Tác giả: Henri Vernes NXB: Trẻ 1988
Tác phẩm:
***
Mặt trời ngả bóng trên thành phố Calcutta, biến đổi dòng sông Hoogly, một trong hàng trăm phụ lưu của sông Hằng linh thiêng, thành một dòng thác khổng lồ của chất lưu huỳnh nóng chảy, điểm xuyết đây đó vài chiếc buồm đen của những ghe thuyền chở nông dân từ những cánh đồng xa trở về. Chỉ mặc quần soóc, áo may-ô, nằm dài trên bao lơn trước cửa phòng mình ở khách sạn Thanh Xà, Bob Morane lặng ngắm thành phố. Thành phố Calcutta này, chữ Ấn Độ gọi là Kâli Ghât – thành phố Kâli – lấy tên của nữ thần Kâli, chủ sự Phá hoại và Chết chóc, có năm triệu dân, bày ra cảnh nghèo khổ nheo nhóc với hàng ngàn con bò thần gieo rắc bệnh dịch. Ở thành phố lớn này bệnh dịch tả hoành hành, là nơi mà Đông phương và Tây phương chung góp những điều xấu; một bên là dịch tễ và đói khát, bên kia là thất nghiệp và sa đọa tinh thần.
Từ chỗ nằm, không cần đứng lên khỏi chiếc ghế dài, Morane nhìn những đốm lửa thắp lên trong những khu phố đông dân cư. Và rộng ra tất cả miền đồng bằng sông Hằng rực sáng dưới mặt trời sắp lặn… Một cảnh tượng khó quên, vượt cả óc tưởng tượng của con người, có hình dáng như một tấm vải khổng lồ sẵn sàng chìm vào bóng tối bất cứ lúc nào.
Bob đã tới Calcutta được bốn ngày. Tờ tuần báo “Phản Ánh”, một tờ tuần báo lớn của Pháp đang đăng một loạt phóng sự về các con sông lớn trên thế giới, đã giao cho Bob thiên phóng sự về sông Hằng. Morane, trước nay chỉ ghé Ấn Độ trong những khoảng thời gian ngắn ngủi, đã sốt sắng nhận ngay sự ủy thác đó. Trong bốn ngày vừa qua, chàng đã thăm viếng Calcutta, sau đó sẽ đi khắp miền đồng bằng, rồi sẽ tới Bénarès, Thành phố Thánh, để lên tận vùng xa xôi thượng lưu sông Hằng, sát ranh giới dãy núi Hy Ma.
Tối hôm đó, Bob quyết định phải nghỉ ngơi, cả buổi sáng và gần hết buổi chiều, chàng đi qua những khu đông dân, chụp từng bức ảnh và bị những nhóm hành khất gầy trơ xương liên lục nhào đến xin bố thí, chàng phải len lỏi giữa hàng trăm con bò gầy gò vô chù đi ngúng nga ngúng nguẩy, ruồi bám quanh mình. Những con bò này là những vật tổ thần, không ai được giết hoặc hành hạ, đã là gánh nặng cho Ấn Độ nói chung, và Calcutta nói riêng.
Morane ngả người trên ghế dài, ưỡn mình, hít không khí nóng bức của buổi hoàng hôn, chàng lùa những ngón tay mặt vào trong mớ tóc cứng. Sau một ngày vất vả, chàng cảm thấy khoan khoái được nằm dài; không suy nghĩ, không lo toan công việc, hưởng những lạc thú trong tầm tay. Việc đó cho chàng ý niệm về Niết Bàn, cõi hư vô cao cả và thánh thiện mà những người sùng bái đức Phật ao ước.
Đột nhiên, một giọng nói cất lên bên cạnh làm chàng người Pháp giật mình :
– Có thư cho ông Morane.
Bob quay đầu lại. Một người hầu Ấn Độ, quần áo trắng toát, trên trán vẽ thêm con mắt thứ ba của thần Siva, đứng ngay bên chiếc ghế dài, tay bưng chiếc khay đựng một lá thư. Bob nghĩ thầm: “Những người Ấn này di chuyển như những bóng ma. Anh chàng này dám cắt cổ mình mà mình cũng chưa kịp nhận ra nữa…”
Bob cầm lấy lá thư, người hầu rút lui, chàng vội xé phong bì, trong đó có một tờ giấy gấp tư. Chàng mở ra, và đọc:
“Thiếu tá Morane,
Cần gặp ông gấp. Nhận được thư này, hãy đến ngay nhà tôi, số 115 phố Baghavapur. Việc sinh tử.
