Cuốn sách “Quyền Lực Và Tác Động” của HBR Press là một nguồn tài liệu quý giá về cách hiểu và sử dụng quyền lực trong lãnh đạo. Tác giả tập trung vào ba yếu tố chính: sự đồng cảm, lòng biết ơn và sự rộng lượng.
Cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức về quyền lực mà còn tập trung vào cách áp dụng nó trong các môi trường lãnh đạo khác nhau, đặc biệt là trong những tình huống khó khăn và áp lực. Tác giả sử dụng các ví dụ và kinh nghiệm thực tiễn để minh họa và đưa ra các phương pháp thực hành để duy trì và tối ưu hóa khả năng lãnh đạo.
Một số trích đoạn hay trong sách
—
Khi thực hiện một nghiên cứu kéo dài 20 năm về hành vi, tôi đã phát hiện ra một mô-típ đáng lo ngại: Mặc dù mọi người thường giành được quyền lực nhờ những phẩm chất và hành động giúp thúc đẩy lợi ích của người khác, chẳng hạn như sự đồng cảm, tinh thần cộng tác, cởi mở, công bằng và sẻ chia, tuy nhiên, khi họ bắt đầu cảm nhận được quyền lực hay được hưởng một vị trí đặc quyền thì những phẩm chất đó bắt đầu phai nhạt. Những người sở hữu quyền lực thường dễ có hành vi thô lỗ, ích kỷ và phi đạo đức hơn so với những người khác. Nhà sử học, chính trị gia nổi tiếng của thế kỷ XIX, Huân tước Acton đã làm sáng tỏ mô-típ này: Quyền lực thực sự khiến con người tha hóa.
Tôi gọi hiện tượng này là “nghịch lý quyền lực” và đã tiến hành nghiên cứu nó trong rất nhiều bối cảnh khác nhau như các trường đại học, Thượng viện Mỹ, những đội thể thao chuyên nghiệp và các bộ phận công việc chuyên môn. Trong mỗi bối cảnh, tôi đều thấy rằng mọi người thăng tiến nhờ vào những phẩm chất tốt đẹp của bản thân, tuy nhiên những phẩm chất đó lại ngày càng trở nên tồi tệ sau mỗi nấc thang phát triển của sự nghiệp. Sự thay đổi này xảy ra nhanh chóng đến mức đáng kinh ngạc. Trong một thí nghiệm của tôi (còn được biết đến là “quái vật bánh quy”), tôi chia mọi người thành từng nhóm ba người rồi đưa vào phòng thí nghiệm, chỉ định ngẫu nhiên một người vào vị trí lãnh đạo, sau đó giao cho họ nhiệm vụ viết lách cho cả nhóm. Sau nửa giờ làm việc, tôi đặt một đĩa bánh quy mới nướng trước mặt mọi người – đủ cho mỗi thành viên trong nhóm có được một chiếc và thừa ra một chiếc khác. Trong tất cả các nhóm, mỗi người đều lấy một chiếc bánh quy và để lại chiếc còn thừa vì phép lịch sự. Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ “xử” nốt chiếc bánh thứ hai dù biết rằng điều đó sẽ tước đi cơ hội tương tự của những người khác? Câu trả lời: hầu như luôn là người lãnh đạo. Không chỉ vậy, họ còn có xu hướng nhai nhồm nhoàm đầy ngon lành và để mặc những mảnh vụn rơi xuống quần áo.
Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng giàu có và bằng cấp cũng có thể tạo ra những tác động tương tự. Trong một thí nghiệm khác, Paul Piff của Đại học California và tôi đi đến kết luận rằng, những người điều khiển phương tiện rẻ tiền – như Dodge Colts, Plymouth Satellites – luôn nhường quyền ưu tiên cho người đi bộ mỗi khi đi qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, trong khi những người lái những chiếc ô tô sang trọng như BMW và Mercedes chỉ thực hiện điều đó trong 54% thời gian; gần một nửa thời gian còn lại họ luôn phớt lờ người đi bộ và luật giao thông. Một số cuộc khảo sát ở 27 quốc gia cho thấy những người giàu có nhiều khả năng cho rằng các hành vi phi đạo đức như nhận hối lộ hoặc gian lận thuế là “có thể chấp nhận được”. Và nghiên cứu gần đây do Danny Miller tại HEC Montreal dẫn dắt đã chứng minh rằng các CEO sở hữu bằng MBA thường có khả năng cao hơn trong việc thực hiện các hành vi vụ lợi như dùng mánh lới để tăng lương thưởng cá nhân nhưng lại khiến giá trị công ty giảm sút so với những CEO không có bằng MBA.
Phát hiện này cho thấy những hành vi lạm dụng quyền lực mang tính biểu tượng – hoạt động kế toán gian lận của Jeffrey Skilling tại Enron, tiền thưởng bất hợp pháp của Dennis Kozlowski – CEO của Tyco, các bữa tiệc ăn chơi khét tiếng của Silvio Berlusconi, hành vi trốn thuế của Leona Helmsley… là những ví dụ điển hình trong số các loại hành vi sai trái mà tất cả những nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ đều dễ mắc phải. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng những người nắm giữ các vị trí quyền lực trong công ty thực hiện những hành vi như chơi xấu đồng nghiệp, làm việc riêng trong các cuộc họp, phát biểu và nói những điều xúc phạm tại văn phòng cao hơn gấp ba lần so với những người ở vị trí thấp hơn. Bên cạnh đó, nghiên cứu của tôi cũng như của nhiều nhà khoa học khác đều cho thấy rằng những người mới được chuyển lên các vị trí cao hơn sẽ rất dễ tha hóa, biến chất.
Hậu quả gây ra có thể vô cùng lớn. Lạm dụng quyền lực sẽ làm hoen ố danh tiếng của các nhà lãnh đạo và dần hủy hoại cơ hội xây dựng tầm ảnh hưởng của họ. Nó cũng gây ra sự căng thẳng và lo lắng giữa các đồng nghiệp, khiến tính kỷ luật và sáng tạo trong nhóm bị giảm sút, đồng thời làm suy yếu tính gắn kết cũng như hiệu suất giữa các thành viên. Trong một cuộc thăm dò gần đây với sự tham gia của 800 quản lý và nhân viên thuộc 17 ngành công nghiệp khác nhau, khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ bị đối xử thô lỗ tại nơi làm việc, sau đó họ đã cố tình giảm bớt nỗ lực hoặc chất lượng công việc để đáp trả điều đó.
Vậy làm thế nào để bạn không rơi vào nghịch lý quyền lực? Câu trả lời là hãy thông qua nhận thức và hành động.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Quyền Lực và Tác Động thuộc seri Trí Tuệ Cảm Xúc của HBR
Lưu ý: Sách tuy định dạng PDF nhưng đã được chỉnh sửa để đọc trên tất cả các thiết bị Kindle, Kobo, Boox… Nói chung máy đọc sách nào cũng chạy ngon nhé