bị vỡ. Xuân-Cát điều trần năm khoản, ai cũng khen ông có kinh-tế thiệt học. Gặp lúc có chiếu vua khiến cử tri những người hay trong bốn khoa (đức hạnh, văn học, chính sự, ngôn ngữ), các đại thần tiến cử ông. Khi đến kinh, ông lấy cớ có bệnh xin cáo về. Sau ông mất được hàm Hàn-lâm-viện biên-tu. Ông có để lại tập văn gọi là « Châu-Tân Văn Tập ».
CẨN-(PHAN-HUY) 謹(潘辉)
Người huyện Can-Lộc, Hà-Tịnh. Các tiên nhân ông đều xuất thân làm quan võ, tích đức đã lâu đời. Ông sinh ra diện mạo khôi ngô, khác kẻ tầm thường. Lúc nhỏ mồ côi cha mẹ, nhờ bà ngoại nuôi cho ăn đi học. Tính chất thông minh, đọc sách thì nhớ ngay, đến mấy năm cũng không quên. Tuổi mới thành đồng, mà văn chương làm ra ai ngâm cũng sướng miệng ; 26 tuổi đậu giải nguyên ; 33 tuổi đậu hội-nguyên khoa Giáp-Tuất ; niên hiệu Cảnh-Hưng năm thứ 15 (1554) đậu tiến-sĩ. Khi bổ làm quan, ông thủ chính trì kỷ, không ưa dua nịnh những kẻ quyền thế. Ông làm Hiến-sát tỉnh Hải Dương và Tham-khổn Kinh-Bắc. Lúc ở triều, có tên hãnh thần là Đỗ-Thế-Giai được Trịnh-Vương tin dùng, bách quan đều xu phụ, chỉ mình ông không chịu khuất tiết, nhân đó có người gièm, rồi ông bị bãi về nhà trong tám năm. Lúc bị bãi về, ông đi nhàn du sơn thuỷ, mở trường dạy học, tác thành kẻ hậu tiến rất nhiều. Cứ giảng dạy học trò, không lấy sự đắc thất quan tâm.
Đến khi Trịnh-Vương (Trịnh-Sum) thân chính, vời ông ra dùng, bổ làm Đốc-trấn ở Đồng-Hải, rồi Đốc-thị ở Thuận Hoá ; được ít lâu vời về Triều, ông làm Nhập-nội-thị-tụng Công-bộ Hữu-thị-lang, kiếm Quốc-tử-giám giảng quan. Khi tuổi đến 65, xin về trí sĩ, thăng Công-bộ tả-thị-lang Khuê phong-bá. Ông mất ở nhà, thọ 68 tuổi.
Tinh ông thảng-thích, tuy đậu giải nguyên, hội-nguyên và tiến-sĩ, ra làm quan mà không khoe mình có văn chương giỏi. Bình nhựt ít làm thi văn, khi có việc gì phải làm mới
làm. Cái khí khái cương trực của ông, đọc văn ông còn tưởng tượng thấy được. Tiết tháo thanh bạch và phước ấm của ông để lại cho con cháu cũng dày lắm vậy.
CẨN-(VŨ-XUÂN) 謹(武春)
Người huyện Lệ-Thuỷ, Quảng-Bình, Triều Gia-Long, sơ thụ Hàn-lâm-viện, làm lần đến Hình-bộ Thượng-thơ Hiệp-tá đại-học sĩ, Bình-phú Tổng-đốc. Đời Thiệu-Trị, thăng Ngự tiền đại thần, Đông-các đại-học-sĩ, quản lý Lại bộ sự vụ, kiêm sung Hoàng-thân Sư-bảo, lãnh Quốc-tử-giám, sung Sử-quán Tổng-tài, Tự-Đức năm thứ 5 (1852) gia hàm Thái bảo. Vua có ban cho một bài thơ. Ông về hưu trí, mất tại nhà, thọ 81 tuổi.
CỰ-(TẠ-QUANG) 巨(謝光)
Người làng Dưỡng-Mông, huyện Phú-Vinh, Thừa-Thiên, lấy chân nghĩa-dũng xuất thân, thăng Cai-đội. Đời Minh Mạng thăng lần lên đến Thống-chế, làm Tổng-đốc An-Tịnh. Năm thứ 14 (1833) ở Ninh-Bình có đảng Lê-Duy-Lương dấy loạn, tràn sang đến phía Bắc Hưng-Hóa, Quang-Cự sung Tổng-thống quân vụ các lộ, cùng Tham-tán Hoàng-Đăng
Thận, Nguyễn-Đăng-Giai đem đại binh đánh bắt được, tấn phong Vũ-lao-tử. Gặp tên giặc thổ phỉ ở Lạng-Sơn là Nồng Văn-Vân nổi lên vây bức tỉnh thành, Quang-Cự đem binh đánh đuổi được ; gia phong tước Bá. Tên thổ phỉ ở Thanh Hoá là Quách-Tất-Công lại nổi lên ở Quảng-Hoá, ông sung chức Kinh lược đại thần, hội tiễu bắt được, tấn phong Hầu tước. Triều Thiệu-Trị, được gia hàm Thái-tử Thái-bảo, kiêm quản Hậu quân ấn triện. Đến đời Tự-Đức, kiêm quản Tả quân, khi tuổi già xin về hưu, rồi mất, thọ hơn 90 tuổi.
