Bản thân các nhân vật trong cuốn truyện đã hé mở những điều bất an ngay từ đầu, và tác giả không chút ngại ngần dẫn dắt độc giả bám theo những điều nghi hoặc sắp xảy đến.
Với giọng văn dịu dàng mà sắc sảo, Yoko Ogawa đã thể hiện những chuyển động tâm lý tinh tế trong các nhân vật, dẫn dắt người đọc băng qua những cảm nhận về bề mặt tới sự thật hiện hữu của thế giới thực. Các nhân vật đều như tiềm ẩn thứ mầm ác được che khuất, giống như chúng ta vẫn thường bỏ qua những suy nghĩ bất chợt lóe lên bên trong. Yoko Ogawa theo đuổi những gì “không nhìn thấy được” ấy bằng thứ văn xuôi chậm rãi, khung cảnh tĩnh lặng cùng linh cảm sầu muộn về nỗi bất an sâu xa. Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp ám ảnh của Nhật ký mang thai.
— “Giống như tiểu thuyết gia Nhật Bản Kenzaburo Oe, những mẩu đối thoại rời rạc của Yoko Ogawa đã chạm tới niềm bất an sâu thẳm nhất trong tiềm thức cùng với sự tỉnh tại tuyệt đối” – the Pedestal Magazine.
Năm 1986, Ogawa bắt đầu viết tiểu thuyết, sau khi thôi công việc thư ký để kết hôn với một kỹ sư của một hãng luyện thép. Các tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của bà gồm: Khi con bướm gãy cánh (giải thưởng Kaien), Nhật ký mang thai (giải Akutagawa), Giáo sư và công thức toán (giải Yomiuri), Mai táng Brahman (giải Izumi), Cuộc diễu hành của Meena (giải Tanizaki), Tình yêu bên lề, Quán trọ Hoa Diên Vỹ…Trong số các tác phẩm của Yoko Ogawa, Giáo sư và công thức toán hẳn là tiểu thuyết nồng hậu và gây xúc động nhất. Sau đó, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim và công chiếu rộng rãi vào năm 2006.
Những tác phẩm của Yoko Ogawa
– Giáo sư và công thức toán – xuất bản 2009 (giải Yomiuri)
– Mai táng Brahman (giải Izumi)
– Nhật ký mang thai (giải Akutagawa)
– Khi con bướm gãy cánh (giải thưởng Kaien)
Đi làm về, tôi thấy trên bàn ăn mẩu giấy anh rể nhắn lại.
“Chị trở dạ. Anh đưa chị vào viện”?
Tôi đọc đi đọc lại dòng chữ ngắn ngủi ấy. Chiếc thìa còn dính mứt nằm chỏng chơ bên cạnh. Tôi ném nó vào trong bồn rửa bát, suy nghĩ giây lát phải làm gì tiếp theo. Tôi đọc lại mẩu giấy lần nữa rồi đi ra ngoài.Quang cảnh trước mắt toàn là nắng. Những tấm kính trước của xe ô tô và những cột nước phun lên từ đài phun nước trong công viên làm tôi lóa mắt. Tôi nhìn xuống dưới, vừa quệt mồ hôi vừa bước đi. Hai đứa trẻ đội mũ cói chạy vụt lên phía trước tôi.
Cổng chính của trường tiểu học đóng kín, sân trường vắng vẻ trải rộng. Đi qua khỏi cổng trường là tới một hàng hoa nhỏ. Cả người bán lẫn người khách hàng đều chẳng thấy đâu. Trong tủ kính, mấy bó thạch thảo rung lên khe khẽ.
Rẽ khỏi góc phố, cuối đường là viện M. Đúng như những gì chị nói, chỉ có thời gian ở đây là dừng lại. Hình ảnh về một bệnh viện bị gói kín trong kí ức bấy lâu hiện ra nguyên vẹn ngay trước mắt. Bên cạnh cổng là cây long não đại thụ, cửa kính mờ đục, chữ trên bảng hiệu bong gần hết. Không một bóng người, chỉ có bóng nắng của tôi in đậm trên đường.
Từ đây men theo tường rào phía sau, chắc chắn có cánh cổng phụ sắp hỏng. “Hẳn là cánh cửa ấy vẫn sắp hỏng như ngày xưa”, không hiểu sao tôi lại có thể hình dung rõ ràng đến thế. Chẳng sai tẹo nào, vẫn là cánh cửa bị bung mất một bên bản lề.
Tôi vừa tránh để mắc áo vào đinh vừa lách mình qua khe cửa, trước mắt là khoảng sân có bãi cỏ. Khẽ đưa chân dẫm lên đám cỏ xanh được cắt tỉa gọn gàng, cảm giác xốn xang trong lồng ngực sống dậy. Tôi lấy tay ngăn mồ hôi trên trán và nhìn lên. Tất cả dãy cửa sổ bằng kính đều sáng đến lóa mắt.
Tôi từ từ lại gần tòa nhà, mùi sơn từ khung cửa sổ bay thoang thoảng. Không một bóng người, không một ngọn gió, ngoài tôi ra chẳng có gì chuyển động. Không cần những thùng các tông tôi cũng có thể ngó được vào trong phòng khám. Không có cả bác sĩ lẫn y tá. Bên trong mờ tỏ như lớp học nấu ăn sau giờ tan trường. Tôi nheo mắt lần lượt xác định từng thứ một: Lọ đựng thuốc, máy đo huyết áp, bức hình hướng dẫn dẫn tư thế sửa ngôi thai, máy siêu âm. Tấm kính áp vào mặt âm ấm.Tôi mơ hồ nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc. Tiếng khóc bé nhỏ run rẩy và nghèn nghẹn vọng lại từ phía bên kia ánh mặt lấp loáng. Lắng tai nghe, tiếng khóc ấy xoáy thẳng vào màng nhĩ. Đáy tai đau nhói. Tôi đưa mắt về phía tầng ba. Một người đàn bà trong bộ đồ sản phụ đang nhìn ra xa. Những đường cong của bờ vai hắt trên tấm kính. Mái tóc xõa xượi rủ xuống trán, để lại những khoảng tối trên gương mặt xanh xao, thành ra tôi không chắc có phải là chị hay không. Người đàn bà khẽ mấp máy đôi môi thâm xám, chớp mắt. cái chớp mắt yếu đuối như lúc khóc. Khi tôi cố nheo mắt nhìn thì bị tia nắng hắt ra từ ô của kính chắn mất tầm nhìn.
Mời các bạn đón đọc Nhật Ký Mang Thai của tác giả Yoko Ogawa.