Trong tập tuỳ bút này, Tràng Thiên bàn về đủ chuyện của nước Việt: từ chiếc áo dài, cho đến những món ăn, rồi những tập tục, tiếng nói, ngôn ngữ, v.v.. Dù bàn luận về chuyện gì, thì trong đó luôn hàm chứa một nỗi niềm trăn trở, khắc khoải với quê hương. *** Nhã khúc quê hương Đọc Quê Hương Tôi của Tràng Thiên (Võ Phiến, tôi chợt nghĩ tới ca từ trong bài hát Mái Đình Làng Biển: “Gửi vào đây vào đây vui buồn người Việt Gửi vào đây vào đây tâm hồn người Việt…., Ơi nước non ân tình Hồn Việt Nam như thế Hơ … thuở bình minh” Có lẽ “Quê hương tôi” (QHTchính là vậy! Và trước mắt tôi hiển hiện hình dáng cụ Võ Phiến đang so dây chiếc đàn bầu, gảy từng tiếng lòng của đất nước, giữa một khán phòng nhạc giao hưởng phương Tây. Tiếng đàn dân tộc độc đáo chợt như lạ lẫm, và bỡ ngỡ trước những đổi thay của xã hội trong thời đại mới… đàn đôi lúc ngân nga cung đúng của dân ca miền Bắc, lúc là cung oán của dân ca miền Nam, rồi lại chuyển sang cung ai trong dân ca Thừa Thiên – Quảng Trị. Đọc QHT để cảm nhận tình yêu đất nước tha thiết của một người Việt đã sống hơn nửa đời người, nhìn đất nước thay da đổi thịt theo vòng quay của thời cuộc, mà hoài niệm, mà lo lắng; đó có lẽ cũng là tâm trạng chung của một thế hệ cha ông chúng ta trước sự du nhập của một trào lưu mới, đang làm thay đổi phần nào cách sống, cách nghĩ của dân tộc mình, đất nước mình. Với tôi, QHT như một điệu lý dân dã, ngọt ngào nhiều luyến láy, trúc trắc, lại gần gũi thân thương. Điệu hò ấy sẽ dẫn ta đi suốt chiều dài đất nước, từ Bắc, lên Thượng du, xuôi dọc Trung, vào tới Nam. Thủ thỉ cho ta nghe đặc điểm của từng vùng miền, từ giọng Huế dịu dàng, đến vẻ bình thản của người Huế, chững chạc mà khuôn phép…Từ cuộc di dân Nam tiến của người Bình Định, làm thay đổi cả giọng nói, cách nói… Từ nhận xét rằng trong huyết quản của mỗi người dân Quảng hình như đều có tí máu “chính trị luân lưu”… đến cái tính cách “rụp rụp” mau mắn của dân miền Nam, với cái tiếng” rồi” tiếng “luôn” rất đặc trưng điển hình. Từ câu lục bát ru con của dân tộc Chàm, đến hình ảnh cô giáo người Thượng ngày ngày điệu con lên lớp; giải nghĩa cho ta biết xuất xứ của tên gọi nhiều địa danh, nghe quen đọc hoài mà giờ mới hiểu như Đà Nẵng, Hội An, kinh Vĩnh Tế… Đàn cũng réo rắt tỉ tê với tôi về chiếc áo dài dân tộc, như tự hào về nét đẹp truyền thống, tuy kín đáo mà lại gợi mở nhẹ nhàng thướt tha đón gió. Và chiếc áo dài quốc phục này hầu như chỉ dành riêng nhất cho dáng vẻ dịu dàng của phụ nữ Việt Nam. Và trong giai điệu trầm bổng lao xao cả tiếng rao hàng nơi góc chợ: “Hai tay xách hai vịm, Một vài mụ le te, Tiếng non rao lảnh lót: Chốc chốc: ‘Ai ăn chè’?” Quê hương có chè Huế tế nhị, thanh tao, có món bún bò Huế cay cay dậy mùi quyến rũ, hay với bát nước chè Huế ngon lành được nấu tỉ mỉ, công phu, bát chè phải thật nhiều bọt, đầy bọt, bọt hầu như phủ kín mặt nước, thứ bọt dẻo quánh lại, và nhỏ hạt, uống một bát là uống cả niềm sảng khoái dân dã, thâm tình. Món ngon rải đều khắp mọi miền đất nước, những món ăn gắn với lịch sử nước nhà như bánh tráng của Bình Định, có món là đặc thù của vùng miền như nước mắm Phan Thiết, sa-kê và mắm của miền Nam. Đâu chịu dừng ở món ăn, Võ Phiến còn vẽ những bức tranh rất thơ với cây liễu, cây nhãn lồng ở Huế, hoa dầu bay bay Sài Thành, sắc anh đào hồng thắm Đà Lạt, cây bàng đất Vũng Tàu… hay phượng đỏ rực trời Đà Nẵng. Nhưng điệu xàng xê của QHT không chỉ là giọng kể, mà tràn đầy nỗi niềm lo lắng trước sự đổi thay, lo về những tập tục truyền thống như cúng giỗ, thờ tổ tiên bị xem nhẹ, lo về cái thú hưởng nhàn tao nhã của tiền nhân sắp bị thay thế, về cái tình trong đối nhân xử thế rồi sẽ bị cái lý soán ngôi. Cả nỗi lo về vốn từ ngữ của dân tộc không phong phú, không phát triển như Tàu, như Tây. Nhẩn nha đọc lại Võ Phiến mới thấy câu ca dao xưa thật hay: “Yêu nhau trái ấu cũng tròn Ghét nhau bồ hòn cũng méo” Trái ấu trong QHT nằm trong hai tập tính của dân mình: chửi (chửi tụcvà không cười. Kiểu nào thì Võ Phiến vẫn cứ “đáng yêu” và lập luận thật lý lẽ, nghe xong chỉ có thể mỉm cười xoa tay hài lòng. Điệu hò QHT khi kết thúc vẫn còn âm vang trong tôi tiếng chim én “những cánh én lao tới lao lui, rộn cả lên,” nó ríu rít, “nó cuống quýt, nôn nao, rộn rực một niềm vui không chịu được, niềm vui rung lên trong tiếng kêu.” Cùng với đó là hình ảnh “ở chân trời, vài đám khói ùn lên, chậm chạp, tỏa cao và rộng. Khói đốt cỏ: Nông dân phát cỏ, dồn lại đốt, để chuẩn bị làm mùa. Chao ơi, những đám khói đốt cỏ ở chân trời trong nắng trưa, sao mà xúc động, cảm hoài.” Chao ôi! Tiện tay phóng bút sao hay đến vậy? Bằng lối hành văn bình dị mà giàu cảm xúc, êm như thơ mà hóm hỉnh, trào lộng, thêm chút châm biếm tê người, Võ Phiến đã tấu lên một nhã khúc mang bóng hình Đất – Nước – Tâm – Hồn người Việt chúng ta. Lichan – Happiness Project