" Nhật Ký Mang Thai - Yoko Ogawa full prc pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhật Ký Mang Thai - Yoko Ogawa full prc pdf epub azw3 [Tâm Lý Xã Hội] Ebooks Nhóm Zalo NHẬT KÝ MANG THAI Tác giả: Yoko Ogawa Dịch Giả: Lương Việt Dũng Phát hành Nhã Nam Nhà xuất bản Văn Học Nguồn: Windcity Biên tập & Hiệu đính: V.C Ebook: inno14 ★★♠★★ Tác Giả Yoko Ogawa (小川 洋子) sinh ra ở Okayama, tốt nghiệp đại học Waseda, hiện đang sống cùng chồng và con trai ở Ashiya. Từ năm 1988, bà đã xuất bản hơn 20 tiểu thuyết và sách phi hư cấu. Cuốn tiểu thuyết Giáo sư và Công thức toán của bà đã được dựng thành phim. Các giải thưởng: * 1988: Giải Kaien cho tác phẩm đầu tay, Sự phân hủy của bướm (Disintegration of the butterfly, Agehacho ga kowareru toki, 揚羽蝶が壊れる時) * 1990 Giải Akutagawa cho Nhật ký mang thai (Pregnancy Calendar, Ninshin karendaa, 妊娠 カレンダー) * 2004 Giải Yomiuri cho Giáo sư và công thức toán (The Professor and his Beloved Equation, Hakase no aishita sushiki, 博 士の愛した数式; dịch sang tiếng Anh với tên The Gift of Numbers) * 2004 Giải Izumi Prize cho Tang lễ của Brahman (Burafuman no maisō, ブラフマンの埋葬) * 2006 Giải Tanizaki cho Cuộc diễu hành của Meena (Meena's March, Mīna no kōshin, ミーナの行進) Giới Thiệu Một cô gái âm thầm sử dụng những quả bưởi có chất bảo quản, nấu thành mứt cho chị ăn trong suốt thời gian thai kỳ (Nhật ký mang thai). Một thầy giáo mất hai tay và một chân với những dẻ xương sườn biến dạng xiết chặt khu vực của tim và phổi, đang ẩn dật trong khu ký túc xá vắng lặng (Ký túc xá). Một người đàn ông có thể đứng hàng giờ mỗi ngày ngắm nhìn nhà ăn để chìm đắm trong mớ ký ức giằng xé (Nhà ăn buổi chiều tà và bể bơi dưới mưa)… Bản thân các nhân vật trong cuốn truyện đã hé mở những điều bất an ngay từ đầu, và tác giả không chút ngại ngần dẫn dắt độc giả bám theo những điều nghi hoặc sắp xảy đến. Với giọng văn dịu dàng mà sắc sảo, Yoko Ogawa đã thể hiện những chuyển động tâm lý tinh tế trong các nhân vật, dẫn dắt người đọc băng qua những cảm nhận về bề mặt tới sự thật hiện hữu của thế giới thực. Các nhân vật đều như tiềm ẩn thứ mầm ác được che khuất, giống như chúng ta vẫn thường bỏ qua những suy nghĩ bất chợt lóe lên bên trong. Yoko Ogawa theo đuổi những gì “không nhìn thấy được” ấy bằng thứ văn xuôi chậm rãi, khung cảnh tĩnh lặng cùng linh cảm sầu muộn về nỗi bất an sâu xa. Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp ám ảnh của Nhật ký mang thai. — “Yoko Ogawa là một nhà văn có thể diễn tả một ách uyển chuyển và sắc sảo những nét tâm lý khó nắm bắt nhất của con người” – Kenzaburo Oe — “Sự hư cấu của Yoko Ogawa tựa như một liều thuốc gây ảo giác nhẹ. Rất lâu sau khi đọc, câu chuyện vẫn sẽ còn đọng lại, làm thay đổi quang cảnh trước mắt bạn, khiến sự điềm nhiên của bạn lung lay, gieo vào đầu óc bạn sự nghi hoặc đối với ngay cả những người bạn thường hay gặp. Tài năng của bà vừa hé lộ vừa lưu giữ sự bí ẩn về bản chất con người” – Kathryn Harrison, tác giả của The Kiss — “Giống như tiểu thuyết gia Nhật Bản Kenzaburo Oe, những mẩu đối thoại rời rạc của Yoko Ogawa đã chạm tới niềm bất an sâu thẳm nhất trong tiềm thức cùng với sự tỉnh tại tuyệt đối” – the Pedestal Magazine. Thứ Hai, Ngày 29 Tháng Chạp Chị tôi đến viện M. Cho tới lúc ấy, ngoài phòng khám của bác sĩ Nikaido ra, chị tôi hầu như chưa bước chân vào một bệnh viện nào khác, thành thử trước khi đi chị có vẻ lo lắng. “Không biết phải mặc cái gì nữa? Mình có thể ăn nói gãy gọn trước mặt một bác sĩ mới không đây"? Trong khi chị còn chần chừ thì thấm thoắt đã đến ngày khám bệnh cuối năm. — Nên mang theo biểu đồ thân nhiệt cơ sở của mấy tháng nhỉ? Đến sáng nay mà chị còn hỏi thế. Chị lơ đãng ngước nhìn tôi, chẳng buồn nhấc người khỏi bàn ăn đang dùng dở bữa sáng. — Cứ mang tất cả đi cũng được chứ sao! Tôi đáp. — Mang tất cả đi thì có đến hai năm cơ đấy, tức là hai mươi tư tờ. Giọng chị lanh lảnh, chiếc thìa khuấy đều trong lọ sữa chua. — Có vài ngày liên quan đến cái thai thôi, nên chị nghĩ chỉ cần mang một tờ của tháng này đi là đủ. — Chị không thấy tiếc à. Mất những hai năm để đo cơ mà. — Cứ nghĩ đến cảnh bác sĩ sột soạt lật giở cả hai mươi tư cái biểu đồ trước mặt là chị lại thấy sợ. Hệt như người ta nhìn thấy mọi việc mình làm cho tới lúc mang bầu vậy. Chị ngắm nghía chỗ sữa chua dính ở mũi thìa. Những giọt sữa chua sáng trắng nhểu xuống. — Chị lại nghĩ quá rồi. Biểu đồ thân nhiệt chẳng qua chỉ là một thứ số liệu thôi, có gì ghê ghớm đâu! Vừa nói tôi vừa đóng nắp lọ sữa chua rồi cất vào tủ lạnh. Rốt cuộc, chị quyết định mang theo toàn bộ chỗ biểu đồ thân nhiệt ấy đi. Thế nhưng, để tập hợp đủ hai mươi tư cái biểu đồ ấy mới thật là rầy rà. Chị đã tỉ mẩn đo thân nhiệt hàng sáng, vậy mà mỗi việc cất giữ thì lại cẩu thả. Những tờ biểu đồ đáng lẽ phải ở trong phòng ngủ, tự lúc nào đã nằm trên kệ điện thoại hoặc lẫn vào giá đựng tạp chí. Thỉnh thoảng những hình răng cưa trên cái biểu đồ đường gấp khúc của chị bất chợt đập vào mắt tôi. Ngẫm cũng lạ, nhiều khi, giữa lúc đang xem báo hay gọi điện thoại, trong đầu tôi bỗng nảy ra những ý nghĩ như là: “À, hôm nay là ngày chị ấy rụng trứng đây mà? hoặc, tháng này, thân nhiệt thấp kéo dài thế nhỉ"? Sau một hồi lật tung cả căn phòng, cuối cùng chị cũng gom đủ hai mươi tư cái biểu đồ. Chị chọn bệnh viện M vì một lí do rất cảm tính. Mặc kệ tôi khuyên chị nên tới một bệnh viện lớn và được trang bị tốt hơn, chị vẫn khăng khăng: — Chị đã quyết rồi, từ hồi còn bé cơ, là nếu sinh con chị sẽ chọn bệnh viện M. Viện M là một bệnh viện phụ sản tư nhân. Nó đã có ở đó từ thời ông nội chúng tôi. Chúng tôi thường hay trốn vào khu vườn sau viện đùa nghịch. Bệnh viện là một tòa nhà ba tầng bằng gỗ đã cũ, nhìn từ bên ngoài, những bức tường rào phủ đầy rêu, những dòng chữ đang mất dần trên tấm biển hiệu và những ô cửa kính lờ mờ khiến nó nặng mùi âm khí, thế nhưng bên trong khu vườn lại là một bầu không khí chan hòa ánh nắng. Những cảnh tượng trái ngược nhau đó luôn làm chúng tôi háo hức.Trong khu vườn có một bãi cỏ được vun trồng chu đáo, chúng tôi thường nằm lăn trên đó chơi đùa. Màu xanh của những phiến lá cỏ sắc nhọn và cái lấp lánh của ánh mặt trời lần lượt choán lấy tầm mắt tôi. Thế rồi màu xanh lục và ánh nắng hòa quyện với nhau ở đáy mắt, dần dần biến thành một màu xanh lam. Tiếp theo sau là cái giây phút tựa như bầu trời và gió và mặt đất bay vút ra xa, rung rinh. Tôi yêu cái giây phút ấy vô cùng. Mặc dầu vậy, trò chơi làm chúng tôi mê hồn hơn hết thảy chính là được nhòm vào bệnh viện. Chúng tôi lấy chiếc thùng các tông đựng gạc và bông y tế vứt ở góc vườn làm bệ rồi đứng ngó vào trong phòng khám qua cửa sổ. — Người ta biết thì chết. Tôi nhát gan hơn chị. — Không sao đâu, bọn mình vẫn còn là trẻ con mà. Chị tôi hà hơi vào ô kính mờ nước, vừa lấy ống tay áo lau qua lau lại vừa bình thản nói. Đưa mặt lại gần cửa sổ, tôi ngửi thấy mùi sơn trắng. Cảm giác về thứ mùi tựa như có vị cay cay nơi hốc mũi ấy luôn gắn liền với viện M, chẳng bao giờ mất đi ngay cả khi tôi đã lớn. Mỗi lần ngửi thấy mùi sơn, y như rằng tôi lại hình dung ra nó. Phòng khám trước giờ làm việc buổi chiều lặng ngắt, không một bóng người, vì thế mà chúng tôi có thể nhẩn nha ngắm nghía từ góc này sang góc nọ. Đối với tôi, bí ẩn lớn nhất là những cái lọ rộng miệng đủ loại đặt trên chiếc khay hình ê líp. Sao tôi thèm được tự tay mở những cái lọ chỉ có mỗi nắp đậy bằng thủy tinh, không phải kiểu nút khoén cũng không phải kiểu nắp vặn ấy đến thế. Lọ nào cũng có màu nâu hoặc nâu hoặc tím hoặc màu đỏ tía, còn chất lỏng bên trong đều nhuộm những tông màu ấy. Khi ánh nắng chiếu vào, trông chúng trong suốt, tựa hồ đang run rẩy. Trên bàn bác sĩ, ống nghe, kẹp y tế, máy đo huyết áp nằm đấy bừa bộn. Mấy cái ống nhỏ ngoằn ngoèo cũng với màu sáng bạc của kim loại và nắm bơm cao su hình quả lê tây khiến cái máy đo huyết áp giống hệt như một con côn trùng khêu gợi. Những dòng chữ viết ngoáy trong hồ sơ bệnh án ẩn chứa một vẻ đẹp bí hiểm đến rung mình. Sát cạnh bàn là một chiếc giường giản dị, không phô trương. Một chiếc gối hình hộp nằm chính giữa tấm khăn trải đã cứng đơ vì giặt nhiều lần. Tôi tự hỏi, nếu thử nằm lên cái gối hình thù lạ đời và không có vẻ gì là mềm mại kia thì cảm giác sẽ ra sao nhỉ? Trên tường là tấm áp phích (các tư thế sửa phôi thai ngược). Một phụ nữ mặc quần nịt màu đen đang gập lưng, áp ngực xuống sàn nhà. Tôi cứ ngỡ cô ta ở truồng vì chiếc quần nịt ôm quá khít đôi chân. Cô ta, trong tấm áp phích đã ố vàng, đang vô hồn nhìn ra xa. Tiếng chuông vào lớp ở một ngôi trường gần đó báo hiệu giờ khám bệnh buổi chiều sắp bắt