“Mười…” Mười người bị lừa ra một hòn đảo nằm trơ trọi giữa biển khơi thuộc vịnh Devon, tất cả được bố trí cho ở trong một căn nhà. Tác giả của trò bịp này là một nhân vật bí hiểm có tên “U.N.Owen”.
“Chín…” Trong bữa ăn tối, một thông điệp được thu âm sẵn vang lên lần lượt buộc tội từng người đã gây ra những tội ác bí mật. Vào cuối buổi tối hôm đó, một vị khách đã thiệt mạng.
“Tám…” Bị kẹt lại giữa muôn trùng khơi vì giông bão cùng nỗi ám ảnh về một bài vè đếm ngược, từng người, từng người một… những vị khách trên đảo bắt đầu bỏ mạng.
“Bảy…” Ai trong số mười người trên đảo là kẻ giết người, và liệu ai trong số họ có thể sống sót?
“Một trong những tác phẩm gây tò mò hay nhất, xuất sắc nhất của Christie.” – Tạp chí Observer
“Kiệt tác của Agatha Christie.” – Tạp chí Spectator
***
“Và rồi chẳng còn ai” (tên Tiếng Anh: And Then There Were None), còn có tên gọi khác là “Mười người da đen nhỏ” (tên Tiếng Anh: Ten Little Nigger) – một tác phẩm trinh thám đủ sức gây ám ảnh.
1.Về tác giả Agatha Christie
Agatha Christie (sinh năm 1890 – mất năm 1976) là một nữ nhà văn trinh thám đến từ nước Anh. Người ta biết đến bà với tiếng vang của nhân vật thám tử nổi tiếng Hercule Poirot và sau đó là nhân vật Bà Marple. Một điều ấn tượng đầy thú vị cho thấy sức ảnh hưởng của thám tử Hercule Poirot chính là việc ông là nhân vật hư cấu duy nhất cho đến nay được đăng cáo phó trên tờ The New York Times (khi ông bị bà Christie “giết chết” trong tác phẩm Curtain).
Vai thám tử Poirot trong phim “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” do Kenneth Branagh đóng
Vai thám tử Poirot trong phim “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” do Kenneth Branagh đóng
Có quá nhiều thứ để nói về Agatha Christie, về tác phẩm và cả cuộc đời bà. Christie đã cho ra đời hơn 80 tiểu thuyết trinh thám, có thể kể đến những tác phẩm quen thuộc như Thời khắc định mệnh, Vụ án sát ông Roger Ackryo, Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông, Chuỗi án mạng ABC, Án mạng trên sông Nile… Tuy nhiên, ít ai biết rằng “nữ hoàng trinh thám” cũng viết tiểu thuyết lãng mạn với cái tên Mary Westmacott – bút danh mà bà đã giữ kín gần 2 thập kỷ. Theo Sách kỷ lục Guiness, Agatha Christie là nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại của thể loại trinh thám, và đứng thứ hai nếu tính cả các thể loại khác (chỉ xếp sau William Shakespeare). Bên cạnh đó, vở kịch The mousetrap (Cái bẫy chuột) của bà cũng đang giữ kỷ lục vở kịch được công diễn lâu nhất trong lịch sử sân khấu London, khi được diễn lần đầu năm 1952 và tiếp tục được diễn cho đến nay.
Tác phẩm của Christie phản ánh con người và cuộc đời bà. Christie có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Trong Thế chiến thứ nhất, bà làm việc tại bệnh viện và tiệm thuốc, do đó, rất nhiều vụ giết người trong tác phẩm của bà được thực hiện bằng các loại thuốc độc. Christie cho rằng sử dụng thuốc độc là một hành vi bớt bạo lực và tạo ra cảm giác bí hiểm nhiều hơn.
Cha của Christie qua đời khi bà 11 tuổi, đẩy Christie vào sự ám ảnh tài chính. Bà sợ đói nghèo. Tiền bạc thường là trung tâm trong các tiểu thuyết của bà. Hai nhân vật nổi tiếng mà bà tạo ra là thám tử Poirot và bà Marple đều coi tiền bạc là động cơ hàng đầu trong mỗi tội ác – Theo lời Laura Thompso trong cuốn tiểu sử Agatha Christie: An English Mystery.
Cuộc đời Agatha Christie đã từng có một cuộc mất tích bí ẩn 11 ngày vào năm 1926, thời điểm mà cuộc hôn nhân của bà gặp nhiều đau khổ cùng với nỗi đau đớn khi người mẹ qua đời. Gia đình và cảnh sát đã đi tìm bà khắp nơi, nhưng phải mất đến tận 11 ngày, người ta mới tìm thấy bà trong một khách sạn nghỉ dưỡng. Sau lần mất tích đó, Agatha Christie dường như quên sạch mọi thứ về bản thân. Bà khăng khăng mình đến từ Nam Phi, không nhận ra chồng và con cái. Đối với Christie, đây là ‘sự kiện không bao giờ nên được nhắc lại”.
