Thực tiễn của đời sống giáo dục chứa đựng nhiều mẫu thuẫn. Quản lí giáo dục, quản lí nhà trường nhằm hoá giải các mâu thuẫn đó, đưa quá trình đào tạo, quá trình giáo dục tới chất lượng mới, tấm cao mới.
Mâu thuẫn trong đời sống giáo dục, trong đời sống quản lí giáo dục khi được mô tả qua hiện tượng giáo dục, sự kiện quản lí giáo dục gọi là “tình huống giáo dục”, “tình huống quản lí giáo dục”.
Tình huống giáo dục, tình huống quản lí giáo dục, quản lí nhà trường phải được phản ánh trung thực trong đời sống (cái tín), tình huống cũng phải bao quát được một số khía cạnh tổ chức sư phạm gắn với các vấn đề kinh tế – xã hội tác động vào nhà trường (cái đạt), tình huống còn phải thấu suốt ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa của việc nâng cao hoài bão và kĩ năng quản lí giáo dục (cái nhã).
Ba tiêu chí “Tín – Đạt – Nhữ” có thể xem như cái cốt lõi cho một tình huống giáo dục, tình huống quản lí giáo dục, quản lí nhà trường được dùng vào việc bồi dưỡng cán bộ giáo dục.
Trong cuốn sách Những tình huống thường gặp trong quản lí trường học (Cách suy nghĩ và ứng xử thành công) của thạc sĩ Lục Thị Nga, các yêu cầu trên đã được phản ánh một cách hài hoà.
Bằng sự trải nghiệm nhiều năm của thực tiễn đời sống quản lí giáo dục và giảng dạy tại Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, tác giả cuốn sách đã tập hợp được nhiều tình huống vừa dung dị, vừa sâu sắc.
Tôi có vinh dự được viết Lời giới thiệu cho cuốn sách này, hi vọng rằng cuốn sách không chỉ có ích cho công tác bởi dưỡng trong các trường quản lí giáo dục, mà còn là tài liệu tham khảo tốt cho các cán bộ quản lí giáo dục, các trường mầm non, các trường phổ thông và các bậc cha mẹ học sinh.
Hà Nội, ngày đầu năm 2004
Đặng Quốc Bảo
(PGS.TS Giáo dục học)