Triết học của Albert Camus quan tâm đến kinh nghiệm sống về cái hữu hạn và cái tuyệt đối. Cái hữu hạn là cảm thức về tình trạng vong thân/phóng thể của chúng ta, tính dễ bị tổn thương, sự yếu đuối, tính bất toàn, tình trạng không ai nâng đỡ, và sự hạn chế của nhận thức. Tuy nhiên tính hữu hạn đó lại đồng hiện hữu với một ý thức vi diệu về tuyệt đối vốn thường được hiểu, dưới những dạng khác nhau, như một Thượng đế bất biến, hay như một vũ trụ bí ẩn mà khởi nguyên hay tận cùng dường như bất khả tư nghị đối với tư tưởng thuần lý, hay cảm thức yên bình và duy nhất trong sự hiện diện của nắng, gió, và của biển trời,… Tác phẩm của Camus biểu thị một toan tính duy nhất muốn đối mặt những lưỡng nan luận và những nghịch lý. Hơn thế nữa ý đồ của ông đưa đến một lập trường triết lý khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến một vài nền minh triết xa xưa của Đông phương đã thành tựu cuộc dung hóa cái thuần lý và thế tục với cái phi thuần lý và cái tuyệt đối, mà không bị mắc bẫy vào sự phân biệt theo kiểu Platon giữa những Ý niệm/Linh tượng có thực nhưng trừu tượng và thế giới hiện tượng xét cho cùng là không thực. Triết lý của Camus chỉ ra rằng các triết gia không thể ly thế và những người say mê thế sự cũng không thể ly biệt triết học. Có thể nào tìm thấy một ý nghĩa trong toan tính của Camus muốn sống hạnh phúc – trong thanh bình và hòa hợp – với tính phi lý biểu kiến của cái hữu hạn và cái tuyệt đối? Mục tiêu chính yếu của tác phẩm này là chỉ ra rằng, trái với quan điểm được phổ biến rộng rãi và được cố thủ vững chắc từ lâu nay, vẫn thường gán cho triết học của Camus là mang tính hư vô chủ nghĩa, thật ra trong những trước tác của Camus có nhiều phát biểu rõ ràng và nhấn mạnh để dùng như là nền tảng để giải thích triết học của Camus không chỉ là phi hư vô chủ nghĩa mà còn chống hư vô chủ nghĩa một cách không thể nhầm lẫn. Vì lý do đó, đây là một quyển sách có tính tiền phong. Quyển sách là sự khơi nguồn cảm hứng cho nhiều người khác biên soạn những giảng luận có tính chống hư vô chủ nghĩa chi tiết hơn về tư tưởng của Camus và về chính con người Camus.*** Albert Camus được trao giải Nobel năm 1957 vì các sáng tác văn học “soi sáng những vấn đề của lương tâm nhân loại trong thời đại chúng ta với sự kiên định tinh tường”. Albert Camus là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ông là tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng như Dịch hạch, Người dưng. Albert Camus sinh tại Mondovi, thuộc vùng Constantinois, miền Ðông Algérie, ngày 7/11/1913. Cha của Camus là ông Lucien August Camus, một công nhân làm rượu nghèo, đã bị động viên vào lính, và qua đời khi Camus mới được 1 tuổi. Camus chỉ biết về cha qua một tấm ảnh duy nhất. Mẹ ông là Catherine Heslene Sintes, người gốc Tây Ban Nha. Mặc dù rất thương con, nhưng vì mắc bệnh điếc nên hai mẹ con rất ít trò chuyện với nhau. Camus đã lớn lên trong sự cô đơn, giữa khung cảnh thiên nhiên rực rỡ ánh nắng, tràn đầy gió biển. Camus đã sớm cảm thấy những điều phi lý của đời người, với con người