“Tôi cần một cái khuôn khác – Méo mó cũng được” của Lê Bùi Thảo Nguyên gây ám ảnh với người đọc với những câu chuyện của một kỹ thuật viên gây mê. Cô gái ấy sau hơn một năm làm việc tại một trong những bệnh viện phụ sản hàng đầu đã quyết định xin nghỉ việc bởi “mọi thứ dường như quá sức chịu đựng” và cô muốn “an lành ru giấc ngủ hằng đêm”. Tiếng chuông điện thoại, tiếng chuông báo cấp cứu, tiếng tít tít của máy theo dõi, tiếng khóc, tiếng chửi rủa hay tiếng hát vang vọng giữa đêm đều gợi lên sự ám ảnh, thương xót không chỉ với người kể chuyện mà cho cả người đọc. Thậm chí, có nhiều lúc, cô gái ấy còn không kịp phân định mình đang ở nhà hay ở viện mà cứ thế lao đi theo phản xạ khi nghe thấy tiếng chuông, để rồi khi định hình được không gian đang đứng mới nhận ra mình chỉ vừa kết thúc ca trực đêm. Theo chân cô cử nhân gây mê từ lúc còn là một sinh viên thực tập đến khi là nhân viên chính thức trong bệnh viện, người đọc được “ghé thăm” phòng cấp cứu, phòng phẫu thuật, phòng sinh. Không có những tình tiết gay cấn, các câu chuyện được Thảo Nguyên kể bằng giọng văn nhẹ nhàng, súc tích nhưng không kém phần trần trụi. “Tôi cần một cái khuôn khác – Méo mó cũng được” một lần nữa khẳng định rằng: Môi trường làm việc ở bệnh viện không dành cho những người “yếu tim”. Bạn sẽ phải mạnh mẽ, có cái đầu lạnh hơn nhiều người, phải học cách quên thật nhanh khi ở bệnh viện sự sống – cái chết luôn song hành cùng nhau. Điều đặc biệt của cuốn sách cũng là cái tài của Thảo Nguyên chính là duy trì hai mạch truyện trong hai không gian với hai con người khác nhau, tuy cùng một bản thể. Bên cạnh một Thảo Nguyên hiền lành, ít nói ở bệnh viện là một Thảo Nguyên dữ dội với những chuyến du lịch một mình. Điều gì khiến Thảo Nguyên quyết định rời khỏi bệnh viện? Và hành trình của cô gái ấy qua những miền đất lạ là để tìm kiếm điều gì? 6 chương sách với 51 mẩu chuyện dường như không chỉ là trải nghiệm của cá nhân Thảo Nguyên mà đâu đó trên hành trình của cô gái trẻ, ta cũng nhìn thấy mình bởi đã có lúc ta rơi vào tình trạng như cô: “Đối với tôi, lạnh, đói, đau, hay mệt mỏi luôn là những cảm giác… dễ chịu, vì có thể dễ dàng gọi tên, cũng dễ dàng giải quyết. Còn những cảm xúc khác, tôi không tài nào kiểm soát được, ngay cả những khi bất chợt tâm trạng trượt xuống chạm sàn, cũng chỉ có thể gói gọn trong hai chữ “không ổn”, không cách nào diễn tả được. Vì sao không ổn? Không ổn như thế nào? Và, làm sao để ổn?” Đoạn trích tiêu biểu: Một người bạn từng nói, hãy nghĩ rằng, họ – những người chúng tôi không níu lại được, đang đến một nơi tốt hơn. Nhưng tôi nghĩ mãi rồi, còn nơi nào tốt hơn là ở bên đứa con chưa đầy một tháng tuổi và ngắm nhìn chúng đang say giấc nồng? Gương mặt chưa vướng bụi trần ấy có thiên thần nào sánh kịp? Chúng tôi đã không thể giữ lại mẹ cho đứa bé ấy. Và đứa trẻ, vĩnh viễn không còn biết đến bầu sữa ấm áp, không còn được nghe câu hát ru à ơi. Suốt đêm, khi chúng tôi hối hả giành giật mẹ nó với thần chết, khi người thân đang khóc ngất, nó vẫn say ngủ trên tay bà ngoại, an yên. Người cha, người chồng ấy quỳ xuống bên giường bệnh, “Cứu vợ em đi bác sĩ ơi, bao nhiêu tiền em cũng trả, bác sĩ đừng dừng lại mà.” Trước đó, anh níu tay anh đồng nghiệp, rồi tay tôi, đặt lên ngực vợ mình, xin chúng tôi tiếp tục nhấn tim. Tôi nhìn những giọt mồ hôi của các anh rơi, những cái nhấn tim đến kiệt sức. Giá như mọi chuyện chỉ đơn giản là tiền bạc! Chúng tôi tránh không nhìn vào mắt nhau, hiểu rằng ai cũng đang kìm nén để không bật khóc, không gào thét. Tại sao? Tại sao sáu tiếng đồng hồ đổ sông đổ bể? Tại sao đến lúc quyết định buông xuôi tôi vẫn không chịu được khi nhìn thấy số 0 và đường thẳng chạy dài lạnh lùng trên màn hình theo dõi? Khi người nhà vây quanh, nắm tay bóp chân, động viên người bệnh, tôi đã hy vọng phép màu sẽ xảy ra, những nhịp tim đều đặn lại xuất hiện trên màn hình và ngón tay trỏ bất chợt nhấc lên. Nhưng, cuộc đời không phải một tập phim truyền hình, nó tàn nhẫn hơn rất nhiều lần! Và điều đáng sợ nhất là sau khi chiếc xe đưa người phụ nữ ấy về an nghỉ nơi cố hương lăn bánh, tôi lại phải quay trở lại công việc, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng là con người, cũng có cảm xúc. Tôi phải làm sao để sống an lành suốt những tháng năm còn lại, với những ánh mắt van nài và tiếng khóc thê lương?
Nguồn: https://thuviensach.vn