Sức Bật Tinh Thần PDF EPUB

Sức Bật Tinh Thần PDF EPUB

Tác giả:
Thể Loại: Tâm Lý - Kỹ Năng Sống
Nguồn: https://ebookvie.com
EPUBMOBIPDFAZW3ĐỌC ONLINE

Cuốn sách “Sức Bật Tinh Thần” của tác giả Susan Kahn là một cẩm nang thiết yếu giúp bạn khám phá và rèn luyện khả năng phục hồi sau những thất bại trong cuộc sống. Cuốn sách dẫn dắt bạn qua hành trình khám phá bản thân, từ việc hiểu rõ tầm quan trọng của tinh thần kiên cường đến việc trang bị những bài học thực tế để đối mặt với stress, biến cố và vươn lên mạnh mẽ.

Sức Bật Tinh Thần còn cung cấp cho bạn những phân tích khoa học về cách thức hoạt động của não bộ và cơ thể khi đối mặt với stress. Từ đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng của stress và có những phương pháp hiệu quả để kiểm soát nó. Cuốn sách cũng đi sâu vào khám phá những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến việc thiếu sức bật tinh thần, giúp bạn nhận thức rõ hơn về bản thân và những yếu tố cần cải thiện.

Điểm nổi bật của sách:

  • Phân tích khoa học về sức bật tinh thần: Sách cung cấp cho bạn những kiến thức khoa học về cách thức hoạt động của não bộ và cơ thể khi đối mặt với stress, thất bại và biến cố.
  • Bài học thực tế để rèn luyện sức bật tinh thần: Sách chia sẻ những bài học thực tế giúp bạn xây dựng khả năng phục hồi, thích ứng và vươn lên sau mỗi lần vấp ngã.
  • Hướng dẫn thực hành: Sách cung cấp các bài tập thực hành đơn giản và hiệu quả giúp bạn áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế.
  • Lối viết dễ hiểu và gần gũi: Sách được viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi, giúp bạn tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng.

Sách được chia thành 8 chương, mỗi chương tập trung vào một khía cạnh khác nhau của sức bật tinh thần. Bắt đầu với việc chấp nhận thất bại như một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống, bạn sẽ học cách biến nó thành cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân. Nội dung chính của từng chương:

  • Chương 1: Thất bại nhanh: Giới thiệu về tầm quan trọng của việc chấp nhận thất bại và học hỏi từ những sai lầm.
  • Chương 2: Não bộ và cơ thể: Phân tích cách thức hoạt động của não bộ và cơ thể khi đối mặt với stress.
  • Chương 3: Bên dưới tảng băng: Khám phá những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến việc thiếu sức bật tinh thần.
  • Chương 4: Sự thay đổi, xáo trộn và mất mát: Chia sẻ cách thức đối mặt với những thay đổi và mất mát trong cuộc sống.
  • Chương 5: Lãnh đạo: Hướng dẫn cách phát triển sức bật tinh thần trong vai trò lãnh đạo.
  • Chương 6: Xung đột: Cung cấp kỹ năng giải quyết xung đột hiệu quả.
  • Chương 7: Mục đích: Khẳng định tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu sống và theo đuổi đam mê.
  • Chương 8: Tổng kết: Tóm tắt những điểm chính của sách và đưa ra lời khuyên cho người đọc.

Cuốn sách “Sức Bật Tinh Thần” phù hợp với:

  • Bất kỳ ai muốn rèn luyện khả năng phục hồi và vươn lên sau mỗi lần vấp ngã.
  • Những người đang gặp khó khăn trong việc đối mặt với stress, thất bại và biến cố.
  • Các nhà lãnh đạo muốn phát triển sức bật tinh thần cho bản thân và đội ngũ của mình.
  • Với những kiến thức khoa học, bài học thực tế và hướng dẫn thực hành hiệu quả, “Sức Bật Tinh Thần” sẽ giúp bạn xây dựng một tinh thần kiên cường và vươn lên mạnh mẽ trong mọi nghịch cảnh.

Sức Bật Tinh Thần không chỉ là một cuốn sách lý thuyết, mà còn là một hướng dẫn thực hành với các bài tập đơn giản và hiệu quả giúp bạn áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Sức Bật Tinh Thần của tác giả Susan Kahn

► Đừng bỏ qua sách này nhé:


GIỚI THIỆU
Công việc nào cũng vậy, sẽ có những lúc ta thấy hài lòng, thử thách và thỏa mãn. Công việc có thể đem lại cho ta sự hỗ trợ, tình bạn, sự thấu hiểu, sự học hỏi và phát triển. Nhưng công việc cũng có thể khiến ta cảm thấy kiệt sức, nghi ngờ về khả năng vượt khó của bản thân, cảm thấy mình không đủ giỏi, cảm thấy tổn thương và muốn gục ngã. Vì vậy, khả năng tự vực dậy là yếu tố thiết yếu trong công việc; và chúng ta cần hiểu được bản chất của thất bại, nhanh chóng phản ứng với nó và xây dựng cho bản thân tính kiên cường.

