Với hơn hai trăm trang sách trong tuyển tập Tiếng Cười Dân Gian Hiện Đại Việt Nam, Lê Minh Quốc đã gửi đến bạn đọc không biết bao nhiêu tín hiệu màu xanh, màu hồng mà anh đã ghi nhận được từ hiện trường của cuộc sống. Đó là những câu thơ tuyên truyền vui nhộn của Sở Vệ sanh Sài Gòn, những câu chuyện cổ tích dành cho thầy cô và cả những câu chuyện cùng cười vui nhộn với sinh viên, với giám đốc, với người làm sách, những định nghĩa dí dỏm về vợ, về chồng, những mẩu chuyện cười nơi phòng the của năm 1929, tản mạn về phong bì, thị trường thuốc tây và thơ, rụng răng vì … thơ.
Trong tuyển tập này, tất cả mọi gian khổ, thương hận, bất bình trong cuộc sống đều bị xóa mờ, chỉ còn lại những tiếng cười sảng khoái và niềm vui lấp lánh đọng lại trong tâm hồn và trên những trang sách, kể cả khi cuộc sống không dễ gì cười nổi của những người lính ngoài mặt trận, của những “giáo chức dứt cháo, thầy giáo tháo giầy”, của những cặp vợ chồng bị bể “kế hoạch” hay những chàng sinh viên có “chữ ký đẹp vì nhiều lần ký nợ”…
Cũng trong tuyển tập này, tác giả đã thống kê ra hàng loạt làng cười và những ông trạng cười lừng danh của Việt Nam từ Làng Cười Văn Lang, Làng Trạng Huỳnh Công Tây, Làng Cười Vĩnh Hoàng, Chuyện cười Xứ Nghệ, Tiếng cười Đất Quảng với những câu chuyện dí dỏm, tạo nên tiếng cười sảng khoái cho người đọc như truyện Con Ếch, Dao Bén, Ngộ Độc Dưa, Chơi Chữ… đến những nhân vật trào phúng dân gian của Việt Nam như Bác Ba Phi, Thủ Thiệm, Ông Me, Ông Ó, Trần Đuồn và các nhân vật hài hước trên các bìa tạp chí 60 năm về trước như: Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh…
Phần lớn những mẩu sưu tầm trong Tiếng Cười Dân Gian Hiện Đại Việt Nam này là sáng tác truyền khẩu của nhiều tác giả khuyết danh. Lê Minh Quốc đã dày công tập hợp, hệ thống hóa và giới thiệu bằng bút pháp sở trường, nhờ đó giúp bạn đọc dễ cảm thụ được một thứ văn học trào phúng dân gian trẻ trung, dí dỏm, trí tuệ và sinh động ngay trong cuộc sống đời thường.