Quang-Cự lấy chân nghĩa-dũng xuất thân, mà lên đến tước Hầu. Giúp nước trong năm mươi năm, trước sau trọn vẹn, phúc lộc kiêm toàn, thật là một người hoàn nhân hoàn phúc.
CHÂN-(TRẦN) 真(陳)
Người ở Từ-Liêm, lúc đầu làm Đô-lực-sĩ, phong tước Thiết-sơn-bá. Đời Lê Chiêu-Tông, niên hiệu Quang-Thiệu (1516), ở Hải-Dương có tên Trần-Tung tụ chúng làm loạn, hãm thành Thăng-Long, tiếm làm vua, hiệu là Thiên-Ứng. Chân suất dũng sĩ và hương-binh được 5,6 nghìn người khỉ binh ở Hoàng-Hoa-Thị. Tung nghe được, chia quân ra cự lại. Chân đánh với Tung, đến Xá-Đôi, khí giới đều hết, mình lại bị mụt nhọt, đến đêm kéo quân về Hoàng-Hoa-Thị. Vua Chiêu-Tông từ Tây-đô thành đem Tam-phụ nghĩa binh cùng các tướng sĩ ra Đông-Kinh. Chân đi tới Hành-tại (chỗ vua ở tạm) bái yết, rồi hợp binh với quan quân vây Đại-hùng môn. Tung trốn chạy lên Lạng-Nguyên. Chiêu-Tông phục vị. Chưa được bao lâu, Tung lại từ Chí-Linh đi thẳng xuống Bồ Đê (phía bắc sông Nhị-Hà). Trịnh-Duy-Sản đem binh ra đánh, bị tử trận. Vua bèn sai Chân ra đánh, Tung thua, lại trốn lên Lạng-Nguyên, không ra nữa.
Trần-Chân, khi đã bình được loạn Trần-Tung về, trấn thủ Kinh-Sư, quyền bính vào trong tay cả. Mạc-Đăng-Dung cũng phải nể, bèn cưới con gái Trần-Chân cho con mình. Lúc bấy giờ có kẻ hiểu sự đặt ra câu rằng : « Trần hữu nhứt nhân, vi thiên hạ quân ; thố đầu hổ vĩ, tế thế an dân ». (Trần có một người, làm vua thiên hạ ; đầu thỏ đuôi hùm, giúp yên mọi ngả). Vì thế, bọn quốc cữu là Chử-Khải, Quốc công Trịnh-Hựu, Quận-công Ngô-Bình bàn với nhau rằng : « Trần có một người, tức là Trần-Chân ; đầu thỏ đuôi hùm, túc là cuối năm dần mà đầu năm mão ; sợ e năm ấy có sự
biến ». Rồi khuyên vua phải trừ đi, Trịnh-Tuy cũng tán thành mưu ấy. Khi bãi triều, vua khiến đòi Trần-Chân vào Cấm-trung, rồi giết đi. Bộ tướng của Chân là bọn Hoàng Duy-Nhạc, Nguyễn-Kỉnh, Nguyễn-Áng nghe được tin ấy, bèn tụ binh tác loạn, tới vây Kinh-sư. Chiêu-Tông phải chạy ra Bồ-Đề giang tránh nạn ; khiến người dụ bọn Nguyễn-Duy Nhạc. Nhạc xin giết bọn ba người Chử-Khải mới chịu giải binh. Vua cũng nghe lời, giết ba người ấy, rồi mới yên. Sau đến Cung-hoàng truy tặng Trần-Chân tước Quận-công.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Lạng nguyên hiến tiệp trấn kinh-sư
Chưởng ác tam quân chí mị di :
Hổ vĩ thố đầu thuỳ tạo ngữ.
Trường-thành tự hoại hối hà trì.
Dịch nôm :
Lạng-Nguyên thắng trận, phục ngôi trời,
Quyền giữ ba quân, chí chẳng dời.
Đầu thỏ đuôi hùm ai bịa đặt,
Thành dài tự phá, việc sai rồi.
CHÂN-(TRẦN-KHÁT) 真(陳渴)
Nguời huyện Vĩnh-Lộc, Thanh-Hoá, ông nội ông làm quan đời Trần, chức Thượng-tướng-quân. Khát-Chân, đời Thuận-Tông làm Đô-tướng. Giặc Chiêm-Thành đến xâm, Hồ-quí-Ly đánh ở Thanh-hoá, thua chạy về. Thượng-Hoàng (Nghệ-Tông) sai Khát-Chân đem quân đi đánh ; Khát-Chân phụng mạng đi, quân đến Hoàng-Giang đã gặp giặc, Khát
Chân xem không có địa thế đánh được, bèn kéo quân lui về Hải-Triều-Giang (tỉnh Hưng-Yên). Cho người dò biết thuyền của chúa Bồng-Nga, Khát-Chân truyền lấy súng bắn vào thuyền ấy. Bồng-Nga trúng phải đạn chết. Quan quân đánh đuổi, cắt lấy đầu Bồng-Nga đem về dâng vua. Đoạn rồi định công thưởng cho các tướng sĩ. Khát-Chân được phong Vũ
tiết Quan-nội-hầu.
