Năm tôi 11, 12 tuổi, tôi đọc tiểu thuyết Trường Ðời của Nhà Văn Lê Văn Trương, tôi đọc tiểu thuyết Giông Tố của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, Tôi đã viết nhiều lần:
“Ai hỏi những tiểu thuyết nào có ảnh hưởng đến việc tôi thích viết truyện, tôi trả lời: Trường Ðời của Lê Văn Trương, Giông Tố của Vũ Trọng Phụng.”
Trước năm 1945 tôi théc méc về 5 chữ “Phổ Thông Bán Nguyệt San” in trên trang bià những quyển tiểu thuyết như quyển “Trường Ðời.” “Phổ Thông Bán Nguyệt San” là cái gì? Mấy ông anh tôi, các ông chú, ông cậu tôi có nhiều ông thích đọc tiểu thuyết, tôi hỏi nhưng không ông nào trả lời được. Những năm xưa ấy tôi không chú ý đến dòng chữ nhỏ “Tạp chí văn học ra đầu tháng và giữa tháng” nằm dưới hàng chữ “Phổ Thông Bán Nguyệt San.” Mà có chú ý tôi cũng không hiểu nghĩa. Nhiều năm sau, khi cuộc đời không còn những quyển tiểu thuyết “Phổ Thông Bán Nguyệt San” tôi mới biết Phổ Thông Bán Nguyệt San là tờ báo tháng ra hai kỳ, Nhà Xuất bản Tân Dân dùng cách này để được dễ dàng trong việc kiểm duyệt sách, Như vậy mỗi tháng Nhà Tân Dân xuất bản 2 quyển tiểu thuyết, đều đều trong nhiều năm. Một nhà xuất bản mỗi tháng in ra hai quyển tiểu thuyết phải kể là nhiều. Một kỷ lục trong số những nhà xuất bản Việt từ ngày Việt Nam có Nhà Xuất Bản Tiểu Thuyết.
Tôi không biết sau chiến tranh năm 1946 ông Lê Văn Trương trở về Hà Nội năm nào, tôi chỉ thấy ít nhất ông cũng trở về sống ở Hà Nội hai, ba năm trước năm 1954 là năm ông vào Sài Gòn. Về Hà Nội sau năm 1946,, ông Lê Văn Trương, Nhà Văn viết nhiều tiểu thuyết nhất Việt Nam, nhiều tiểu thuyết của ông rất “ăn khách”, không viết gì cả. Nguồn sáng tác của ông bị cạn. Một truyện ngắn ông cũng không viết. Vào Sài Gòn năm 1954 ông cũng không viết qua một trang tiểu thuyết nào. Thời gian đầu ông tìm những tiểu thuyết đã xuất bản của ông, nhiều quyển ông lấy ở những nhà cho mướn truyện, đem đến dạm bán cho mấy tờ báo, đề nghị nhà báo mua, đăng. Theo lệ, nhân viên những nhà báo nhận tác phẩm dạm bán không trả lời không mua ngay, mà nói:
“Ðể chúng tôi đọc. Tuần sau ông trở lại.”
Tuần sau ông LV Trương trở lại, nhà báo đưa trả mấy quyển truyện của ông:
“Truyện này không hợp với báo chúng tôi. Xin gửi lại ông.”
Nhà Văn LV Trương bắt đền:
“Trong lúc báo ông giữ tác phẩm của tôi, có người hỏi mua, tôi không có tác phẩm để bán. Báo ông làm tôi bị thiệt hại..”
Nhà báo phải bồi thường cho ông một khoản tiền. Tôi – CTHÐ – chứng kiến chuyện tôi vừa kể ở toà báo Ngôn Luận.
Sau 1954 Sài Gòn tái bản những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Bằng, Khái Hưng, nhưng không tái bản một tiểu thuyết nào của Lê Văn Trương. Tôi không biết tại sao.
Ông Lê Văn Trương là nhà văn Việt Nam – có thể là duy nhất – có đàn em viết truyện, ông sửa lại rồi ký tên ông đem bán cho nhà xuất bản. Vì ông nổi tiếng, vì truyện ông có nhiều người mua đọc, nên cứ truyện ký tên ông là nhà xuất bản mua. Người Pháp gọi những người viết truyện loại này là nègre. Hai ông đàn em viết truyện cho ông Lê Văn Trương ký tên làm tác giả là ông Ðặng Ðình Hồng, và ông Tân Hiến. Hai ông này cùng vào Sài Gòn năm 1954. Cả ba ông cùng nghiện thuốc phiện.