Cecil Mainright”
Morane nhảy dựng. Chàng biết Cecil Mainright, tuy chưa hề gặp mặt ông ta. Ở Paris, giáo sư Aristide Clairembart, nhà khảo cổ học già bạn của Bob, biết chàng sang Ấn, có dặn rằng :
– Ông qua Calcutta thì hãy thay mặt tôi, lại thăm ông bạn đồng nghiệp của tôi là Cecil Mainright. Ông ta là người nhiệt tình theo Ấn Độ giáo, đã ở bên đó bốn chục năm, thuộc nằm lòng xử sở ấy, sẽ giúp đỡ ông được nhiều việc.
Vừa tới thủ đô của miền Bengale phương Đông, Bob đã bắt đầu liên lạc ngay với nhà bác học kia nhưng ông ta bận nhiều công việc, hẹn chàng mấy hôm nữa mới cho gặp. Theo hẹn thì ngày mai chàng mới phải tới nhà ông Mainright. Vậy tại sao lại có lá thư kỳ quái này, nhất là câu: “Việc sinh tử”. Mainright gặp nguy chăng? Nếu gặp nguy, sao ông ta không gọi đến cảnh sát, mà lại cầu cứu chàng, người mà ông ta chưa hề biết mặt?
Bob nhún vai. Tìm làm quái gì câu giải đáp cho những sự bí ẩn loại này? Cứ biết là chỉ lát nữa đây, chính miệng giáo sư Mainright sẽ nói cho hay là được rồi. Xưa nay có bao giờ Morane từ chối lời kêu gọi giúp đỡ của ai đâu? Bạn của ông Aristide Clairembart gặp nguy thì chàng phải tìm cách cứu thôi. Bởi thế chàng quyết định tới nhà ông Mainright ngay tối hôm đó. Vì biết số điện thoại của giáo sư Mainright chàng nhấc ống nói trong phòng mình, xin số bên kia. Đợi hơn một phút, chàng mới nghe tiếng nói của cô phụ trách điện thoại trong khách sạn :
– Rất tiếc, ông ạ. Số mà ông gọi đang kẹt.
Morane nhăn mặt, gác máy. Không thể liên lạc với giáo sư Mainright, chàng đành tới nhà ông ta. Mặc vội chiếc sơ-mi thể thao hở cổ, và chiếc quần len màu vàng mang đôi giày nhẹ, chàng định bước ra thì chợt nghĩ lại, đến lôi ở dưới gầm giường ra cái túi du lịch lớn, có dây kéo. Chàng rút trong một ngăn túi lấy ra một khẩu colt 38, ngắn nòng, dắt vào thắt lưng. Chiếc áo vét-tông che khuất khẩu súng. Chàng không có thói quen đi đâu cũng mang sùng kè kè, nhưng nhớ đến câu “Việc sinh tử” mà giáo sư Mainright viết trong thư, nên chàng nghĩ chẳng nên phó mặc cho sự may rủi trong một cuộc đụng độ.
Vài phút sau chàng rời khách sạn, vẫy một chiếc taxi. Chiếc xe ghé sát lề đường, và người tài xế, một anh chàng người Sikh to con có bộ râu đen, xuống xe mở cửa cho khách. Bob nhận ra anh kia mang ở thắt lưng một con dao quắm rất dài. Chỉ vào vũ khí đó, chàng người Pháp hỏi :
– Anh dùng thứ đó làm gì vây? Cắt cổ khách đi xe hả?
Toét miệng ra cười, để lộ hàm răng trắng, đẹp hơn những phím đàn dương cầm, người tài xế lắc đầu.
– Thưa ông, không. Munghal này không cắt cổ khách đi xe bao giờ… nếu khách trả tiền đàng hoàng. Dao này chỉ để cứa cổ Hồi hồi.
Nói rồi anh ta nhổ nước bọt, tỏ lòng khinh ghét. Morane mỉm cười :
– Rất may tôi không phải là người Hồi giáo.
