Cuốn sách “Người Thành Công Không Bao Giờ Trì Hoãn” là một nguồn tài nguyên hữu ích giúp bạn vượt qua trì hoãn và tối ưu hóa thời gian của mình. Dưới đây là một số điểm nổi bật mà bạn có thể học được từ cuốn sách:
Cuốn sách cũng cung cấp các trắc nghiệm và trích dẫn thú vị về quản lý thời gian, giúp bạn tự nhận biết mình thuộc vào mô hình sử dụng thời gian nào và tìm hiểu thêm về cách cải thiện quản lý thời gian của mình.
—
NHÂN ĐÔI NĂNG SUẤT MÀ KHÔNG HỀ CẢM THẤY QUÁ SỨC VÀ QUÁ TẢI!
Sẽ thế nào nếu bạn có thêm được một tiếng mỗi ngày để đọc sách, tập thể dục hay ở bên gia đình?
Dựa trên những cuộc phỏng vấn và nghiên cứu khảo sát với các tỷ phú, vận động viên Olympic, sinh viên xuất sắc, và hơn 200 doanh nhân – bao gồm Mark Cuban, Kevin Harrington, James Altucher, John Lee Dumas, Pat Flynn, Grant Cardone và Lewis Howes – tác giả sách bán chạy nhất theo bình chọn của New York Times, Kevin Kruse, đã trả lời câu hỏi này:
Bí quyết của năng suất cực độ là gì?
Bạn sẽ học được:
PHẦN THƯỞNG: Khám phá trắc nghiệm tìm ra phong cách quản lý thời gian.
PHẦN THƯỞNG: 100+ trích dẫn hay về quản lý thời gian.
—
Giới thiệu “LÀM VIỆC QUÁ SỨC VÀ BỊ QUÁ TẢI” TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC Ở NEW JERSEY
“Bằng lái và đăng ký xe!”
5 giờ 20 phút sáng. Trời tối và lạnh, và tôi bị cảnh sát ép dừng xe bên lề Đường 1 ở New Jersey, khi đang trên đường đi làm.
“Anh biết tại sao tôi dừng xe anh lại chứ?”
Tại sao anh ta phải quát lên thế nhỉ?
“Chắc là do tôi chạy quá tốc độ,” giọng tôi lạc đi.
“Tốc độ ư!” Anh ta cúi sát vào cửa xe cho tới khi vành mũ chạm vào mép phía trên cửa. Nhìn thẳng vào mắt tôi, anh ta nói: “Anh tông vào đuôi xe tôi, đánh võng, vượt lên trước và thản nhiên đi thẳng. Trong khi tôi đang đi với tốc độ 105 km/giờ ở làn chậm.”
Ước gì tôi có thể nói viên cảnh sát này đã lái một chiếc xe thường, nhưng không phải vậy. Chiếc xe Crown Vic màu trắng to đùng với đèn sáng trên nóc. Dòng chữ “Cảnh sát bang” màu vàng-xanh nổi bật dán trên cửa xe.
Tôi thực sự không thể giải thích nổi. Tôi không nhớ mình đã vượt bất kỳ chiếc xe nào, chứ đừng nói đến xe cảnh sát với dấu hiệu mười mươi như vậy.
Rõ ràng, vừa buồn ngủ vừa đau đầu về công việc, tôi đã lái xe hơn 130 km/giờ khi thấy xe phía trước đang lờ đờ đi với tốc độ 105 km/giờ, vì thế tôi đã chuyển làn và vượt anh ta.
“Tôi xin lỗi, sĩ quan! Chắc tôi, ơ, hơi lơ đãng…”
“Lơ đãng?!”
“Tôi bị thiếu ngủ, và…”
* * *
May là anh ta không bắt tôi.
May hơn nữa là tôi đã không quẹt xe hay gây ra tai nạn chết người.
Chuyện này xảy ra 20 năm trước, khi tôi còn trẻ người non dạ. Tôi “bận phát điên” đến nỗi làm việc quên ngày đêm. Tôi rời khỏi nhà lúc 5 giờ sáng và làm việc tới tận nửa đêm. Tôi chẳng có thời gian ăn uống đúng nghĩa. Tôi ăn sáng trên xe với cà phê và bánh mì bơ. Bỏ bữa trưa. Vừa đứng vừa ngấu nghiến ăn bữa tối.