Tôi thấy từ ngày vào Sài Gòn ông Lê Văn Trương không làm qua một công việc gì cả. Ông nghiện thuốc phiện nặng. .Ðời sống của ông đi vào tình trạng thiếu đói, vất vả, cực khổ. Từ năm 1960 ngày ngày ông lang thang đi tìm người quen để xin tiền, giới văn nghệ sĩ Sài Gòn gọi việc đi xin tiền người quen này là “đi cốc.”
Khoảng năm 1958 hai ông Hoàng Xứ Lào Phoumi và Phouma tranh quyền làm Thủ Tướng Chính Phủ. Mỗi ông Hoàng có một số quân sĩ, hai ông dùng quân đội đánh nhau, những cuộc binh biến xẩy ra liên miên trên đấi Ai Lao. Nguồn cung cấp thuốc phiện cho Sài Gòn thời ấy là Ai Lao. Thuốc phiện từ Lào về Sài Gòn bằng đường hàng không. Một lần xẩy ra cuộc binh biến, phi trường Vientiane bị đóng cửa nhiều ngày. Nguồn thuốc phiện từVientiane về Sài Gòn phải ngừng. Thuốc phiện trở thành khan hiếm ở Sài Gòn. Những nhà buôn thuốc phiện không bán hàng ra, có bán thì cầm chừng, và bán giá đắt. Giới đệ tử của Phù Dung Tiên Nữ rơi vào tai kiếp không có thuốc hút. Dân Hít Tô Phê – Hít Thuốc Phiện – có thể nhịn ăn vài ngày nhưng nhịn thoóc một bữa thì không được. Không có thoóc. có tiền cũng khó mua được thoóc. Mà 90/100 dân Hít Tốp là dân nghèo, không phải nghèo thường mà là nghèo mạt rệp, nghèo đến con rêp cũng không sống nhờ được.
Thời ấy Sài Gòn có câu:
“Phu-mi, Phu-ma đánh nhau. Phu-mơ chết.”
Phu-mơ: fumeur: người hút.
Trong cơn bĩ cực ấy có ông nghiện nghĩ ra chuyện lấy sái thuốc phiện nấu với nước, lọc cho hết chất sạn, than, tro, dùng ống chich hút chất nước sái thuốc phiện chích thẳng vào mạch máu. Chất thuốc phiện vào máu, người nghiện phê ngay trong nháy mắt. Ðang hút 100 đồng, chỉ cần chích 10 đồng là người nghiện phê hơn hút. Nhưng việc chích – dân nghiện gọi là choác – làm hại cơ thể người chích gấp nhiều lần việc hút. Chích 1 năm hại người bằng hút 10 năm. 10.000 người nghiện hút may ra có một, hai người bỏ được hút, người choác thì 10.000 người chết cả 10.000 người.
Ông Lê Văn Trương trở thành dân choác. Người ông khô đét, da ông đen sạm. Bà vợ sống với ông từ Hà Nội trước 1946 tới ngày ông qua đời ở Sài Gòn là bà Ðào. Bà này không phải là vũ nữ Dancing Fantasio mà là bà cô đầu.
***
Đôi bên họ đã thỏa thuận, thân bằng cố hữu đã biết cả, nay con làm ngang trái như thế, không sợ người ta cười ba và mẹ ư?
– Nhưng con không yêu thì biết làm sao!
– Thế sao trước kia con bằng lòng?
– Trước kia con khác mà bây giờ con khác.
Ông Nam Long kéo ghế, ngồi lại gần Khánh Ngọc:
– Ba không biết trước kia và bây giờ, tính tình con thay đổi thế nào. Nhưng ba chỉ nói để con biết ba yêu và chiều con lắm. Con đã rõ. Nay ba chỉ muốn con nghĩ đến những việc thiết thực một chút. Ba thầu khoán, công việc thì nhiều mà nó thì đỗ kỹ sư cầu cống. Nó có thể giúp đỡ cho ba và làm nổi danh thế của ba nhiều lắm. Gia dĩ nó là người đỗ đạt to, có địa vị trong xã hội, con lấy nó rất xứng đáng. Con nghĩ sao?
