Pháp luật dân sự là công cụ pháp lý hữu hiệu nhằm thúc đẩy giao lưu dân sự, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay, khi công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi pháp luật về dân sự phải kịp thời hoàn thiện, đặc biệt là trong việc xử lý các tranh chấp về dân sự giữa các cá nhân với cá nhân, giữa các cá nhân với tổ chức. Vấn đề này không chỉ là mối quan tâm của hệ thống cơ quan Tòa án, các cơ quan tư pháp nói chung mà còn của đông đảo người dân, các tổ chức kinh tế, xã hội đã, đang và sẽ tham gia vào các quan hệ giao dịch dân sự, mà trong rất nhiều trường hợp họ không thể tự giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình diễn ra giao dịch.
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp dân sự thường gặp nhiều khó khăn hơn các loại án khác bởi có những quy định của pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, có những quan hệ tranh chấp pháp luật chưa quy định, hoặc mới chỉ có luật khung, chưa có tính định lượng cụ thể. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, dân sự, tính ổn định của pháp luật không cao, chỉ trong một khoảng thời gian mà có những quy định pháp luật đã thay đổi căn bản, như pháp luật về đất đai. Trước đây, công dân có quyền sở hữu đất đai; đến năm 1980 đất đai thuộc sở hữu toàn dân, pháp luật không cho phép công dân cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất đai; từ sau năm 1992, việc cho thuê, chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất được pháp luật cho phép với những điều kiện nhất định….
Mặt khác, thời điểm diễn ra giao dịch, thời điểm tranh chấp, thời điểm giải quyết tranh chấp pháp luật được quy định rất khác nhau, nên việc vận dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp đó như thế nào cho hợp tình, hợp lý là một vấn đề không đơn giản, dễ dẫn đến sai lầm.
Để góp phần giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật, đồng thời giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng pháp luật được chính xác, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử của Luật sư, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam Tưởng Duy Lượng – nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Với vốn kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực dân sự, hơn nữa, lại là người có nhiều năm trực tiếp tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, tác giả đã đi sâu nghiên cứu, phân tích, bình luận những vụ án phức tạp, các bản án có những sai sót, vướng mắc điển hình. Từ đó đánh giá, tổng kết thực tiễn xét xử, đưa ra những kiến giải, đề xuất hướng xử lý với từng loại tranh chấp, gợi mở phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ; đồng thời, rút ra bài học thiết thực trong việc vận dụng pháp luật với mong muốn góp phần hoàn thiện pháp luật, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về pháp luật dân sự cho người dân, cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn đọc.
Cuốn sách này, năm 2008 đã được xuất bản lần đầu với tên: Xử lý các tranh chấp trong một số án dân sự. Năm 2009, cuốn sách được tái bản lần thứ nhất (có sửa chữa, bổ sung) với tên sách được thay đổi là: Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử nhằm thể hiện rõ hơn nội dung cuốn sách. Để hoàn thiện hơn nữa về nội dung, cũng như đề cập thêm một số thông tin mới của pháp luật về đường lối xử lý các tranh chấp trong giao dịch dân sự, đặc biệt là việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, thừa kế quyền sử dụng đất; tranh chấp quyền sử dụng đất có liên quan đến chính sách cải tạo của Nhà nước, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà…, đồng thời, đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tiếp tục tái bản lần thứ hai, thứ ba và thứ tư cuốn sách Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử với việc bổ sung thêm một số nội dung mới. Sau khi Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 01-01-2017, nhiều nội dung mới đã được sửa đổi, bổ sung, vì vậy, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ năm có sửa chữa, bổ sung cuốn sách Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử.
Trong lần tái bản này, tác giả đã chỉnh lý nhiều nội dung cho phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015, đồng thời bổ sung thêm các nội dung về giao dịch dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu, giao dịch có điều kiện, giải thích giao dịch, về bảo vệ người thứ ba ngay tình và thực tiễn giải quyết, về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, v.v..
Hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu của đông đảo bạn đọc, trước hết là các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên luật, các luật sư, các cán bộ thuộc hệ thống cơ quan Tòa án, các cơ quan tư pháp trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, tham khảo, áp dụng những kinh nghiệm thực tế vào quá trình xử lý tranh chấp các vụ việc dân sự; đồng thời, giúp người dân, các tổ chức có thêm vốn kiến thức về pháp luật trong quá trình tham gia các giao dịch dân sự để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 12 năm 2018
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com