Tam Tạng Pháp Số

Tam Tạng Pháp Số

Tác giả:
Thể Loại: Huyền bí - Giả Tưởng
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

VỀ ĐẠI MINH TAM TẠNG PHÁP SỐ
Thời Minh ở Trung Quốc là thời kì cực thịnh của việc dùng từ Pháp Số làm tên sách, trong đó, pháp sư Hành Thâm 行深法師 là người đầu tiên biên soạn sách lấy tên Pháp Số, thành sách vào năm 1387. Ban đầu đặt tên là Chư Thừa Pháp Số 諸乗法數, do sách này lấy kinh điển, giáo nghĩa tông phái Hiền Thủ 賢首宗 làm ngữ liệu chính trong quá trình biên soạn nên thường được gọi với tên Hiền Thủ Pháp Số 賢首法數, có hơn 2100 mục từ. Khoảng 25 năm sau, tức năm 1419, pháp sư Nhất Như 一如法師 cùng các vị cao tăng khác phụng theo chiếu chỉ hoàng đế Vĩnh Lạc 永樂皇帝 biên soạn bộ Tam Tạng Pháp Số 三藏法數, thành sách vào quãng năm 1424, do sách này lấy ba kho tàng Kinh, Luật, Luận làm ngữ liệu trong quá trình biên soạn nên thường được gọi là Tam Tạng Pháp Số, có 1555 mục từ. Năm năm sau, tức vào quãng niên hiệu Tuyên Đức 宣德, pháp sư Viên Tĩnh 圓瀞 法師 soạn bộ Giáo Thừa Pháp Số 教乘法數, sách này chủ yếu lấy kinh điển, giáo nghĩa tông Thiên Thai 天臺宗 làm căn cứ, có gần 3200 mục từ. Sau cùng, pháp sư Tịch Chiếu 寂照 dựa vào quy cách của bộ Pháp Số của pháp sư Nhất Như soạn bộ Đại Tạng Pháp Số 大藏法 數, gần 4700 mục từ.
Xét về mặt thời gian, bộ Tam Tạng Pháp Số do pháp sư Nhất Như chủ biên được xếp vị trí thứ hai, xét về số lượng đây là bộ Pháp Số có mục từ ít nhất. Tuy nhiên, xét về số lượng thuật ngữ Phật học được giải thích cụ thể thì sách này lại nhiều nhất, tổng cộng có hơn 10.000 từ. Xét về quy tắc biên soạn, về tính rõ ràng chuẩn xác thì bộ Tam Tạng Pháp Số ưu việt hơn hẳn, thậm chí pháp sư Tịch Chiếu còn xem đây là mẫu mực để soạn bộ Đại Tạng Pháp Số của mình. Đặc điểm chung của các bộ sách Pháp Số là đều nói rõ xuất xứ của mỗi mục từ được nêu, đây được xem là tính ưu việt chung của sách nghiên cứu Phật học thời bấy giờ. Tuy nhiên, hai bộ của pháp sư Hành Thâm và Viên Tĩnh thì quá đơn giản, vắn tắt đến nỗi các nhà Phật học nhận xét là “sơ lậu 疏漏” do đơn giản quá mức đến nỗi bỏ sót nhiều chỗ, tất cả các mục từ chỉ nêu tên mà không giải thích nghĩa cụ thể. Ngược lại, bộ Pháp Số của pháp sư Tịch Chiếu thì cách giải thích từ quá cặn kẽ đến mức rườm rà, phức tạp, khó hiểu. Bộ Pháp Số của pháp sư Nhất Như đã tránh được hai điểm thiếu sót vừa nêu, tính ưu việt đó thể hiện qua mấy điểm sau:
1. Mỗi mục từ đều được giải thích cụ thể theo cách “dĩ kinh chứng kinh” tức lấy kinh điển làm căn cứ giải thích kinh điển.
2. Phân biệt rõ ràng những thuật ngữ đồng âm nhưng dị nghĩa theo quan điểm khác nhau của các tông phái khác nhau trong đạo Phật.