Đến khi Quí-Ly giết vua Thuận-Tông, Khát-Chân cùng bọn Trần-Hạng, Trần-Nhật-Đôn bàn với nhau toan giết Quí Ly. Ngày ấy Quí-Ly hội minh ở Đốn-sơn (Thanh-Hoá), Quí-Ly ngồi trên lầu nhà Trần-Khát-Chân để xem hội. Bọn Phạm Khả và tên thích-khách là Phạm-Ngưu-Tất mang gươm muốn tiến vào, Khát-Chân trừng mắt lên ngăn lại, rồi không cử sự được. Quí-Ly tâm động (rùng mình) đứng dậy, vệ sĩ dìu ông xuống lầu, Ngưu-Tân ném gươm xuống đất mà nói rằng : « Bọn bay là đồ khốn nạn cả ». Việc ấy phát giác ra, Khát-Chân, Trần-Hạng, Nhật-Đôn và các liêu thuộc thân thích cả thảy hơn 370 người đều bị hại. Sau người ta có làm đền thờ ông ở đấy.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Khẳng khái bình hồ mại thái sư Trần triều đại hạ ký sanh trì. Vị văn thị thượng toàn gia khốc, Nhẫn sử lâu đầu nhứt kiếm trì.
Dịch nôm :
Hăng hái đem binh dẹp giặc Hồ, Nhà Trần chống đỡ có cây to. Sao khi trên chợ chưa nghe khóc, Chúng muốn giơ gươm lại chẳng cho.
CHẨN-(PHẠM-TIẾN) 軫(范進)
Người huyện Hương-Thuỷ, Thừa-Thiên, mình vóc cao lớn, một mình ông ăn gấp bảy, tám người, có tài lội nước ; thường xem mây và trăng thì biết trước ngày nào mưa, ngày nào gió. Niên hiệu Thiệu-Trị năm thứ 3 (1843), vào ngạch lính Thuỷ-sư. Lúc đi hầu vua xuống cửa Thuận-An, gặp ngày tiết Tiểu-mãn, gió nổi to, chạc giây dắt thuyền ngự, giữa dòng sông bị đứt, quan quân tuỳ tùng đều kinh hãi, không biết làm thế nào. Tiến-Chẩn nhảy xuống nước, kéo giây nối lại, rồi được yên. Vua thấy làm lạ, khen và thưởng cho làm Cai-đội. Trong niên hiệu Tự-Đức, quyền sung Hiệp-quan. Năm thứ 13 (1860) vua bày ra thi người nào hét tiếng to làm cho vỡ được cái vò, thì cho là ưu hạng. Tiến-Chẩn trúng tuyển, thăng thiệt-thụ Quản-Cơ, rồi thăng Phó-vệ-uý. Năm thứ 20 (1867) ông phụng sắc mang đi tế ở miếu Thái-Dương (gần cửa Thuận-An), vừa gặp mưa to gió lớn, có người chèo thuyền bị rớt xuống nước, Tiến-Chẩn nhảy xuống cứu, vì sức gió quá mạnh, thuyền úp đè lên trên, ông bị chết đắm. Sau lại truy tặng hàm Chưởng-vệ.
CHẤT-(LÊ) 質(黎)
Người huyện Phù-Mỹ, Bình-Định, lúc đầu theo Tây-Sơn, làm chức Đô-đốc, vẫn là một tướng giỏi về chiến sự, sau lại đem các bộ tốt hơn hai trăm người về hàng vua Gia-Long. Ông cùng các tướng đi đánh giặc, rất là đắc lực ; lên chức Tả-đồn Đô-thống-chế, phong tước Quận-công. Năm Gia Long nguyên niên (1802), đem đại binh ra đánh miền Bắc, thăng Khâm-sai chưởng Hậu-quân Bình-tây tướng quân. Đến khi Bắc-hà đã yên, ông làm Bắc-hà Hiệp-tổng-trấn. Năm thứ 18 (1819) thăng thụ Tổng-trấn. Năm Minh-Mạng thứ 4 về triều chầu, rồi ra làm Kinh-lược hai trấn Thanh và Nghệ. Khi việc yên rồi, ông lại trở ra Bắc-thành cung chức Tổng-trấn. Năm thứ 7 (1826) nhân có bệnh xin về bản quán, thì mất. Tặng hàm Thiếu-phó.
Được ít lâu, ở Bắc-thành giặc cướp nổi dậy, vua Minh mạng đổ lỗi rằng giặc cướp ấy là vì lúc trước Lê-Chất làm việc hay « cô tức » (không quả quyết) mà sinh ra thế. Triều đình bèn tuy tham trong những việc ngày thường ông làm có nhiều trọng khoản. Nhân đó ông phải mắc tội, mất hết tước hàm. Năm Tự-Đức thứ 21 (1868) truy phục Tả-đồn Đô thống-chế.
CHÂU-(NGÔ-TÙNG) 周(呉從)
Người huyện Phù-Cát, Bình-Định, tính đoan trực, có khí tiết, học hành thuần chính, sơ thụ Hàn-lâm, thăng dần lên đến Lễ bộ thượng thư sung Đông cung phụ đạo. Đời Gia Long trung hưng ông cùng Vũ-Tính giữ thành Bình Định, Tây-Sơn đem quân đến vây đã hơn hai năm, trong thành lương thực hết, Châu và Tính đều tuẫn tiết (chết). Người ta ví hai ông ấy như Trương-Tuần với Hứa-Viễn đời nhà Đường. Đến đời Gia-Long, tặng hàm Thái-tử Thái-sư. Đời Minh
Mạng, truy tặng Hiệp-biện Đại-học sĩ, kiêm Thái-tử Thái-sư, tước Ninh-hoa Quận-công.