Khánh Ngọc vặn chiếc mùi soa không trả lời.
– Thế sao trước kia con bảo yêu nó?
– Con đã bảo với ba trước kia khác mà bây giờ khác. Trước kia, con là con bé học trò mới rời khỏi ghế nhà trường. Chứ bây giờ… con đã từng trải việc đời, con nghĩ và cảm khác trước. Nếu đời người mà chỉ là một cuộc đi thầu để kiếm lãi, thì vâng con xin lấy một ông kỹ sư. Nhưng đời người không phải thế, mà sự sống là một cái gì thiêng liêng hơn sự đi tìm lợi lộc thì lấy chồng, con phải lấy một người… đàn ông, một người đàn ông thật đàn ông, thì đời sống của con mới thật đầy đủ.
– Thế con định lấy ai?
– Lấy ai rồi thì ba sẽ biết.
– Con định lấy ông Trọng Khang à?
– Vâng, con yêu người ta.
– Ông ấy thì tài giỏi và nhiều nết tốt thật đấy. Nhưng không có bằng cấp và địa vị… gì…
Khánh Ngọc ngắt lời cha:
– Ông ấy có nhiều bằng cấp giá trị bằng nghìn cái bằng luật khoa cử nhân của con, và cái bằng kỹ sư cầu cống của anh Giáp. Con vì theo ba lên trên ấy, trải mấy tháng nguy nan và trực tiếp ngay với cuộc đời, con mới biết được cái sự thật ấy. Mà Giáp cũng thế. Còn như cái địa vị của ông ta thì ở trong trái tim con.
– Nhưng con không nghĩ đến chỗ Giáp theo đuổi con trong bao nhiêu lâu, và vì con mà phải khổ sở ư?
– Con nghĩ lắm. Con thương lắm. Nhưng thương không thể đi với yêu được. Bây giờ con mới nhận ra trước kia, con chỉ thích anh ấy, chứ con không yêu anh ấy bao giờ cả.
– Anh về bao giờ mà không đánh dây thép cho tôi biết, để tôi ra ga đón. Thế nào công việc xong rồi chứ?
– Ô kìa, thế Khánh Ngọc không nói gì cho anh biết cả à?
– Có, tuần lễ trước đây gặp tôi ở bàn quần, cô ấy có bảo rằng công việc sắp xong. Nhưng tôi không ngờ chóng thế.
– Thế mấy hôm nay anh không gặp à? Tôi tưởng anh với cô ấy ngày nào cũng phải gặp nhau chứ. Tôi ngỡ năm ngoái ở trên ấy về là cưới ngay, sao để trùng trình thế?
Giáp lấy thuốc nhồi vào cái “píp” của mình, rồi đưa cho Trọng Khang:
– Anh hút thử cái “píp” của tôi xem, ngon đáo để. Khánh Ngọc thích lắm nhé, vẫn bảo tôi chờ anh về để biếu anh.
– Ừ, dáng đẹp lắm.
– Anh cũng thích?
Trọng Khang gật đầu.
– Khánh Ngọc biết lựa tính anh lắm. À còn câu chuyện tôi với Khánh Ngọc thì bây giờ… chúng tôi là bạn, Khánh Ngọc không viết thư từ gì cho anh cả à?
– Thì cũng như anh, tuần lễ viết hai lần, nhưng không thấy đả động đến chuyện nhân duyên…
– Cuộc nhân duyên ấy không có nữa. Vì… Khánh Ngọc không yêu tôi, và tự tôi xét thấy không xứng đáng.
– Có lý đâu thế! Đã cùng nhau sống những phút…
– Những phút đó làm cho tôi hiểu… Anh Trọng Khang, tôi với anh… chỉ có sự thành thực mới xứng đáng với cái tình của chúng ta nó đã nảy nở ở bên cái chết. Khánh Ngọc yêu anh, yêu anh lắm, yêu như người ta yêu một cái gì đẹp đẽ và cao quý nhất ở trên đời.
