Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và đã từng bước đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế, thể chế chính trị, thể chế phát triển xã hội. Tuy nhiên, về cơ bản, đó là thể chế phát triển theo chiều rộng, trong khi hiện nay đất nước ta đã bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, nhiều nội dung của thể chế cũ không còn phù hợp, trở thành lực cản đối với sự phát triển. Hơn nữa, trong bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh và phức tạp, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ có những bước phát triển mới mang tính đột phá, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc đã và đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặt ra những cơ hội lớn cùng với những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của nước ta… Do đó, để không bị tụt hậu xa hơn, tận dụng được những thời cơ thuận lợi, bảo đảm sự phát triển nhanh – bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như thế và lực của đất nước, vấn đề xây dựng thể chế phát triển nhanh – bền vững đang là đòi hỏi cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nhằm cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và bạn đọc quan tâm đến những vấn đề lý luận và thực tiễn về thể chế phát triển nhanh – bền vững ở nước ta hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Thể chế phát triển nhanh – bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong giai đoạn mới do PGS.TS. Trần Quốc Toản làm chủ biên, GS.TS. Phùng Hữu Phú và GS.TS. Tạ Ngọc Tấn làm đồng chủ biên. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KX.04.29/16-20 “Những cơ sở lý luận – thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia KX.04/16-20 “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020” do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.
Nội dung cuốn sách gồm các bài viết của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được kết cấu thành hai phần. Trong đó, tập trung làm rõ một số vấn đề về: khái niệm, nội dung, bản chất, cấu trúc và vai trò của thể chế phát triển, thể chế phát triển nhanh – bền vững; vai trò của thể chế, mối quan hệ giữa thể chế chính trị với thể chế kinh tế và thể chế phát triển xã hội trong quá trình phát triển; những kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi thể chế phát triển của một số nước trên thế giới, rút ra gợi ý hữu ích đối với Việt Nam… Bên cạnh đó, đưa ra những giải pháp tiếp tục đổi mới, xây dựng thể chế tổng thể phát triển nhanh – bền vững đất nước nói chung và đối với các thể chế thành phần nói riêng.
Cuốn sách là cơ sở quan trọng góp phần hoàn thiện các luận cứ lý luận khoa học và thực tiễn về xây dựng thể chế phát triển nhanh – bền vững đối với Việt Nam trong bối cảnh mới. Chủ đề của cuốn sách hàm chứa nội dung rộng lớn và phức tạp, nhiều luận điểm, kiến nghị nêu trong cuốn sách có giá trị tham khảo tốt, song cũng còn có những đề xuất, kiến nghị cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi và thảo luận thêm. Tôn trọng các tác giả và để bạn đọc thuận tiện nghiên cứu, tham khảo, chúng tôi giữ nguyên ý kiến nhận định của các tác giả. Nhà xuất bản và các tác giả mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để hoàn thiện nội dung cuốn sách trong lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 4 năm 2019
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT