Giữ lại tình yêu ở nơi sâu thẳm nhất của trái tim
Để bảo toàn dạnh dự cho gia tộc
Và làm tròn phận sự với quốc gia
Tất cả sẽ có trong Tù nhân thành Zenda.
Một tiểu thuyết phiêu lưu kinh điển của thế kỉ 19 – được chuyển thể nhiều lần thành phim điện ảnh, phim truyền hình, kịch và nhạc kịch…vào các băn 1895, 1913, 1915, 1922, 1937, 1952, 1961, 1979, 1984.
Trích đoạn
Nếu tôi tường thuật lại chi tiết những sự kiện thông thường trong cuộc sống hàng ngày của mình vào thời gian này, bản tường thuật ấy có thể sẽ rất hữu ích cho những người không quen thuộc với nội tình các cung điện; nếu tôi hé lộ vài bí mật đã biết, chúng tôi có thể sẽ hữu ích cho giới chính khách Châu Âu. Tôi không định sẽ làm bất cứ việc nào trong hai việc kể trên. Nếu làm thế tôi sẽ rơi vào giữa Scylla của nỗi buồn tẻ và Charybdis của sự thiếu tế nhị, tôi cảm thấy tốt hơn nhiều là nên giới hạn hoàn toàn vào câu chuyện đầy kịch tính ngấm ngầm diễn ra dưới bề mặt chính trường Ruritania.
***
“Tôi không biết đến bao giờ chú mới chịu làm gì đó trong đời hả Rudolf?” – Chị dâu tôi hỏi.
“Chị Rose yêu quý,” – tôi vừa trả lời vừa đặt chiếc thìa ăn trứng xuống – “sao em lại phải làm gì đó trong đời chứ? Cuộc sống hiện tại của em rất thoải mái. Em có thu nhập gần đủ cho nhu cầu của mình (mà chị biết đấy, chẳng có thu nhập của ai là đủ bao giờ cả), em có một vị trí xã hội đáng ước ao: là em trai Lord Burlesdon, và là em chồng của vị phu nhân duyên dáng, nữ bá tước của anh ấy. Chị thấy đó, vậy là đủ rồi!”
“Chú hai mươi chín tuổi rồi đấy,” – chị dâu tôi nhận xét – “và chú chưa bao giờ làm gì ngoài…”
“Ăn không ngồi rồi phải không nào? Quả có vậy thật. Gia đình chúng ta không cần phải làm việc này việc nọ.”
Nhận xét này của tôi làm chị Rose phật ý, vì ai cũng biết (và vì thế chẳng có gì hại khi đề cập tới thực tế này) cho dù chị xinh đẹp và hoàn hảo, gia đình chị cũng khó lòng được coi là sở hữu cùng địa vị như dòng họ Rassendyll. Ngoài sự hấp dẫn của bản thân, chị dâu tôi còn sở hữu một tài sản lớn, và ông anh Robert của tôi thì đủ khôn ngoan để không bận tâm nhiều đến các bậc tiền bối của chị. Song kỳ thực các bậc tiền bối đúng là vấn đề trong đó nhận xét tiếp theo của chị Rose chứa đựng ít nhiều sự thật.
“Các danh gia vọng tộc nói chung thường tệ hơn những gia đình khác,” – Chị nói.
Nghe đến đây, tôi đưa tay lên vuốt tóc: tôi biết thừa ý chị muốn ám chỉ điều gì.
“Tôi lấy làm mừng là Robert tóc đen!” – Chị lớn tiếng.
Đúng lúc này, Robert (người dậy lúc bảy giờ và làm việc trước khi ăn sáng) bước vào. Anh tôi đưa mắt nhìn vợ: đôi má chị hơi ửng đỏ; anh tôi trìu mến vỗ nhẹ lên đó.
“Có chuyện gì thế, em yêu?” – Anh hỏi.
“Chị phản đối chuyện em không làm gì và có mái tóc đỏ,” – Tôi nói với giọng tổn thương.
“À phải! Tất nhiên là cậu ấy chẳng thể làm gì với mái tóc của mình,” – Rose thừa nhận.
“Nói chung chuyện này cứ mỗi thế hệ lại xảy đến với một người,” – anh trai tôi nói. – “Với cái mũi cũng thế. Rudolf sở hữu cả hai thứ.”
“Em ước gì chúng không nảy ra,” – Rose nói, má vẫn đỏ bừng.
“Bản thân em lại thấy thích chúng,” – tôi nói và vừa đứng dậy vừa cúi đầu về phía bức chân dung nữ bá tước Amelia.
Chị dâu tôi kêu lên đầy bực bội.
“Em ước gì anh cất bức tranh đó đi chỗ khác, Robert,” – Chị nói.
“Kìa em!” – Anh tôi thốt lên.
“Lạy Chúa lòng lành!” – Tôi chêm vào.
“Như thế người ta có thể quên chuyện đó đi,” – Chị dâu tôi nói tiếp.
“Khó lắm – với Rudolf luôn đó,” – Robert vừa nói vừa lắc đầu.
“Sao lại phải quên nó đi chứ?” – Tôi hỏi.
“Rudolf!” – Chị dâu tôi gắt lên, má đỏ lựng trông thật đẹp.
Tôi bật cười, và tiếp tục thưởng thức quả trứng của mình. Ít nhất tôi cũng đã chống đỡ được câu hỏi liệu tôi cần phải làm gì (nếu có gì đó cần làm thật). Và như thể để khép lại cuộc tranh luận – đồng thời cũng phải thừa nhận nhằm châm chọc bà chị dâu khó tính đáng mến của mình thêm chút nữa – tôi nhận xét:
“Thực ra chính em cũng thích làm một người của nhà Elphberg.”