Munghal lại cười :
– Thưa ông, vâng. Rất may… ông đi đâu, để tôi chở?
Bob Morane ngồi trong xe, nói :
– Số 115, đường Baghavapur!
Chiếc taxi chuyển bánh lao đi, qua những đường phố đông nghẹt giữa một rừng xe cam nhông, xe điện, xe tay xe đạp và những con bò đi lang thang. Những con bò này gây trở ngại cho cho sự lưu thông, bởi chúng chỉ nhích từng chút cho chiếc taxi lọt qua. Chúng sợ tiếng còi xe hơn là bản thân chiếc xe.
Đường Baghavapur là một con đường hoang vắng, nằm sát chân cầu Howrah, hai bên là những ngôi nhà cổ, kiểu xây cất thời nữ hoàng Victoria, bao bọc chung quanh là những khu vườn rộng, có rào sắt rất cao.
Chiếc taxi ngừng trước nhà số 115, Morane xuống xe. Chàng người Sikh hỏi :
– Tôi phải đợi ngài chăng?
Bob lắc đầu :
– Không, chắc tôi phải ở lại đây khá lâu.
Chàng trả tiền cuốc xe, còn biếu thêm tiền thưởng hậu hĩnh.
Chiếc taxi rồ máy. Bob còn lại một mình trên vỉa hè. Đêm đã xuống được một lúc, đường Bagharapur hoàn toàn chìm trong bóng tối. Đôi chỗ, vài bóng đèn điện tù mù soi xuống hàng cây phượng vĩ hoa đỏ thắm trong khung cảnh đen tối của ban đêm. Bob nhủ thầm: “Cái chỗ này chẳng có gì vui!” Thử lại cho chắc dạ khẩu súng lục dắt ở thắt tưng có thể rút ra dễ đàng, chàng tiến lại chỗ hàng rào sắt. Cánh cửa sắt hé mở làm chàng ngần ngừ. Chàng có cảm tưởng là đang rơi vào một ổ phục kích. Tuy nhiên chàng vẫn lách mình qua khoáng hẹp giữa hai cánh cửa, và tiến vào một lối đi rộng dẫn tới ngôi nhà mà một cửa sổ ở tầng trệt có ánh đèn rất sáng. Nhanh nhẹn, bằng bước chân đi đôi giày nhẹ, đế crếp, Morane lặng lẽ tiến lại gần ngôi nhà. Chàng tới bậc thềm thì có một bóng người từ phía trong hấp tấp bước ra. Đáng lẽ phải tránh sang một bên, Bob lại đứng chắn ngang đường, và hai người xô vào nhau rất mạnh, đồng thời có một vật trăng trắng lăn xuống lối đi. Người lạ mặt, hẳn là một người Ấn, vì bộ mặt đen của hắn không nổi lên trong bóng tối, cúi xuống để nhặt vật đánh rơi. Morane liền ngăn lại, chàng nói bằng tiếng Anh :
– Ê! Một phút đi, anh bạn! Chạy ẩu chạy tả như thế mà không xin lỗi, đâu có được.
Chàng vừa nói thế, người kia lầu bầu giận dữ, nhào lại bên chàng. Bob nhìn thấy một lưỡi dao găm lóe lên, vội lùi lại một bước. Lưỡi dao chệch qua cổ họng chàng vài phân, chàng vội dùng cườm tay chặt vào cánh tay đối thủ. Nhát chặt rất chính xác, người Ấn đành để mất vũ khí. Ngay lúc đó có tiếng chân tháo chạy, Bob nghĩ đối thủ tính bỏ trốn. Nhanh như chớp, chàng rút súng khỏi thắt lưng, hô to: “Ngừng lại, không ta bắn!”, nhưng người kia đã biến mất trong bóng tối.
