Đối với một số bạn đọc Việt Nam cái tên George Orwell có lẽ khá xa lạ vì sau 1975 hình như không có cuốn nào của tác giả này được xuất bản, tuy nhiên với một lượng người đọc khác, đây là một cái tên cực kì quen thuộc và nổi tiếng, đặc biệt là với các kiệt tác 1984 hay Trại súc vật,v.v… Ở đây tôi sẽ chỉ nói tới Trại súc vật (Animal Farm).
Trại súc vật là một tác phẩm hầu như luôn có tên trong nhiều bảng xếp hạng sách từ các trang uy tín trên thế giới, thật ra đó là một cuốn sách nhỏ, tôi đọc nó chỉ trong vòng vài giờ.
Câu chuyện bắt đầu ở Điền Trang của ông Jones, một ngày kia con lợn già mang tên Thủ Lĩnh quyết định kể cho mọi loài vật có mặt trong trang trại về một giấc mơ của nó. Giấc mơ ấy kể về một thế giới không có loài người, nơi đó chỉ có các loài gia súc, gia cầm cùng nhau chăm chỉ làm việc và hưởng thụ thành quả lao động của mình trong một sự bình đẳng tuyệt đối. Sau khi con lợn này chết đi, lũ lợn còn lại (được xem là giống loài thông minh) đã cùng các loài thú khác như ngựa Chiến sĩ, ngựa Bà Mập, con dê Muriel, lũ chó, mèo, … soạn ra cương lĩnh họat động, tiến đến khởi nghĩa “vũ trang”, sử dụng bạo lực cách mạng lật đổ ách thống trị của ông chủ. Thời cơ đến, khởi nghĩa thắng lợi vang dội, ông Jones cùng những người làm công bị đánh đuổi khỏi trang trại. Từ đây, những con vật dưới sự dẫn đường của lũ lợn bắt đầu thời kì tự do với Bảy điều răn được dùng làm cương lĩnh hoạt động :
BẢY ĐIỀU RĂN
1. Tất cả các loài hai chân đều là kẻ thù.
2. Tất cả các loài bốn chân hoặc có cánh đều là bạn.
3. Không con vật nào được mặc quần áo.
4. Không con vật nào được ngủ trên giường.
5. Không con vật nào được uống rượu.
6. Loài vật không được giết hại lẫn nhau.
7. Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng.
Với một tư tưởng tiến bộ như vậy, Điền Trang được đổi tên thành Trại súc vật (Animal farm), mọi loài vật đều ra sức làm việc gấp bội lần hơn trước vì từ đây là chúng lao động cho bản thân, cho con cái mình chứ không còn vì loài người tham lam, không biết làm chỉ biết hưởng.
Nhưng, tất cả không chỉ dừng ở đó.
Thời gian qua đi, nhiều, nhiều chuyển biến diễn ra, tưởng như thảy đều hợp lý, đều vì lý tưởng ban đầu, đều vì lợi ích chung của muôn loài. Cho đến khi hết truyện, người đọc cũng như các con vật “thường dân” trong truyện đều không khỏi ngỡ ngàng khi bảy điều răn năm xưa giờ đây chỉ còn một điều duy nhất :
“MỌI CON VẬT SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG, NHƯNG CÓ MỘT SỐ CON BÌNH ĐẲNG HƠN NHỮNG CON KHÁC.”
Đây là một tác phẩm chứa nhiều tầng nghĩa của George Orwell, với lối văn phong tự nhiên giản dị. Chuyện chỉ xảy ra trong phạm vi một trang trại nước Anh với nhân vật là các thứ lợn, bò, ngựa, chim chóc, cừu, dê… thế nhưng tác phẩm lại phản ánh thực tế một cách sâu sắc. Trong suốt câu chuyện, tác giả không lần nào áp đặt suy nghĩ của mình lên người đọc nhưng tự bản thân Trại súc vật, như bất kì tác phẩm văn học xuất sắc nào khác, tự thân nó đã có thể thể hiện rõ thông điệp của mình.
Trại súc vật kết thúc với một câu văn rất thú vị :
“Chúng (bọn súc vật) nhìn lợn rồi lại nhìn người, nhìn người rồi lại nhìn lợn, một lúc sau thì chúng chịu, không thể phân biệt được đâu là người, đâu là lợn nữa.”