đầu. Chúng tôi buộc phải rút lui khi nghe thấy tiếng bước chân các y tá sau bữa cơm trưa phía bên kia cánh cửa. — Này, tầng hai và tầng ba thì thế nào hả chị? Tôi hỏi. Chị đáp lại tôi quả quyết như thể đã lên đó rồi. — Có phòng bệnh nội trú này, phòng trẻ sơ sinh này, rồi cả phòng ăn nữa. Thi thoảng, có những phụ nữ ngó ra ngoài từ cửa sổ tầng ba. Hình như đó là những sản phụ mới sinh. Tất cả họ đều không trang điểm, khoác váy choàng dài, tóc búi thành một túm. Những sợi tóc mỏng manh lay động bên tai. Hầu hết mặt họ vô hồn, không biểu cảm. Vào lúc đó, tôi đã từng nghĩ: “họ được ngủ ngay bên trên cái phòng khám đầy ắp những thứ hấp dẫn thế mà chẳng tỏ ra vui vẻ chút nào là sao"? Chị tôi đã khăng khăng chọn thì hẳn cái ấn tượng thời thơ ấu về viện M phải mãnh liệt lắm. Chẳng lẽ rồi chị cũng sẽ mặc váy choàng dài, búi tóc và ngó xuống bãi cỏ từ cửa sổ tầng ba với vầng trán xanh xao lạnh ngắt như thế ư? Đến tôi còn chịu thì chẳng ai có thể ngăn nổi quyết định của chị. Anh rể thì vẫn cái kiểu phát biểu chẳng làm phật ý chị bao giờ, rằng, anh nghĩ chỗ đó tốt đấy, đi lại cũng gần. Chị về trước buổi trưa. Chúng tôi gặp nhau ở cửa lúc tôi đang chuẩn bị đi tới chỗ làm thêm. — Sao hả chị? — Một tháng rưỡi. Vừa sang tuần thứ sáu. — Úi chà, lại biết chính xác thế cơ à? — Là nhờ cái tập biểu đồ tích cóp bấy lâu đấy. Nói rồi, chị vừa cởi áo khoác vừa đi tuột vào trong. Xem chừng chị chẳng có cảm xúc gì đặc biệt. — Tối nay ăn gì? — Xúp hải sản. — Thế à! — Vì mực với ngao hôm nay khá rẻ. Những lời đối thoại quá đỗi bình thường, không chút hào hứng, làm tôi quên cả chúc mừng chị. Nhưng, liệu rằng việc sinh con của chị tôi và anh rể có phải là chuyện đáng mừng? Tôi thử tra trong từ điển cụm từ “chúc mừng". “Chúc mừng" lời bày tỏ sự chúc tụng nhân dịp người khác có chuyện vui mừng. “Bản thân nó chẳng có ý nghĩa gì cả". Tôi tự nói với mình và miết ngón tay lên dòng chữ Hán chẳng có gì đáng vui mừng ấy. Thứ Ba, Ngày 30 Tháng Chạp Sáu tuần + Một ngày Từ thuở bé, tôi chưa bao giờ thấy thích ngày 30 tháng Chạp. Thà là ngày 31, tôi còn được sống trong tâm trạng rằng năm cũ sắp qua đi, chứ cái ngày trước ngày cuối năm này thật nửa vời. Ở nhà tôi, việc chuẩn bị cơm tết, dọn vệ sinh cuối năm, đi mua sắm cũng nửa vời, năm có năm không. Sống trong cái gia đình như thế, tôi đành phải đem đống bài tập ra làm cho đỡ chán. Tuy nhiên, kể từ khi cha mẹ tôi nối tiếp nhau qua đời vì bệnh tật, cái mốc đánh dấu sự giao mùa ấy còn nhạt nhòa hơn nữa. Ngay cả khi anh rể tôi tới sống, tình hình cũng không đổi khác. Bữa sáng hôm nay thật thong thả vì trường tôi và chỗ anh rể làm việc đều đã bước vào kì nghỉ đông. — Đến ánh nắng mùa đông cũng có thể khiến những đôi mắt thiếu ngủ thấy lóa. Anh rể tôi vừa nheo nheo đôi mắt sau tròng kính vừa ngồi xuống ghế. Mặt trời buổi sáng rọi vào từ ngoài vườn, chiếu xuống tận gầm bàn, in bóng ba đôi dép trên sàn nhà. — Tối qua anh về muộn à? Tôi hỏi. Hôm qua, trung tâm nha khoa nơi anh làm việc có tổ chức tiệc tất niên và hình như anh về nhà khi tôi đã đi nằm. — Vẫn kịp chuyến tàu cuối. Nói rồi anh đưa cốc cà phê lên miệng. Mùi hương ngọt sắc cùng với hơi nước nóng bồng bềnh trên khắp khăn trải bàn. Anh rể bao giờ cũng cho hàng đống kem tươi và đường vào cà phê nên bàn ăn lúc nào cũng có mùi như ở tiệm bánh ngọt. Tôi thường nghĩ: “Kĩ sư chỉnh hình răng gì mà uống cà phê ngọt thế, không sợ bị sâu răng chắc"? — Tàu cuối ngày còn kinh khủng hơn cả tàu sáng vào giờ cao điểm ấy nhỉ! Đã đông lại toàn người say rượu. Chị quệt con dao cắt bơ nghe giòn tan trên miếng bánh mì nướng. Sau khi tới khám ở khoa sản ngày hôm qua, mặc dù đã chính thức biết mình có thai, thế mà chị chẳng biểu lộ cảm xúc gì đặc biệt. Tôi cứ tưởng chị phải tỏ ra kích động hơn cơ, nào ngờ chị không phấn khởi, cũng không bối rối. Thường ngày, ngay cả những biến đổi, những sự kiện nhỏ nhặt nhất như hiệu làm đẹp chị thường lui tới vừa dẹp tiệm, con mèo nhà bên chết già, hay nước bị cắt cả ngày để sửa đường ống v.v cũng có thể khiến chị hoang mang, bấn loạn, và thế là chị sẽ ngay lập tức lao đến nhà bác sĩ Nikaido. Chẳng biết chị đã nói chuyện chị có mang với anh rể như thế nào? Họ thường nói chuyện gì khi không có tôi? Đại để, tôi không sao lí giải được một cách thấu đáo cái gọi là vợ chồng . Với tôi nó tựa như một chất khí dị kỳ. Không hình hài, không màu sắc, mong manh như lớp kính trong suốt của chiếc ống nghiệm hình tam giác. Chị chọc thẳng cây dĩa xuống miếng ốp lết rồi lẩm bẩm: “Trứng này nhiều hạt tiêu quá"! Tôi vờ như không nghe thấy vì chị ấy lúc nào chẳng phàn nàn về đồ ăn. Từ đầu dĩa, những giọt lòng đỏ trứng gà còn sống rớt xuống tong tỏng như một thứ máu vàng. Anh rể đang ăn kiwi sắt lát. Tôi không thể nào ưa nổi kiwi vì những cái hạt màu đen lổn nhổn trông như hàng ngàn chiếc tổ côn trùng bé xíu. Kiwi hôm nay chín quá, sắp nẫu cả ra. Trong giỏ bơ, những cục bơ màu trắng đang vã mồ hôi, ướt đẫm. Xem ra hai người không muốn đả động gì cái bầu nên tôi cũng đành làm thinh. Có tiếng chim hót ngoài sân. Từ trên trời cao, những đám mây đang tan ra, mỏng dần. Bên tai tôi, tiếng bát đũa va vào nhau cùng tiếng nuốt thức ăn vang lên không dứt. Mọi người dường như không nhận ra rằng chỉ còn hôm nay nữa là tất niên. Chẳng có thông Tết, đỗ đen hay bánh dày ở cái nhà này. — Ít ra cũng nên tổng vệ sinh một cái chứ nhỉ! Tôi gióng giả tự nói với mình. — Em thì phải giữ gìn đấy, không được vận động quá sức đâu. Anh rể vừa liếm bên mép dính đầy thứ nước kiwi trong suốt vừa nhắc chị. Anh có cái thói quen là luôn nói ra những câu mà ai cũng biết cả, với một vẻ vô cùng tốt bụng. Thứ Bảy, Mùng 3 Tháng Giêng Sáu tuần + Năm ngày Bố mẹ anh rể sang chơi với một chiếc hộp nhiều tầng đựng đầy cơm Tết. Những lần họ tới, tôi chẳng biết phải ăn nói ra sao, gọi họ bằng gì, thành ra cứ lúng ba lúng búng trong miệng. Chúng tôi chẳng đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà, đói thì nướng pizza đông lạnh hay mở khoai tây trộn đóng hộp ra ăn, vì thế một bữa cơm Tết thịnh soạn nhường này không khỏi khiến tôi ngây ngất. Trông như một món thủ công mỹ nghệ tinh xảo và lộng lấy hơn là món ăn. Lúc nào tôi cũng cho rằng họ thực sự là những người tốt. Dù cho lá khô có vun đống ngoài vườn và chẳng có gì ngoài nước táo và phô mai kem trong tủ lạnh, họ cũng không hề buông lời trách móc. Họ thực lòng phấn khởi vì sắp có cháu. Buổi chiều, khi họ về rồi, chị tôi thở dài một cái rõ to rồi bảo: “Mệt quá, đi ngủ đây". Rồi nằm bệt xuống ghế sofa. Chị chìm ngay vào giấc ngủ, tựa như chiếc công tắc vừa tắt đánh tách một cái. Dạo này, chị ngủ nhiều. Chị nằm im như đang lạc giữa một khu đầm lầy thẳm sâu và giá lạnh. Chắc tại chị đang có bầu. Thứ Năm, Mùng 8 Tháng Giêng Bảy tuần + Ba ngày Cuối cùng thì chị bắt đầu ốm nghén. Không ai nghĩ cái nghén lại đến bất ngờ như vậy. Có lần chị bảo: — Chị chẳng nghén được đâu. Chị không thích giống mọi người. Chị luôn tin rằng chỉ mình chị là không chịu tác động của thôi miên và thuốc gây mê. Buổi trưa, lúc hai chị em đang ăn món macaroni gratin thì đột nhiên chị đưa chiếc thìa lên ngang tầm mắt, và chòng chọc nhìn vào nó. — Em không thấy cái thìa này có mùi lạ ạ? Tôi chẳng thấy có gì khác lạ ở cái thìa đó. — Có mùi cát. Chị nở to cánh mũi. — Mùi cát? — Ừ, giống cái mùi chị ngửi thấy mỗi lần bị ngã sấp mặt xuống cát hồi còn nhỏ. Vừa hăng hắc vừa khô rát. Chị thả chiếc thìa xuống đĩa gratin rồi lấy khăn ăn chùi mép. — Chị không ăn nữa à? Tôi hỏi. — Ừ! Chị gật đầu rồi chống tay dưới cằm. Siêu nước đang réo xì xèo trên lò sưởi. Chị im lặng nhìn tôi. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành một mình ăn nốt phần còn lại. — Em có thấy thứ nước xốt màu vàng trắng này giống hệt như dịch vị trong dạ dày không? Chị lẩm bẩm, tôi lờ đi và chiêu một ngụm nước đá. — Vừa âm ấm, vừa ươn ướt, vừa sền sệt. Chị co người, nghiêng nghiêng đầu như đang ngó vào mắt tôi. Tôi gõ cồm cộp mũi dĩa xuống món gratin. — Lại cả cái màu nhờ nhờ như màu chất béo này nữa chứ! Tôi tiếp tục, phớt lờ. Những thân cây khô u ám làm ô cửa kính rung lên. Trên bệ bếp bằng thép không gỉ, chiếc cốc lường, gói sữa bò, xẻng gỗ và cả cái chảo rán tôi dùng để chế nước xốt đang nằm đó im lìm. — Hình thù của những sợi mì mới thật là kì quái. Những cái ống rỗng ruột đứt kêu sần sật trong miệng làm chị có cảm giác như mình đang nhai một mớ lòng mề nhầy nhụa dịch mật và dịch tụy vậy. Tôi lấy đầu ngón tay mân mê cán thìa trong lúc buồn bã ngắm nhìn đôi môi chị đang tuôn ra những lời bình phẩm đủ loại. Sau khi đã huyên thuyên chán chê những thứ chị thích, chị chậm rãi đứng dậy và ra khỏi phòng. Món gratin lạnh ngắt vón thành một cục trắng trên bàn. Thứ Ba, Ngày 30 Tháng Giêng Tám tuần + Một ngày Lúc mới được chị cho xem bức hình, tôi thấy nó hao hao giống một cơn mưa đang rơi dưới bầu trời đêm buốt giá. Bề ngoài của nó không khác gì một bức ảnh bình thường. Mặt trước có đường viền bo màu trắng, mặt sau có in tên hãng sản xuất phim. Tuy nhiên, lúc chị đem nó về từ phòng khám và vứt cẩu thả trên bàn, tôi biết ngay nó không phải là một bức ảnh thông thường. Bầu trời đêm là một màu đen sâu thẳm và trong vắt, tới độ làm người ta chóng mặt nếu nhìn lâu. Cơn mưa, tựa như làn sương mỏng, lất phất trên không trung. Và ở giữa làn sương, một khoảng trống hình hạt đậu tằm toang hoác hiện ra. — Con chị đấy. Chị gõ gõ ngón tay có bộ móng được tô vẽ cầu kì lên góc ảnh. Cơn ốm nghén làm má chị xanh xao và trong suốt. Tôi nhìn sâu vào trong khoảng trống hình hạt đậu tằm. Dường như có tiếng mưa phùn rơi ướt đêm. Nằm dưới chỗ hõm vào trong khoảng trống ấy là đứa bé. Nó là một cái bóng mong manh, tưởng như một cơn gió cũng có thể đưa nó xuống đáy cùng đêm tối. — Nguyên nhân những trận ốm nghén là ở chỗ ấy đấy. Chưa ăn gì từ sáng, chị ngồi bệt xuống ghế sofa. — Chị này, người ta làm cách nào mà chụp được nó nhỉ? — Chị chẳng biết. Chị chỉ phải nằm trên giường thôi. Lúc ra về thì ông bác sĩ đưa nó cho, bảo là để làm kỉ niệm. — Chà, cái này để làm kỉ niệm cơ đấy. Tôi đưa mắt nhìn bức ảnh lần nữa. — Bác sĩ của viện M là người thế nào? Tôi hỏi chị, và hồi tưởng lại mùi sơn nơi khung cửa sổ. — Đó là một người đàn ông tóc bạc, vẻ rất lịch lãm và kiệm lời. Không riêng bác sĩ mà hai người hộ lí cũng rất ít nói, họ chẳng bao giờ mở miệng khi không cần thiết. Hai người đó chắc chắn cũng không còn trẻ. Cỡ tuổi bác sĩ thì phải. Có điều lạ là trông họ giống nhau như hai chị em sinh đôi. Từ tấm lưng, cho đến mái tóc, giọng nói, vị trí của những vết bẩn trên áo blouse trắng đều y sì. Ngay cả bây giờ chị cũng không phân biệt nổi người này với người kia. Lúc vào phòng khám, mọi thứ đều lặng ngắt, chị chỉ nghe thấy những âm thanh rất nhỏ như tiếng giở hồ sơ bệnh án, tiếng gắp bông băng vệ sinh, hay tiếng bơm kim tiêm được lấy ra khỏi hộp. Dường như có một tín hiệu riêng nào đó giữa các hộ lí với bác sĩ, thành thử không nói ra mà họ vẫn hiểu được nhau. Chỉ cần bác sĩ xoay người hay cử động ánh mắt, thế là các hộ lí liền thoăn thoắt đưa cho ông ấy những vật dụng cần thiết, nào phiếu xét nghiệm máu, nào nhiệt kế. Chị luôn mê mẩn những thao tác thuần thục của họ. Chị ngả sâu người xuống ghế rồi vắt chéo hai chân. — Bệnh viện không khác gì chứ, so với hồi mình thường đến chơi? Chị gật đầu mạnh. — Chẳng thay đổi tẹo nào. Đi qua cổng chính của trường tiểu học rồi rẽ ở góc phố có cửa hàng hoa là thấy tấm biển hiệu, dường như chỉ nơi ấy là tách khỏi dòng chảy của thời gian, mọi thứ đều tĩnh lặng. Lúc chị rón rén lại gần, đặt tay lên nắm cửa, và mở ra, chị có cảm giác như mình vừa bị hút vào một vùng nào đó sâu thẳm. Ngay cả khi ở trong phòng, má chị cũng không ấm lên, chúng vẫn trong suốt và giá lạnh. — Phòng khám bệnh cũng chẳng khác xưa. Chị vẫn nhớ mọi thứ, từ chiếc kệ đựng thuốc vừa dài vừa hẹp đến cái ghế gỗ nom chắc nịch của bác sĩ và bức bình phong bằng kính mờ. Tất cả đều cũ kĩ, lạc hậu, nhưng vẫn sạch tinh tươm vì được lau chùi cẩn thận. Trong căn phòng ấy có duy nhất một thứ mới mẻ, không ăn nhập lắm với xung quanh. Em có biết là gì không? Tôi lắc đầu. — Máy siêu âm. Chị chậm rãi phát âm cụm từ ấy, như đang nói về một vật gì vô cùng thiêng liêng.— Lần nào đến khám, chị cũng bị bắt nằm lên chiếc giường bên cạnh cái máy. Sau đó, chị sẽ lóng ngóng vén áo ngoài và áo lót lên để lộ vùng bụng, thế rồi cái bà hộ lí ít lời sẽ đi tới, bóp từ trong cái ống thuốc to hơn nhiều lần tuýt kem đánh răng ra một thứ chất nhầy và thoa lên bụng chị. Cảm giác khi đó thật thích. Thứ thuốc trong suốt và trơn tuột giống như getalin ấy cứ mơn man trên da thịt làm chị thấy khó tả ơi là khó tả. Nói đến đó, chị thở hắt ra một hơi dài, rồi tiếp tục. — Tiếp đến, bác sĩ ấn lên bụng chị một cái hộp trông như máy bộ đàm, nó được nối với thiết bị siêu âm và màn hình. Nhờ chỗ thuốc vừa được thoa mà nó bám khít vào chị. Lúc ấy, mọi thứ bên trong cơ thể sẽ hiện lên cả màn hình. Chị dùng ngón tay xoay ngược tấm ảnh trên bàn. — Sau khi khám xong, bà hộ lí sẽ lau bụng chị bằng một tấm gạc ướt. Lúc ấy thì chị hơi buồn. Lần nào chị cũng muốn kéo dài cảm giác thêm chút nữa. Chị vẫn thao thao bất tuyệt. — Lúc ra khỏi phòng khám, việc đầu tiên chị làm là đi vào nhà vệ sinh. Thế rồi, chị lại kéo áo lên khỏi cạp váy lần nữa và ngắm nghía bụng mình. Vì chị nghĩ rằng, biết đâu cái thứ thuốc giống như getalin ấy vẫn còn sót lại. Nhưng, lần nào chị cũng hụt hẫng. Chẳng còn lại gì. Chẳng còn cái cảm giác trơn tuột ấy nữa. Không ươn ướt, cũng không lành lạnh. Chị thấy thất vọng thực sự. Chị thở dài. Một bên găng tay chị vừa cởi ra vương dưới sàn nhà. Ngoài trời, những hạt bụi tuyết bắt đầu rơi. — Cảm giác lúc người ta chụp ảnh bên trong cơ thể mình như thế nào nhỉ? Tôi vừa ngắm những hạt tuyết phất phơ trong gió ngoài của sổ vừa hỏi chị — Có lẽ giống khi chị nhờ anh ấy lấy khuôn răng. — Anh rể á? — Ừ. Vừa ngượng, vừa nhột, vừa sờ sợ. Nói xong, chị từ từ mím môi rồi im lặng. Cái kiểu im bặt sau một tràng độc thoại không nghỉ như thế chẳng tốt lành gì cho chị. Đó là bằng chứng cho thấy chị đang đánh vật với tình trạng căng thẳng thần kinh của mình. “Rồi sớm muộn gì thì chị cũng sẽ lại tới nhà bác sĩ Nikaido thôi". Tôi thầm nghĩ. Giữa hai chúng tôi, cái bóng nhạt nhòa của đứa bé lọt thỏm giữa màn đêm. Thứ Tư, Ngày 28 Tháng Giêng Mười tuần + Hai ngày Cơn ốm nghén của chị mỗi ngày một tồi tệ. Chẳng có chút hi vọng rằng nó sẽ đỡ dần, hoặc là đến bao giờ sẽ dứt. Tình trạng ấy khiến chị ủ ê cả ngày. Và chị chẳng ăn được gì. Tôi đã thử liệt kê tất cả các món có thể nghĩ ra được, nhưng chị bảo chị không thèm gì cả. Tôi mang hết số sách nấu ăn trong nhà ra, chìa cho chị xem từng trang một, nhưng vô ích. “Không lẽ có ăn thôi cũng vất vả đến thế"? Tôi nghĩ ngợi. Song có vẻ như bụng chị bắt đầu lép kẹp và rấm rứt đau, nên chị bảo tôi: “Phải cho cái gì đó vào miệng thôi". (chị tuyệt đối không đả động đến từ ăn) Chị chọn bánh mì sừng bò. Để làm dịu cơn đau dạ dày thì không cứ bánh sừng bò, mà bánh quế hay khoai tây chiên cũng được. Chẳng qua đúng lúc đó chị vô tình thấy một ổ sừng bò còn sót lại trong giỏ bánh mì từ bữa sáng. Chị véo ở đầu chiếc bánh hình sừng bò một mẩu rồi nhét vào miệng, và gần như không nhai mà nuốt chửng. Thế rồi khi bị nghẹn, chị chỉ nhấp một ngụm gọi là nước dinh dưỡng đóng lon với vẻ mặt nhăn nhó. Cảnh tưởng ấy chẳng có gì giống một bữa ăn. Mà giống một trò luyện ngải hay tu hành kì quặc nào đó. Anh rể kiếm về đủ loại tạp chí với những bài viết như là: Bài đặc biệt: “Tôi đã vượt qua các triệu chứng ốm nghén như thế nào"? hay “Vai trò của người chồng trong thời kì ốm nghén". Tôi không ngờ lại có nhiều tạp chí viết về thai phụ và trẻ sơ sinh đến thế. “Hãy vượt qua chứng cao huyết áp ở phụ nữ có thai",“Bách khoa xuất huyết khi mang thai",“Chuẩn bị ngân sách cho việc sinh nở"... Nhìn những hàng tít kiểu như thế, tôi bỗng thấy nản khi hình dung vô số những vấn đề rất có thể sẽ xảy đến với chị. Thật không thể tin nổi, đến anh rể cũng chán ăn giống chị. Mỗi lần ngồi vào bàn, anh chỉ lấy đầu đũa gẩy gẩy thức ăn mà không hề đưa lên miệng. — Chị em mà khó ở là thể nào anh cũng bị lây. Anh rể nói mà như thể thanh minh rồi thở dài. Hình như chị coi cái vẻ phát ốm đó của anh là một sự chia sẻ. Anh vừa xoa xoa lưng chị, đang nhắm mắt nhắm mũi nuốt miếng bánh sừng bò, vừa lấy tay ôm ngực với vẻ mặt xanh xao. Sau đó, hai người dìu nhau như một đôi chim non bị thương vào buồng ngủ từ sớm và không ra ngoài cho đến tấn sáng hôm sau. Tôi thấy cám cảnh cho anh rể. Vì chẳng có lí do nào cho cái sự khó ở của anh cả. Hễ nghĩ đến tiếng thở dài yếu đuối của anh là tôi lại thấy sốt ruột. Bất chợt, tôi nghĩ, tôi nhất định sẽ yêu một người đàn ông có thể đánh bay cả suất cơm Pháp đủ món ngay trước mặt mình, mặc cho lúc ấy tôi có gầy vêu vao vì ốm nghén. Thứ Sáu, Mùng 6 Tháng Hai Mười một tuần + Bốn ngày Độ này tôi thường ăn cơm một mình. Tôi thong thả nhai trong lúc ngắm nhìn bồn hoa hay cái xẻng nơi góc vườn, hay những đám mây đang trôi trên trời. Tôi nhâm nhi khoảng thời gian tự do của mình bằng những chai bia và những điếu thuốc lá mà chị tôi rất ghét vào bữa trưa. Tôi chẳng thấy buồn. Tôi thấy bữa cơm có một mình hợp với tôi hơn. Sáng