Khi đọc một câu chuyện, tôi luôn bỏ qua những lời giải thích; thế nhưng đến khi bắt đầu viết ra một câu chuyện, tôi lại thấy nhất định mình phải có một lời giải thích. Rõ ràng tôi cần giải thích tại sao chị dâu tôi lại bực mình đến thế với cái mũi và mái tóc tôi sở hữu, cũng như tại sao tôi lại dám mạo muội gọi mình là một người của nhà Elphberg. Vì phải nói rằng dù dòng họ Rassendyll đã có địa vị thượng lưu qua nhiều thế hệ, song sở hữu dòng máu của nó thoạt nhìn tất nhiên chẳng thể biện minh được cho việc tuyên bố có quan hệ với gia tộc Elphberg hiển quý hơn nhiều hay tuyên bố mình là một thành viên của hoàng tộc này. Vì liệu có thể có mối quan hệ nào giữa Ruritania và Burlesdon, giữa cung điện Strelsau hay lâu đài Zenda với số nhà 305 Park Lane, West chứ?
Chẳng là thế này – và tôi phải thừa nhận mình sắp buộc phải bới lên đúng vụ tai tiếng mà quý phu nhân Burlesdon thân mến ước ao nhận chìm vào quên lãng – vào năm 1733, khi đó đức vua George II đang ngồi trên ngai vàng, thiên hạ đang thái bình, và đức vua cùng Hoàng tử xứ Wales vẫn chưa bất hòa với nhau, có một ông hoàng ghé thăm triều đình nước Anh, người sau này được biết đến trong lịch sử với tư cách đức vua Rudolf Đệ Tam của Ruritania. Hoàng tử là một thanh niên cao ráo, điển trai, được làm nổi bật (hay làm lu mờ bớt, về điều này thì tôi không có tư cách để nói) bởi một cái mũi có phần dài khác thường, sắc sảo và thẳng, cùng mái tóc màu đỏ sẫm – kỳ thực, đó là chiếc mũi và mái tóc đã trở thành dấu ấn của gia tộc Elphberg. Vị hoàng tử nán lại Anh vài tháng, nơi điện hạ được đón tiếp vô cùng lịch thiệp; thế nhưng cuối cùng vị khách hoàng gia lại rời đi trong bối cảnh khá ảm đạm. Vì điện hạ đã quyết đấu (và người đương thời đánh giá điện hạ quả là người đàng hoàng khi dẹp sang bên mọi câu hỏi về địa vị của mình) với một nhà quý tộc, khá nổi tiếng trong giới thượng lưu thời ấy, không phải vì sự xuất chúng của bản thân ông này, mà với tư cách là chồng của một bà vợ cực kỳ xinh đẹp. Trong cuộc quyết đấu, hoàng tử Rudolf nhận một vết thương nghiêm trọng, và sau khi hồi phục, điện hạ được vị đại sứ Ruritania, người cảm thấy hoàng tử quả là một mối phiền phức lớn, khéo léo kín đáo đưa về nước. Nhà quý tộc kia không bị thương trong cuộc quyết đấu; nhưng vì buổi sáng diễn ra cuộc quyết đấu trời khá lạnh và ẩm ướt, ông này bị cảm lạnh nặng, đã qua đời sáu tháng sau khi hoàng tử Rudolf về nước, không kịp có thời gian điều chỉnh mối quan hệ với vợ mình – người hai tháng sau đó sinh hạ một đứa bé thừa kế tước vị và lãnh địa của gia đình Burlesdon. Vị phu nhân kể trên chính là nữ bá tước Amelia, người có bức chân dung mà chị dâu tôi mong muốn gỡ bỏ khỏi phòng tranh tại Park Lane; và chồng bà là James, bá tước Burlesdon đời thứ năm, nam tước Rassendyll đời thứ hai mươi hai, cả hai tước hiệu đều hiện diện trong Danh sách quý tộc nước Anh, đồng thời cũng được tặng huân chương Hiệp sĩ Dòng Garter. Về phần Rudolf, hoàng tử quay về Ruritania, cưới vợ, lên ngôi, và từ đó hậu duệ ngành trưởng trực hệ của ông vẫn tiếp tục ngự trên ngai vàng đến tận bây giờ – với một thời gian gián đoạn ngắn. Cuối cùng, nếu bạn đi dọc theo hành lang treo các bức chân dung tại Burlesdon, trong số chừng năm mươi bức chân dung thuộc về một thế kỷ rưỡi vừa qua, bạn sẽ tìm thấy năm hay sáu bức, trong đó có chân dung vị bá tước đời thứ sáu, nổi bật lên với cái mũi dài, thẳng, sắc sảo và mái tóc dày đỏ sẫm; năm hay sáu bức chân dung này cũng có mắt xanh, trong khi mắt đen là nét chung hay gặp hơn trong dòng họ Rassendyll.
Trên đây là lời giải thích, và tôi lấy làm mừng đã trình bày xong: những vết nhơ trên các dòng dõi danh giá luôn là chủ đề tế nhị, và chắc chắn tính di truyền mà chúng ta vẫn nghe nói đến rất nhiều này chính là kẻ chế chuyện ngồi lê đôi mách tinh tế nhất trên đời, luôn kín đáo cười nhạo báng và viết xen những ghi chú lạ lùng vào giữa các dòng trong bản Danh sách quý tộc.
Mời các bạn đón đọc Tù Nhân Thành Zenda của tác giả Anthony Hope & Lê Đình Chi (dịch).