Lịch sử phát triển của các xã hội là lịch sử của sự kế thừa, trong đó bất cứ xã hội mới nào cũng “gạn lọc”, dung chấp và tiếp biến những tinh hoa, thành tựu của các xã hội trước đó. Điều này cũng có nghĩa, con người không thể sáng tạo ra lịch sử, mà thoát ly khỏi các quan hệ xã hội, các điều kiện và tiền đề của tồn tại xã hội. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Thực tiễn việc tiến hành xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước hiện nay đòi hỏi phải “ôn cố, tri tân”, ôn xưa để biết nay, thậm chí không chỉ cần biết lịch sử của dân tộc mình mà còn của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tìm hiểu “cội nguồn”, xét tới cùng không gì khác hơn là để góp phần làm sống lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, thể hiện truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ ngày nay. Đồng thời, nó có ý nghĩa sâu sắc đối với quá trình xây dựng nền văn hóa mới mà Đảng ta đã khẳng định, đó là nền văn hóa mới vừa kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc, vừa tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn hóa, văn minh của nhân loại.
Hơn nữa, việc nghiên cứu lịch sử, đánh giá đúng đắn, vận dụng, kế thừa và phát huy những tinh hoa trong đó có tư tưởng của các danh nhân văn hóa là việc làm hết sức cần thiết nhằm khơi dậy truyền thống dân tộc, làm sống lại các giá trị mang tính thời đại để phục vụ thiết thực cho quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới kinh tế – xã hội, văn hóa – tư tưởng cũng như trên mọi lĩnh vực.
Lê Thánh Tông là vị hoàng đế “anh minh, quyết đoán”, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà cải cách, nhà văn hóa, nhà thơ lớn, gắn liền với một thời đại hoàng kim của quốc gia Đại Việt – là 38 năm “Triệu dân vỗ yên, trăm việc chấn chỉnh; văn giáo rộng ban, vũ công đại định”. Điểm nổi bật, bao trùm toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Lê Thánh Tông chính là tinh thần xả thân vì lý tưởng xây dựng một xã hội “thái bình, thịnh trị”, một quốc gia văn minh và hùng cường.
Nhằm góp phần cung cấp tài liệu tham khảo cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách nói riêng, bạn đọc nói chung quan tâm đến vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Quan điểm vượt thời đại trong tư tưởng “trị nước, an dân” của Lê Thánh Tông – Giá trị kế thừa cho công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay do TS. Trần Việt Hà và TS. Trịnh Văn Toàn làm đồng chủ biên. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những giá trị sâu sắc về tư tưởng “trị nước, an dân” của Lê Thánh Tông, đồng thời, thông qua những bài học thành công của Lê Thánh Tông trong hơn nửa thiên niên kỷ trước để có những gợi mở, tham góp vào công cuộc cải cách hành chính, phát triển kinh tế, văn hóa – giáo dục và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Những nội dung được tác giả đề cập trong cuốn sách là những vấn đề mang tính lịch sử sâu sắc, có nhiều cách tiếp cận và đánh giá khác nhau, vì vậy, cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót nhất định. Nhà xuất bản và tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 3 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com