Tính kiên cường, khả năng phục hồi, hay khả năng tự vực dậy có thể được hiểu theo nhiều cách. Một cái cây oằn mình trong cơn bão có thể ngả nghiêng trước sức mạnh của trận cuồng phong, nhưng sau đó nó sẽ trở lại tư thế thẳng đứng khi bão tan, đó chính là hình ảnh kiên cường. Hay như trong khoa học, một số vật liệu có thể trở lại trạng thái ban đầu sau khi bị kéo dãn hoặc uốn cong. Ngoài ra, khả năng tự vực dậy còn được thể hiện theo nhiều cách khác trên phương diện thể chất, cảm xúc và tâm lý. Đó là khái niệm được thể hiện qua cách một quốc gia ứng phó với thảm họa tự nhiên; khả năng xoay xở của một tổ chức trong quá trình sáp nhập; cách một đội ngũ phản ứng khi người lãnh đạo của họ qua đời; cách một cá nhân làm quen với công việc mới khi không có những đồng nghiệp đáng tin cậy bên cạnh, hoặc khi họ phải vừa hoàn thành công việc vừa đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống riêng.

Điểm chung của tất cả những biểu hiện khác nhau nói trên của khả năng tự vực dậy là năng lực thích ứng và thay đổi hoàn cảnh. Theo Darwin, loài sống sót không nhất thiết là loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là loài có khả năng thích nghi cao và sẵn sàng thay đổi.

Với cá nhân tôi, khả năng phục hồi rất quan trọng, trong cả đời sống lẫn công việc. Thuở nhỏ, tôi là một đứa trẻ cực kỳ nhút nhát và dễ ngượng ngùng. Chỉ cần có ai đó nhìn tôi, chứ chưa cần nói chuyện, tôi sẽ đỏ hết cả mặt. Những khi đó, tôi cảm thấy vô cùng chán ghét bản thân vì không thể tự tin và bình tĩnh. Tôi dè dặt thái quá và luôn cố làm người khác vui lòng. Tôi đã dành nhiều năm để quan sát con người và các mối quan hệ, cũng như phát triển khả năng đương đầu với khó khăn. Tôi tìm kiếm sự giúp đỡ, thiết lập những mối quan hệ bạn bè cũng như các cố vấn đáng tin cậy, và tôi bắt đầu làm được những việc mà bản thân tôi khi còn nhỏ luôn cho là bất khả thi. Giờ đây tôi tự tin làm công việc cố vấn, giảng dạy, đào tạo và hòa giải, nhưng tôi luôn ý thức về sự dễ tổn thương tiềm ẩn trong bản thân mình và người khác. Tôi thất bại thường xuyên và khả năng phục hồi của tôi liên tục được thử thách – nhưng tôi luôn bật dậy.

Sức bật tinh thần không phải là một khả năng bẩm sinh hay một đặc điểm tính cách đơn thuần. Bạn có sức bật tinh thần và có thể xây dựng sức bật tinh thần – tất cả chúng ta đều có khả năng này. Không ai có thể tránh được những thử thách, nỗi đau hay khó khăn trong cuộc sống lẫn trong công việc. Chúng ta đều có thể phát triển sức bật tinh thần và năng lực đương đầu với khó khăn, sự mất mát và thay đổi.

Sức bật tinh thần trong công việc

Trong công việc, chúng ta có thể được yêu cầu làm thêm giờ hoặc sử dụng công nghệ mới. Chúng ta có thể phải điều chỉnh cách làm việc cho phù hợp với quy định mới, hoặc phải làm việc trong môi trường quốc tế. Chúng ta có thể phải đối mặt với trở ngại, những lời chê bai, hoặc phải làm việc với những người ưa bắt bẻ. Chúng ta có thể bị giới hạn về nguồn lực và cần phải làm việc linh hoạt hơn với tốc độ nhanh hơn. Chúng ta có thể phải ứng phó hoặc đối mặt với việc cắt giảm nhân sự. Nếu kiên cường, chúng ta có thể đương đầu với những thử thách này bằng thái độ tích cực và chủ động. Chúng ta có thể duy trì sự lạc quan, mạnh mẽ và nhanh chóng phục hồi sau những lần vấp ngã trong đời. Tuy nhiên, thường thì sẽ có những lúc chúng ta thấy lòng tự tin của mình vỡ vụn khi đối mặt với phong ba bão táp, còn bản thân chúng ta thì nhạy cảm và yếu ớt hơn bình thường.

Hãy nhớ lại hình ảnh “Một cọng rơm làm gãy lưng lạc đà” hoặc “Giọt nước làm tràn ly”. Lạc đà là loài động vật mạnh mẽ, có khả năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt của sa mạc và có thể đi quãng đường dài mà không cần nước. Thế nhưng ngay cả lạc đà cũng có thể ngã quỵ khi chở thêm vài cọng rơm. Ai cũng có thể sụp đổ khi gặp phải một loạt những điều gây khó chịu, cản trở, thất vọng và phá hoại. Tất cả chúng ta đều có lúc tuyệt vọng, suy sụp và đánh mất sức bật tinh thần.

Thuật ngữ “Sức bật tinh thần”

Tựa đề của quyển sách này bắt nguồn từ từ resilio trong tiếng Latin, có nghĩa là “sức bật” – khả năng đương đầu với những tình huống khó khăn đồng thời phục hồi, phản ứng và trở lại đường đua. Cuộc sống luôn chứa đầy những thử thách, thất vọng và tổn thương mà từ đó, chúng ta cần hồi phục và quay trở lại với công việc (cũng như cuộc sống). Tự vực dậy tinh thần không phải là quên đi những khó khăn mà chúng ta đã đối mặt hay phớt lờ nghịch cảnh; những trải nghiệm và khó khăn đó sẽ thay đổi chúng ta và tác động đến cảm xúc cũng như phản ứng của chúng ta trước những khủng hoảng trong tương lai.