Và một chi tiết khác làm nên giá trị của Trại súc vật chính là tính tiên đoán của nó thể hiện sự tinh tường hiếm có của George Orwell đối với đời sống chính trị xã hội. Đọc cuốn sách này tôi có thể tin chắc rằng những người đọc Việt Nam sẽ cảm thấy vô cùng, vô cùng thú vị, cho dù, nó được viết từ năm 1944, cách đây đã hơn 60 năm. Các bạn có thể tin rằng, không phải tự nhiên mà hàng loạt bảng xếp hạng uy tín về sách lại chọn Trại súc vật là một trong những cuốn sách nên đọc của mọi thời đại.
Hỡi các đồng chí, đoán xem trong tiếng Việt có bao nhiêu bản dịch cuốn “Animal Farm” của George Orwell? Hôm nay nhà Z xin có một bài tổng hợp liệt kê các bản. Những thông tin và ảnh bìa dùng cho bài viết này, được lấy từ sachxua.net, và được các anh VHT, NTT, NH… cho biết thêm. Xin đội ơn các anh.
Hôm nay nhà Z mò lên goodreads mới biết hóa ra “Animal Farm” lại hot đến vậy, gần 2 triệu lượt ratings. Từng và luôn được coi là một ví dụ kinh điển cho thứ nghệ thuật phương Tây chống Cộng, George Orwell bị chính thức cấm ở Việt Nam suốt từ 1975 tới tận hiện nay (hẳn nhiên ông cùng nằm trong danh sách đen của chính phủ cùng với Arthur Koestler và Aleksandr Solzhenitsyn cùng nhiều đồng chí khác nữa). Chỉ một lần duy nhất trong suốt bao năm tháng đằng đẵng ấy, Orwell xuất hiện chớp nhoáng với một bản in chính thức hồi 2013. Còn lại toàn bộ thời thanh xuân của chàng ở Việt Nam nằm ở dạng xuất bản ngầm. Và xin trả lời cho câu hỏi trên, có tổng cộng 6 bản dịch “Animal Farm” trong tiếng Việt.
Bản dịch tác phẩm của Orwell đến Việt Nam sớm hơn chúng ta tưởng rất rất nhiều. Khoảng cách giữa năm xuất bản bản gốc tiếng Anh “Animal Farm” vào năm 1945 và bản dịch đầu tiên ở ta là <7 năm.
Bản dịch đầu tiên này xuất hiện vô cùng bí hiểm với các thông tin về người dịch và nhà xuất bản đều bị lược bỏ. Nó xuất hiện vào năm nào cũng không ai hay. Nhưng bên trong sách có một lời đề tặng, Xuân Nhâm Thìn 52, vậy chứng tỏ nó đã được dịch và xuất bản trước năm 1952. Chỉ có một thông tin duy nhất về nhà in cuốn sách này: nhà in I.D.E.O: IMPRIMERIE D’EXTREME-ORIENT, 1 Rudyard-Kipling SAIGON. Nhà in Viễn Đông đặt trụ ở đường Nguyễn Siêu Sài Gòn khi đó, có trụ sở chính ở Hà Nội, tọa lạc ngay chính tòa nhà 6 tầng từng là trụ sở của báo Nhân Dân mà nay là Trung tâm văn hóa Pháp L’escape ở Tràng Tiền.
Nào, thế ai đã tiến hình dịch và in cuốn sách này? Hẳn nhiên là ai mà biết được, và nếu có thì chỉ là giả thuyết, không thể chứng minh. Tuy nhiên, càng đọc bản dịch “Cuộc cách mạng trong trại súc vật,” càng có cảm giác nó được dịch ra với một mục đích hẳn hòi: tuyên truyền chống phá ????
Phải nói ngay và luôn, đây là một bản dịch tuyệt vời: mình đã đọc tổng cộng 3 bản dịch “Animal Farm” thì đây là bản uyển chuyển, tự nhiên, đâu ra đấy nhất. Dịch giả đã kể lại câu chuyện “thần thoại” của Orwell bằng thứ tiếng Việt giàu có, và rất phù hợp với những năm 1950 của thế kỷ trước, nhưng rất nhiều chi tiết đã bị lược bỏ, nhằm tạo ra hiệu ứng: một câu chuyện thần thoại gắn liền với dân tộc và đất nước Việt Nam.