CHÂU-(NGUYỄN-TỬ) 珠(阮⼦)
Người huyện Bình-Sơn, Quảng-Ngãi, làm chức Thái thường khanh đời Tây-Sơn ; đến năm Canh-tuất (1790) tới Gia-Định xin theo vua Gia-Long, làm chức Trung-dinh Tham-mưu, sắp đặt được nhiều việc trong quân sự. Năm Tân-Dậu (1801) quan quân ra đánh Qui-Nhơn, ông với Nguyễn-Văn-Nhân ở lại trấn Gia-Định. Lúc bấy giờ chinh chiến luôn mấy năm, Tử-Châu và Văn-Nhân ở trong thì giữ gìn thành trì, ngoài thì cung cấp lương thực, không bao giờ thốn thiếu. Niên hiệu Gia-Long năm thứ 8 (1809) ông làm Hình bộ Thượng-thơ, rồi mất. Tặng hàm Tham-chinh.
CHÂU-(PHAN-BỘI) 珠(潘佩)
Người huyện Nam-Đàn, Nghệ-An. Lúc thiếu thời, tiên sinh đã tổ chức đội học-sinh nghĩa dũng, dùng toàn giáo và gậy để kháng Pháp, nhưng chẳng thu hoạch được hiệu quả gì nên tiên sinh lại trở về với đèn sách. Năm 1900 đậu thủ khoa ở trường Nghệ-An.
Sau khi thi hội hỏng, tiên-sinh chu du khắp nước để liên lạc các đồng chí, rồi cùng các nhà ái quốc tổ chức đảng cách mạng và tôn Kỳ-Ngoại hầu Cường Để làm hội chủ.
Năm 1905, tiên-sinh cùng Tăng-Bạt-Hổ và Đặng-Tử Kính sang Tàu. Từ đấy Tiên-Sinh bôn ba khắp Trung-Hoa, Nhật-Bản, Xiêm-La, Đức-Quốc cho đến tháng sáu năm 1925 thì bị người Pháp bắt ở Thượng-Hải, đưa về nước. Hội-đồng đề-hình lúc đó kết án tiên-sinh chung thân cấm cố ; nhưng viên Toàn-quyền Varenne vừa sang nhậm chức, thấy phong trào vận động ân xá các nhà chí-sĩ ái quốc sôi nổi khắp nơi, mới tha cho tiên-sinh và đưa về an trí ở Huế. Đến ngày 29 tháng 10 năm 1940 thì mất, thọ 73 tuổi.
Tiên-Sinh có soạn những sách : Lưu-Cầu Huyết Lệ Tán Thư ; Việt-Nam Vong Quốc Sử ; Hải Ngoại Huyết Thư, Sùng Bái Vĩ Nhân truyện, Tân Việt-Nam Kỷ Niệm Lục, Ngục Trung Thư ; Thiên Hồ Đế Hồ ; Pháp-Việt Đề Huề Luận ; Truyện Lê Thái-Tổ ; Truyện Trưng-Nữ Vương ; v.v…
CHÂU-(TỐNG-PHƯỚC) 珠(宋褔)
Người Qui-huyện, Thanh-Hoá, vào ở ngụ Gia-Định, lúc đầu hết đi theo Gia-Long qua Vọng-Các (kinh đô nước Xiêm), có quân công, bổ làm Cai-Cơ. Khi quân vua Gia-Long về đánh Phú-Xuân, Phước-Châu đóng đồn ở Tả-Trạch
Nguyên, chận đường cứu viện của quân Tây-Sơn, thăng Khâm-sai Trung-thuỷ-dinh Thống-chế ; mất, tặng Chưởng hậu-dinh.
CHÂU-(TRẦN-QUANG) 珠(陳光)
Người ở Phù-Kinh, Gia-Bình. Trong niên hiệu Cảnh-Hưng nhà Lê, quân Tây Sơn đến đánh phá, giặc chòm-xóm nhân đó nổi lên nhiều nơi ; người ở làng bầu Quang-Châu lên làm trưởng, để củ-suất dân binh mà phòng-ngự. Vua Chiêu
Thống bị bại trận nơi Mục-Thị, lén chạy về Siêu-Loại. Quang-Châu cùng bọn Trần-Đình đều suất dân chúng của mình, hội lại rồi rước vua về trú tại Chí-Linh. Quân Tây-Sơn càng ngày càng bức tới, Quang-Châu ngày đêm cự chiến, chịu cực khổ để bảo vệ vua. Khi Tôn-Sĩ-Nghị đem binh đến cứu viện, Chiêu-Thống về Thăng-Long, cho Quang-Châu làm Trấn-thủ Kinh Bắc. Chua được bao lâu, Chiêu-Thống chạy sang Tàu. Quang-Châu thu góp tàn quân, qua lại trong vùng Hải-Dương và Bắc-Ninh cự chiến với quân Tây-Sơn. Đã mấy năm, giết Tây-Sơn cũng được nhiều. Sau vì sức kém chống không nổi, bị Tây-Sơn bắt, ông không chịu khuất, rồi bị hại.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Thảo-dã vi thần diệc phỉ cung,
Đĩnh thân anh nạn chấn đồi phong.
Dã tri trung nghĩa do chân tính,
Mạc đạo trâm-anh dị tất-bồng.
Dịch nôm :
Hèn hạ quê mùa chẳng tiếc thân,
Đem mình chống đỡ buổi phân-vân.
Cho hay trung nghĩa là chân tính,
Chớ nới dòng quan lại khác dân.