nay, khi tôi đang ốp trứng với thịt xông khói thì chị tôi chạy từ trên tầng xuống. — Mùi gì mà kinh thế! Em thôi đi được không! Chị vừa vò đầu vừa hét lớn. Trông chị kích động và sắp khóc. Đôi chân trần thò ra từ chiếc quần ngủ trong suốt và giá lạnh như thủy tinh. Chị thô bạo đưa tay tắt phụt bếp ga. — Chỉ là trứng ốp lết và thịt xông khói bình thường thôi mà. Tôi khẽ nói. — Bình thường gì mà bình thường. Mùi bơ, mùi sữa, mùi trứng, mùi thịt lợn hun khắp nhà làm chị nghẹt thở rồi đây. Chị gục đầu xuống bàn ăn, bắt đầu khóc thật. Tôi không biết phải làm sao, đành cho quạt thông gió chạy và mở cửa sổ. Chị khóc từ sâu trong lòng mình. Kiểu khóc yêu kiều như đang diễn kịch. Những sợi tóc rũ xuống ngang tai, đôi vai khẽ rung lên và giọng nói lẫn đầy nước mắt. Tôi đặt tay lên lưng chị với ý định làm chị nguôi ngoai. — Chị muốn em thôi đi. Vừa thức dậy, cái mùi kinh tởm này đã bám vào khắp người rồi. Mồm chị, phổi chị, dạ dày chị đang lộn hết cả lên đây. Người chị đang nôn nao đây này. Chị vừa khóc vừa nói. — Tại sao trong nhà mình lại nhiều mùi như thế chứ? Tại sao cái gì cũng xông lên thứ mùi lờm lợm như thế chứ? — Em xin lỗi. lần sau em sẽ để ý hơn. Tôi rụt rè nói. — Không chỉ món trứng ốp lết với thịt xông khói của em đâu. Cả cái chảo rán cháy, cái đĩa sứ, cục xà phòng bồn rửa mặt lẫn tấm rèm phòng ngủ, tất cả đều bốc mùi. Mùi nào cũng thế, giống hệt bọn trùng a-míp, lan ra khắp nơi, rồi một mùi khác bao bọc lấy chúng và phình to ra, rồi lại một mùi khác nữa trộn vào chúng.. ôi, một chuỗi dài bất tận. Chị chùi khuôn mặt đẫm nước mắt lên mặt bàn. Tôi vẫn đặt nguyên lòng bàn tay tôi lên lưng chị, không biết phải làm sao, chỉ biết ngắm nhìn những ô kẻ ca rô của bộ pajama trên người chị. Tiếng động cơ của chiếc quạt gió chưa bao giờ ồn ào đến thế. — Em có biết mùi là thứ đáng sợ thế nào không? Chị không thể nào trốn thoát khỏi chúng. Chúng dồn dập tấn công chị chẳng chút nương nhẹ. Chị muốn đến một nơi không có mùi. Một nơi giống như phòng vô khuẩn của bệnh viện. Ở đó, chị sẽ moi nội tạng của mình ra và lấy nước cất rửa cho tới lúc sạch bóng thì thôi. — Phải đấy, phải đấy. Tôi lẩm bẩm. Sau đó thì thử hít một hơi thật sâu. Nhưng chẳng thấy đâu cái bóng dáng thứ mùi mà chị nhắc tới. Chỉ có căn bếp của một buổi sáng trong lành. Những chiếc cốc cà phê thẳng hàng nơi chạn bát, những tấm giẻ lau vắt trên tường khô ráo tinh tươm, và bầu trời xanh biếc như sắp đóng băng in bóng lên ô cửa sổ. Tôi không biết chị đã khóc trong bao lâu. Có thể là vài phút, hoặc đã lâu tới mức không còn nhớ được. Dù sao chị cũng đã khóc thỏa cơn, nên cuối cùng, chị trút ra một hơi dài và ngẩng mặt nhìn tôi. Lông mi và hai má chị ướt đầm, song dường như đã bình tâm trở lại. — Không phải là chị không muốn ăn. Chị lặng lẽ nói. — Thực tình chị muốn ăn mọi thứ. Chị muốn ăn ngấu nghiến như một con ngốc. Chị thèm được như cái dạo nhìn món gì cũng thấy ngon. Vì thế mà chị tưởng tượng rất nhiều. Về một cái bàn ăn có lọ tường vi đặt chính giữa, ánh sáng của những cây nến lóng lánh trong ly vang, làn hơi nóng từ bát súp và các món thịt tỏa lên trắng xóa. Và tất nhiên không có mùi gì ở đó cả. Chị còn nghĩ, mình sẽ ăn gì trước tiên khi dứt nghén. Nhưng chị chẳng hiểu có thật rồi nó sẽ dứt. Chị thử vẽ cả tranh. Tranh cá bơn xốt bơ, sườn lợn rán, xa lát súp lơ xanh. Chị cố tưởng tượng để vẽ sao cho thật giống. Chị thấy mình như một con ngốc. cả ngày chị chỉ nghĩ đến chuyện ăn. Hệt như bọn trẻ con thời chiến. Chị lấy ống tay áo lau nước mắt. — Đừng tự trách mình ngốc nghếch. Chị có lỗi gì đâu. Tôi an ủi. — Cảm ơn em Chị đáp, với ánh mắt vô hồn. — Từ rày, lúc nào có chị em sẽ không dùng bếp nữa. Chị gật đầu. Trong chiếc chảo rán, trứng ốp lết với thịt hun khói nguội ngắt đang thở phập phồng. Thứ Ba, Mùng 10 Tháng Hai Mười hai tuần + Một ngày Mười hai tuần nghĩa là đã bước sang tháng thứ tư. Nhưng cơn nghén của chị chẳng có gì chuyển biến. Như một tấm áo cánh sũng nước, vẫn dính bết vào người chị.Quả đúng như tôi nghĩ, hôm nay chị đã tới bác sĩ Nikaido. Cả thần kinh, lẫn hormon và tâm trạng của chị đều đang rối loạn. Lần nào đến nhà bác sĩ Nikaido cũng vậy, chị phải mất bộn thời gian để có thể chọn được một bộ cánh mặc đi. Chị bày nào áo khoác, nào váy, nào áo len, nào khăn choàng, mỗi thứ mấy bộ trên giường và cân nhắc một cách thận trọng. Tiếp đó, chị sẽ trang điểm cẩn thận hơn mọi ngày. Tôi thường lo lắng nghĩ, thấy chị như thế, chẳng biết anh rể có ghen không? Nghén làm cho hông chị săn lại, má nhẹ nhõm và cằm gọn ghẽ hơn, nom chị càng ngày càng đẹp. Không hề giống một thai phụ chút nào. Tôi từng gặp bác sĩ Nikaido trong một lần bác sĩ đưa chị về nhà hôm trời bão. Đó là một người đàn ông trung niên có khuôn mặt hết sức bình thường. Không thể thấy ở ông ta bất kì ấn tượng đáng lưu tâm nào, ví như một đôi tai dày dặn, hay những ngón tay khỏe khoắn, hay một cái cổ với những đường nét rõ ràng. Ông ta chỉ lặng lẽ đứng sau lưng chị, đôi mắt cụp xuống. Cũng bởi trời mưa làm tóc và vai ướt bết nên trông ông ta càng thảm hại. Tôi không biết bác sĩ Nikaido dùng phương pháp điều trị gì, nhưng theo lời kể của chị thì hình như ông ta có tiến hành một chút xét nghiệm tâm lý, sử dụng liệu pháp thôi miên và kê thuốc. Chỉ có điều, mặc dù được bác sĩ Nikaido chữa trị liên tục trong suốt hơn chục năm trời từ dạo cấp ba, tôi thấy chứng bệnh thần kinh của chị chẳng hề thuyên giảm. Bệnh của chị lúc nào cũng lều bều như đám rau câu trên mặt biển. Còn lâu mới chịu ngoan ngoãn thu mình xuống đáy cát. Tuy nhiên, chị thường bảo, người chị nhẹ tênh trong suốt những giờ trị liệu. — Giống khi người ta gội đầu cho mình ở tiệm làm đẹp. Khoan khoái nhất là lúc được ai đó săn sóc cho cơ thể mình. Chị nói, mắt khẽ nhắm, như thể đang nhớ lại cái cảm giác dễ chịu ấy. Tôi thì không cho bác sĩ Nikaido là chuyên gia thần kinh xuất sắc đến thế. Trong cái đêm trời nổi bão, bác sĩ Nikaido im lặng đứng chôn chân ở trước cửa nhà tôi, ánh mắt e dè đến nỗi trông giống một bệnh nhân tâm thần hơn là một bác sĩ. Chẳng hiểu ông ta làm cách nào để xoa dịu những sợi thần kinh mong manh kia của chị? Nắng đã tắt, vầng trăng vàng óng đã hiện ra trong bóng tối, vậy mà chị vẫn chưa về. — Ra ngoài giữa đêm lạnh thế này chẳng biết có sao không? Anh rể lẩm bẩm như nói một mình. Khi có tiếng taxi dừng trước cửa, anh vội vàng ra đón chị. Chị vừa cởi khăn choàng vừa nói: “Em về rồi đây". Đồng tử và mi mắt chị sáng lên lạnh ngắt. Trông chị lặng lẽ hơn cả hồi sáng. Nhưng, việc thường xuyên tới chỗ bác sĩ Nikaido cũng chẳng giúp làm chị vơi cơn nghén. Chủ Nhật, Ngày Mùng 1 Tháng Ba Mười bốn tuần + Sáu ngày Tôi bỗng nhận ra rằng mình chưa bao giờ nghĩ đến đứa cháu sắp ra đời. Có lẽ tôi nên thử tưởng tượng về giới tính, tên hay quần áo sơ sinh của nó. Mọi người vẫn thường vui thú với việc đó đấy thôi. Chị và anh rể không bao giờ nói về đứa bé trước mặt tôi. Họ làm như thể việc mang thai và việc nó nằm trong bụng chẳng liên quan gì tới nhau. Thành ra tôi cũng cảm thấy đứa bé là một cái gì đó không thể nắm bắt. Từ khóa mà tôi dùng để nhận biết nó trong đầu mình lúc này là nhiễm sắc thể. Bằng nhiễm sắc thể, tôi có thể ý thức được hình dạng của đứa bé. Trước đây, có lần tôi đã thấy một bức ảnh chụp nhiễm sắc thể trên một tạp chí khoa học hay ở đâu đó. Trông nó giống như vô số những cặp ấu trùng song sinh đang xếp thành hàng dọc. Lũ ấu trùng hình trụ thon dài vừa đủ tròn trịa để có thể nhúp lấy bằng đầu ngón trỏ và ngón cái, những chỗ thắt vào bé xíu và lớp biểu bì ẩm ướt hiện lên sống động. Mỗi cặp lại sở hữu một cá tính riêng, cặp thì đầu mút gập xuống như một miếng bít tết, cặp thì nằm song song đối diện với nhau, cặp thì hai đứa trẻ sinh đôi dính liền, đủ mọi hình dạng. Mỗi lần nghĩ đến đứa bé trong bụng chị, tôi lại tưởng tượng ra cặp ấu trùng sinh đôi ấy. Trong đầu mình, tôi thử miết tay lên cái hình nhiềm sắc thể của đứa bé. Thứ Bảy, Ngày mùng 4 Tháng Ba Mười sáu tuần + Năm ngày Đã sang tháng thứ năm vậy mà bụng chị vẫn chẳng cộm lên chút nào. Mấy tuần liền chị chỉ ăn bánh mì sừng bò với nước uống thể thao nên người càng ngày càng seo sắt. Ngoài những lúc tới bệnh viện M và chỗ bác sĩ Nikaido, chị suốt ngày nằm bẹp trên giường như một con bệnh nặng. Việc duy nhất tôi làm được là chú ý sao cho đừng có mùi gì cả. Tôi đổi toàn bộ xà phòng trong nhà sang loại không mùi. Những thứ gia vị như ớt cựa gà, húng tây, xôn, tôi đều cho vào trong lon đậy kín. Tôi đem hết chỗ mĩ phẩm từ phòng chị về phòng mình. Chị bảo mùi kem đánh răng làm chị ghê cổ, thế là anh rể bèn mua về loại bàn chải dùng tia