Tuy nhiên, mấu chốt của sức bật tinh thần là giúp chúng ta có thể suy nghĩ trong những lúc khó khăn, cân nhắc các phản ứng về mặt hành vi và cảm xúc của bản thân cho dù đang đối mặt với thử thách nào đi nữa. Nói cách khác, sức bật tinh thần giúp chúng ta ứng phó với tình huống một cách tích cực, chủ động và sáng tạo. Với sức bật tinh thần, chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội, học hỏi từ nghịch cảnh và xây dựng các chiến lược để đảm bảo tình trạng thể chất và tinh thần luôn ở mức có thể kiểm soát. Hãy hình dung con lật đật – cho dù bị ngã bao nhiêu lần, nó sẽ luôn bật dậy – với một nụ cười trên môi. Con lật đật lắc lư nhưng nó không đổ. Sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta có thể áp dụng khả năng hồi phục này khi đối mặt với những biến cố không thể tránh khỏi trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân.

Có thể bạn thích sách  Giáo trình tham vấn tâm lý

Quyển sách này được viết để giúp bạn vực dậy bản thân – mang lại cho bạn sức bật để đương đầu với những thất bại, va vấp và những sự thất vọng không thể tránh khỏi – dẫu cho cuộc sống có vẻ tuyệt diệu đến mức nào. Sức bật tinh thần có thể giúp chúng ta biến khó khăn và thử thách thành những bài học phát triển kỹ năng và sự hiểu biết. Khi đối mặt với nghịch cảnh, cảm giác đau khổ hoặc tức giận là điều dễ hiểu, tuy nhiên, người kiên cường có thể vượt qua và tiếp tục tiến lên – cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Cho dù làm việc ở đâu và giữ vai trò gì, chúng ta đều có năng lực trở nên kiên cường hơn, để thay đổi cách tư duy và phản ứng trước thất bại. Chúng ta sẽ có những lúc chùn chân, chúng ta sẽ bị thách thức, chúng ta sẽ thất vọng, nhưng nhờ nội lực, chúng ta có thể phục hồi.

Sức bật tinh thần là một khả năng có thể được phát triển, nâng cao và rèn giũa. Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều có khả năng phát triển sức bật tinh thần. Sức bật tinh thần sẽ giúp bạn trên hành trình này.

Để “Sức bật tinh thần” hỗ trợ bạn tốt nhất

Quyển sách này xem xét sức bật tinh thần dưới nhiều góc độ mới. Mỗi chương sách đều có nội dung độc lập với nhau, bạn có thể đọc và áp dụng theo từng chủ đề một. Tuy nhiên, nếu đọc theo thứ tự từ đầu đến cuối, bạn sẽ xây dựng được nền tảng cho sức bật tinh thần – từ thế giới nội tâm đến thế giới bên ngoài, trong vai trò người lãnh đạo hoặc nhân viên, trong giai đoạn biến động hay giai đoạn chịu nhiều tổn thất, trong lúc hiệp lực và đoàn kết nhóm hay lúc bất đồng và lũng đoạn.

Phần Giới thiệu nêu ra bối cảnh và giới thiệu các khái niệm sẽ được phát triển và khám phá trong Sức bật tinh thần. Chương 1 tìm hiểu mối liên hệ giữa chúng ta và sự thất bại, lý do mối liên hệ này có thể trói chân một số người và cản trở quá trình học hỏi của chúng ta – gồm cả việc thử một điều gì đó không chắc chắn. “Thất bại nhanh” không khuyến khích hành động liều lĩnh, thay vào đó, nó mang đến cho bạn một khuôn khổ mà ở đó bạn được phép mắc sai lầm – không phải theo kiểu dại dột hay thiếu thận trọng – để bạn phát triển và tiến bộ trong công việc.

Chương 2 nói về não bộ, cơ thể và mối liên hệ giữa chúng với khả năng phục hồi. Mặc dù trong quyển sách này, chúng ta nhắc rất nhiều đến khả năng phục hồi về mặt tâm lý, nhưng tác động thể chất của cơ thể và khả năng thay đổi vượt trội của bộ não mới là nền tảng để phát triển sức bật tinh thần.

Chương 3 khai thác vấn đề ở mức độ sâu sắc hơn. Phần lớn bản chất của chúng ta và cách chúng ta tiếp cận cuộc sống được hình thành không chỉ trong những năm gần đây mà chính là trong những năm đầu đời, và thậm chí từ trước đó nữa: trong bụng mẹ. Chương này xem xét các yếu tố khó tiếp cận hơn trong mỗi người, những phần không dễ thấy nhưng định hình cách hành xử của chúng ta.

Chương 4 xem xét tính tất yếu của sự thay đổi và sự xáo trộn trong công việc. Những điều này có thể gây ra trở ngại, khiến ta lo lắng và căng thẳng. Chúng ta cần sức bật tinh thần để đương đầu với sự thay đổi và những tổn thất. Chương này đánh giá cách chúng ta ứng phó với thay đổi, đồng thời cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết và công cụ để đối phó với những tổn thất khó tránh khỏi trong công việc.

Chương 5 đề cập đến thuật lãnh đạo. Dù bạn là nhà lãnh đạo hay nhân viên, bạn sẽ luôn đối mặt với thử thách. Khi được nâng lên vị trí lãnh đạo, chúng ta chuyển từ vai trò thành viên trong nhóm sang một vai trò khác, với những áp lực, trách nhiệm và nhiều yêu cầu khác. Chúng ta cần chuẩn bị như thế nào cho sự chuyển tiếp này? Và làm sao để chúng ta, trong vai trò nhân viên, đáp ứng những yêu cầu của nhà lãnh đạo?