CHI-(MẠC-ĐĨNH) 之(莫挺)
Người ở Lũng-Đông, Chí-Linh, tên chữ là Tiết-Phu, thông minh tuyệt vời, nhưng tướng mạo xấu-xí ; ông có làm bài phú « Ngọc tỉnh liên » (Hoa sen ở Giếng Ngọc), để tự ví mình. Ý nói hoa sen, tiết tháo thanh cao, không hoa nào sánh được, ở bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, v.v… Đậu Trạng-Nguyên đời vua Trần Anh-Tông, sung chức Nội-gia
thư. Ông đi sứ Tàu, người Nguyên thấy tướng mạo ông xấu thì khinh. Một hôm quan Tể-tướng mời ông vào phủ, cùng ngồi nói chuyện. Ở trong phủ có treo một bức trướng, thêu con chim sẻ sắc vàng (Hoàng-tước) đậu trên cành trúc. Đĩnh-Chi tưởng là Hoàng-tước thật, chạy lại chụp. Người Nguyên cười ông là người quê mùa, ông bèn kéo xé tan cả bức trướng luôn. Chúng lấy làm lạ mà hỏi, thì ông nói : « Tôi nghe người ta hoạ bức mai-tước (cây mai và chim sẻ) thì có, chưa hề thấy hoạ bức trúc-tước (cây trúc và chim sẻ) bao giờ. Vả chăng trúc là quân-tử, tước là tiểu-nhân, nay bức trướng thêu trúc-tước, ấy là cho tiểu-nhân đứng trên quân tử. Tôi sợ e quân tử đạo tiêu, tiểu nhân đạo trưởng, nghĩa là quân tử suy mà tiểu nhân thịnh, cho nên tôi vì Thánh-triều mà trừ đi đó ». Chúng nghe đều phục.
Khi vào triều, vừa gặp người ngoại quốc dâng vua Nguyên một cái quạt, vua bảo ông làm bài minh (một thể văn ngày xưa) để đề cái quạt. Đĩnh-Chi cầm bút viết ngay, lời bài minh như sau này :
Bài Minh phiên âm : Lưu kim thước thạch, thiên địa vi lô ; Nhĩ ư tư thời hề, y, chu cự nho. Bắc phong kỳ lương, vũ
tuyết tái đồ ; Nhĩ ư tư thời hề, di, tề ngã phu. Y ! dụng chi tắc hành, xả chi tắc vàng, duy ngã dự nhĩ hữu thị phù !
Dịch nôm : Chảy vàng nát đá, nắng nồng nàn như lửa lò hầm, Bác khi ấy gặp thời hữu dụng, tài Y, Chu vận động trong tay. Gió bấc thổi reo, mưa tuyết đầy đường. Bác khi ấy như tuồng bị bỏ, in Di, Tề kiếm xó yên nằm. Thôi thôi ! có dụng ta làm, nếu người hờ hửng, ta cam dấu tài, Bác, tôi, tôi, Bác là hai !
Người Nguyên thấy bài minh lấy làm hay và rất khen ngợi.
Đến đời vua Trần Minh-Tông, ông lại được sùng dụng lắm. Ông làm quan rất thanh liêm, tự phụng rất đơn giản. Minh-Tông biết ông nghèo, đêm lại khiến người đem tiền để trước cửa nhà ông. Sáng lại vào triều ông tâu cho vua hay, nhân đó vua ban cho ông số tiền ấy. Xem thế thì biết ông rất thanh bạch. Làm quan trải mấy triều vua mà chỉ được chức Đại-liêu-ban Tả-bộc-xạ thôi.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Ngọc-tỉnh liên ba đĩnh dị tư,
Sứ-tinh chính phủ lệnh danh trì.
Nãi ông bất khẳng vi tiền lỗ,
Kỳ hoá an tri hậu duệ tư.
Dịch nôm :
Phú sen Ngọc tỉnh nảy tài hay
Phụng sứ phương xa, tiếng giỏi bay.
Của-cải chẳng màng làm mọi giữ,
Nào ngờ con cháu hám sau đây. 5
CHI-(LÊ-QUANG) 枝(黎光)
Người huyện Kỳ-Anh, Hà-Tịnh, tư chất thông minh, học rộng biết nhiều. Lúc 25 tuổi, vào Đình-thi, văn bài đáng đậu bậc trạng nguyên, mà vua Lê Thánh-Tông lấy cớ rằng tướng mạo ông xấu, cho đậu bảng-nhãn thôi. Khi tại chức, gặp việc gì ông nói, thì cũng viện dẫn việc cổ kim, giảng minh nghĩa lý, vua Lê thường gọi ông là « thầy » chứ không kêu tên. Văn chương đức nghiệp của ông, thời bấy giờ ai cũng trọng. Làm đến Lễ bộ Tả-thị-Lang, kiêm Đông-các Đại-học sĩ, về trí sĩ, đến 82 tuổi thì mất, tặng hàm Thượng-thơ.
CHÍ-(NGUYỄN) 志(阮)
Người huyện Duy-Xuyên, Quảng-Nam, đầu quân năm Minh-Mạng thứ 9 (1828), thường đi công cán ở Tân-Gia-Ba và Đại-tiểu Tây-Dương, được thăng Quản-cơ Vệ-úy. Niên hiệu Tự-Đức năm thứ 20 (1867) sung Thuận-An Đốc-phòng, thăng Thủy-sư Đề-đốc, thăng thự Thống-chế. Nhân lỗi bị biếm, sau được khai phục Đô-thống, về bệnh rồi mất.