Morane đứng lại một lúc, súng vẫn cầm tay, sẵn sàng nhả đạn nếu nghe có tiếng động nhỏ, nhưng kẻ gây hấn đã biến hẳn và vật rơi xuống từ đầu trận đấu vẫn nằm yên trên mặt đất. Bob nhặt lên, mới đầu chàng chưa nhận ra được đó là cái gì, vì nó được bọc kín trong một mảnh vải. Có thể là một chiếc khăn được buộc dầy chặt chẽ. Qua lần vải, Bob nắn bóp thấy một vật cứng, hình thù không đều đặn. Toàn bộ, dù vật ấy không lớn, nhưng rất nặng, Bob đoán chừng vật ấy bằng đá hay kim loại. Chàng nhún vai: “Đây hẳn là một báu vật mà thằng kia đánh cắp của ông giáo sư. Ta đem trả lại cho ông ta tất biết ngay đó là cái gì…” Leo lên những bậc thềm, Morane tới cửa thì thấy cảnh cửa mở toang dẫn vào một căn phòng vuông vắn bên trong sáng trưng. Cánh cửa thứ hai cũng mở, để lọt ra ngoài một vệt sáng dài. Bob đứng im, tay vẫn lăm lăm khẩu súng, tai lắng nghe nhưng cả gian nhà im ắng, hình như người nhà đã đi đâu cả.
– Giáo sư Mainright! Giáo sư Mainright!
Gọi liên tiếp hai lần, chàng chờ đợi, nhưng không có ai trả lời.
– Trong nhà có ai không?
Lại vẫn im lặng. Lần này, Morane cảm thấy lo lắng. Cái người cầm dao găm chạy trốn như một tên trộm, cùng ngôi nhà bỏ hoang mà phòng nào cũng sáng trưng đèn đối với chàng có vẻ bí ẩn. Các giác quan chàng đều hoạt động. Bob tiến vào căn phòng lớn, thăm dò để tìm xem có người nào chăng. Sau đó, hăng hái lên, Bob bước mau tới cánh cửa thứ hai đang hắt ra một luồng ánh sáng. Căn phòng hiện ra trước mắt Morane là một phòng làm việc rất rộng, chứa đầy những mẫu khảo cổ. Những hình chạm nổi gỡ ở những thạch động thiêng liêng, những bức tượng Phật cổ xưa qua thời gian đã nhẵn bóng
những mớ ngọc thạch màu xanh hoặc những mẫu phún thạch, những mảnh đồng quý cắt ra từng miếng. Trên trần nhà, một chiếc quạt máy quay chầm chậm, làm chuyển đi luồng không khí nặng nề và nóng bức của đêm miền nhiệt đới.
Tuy nhiên, tất cả những thứ đó chẳng khiến Bob chú tâm. Trái lại, chàng để ý ngay đến một người tóc hoa râm, một người Âu cúi gục trên chiếc bàn gỗ, đầu bất động quay về phía cửa. Không còn nghi ngờ gì nữa, Bob biết người đó là giáo sư Mainright, nhưng ông đã chết rồi.
Chàng người Pháp đứng lặng hồi lâu ở chỗ bậc thềm. Nghề nghiệp phiêu lưu của chàng đã nhiều lần đưa chàng tới những cảnh ngộ tương tự, nhưng sự hiện hữu của tử thi gây cho chàng nhiều ấn tượng. Ông Mainright, mới một thời gian ngắn trước đây kêu cứu với chàng mà bây giờ không còn sống nữa. Bob có cảm tưởng mình chịu phần nào trách nhiệm về cái chết này. Nếu chàng đến sớm hơn, hẳn là mọi chuyện êm xuôi. Nhưng làm sao chàng đến sớm hơn được. Vừa nhận lá thư của nhà bác học bất hạnh chàng đã chẳng rời khách sạn ngay đấy ư? Dần dần, Morane cũng lấy lại được bình tĩnh. Đi tới cuối căn phòng chàng đem cái vật chưa biết rõ vẫn bọc trong chiếc khăn đặt vào một góc bàn giấy. Sau đó chàng lại gần người chết, thấy dấu vết bị siết còn rành rành trên cổ nạn nhân, và gần ghế bành, chàng thấy một dải lụa rất dày thắt một nút thòng lọng. Hẳn là hung thù đã sử dụng nó để giết nạn nhân. Chàng đưa mắt nhìn khắp phòng: Không một cửa tủ nào bị nạy. Hình như trong nhà không bị mất mát thứ gì. Hoàn toàn không… trừ ra… Morane lấy lại cái gói chàng vừa đặt ở góc bàn, mở vội chiếc khăn và vật bí ẩn hiện ra, đó là một pho tượng nhỏ tráng men, cao cỡ chừng không hơn mười phân, mang hình dáng một người đàn bà đang đứng, bốn cánh tay đều duỗi ra một cánh tay cầm thanh gươm, một xách một thủ cấp, còn hai cánh tay khác thì xòe ra như ban phép, lòng bàn tay đỏ lòm. Dễ sợ nhất là khuôn mặt với đôi mắt cú vọ có những tia máu, cái miệng toác hoác, lưỡi thè lè giữa hàm răng nhọn hoắt. Hai mảnh xương nhỏ dùng làm hoa tai cho người đàn bà kỳ quái và một chuỗi sọ người vấy máu, lủng lẳng trước ngực. Ở hai cổ chân và bốn cổ tay, người đàn bà ấy mang những chiếc vòng ngọc thạch sáng rực, và quanh cổ đeo một đạo bùa.
