Thành công trong sự nghiệp là vấn đề mang tính động, không phải tĩnh. Cho dù mục tiêu của chúng ta là duy trì sự thành công hiện tại, tạo lập sự thành công tiếp theo hoặc thậm chí tiến tới sự thành công lớn hơn, chúng ta không những cần sẵn lòng thay đổi, mà còn phải rất nhạy bén khi nào thì nên bắt đầu đổi thay. Thông thường, người ta cảm thấy rằng phương pháp, quy trình làm việc hiện tại của họ là tốt đẹp và đúng đắn nên không cần phải thay đổi. Ngạn ngữ có câu: “Nếu nó không hư thì đừng sửa.” Thật không may, câu này không phải luôn luôn đúng. Những gì làm việc hiệu quả trong quá khứ có thể không còn là phương pháp tốt nhất trong hiện tại hoặc tương lai. Cho dù chúng ta đang thực hiện việc gì đó tốt đẹp trong ngày hôm nay, nhưng khi hoàn cảnh thay đổi, đó có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu thực hiện mọi thứ sẽ khác đi. Cho dù trong công việc hay trong cuộc sống cá nhân, nếu muốn tiến bộ, chúng ta cần sẵn lòng thay đổi – thường là những thay đổi quan trọng – trong cách thức mình làm việc hoặc thậm chí trong sinh hoạt. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ xem xét những lý do khiến mình ngần ngại thay đổi và những bước có thể thực hiện nhằm vượt qua trở ngại này. Các ví dụ trình bày được rút ra từ những tình huống cá nhân và tình huống liên quan tới công việc. Và điều này không có nghĩa là chúng ta cho rằng mọi thứ mình làm cần thay đổi. Đúng ra là chúng ta nên cởi mở với những ý tưởng mới. Trên thực tế, nhu cầu thay đổi có thể là do công nghệ mới xuất hiện. Việc bước vào kỷ nguyên điện toán là một ví dụ rõ nét cho nhu cầu tái xem xét tất cả hoạt động và thích nghi với công nghệ tân tiến. Đôi khi nhu cầu thay đổi là do yếu tố kinh tế. Khi nhu cầu sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty bị sụt giảm, cần thay đổi về phương pháp, quy trình, hệ thống hoặc cấu trúc để công ty đó có thể tồn tại. Ngược lại, khi kinh tế tăng trưởng, chúng ta cũng cần tiến hành thay đổi nhằm đáp ứng với các nhu cầu mới phát sinh. Cơ quan, tổ chức cũng phải tiến hành thay đổi khi luật pháp của quốc gia hoặc tiểu bang (nếu quốc gia theo thể chế liên bangnơi họ hoạt động có thay đổi. Các bộ luật vốn nghiêm cấm phân biệt đối xử về chủng tộc, tôn giáo, gốc gác, giới tính, tuổi tác và các yếu tố khác… cần phải có những thay đổi quan trọng trong chính sách và thực tiễn hoạt động của công ty đối với đội ngũ nhân lực. Chúng ta sẽ xem xét nhiều khía cạnh thay đổi và đề nghị cách thức tận dụng những thay đổi này trên con đường đi tới thành công. Chúng ta sẽ thảo luận các vấn đề như sau: • Thay đổi là một bước tiến tới thành công. • Tự điều chỉnh để thay đổi. • Chúng ta nên đề nghị hoặc bắt đầu thay đổi vào khi nào và như thế nào. • Làm thế nào tiến hành thay đổi với tư cách là một thành viên của nhóm. • Giảm áp lực, căng thẳng khi tiến hành thay đổi. • Điều chỉnh cách làm việc với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau. • Những khác biệt về giới tính và thế hệ trong môi trường công sở. Kiến thức trong cuốn sách này cung cấp bước đầu tiên để đương đầu với sự thay đổi. Để có thể hấp thu tốt nội dung, hãy đọc toàn bộ cuốn sách để nắm được khái quát về việc tiến hành thay đổi. Sau đó, hãy đọc lại từng chương và bắt đầu áp dụng các hướng dẫn trong từng vấn đề. Điều này giúp chúng ta đi đúng hướng và giúp mọi người ở mọi nghề có thể hiểu, chấp nhận, tự điều chỉnh và bắt đầu thay đổi để cơ quan, tổ chức của họ không những tồn tại mà còn phát triển và tăng tốc trên con đường đi tới thành công.