Trọng Khang đứng phắt dậy:
– Nhưng tôi không thể yêu như thế? Tôi với anh…
– Anh hãy khoan để cho tôi nói hết. Rồi anh muốn nói gì, tôi xin nghe. Trước nhất, tôi nói để anh biết: tôi không đau đớn mấy về chỗ Khánh Ngọc không yêu tôi. Mà Khánh Ngọc sẽ đau đớn vô cùng, nếu không lấy được anh, nghĩa là được anh yêu. Kìa thì anh hãy khoan để tôi nói. Anh đừng thương tôi, trước anh phải thương Khánh Ngọc, và yêu nữa. Bởi đối với một con người như thế mà không yêu, thì chúng ta thực không còn là con người nữa. Anh sở dĩ bắt trái tim anh phải câm là vì anh không muốn cướp mối tình của tôi. Nhưng mối tình ấy, có bao giờ thuộc về tôi đâu mà bảo anh cướp. Mối tình ấy mọc ra ở trong lòng nàng từ khi gặp anh, vì anh mà có. Còn đối với trước kia, chẳng qua là một thứ cảm tình ẻo lả, chạm vào những sự thực gay go là chết ngay. Sao gọi là tình yêu được! Lúc ấy, tôi là cái bóng một người đàn ông, mà Khánh Ngọc thì cái bóng một người đàn bà. Làm sao có chân ái tình. Mà nếu có thì cũng là cái bóng của ái tình thôi.
Bây giờ, nếu anh không yêu thì Khánh Ngọc đau đớn lắm; và cũng chẳng ích gì cho tôi. Mà có lẽ vì thế, tôi cũng đau đớn. Chắc chả cần phải nói, một khi đã sống một cuộc đời như anh, hay thấp hơn, một cuộc đời như tôi đã tập ở bên cạnh anh thôi, thì những cái hình thức bề ngoài và những thành kiến nhỏ hẹp chúng ta chẳng tính đến. Tôi biết anh không khuyến khích mối tình của Khánh Ngọc và anh đã tìm hết cách để làm cho thui chột đi, nhưng một khi mối tình đã chớm mọc lên trong một trái tim hào hùng như thế, còn cái gì làm thui chột cho được. Anh về hỏi cô Tuyết Vi xem Khánh Ngọc thờ phụng anh đến thế nào, hắt hủi một mối tình như thế là một cái tội. Bây giờ, tôi đã nhờ sống bên anh mà… thành… người rồi, có bằng cấp làm người rồi, tôi tưởng tôi có quyền nói với anh: “Không hèn nhát trước nguy nan, chưa đủ, phải không hèn nhát trước hạnh phúc nữa”.
Trọng Khang lấy que diêm cời cái “píp”:
– Tôi về nhà lúc bốn giờ. Tắm rửa, thay quần áo xong là lại thăm anh ngay. Em Tuyết Vi cũng chưa nói gì cho tôi biết cả.
– Mà cần gì phải ai nói. Mối tình Khánh Ngọc đối với anh sáng lòe ở đôi con mắt. Tôi tưởng anh biết rõ hơn ai hết.
– Tôi biết nhưng…
– Nhưng… vì một tình thương không phải đường, anh không thành thật được với anh chứ sao. À, Marie đến kia rồi. Chắc biết tin anh về đi tìm đấy.
Khánh Ngọc chạy đến nắm tay Trọng Khang:
– Em lại cô Tuyết Vi, nghe nói anh về, em đến thẳng ngay đây, vì em biết thế nào anh cũng đến đây trước. Anh về không đánh dây thép cho em ra đón, tệ thế thì thôi. Chà anh đen quá, thật bóng như Tây đen. Em ở nhà với cô Tuyết Vi, hai chị em chỉ lo anh ngã nước. Anh Giáp, hôm nay phải lại cả đằng nhà ăn cơm đấy nhé.
Không thấy Giáp trả lời, Khánh Ngọc quay lại đã chẳng thấy Giáp đâu.
Khánh Ngọc bỗng thẹn, má đỏ ửng:
– Ồ, lủi đi đâu chóng thế thì thôi.
Mời các bạn đón đọc Trường Đời của tác giả Lê Văn Trương.