nước. Chỉ khi nào cần lắm tôi mới mang nồi cơm, bếp điện từ và máy pha cà phê ra ngoài vườn rồi trải chiếu ngồi ăn. Vừa ngắm bầu trời đêm vừa ăn cơm một mình ngoài vườn thật nhẹ nhõm. Mới sang xuân, màu sắc của màn đêm và cảm giác về những cơn gió thật mềm mại, chẳng lạnh chút nào. Lòng bàn tay và đôi chân đang duỗi dài trên chiếu của tôi gần như lẫn vào bóng tối, ấy vậy mà tôi lại trông rất rõ bụi tử vi, những viên gạch xây bồn hoa trong vườn và những vì sao bé tẹo đang nhấp nháy. Chẳng có âm thanh nào khác ngoài tiếng chó sủa xa xa. Tôi cắm phích nồi cơm vào cái ổ điện mà phải vất vả lắm tôi mới kéo được ra vườn, lát sau hơi nước trắng mờ bắt đầu bốc khói lên quyện vào bóng tối. Rồi tôi hâm nóng gói sốt kem ăn liền bằng bếp điện từ. Thảng hoặc, một vài cơn gió mạnh thổi tới đem theo hơi nước nóng bay tít lên bầu trời cao. Những tán cây trong vườn lay động. Lúc ăn cơm ngoài vườn, tôi thường ăn lâu thường lệ. Bát đĩa đặt trên cái chiếu cái nào cái nấy cứ nghiêng nghiêng. Vừa múc nước xốt vừa tránh để tràn ra ngoài, tôi thấy mình như một đứa trẻ đang chơi đồ hàng. Dưới màn đêm, thời gian trôi đi thong thả. Tôi nhìn lên, ánh đèn trong căn phòng trên tầng hai của chị đang mờ mờ sáng. Vừa nghĩ đến cảnh chị nằm cuộn tròn trên giường giữa đủ thứ mùi lởn vởn, tôi vừa há to miệng húp chỗ nước xốt cùng với bóng đêm. Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng Ba Mười bảy tuần + Sáu ngày Bố mẹ anh rể mang tới một món rất lạ được gói trong tấm vải hoa. Món đó là một vuông vải dài màu trắng, có khổ rộng chừng năm mươi phân. Lúc mẹ anh rể cẩn thận cởi cái bọc ra, tôi chẳng thể đoán được nó là cái gì. Tôi thấy nó chẳng khác một miếng vải bình thường. Anh rể trải rộng nó ra trước mặt, có hình một con chó được triện trên mép vải. Tai con chó dựng đứng, có vẻ rất khôn ngoan. — À, hình như hôm này là ngày tuất của tháng thứ năm, phải không ạ? Chị hỏi bằng giọng yếu ớt. Ngay cả khi ở trước mặt bố mẹ chồng, chị cũng không thể giấu nổi vẻ mệt mỏi. — Đúng rồi. Mấy thứ này hơi lôi thôi, nhưng mà lành lắm con ạ. Nói rồi bác gái bày ra trước mặt chúng tôi một thanh tre, một mớ chỉ điều và một cái chuông nhỏ màu bạc. Cuối cùng bác lấy ra tờ giấy gấp của nhà chùa hướng dẫn cách dùng những thứ ấy để cầu cho mẹ tròn con vuông — Úi chà, có cả sách hướng dẫn nữa hả bác? Tôi thán phục thốt lên. — Ở nhà chùa người ta bán cả bộ cháu ạ! Bác gái cười. Tôi chợt thấy lo lắng, nhỡ đâu thuốc nhuộm trắng của miếng vải và cái thanh tre chẳng biết để làm gì kia lại bốc ra thứ mùi gì đó. Chị vuốt ve bìa tờ gấp bằng những ngón tay thon thả của mình. Năm người chúng tôi lần lượt cầm từng món một lên xem, người nào cũng gật gù, hết lật lên lật xuống, lại lắc tới lắc lui. Sau khi bố mẹ anh rể về, chị liền nhốt mình trong phòng, chẳng còn quan tâm tới mấy món đồ nhà chùa đó nữa. Anh rể nhặt lấy từng thứ gói lại như cũ. Chiếc chuông khe khẽ rung lên. — Tại sao người ta lại triện con chó vào chỗ này hả anh? Tôi hỏi anh rể. — Mỗi lứa, chó đẻ được rất nhiều con. Mà lại đẻ rất dễ, nên người ta dùng nó làm bùa an thai. — Động vật mà cũng có đẻ dễ với đẻ khó cơ ạ? — Có lẽ là vậy đấy! — Chó con chui ra có dễ dàng như khi mình bóp cho hạt đậu Hà Lan bật khỏi vỏ không anh? — Ừ, chẳng biết có giống thế không. — Anh đã bao giờ thấy chó sinh con chưa? — Chưa. Anh vừa lắc đầu vừa đáp. Ở trong bọc vải, con chó đang nhìn chằm chằm về phía tôi. Thứ Ba, Ngày 31 Tháng Ba Mười chín tuần + Một ngày Chỗ làm thêm hôm nay ở xa nên tôi phải dậy tự khá sớm. Suốt dọc đường đi bộ ra ga, sương sớm vây chặt quanh tôi. Lông mi lạnh buốt vì ướt. Tôi thích công việc làm thêm kiểu này. Mỗi ngày, tôi sẽ tới siêu thị ở một thị trấn xa lạ và không bao giờ phải ghé lại lần hai. Đứng ngắm những con người túm tụm trong cái siêu thị trước cửa một ga xép có thanh chắn tàu, có bãi để xe đạp và có bến xe bus, tự nhiên tôi thấy mình như đang đi du lịch. Lúc nào cũng vậy, tôi xuất trình thẻ qua cửa và đi vào siêu thị từ lối cửa sau. Lối cửa sau của siêu thị luôn bề bộn những thùng các tông, mẩu vụn rau và những mẩu ni lông ướt, cảm giác thật buồn tẻ. Ánh đèn huỳnh quang lờ mờ yếu ớt. Tôi đưa thẻ qua ô cửa sổ nhỏ của phòng trực ban, người bảo vệ lạnh nhạt gật đầu. Trước giờ mở cửa, các kệ hàng vẫn còn được che kín, điện hầu như chưa được bật, khu bán hàng cũng hiu hắt như lối cửa sau. Tôi đeo túi đồ nghề lên, dạo quanh khu bán hàng một lượt để tìm ra địa điểm thích hợp nhất cho công việc của mình. Hôm nay tôi chọn lối đi giữa quầy thịt và hòm thực phẩm đông lạnh Đầu tiên, tôi xếp những thùng các tông xin được ở lối cửa sau thành một cái bệ và phủ khăn trải bàn có hình hoa lên trên. Tiếp theo, tôi bày bánh quy mặn lên những cái đĩa đặt trên bàn. Sau đó, tôi lấy âu và máy tạo bọt ra đánh kem trứng. Tiếng đánh kem vang khắp các ngóc ngách yên ắng giữa các kệ hàng bao giờ cũng làm tôi thấy ngượng. Mặc kệ ánh mắt của các nhân viên siêu thị đang rục rịch xếp hàng trước quầy thu ngân cho lễ tập trung buổi sáng, tôi ra sức quấy đảo chiếc máy tạo bọt. Ở siêu thị hôm nay tôi tới làm, người ta mới sửa sang nội thất thành ra sàn và trần nhà sạch bóng. Tôi quết kem lên bánh quy mặn và đưa ra mời các khách tới mua đồ. Lúc đó, tôi sẽ nói đúng mẫu câu được viết trong sổ tay nhân viên. “Món kem đánh trứng hôm nay rất rẻ. Xin mời quý khách dùng thử và mua về cho chiếc bánh ga tô tự tay mình làm". Ngoài câu ấy ra, tôi không cần phải nói gì thêm nữa. Những phụ nữ luống tuổi đi xăng đan, những cậu nhóc trong bộ đồ thể thao, những người Philippin tóc xoăn, có biết bao loại người qua lại trước mắt tôi. Vài người trong số đó sẽ nhúp lấy một cái bánh trên chiếc đĩa tôi chìa ra lên ăn. Có những người vừa lẩm bẩm: “Chẳng biết rẻ hơn bình thường được bao nhiêu"? Vừa đi vụt qua, và cũng có những người chỉ lẳng lặng đút kem vào giỏ. Tôi mỉm cười vừa đủ để bình đẳng với bất cứ ai. Bởi lẽ số hộp kem tôi bán được chẳng liên quan gì tới thù lao làm thêm của tôi. Không bận tâm tới bất cứ loại người nào và điềm nhiên mỉm cười với tất cả khiến tôi thấy dễ chịu hơn. Người đầu tiên tới ăn thử là một bà cụ lưng đã còng. Bà quấn quanh cổ một chiếc khăn giống như khăn mùi soa, tay trái lủng lẳng chiếc túi vải màu nâu. Giản dị tới mức có thể lặng lẽ tan biến vào giữa đám đông của siêu thị. — Cháu này, bà thử một miếng được chứ? Bà cụ ý tứ tiến lại gần. — Vâng, mời bà ạ. Tôi tươi tắn đáp. Thoạt tiên, bà cụ dán mắt vào chiếc đĩa, như thể đang nhìn vào vật gì lạ lắm. Thế rồi, bà chậm chạp đưa cánh tay ra, nhón lấy chiếc bánh bằng những ngón tay khô mốc. Nhưng đoạn thả chiếc bánh vào trong miệng thì nhanh đến khó tả. Bà mở tròn miệng như một đứa trẻ, sau đó ngậm miệng lại và nhắm mắt. Chúng tôi bị vây quanh bởi vô vàn thực phẩm. Đằng sau bà cụ là quầy thịt, những thịt thái chỉ, thịt tảng, thịt xay xếp thành hàng ngay ngắn; còn đằng sau tôi, những đậu đũa, bánh nướng, croquette chìm trong làn hơi của quầy đông lạnh. Thực phẩm la liệt chất trên những chiếc kệ cao quá đầu người nối đuôi nhau xếp kín cả sàn nhà rộng thênh thang. Rau tươi, sản phẩm sữa, bánh kẹo cùng gia vị, thứ nào cũng đầy ngồn ngộn. Hẳn người ta phải chóng mặt khi đứng giữa các kệ mà nhìn lên. Cơ man những người xách giỏ mua hàng diễu qua chúng tôi. Họ lượn lờ chọn đồ ăn như lũ phù du vật vờ trong nước. Tôi rùng mình khi nghĩ mọi thứ ở đây đều ăn được. Có tới ngần này con người lui tới đây chỉ để tìm thức ăn. Thế rồi tôi buồn bã ngắm nhìn những chiếc bánh sừng bò và liên tưởng tới cảnh chị tôi đang lấy tay véo một góc bánh nhỏ. Khóe mắt như sắp khóc khi vừa nuốt xong miếng bánh của chị cùng những mẩu vụn bánh vãi trắng trên mặt bàn lần lượt hiện lên trong óc tôi. Trong lúc bà cụ ăn bánh, tôi có thể thoáng thấy lưỡi bà. Cái lưỡi đỏ tươi, chẳng hề tương xứng với cơ thể đã già yếu. Ánh đèn lóe lên trên mặt lưỡi lổn nhổn, khiến nó hiện rõ ngay cả trong vòm miệng tối om. Cái lưỡi mềm mại cuộn lấy màu trắng của lớp kem. — Cháu này, bà thử một chiếc nữa được không? Bà cụ cúi xuống, vừa đung đưa túi vừa hỏi. Hiếm có người nào ăn thử đến cái thứ hai nên tôi hơi bối rối, nhưng không cần nhiều thời gian để tôi lấy lại bình tĩnh và nở một nụ cười: “Vâng, bà cứ tự nhiên ạ"! Giống y như lúc trước, bà cụ lại nhón lấy chiếc bánh quy mặn bằng những ngón tay nhăn nheo, há tròn miệng, thả bánh vào trong và để lộ ra chiếc lưỡi đỏ tươi. Cái cách ăn của bà trông mới khỏe khoắn làm sao. Có nhịp điệu và sức mạnh, mọi thứ tiếp nối không ngừng. — Cảm ơn cháu, cho bà mua cái này. Bà cụ đút hộp kem trứng vào giỏ. — Cảm ơn bà. Trong lúc đáp lại, tôi thầm tự hỏi không