3. Chú thích rõ ràng toàn bộ các từ dịch âm gốc Phạn.
4. Chú thích rõ tất cả những từ ngữ dễ bị hiểu nhầm trong các mục từ, nếu có.
5. Nêu dẫn chứng cụ thể, chính xác theo mạch ý nghĩa của từ đặt trong nguồn được trích dẫn.
Đây chính là nguyên nhân khiến bộ Pháp Số do nhóm pháp sư Nhất Như biên soạn là bộ duy nhất được đưa vào đại tạng kinh điển Phật giáo như Vĩnh Lạc Bắc tạng 永樂北藏, Tần Già tạng 頻伽 藏, Càn Long tạng 乾隆藏 … đồng thời đây cũng là bộ Pháp Số duy nhất mang tên đại diện cho thời vàng son của các bộ Pháp Số mà người đời trân trọng đặt cho là Đại Minh Tam Tạng Pháp Số.
Từ Pháp Số do hai thành tố là: từ ngữ chuyên dụng chỉ giáo lí Phật giáo (Pháp) và số từ làm biên mục (Số) kết hợp lại mà thành; do không thiên về một tông phái nào trong Phật giáo như các bộ Pháp Số khác, các mục từ trong sách này đã căn cứ vào hơn 270 bộ Kinh, Luật, Luận trong Tam Tạng kinh điển làm nguồn ngữ liệu, do vậy được gọi là Tam Tạng; trong các bộ pháp số thời Minh, đây là bộ sách thích nghĩa súc tích, dễ hiểu và có nhiều điểm ưu việt nhất trong các sách cùng loại, xứng đáng là bộ mang tính tiêu biểu của Pháp Số thời Minh, do vậy gọi là Đại Minh; kết hợp ba điều vừa nêu thành nhan đề của sách là Đại Minh Tam Tạng Pháp Số vậy. Từ ngữ chỉ giáo pháp trong sách được biên mục theo thứ tự từ nhất đến bát vạn tứ thiên cụ thể là từ nhất tâmđến bát vạn tứ thiên pháp môn, tổng cộng có 50 quyển. Đầu tiên sách này được Thượng Hải Y Thư Cục 上海 醫書局 in riêng thành sách và phát hành vào năm 1923, trong đó Đinh Phúc Bảo 丁福寶 là người chịu trách nhiệm trùng giảo, Hoàng Trung 黃忠 soạn mục thông kiểm tức soạn phần về các tra cứu. Trong lần in này, Đinh Phúc Bảo đã không in phần bài tựa đầu sách của nhóm soạn giả mà thay vào đó ông thêm vào bài tựa trùng khắc và lời bạt.
VỀ SOẠN GIẢ NHẤT NHƯ
Pháp sư Thích Nhất Như 釋一如, người Cối Kê 會稽, trú trì chùa Thiên Trúc Giảng thượng 上天 竺講寺, do ba chùa cùng tên, cùng núi nên đặt chùa Thiên Trúc Giảng thượng, chùa Thiên Trúc Giảng trung và chùa Thiên Trúc Giảng hạ, Hàng Châu 杭州 nay là phố Hàng Châu, Triết Giang, Trung Quốc. Theo sách Thích Giám Kê Cổ Lược Tục Tập 釋鑑稽古略續集 của tỉ khâu Đại Văn Huyễn Luân 大聞 幻輪 và sách Hàng Châu Thượng Thiên Trúc Giảng Tự Chí 杭州上天竺講寺志 của Thích Quảng Tân 釋廣賓 ghi thì vào năm 1419 có tám vị pháp sư, trong đó có Nhất Như, Thiện Thế… phụng chiếu vua Vĩnh Lạc giảo khám Đại tạng, đối chiếu bản cũ mới để hoàn thành bộ Vĩnh Lạc Bắc tạng. Thích Giám Kê Cổ Lược Tục Tập, cuốn 2 ghi “ngày mùng 3 tháng 3, ban mệnh cho tám người như Đạo Thành, Nhất Như giảo khám tạng kinh, đối chiếu mới cũ, tụ tăng ghi chép” 三 月初三,命道成一如等八人,校勘藏经。新舊比對。