Nói thêm một chút về điều mà mình ấn tượng với Agatha Christie. Chúng ta biết rằng Arthur Conan Doyle – cha đẻ của Sherlock Holmes đã quyết định kết thúc cho nhân vật của mình bằng “cái kết” gây phẫn nộ. Trong lúc ‘cuộc chiến” giữa Holmes và Moriarty đang trong hồi gay cấn, Doyle đã để hai nhân vật này cùng nhau bỏ mạng tại thác Reichenbach. Quyết định này khiến người hâm mộ choáng váng và tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội. Cuối cùng, ông đã phải hồi sinh nhân vật của mình.
Lý giải cho cái chết của Holmes, Conan Doyle bảo rằng thời điểm đó ông cần tập trung nhiều cho sự nghiệp phòng khám của mình. Tuy nhiên, có một sự thật rõ ràng rằng phòng khám của Doyle không thật sự phát triển, trong khi Holmes của ông lại đang rất thành công. Do đó, nhiều người cho rằng Doyle đã bước vào giai đoạn bế tắc trong sáng tác, không biết nên tiếp tục Holmes như thế nào. Một nhân vật vĩ đại cũng cần một kết thúc vĩ đại. Đó thật sự là áp lực của một người cầm bút.
Nhưng điều này thì liên quan gì đến Agatha Christie?
Bà cũng đã từng cảm thấy chán ngán với thám tử Poirot của mình. Christie từng viết trong nhật ký rằng bà “không thể chịu đựng nổi” với Poirot, nhưng bà đã chống lại được cảm giác muốn kết liễu Poirot khi ông vẫn đang còn nổi tiếng. Với Christie, viết lách là phụng sự, bà phục vụ khán giả, và chừng nào khán giả còn yêu thích Poirot, bà không muốn chấm dứt niềm yêu thích đó. Trên thực tế, từ lúc phát sinh cảm giác chán ngán đó, đến tận 35 – 45 năm sau, Agatha mới viết cho Poirot một cái kết.
Agatha Christie đã sống 85 năm trên cuộc đời. Thế giới của bà có quá nhiều chuyện để người ta muốn lắng nghe và tìm hiểu. Từ cuộc hôn nhân đổ vỡ, cuộc mất tích bí ẩn, những tổn thương trong tâm hồn, áp lực của một người sáng tác… cho thấy một Agatha Christie rất có chiều sâu và chiều rộng.
2. “Và rồi chẳng còn ai” – “Mười người da đen nhỏ”
“Mười tên lính nhỏ đi ăn
Một tên chết nghẹn, giờ còn chín tên
Chín tên thức muộn trong đêm
Một quên không dậy, tám tên ngậm ngùi.
Devon du thuyền chúng chơi
Một tên nằm lại, bảy thời ra đi.
Một tên bổ củi làm chi,
Bổ đôi một đứa, sáu tên muộn phiền.
Sáu đem tổ ong ra nghiền,
Một ong đốt chết, còn năm sững sờ.
Đến toà năm đứa kia chờ,
Một vào Thượng thẩm, bốn ra biển ngồi.
Bốn tên cùng ra biển trời.
Trích đỏ nuốt một, giờ còn lại ba.
Vườn thú ba đứa la cà,
Gấu to vồ một, còn hai vẹn toàn.
Hai tên đi dưới nắng vàng,
Một cong khô chết, một tên bơ phờ.
Còn tên lính nhỏ thẫn thờ
Hắn đi treo cổ mình lên trần nhà.
Và rồi chẳng còn ai”
Frank, 1869
Bài thơ đầy ám ảnh!
Đây là bài thơ được xuất hiện nhiều lần trong câu chuyện. Cùng với cái tên, có thể dễ dàng đoán được rằng những vụ án mạng sẽ được diễn ra giống như những gì mà bài thơ nói đến.
Câu chuyện bắt đầu với sự xuất hiện của Wargarave – một vị thẩm phán mới về hưu, trên chuyến tàu ra Đảo Chiến Binh. Đảo Chiến Binh là một địa điểm đầy bí ẩn với nhiều lời đồn đoán và thổi phồng về nó. Ông tới Đảo Chiến Binh theo lời hẹn của quý cô Constance Culmington – một người ông từng gặp ở nước Ý.
Cứ như thế, thêm 7 nhân vật nữa là cô Vera Claythorne, Philip Lombard – đại uý, cụ bà Emily Brent, tướng Macarthur, bác sĩ Armstrong, Tony Marston và ông Blore cùng đi ra hòn đảo Chiến Binh nằm trên vịnh Devon, theo những lời đề nghị vô cùng hợp lý và hấp dẫn. Sau khi tới hòn đảo, chỉ có hai người được thuê làm quản gia đón tiếp họ, đó là vợ chồng Thomas và Ethel Roger. Vậy là đủ 10 người, còn nhân vật bí ẩn đã mời họ đến hòn đảo này thì lại chẳng thấy đâu.