CHÍCH-(LÊ) 隻(黎)
Người ở Đông-Sơn. Lúc loạn người Minh, Chích nhóm họp dân chúng trong thôn ấp, dựa núi đắp thành mà tự thủ, quân Minh đánh không được. Đến khi nghe Lê-Lợi khỉ binh ở Lam-Sơn, ông đến theo. Lê-Lợi hỏi chư tướng nên đi theo đường nào để khởi sự. Ông Chích thưa : « Tôi tầng đi khắp xứ Nghệ-an, địa thế hiểm dị đã biết cả. Nay nên vào cứ lấy lũy Cầm-Bành, nếu dân đó thuận, thì mình vũ-ủy họ, như nghịch thì mình đánh mà lấy, sau rồi lần ra Đông-Đô thì quốc sự thành được ».
Lê-Lợi nghe theo. Bèn chia binh đánh đồn Đa-Căng, rồi lấy thẳng thành Nghệ-An bổ Chích làm Nhập-nội Thiếu úy. Lê-Lợi ra thẳng Đông-Đô, Chích làm Giám-quân-dân-sự. Niên hiệu Thuận-Thiên năm đầu, phong Đình-thượng-hầu, tham dự triều chính. Sau nhân có lỗi bị bãi chức. Đời vua Thái-Tông, niên hiệu Thiệu-Bình phục chức làm Tổng-quản Trấn-thủ ở Hóa-châu. Người Chiêm-Thành đến phá cướp hai lần, Chích tuy quân ít mà đánh đuổi được cả. Đời vua Nhân Tông, đi theo đánh Chiêm-Thành có công thăng Nhập-nội Đô-đốc tham-dự triều-chính. Niên hiệu Thái-Hòa năm thứ 6 (1448) ông mất, tặng Nhập-nội Tư không Bình-chương-sự.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Y sơn cứ hiểm trúc kiên thành,
Bách vạn tỳ hưu diếu kỉnh Minh.
Tiên thủ Cầm-bành căn bản cố,
Đông-đô chư lộ bất nan bình.
Dịch nôm :
Dựa non cứ hiểm đắp kiên thành, Trăm vạn binh hùng chẳng sợ Minh. Trước lấy Cầm-bành bền cội gốc, Đông-đô các xứ há khôn bình.
CHIÊM-(NGUYỄN-KHOA) 占(阮科)
Tiên tổ ông là người Hải-Dương, theo chúa Nguyễn vào Nam, rồi nhập tịch ở Thừa-thiên. Đời Hiển-tông Hiếu-Minh Hoàng-đế (cuối thế kỷ 17) ông làm đến chức Tham-chính chính-đoan-sứ, quốc kế biên mưu, trù hoạch rất giỏi. Đến khi tuổi già, về trí sĩ, mất, tặng hàm Đại-lý-tự Thượng
Khanh.
Ông Chiêm việc quan giỏi, văn chương hay, có làm quyển « Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí » để lại.
CHỈNH-(NGUYỄN-HỮU) 整(阮有)
Người ở Đông-Hải, Chân-Phước, lúc trẻ đã có tài lanh lẹ, đậu hương-cống rồi xây lại tập vũ nghệ, nhân đó vào làm môn hạ Hoàng-Ngũ-Phước. Ngũ-Phước thấy có tài giỏi thì rất yêu chuộng. Ngũ-Phước chết, Chỉnh ở với cháu Ngũ Phước là Tố-Lý. Lúc Tố-Lý trấn Nghệ-An thì cho Chỉnh làm Hữu-tham-quân, coi thủy-thủ để ngự mặt biển. Trong mấy trận thủy chiến, đánh rất lanh lẹ, người thời bấy giờ gọi ông là « Con diều ở biển » ; sau lại ông coi Tiền-ninh cơ ở Nghệ An.
Cuối niên hiệu Cảnh-Hưng (1786), Trịnh-Sum phế trưởng tử là Khải mà lập thứ tử Cán, khiến Tố-Lý giúp. Sum chết, quân sĩ làm loạn, phế Cán mà lập Khải và giết Tố-Lý. Chỉnh ở Nghệ-An nghe được tin ấy, bèn bàn với Trấn-thủ là Vũ-Tá-Đào nên kết hợp với phó-tướng Thuận-Hóa là Hoàng
Đình-Thể và Đồn-thủ Đồng-Hới là Khôi-Xuân. Hai vị ấy sẽ giết Đại-tướng của họ mà chiếm giữ lấy thành. Còn Tá-Đào thì giữ trấn Nghệ-An, để làm đảng viện cho nhau ; chận ngõ đường Hoàng-Mai, đóng trọng binh ở Quỳnh-Lưu, để làm kế cố thủ. Phía mặt biển thì có Chỉnh đương lấy. Tá-Đào đáp lại với Chỉnh rằng không thể làm nổi việc như thế được. Chỉnh thấy kế hoạch không xong, bèn bỏ đi. Đem cả gia tiểu đi đường biển vào Qui-Nhơn, ở với Nguyễn-Nhạc. Nhạc thấy Chỉnh thì bằng lòng, ngày một thân trọng. Trịnh-Khải khiến người em rể Chỉnh vào dụ Chỉnh về. Chỉnh đã không về mà lại giết tên ấy nữa. Nhạc lại đem lòng thân tín hơn trước.