biết bà cụ sẽ ăn chỗ kem ấy như thế nào sau khi về đến nhà. Tấm lưng nhỏ thó ngay lập tức khuất dạng giữa đám đông. Thứ Năm, Ngày 16 Tháng Tư Hai mươi mốt tuần + Ba ngày Hôm nay là ngày đầu tiên chị mặc váy bầu. Chỉ chờ có vậy, bụng chị lập tức trông cộm hẳn lên. Nhưng khi sờ vào thì lại chẳng có gì khác lạ. Tôi chẳng thể nào tin nổi phía bên kia lớp da dưới lòng bàn tay mình là một con người đang sống. Chị có vẻ vẫn chưa quen với chiếc váy bầu, cứ thắt đi thắt lại dây váy. Thế rồi đột nhiên chị dứt nghén. Nó biến mất đường đột cũng như khi nó đến. Buổi sáng, sau khi tiễn anh rể đi làm, chị vào bếp. Kể từ dạo bị nghén, bếp luôn là nơi khó chịu nhất với chị, thế nên tôi không hiểu làm sao mà chị lại đang đứng tựa vào chạn bát. Bếp sạch ráo vì từ lâu tôi không nấu nướng. Mọi dụng cụ nấu bếp đều được thu gọn vào một chỗ, bệ bếp bằng thép không gỉ khô cong, máy rửa bát trống rỗng. Trông lạnh lẽo và vô vị như một phòng trưng bày. Sau một hồi ngó nghiêng quanh quất, chị ngồi xuống bàn ăn. Thường thì trên bàn bao giờ cũng có đĩa nước xốt còn thừa hoặc hộp bánh quy ăn dở, vậy mà lúc này lại sạch trơn. Chị ngẩng lên nhìn tôi như muốn nói điều gì đó. Gấu váy rung rinh dưới chân. — Chị ăn bánh sừng bò nhé? Tôi hỏi một cách thận trọng, để khỏi làm hỏng tâm trạng của chị. — Xin em đấy, đừng bao giờ nhắc đến cái thứ bánh ngọt sắc trông như đồ chơi ấy nữa được không. Chị nói. Tôi ngoan ngoãn gật đầu. — Chị muốn thử món khác. Chị nhỏ nhẹ nói tiếp. — Em hiểu rồi. Vừa tự hỏi chẳng biết đã mấy tuần nay rồi chị mới đòi ăn như thế, tôi vừa nhanh nhẹn mở tủ lạnh. Chẳng còn gì. Chỉ có ánh đèn choán đầy ngăn tủ. Tôi đóng nó lại trong tiếng thở dài. Tôi tiếp tục ngó qua tủ bếp. Chỗ ấy cũng vậy. Chẳng tìm thấy thứ gì ra hồn. — Có gì không? Chị có vẻ lo lắng. — Xem nào, có một gói gelatin đóng bánh, nửa gói bột kiều mạch, mộc nhĩ khô, phẩm đỏ, khuẩn lên men, dầu va ni.. Tôi bới tìm giữa đống túi, gói và chai lọ. Phát hiện ra hai ổ bánh mì sừng bò, tôi giấu vội vào góc trong cùng. — Chị muốn ăn một cái gì đó. Chị nói dứt khoát, như vừa đưa ra một quyết định lớn lao. — Chờ em một tí. Thế nào cũng phải có thứ gì đó ăn được. Tôi thò hẳn mặt mình vào ngăn tủ. Lần lượt xem xét từ trên xuống dưới, tôi tìm thấy ở ngăn dưới cùng một túi nho khô dùng để làm bánh còn thừa. Ngày tháng sản xuất đề cách đó đã hai năm. Trông chúng khô quắt như đám con ngươi lấy từ xác ướp. — Cái này có được không? Tôi chìa chị xem túi nho khô. Chị gật đầu. Không hiểu bằng cách nào chị có thể nhồm nhoàm nhai những vật cứng nhắc như thế này với vẻ mặt thản nhiên đến vậy. chị không ngừng vốc nho từ trong túi, quai hàm cử động hết cỡ. Toàn bộ cơ thể và tâm trí dồn cả vào việc ăn. Thế rồi sau khi đổ nắm nho cuối cùng ra tay và ngắm nghía hồi lâu, chị từ từ đưa chúng lên miệng đầy lưu luyến. Đến lúc ấy tôi mới nhận ra chị đã hết nghén. Thứ Sáu, Mùng 1 Tháng Năm Hai mươi ba tuần + Bốn ngày Trong mười ngày, chị lấy lại năm cân thể trọng bị sút sau mười bốn tuần ốm nghén. Hễ tỉnh táo là chị phải kiếm cái gì đó để ăn. Bất cứ khi nào nhìn chị, tôi sẽ thấy chị hoặc là đang ngồi ăn trên bàn, hoặc chị đang ôm trong bọc một gói snack, hoặc chị đang tìm cái mở lon, hoặc chị đang nhòm tủ lạnh. Tưởng như tồn tại của chị đã bị cơn đói nuốt chửng. Chị ăn điên cuồng. Luôn mồm nhai nuốt một thứ gì đó, liên tục như hít thở. Ánh mắt vô hồn, xa xăm nhìn vào một điểm. Đôi môi chuyển động săn chắc như bắp đùi một vận động viên điền kinh lão luyện. Hệt như hồi chị ốm nghén, tôi chẳng biết làm gì ngoài việc trân trân đứng nhìn. Đêm mưa hôm ấy, chị đột nhiên thèm ăn một thứ hết sức oái oăm: kem quả sơn trà. Ngoài sân mưa tuôn xối xả, trắng xóa cả một vùng. Sắp đến nửa đêm, mọi người đều đã thay sang quần áo ngủ. Lấy đâu ra hàng quán mở cửa vào giờ này, mà tôi còn chẳng biết có cái thứ kem ấy ở trên đời này không nữa. — Em muốn ăn kem sơn trà. Màu vàng ươm của kem xếp lớp lên nhau như những mảnh pha lê và cái âm thanh lạo xạo của nó mới ngon lành làm sao. Chị nói. — Đang đêm thế này thì chịu thôi, để ngày mai anh tìm mua cho em. Anh rể dịu dàng thoái thác. — Không được. Phải là bây giờ cơ. Trong đầu em chỉ có quả sơn trà thôi. Nó làm em thèm đến tức thở, không sao ngủ được. Chị tôi một mực yêu cầu, xem ra không có gì lay chuyển nổi. Tôi ngán ngẩm để mặc hai người, ngồi phịch xuống ghế sofa. — Không phải quả sơn trà cũng được mà. Kem cam hay kem chanh may ra có bán ở cửa hàng tiện lợi. Nói rồi anh rể cầm lấy chìa khóa xe. — Trời đang mưa, anh định đi ra ngoài thật à? Tôi chán chường cất tiếng. — Không phải sơn trà thì vô nghĩa. Tôi thèm cái vỏ giòn tan, đầy lông tơ vàng rộm và cái mùi thoang thoảng ấy. Không phải là tôi thèm, mà là cái thai trong tôi thèm. Cái Thai các người hiểu chưa! Nên tôi chẳng thể làm gì với nó được. Bỏ ngoài tai lời tôi nói, chị tiếp tục đòi hỏi phi lí của mình. Chị phát âm từ Cái Thai đầy vẻ sợ hãi, như khi nhắc tên của một loài sâu róm dị dạng. Anh rể ôm vai chị và đưa ra một loạt đề xuất nhằm xoa dịu chị. — Trong nhà mình còn kem hộp đấy. — Hay em ăn socola nhé? — Ngày mai anh sẽ tới quầy thực phẩm của cửa hàng bách hóa xem sao. — Còn hôm này em uống nốt chỗ thuốc của bác sĩ Nikaido rồi đi ngủ đi. Anh rể bồn chồn vân vê chùm chìa khóa trong tay. Ánh mắt nhìn chị đầy vẻ sợ sệt khiến tôi bực mình. Cái cảnh ba người trưởng thành giữa đêm bị dựng dậy bởi món kem sơn trà mới thật khôi hài. Tôi chịu không thể hiểu nổi tại sao lại có chuyện này. Dù cho ba người chúng tôi có nghĩ nát óc thì cũng chẳng tìm đâu ra cái món kem sơn trà ấy. Thứ Bảy, Ngày 16 Tháng Năm Hai mươi lăm tuần + Năm ngày Đôi khi tôi thường hay ngẫm nghĩ về vai trò của anh rể. Về những tác động của anh ấy trong thời kì chị mang thai. Đấy là giả sử có chuyện đó. Anh rể lúc nào cũng sợ sệt nhìn chị. Mỗi khi tâm trạng chị xáo trộn, anh chỉ biết chớp chớp mắt đầy vẻ bạc nhược, luôn miệng lúng búng những từ à, ừ vô nghĩa, rồi cuối cùng, khi không còn cách nào nữa, anh đành ôm vai chị. Sau đó anh sẽ có nặn ra một vẻ mặt thật dịu dàng như thể tự thuyết phục mình rằng, đây chính là điều cô ấy mong đợi nhất. Ngay từ lần đầu gặp anh ở trung tâm nha khoa, tôi đã phát hiện ra cái tính cách đáng ngán ấy của anh. Hồi yêu anh, thậm chí cả sau khi đính hôn, chị không bao giờ dẫn anh về nhà, thành ra tôi chưa có dịp gặp anh từ trước. Đúng dạo ấy tôi bị sâu răng, thế là chị giới thiệu tôi tới trung tâm nha khoa anh làm. Chữa răng cho tôi là một bà bác sĩ luống tuổi ưa chuyện phiếm. Biết tôi là em gái vợ chưa cưới của anh, bà ta hỏi đủ thứ về chị. Mỗi lần như thế, tôi buộc phải ngậm cái miệng đang ứa đầy nước bọt lại để nói, mệt không tả nổi. Đến công đoạn lấy mẫu để làm lớp phủ răng bằng vàng thì anh bước ra từ phía sau cánh cửa phòng khám. Vì là kĩ thuật viên nên anh mặc áo choàng trắng ngắn hơn của các bác sĩ. So với bây giờ anh gầy hơn một chút và tóc dài hơn. Lúc anh đứng bên cạnh và chào hỏi tôi theo cái cách thông thường khi mới gặp nhau, tôi biết anh khá căng thẳng. Vì giọng anh sau khẩu trang có vẻ hụt hơi. Đang nằm thẳng đừ trên ghế khám, tôi không biết phải đáp lễ theo tư thế nào đành chỉ cúi đầu về phía anh. — Tôi xin phép được lấy mẫu. Anh nói với một ngữ điệu quá mức lịch sự rồi phủ khăn lên mặt tôi. Chiếc răng cần chưa trị nằm tít tận trong cùng nên thành ra tôi phải mở miệng hết cỡ. Anh đưa mặt lại gần và đút tay vào miệng tôi, những ngón tay ẩm ướt đầy mùi thuốc sát trùng chạm vào lợi. Tôi nghe thấy tiếng anh thở rất rõ qua khẩu trang. Bà bác sĩ chuyển qua bệnh nhân khác. Giọng nói tươi tắn văng vẳng cùng tiếng máy mài răng. — Men răng tốt lắm. Anh vừa thao tác vừa nói. Tôi chẳng hiểu men răng mình tốt xấu ra sao, chỉ khổ nỗi không sao có thể nói được gì với cái miệng đang há. — Hơn nữa răng rất đều. Cái nào cũng mọc thẳng trên lợi. Anh lẩm bẩm. — Màu lợi cũng rất khỏe mạnh. Tươi sáng và nhuận sắc. Tôi không hiểu tại sao anh lại phải trình bày cái ấn tượng bên trong miệng tôi? Tôi đâu cần anh miêu tả răng với lợi của mình. Sau khi đã ngắm nghía qua một lượt, từ chiếc ghế đẩu đang ngồi, anh với tay lấy khay thủy tinh nhỏ đặt trên chiếc xe đẩy xếp đầy lọ thuốc. Rồi anh đổ lên đó thứ bột màu hồng. Một mảng màu tươi tắn in dưới đáy kính mờ. Ánh sáng rọi xuống từ chiếc đèn hình đĩa to tướng làm trán tôi nóng rát. Những chiếc mũi khoan đầu tù, đầu nhọn xếp hàng trên mặt bàn bên cạnh. Chiếc cốc màu bạc đựng nước súc miệng đầy tràn. Anh rót lên mặt khay một loại chất lỏng từ chiếc bình giống như bình đựng sữa rồi ra sức quấy. Dây buộc khẩu trang sau tai rung lên yếu ớt. Mắt anh hết đảo