Chương 6 sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về xung đột, thứ có thể gây ra trở ngại cho chúng ta vào lúc này hoặc lúc khác. Về bản chất, xung đột trong công việc đòi hỏi chúng ta phải tách hành vi ra khỏi người thực hiện, tách kết quả ra khỏi mục đích và tách quá khứ khỏi tương lai. Những bất đồng, sự công kích và hành vi bắt nạt có thể khiến chúng ta phân tâm và đi lệch hướng trong công việc. Chương này nghiên cứu những vấn đề nói trên và cung cấp một số công cụ hữu hiệu để giúp bạn phát triển sức bật tinh thần khi ứng phó với xung đột.

Chương 7 nói về mục đích: Điều gì tiếp thêm năng lượng và tạo động lực để bạn nỗ lực làm việc? Chúng ta sẽ khám phá mối liên hệ giữa cảm giác sống có mục tiêu và sức bật tinh thần, cũng như xem xét tầm quan trọng của mối liên hệ đó trong việc đương đầu với khó khăn. Chương này cũng đưa ra một số bài tập để bạn suy ngẫm về mục tiêu của mình: Điều gì thôi thúc bạn đi làm mỗi ngày? Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau.

Chương cuối cùng sẽ liên kết các nội dung chính trong quyển sách này lại với nhau và gợi ý một số phương pháp để bạn tiếp tục bồi đắp sức bật tinh thần trong công việc. Bạn sẽ được hướng dẫn cách đánh giá các ý tưởng một cách cụ thể hơn. Không chỉ ở chương cuối, mà mỗi chương trong quyển sách này đều có một hoặc một vài bài tập giúp bạn trau dồi nhận thức và kiến thức. Bạn có thể làm các bài tập này nhiều lần. Một số bài tập cần bạn dành ra vài phút; một số khác, chẳng hạn như bài tập Tự đánh giá sức bật tinh thần của bản thân, có thể khiến bạn tốn nhiều thời gian hơn vì bạn sẽ đào sâu vào những vấn đề đáng được cân nhắc kỹ càng. Việc làm bài tập Tự đánh giá sức bật tinh thần của bản thânkhi bắt đầu đọc và sau khi đọc xong quyển sách sẽ cho bạn thước đo để đánh giá xem sức bật tinh thần của mình phát triển như thế nào.

Nhà tâm lý học người Pháp Boris Cyrulnik là người đầu tiên đưa ra khái niệm khả năng phục hồi tâm lý. Những tổn thương và mất mát cá nhân đã giúp ông xây dựng giả thuyết rằng điều quyết định số phận của chúng ta không phải những trải nghiệm này, mà là cách chúng ta phản ứng với các tổn thương và sự đau đớn. Ông viết về nguồn sức mạnh nội tại sẵn có ở mỗi người mà ai cũng có thể dùng để giải phóng bản thân, và về việc chúng ta có thể làm được nhiều hơn mình nghĩ. Cyrulnik nói về ngọc trai, biểu tượng của sự phục hồi kiên cường. Ngọc trai là kết quả của một hạt cát bị mắc kẹt trong con trai; hạt cát đó khiến con trai khó chịu, và để tự vệ, con trai sản sinh ra chất xà cừ bao bọc lấy hạt cát đó. Sau cùng, hạt cát được bọc xà cừ sẽ trở thành một hạt ngọc cứng cáp, sáng bóng và quý giá mà chúng ta gọi là hạt ngọc trai.

Cho dù sức bật tinh thần hiện tại của bạn như thế nào, bạn đều có thể phát triển nó. Bạn có thể xây dựng tiềm lực phục hồi tâm lý, đối mặt với tương lai bằng nhiệt huyết và năng lượng tràn đầy. Dĩ nhiên thất bại, khó khăn và sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến bạn, nhưng bạn có thể đứng dậy, bạn có thể mài giũa khả năng phục hồi.

Chương 1 THẤT BẠI NHANH
Thất bại thường được hiểu là không thành công; những từ ngữ gắn liền với thất bại rất nặng nề và liên quan đến sự thua cuộc. Nhu cầu thành công ngay từ lần đầu tiên và lúc nào cũng phải thành công đã ăn sâu vào văn hóa làm việc. Tuy nhiên, thất bại không nhất thiết phải bị coi là kết thúc hay không đạt được kết quả gì. Thất bại có thể đồng nghĩa với thất vọng, chậm trễ hay vỡ mộng – nhưng điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang khám phá sức mạnh của bản thân, hiểu hơn về thị trường, biết mình nên tin vào ai hay cái gì. Nói cách khác, chúng ta học hỏi từ thất bại. Trên thực tế, trong thời đại của sự đổi mới và khởi nghiệp, bạn sẽ không được coi trọng nếu chưa trải qua một chuỗi thất bại. Không thất bại có thể đồng nghĩa với việc bạn thiếu trí tưởng tượng, thiếu năng lực tư duy mở rộng, thiếu khả năng cải thiện và sáng tạo. Trong bối cảnh này, thuật ngữ “thất bại nhanh” trở thành mô-típ của tinh thần tiến bộ và phát kiến thông qua việc chấp nhận rủi ro, học hỏi từ thất bại và nhanh chóng chuyển sang thử thách hoặc giai đoạn phát triển tiếp theo.

Công việc đem đến rất nhiều cơ hội để thay đổi và phát triển: trong thế giới công việc, chúng ta sắp sửa bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Cho đến nay, nhân loại đã trải qua giai đoạn của động cơ hơi nước vào thế kỷ 18 và sự ra đời của máy dệt, một phát minh đã thay đổi đáng kể cách thức sản xuất hàng hóa. Thế kỷ 19 mang đến cho chúng ta điện năng và khả năng sản xuất số lượng lớn; và từ những năm 1970 trở đi, công việc được cách mạng hóa nhờ phát kiến điện toán. Ngày nay, chúng ta càng có nhiều bước phát triển và chuyển đổi nhờ các doanh nghiệp, những tổ chức mang lại các nền tảng công nghệ vật lý và kỹ thuật số làm thay đổi cách chúng ta làm việc và sinh sống theo cấp số nhân. IoT, the Internet of Things (Internet vạn vật), cho phép chúng ta thay đổi cách giao tiếp, trao đổi và tương tác. Trí tuệ nhân tạo, rô-bốt và trợ lý kỹ thuật số nơi công sở sẽ sớm trở nên phổ biến. Chúng ta đang giao tiếp theo những cách khác nhau, chúng ta có thể liên lạc hai mươi bốn giờ mỗi ngày, kết nối xuyên quốc gia, xuyên văn hóa, đồng thời cần phải theo kịp tốc độ công việc.

Có thể bạn thích sách  Cách Suy Nghĩ Của Người Giàu

Sợ thất bại là chuyện bình thường

Mỗi sự thay đổi trong cách làm việc đều đi kèm với những thử thách và cơ hội mới, và chúng ta có thể sẵn sàng đón nhận những thay đổi này hơn nếu cho phép bản thân được thất bại trên con đường xây dựng thành công. Nhưng nói thì dễ hơn làm. Chúng ta thận trọng trước thất bại là điều dễ hiểu, bởi chúng ta đang sống trong thời đại của sự thành công và ca tụng. Hầu hết các nội dung truyền thông phổ biến đều tập trung vào câu chuyện thành công của các doanh nhân, rất ít nội dung thật sự nói về thất bại của họ và cách các tổ chức cũng như cá nhân đối phó với hậu quả khi giấc mơ của họ không thành hiện thực.

Sự thất bại qua các thời đại

Tại Hy Lạp vào năm 800 trước Công nguyên, các thương nhân thất bại trong việc làm ăn bị buộc phải ngồi ở chợ và úp giỏ lên đầu. Họ không nhìn thấy người khác nhưng bị người khác nhìn thấy, họ bị chế giễu vì mắc sai lầm và phải chịu đựng “nghi thức” lăng mạ vì đã không thành công trên con đường thương mại do chính họ chọn lựa. Tại Italy vào thời cận đại, những chủ doanh nghiệp thất bại và mắc nợ phải trần truồng diễu hành đến quảng trường thị trấn trong sự giễu cợt của đám đông. Tại Pháp vào thế kỷ 17, các chủ doanh nghiệp phá sản bị đưa đến trung tâm thị trấn, nơi sự thất bại của họ bị công bố công khai. Để không bị bỏ tù, họ phải đội mũ bê-rê màu xanh lá cây – biểu tượng của sự thất bại. Những ví dụ trên cho thấy trong lịch sử, sự thất bại đã bị đối xử khắc nghiệt như thế nào.

Có thể thấy trong thời nào cũng vậy, vì thất bại đi kèm với sự nhục nhã nên người ta sợ thất bại là điều rất dễ hiểu. Ngày nay, các doanh nhân non trẻ có nguy cơ bị chỉ trích trên báo chí và các bài xã luận, chưa kể đến việc bị chế giễu trên mạng. Tuy nhiên, những người đã thất bại và đứng dậy – như Richard Branson, Steve Jobs và J. K. Rowling – lại rất được thế giới yêu mến. Đây có phải là một tín hiệu cho thấy dòng chảy đã đổi chiều? Có phải chúng ta, trong tư cách một xã hội, đã bắt đầu thừa nhận rằng thành công ngay lập tức là điều rất khó, ngay cả với những cá nhân tài năng nhất?

Dù là giả định hay trên thực tế, những hậu quả mà một cá nhân hay một tổ chức phải nhận lãnh khi thất bại đều có thể kìm hãm sự đổi mới và sáng tạo trong kinh doanh – không khác gì hậu quả do chính nỗi đau thất bại mang lại. Đó không phải là thứ dễ khắc phục hay vượt qua. Chúng ta có thể cần thời gian, lời khuyên hữu ích và một mức độ can đảm nhất định để đứng dậy và bắt đầu lại. Nhưng đối với bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức, hoạt động sáng tạo hay công việc kinh doanh nào, thất bại luôn là một phương án lựa chọn. Ở một mức độ nào đó, có thể nói thất bại là khó tránh khỏi nếu bạn cân nhắc đến tất cả các khả năng. Chúng ta không thể may mắn mãi, mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, con người hành xử theo những cách khó lường trước, nguồn lực của chúng ta cạn kiệt, chúng ta kiệt sức. Do đó, việc trù tính cho thất bại cũng quan trọng như việc lên kế hoạch để thành công.

Thất bại trong những bối cảnh công việc khác nhau

Chương này không đi vào lý do thất bại. Có rất nhiều lý do khiến các doanh nghiệp, tổ chức hoặc nơi làm việc nào đó sụp đổ: chiến tranh, suy thoái, thuế, lãi suất dao động, sự thay đổi các quy tắc, các quyết định quản lý yếu kém. Bậc thầy quản lý Peter Drucker cho rằng hai lý do quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp lao đao là không trả lời được câu hỏi mấu chốt “Chúng ta kinh doanh cái gì?” và tiếp tục quản lý bằng một chiến lược không hiệu quả hoặc thiếu quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ. Nhưng dĩ nhiên, cũng có lúc các tổ chức đối mặt với những biến cố mang tính thảm họa khác – hỏa hoạn, mất nhân sự, sự kiện bất khả kháng. Ngoài ra, các dự án kinh doanh thất bại cũng gây ra sự thất vọng tràn trề, đặc biệt là khi doanh nghiệp đã đổ công sức cho chúng suốt nhiều năm.