Cụ thể như sau: nếu ai đọc các bản dịch của Phạm Nguyên Trường và An Lý, đều biết câu chuyện này xảy ra ở Nông trang ở nước Anh. Từ tên các địa danh, các nhân vật, các lời kêu gọi, đều là hướng tới “Súc vật Anh” và các chi tiết liên quan tới toàn cõi Anh. Bản dịch đầu tiên đều lần lượt lược bỏ các từ chỉ định ấy, và Việt hóa hoàn toàn các tên riêng sang tiếng Việt, cũng như những thứ cần thiết khác.
Chẳng hạn: Thay vì có chủ trại Jones ở Nông trang thì ta có ông chủ Dương Lâm ở trại Mai Nương, thay vì có Thủ Lĩnh hay Trưỡng Lão (Old Major) con lợn già đầu tiên kể về giấc mơ của mình, ta có cụ Mạc Niên, thay vì Tuyết Cầu và Nã Phá Luân (Snowball- Tuyết Tròn và Napoleon) ta có Minh Chư và Xích Chư…
Quan trọng hơn, không một chi tiết nào trong bản dịch khiến người đọc có thể thấy được đây là nước Anh mà toàn bộ chỉ là đất nước, là toàn quốc: thay vì vào làng Willingdon, ông chủ đi ra TỈNH LỴ. Không gian địa lý được thay đổi hoàn toàn, câu chuyện thần thuộc ấy xảy ra ở một nông trang được tạo ấn tượng như ở Việt Nam, và các không gian ngoài kia đều được coi là đi ra ngoài tỉnh.
Chính vì thế, bài hát đầu tiên các con vật hát không phải là “Cầm thú Anh Quốc” mà là “Súc vật Toàn Quốc”, và lời hiệu triệu các con vật là lời hiệu triệu “Toàn Quốc”, nước Anh trở thành “đất nước chúng ta”.
Những chi tiết nhỏ nhặt được thay đổi như vậy, là một cách Việt hóa tương đối quen thuộc, được thực hiện một cách hệ thống trên toàn bản dịch. Thay vì xây cối xay gió, toàn bộ súc vật ở trại xay nhà máy xay lúa chạy bằng sức gió, huân chương trao cho các con vật tên là “Anh hùng súc vật thượng đẳng BỘI TINH”, và cái ngày khởi nghĩa của trại được cho vào luôn Tết Đoan Ngọ, thay vì uýt ki thì các anh lợn uống rượu trắng, và nấu rượu nếp…
Ngoài những chỗ thuần Việt về văn hóa khi chuyển dịch như vậy thì bản 1952 là một bản dịch bám sát, và những bài hát của Trại Súc Vật được dịch vô cùng nhịp nhàng bằng thể lục bát trứ danh.
Và chính ở bản đầu tiên này, khi đổi tên trại, dịch giả đã chuyển thành “Trại Súc Vật”.
Đây cũng chính là bản dịch có những minh họa tuyệt đẹp cho vài phân cảnh quan trọng trong truyện. Nhà Z đoán là đã nhà in đã sử dụng lại bản minh họa của sách nước ngoài, nhưng không biết từ bản nào.
Bản dịch thứ 2 của “Animal Farm” do Đỗ Khánh Hoan dịch, theo như chính dịch giả cho biết thì đã được in 3000 bản hồi đầu 1975, chưa kịp phát hành thì 30-4 xảy ra. Dễ đoán biết số phận của những bản in ấy sau 1975, phần đa đã bị thiêu rụi. Đỗ Khánh Hoan có mang theo bản dịch khi sang nước ngoài và sau đó có tự tổ chức in lại, cụ thể là cuốn bìa màu xanh (hoặc có khi bìa màu tím) ở trên, in ở Canada, NXB Nắng Mới Books hồi 1989. Rất tiếc nhà Z chưa có cơ hội để đọc bản dịch này.