聚僧寫錄 Tam nguyệt sơ tam, mệnh Đạo Thành, Nhất Như đẳng bát nhân, giảo khám tạng kinh, tân cựu tỉ đối, tụ tăng tả lục. Đoạn nói về sách Pháp Số ghi rằng “cuốn Đại Minh Pháp Số, pháp sư Nhất Như, phụng sắc nghiên cứu kinh điển trong Đại tạng, chọn lựa tập hợp lại để biên soạn các mục từ có cùng chủng loại. 大明法數一如法 師,奉敕探討大藏群經,採集類編. Đại Minh Pháp Số, Nhất Như pháp sư, phụng sắc thám thảo Đại tạng quần kinh, thái tập loại biên. Ngoài đoạn ghi tả về soạn giả Nhất Như trong hai sách vừa nêu chỉ nói về sách Pháp Số và soạn giả như vậy, ngoài ra, có đoạn ghi rời về chức năng, nhiệm vụ của pháp sư được nhà vua giao chứ không thấy nói gì thêm về năm sinh, năm mất. Nhưng theo bài tựa của Đinh Phúc Bảo ghi trong lần ấn hành đầu tiên, ông nói sư Nhất Như “là người có tư chất thông minh bẩm sinh lại tinh cần học hỏi, khả năng ghi nhớ tốt. Kinh điển Đại thừa, Tiểu thừa hễ lướt mắt qua là thuộc nằm lòng dường như đã gieo duyên từ tiền kiếp. Xuất gia tại chùa Thiên Trúc Giảng thượng ở Hàng Châu, là đệ tử của pháp sư Cụ Am 具菴, được truyền thừa chân chính từ thầy. Rộng thông giáo nghĩa, giảng thuyết hùng biện, sở trường về kinh Pháp Hoa, có trước tác bộ Pháp Hoa Kinh Khoa Chú 法華經科注. Vào niên hiệu Vĩnh Lạc, sắc mệnh biên tu Đại tạng, trong đó sư giữ chức tổng quản công trình, sau thăng giữ chức quản lí tăng đoàn tăng lục ti của Xiển giáo, thị tịch vào tháng 3 năm thứ nhất niên hiệu Hồng Hy 1425, được vua Nhân Tông ban lễ tế tang”. (Theo Trùng khắc Đại Minh Tam Tạng Pháp Số tự). Như vậy, các vị soạn giả của sách đều là những vị cao tăng thời đó, tuy nhiên tiểu sử các ngài không được ghi rõ, thậm chí sách Đại Minh Cao Tăng truyện còn không tìm thấy đến tên các ngài, đây quả là một thiếu sót.
Qua thông tin về tác giả và tác phẩm vừa nêu, chúng ta thấy rằng, Tam Tạng Pháp Số là công trình biên soạn tập thể, là kết tinh của trí tuệ tập thể đồng thời cũng là sách công cụ nghiên cứu Phật học đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc được một tập thể biên soạn theo cách không phân chương mục cụ thể cho từng soạn giả. Soạn giả là những người ưu việt hiển nhiên sẽ cho chúng ta tác phẩm ưu việt như lời của học giả Đinh Phúc Bảo nhận xét “các tác giả đều là những bậc kiệt xuất nhất của một thời” vậy. So với các bộ từ điển hiện đại, các mục từ trong Tam Tạng Pháp Số này vẫn thể hiện tính ưu việt của mình ở điểm giải thích từ vắn gọn, súc tính chiết trung; cung cấp đúng thông tin mà người học Phật cần đến không quá mức phức tạp cũng không quá đơn giản, rất đáng được soạn dịch để giới thiệu đến người nghiên cứu, tìm hiểu Phật học. Có thể nói, đây là sách công cụ thuần Phật học nhất trong các sách công cụ Phật học hiện có, đấy chính là lí do mà sách này có trong tay độc giả.