Teddy là một chàng trai trẻ yêu thiên nhiên và thích làm thơ. Anh luôn mong muốn được sống một cuộc đời trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Bỗng một ngày, Chiến tranh Thế giới thứ Hai nổ ra. Cuộc sống của anh hoàn toàn bị đảo lộn.
Sự tàn khốc của chiến tranh đã làm thế giới quan và nhân sinh quan của anh thay đổi. Mỗi ngày với anh đều giống như ngày tận thế. Anh không tin mình còn có một tương lai. Thế rồi chiến tranh đột ngột kết thúc. Teddy bị mất phương hướng. Anh chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống của một người bình thường. Sống sót sau chiến tranh không hẳn là điều may mắn mà đã trở thành một gánh nặng với anh.
Liệu anh có thể đối mặt với những khó khăn, sóng gió liên tiếp ập tới cuộc đời mình? Và anh phải làm thế nào để xoay xở được trong cái tương lai mà anh chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ có?
———
Đôi nét về tác giả Kate Atkinson:
Kate Atkinson, sinh ngày 20 tháng 12 năm 1951, là nhà văn người Anh có các tác phẩm đạt khá nhiều giải thưởng. Bà là tác giả lập kỷ lục ba lần thắng giải Costa Book, với cuốn tiểu thuyết đầu tiên có tựa đề Behind the Scenes at Museum (năm 1995), Life after Life (Chuỗi đời bất tận – năm 2013) và A God in Ruins (Những chú chim chưa bao giờ được hót – năm 2015).
Ngoài ra, bà còn viết bộ bốn cuốn tiểu thuyết bestselling về cựu thám tử Jackson Brodie được chuyển thể thành phim truyền hình ăn khách trên đài BBC.
***
NHỮNG CHÚ CHIM CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC HÓT
#review
Các bạn đã nghe chim chiền chiện hót bao giờ chưa?
Có bao giờ nghe tiếng hót con chim chiền chiện mà cảm thấy yêu cuộc sống này biết mấy chưa?
Có bao giờ nhìn thấy một chim chiền chiện bị bắt rồi không bao giờ hót được nữa và thấy luyến tiếc tiếng hót tuyệt diệu của nó không?
Đọc xong “Những chú chim chưa bao giờ được hót” sẽ có cảm giác buồn và tiếc như thế đấy. Mình cực kỳ thích bộ sách trước “Chuỗi đời bất tận” của Kate Atkinson, nên khi bộ “Những chú chim chưa bao giờ được hót” mới ra là mình đã đặt mua ngay.
Cuốn sách xoay quanh chàng trai Teddy, em trai của Ursula Todd trong Chuỗi đời bất tận, một chàng trai yêu thơ ca, yêu thiên nhiên như yêu tiếng hót của chim chiền chiện vậy. Nhưng khi chiến tranh ập đến, anh nộp đơn gia nhập lực lượng không quân hoàng gia Anh, và trở thành một chú chim bay lượn trên bầu trời.
Anh không thể nhớ được bao nhiêu chuyến bay mình đã lái, bao nhiêu quả bom đã thả xuống, bao nhiêu người đồng đội đã hy sinh trên những chuyến bay cùng anh. Nhưng anh nhớ rất rõ về chuyến bay cuối cùng, khi tất cả mọi người, kể cả anh đã nghĩ mình sẽ chết, nhưng hóa ra lại sống, lại có tương lai, một tương lai không chuẩn bị trước.
Teddy trở về, kết hôn với cô bạn thời nhỏ Nancy, hai người có một đứa con – cô con gái bướng bỉnh và khó bảo Viola. Teddy thậm chí còn có hai đứa cháu ngoại Sun và Moon Bertie. Nhưng sống sót sau chiến tranh không hẳn là một điều may mắn, những ký ức đau thương trên bầu trời, cả dưới mặt đất lũ lượt ùa về xen lẫn với những sóng gió và khó khăn của thời bình khiến tương lai của Teddy cũng mờ mịt như chính màn khói của chiếc máy bay cháy rụi trong trận chiến cuối cùng của anh.
Với những ai chưa đọc “Chuỗi đời bất tận”, hoặc không thích cách kể chuyện của Kate Atkinson sẽ thấy cuốn sách kể dài dòng thừa thãi về cuộc đời của Teddy. Nhưng nên nhớ đây đâu phải là tiểu thuyết trinh thám, bạn đâu đi tìm hung thủ của vụ án hay động cơ gây án của hắn, khi bạn đọc tiểu thuyết, ấy là bạn đang đọc chuyện đời của một nhân vật, vui cùng niềm vui, buồn cùng nỗi buồn của anh ấy. Và chính vì đọc sách với một tâm thế không mong chờ cái kết sẽ diễn ra như thế nào, bạn sẽ vỡ òa ra khi đọc đến trang cuối cùng của cuốn sách.