vừa yếu đuối vừa cô độc, sinh tồn trong sự phi lý vì cái chết có thể sập đến bất cứ lúc nào. Đi từ thất vọng, hư vô, phi lý, Albert Camus đã không chịu xây dựng một nhân sinh quan có tính cách tàn phá hay tiêu cực mà trái lại đã đi tới chỗ ca ngợi tình yêu thương, coi đó là những điểm tựa quý giá của cuộc sống trần gian. Albert Camus đã trở về với truyền thống nhân bản, lấy con người làm trọng tâm của mọi sự vật và hoạt động trần gian. Tarrou và Rieux trong Dịch hạch, Kalyayev trong Những người chính trực chính là những vị anh hùng của nền “nhân bản ngoại đạo và thực tiễn” đó. Trong khi Jean Paul Sartre nói:”Địa ngục là kẻ khác.”, Abert Camus tuyên bố: “Tôi có một lòng yêu người và vật rất mạnh và tôi yêu những kẻ sống hôm nay với tôi trên mảnh đất này”. Các nhân vật của Camus vì thế trong sự sa đọa, trong đau đớn ngộ nhận, hoang mang và phi lý, luôn luôn phản kháng. Bởi với Camus, “tôi phản kháng là tôi tồn tại”.*** Quyển sách này được biên dịch từ tác phẩm chuyên luận Beyond Absurdity, The Philosophy of Albert Camus do Robert C. Trundle, Jr. và Ramakrisna Puligandla hợp soạn, Nxb University Press of America, 1986. Chúng tôi căn cứ chính yếu vào tác phẩm trên đồng thời tham khảo thêm nhiều nguồn khác, chẳng hạn các quyển Albert Camus trong tủ sách CLASSIQUES DU XXe SIÈCLE của Robert de Luppé và quyển L’Homme en Procès, Malraux – Sartre – Camus – Saint Exupéry trong tùng thư PETITE BIBLIOTHÈQUE PAYOT của Pierre – Henri Simon, quyển Histoire des Philosophes illustrée par les textes của Denis Huisman và André Verger, và dĩ nhiên là các tác phẩm triết học, văn học của chính Camus như Le Mythe de Sisyphe, L’Homme Révolté, L’Étranger, La Peste, Le Malentendu, Caligula… cùng các tác phẩm của những người khác mà các soạn giả của nguyên tác thường trích dẫn để đối chiếu với tư tưởng của Camus, chẳng hạn như các quyển L’Être et le Néant của Jean Paul Sartre, Đạo đức kinh của Lão Tử, Bát – nhã Ba – la – mật – đa tâm kinh do Phật thuyết giảng trên núi Linh Thứu ( mà hình như trong một tiền kiếp rất xa xôi nào đó bản thân từng được nghe và giờ đây chợt hồi tưởng lại! – Xin quí độc giả coi đó là một lời đùa vô hại chẳng đụng chạm đến ai nên rất sẵn lòng bỏ qua cho!và Trung quán luận của Long Thụ (Nagarjunađể tăng bổ thêm các chương về Cuộc đời và Tác phẩm Albert Camus, bổ sung những chú thích cần thiết và góp phần giảng luận cùng viết Lời bạt ở cuối sách. Những cước chú (Footnotesở cuối mỗi chương chúng tôi dịch lại từ quyển Beyond Absurdity, có bổ sung từ những nguồn khác. Đối với các khái niệm chủ yếu trong triết học Albert Camus và nhan đề các tác phẩm của ông thì ngoài việc dịch sang tiếng Việt chúng tôi ghi lại kế bên, trong ngoặc đơn, từ gốc tiếng Pháp đồng thời cả từ dịch sang tiếng Anh để bạn đọc rộng đường tham khảo. Đối với các tác phẩm khác được trích dẫn trong quyển này chúng tôi cũng cố gắng truy nguyên, trong giới hạn khả năng cho phép, để tăng thêm tính nghiêm túc học thuật (academic seriousnessvà độ tin cậy. Sài Gòn, Tháng Năm, 2012
Nguồn: https://thuviensach.vn