từ bệnh án, qua chiếc khay rồi lại tới răng tôi. “Chẳng lẽ người đàn ông bạc nhược sau tấm choàng trắng cùng cái khẩu trang này sẽ cưới chị mình ư"! Tôi tự nhủ như vậy sau khi ngắm chỗ chất lỏng đang dần đặc lại như kẹo kéo trên mặt thủy tinh. Cho rằng từ “cưới" hơi thiếu tự nhiên, tôi thử đổi sang cách gọi khác như là “ở cùng chị, yêu chị, ngủ với chị" nhưng chẳng thấy cái nào phù hợp. Tiếng cái dao bay nghiến lên thủy tinh nghe thật chối tai. Chẳng hề gì, anh vẫn tiếp tục miết nó trên khay. Chất bột màu hồng cuối cùng vón lại như đất sét. Anh kẹp lấy nó bằng ngón trỏ và ngón giữa, dùng những ngón còn lại vành miệng tôi ra rồi dính chặt nó vào chiếc răng trong cùng. Chẳng có vị gì, chỉ có cảm giác tê tê đầu lưỡi. Ngón tay anh không ngừng gãi vào lớp niêm mạc trong miệng làm tôi chỉ muốn cắn thật mạnh vào chúng và cái viên màu hồng kia. Thứ Năm, Ngày 28 Tháng Năm Hai mươi bảy tuần + Ba ngày Càng ăn, bụng chị càng nở ra. Cho dù từng thấy người mang thai trước đó song bởi chưa bao giờ được nhìn tận mắt quá trình biến đổi hình dáng cơ thể nên tôi không khỏi tò mò quan sát chị. Sự biến đổi bắt đầu từ phần bụng ngay bên dưới ngực. Từ đó nó phình dần ra, một mạch xuống tận bụng dưới. Sờ vào đó, tôi giật mình vì nó cứng hơn tôi tưởng. Cảm giác có cái gì bị bó chặt ở bên trong. Cái bầu không hề cân đối, mà hơi méo. Điều đó càng làm tôi sợ. — Thời kì này, thai nhi đã hình thành nó trên và mí dưới, lỗ mũi đã thông với xoang rồi đấy. Nếu là con trai thì bộ phận sinh dục nằm trong khoang bụng bắt đầu di chuyển xuống dưới. Chị giải thích một cách điềm nhiên về đứa bé. Nào là thai nhi, nào là khoang bụng, nào là bộ phận sinh dục, cách dùng từ chẳng giống với một bà mẹ khiến cảm giác về sự biến đổi của chị càng thêm dị thường. “Nhiễm sắc thể của thai nhi nhân đôi có thuận lợi không? Những cặp ấu trùng song sinh nối đuôi nhau lổm nhổm bò trong cái bụng đang phồng lên của chị". Tôi vừa ngắm nhìn chị, vừa tưởng tượng. Ở chỗ làm thêm hôm nay có một sự cố nhỏ. Một nhân viên đẩy xe hàng xếp đầy trứng gà không may giẫm phải mẩu rau diếp đã trượt chân đánh vỡ toàn bộ số trứng. Chuyện đó xảy ra ngay cạnh chỗ tôi đang trình diễn món kem, trứng gà rơi rào rào trước mắt. Khắp trên sàn nhà, những quả trứng giập nhảy nhớt nháp. Để giày thể thao của nhân viên bán hàng vẫn còn in hình trên rau diếp. Trứng rơi cả xuống quầy hoa quả dính đầy vào vỏ táo, vỏ dừa, vỏ chuối. Người quản lí siêu thị cho tôi một túi đầy bưởi Mỹ vì không còn bày bán được nữa. Trong nhà lúc này bao nhiêu thức ăn cũng thiếu nên tôi vui vẻ cầm về. Đặt bưởi lên bàn rồi mà tôi vẫn còn cảm thấy mùi trứng phảng phất đâu đó. Đấy là giống bưởi Mỹ tép to, vàng óng. Tôi quyết định sẽ nấu mứt. Bóc hết vỏ và tách từng múi ra quả là một công việc nặng nhọc. Chị và anh rể đi ăn cơm Tàu ngoài tiệm. Đêm lặng lẽ buông bên ngoài cửa sổ, chẳng còn âm thanh nào khác ngoài tiếng dao chạm vào xoong, tiếng bưởi lăn, tiếng ho của chính tôi. Nước bưởi bám vào các đầu ngón tay. Dưới ánh đèn bếp, đường vẫn của những múi bưởi hiện lên tươi rói. Tôi rải đường kính lên trên, đến lúc đường tan, trông chúng càng lóng lánh. Tôi xếp những múi bưởi hình bán nguyệt đáng yêu thành nhiều lớp. Đám vỏ dày nằm bừa bãi mới ngu ngốc làm sao. Tôi băm vụn chỗ vỏ sau khi đã gọt bỏ phần cùi trắng cho vào nồi. Nước bưởi màu vàng bắn tung tóe trên lưỡi dao, mu bàn tay, thớt, như một loài sinh vật. Trên vỏ cũng có những đường vân. Những đường vân với một quy luật nhất định, như người ta soi niêm mạc của con người dưới kính hiển vi. Sau khi châm lửa, tôi ngồi xuống ghế nghỉ ngơi. Tiếng sôi lục bục của những tép bưởi bồng bềnh trong đêm tối. Mùi thơm lẫn vị chua bốc lên cùng hơi nước nóng. Trong lúc quan sát đám tép bưởi nổ lách tách dưới đáy nồi, tôi chợt nhớ tới buổi thảo luận: “Suy ngẫm về ô nhiễm trái đất, Ô nhiễm nhân loại", mà một người bạn trong nhóm chuyên đề đã lôi tôi đi bằng được. Cuộc thảo luận được tổ chức trong phòng học số 313, tuy đơn giản, song tất cả các sinh viên có mặt đều nghiêm túc và tập trung. Duy có tôi là người ngoài cuộc, chỉ biết một mình ngắm nhìn hàng dương dưới sân trường từ cái bàn trong góc lớp. Một cô bạn mảnh khảnh đeo đôi kính đã lỗi mốt phát biểu về cái gì như là mưa axit, rồi ai đó đặt ra một câu hỏi khó khủng khiếp. Không có việc gì làm, tôi cuộn tròn tờ giới thiệu được phát đầu buổi hội thảo trong lòng bàn tay. Trang đầu tiên in bức hình một quả bưởi Mỹ. “Bưởi Mỹ, thứ thực phẩm nhập khẩu nguy hiểm! Được ngâm tẩm trong ba loại độc chất trước khi xuất hàng? Chất diệt nấm mốc PWH là chất gây ung thư cực mạnh, hủy hoại nhiễm sắc thể của con người!" Tờ giấy khi ấy lởn vởn trong đầu tôi. Đúng lúc vỏ và tép quện lẫn vào nhau sền sệt, nhiều chỗ đã quánh lại như thạch thì chị và anh rể về. Chị xộc thẳng vào trong bếp. — Mùi gì mà mê hồn thế này? Nói rồi chị ngó vào trong chiếc nồi tôi vừa tắt lửa. — Chị chưa từng thấy mứt bưởi bao giờ. Chưa kịp nói hết câu chị đã thò tay vào quệt đầy một ngón tay món mứt nóng bỏng. — Làm sao bằng kem sơn trà được! Tôi lẩm bẩm. Chị làm ra vẻ không nghe thấy, sục mạnh thìa vào trong nồi. Chị vẫn mặc nguyên váy bầu mới, đeo khuyên hoa tai và còn chưa bỏ chiếc sắc tay khỏi tay trái. Anh rể đang đứng sững người ở cách đó một chút. Chị không ngừng tay đưa mứt lên miệng. Cái bụng ưỡn ra khiến chị trông thật oai vệ. Những miếng mứt giòn tan trôi tuột qua cổ họng chị. “Liệu chất PWH có hủy hoại luôn cả nhiễm sắc thể của thai nhi không nhỉ"? Vừa nhìn chỗ mứt đang khẽ rung lên như sợ hãi dưới đáy nồi, tôi vừa tự hỏi. Thứ Hai, Ngày 15 Tháng Sáu Ba mươi tuần + Không ngày Bước sang mùa mưa phùn, chẳng có gì ngoài mưa. Bất kể là sáng hay tối, bầu trời lúc nào cũng nặng một màu xám xịt, nên cả ngày tôi không dám tắt đèn trong phòng. Tiếng mưa dai dẳng dội vào đầu nghe như bị ù tai. Những con mưa lạnh lẽo đến mức tôi lo lắng tự hỏi, có thật là sắp đến hè rồi không? Ấy vậy, cơn háu đói của chị thì chẳng có gì chuyển biến. Chị phì ra trông thấy. Cùng với nhịp độ nở ra của bụng, mỡ cũng bắt đầu bám vào má, cổ, ngón tay và cổ chân chị. Thứ mỡ trắng đục, không căng. Tôi chưa quen nhìn thấy chị béo như thế bao giờ, thành thử mỗi lần những nét chảy xệ bởi lớp mỡ bao quanh của chị đập vào mắt là tôi lại cảm thấy bối rối. Tôi chẳng dám hé răng nói gì vì chị hoàn toàn không quan tâm tới sự biến đổi đó, chỉ biết ăn lấy ăn để. Cơ thể chị tựa như đã biến thành một khối u to tướng. Thế rồi tôi vẫn tiếp tục nấu món mứt bưởi. Bưởi có mặt khắp nơi trong bếp, trong giỏ đựng hoa quả bằng mây, trên tủ lạnh hoặc bên cạnh đống lọ gia vị. Tôi thái vỏ, tách múi, rắc đường và ninh chúng lên bằng thứ lửa liu riu. Bao giờ cũng thế, mứt nấu xong, chị ăn luôn chứ chẳng kịp cho vào lọ. Đặt nồi lên bàn, tay trái ôm khư khư, chị xúc thẳng bằng thìa. Chị ăn mỗi mứt không, chẳng quết lên bánh mì hay gì khác. Nếu chỉ nhìn cái cách đưa thìa và cử động miệng của chị, người ta dễ lầm tưởng chị đang ăn cơm cà ri vì quá mạnh mẽ. Tôi chợt phân vân tự hỏi đấy có phải là người ta ăn mứt không? Tôi đang ngồi đối diện quan sát chị. Mùi chua của nước quả trộn lẫn với mùi nước mưa bay lơ lửng giữa hai người. Chị hầu như quên mất tôi. Đôi lần tôi tự hỏi. “Ăn nhiều thế mà chị không thấy sợ à"? Hoặc, “Ăn thế thôi đã nhé"! Nhưng vô ích. Giọng nói của tôi đã bị nhấn chìm bởi tiếng nuốt mứt của chị và tiếng mưa. Tôi nhìn chị lâu như thế không phải bởi cách ăn mứt bất thường mà có lẽ tại cái cơ thể kỳ dị. Cái bụng phình to khiến cho sự tương quan giữa các bộ phận trên người chị đều trở nên mất cân đối (chẳng hạn như bụng, chân và má, lòng bàn tay và dái tai, móng tay cái và mi mắt). Lúc chị nuốt mứt, lớp mỡ nơi cổ họng bò lên bò xuống. Cán thìa ngập lút giữa những ngón tay phù nề. Tôi lặng lẽ quan sát từng bộ phận ấy của chị. Sau khi liếm sạch thìa mứt cuối cùng, vẻ nũng nịu, chị nhìn tôi bằng ánh mắt ướt át và khẽ nói. — Hết mất rồi. — Mai em lại nấu. Tôi đáp, không biểu lộ gì. Thế rồi khi đã nấu hết số bưởi có trong nhà, tôi lại mua thêm bưởi ở chỗ làm. Mỗi lần như thế, bao giờ tôi cũng phải hỏi lại người phụ trách quầy hoa quả xem có đúng là bưởi Mỹ hay không? Thứ Năm, Mùng 2 Tháng Bảy Ba mươi hai tuần + Ba ngày Loáng một cái đã bước sang tháng thứ chín. Sau khi hết nghén, có vẻ như các tuần trôi qua nhanh hơn. Tựa như mọi cặn lắng trong quãng thời gian khó chịu khi ốm nghén được gột rửa sạch sẽ. Tuy nhiên, hôm nay từ viện M về chị có vẻ không vui. Hình như chị bị nhắc nhở về việc quá cân. — Này, em biết không? Họ bảo mỡ có thể bám vào cả thành âm đạo nên nếu béo quá sẽ khó sinh. Chị