Nhà văn Georges Simenon sinh ngày 13.2.1903 mất ngày 4.9.1989. Năm 16 tuổi, Simenon là chàng phóng viên trẻ viết tin vắn cho tờ La Gazette de Liège. Mỗi ngày, ông đạp xe đến các bót cảnh sát, nhà băng, sở cứu hỏa, những cuộc thi thể thao để lấy tin cho báo. Năm 1922, ông tới Paris hoa lệ. Tiểu thuyết đầu tay Trên Chiếc Cầu Vòm Cung được xuất bản tại Liège (Bỉvới bút danh Georges Sun. Nhưng sự thành công chưa vội đến với cây bút trẻ có hàng chục bút danh khác nhau này (Jean du Perry, Gom Gut, Christian Brull…. Mười năm miệt mài viết như người lao động khổ sai giúp ông thành thạo trong “tốc độ” sáng tác. Đây chính là thế mạnh của tác giả “bậc thầy trinh thám” sau này. “Suốt thời kỳ 1928-1931, ông chỉ viết những tác phẩm về Maigret, trung bình mỗi tháng một cuốn”, ông nổi tiếng như cồn khi tiểu thuyết trinh thám Con Chó Vàng (Le chien jaune, 1931được xuất bản, với tên thật Georges Simenon. 11 tác phẩm in năm đó thì 10 cuốn là tiểu thuyết với nhân vật sáng tạo Thanh tra Maigret. Một đời văn với hơn 300 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp đã được xuất bản, người ta không khỏi thán phục năng lực sáng tác bền bỉ và trí tưởng tượng phong phú của nhà văn Georges Simenon. Bậc thầy tiểu thuyết trình thám thật sự chinh phục hàng triệu người đọc tại nhiều nước trên thế giới. Hơn 80 tiểu thuyết Thanh tra Maigret không nằm trong thể loại truyện hình sự tầm thường. Giá trị văn học của tác phẩm đã được các nhà phê bình nhìn nhận. Sau ngày ông mất, Đại học Liège ở Bỉ đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Georges Simenon và đã xuất bản các tác phẩm nghiên cứu về ông. *** Ông đã đến đây hai trăm, ba trăm lần? Hay còn hơn thế? Ông không muốn đến, cũng không muốn nhớ lại từng trường hợp riêng rẽ, cả những lần nổi tiếng nhất, những lần đã đi vào lịch sử công lý, bởi đó chính là khía cạnh nặng nề nhất của nghề nghiệp ông. Phần lớn những cuộc điều tra của ông tuy nhiên chẳng phải đều kết thúc ở toà Đại hình như hôm nay, hoặc ở toà Phúc thẩm sao? Ông có lẽ thích không biết tới nó hơn, trong bất kỳ trường hợp nào, luôn đứng ngoài những nghi lễ cuối cùng mà ông không bao giờ quên nổi chúng hoàn toàn. Trong văn phòng của ông ở đường bờ sông Orfèvres, cuộc đấu tranh thường kết thúc vào buổi sáng, đúng ra vẫn còn là cuộc đấu tranh của con người với con người. Vài hành lang phải vượt qua, mấy chiếc cầu thang phải leo lên, rồi đến một cảnh tượng khác hẳn, một thế giới khác, trong đó câu chữ không còn cùng một nghĩa, một vũ trụ trừu tượng, thần bí, vừa tôn nghiêm vừa lố bịch. Cùng với những nhân chứng khác, ông vừa rời khỏi phòng xử có những vách gỗ tốt nơi ánh sáng điện của những bóng hình cầu trộn lẫn với màu nhờ xám của một chiều mưa. Viên mõ toà, mà Maigret cam đoan luôn thấy lão vẫn già như thế, dẫn họ tới một căn phòng nhỏ hơn, như một thầy giáo dẫn học trò, và chỉ cho họ những chiếc ghế dài gắn chặt vào tường. Phần lớn ngoan ngoãn ngồi xuống, vâng theo những lời dặn dò của ông chủ tịch, không nói một lời, không cả dám nhìn những bạn đồng hành của họ. Họ nhìn thẳng trước mặt, căng thẳng, kín đáo, giữ bí mật của họ cho khoảnh khắc tôn nghiêm, lát nữa, chỉ có mỗi mình họ giữa một không gian đầy ấn tượng, họ sẽ bị thẩm vấn. Hơi giống như trong kho đồ thánh. Lúc còn bé, mỗi sáng, đến phụ việc hành lễ ở nhà thờ làng, Maigret cũng cảm thấy bối rối như thế khi chờ đợi đi theo ông mục sư tới bàn thờ thắp sáng bằng những cây nến run rẩy. Ông nghe thấy những bước chân của những thiện nam, tín nữ không nhìn rõ mặt, tới ngồi vào chỗ, và tiếng đi đi lại của người coi giữ đồ thánh. Giờ đây cũng vậy, ông có thể đi theo cuộc hành lễ đang diễn ra phía bên kia chiếc cửa không? Ông nhận ra tiếng của ông chủ tịch Bernerie, người xét nét nhất, tỉ mỉ nhất trong các vị quan toà, nhưng cũng có thể là người thận trọng nhất, người say mê nhất trong việc khám phá chân lý. Gầy gò, ăn mặc xuềnh xoàng, đôi mắt như lên cơn sốt, tiếng ho khàn, ông có dáng vẻ như một vị thánh canh cửa. Tiếp đến là giọng nói của công tố viên Aillevard, giữ ghế Viện Công tố. Cuối cùng là tiếng bước chân lại gần của viên mõ tòa hé cửa gọi: “Ngài Cảnh sát trưởng Segré.”