Tập san Sử Địa là một tập san học thuật sưu tầm, khảo cứu chuyên ngành do nhóm giáo sư, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn chủ trương thực hiện, phát hành mỗi 3 tháng, với Nguyễn Nhã làm chủ nhiệm và Phạm Thị Hồng Liên quản lý, và với sự bảo trợ của nhà sách Khai Trí tại Sài Gòn. Toàn bộ Tập San Sử Địa gồm có 29 số (22 tập), được phát hành từ năm 1966 cho tới sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 thì ngừng lại.
Ban chủ biên tập san có sự tham gia của các chuyên gia như giáo sư Nguyễn Thế Anh, Bửu Cầm, Phan Khoang, Phạm Văn Sơn, Phạm Cao Dương, Quách Thanh Tâm, Trần Anh Tuấn, Tạ Chí Đại Trường, Chen Chin Hô tức Trần Kình Hòa, Đặng Phương Nghi… Ngoài ra còn có một số nhà nghiên cứu tham gia viết bài như Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Hảo, Vương Hồng Sển, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Đăng Thục…
Năm 2007, toàn bộ 29 số tập san Sử địa đã được tái bản dưới dạng số hóa trong một CD-ROM (ảnh) do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Viện Viễn Đông Bác cổ của Pháp thực hiện dưới sự đồng ý của tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã – nguyên chủ bút tập san. Nhân dịp tái bản lần này, giáo sư Phan Huy Lê – chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN – nhận định: “Tập san Sử Địa để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về tinh thần khoa học và ý thức dân tộc của những người chủ trương tập san và các tác giả bài viết. Tính khoa học và tính dân tộc là đặc điểm bao trùm của tập san. Nhiều bài viết trên tập san thật sự là những công trình nghiên cứu có giá trị cao, sưu tầm tư liệu công phu, xử lý thông tin khoa học, thái độ khách quan trung thực và nhất là góp phần dấy lên tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc và nêu cao các giá trị văn hóa dân tộc…”
***
Trương Định là một vị anh-hùng kháng-chiến miền Nam dưới triều Tự-tức, đã khởi nghĩa chống thực-dân Pháp và chiến-đấu anh-dũng đến phút cuối-cùng.
Một nhân-vật quan-trọng đối với lịch-sử Việt-nam như thế, nhưng sử sách của ta chép về ông chẳng có là bao.
Chính-sử nước ta như Đại-nam chính-biên liệt-truyện (nhị tập, quyển 38, tờ 26a-27a) chép về Trương Định rất sơ lược.
Bởi vậy, muốn tìm được nhiều tài-liệu về Trương Định, muốn biết rõ những chi-tiết về cuộc đời của vị anh-hùng dân-tộc nầy, người ta phải dùng đến những sách viết bằng chữ Pháp.
Chính những sĩ-quan Pháp đã đụng độ với Trương Định lại viết rõ về ông hơn các sử-gia Việt-nam. Đó cũng là dễ hiểu : vì họ là kẻ xâm-lăng mà cũng là chứng-nhân của thời-đại.
Những sử-liệu bằng ngoại-ngữ ấy, ngoài việc ghi chép khá đầy đủ chi-tiết về cuộc đời cách-mạng của Trương Định, còn cho độc-giả biết rõ lòng khâm-phục của kẻ thù ông (bọn thực-dân Pháp) đối với ông. Đó là một điểm quan-trọng, vì có đọc những sử-liệu ấy ta mới thấy được những người chủ-trương diệt-trừ Trương Định lại thừa-nhận giá-trị và uy-tín của ông bằng những lời lẽ chân thành.
Trước đây, đã có vài bài báo, vài quyển sách bằng Việt-ngữ khảo-cứu về Trương Định, nhưng chưa làm cho độc-giả thỏa-mãn, vì những tài-liệu liên-quan đến vị võ-tướng ái-quốc ấy vẫn chưa được các tác-giả tận-lượng khai-thác.
Nay, ông Phù-lang Trương Bá-Phát, người đã nhiều năm chuyên khảo về sử-học và có nhiều bài lai-cảo đăng trong Văn-hóa Nguyệt-san, vừa viết xong tập biên-khảo về Trương Định và có nhã-ý muốn để tôi đề tựa.
Tôi nhận thấy tập biên khảo nầy soạn rất công-phu, tài-liệu dồi-dào, dẫn-chứng phân-minh, có thể giúp ích nhiều cho những ai muốn nghiên-cứu lịch-sử Việt-nam trong thời cận-đại, nên có vài lời giới-thiệu để đáp lại thịnh-tình của soạn-giả và đồng thời góp một vài ý-kiến thô-thiển với các sử-gia.
BỬU CẦM
VIỆN KHẢO-CỔ SAIGON
Mời các bạn đón đọc Tập San Sử Địa Tập 3: Đặc Khảo Về Trương Công Định của tác giả Giáo Sư Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn