Murakami Haruki sinh năm 1949 tại Kyoto và hiện đang sống ở Boston, Mỹ, là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, hơn một phần tư thế kỷ hoạt động và viết lách, tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 38 thứ tiếng trên thế giới, đồng thời trong nước ông là người luôn tồn tại ở tiền cảnh sân khấu văn học Nhật Bản. Murakami đã trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mĩ danh “nhà văn được yêu thích”, “nhà văn best-seller”, “nhà văn của giới trẻ”*** Tập truyện ngắn Sau Cơn Động Đất này gồm có: Ngày Đẹp Trời Để Xem Kangaroo Sau Cơn Động Đất Đom Đóm – Haruki Bóng Ma Ở Lexington *** Trong chuồng có bốn con Kangaroo 1. Một con đực, hai con cái, và một con mới sinh. Trước chuồng kangaroo thì chỉ có hai vợ chồng tôi chứ chẳng có ai khác. Nguyên là một vườn thú không nổi tiếng mấy, mà lại nhằm sáng thứ Hai nữa. Số thú vật lớn hơn số người đi xem quá nhiều. Tất nhiên là vợ chồng tôi nhắm đến chuyện xem bé Kangaroo mới sinh. Ngoài ra, không nghĩ ra được một con vật nào khác cần xem cả. Vợ chồng tôi từ một tháng trước đã đọc trên báo mà biết có bé kangaroo mới sinh. Rồi trong suốt tháng nay, chỉ chờ đến một buổi sáng thích hợp để đi xem bé kangaroo mới sinh ấy. Thế mà, buổi sáng thích hợp như thế lại khó đến quá. Có buổi sáng mưa suốt buổi. Sáng hôm sau lại cũng mưa. Rồi sáng sau nữa thì đất còn ướt quá, mà hai ngày tiếp theo lại nổi cơn gió chướng. Có buổi sáng răng sâu của vợ tôi đau nhức, có buổi sáng cô ấy phải đến Sở hành chính Phường. Cứ thế một tháng trôi qua đi mất. Nói một tháng thì nghe có vẻ lâu, nhưng thật sự trôi qua nhanh như chớp mắt. Trong vòng một tháng nay, mình đã làm được gì, tôi hoàn toàn không nhớ. Có cảm giác như mình đã làm đủ thứ chuyện, nhưng cũng có cảm giác như mình đã chẳng làm chuyện gì cả. Nếu không có người thu tiền đến lấy tiền mua báo, thì ngay cả chuyện một tháng đã trôi qua rồi, tôi cũng chẳng để ý nữa. Nhưng dù thế nào đi nữa, buổi sáng thích hợp để đi xem bé kangaroo mới sinh đã đến. Sáng 6 giờ, vợ chồng tôi thức giấc, mở màn cửa sổ ra thì xác nhận được tức thì hôm ấy là ngày đẹp trời để xem kangaroo. Chúng tôi rửa mặt, ăn sáng xong, cho con mèo ăn, giặt giũ, rồi đội mũ che nắng, ra đi. – “Anh này, không biết bé Kangaroo mới sinh còn sống không nhỉ?”. Nàng hỏi tôi trong tàu điện. – “Anh nghĩ là con sống. Chứ có thấy báo đăng nó chết đâu”. – “Nhưng có khi bé ấy phải vào bệnh viện nữa chứ”. – “Nếu thế thì cũng có báo đăng.” – “Hỗn loạn thần kinh mà trốn miết vào trong góc chuồng thì sao?.” – “Bé con mới sinh mà” – “Anh này! Em nói mẹ bé đấy chứ. Mang bé vào trốn miết trong góc tối không chừng” Tôi thấy nể các cô, quả thật họ nghĩ ra được đủ thứ chuyện có thể xảy ra. – “Em lo nếu mình lỡ mất dịp này thì sẽ không còn cơ hội nào để xem bé Kangaroo mới sinh nữa đấy” – “Biết có thật thế không” – “Chứ anh xem được bé Kangaroo mới sinh chưa?” – “Chưa lần nào” – “Anh có tự tin rằng từ đây về sau còn có dịp xem bé kangaroo mới sinh không nào?” – “Sao nhỉ. Anh chẳng biết”. – ” Chính vì thế em mới lo đấy chứ”. – “Nhưng mà này”, tôi cãi, “quả thật điều em nói có thể đúng, thế nhưng anh chưa bao giờ thấy loài hươu sinh con, mà cá voi lội cũng chưa hề thấy. Vậy thì tại sao lại chỉ phải đặt vấn đề xem bé kangaroo mới sinh mà thôi?” – “Thì bởi vì là bé kangaroo mới sinh mà”. Cô ấy nói. Tôi đành chịu thua, giở báo ra xem. Từ trước đến nay, cãi nhau với các cô thì chưa bao giờ tôi thắng cả. Bé kangaroo mới sinh dĩ nhiên là còn sống. Cậu ( hay côbé trông to hơn trong ảnh trên báo nhiều. Đang chạy nhảy khỏe mạnh trên mặt đất. Gọi là một con kangaroo nhỏ thì đúng hơn là bé Kangaroo mới sinh. Sự thật này làm nàng thất vọng đôi phần. – “Có vẻ không còn là bé kangaroo mới sinh nữa nhỉ” Tôi an ủi “Thì cũng vẫn là bé kangaroo mới sinh đấy chứ”. – “Đáng lẽ mình phải đến xem từ trước, tiếc thật”. Tôi đến quán hàng mua kem sô-cô-la cho cả hai. Lúc trở lại, nàng vẫn còn tựa người vào lưới chuồng, ngắm mê mải con kangaroo. – “Chẳng còn là bé kangaroo mới sinh nữa rồi”. Nàng lặp lại.