Tôi Nhìn Tôi Trên Vách

Tôi Nhìn Tôi Trên Vách

Tác giả:
Thể Loại: Văn Học Việt Nam
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Trích đoạn:

Chữ viết của chàng tròn như con ốc gạo. “Đi lâu như chết, đợi từ bốn giờ ba phần tư, anh ra đằng này một lát sẽ quay lại – Nghiễm”. Đầu tôi lắc, tôi thẳng người bước lên thang gác đến bên gương nhìn vào vẻ đẹp nào đó của mình. Nốt ruồi đen là cái chấm, quệt tóc mai là cái phẩy, tôi yên lòng trở xuống ngắm chằm chặp cổ bánh sinh nhật ba mươi tuổi đầu của mình. Ba mươi cây nến và một nỗi cô đơn. Dòng chữ chúc mừng đi trên mặt bánh nửa như tâng bốc nửa như thảng thốt một cung cách khôi hài tế nhị, dòng chữ viết bằng tiếng Pháp và sai hai lỗi chính tả. Ông thợ làm bánh này chắc cũng dốt văn phạm. Tôi hát “khi trót yêu người rồi, xa cách nhau vì đời, ự ừ u ứ ư…” trong một thói quen cần thiết không thể bỏ được. Tôi nghe Nghiễm đến sau lưng qua tiếng gót giày, chàng chào bằng một cái đụng nhẹ vào người tôi rồi cười không ra tiếng. Nụ cười chàng là cái hình vẽ của đôi môi đẹp.

– Em muốn mua một cái đầu tóc giả, anh ạ! Muốn chải kiểu gì thì chải, khi đi đâu cứ việc thượng lên đầu… nhanh ghê!

– Ừa ừa…

– Nhưng sợ tóc người chết quá!

Tôi lại hát và chàng thở khói thuốc. Bữa ăn sinh nhật của tôi kết thúc bằng món xôi vò với chả lụa thay vì cơm chiên trước khi tôi thổi nến và cắt bánh. Chàng uống bao nhiêu là chai 33 trong khi mấy chị em tôi hai đứa chia nhau chai nước cam vàng và mãi không cạn ly. Mọi người nói nhanh cười giòn, không khí ấm như men rượu và nồng như vôi. Bà cô tôi bảo:

Có thể bạn thích sách  Cái Cười Của Thánh Nhân

– Hễ đám cưới Khanh xong là cô về Huế bán nhà được liền.

Huế là quê hương tôi, quê hương đang có vô số nhà cửa cần bán rẻ để người Huế vào Saigon tìm một chỗ ở cuối cùng. Tôi đã ở Huế từ trong bụng mẹ đến năm thứ hai mươi tám của cuộc đời. Huế đã mang thai tôi, đẻ ra tôi, cho đến khi tôi đi lạc vào Saigon này. Từ hai năm nay tôi ở nhà thuê, nói tiếng Bắc, ăn chả giò, ăn bún riêu, canh chua cá giấm, thịt bò vò viên, mía ghim và có một người yêu. Tôi vào Saigon không phải là một cuộc tháo thân vì không biết biết trước rằng trong tương lai Huế sẽ phải trải qua vụ đổ huyết bao la rợn gáy lịch sử là cái biến cố của sự chết năm Mậu Thân, Huế của tôi đã xích lại quá gần lịch sử! Bỏ Huế mà đi lòng tôi nhớ trời, nhớ khoảng thiên nhiên. Tôi không yêu một thứ vẻ đẹp cấm cung, một thứ vẻ đẹp hạn hẹp, mà yêu thênh thang cả một khoảng thiên nhiên. Huế đẹp từ một vũng nước đọng bên đường đến lượng cả con Hương giang, từ cọng rau muống bờ hồ đến cây phượng già xanh lục, có nhiều hôm đi xe đạp lên cầu ga nhìn dãy núi lam phía sau cầu Bạch Hổ mịt mịt mùng mùng mà tưởng cái phần hồn của từng kiếp người cũng có thể giăng dài, kéo dãy như vậy! Những đêm mùa đông, những con “ệnh oạng” kê mõm khắc khoải kêu than từ những ao rau muống… kêu chi mà khổ mà trầm thống! Thêm vào đó, tiếng rao hàng dài lê lết: Mua trứng lộn! Mua trứng lộn!… Trời ơi! Tiếng kêu của miếng ăn sao mà buồn đến thế! Nhức xương buốt tủy mất! Tưởng tượng mở cửa kêu vào chắc mình phải ôm cô hàng trứng mà khóc ngất! Rồi cái quán cơm, quán cơm cũng mang tên Âm Phủ ăn dưới ngọn đèn tù mù… và con đường Âm Hồn, tiếng chuông chùa Diệu Đế… Cực lòng quá, Huế ơi! Tôi đi… ở với Huế buồn lắm… vào Saigon họa may có một nụ cười, vào Saigon họa may có một người yêu!

Có thể bạn thích sách  Thời Cục Nước Tàu

Rồi cái biến cố Mậu Thân, tôi nhìn lui Huế đang ở sau lưng mình: Thôi! Mất Huế rồi! Tôi thương con đường Phan Chu Trinh với ngôi nhà thềm trắng, bồn hoa violette, hai cây dừa xiêm giắt những gói muối, và bến sông thân yêu trước mặt. Người Huế đã lần lần từng người từng người rủ nhau bỏ Huế ra đi. Huế là mảnh đất tán chứ không phải tụ. Một sự ra đi lớn! Còn ai ở lại mà ngắm, còn ai ở lại mà làm người mộng áo trắng qua cầu, tóc thề vương vương con đò Thừa Phủ.

Tôi ngồi im. Tiếng thở dài hằn lên những nét buồn. Nghiễm chép miệng:

– Nhà cửa Huế bây giờ rẻ rề, bán không ai mua…