Và dĩ nhiên, không phải chỉ có doanh nghiệp phá sản mới bị coi là thất bại. Chính chúng ta cũng phải đối mặt với nỗi thất vọng và thất bại thường xuyên trong công việc: chúng ta không có cơ hội thể hiện, không được chọn tham gia hội nghị hoặc bỏ lỡ cơ hội làm việc với người cố vấn mình ngưỡng mộ. Chúng ta không có cơ hội làm những việc mà ta cảm thấy sẵn sàng, muốn làm và có khả năng làm. Chúng ta không có được công việc mà bấy lâu nay ta mong ước – và càng khó khăn hơn khi phải chứng kiến một nhân viên mới hào hứng nhận được công việc đó. Dự án chúng ta đang phụ trách không thành công. Bài thuyết trình mà chúng ta lấy làm tự hào không đem lại hợp đồng như ý. Sản phẩm hay dịch vụ mới ra mắt của chúng ta không được khách hàng chọn lựa. Chúng ta không được tăng lương. Bài viết của chúng ta không được tòa soạn sử dụng.

Mọi ngành công nghiệp, mọi ngành nghề và tổ chức đều hưởng lợi từ việc rút kinh nghiệm sau thất bại, cho dù hậu quả của thất bại đó liên quan đến sự sống còn của tổ chức. Thất bại không chỉ xảy đến với những người kém thông minh hay kém tài giỏi, mà những cá nhân và tổ chức tài năng nhất, thông thái và đạt nhiều thành tựu nhất cũng có thể thất bại. Denis Waitley, nhà tâm lý học kiêm chuyên gia nghiên cứu về lòng tự trọng, chia sẻ:

Thất bại là bài học chứ không phải sự kết thúc; là sự trì hoãn chứ không phải kết cục; là một đường vòng tạm thời chứ không phải là ngõ cụt; là thứ mà chúng ta chỉ có thể tránh được nếu không nói gì, không làm gì và không là ai cả.

Theo Waitley, nếu thành công là một cái cây thì thất bại chính là phân bón giúp cây tươi tốt. Nói cách khác, chúng ta cần hiểu đúng về thất bại để đảm bảo cho chiến thắng trong tương lai.

Henry Marsh, tác giả quyển Do No Harm (tạm dịch: Không gây hại) là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, người đã đấu tranh cho nhu cầu thừa nhận thất bại, kể cả với những bác sĩ phẫu thuật có thâm niên và đáng kính. Ông đề cao những bài học quan trọng được rút ra khi các sai lầm xuất hiện trong một lĩnh vực đòi hỏi tay nghề cao và nhiều thử thách như phẫu thuật thần kinh. Ông cho rằng việc những người ở vị trí cấp cao lên tiếng là rất quan trọng, ngay cả khi danh tiếng của họ có nguy cơ bị tổn hại, bởi chỉ khi dám thừa nhận thất bại trong bất kỳ vai trò nào thì chúng ta mới có thể can đảm và dám chấp nhận rủi ro vì điều lớn lao và tốt đẹp nhất. Nếu chỉ dám hành động khi khả năng thất bại là 0%, chúng ta sẽ chậm tiến bộ, thậm chí có thể bị trì trệ hoặc trở nên sa sút.

Lĩnh vực thể thao cho thấy một bằng chứng khác về tầm quan trọng của việc dám thất bại. Siêu sao bóng rổ Michael Jordan đã nói về giá trị của những thất bại mà anh đã nếm trải đối với thành tựu rực rỡ mà anh đạt được trong đời:

Tôi đã ném trượt hơn chín ngàn lần trong sự nghiệp. Tôi đã thua gần ba trăm trận đấu. Có hai mươi sáu lần tôi được tin tưởng sẽ thành công với cú ném quyết định nhưng lại ném trượt. Tôi đã thất bại hết lần này đến lần khác. Và đó là lý do tôi thành công.

Trong giới học thuật, những cá nhân tài năng và thông minh cũng thường xuyên bị từ chối. Để được phê duyệt một khoản tài trợ nghiên cứu hoặc xuất bản một bài báo, các học giả phải đối mặt với một quá trình đăng ký và xét duyệt khắt khe, với rất nhiều cảm xúc mỏi mệt và giận dữ. Giáo sư Dame Jane Francis cho biết:

Đến bây giờ thì mỗi khi bị từ chối tôi vẫn cảm thấy tức giận và nản lòng vì nỗ lực của mình trở thành công cốc. Và dù rất đau lòng nhưng bạn vẫn cần nghĩ xem mình có thể làm gì khác đi trong lần kế tiếp.

Thừa nhận tính cạnh tranh trong lĩnh vực học thuật, mà thật ra là trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, có thể giúp chúng ta nhận ra những thử thách mình phải đối mặt và chấp nhận rằng sự từ chối là thứ đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân; dù nỗ lực hết sức, chúng ta vẫn có thể thất bại. Chúng ta sẽ thấy đôi khi những người thông minh và tài giỏi cũng thất bại, và đôi lúc họ phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Dịch vụ truyền phát video theo yêu cầu từng là một khái niệm khá mới vào năm 2000, khi các giám đốc điều hành của Blockbuster từ chối cơ hội mua lại Netflix với giá chỉ bằng một phần nhỏ giá trị hiện nay của nó. J. K. Rowling, một trong những tác giả nổi tiếng và thành công nhất thế giới, ban đầu cũng bị nhiều nhà xuất bản từ chối. Karl Lagerfeld từng cho rằng bán lẻ trực tuyến thời trang cao cấp là không hiệu quả và sẽ không ai chi nhiều tiền cho những bộ trang phục mà họ không được nhìn tận mắt trước khi mua. Và hiện tại chúng ta đều thấy tiềm năng và thành công đáng kinh ngạc của Netflix, Harry Potter và Net-a-Porter.

Có thể bạn thích sách  Đạt Kết Quả Tối Đa Từ Những Gì Bạn Có

Dẫu vậy, chúng ta có thể học được gì từ những sai lầm này? Và làm thế nào để biến thua thành thắng? Thất bại có thể ngăn chúng ta áp dụng tư duy phản biện vào cơ hội kinh doanh tiềm năng kế tiếp, bằng cách khiến chúng ta tê liệt trong những sai lầm và nỗi thất vọng của mình. Làm thế nào để duy trì hy vọng sau một quyết định sai lầm hay một thất bại trong công việc? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sự lạc quan, niềm hy vọng và sự kiên cường khi đối mặt với thất bại.

Tinh thần lạc quan, niềm hy vọng và sức bật tinh thần

Những khả năng này đều có ý nghĩa tích cực đồng thời mang giả định cơ bản rằng cả sự lạc quan lẫn sức bật tinh thần đều có tác động lớn và tốt đẹp đến năng suất và thái độ làm việc của nhà lãnh đạo, quản lý hoặc nhân viên. Sự lạc quan giúp một cá nhân diễn giải các sự kiện theo hướng tích cực thay vì tiêu cực. Điều này không chỉ đúng với những thất bại trong công việc và biến cố trong đời sống cá nhân, mà còn đúng với các sự kiện và tình huống bên ngoài. Vì vậy, thay vì dồn nén mọi thứ vào trong và tự trách mình, những cá nhân lạc quan sẽ lý giải các khó khăn theo bối cảnh tình huống mà họ gặp phải. Đây là mô hình tâm lý tích cực được phổ biến rộng rãi bởi Martin Seligman. Nhà tâm lý học này đã giới thiệu khái niệm bất lực tập nhiễm (chúng ta sẽ bàn về khái niệm này ở các chương sau) và tác động của tâm lý tích cực đến trạng thái vui khỏe. Sản phẩm phụ của thái độ lạc quan này là cảm giác không tội lỗi, thứ mà chúng ta vui vẻ đón nhận. Sự lạc quan này thể hiện như thế nào ở nơi làm việc? Hãy xem ví dụ về một người quản lý bị yêu cầu chuyển sang một bộ phận khác:

Một người quản lý bất ngờ bị điều sang bộ phận khác. Thay vì nghi ngờ năng lực của mình ở vị trí hiện tại, người này xem xét các yếu tố khách quan – chẳng hạn như bộ phận hiện tại đang thừa nhân lực, nền kinh tế đang lao đao, anh được xem là người linh hoạt và có thể thích nghi với sự thay đổi. Anh diễn giải tình hình theo hướng tích cực: chắc hẳn công ty cần người thật sự tài giỏi, và đó là lý do họ chuyển anh sang bộ phận kia. Sự thay đổi này là một cơ hội, mở ra tiềm năng thay đổi và phát triển xa hơn nữa. Người quản lý này có khả năng bật dậy từ một sự phân công công việc mà bản thân anh không mong muốn, và anh tận dụng nó như cơ hội để phát triển, tạo dựng mối quan hệ và học hỏi.

Cũng trong tình huống này nhưng có người sẽ cho rằng mình bị bỏ rơi, bị cho ra rìa, bị xem thường. Tất cả những cảm giác này là nền tảng tiêu cực cho trải nghiệm thuyên chuyển công tác mà người này nhận được. Sự lạc quan giúp chúng ta có cơ hội tốt nhất để đón nhận sự thay đổi tích cực.

Niềm hy vọng lại đem đến một góc nhìn khác, đó là sự nhen nhóm quyết tâm và ý chí hướng tới thành công ngay cả khi gặp thử thách và trở ngại. Quá trình hy vọng giúp các cá nhân coi khó khăn hoặc rắc rối là cơ hội để học hỏi, hoặc là một thử thách mới. Sự hy vọng chú trọng vào khả năng tự định hướng.

Tuy nhiên, sự hy vọng và lạc quan khác với sự kiên cường, hay sức bật tinh thần. Việc hướng đến tương lai với niềm hy vọng và sự lạc quan cho phép chúng ta xem xét các tình huống, nguyên nhân khả thi, các mối đe dọa và cơ hội với một kế hoạch tích cực. Sự kiên cường là điều thiết yếu khi kế hoạch tích cực đó thất bại – khi có sự thay đổi, thiếu chắc chắn và chúng ta cần có sự linh hoạt, thích ứng hoặc cải biến. Sức bật tinh thần không dừng lại ở sự thành bại của một dự án hay hoạt động nhất định mà nó tìm kiếm ý nghĩa bất chấp khó khăn, trong những tình huống không dễ dàng lý giải hay dự kiến.

