Thoái thực ký văn có thể hiểu là “ghi chép những điều nghe thấy khi nghỉ việc quan về nhà.” Đây là một bộ sách dạng tổng hợp bách khoa thư, ghi chép nhiều sự việc theo từng loại, như cương vực, địa lý, tước cấp, bổng lộc, lễ nhạc, quan chế, các bậc danh thần, danh nhân, di tích danh lam thắng cảnh, núi động sông hồ, các chuyện kỳ lạ thần tiên, các chuyện vặt về thơ văn, khoa cử, xử án, động vật, thực vật… có thể coi như một cuốn Bách khoa toàn thư về nước Việt Nam thời Nguyễn vậy.
Tác giả Trương Quốc Dụng là danh thần đời Nguyễn, làm quan trải ba triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông là người học rộng, ham đọc, giỏi về thiên văn lịch số. Trong đời làm quan, ông đã đi khắp Bắc, Trung, Nam nên kiến văn lịch duyệt khác nhiều.
***
Từ tỉnh lỵ Hà-tĩnh đi về phía đông nam ước 5 cây số đi qua đò Đồng-Môn là đến phần đất tổng Hạ-Nhi thuộc phủ Thạch-Hà. Đây chỉ là một bãi đất bồi tự lâu đời dính vào chân núi Nam-Giới. Đồng chua nước mặn dân sự nghèo túng. Giúp vào sức đất, phần nhiều thôn dân ngoài công việc nông phố còn phải đi góp phân người 1 một nghề bị lắm kẻ khinh bỉ. Chỗ ấy là nơi chôn rau cắt rốn của Trương-Quốc-Dụng 張國用.
Trương ra đời ở làng Phong-Phú năm 1801, tên chữ là Nhu-Trung 柔中. Sinh trưởng trong một gia đình vào bậc trung lưu, chuộng Hán học 2 Trương lên 4 tuổi đã bắt đầu theo đòi nghiên bút. Nhờ có trí thông minh và có cha rèn cặp nên năm 25 tuổi đã giật giải hương cống (1825) đến năm 1829 đậu luôn cả tiến-sĩ số 4 dưới triều vua Minh-Mệnh.
Bước hoạn đồ của Trương cũng thăng trầm nhiều nỗi. Bắt đầu đi Tri-phủ Tân-Bình (Gia-Định) năm 1830. Năm sau vừa về làm Lang Trung bộ Hình được ít lâu thì bị lỗi cách tuột chức và phải hiệu lực ở bộ Lại (1832). Tháng 6 năm 1833 lại phải tòng quân đi đánh đảng Lê-Văn-Khôi, dưới quyền Tam tán Trương-Minh-Giảng. Sau khi bình định, Trương được thăng dần từ chức Chủ sự lên đến Án sát Quảng-Ngãi (1837) rồi đổi ra Hưng-Yên (1840) tiện đường ghé thăm nhà. Tự lúc làm quan đến nay mới về quê lần này là một.
Vua Thiệu-Trị nối ngôi cha (1841), Trương được về kinh giữ chức Tả thị lang bộ Lễ. Rồi như con chong chóng, được hai năm, đổi qua bộ Lại (1843) kế bộ Hình. Năm sau vừa cải sang bộ Công. Thăng đến Tả tham tri (1846).
Bắt đầu triều Tự-Đức (1848) Trương được giữ nhiều việc quan trọng : kiêm cả giảng sách hầu vua, coi việc Khâm-thiên-giám và viện Hàn-Lâm. Năm sau từ bộ Công lại thiên sang bộ Binh. Nhân ông cụ ở nhà 80 tuổi (1851), được phép về ăn mừng thọ. Từ đây Trương thỉnh thoảng được đi chấm trường thi Hội và các trường thi Hương ngoài Bắc. Ông cụ nhà chết năm 1854, Trương về đinh ưu, sau ba năm được thăng Thượng thư bộ Hình kiêm cả chức Phó tổng tài Quốc sử quán. Năm 1862 đảng Tạ-Văn-Phụng hoạt động ở Quảng-Yên có cả Cai tổng Vàng và giặc Tàu giúp sức, Trương vâng lịnh đưa lính Thanh Nghệ, với chức Hiệp thống đi đánh ở Quảng-Yên. Không may đến năm 1864 thì bị tử trận, được triều đình ban tên thụy là Văn-Nghị 文誼 với hàm Đông-Các Đại học sĩ. 3
Trương tính liêm khiết ngay thẳng, lúc ở bộ Hình có nhiều án được ông giải oan. Lại là một nhà nho có nghị lực. Đọc tác phẩm của Trương ta thấy một điều hai điều thường nhắc đến Trương-minh-Giảng Nguyễn-Xuân, v.v… tỏ ý khâm phục cái nhân cách của các người đó. Nhưng cái gì cũng hay tự quyết. Theo Đặng-Xuân-Bảng là người chứng kiến trận Quảng-Yên thì cái chết của Trương cũng tự mình gây ra vì trước đó Đặng đã can :
– Đóng đồn đây ba mặt kề sông, nước thủy triều lên lỡ ra thuyền giặc thừa cơ kéo vào đánh tập hậu thời mình thua, nên dời quân chỗ khác.
Trương đáp :
– Ta đóng đồn ở đây nghĩa là bội thủy trận, quyết đánh thù tử, ngươi không có can đảm cho ngươi về đóng quân giữ sông Bạch Đằng. 4
Trương ưa rượu, hiếu học, ở trong quân thứ vẫn không sao nhãng việc đọc sách. Trong thời làm quan, được đi khắp Trung Nam, Bắc và Cao-Mên nên kiến văn lịch duyệt khá nhiều. Theo « Đại-Nam nhất thống chí » thì Trương còn tinh về thuật số như chiêm tinh học. Về môn này có lẽ Trương được chân truyền ở ông nội mình 5. Và cái học thần bí ấy ngay ở vùng phủ Thạch Hà còn thấy một đôi nhà như họ Vũ Tá là một. 6
Tác phẩm của Trương có bộ « Thối Thực Ký Văn », 4 quyển gồm có những bài bút ký giá trị về mặt sử liệu xã hội Việt-Nam ở thế kỷ thứ XVIII, XIX. Thể tài như một quyển bách khoa nhỏ, chia ra các mục :
– Trưng-Kỳ : kể những việc lạ điềm kỳ.
– Tạp Sự : các kiến văn vặt.
– Vật Loại : những thường thức về động, thực vật.
– Chế Độ : khảo chế đồ cũ.
– Nhân Phẩm : các danh nhân nước nhà.
– Phong Vực : tức địa dư phong tục.
– Cổ tích phụ Sơn xuyên : tức đền chùa thành trì núi-sông.
Nói tóm lại cũng tương tự như một vài loại sách bút ký của Tàu mà tác giả đã được đọc. Sách soạn xong khoảng năm 1849-50 chưa xuất bản lần nào chỉ lưu truyền bằng cách chép tay. Bởi vậy các mục trên sắp đặt có khác, tùy từng bản chép. 7
Ngoài ra, còn có quyển « Trương Nhu Trung Thi Tập » là một tập thơ chữ Hán. 8
Mời các bạn đón đọc Thối Thực Ký Văn của tác giả Trương Quốc Dụng.