bực bội ném cuốn sổ theo dõi sang một bên. Tôi thấy mấy dòng chữ hạn chế cân nặng bằng mực đỏ ở trang “Quá trình mang thai". — Họ bảo cho đến khi sinh mà tăng thêm sáu cân là lí tưởng nhất. Điệu này thì chị đẻ khó là cái chắc rồi. Chị thở dài, vén tóc. Chị đã tăng thêm mười ba cân. — Phải chịu thôi chứ biết làm sao. Tôi vừa nhìn những ngón tay phù nề của chị vừa lẩm bẩm, rồi đi vào bếp và bắt đầu nấu mứt như thường lệ. Không biết tự lúc nào, nấu mứt đã thành thói quen của tôi. Tôi nấu mứt, chị ăn, như việc hàng sáng thức dậy chải đầu. — Đẻ khó đáng sợ đến thế kia à? Tôi hỏi trong khi vẫn quay mặt về phía bệ bếp. — Sợ chứ. Chị trả lời ngắn gọn, giọng như hết hơi. — Dạo này chị thường nghĩ về những cơn đau. Chị tự hỏi mình đã từng cảm thấy đau đớn nhất vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào? Nó giống với đau của bệnh ung thư giai đoạn cuối, hay là đau khi bị cắt cụt hai chân, hay là đau đẻ. Tưởng tượng về chúng vừa khó vừa sợ. — Thế à? Tôi đáp lấy lệ trong lúc vẫn không ngơi tay. Chị bóp chặt quyển sổ theo dõi. Bức mình họa đứa trẻ in hình trên bìa méo xệch như đang khóc. Chị đưa ánh mắt xuống cái bụng đang lồi ra. — Không thể hiểu nổi tại sao cái sinh vật đang tùy tiện lớn dần lên trong này lại có thể là con mình. Nó trừu tượng, mơ hồ, nhưng không thể phủ nhận, không thể chạy trốn. Vào buổi sáng, trước khi thức dậy từ cơn ngủ sâu, chị có cảm giác tất cả mọi thứ như ốm nghén, bệnh viện M hay cái bụng to đều là hư ảo. Tâm trạng phấn chấn khi nghĩ mọi thứ chỉ là mơ. Nhưng tỉnh hẳn rồi, nhìn thấy cơ thể mình thì chị tuyệt vọng. Chị lại thấy ủ dột. Ôi, sao mà chị sợ gặp nó thế. Lúc nào chị cũng có cảm giác ấy. Tôi nghe chị nói từ phía sau lưng. Đường kính, những múi bưởi, đám vỏ bị thái vụn tan vào nhau thành một màu vàng óng, vài chỗ sôi lên lục bục. Tôi vặn nhỏ lửa, lấy muôi đảo đều đáy nồi. — Làm sao mà phải sợ chứ. Em bé nào chẳng là em bé, da dẻ mềm mại, bàn tay tròn xoe lúc nào cũng nắm chặt và thỉnh thoảng lại khóc ré lên. Có thế thôi mà. Nhìn chiếc muôi đang cuốn theo đám mứt và tạo thành những cái xoáy, tôi nói. — Mọi chuyện đâu có dễ dàng và mỹ mãn được thế. Khi nó đã ra khỏi bụng chị thì bất luận thế nào cũng là con mình rồi. Không có quyền lựa chọn. Ngay cả khi nó bị chàm đỏ nửa mặt, hoặc bị dính ngón, hoặc không có não, hoặc là sinh đôi dính liền? Chị tuôn ra một tràng những danh từ đáng sợ. Tôi nghe thấy tiếng muôi cạo xuống đáy nồi trầm đục cùng với tiếng mứt lão nhão. “Không biết có bao nhiêu phần trăm chất PWH hòa tan trong này nhỉ"? Tôi dán mắt vào nồi mứt và nghĩ thầm trong bụng. Dưới ánh đèn huỳnh quang, màu mứt trong suốt làm tôi nghĩ đến những lọ hóa chất lạnh lẽo. Chất độc phá họa nhiễm sắc thể của thai nhi đang sóng sánh trong những chiếc lọ thủy tinh không màu. — Em nấu xong rồi đây. Tôi cầm chặt quai nồi, quay lại. — Chị ăn đi. Tôi đưa mứt ra trước mặt chị. Chị ngắm nghía hồi lâu rồi bắt đầu lẳng lặng ăn. Thứ Tư, Ngày 22 Tháng Bảy Ba mươi lăm tuần + Hai ngày Trường đại học đã bắt đầu kỳ nghỉ hè. Chẳng lẽ từ giờ tôi sẽ phải làm bạn với chị và cái thai suốt cả ngày. Tuy nhiên chẳng ai mang thai mãi. Rồi sẽ tới khi kết thúc. Ấy là lúc đứa bé ra đời. Đôi khi tôi cố thử tưởng tượng về cuộc sống giữa tôi, chị gái và anh rể sau khi có thêm đứa bé. Nhưng chẳng bao giờ thành công. Tôi không sao hình dung được cảnh tượng anh rể bế đứa bé hay màu trắng của bầu vú chị lúc cho con bú. Có chăng chỉ là bức ảnh nhiễm sắc thể trên tờ tạp chí khoa học mà thôi. Thứ Bảy, Mùng 8 Tháng Tám Ba mươi bảy tuần + Năm ngày Sắp đến ngày lâm bồn. Bây giờ thì chị có thể trở dạ bất cứ lúc nào. Bụng chị hầu như đã nở to hết cỡ. Tới mức tôi phải lo lắng tự hỏi, chẳng biết nội tạng của chị có bình thường trong tình trạng ấy không. Căn nhà ngập trong cái nóng oi ả giữa mùa hè, ba chúng tôi chỉ biết im lặng chờ đợi. Không ai nói với ai, chúng tôi chờ cái ngày có thể xảy đến bất cứ lúc nào kia. Chị thở khó nhọc bằng hai vai, anh rể kéo vòi ra ngoài vườn tưới nước, cái quạt điện lờ đờ, chỉ có tiếng lắc lư của nó là rõ nhất. Cảm giác lo sợ mơ hồ lúc chờ đợi thường làm người ta nghẹt thở. Cũng tương tự như vậy khi đó là cơn đau trở dạ. Thần kinh của chị sẽ tơi tả đến mức nào vì cơn đau ấy? Nghĩ đến đó tôi thấy sợ. Tôi ước cho cái buổi chiều oi ả và yên ắng này cứ kéo dài mãi. Mặc cho trời nóng thế nào, chị vẫn nhét đầy mồm những thìa mứt nóng bỏng tôi vừa nấu xong, chẳng buồn thưởng thức, chị chỉ ừng ực nuốt chửng. Gương mặt nhìn nghiêng khi cúi xuống trông bi ai như đang nức nở. Chị không ngừng đưa thìa lên miệng như để ngăn dòng nước mắt chực trào ra. Phía sau chị, màu xanh của cây cối ngoài vườn héo hon vì nắng. Tiếng ve sầu tràn ngập xung quanh chúng tôi. — Chẳng biết em bé sẽ như thế nào nhỉ. Hồi hộp ghê. Tôi khẽ nói thầm. Nghe thấy thế, chị dừng tay trong chốc lát, từ từ chớp mắt rồi bắt đầu ăn mà không đáp lời. Tôi để cho trí tưởng tượng của mình cuốn theo những hình nhiễm sắc thể không hoàn chỉnh. Thứ Ba, Ngày 11 Tháng Tám Ba mươi tám tuần + Một ngày Đi làm về, tôi thấy trên bàn ăn mẩu giấy anh rể nhắn lại. “Chị trở dạ. Anh đưa chị vào viện"? Tôi đọc đi đọc lại dòng chữ ngắn ngủi ấy. Chiếc thìa còn dính mứt nằm chỏng chơ bên cạnh. Tôi ném nó vào trong bồn rửa bát, suy nghĩ giây lát phải làm gì tiếp theo. Tôi đọc lại mẩu giấy lần nữa rồi đi ra ngoài.Quang cảnh trước mắt toàn là nắng. Những tấm kính trước của xe ô tô và những cột nước phun lên từ đài phun nước trong công viên làm tôi lóa mắt. Tôi nhìn xuống dưới, vừa quệt mồ hôi vừa bước đi. Hai đứa trẻ đội mũ cói chạy vụt lên phía trước tôi. Cổng chính của trường tiểu học đóng kín, sân trường vắng vẻ trải rộng. Đi qua khỏi cổng trường là tới một hàng hoa nhỏ. Cả người bán lẫn người khách hàng đều chẳng thấy đâu. Trong tủ kính, mấy bó thạch thảo rung lên khe khẽ. Rẽ khỏi góc phố, cuối đường là viện M. Đúng như những gì chị nói, chỉ có thời gian ở đây là dừng lại. Hình ảnh về một bệnh viện bị gói kín trong kí ức bấy lâu hiện ra nguyên vẹn ngay trước mắt. Bên cạnh cổng là cây long não đại thụ, cửa kính mờ đục, chữ trên bảng hiệu bong gần hết. Không một bóng người, chỉ có bóng nắng của tôi in đậm trên đường. Từ đây men theo tường rào phía sau, chắc chắn có cánh cổng phụ sắp hỏng. “Hẳn là cánh cửa ấy vẫn sắp hỏng như ngày xưa", không hiểu sao tôi lại có thể hình dung rõ ràng đến thế. Chẳng sai tẹo nào, vẫn là cánh cửa bị bung mất một bên bản lề. Tôi vừa tránh để mắc áo vào đinh vừa lách mình qua khe cửa, trước mắt là khoảng sân có bãi cỏ. Khẽ đưa chân dẫm lên đám cỏ xanh được cắt tỉa gọn gàng, cảm giác xốn xang trong lồng ngực sống dậy. Tôi lấy tay ngăn mồ hôi trên trán và nhìn lên. Tất cả dãy cửa sổ bằng kính đều sáng đến lóa mắt. Tôi từ từ lại gần tòa nhà, mùi sơn từ khung cửa sổ bay thoang thoảng. Không một bóng người, không một ngọn gió, ngoài tôi ra chẳng có gì chuyển động. Không cần những thùng các tông tôi cũng có thể ngó được vào trong phòng khám. Không có cả bác sĩ lẫn y tá. Bên trong mờ tỏ như lớp học nấu ăn sau giờ tan trường. Tôi nheo mắt lần lượt xác định từng thứ một: Lọ đựng thuốc, máy đo huyết áp, bức hình hướng dẫn dẫn tư thế sửa ngôi thai, máy siêu âm. Tấm kính áp vào mặt âm ấm.Tôi mơ hồ nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc. Tiếng khóc bé nhỏ run rẩy và nghèn nghẹn vọng lại từ phía bên kia ánh mặt lấp loáng. Lắng tai nghe, tiếng khóc ấy xoáy thẳng vào màng nhĩ. Đáy tai đau nhói. Tôi đưa mắt về phía tầng ba. Một người đàn bà trong bộ đồ sản phụ đang nhìn ra xa. Những đường cong của bờ vai hắt trên tấm kính. Mái tóc xõa xượi rủ xuống trán, để lại những khoảng tối trên gương mặt xanh xao, thành ra tôi không chắc có phải là chị hay không. Người đàn bà khẽ mấp máy đôi môi thâm xám, chớp mắt. cái chớp mắt yếu đuối như lúc khóc. Khi tôi cố nheo mắt nhìn thì bị tia nắng hắt ra từ ô của kính chắn mất tầm nhìn. Tôi bám theo tiếng khóc của đứa bé và leo lên lối cầu thang thoát hiểm. Mỗi lần bước, bậc cầu thang gỗ lại nghiến lên kèn kẹt như càu nhàu. Cơ thể nóng nhễ nhại, vậy mà riêng có lòng bàn tay đang bám vào thanh vịn và đáy tai là lạnh buốt. Bãi cỏ từ từ tuột lại sau chân tôi, cùng với đó, ánh nắng trên bãi cỏ mỗi lúc một đậm đặc và gay gắt hơn. Đứa bé vẫn tiếp tục khóc không dứt. Mở cánh cửa dẫn vào tầng ba, ánh sáng bên ngoài vụt tắt làm mắt tôi tối sầm. Tôi tập trung thần kinh vào tiếng khóc đang dội lên từng đợt như sóng và đứng yên trong giây lát. Trước mắt tôi là một hành lang dài lờ mờ hun hút. Tôi quyết định sải bước về phía phòng trẻ sơ sinh để gặp đứa con bị hủy hoại của chị. ★★♠★★ """