Chỉnh nghĩ rằng họ Trịnh thất nhân tâm đã lâu, lại biết Trấn-tướng ở Thuận-Hóa là Phạm-Ngô-Cầu bất tài. Nhân đó nói với Nhạc có thể lấy Thuận-Hóa được. Nhạc tin theo, bèn cho em là Huệ làm Tiết-chế, rể là Vũ-Văn-Nhậm làm Tả
quân, Chỉnh làm Hữu-quân, đem binh sĩ ra xâm mặt Bắc. Chỉnh trước hết làm kế phản gián. Cầu và Phó-tướng là Hoàng-Đình-Thể ngờ vực nhau, rồi Huệ đánh lấy được Thuận-Hóa.
Chỉnh nhân đó nói với Huệ nên thừa thắng ra đánh luôn Thăng-Long, lấy danh rằng phò Lê diệt Trịnh. Huệ nói : « Chúng ta phụng mạng đi đánh lấy Thuận-Hóa, chưa có lệnh đánh Thăng-Long, giả chiếu chỉ sao được ». Chỉnh nói lại : « Giả việc nhỏ mà được công to, thì cũng nên giả ». Huệ cho là phải. Bèn sai Chỉnh đem thủy quân đi trước, Huệ suất đại quân tiếp theo. Đánh lấy luôn Nghệ-An, Thanh-Hóa và Sơn-Nam, rồi thẳng ra Thăng-Long. Trịnh Khải bỏ chạy rồi chết.
Thăng-Long lấy rồi, Chỉnh nói với Huệ vào yết kiến vua Lê Hiển-Tông và đem tất cả bộ tịch quân dân lấy ở phủ họ Trịnh mà nạp cho vua Lê, để tỏ lòng mình phò Lê. Sau Huệ thấy người trong nước phần nhiều tới lui với Chỉnh, bèn sinh nghi ra ; đêm Huệ bỏ đi lén về Qui-Nhơn. Chỉnh thấy Huệ đi, hoảng hốt sợ hãi, bèn xin với vua Chiêu-Thống cho vào Nghệ-An hợp binh để phòng vệ. Đoạn rồi tự đem thủ hạ hơn mười người, lấy một chiếc thuyền buôn rượt theo Huệ. Đến Nghệ-An gặp kịp. Huệ để Chỉnh ở lại Nghệ-An, giả làm Trấn thủ. Huệ đi rồi, thì Chỉnh liền khỉ binh, dối xưng là Chiêu
Thống sai làm Trấn-thủ Nghệ-An để chiêu tập binh mã. Lúc
bấy giờ đảng họ Trịnh lại lập Trịnh-Bồng lên. Chỉnh nghe được, liền đem binh ra Bắc, đuổi Bồng. Chiêu-Thống phong cho Chỉnh tước Bằng-quận-công, Bình-chương quân quốc trọng sự.
Lúc Chỉnh đem binh ra Bắc, Tây Sơn cho tướng là Nguyễn-Duệ đến giữ Nghệ-An. Nguyễn-Định bỏ Nghệ-An chạy theo Chỉnh đến Thanh-Hóa. Tướng sĩ đều tức giận, thề cùng Tây-Sơn quyết chiến. Chỉnh thì nghĩ rằng vợ con đương ở trong chỗ Tây-Sơn, cho nên do dự không chịu đánh. Từ đấy hai xứ (Bắc và Nam) đều vào tay Tây Sơn. Đến khi hai anh em Nhạc và Huệ có hiềm khích với nhau, Duệ, nguyên là cựu tướng của Nhạc, bỏ Nghệ-An lén chạy vào Qui-Nhơn. Huệ khi ấy lại càng nghi Chỉnh, khiến người gọi vào. Chỉnh lấy cớ rằng bổn trấn chưa yên, không chịu vào. Huệ bèn khiến Vũ-Văn-Nhậm đem quân ra Bắc đánh, đến Sơn-Nam, Chỉnh nghe tin, hoảng hốt đem binh ra cự chiến ở sông Thanh-Quyết. Đêm lại không phòng bị, quân địch cho người lặn xuống nước lấy giây buộc thuyền Chỉnh kéo qua bờ sông bên kia. Quân lính kinh hãi, chạy tán loạn. Chỉnh bèn kéo quân lui về Thăng-Long, xin vua Chiêu Thống chạy sang Tàu. Đến Yên-Thế, quân Tây-Sơn đuổi theo kịp. Con Chỉnh là Hữu-Du cự chiến bị chết. Chỉnh bị bắt bỏ vào cũi, đưa về Thăng Long. Tướng Tây-Sơn hỏi Chỉnh cớ sao lại làm phản như vậy. Chỉnh nói : « Thế phải làm như vậy thôi ». Tây Sơn bèn cho xe kéo xé xác.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Phù lê diệt trịnh cạnh phân-phân,
Mộ bắc triêu nam, tị tựu cần.
Yên-thế đồ cùng chung hoãn liệt, Bách tâm an khả sự kỳ quân.
Dịch nôm :
Phò Lê dứt Trịnh ngó bời-bời, Tối bắc mai nam tránh khắp nơi. Yên-thế cùng đường xe xé xác, Trăm lòng đâu trọn đạo làm tôi.
CHUẨN-(TRẦN-VĂN) 準(陳⽂)
Người ở Minh-Chính, Quảng-Bình, đậu tiến-sĩ năm Tự Đức thứ 15 (1862), làm án sát tỉnh Thanh-Hóa, sung chức phó-sứ sang Tàu, về thăng Thị-giảng học sĩ Tham-biện các vụ ; năm thứ 33 (1880) lãnh An-Tịnh Tổng-đốc, rồi Công bộ Thượng thơ, quản lý thương thuyền sự vụ. Lại sung Bắc-Kỳ phó Khâm-sai. Vì lúc trở về Kinh mà không đợi chỉ vua, bị giáng. Sau lại quyền An-Tịnh Tổng-đốc, vừa mất tại chức ; được thiệt thụ hàm Tổng-đốc.