Những người có sức bật tinh thần nhận thức được sự cần thiết của việc vừa chủ động chuẩn bị (với niềm hy vọng và sự lạc quan) vừa thực hiện các biện pháp nhất định để ứng phó với khó khăn và trở ngại. Sức bật tinh thần giúp những cá nhân này nhận ra rằng sự thất bại, những biến cố lớn, dù tích cực hay tiêu cực, có thể hủy hoại cả những người vui vẻ và lạc quan nhất. Trong công việc, mọi người cần phục hồi từ những biến cố và tổn thương – họ cần bật dậy. Trong trường hợp này, thất bại có thể là bàn đạp cho sự phát triển.

Người kiên cường biết rằng việc này không thể được thực hiện một cách nhanh chóng và dễ dàng. Ai cũng hiểu rằng người bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm trên sẽ cần thời gian và năng lượng để phục hồi và bật dậy, để trở lại vạch xuất phát mà từ đó họ có thể tiếp tục tiến lên. Ở góc độ này, sức bật tinh thần có thể mang lại một giá trị tích cực độc đáo cho những tình huống và rủi ro mà nếu không có khả năng này, người ta có thể xem những tình huống đó là cực kỳ tiêu cực.

Không chỉ doanh nhân mới thất bại

Mọi người thường nói về những thất bại liên quan đến hoạt động kinh doanh. Nhưng tất nhiên chúng ta có thể mạo hiểm, đi những con đường mới và thử những cách làm việc khác mà không cần phải mở một công ty. Chúng ta có thể đơn giản là bị thôi thúc bởi mong muốn tự cải thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng hoặc phản ứng với sự thay đổi liên tục của nhu cầu thị trường hay công nghệ. Tuy nhiên, khi đã đầu tư tất cả – tài chính, sức lực và tâm trí – vào một mục tiêu mới, chúng ta sẽ rất khó chấp nhận thất bại, đặc biệt khi chúng ta vẫn dồn nhiều cảm xúc và niềm tin vào triển vọng của nó.

Một số nhà tư tưởng, nhà văn, doanh nhân thành công nhất coi thất bại là cơ hội để tự do thử mọi thứ một lần nữa – để tiếp tục, điều chỉnh và tái phát triển. Thomas Edison từng tuyên bố: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách không hiệu quả”. Có thể bạn sẽ cảm thấy xấu hổ. Có thể bạn sẽ thất vọng và bị tổn thất tài chính. Nhưng bạn cũng có sự tự do và cơ hội để bắt đầu lại theo một cách mới.

Dần dần, chúng ta bắt đầu ca ngợi những người dám mạo hiểm. Không phải những người khinh suất bỏ mặc con người và hoạt động kinh doanh, mà là những người tỉnh táo nhận ra đây là lúc dừng lại, xem xét những bài học kinh nghiệm có được, từ bỏ con đường cũ để tiến lên cùng vốn hiểu biết sâu sắc hơn, đồng thời nhận ra rằng sẽ còn những cơ hội khác cho họ theo đuổi.

Nếu chưa từng thất bại trong sự nghiệp, kinh doanh hay cuộc sống cá nhân, chúng ta có thể chỉ có được những trải nghiệm một chiều, thậm chí là những trải nghiệm nhạt nhẽo. Nếu không thử thì chúng ta sẽ không biết cái gì là hiệu quả, do đó chúng ta cần phát triển lối tư duy giúp chúng ta biết rằng mình có thể cố gắng hoàn thành mục tiêu, và nếu nỗ lực đó không thành công và chúng ta thất bại thì chúng ta có thể thử lại lần nữa… Thất bại nhanh chóng đồng nghĩa với học hỏi nhanh chóng.

Nếu may mắn được làm việc trong một môi trường khuyến khích sự mạo hiểm, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều điều. Không phải ai cũng phản ứng với thất bại của chúng ta theo cách khích lệ và động viên – một số người sẽ thất vọng và giận dữ. Chúng ta cần học cách chấp nhận những người thấu hiểu cũng như những người nổi giận, để có thể hiểu rõ khả năng vực dậy tinh thần và làm lại từ đầu của chính mình, để rút kinh nghiệm từ thất bại và áp dụng kinh nghiệm đó vào lần mạo hiểm tiếp theo.

Lấy ví dụ về một giám đốc điều hành đang nỗ lực vươn lên vị trí lãnh đạo cao hơn tại một nhà xuất bản hàng đầu. Cô kể về một lần mạo hiểm không mang lại kết quả như ý trong con đường sự nghiệp của mình, nhưng cô không hối hận với lựa chọn đó, vì nó đã đem đến cho cô một cơ hội học hỏi tuyệt vời. Vị giám đốc giỏi giang và đầy tham vọng này đã đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở một lĩnh vực mới, trong vai trò là biên tập viên tạp chí, và cô chợt nhận ra mình đang dấn thân vào một môi trường hoàn toàn xa lạ với thời gian biểu mới, những ưu tiên mới và các giá trị mới. Cô kể lại sự vất vả trong sáu tháng đầu tiên khi bắt đầu công việc mới, và khi vừa bắt đầu quen với công việc thì cô lại bị sa thải – đây là một việc vừa khiến cô cảm thấy bẽ mặt vừa cảm thấy như được giải thoát. Thất bại này đã cho cô biết mình thật sự muốn gì trong công việc, mình muốn làm việc trong môi trường nào và giá trị nào là quan trọng nhất. Cô cho rằng học hỏi từ thất bại là rất quan trọng: “Bạn cần đi đến cùng và rút kinh nghiệm từ những việc không suôn sẻ”.

Nguồn: https://ebookvie.com