Có một chi tiết có lẽ rất phù hợp với thời tiết này. Khi nghe tiếng chim chiền chiện hót, tức là hôm đó là một ngày nắng đẹp trời, còn những ngày âm u mưa gió sẽ không thể nghe thấy được tiếng chim.
Bức ảnh chụp từ mùa mưa lần trước mà giờ mới được đem ra dùng.
***
Đã bốn ngày từ khi tòa tháp đôi sụp đổ, tôi tỉnh dậy vào buổi sáng và thấy một gã khổng lồ đứng đó, ngay cuối giường. Tôi gần như hét lên theo một cách ẻo lả nhất, nhưng tất cả những gì thoát khỏi lồng ngực là sự im lặng. Không có tiếng thét nào cả. Tốt. Bởi nếu có thì sẽ làm cho tên khổng lồ kia sợ hãi và trốn tịt xuống gầm giường.
Chỉ mất một hai giây để tôi nhận ra đó là ai. Và tồi tệ hơn, là tôi đang ở đâu.
Rồi tôi thực hiện thói quen mới được hình thành của mình từ sau sự kiện 11/9, thường là sau một giấc ngủ ngắn vạ vật trong xe của ai đó: liệt kê lại những việc đã xảy ra trong đầu. Những điều đã mất, những điều đã thay đổi.
Chẳng còn New York, chẳng còn nghề ngỗng, chẳng còn người mẹ nào nữa, chẳng còn bạn bè nào khi mà tất cả bọn họ đều ra đi cùng hai tòa tháp, tất cả mọi thứ tôi làm để mãi mãi rời bỏ Kansas, cuối cùng đều là vô nghĩa. Tôi quay về nơi khỉ ho cò gáy này, nơi mà tôi đã thề sẽ không bao giờ trở lại. Và mắc kẹt ở nơi đây.
Những cơn ác mộng cứ tiếp diễn nhau một cách “trơn tru”. Mọi thứ tốt đẹp đều biến mất.
Tôi lại ngước nhìn gã khổng lồ gầy gò, là anh tôi, Ben. Tôi cũng đoán trước mình sẽ chạm mặt anh, có điều… Tối qua khi tôi về tới nhà thì đã muộn – tất nhiên, muộn theo tiêu chuẩn của Ben – và lúc đó anh đã đi ngủ rồi.
Anh vẫn không nhìn thẳng vào mắt người khác. Nhưng cũng không giả vờ bằng cách nhìn vào điểm giữa hai chân mày như dân kinh doanh vẫn làm. Mọi hành động của Ben đều không được bình thường cho lắm. Anh quay hẳn đầu đi và nhìn xuống đất theo một góc bốn mươi độ, mắt dán vào sàn nhà.
Đấy. Một điều chẳng hề thay đổi.
“Chào anh,” tôi nói.
“Em phải đưa anh đi làm. Dậy đi.” Đó là những lời đầu tiên chúng tôi nói với nhau sau sáu năm.
Tôi ngồi dậy, vẫn mặc chiếc quần đùi ngắn, chớp mắt. Tôi không được ngủ đủ giấc. Hoàn toàn không. Mắt giống như đang có bụi vậy, và dạ dày tôi thì gầm gào.
“Em có xe không?” Ben hỏi.
Tôi biết anh đang lo lắng.
“Em không.”
“Thế làm sao em chở anh đi làm được?”
“Cô Jespers nói rằng em có thể dùng xe của mẹ.”
“À.”
“Nhưng cô ấy không biết mẹ để khóa ở đâu. Anh có biết không?”
“Có,” Ben đáp. “Anh biết.”
“Thế chỉ cho em đi?”
“Ừ.”
“Luôn đi. Luôn và ngay chứ?”
“Mẹ để chìa khóa ở cái móc chỗ cửa trước ấy.”
“Tốt.” Tôi nói, Có tiến bộ. Câu này thì tôi không nói ra. “Thế… ờm… anh có nhận ra em là ai không?”
“Có,” Ben đáp.
“Anh nhớ được em à?”
“Ừ.”
“Em là ai?”
“Em của anh.”
“Đúng rồi. Tốt. Anh nhớ tên em chứ?”
“Ừ.”
“Thế sao anh không nói tên em ra?”
“Vì em không bảo anh phải nói. Chỉ hỏi xem anh có nhớ không thôi mà.”
“Thực ra, ý em là, sao anh không nói. Anh thử nói xem nào?”