CHUNG-(NGUYỄN-ĐỨC) 鍾(阮徳)
Người huyện Hương-Trà, Thừa-Thiên, Lãnh-binh tỉnh An Giang. Thiệu-Trị năm thứ 7 (1847) phái đến cửa Đà Nẵng phòng tiễu, bị người Tây bắn chết. Tặng Chưởng-vệ.
CHUNG-(TRẦN-KHẮC) 終(陳克)
Người ở Giáp-Sơn, nguyên là họ Đỗ, đời Trần-Nhân-Tông làm Chi-hậu-cuộc-thủ. Ô-Mã-Nhi, người Nguyên sang đánh phá tại Vũ-Ninh, vua muốn sai người đi dò tình hình quân địch, mà chưa biết lựa ai đi được. Khắc-Chung tự xin đi. Vua khen rồi cho mang thơ đi. Đến gặp Ô-Mã-Nhi. Mã-Nhi hỏi : « Quốc-vương sao lại vô lễ, cho người chạm hai chữ : Sát Thát (giết Thát Đát) nơi cánh tay ? »6. Khắc-Chung đáp lại rằng : « Gia cẩu phệ nhân, phi kỳ chủ dã. (Chó thấy người thì xủa, vì không phải chủ nó). Đấy là lòng công phẫn của dân chúng xúi họ làm, họ tự khắc lấy, có phải nhà vua biểu họ đâu ». Ô-Mã-Nhi lại nói : « Đại quân ở Bắc đến, sao lại không trở giáo đầu hàng, mà lại ra chống cự ? » Khắc Chung tùy vấn tùy đáp, chiết biện rạch ròi. Khi ông trở về nhà, Mã-Nhi nói với chư tướng rằng : « Người ấy ứng đối giỏi, đi ra mà giữ được thể thống cho nước ; nước họ có người giỏi, chúng ta chưa có thể xâm lăng được ». Đến khi thắng được quân Nguyên, Khắc-Chung lấy công ấy thăng chức Hành-khiển và vua cho họ nhà vua là « Trần ». Đời Anh-Tông ông thăng Thượng-thơ Tả-bộc xạ.
Lúc trước vua Anh-Tông gả Huyền-Trân Công chúa cho chúa Chiêm-Thành là Chế-Mân ; khi Chế-Mân chết, vua sai Khắc-Chung sang rước Chúa về nước. Khắc-Chung bèn tư thông với Chúa. Hưng-nhượng-Vương là Quốc-Tảng mỗi khi gặp Khắc-Chung thì mắng : « Tên họ anh nầy (Trần-khắc
Chung) đem sự rủi ro cho nhà nước, nhà Trần muốn Chung
(hết số) với tên nầy hay sao ? » Từ đó Khắc-Chung sợ, thường tránh không cho Quốc-Tảng gặp.
Đời Minh-Tông niên hiệu Đại Khánh, trời đại hạn, Đài quan (Ngự sử) hạch tâu rằng : « Khắc-Chung làm không hết chức vụ, cho nên trời giáng tai họa trong nước ». Khắc Chung nói : « Trời không mưa thì hỏi Long-vương, tôi có phải Long-vương đâu mà đổ lỗi cho tôi ».
Huệ-vũ Vương Quốc-Điền bị Văn-Hiến-Hầu vu làm phản, đương giam trong ngục. Minh-Tông hỏi Khắc-Chung nên xử thế nào. Khắc-Chung nguyên là đồng đảng với Văn-Hiến Hầu, bèn lấy câu : « Tróc hổ dị, phóng hổ nan » (bắt cọp dễ, thả cọp khó) mà tâu. Quốc-Điền bèn bị hại.
Đời Hiến-Tông niên hiệu Khải-Hựu năm thứ 2 (1330) Khắc-Chung mất. Khắc-Chung là một người hay làm kiểu bề ngoài để cầu được tiếng khen, không lo sắp đặt việc nhà. Mỗi buổi sớm vào Triều, thì ông vào thật sớm, chực ngoài cửa Vĩnh-tường để chận xem các giấy má tấu sớ, đến khi vào Triều thì tâu dối thông suốt cả. Triều bãi rồi thì đến Đông-cung dạy Thái-tử học, cũng là gắng gượng mà làm đó thôi. Về nhà thì bày ra đánh cờ với mấy ông bạn, ăn thua chỉ một đôi tiền mà đánh cả đêm đến sáng, cứ dựa nơi bàn mà húp cháo, không kịp nghỉ ngơi chút nào cả ; dụng tâm khổ đến như vậy. Khi chết rồi được tặng hàm Thiếu-sư, nhưng sau lại bị người gia-nô con của Quốc-Điền là Thiều Vũ đào mả lên lấy thây chặt đầu và nghiền xương.
Bài thơ vịnh phiên âm :
Kiểu tình lợi khẩu túc khi nhân,
Nhược thị vô tài cự đắc thân. Tróc hổ, vấn long, đồ sính quỉ, Nại cừ mạn mạ nhĩ vong trần.
Dịch nôm :
Kiểu tình lanh miệng đủ khi nhân, Nếu hẳn không tài há được thân ? Bắt cọp, hỏi rồng rành nói dối, Họ tên lại bị mắng vong trần.
"""