Morane nghĩ thầm: “Nếu ta không lầm thì đây là bức tượng nữ thần Kâli, vị Hắc thần, vợ của thần Siva, và vì muốn cướp đoạt pho tượng mà kẻ kia đã giết vị giáo sư tội nghiệp này. Nhưng những vòng ngọc thạch và lá bùa thì ta thấy dường như là của già, và có thể cả bức tượng nữa…”
Lấy một con dao rọc giấy ở trên bàn, chàng cậy một mảnh men tráng ở gót chân pho tượng thì thấy hiện ra một thứ kim loại màu xam xám. Bob thì thầm :
– Chì! Thế mà kẻ gây hấn với ta hoài công đánh cắp pho tượng. Như vậy có thể không phải hắn đã giết ông Mainright đâu.
Đột nhiên, chàng giật mình, đôi mắt chàng, chăm chú nhìn dải lụa ở gần chỗ bàn giấy. Dải lụa gợi cho chàng một ý nghĩ. Chàng thì thầm :
– Vật này dùng để siết cổ ông Mainright. Nó với pho tượng thần Kâli phải có một liên hệ nào đó. Cá nhân ta, ta không thấy một liên hệ nào. Chuyện này, ta thấy có vẻ quái đản, không thể nào tưởng tượng được.
Chàng không khỏi rùng mình, đưa mắt nhìn quanh, tưởng như một quái vật khát máu khủng khiếp thình lình hiện ra. Nhưng không, chẳng có gì, chỉ có một mình chàng ở trong phòng với xác chết. Chẳng bao lâu sau, chàng làm chủ lại thần kinh của mình.
“Nếu ta không lầm thì đây chỉ là một vu giết người bình thường. Hung thủ đã vào đây, trong ngôi nhà có nhiều tiền bạc và bảo vật quý giá này, nhưng sau khi thắt cổ ông giáo sư bất hạnh Mainright, hắn đã lấy đi thứ gì? Một pho tượng tầm thường bằng chì tráng men…” Morane lại quan sát pho tượng Hắc thần, một lúc lâu sau khi xem xét kỹ lưỡng, mới nghĩ tiếp: “Phải. Đây là pho tượng của mụ già uống máu Kâli, có thể mở ra nhiều bất ngờ cho chúng ta. Tốt nhất là ta báo cảnh sát cái đã”. Chàng nhấc ống điện thoại đặt trên bàn giấy. Nhưng khi chàng đặt ống nghe vào tai thì không có tiếng gì cả. Chàng lẩm bẩm: “Ta quên đi mất! Máy kẹt mà! Dây điện bị cắt rồi! À, không có điện thoại, vẫn có cách kêu cảnh sát rất kiến hiệu: cách này đây…” Chàng lại gần một cửa sổ, mở ra, dang thẳng tay chĩa khẩu súng lên trời, bốp cò liền ba phát. Trong đêm tĩnh mịch, tiếng súng vang dội như sấm và chàng không thắc mắc gì về kết quả. Trong khu phố toàn những biệt thự, xưa nay thường lặng lẽ êm ả, chắc chắn một loạt đạn nổ sẽ mau chóng đánh động hàng xóm.
Tác phẩm:
Mời các bạn đón đọc Pho Tượng Thần Kâli của tác giả Henri Vernes.