Sau khi nhận phòng, họ nhận ra rằng trong phòng mỗi người đều có một bài thơ chết chóc giống hệt nhau, báo hiệu thời gian sắp tới sẽ mù mịt và u ám.
Bữa tối kết thúc, một giọng nói vang lên, liệt kê lần lượt những tội ác mà 10 con người kia đã từng làm trong quá khứ. Đối với họ, đây là những lời buộc tội vô lý và không có căn cứ hay bằng chứng nào để xác nhận. Nhưng họ ám ảnh với những lời buộc tội đó.
Và đây cũng là khởi nguồn của một màn bi kịch đẫm máu.
Không khó để biết rằng kết cục của 10 con người này sẽ tương ứng với những lời được nêu trong bài thơ. Nhưng cái tài tình của cô Agatha Christie là khiến cho người ta biết trước rồi mà vẫn hồi hộp đến thót tim. Agatha Christie thật sự là người kỹ lưỡng với những chi tiết, đặc biệt là chi tiết mang tính biểu tượng.
Vụ án trên hòn Đảo Chiến Binh là vụ án bí ẩn kinh điển, những fan truyện trinh thám ắt hẳn quá quen với những cái gọi là “vụ án trong phòng kín” hay “vụ án bất khả thi”. Người ta suy nghĩ mãi mà vẫn không tìm ra được ai là kẻ bí ẩn đứng sau tội ác, bởi không có dấu hiệu cho thấy có người thứ 11 xuất hiện trên hòn đảo này.
Nhưng dĩ nhiên là Agatha Christie đã giải đáp mối nghi ngờ đó.
3. Cảm nhận của bản thân mình.
Điều mình ấn tượng nhất ở “Mười người da đen nhỏ” là cách cô Agatha Christie xây dựng các chi tiết, thật sự sắc sảo, hợp lý và thông minh. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, mình thấy hơi hụt hẫng vì dựa trên bài thơ, độc giả có thể đoán được sơ bộ nội dung của câu chuyện. Tất nhiên là cái kết vẫn gây nên sự bất ngờ!
Mình cũng thích cách cô Christie truyền tải thông điệp trong tác phẩm này. Là một người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, mình hiểu rằng trên đời này có những tội ác, biết rõ mười mươi nhưng vì nhiều lý do mà pháp luật không thể yêu cầu kẻ gây nên phải đền tội. Và bởi thế, trong tác phẩm của cô Christie, đã xuất hiện một kẻ mang trong mình hai trạng thái đối nghịch: một mặt là “khát vọng chết chóc”, mặt khác là “ý thức sâu sắc về lẽ công bằng”. Chính hắn cũng đã bảo rằng: “Tôi có một thú vui điên cuồng là chứng kiến hay gây nên sự chết chóc”, nhưng “đối với tôi thì việc bất cứ một con người hay một sinh vật vô tội nào phải chịu đau khổ hay phải chết dưới tay mình là một việc không thể dung thứ”. Chính điều này đã tiết lộ cách mà hắn điều khiển câu chuyện như thế nào.
Nhưng có một điều rằng mình không hề thích cái kết mà cô Agatha Christie lựa chọn. Có lẽ nó hơi trái ngược những quan niệm của mình về cuộc sống. Với mình, không ai nhân danh công lý được bằng chính bản thân sự thật. Không ai có thể tự trao cho bản thân cái quyền trừng phạt, phán xét và định đoạt cho bất kỳ kẻ gây ra tội ác nào.
Một số người cho rằng “Và rồi chẳng còn ai” là tác phẩm ấn tượng nhất của cô Agatha Christie, bởi cách xây dựng câu chuyện khá lạ và mạo hiểm. Nhưng mình vẫn highly recommend mọi người đọc một số quyển khác như Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông hay Án mạng trên sông Nile… Mình thích những tác phẩm này hơn!
Tuy nhiên, mình đã bị ám ảnh với “Và rồi chẳng còn ai”, mặc dù mình đọc không quá ít về dòng trinh thám. Có lẽ do tính biểu tượng của chi tiết ở trong câu chuyện này quá mạnh, nó khiến mình suy nghĩ rất nhiều về những gì đang diễn ra trong cuộc đời này, nó thực tế đến mức đáng sợ. Có lẽ, mỗi một giây phút nào đó trên thế giới này, một tội ác cũng đang được thực thi.
Mời các bạn đón đọc Và Rồi Chẳng Còn Ai của tác giả Agatha Christie & Việt Hà (dịch).