Theo blog của dịch giả Phạm Nguyên Trường thì bản dịch của ông đã được thực hiện lần đầu tháng 12 năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh của Orwell. Rất nhanh chóng, chỉ vài tháng sau, bản dịch được đăng trên talawas làm 5 kỳ vào năm 2004, và được phổ biến rộng rãi tới độc giả Việt Nam nhờ internet. Có thể nói đây là bản dịch tới được tay độc giả ở ta nhiều nhất cho đến thời điểm này. Thay vì dấm dúi chuyền tay nhau bản in lậu samizdat như ở Nga và Đông Âu ngày xưa, độc giả những năm 2000 trở về sau đã có thể thoải mái đọc Orwell và bàn luận.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường cũng là người đã dịch 1984 (với bút danh Phạm Minh Ngọc) sang tiếng Việt.
Hẳn nhiên đây là một bản dịch chất lượng, không cắt xén, đầy đủ và bám sát. Đến năm 2010, NXB ngầm, Giấy Vụn, đã in cuốn “Trại Súc Vật” của Phạm Nguyên Trường, và đến 2016, bản này lại được một NXB ngầm khác là Vô Danh in lại có kèm cả bản gốc tiếng Anh. NXB Vô Danh cũng chính là nơi in lại bản 1984.
Một bản dịch âm thầm ra đời vào năm 2013 khiến cả đất nước ngỡ ngàng, là bản dịch thứ 5 trong tiếng Việt. Không ai biết từ đâu nhờ ai vào lúc nào một ngày “Câu chuyện nông trang” lừng lững xuất hiện ở quầy sách khắp nơi trong cả nước, và chỉ trong một thời gian ngắn tạo ra một cơn bão (trong tách trà ????), khi đến cả báo quân đội cũng đưa tin về nó.
Nhìn lại những ngày tháng ấy nhà Z vẫn còn chút ngỡ ngàng vì không khí sục sôi bạo liệt của đồng bào, và mọi thứ nhanh chóng rơi vào im lặng khi bản in chính thức một lần và mãi mãi ấy ngừng ấn bản.
Bản dịch An Lý là một bản dịch tốt, bám sát. Và khi so với bản dịch đầu tiên và bản của Phạm Nguyên Trường, có một đặc điểm rõ ràng dễ nhận thấy, chính là ngôn ngữ ở những thuật ngữ đặc biệt, được điều chỉnh để mang tính ám chỉ rõ rệt hơn cả, những thuật ngữ cực quen thuộc với những người đã sống trong xã hội chủ nghĩa hơn nửa thế kỷ, chứ không phải chỉ vừa mới mấy chục năm như hồi đồng bào đọc bản dịch đầu tiên những năm 1950.
Chẳng hạn, ta có thể tìm thấy cụm: độc tài cai trị, có thể tìm thấy từ “Đại hội” để chỉ những buổi họp của các con vật ở trong kho, có thể tìm thấy từ “nghị quyết” để chỉ những quyết định đầu tiên từ ngày khởi nghĩa của toàn trại, những “làm theo năng lực,” “phần tử nguy hiểm gây tác động xấu”, “Cha già”. Đặc biệt bài thơ ca ngợi Nã Phá Luân thì chắc ai cũng thấy là nhại rõ rệt bài Khóc Stalin của Tố Hữu và đặc biệt có âm hưởng giống hệt bài thơ lục bát của bản 1950 đầu tiên.
6. Nhờ comment của bạn Trang Nguyen, bản dịch này tên là “Muông cầm trại”, do Hà Minh Thọ dịch, xuất bản ở Đông Âu Tiệp Khắc từ hồi những năm 1990.
Độc giả chắc đã biết đến sự tồn tại của bộ phim hoạt hình “Animal Farm” do chính CIA tài trợ, và nếu đọc sâu hơn nữa, chẳng hạn về sự ra đời của cuốn Bác sĩ Zhivago ở Nga (có cả một cuốn sách về câu chuyện này), nhờ sự tài trợ và xúc tiến của CIA, khi in bản tiếng Nga Bác sĩ Zhivago để tìm mọi cách tuồn vào nước Nga trong thời Chiến tranh lạnh, khi mà cuốn sách bị cấm xuất bản, và thậm chí có cả lời đồn thổi Ủy ban trao đổi Nobel đã trao cho Boris Pasternak dưới sự tác động của CIA, thì việc ra đời của bản dịch “Animal Farm” ở Việt Nam, trở thành cực kỳ hấp dẫn.
Dĩ nhiên tất cả chỉ là giả thuyết.
Mời các bạn đón đọc Trại Súc Vật của tác giả George Orwell & Phạm Minh Ngọc (dịch).