Tôi đã uống nhiều Red Bull không đường đến nỗi bắt đầu nhìn những lon nước xanh bạc này như cách một tên bợm rượu nhìn những chai rượu. Chúng khiến tôi thèm thuồng.
Vượt qua một chiếc xe cảnh sát trên đường cao tốc mà thậm chí không nhận ra điều đó chắc chắn là việc tồi tệ nhất tôi từng làm, nhưng đã có những dấu hiệu khác cho thấy sự mất kiểm soát xuất hiện trước đó.
Giống như sau khi đổ xăng, tôi lái xe đi và RẦMMM! Tôi đã quên không rút vòi bơm xăng ra khỏi xe. Ơn trời vì tôi đã không làm nổ tung chỗ đó.
Và những lần vợ tôi liên tục than phiền: “Em không thể hiểu nổi anh nữa!” Bây giờ cô ấy đã là vợ cũ của tôi.
Không phải tôi không biết gì về quản lý thời gian. Tôi đã đọc tất cả những cuốn sách bán chạy nhất. Tôi rất giỏi lập danh sách những việc cần làm cho ngày hôm sau và luôn ưu tiên làm việc đó mỗi tối. Có lúc, tôi có một danh sách dài kín cả trang giấy A4.
Tôi nhìn lại quãng thời gian đó trong cuộc đời mình mà vô cùng sợ hãi và hổ thẹn.
* * *
Ơn trời, bây giờ tôi đã trở thành một người khác rồi.
Tôi là một ông bố đơn thân của ba đứa con. Tôi thường xuyên về nhà ăn tối và giúp chúng làm bài tập. Tôi tham dự hầu hết các trận đấu, các buổi diễn kịch và biểu diễn âm nhạc của chúng. Tôi không phải là một vận động viên, nhưng tôi tập thể dục hằng ngày và duy trì mức cân nặng ổn định. Tôi sắp xếp thời gian để hẹn hò với bạn gái ít nhất một hoặc hai lần mỗi tuần.
Về công việc, tôi điều hành một hãng tư vấn nhỏ, viết hai cuốn sách một năm, diễn thuyết trên khắp thế giới cũng như giám sát các khoản đầu tư của mình trong các công ty khởi nghiệp và bất động sản thương mại.
Tôi cũng đi nghỉ thường xuyên. Chỉ trong năm ngoái, tôi đã tới Puerto Rico, Cancun và bờ biển Jersey; dành vài dịp cuối tuần ở New York; và nhân dịp sinh nhật 16 tuổi của con gái, tôi đã đưa con bé tới Barcelona, Madrid và xem lễ hội bò đuổi ở Pamplona.
Tôi làm tất cả những điều này – và đây là điểm mấu chốt – nhưng hiếm khi cảm thấy căng thẳng, vội vàng, quá sức hay áy náy. Tôi hoàn toàn không cảm thấy “bận phát điên” và không cần phải thể hiện rằng mình “quá bận” với những người xung quanh.
Tôi có đáng ghét không chứ?
Tôi bắt đầu dành thời gian cho bản thân và xua tan những căng thẳng sau khi hỏi những người bạn thành công của mình về cách họ quản lý thời gian.
Ngay lập tức, tôi nhận thấy không ai trong số họ đề cập tới những điều được dạy trong các cuốn sách quản lý thời gian truyền thống.
Sự tò mò sớm biến thành động lực thôi thúc tôi tìm hiểu và tôi đã thực hiện nghiên cứu khảo sát các chuyên gia làm việc, tìm hiểu mối tương quan giữa các phương thức quản lý thời gian cụ thể với năng suất lao động, áp lực và niềm vui. Tôi đã chi tiền để thực hiện một nghiên cứu về hàng nghìn chuyên gia và kết quả thật đáng kinh ngạc, không có bất kỳ mối quan hệ nào giữa hoạt động đào tạo quản lý thời gian và năng suất lao động cao hay sự giảm thiểu căng thẳng. Không hề!
Tôi đã phỏng vấn hàng trăm người rất thành công, từ Mark Cuban và các tỷ phú khác, các doanh nhân nổi tiếng, các nhà vô địch Olympic như Shannon Miller đến các sinh viên xuất sắc.
Tôi khám phá ra rằng những người rất thành công không ưu tiên các nhiệm vụ trong danh sách những việc cần làm, tuân theo hệ thống 5 bước phức tạp nào đó, hay chuộng những biểu đồ hình cây logic để đưa ra các quyết định.
Thực ra, những người thành công không nghĩ nhiều về thời gian. Thay vào đó, họ nghĩ về các giá trị, ưu tiên và những thói quen nhất quán.
Dù mỗi người có một cách quản lý thời gian riêng nhưng vẫn có những điểm chung giữa chúng. Và nếu áp dụng thử, bạn có thể thấy rằng, chỉ một trong số những “bí mật” của họ đã có khả năng thay đổi sự nghiệp và cuộc sống của bạn rồi.
Kevin Kruse
—
Chương 1: SỨC MẠNH CỦA 1440
Một con số đơn giản có thể thay đổi cuộc đời bạn không?
Một câu hỏi ngắn từng khiến tôi lạnh sống lưng.
“Cho tôi xin một phút được không?”
Chắc chắn rồi, tôi tin vào chính sách cởi mở. Tôi là sếp mà. Nhiều người bảo rằng do tôi là người tỉ mỉ cẩn thận, vậy nên mọi người thường xuyên tìm đến tôi (thật ư?).
Tôi là nhà sáng lập kiêm chủ tịch của một công ty giáo dục số phát triển nhanh chóng. Lợi nhuận tăng gấp đôi mỗi năm đi kèm với nhiều thử thách: tuyển dụng nhân viên mới, doanh thu, ra mắt sản phẩm mới, gọi vốn…
Khó khăn chồng chất, và tiếng gõ cửa phòng tôi xin “một phút” cũng tăng lên.
Chẳng có vấn đề gì liên quan đến những người tìm tới tôi để xin lời khuyên hay sự giúp đỡ. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra mình đã phải dành cả ngày cho những ưu tiên và vấn đề của người khác khi nhiều cuộc gặp “một phút” biến thành 30 phút hoặc hơn. Ưu tiên của tôi, ưu tiên chiến lược của công ty – đã phải xếp xó sau những lần xin một phút “khẩn cấp” như vậy.
Cuối cùng, tôi đã in con số 1440 với kích thước thật lớn lên một tờ giấy và dán trước cửa phòng.
Không từ nào khác. Không giải thích. Chỉ “1440” với phông chữ Arial, cỡ 300pt.
Tôi đã hạ gục những kẻ đánh cắp thời gian như thế nào?
Mỗi khi bước vào văn phòng, tôi đều nhìn con số “1440” to đùng ngoài cửa như một lời nhắc nhở. Tích, tích, tích. Tôi không được phép bất cẩn với mỗi phút của mình.
Ngoài ra, mỗi khi mọi người ghé qua để hỏi: “Cho tôi xin một phút được không?” và được tôi đồng ý, ngay lập tức họ sẽ hỏi: “1440 là gì thế?”
Tôi giải thích rằng đó là lời nhắc cho tôi về giá trị thời gian và tôi cần “đầu tư” mỗi phút khôn ngoan như thế nào.
Dù tôi luôn nhận trách nhiệm về mình, nhưng độ dài của những cuộc gặp một-phút này đột nhiên ngắn lại. Sau khi nghe tôi giải thích, có người đáp: “Tự nhiên tôi thấy không cần nói chuyện với anh nữa. Tôi nghĩ là tôi sẽ chờ đến buổi thảo luận nhóm vào thứ Hai.”
Tôi cho rằng tấm biển 1440 ban đầu khiến mọi người lo lắng. Kevin hẳn là đang có tâm trạng không tốt; anh ấy không muốn nói chuyện với chúng ta nữa. Kevin là một gã đạo đức giả… anh ta khoe khoang về chính sách cởi mở trao đổi nhưng sau đó lại công kích chúng ta bằng tấm biển kia.
Tấm biển vẫn còn đó, nhưng sự lạ lẫm dần biến mất. Không lâu sau, tôi nghe thấy mọi người trong văn phòng nói chuyện về “chỉ có 1440 phút” khi họ ưu tiên các nhiệm vụ hay từ chối lời mời tham dự các cuộc họp không liên quan.
1440 phút mỗi ngày
Nếu giống như hầu hết những người muốn cải thiện kỹ năng quản lý thời gian, có lẽ bạn muốn một danh sách các mẹo, công cụ và hệ thống để tăng năng suất và có thêm vài giờ mỗi tuần.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khi nói đến thời gian và năng suất không phải là chiến thuật hay mẹo vặt – mà là sự chuyển đổi trong nhận thức.
Các triệu phú tự thân, các vận động viên thể thao chuyên nghiệp, các sinh viên xuất sắc và những người thành công vượt trội có tư duy khác biệt về thời gian. Họ cũng trải nghiệm thời gian theo cách khác.
Lời họ nói…
Trước khi quyết định tham gia một dự án mới, tôi phân tích nó… Tôi sẽ mất bao nhiêu thời gian và có thể kiếm được bao nhiêu. Tôi tạo ra một phân tích “đô-la/phút”, hy vọng sẽ kiếm thêm được 1 triệu đô-la mỗi tuần.
Kevin Harrington, người sáng tạo chương trình quảng cáo thương mại, tác giả sách bán chạy nhất, nhà đầu tư đầu tiên cho chương trình Shark Tank, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của As Seen On TV, Inc.
Hãy dành một phút để nghĩ về những điều có giá trị nhất trong cuộc sống. Hãy tạm dừng đọc cuốn sách này để nhắm mắt lại và nghĩ ra danh sách tất cả những điều bạn trân quý nhất.
Tôi sẽ chờ…
Bạn có thể làm bài tập nho nhỏ này chứ? Đừng chỉ đọc sách và để nó trôi đi! Bạn cần phải hành động để ghi nhớ các bài học. Thay đổi hành vi rất khó và chỉ đọc một cách thụ động sẽ không đem đến kết quả gì. Hãy hành động!
Nếu giống như hầu hết mọi người, danh sách những điều bạn trân quý nhất sẽ bao gồm bạn đời, con cái, bạn bè, sức khỏe, tiền bạc, và dĩ nhiên cả thời gian nữa.
Những người thành công cũng có một danh sách như thế – nhưng họ xếp thời gian ở vị trí quan trọng hơn tất cả.
Chẳng phải sức khỏe nên ở vị trí số 1 sao? Bạn có thể khỏe mạnh, sau đó bị ốm, và rồi hồi phục.
Thế còn tiền thì sao? Bạn có thể mất hết tiền, nhưng rồi có thể kiếm lại được tất cả.
Bạn bè? Bạn bè quan trọng đấy, nhưng có bao nhiêu người bạn đại học mà bạn không còn giữ liên lạc nữa? Hay những vị khách trong đám cưới của bạn, và đó là lần cuối cùng bạn gặp họ? Đúng, bạn bè rất đáng quý, nhưng chúng ta vẫn luôn đánh mất vài người bạn rồi kết thân với những người mới đấy thôi.
Bạn đời là cả thế giới đối với bạn. Và 50% những người đã kết hôn sẽ ly hôn, và nhiều người đã ly hôn sẽ có chồng/vợ mới, người mà đột nhiên trở thành tình yêu của cuộc đời họ.
Nhưng thời gian…
Bạn không bao giờ có thể lấy lại thời gian đã mất.
Bạn không thể dành thời gian để kiếm thêm thời gian, đồng thời cũng không thể mua, thuê hay mượn nó.
Thời gian là tài sản quý giá nhất
Thời gian là độc nhất bởi nó công bằng nhất. Một số người sinh ra đã giàu có, một số khác sinh ra đã bần hàn. Một số người tốt nghiệp trường đại học danh giá, trong khi số khác bỏ học trung học. Một số bẩm sinh đã là vận động viên tài năng, số khác lại yếu kém về thể chất.
Nhưng chúng ta có cùng số phút mỗi ngày. Thời gian là mẫu số chung thấp nhất.
Hãy đặt tay lên trái tim bạn.
Một lần nữa, tôi muốn bạn thực sự hành động. Hãy đặt tay lên ngực và cảm nhận trái tim mình đang đập.
Cảm nhận hơi thở của mình.
Bạn sẽ không bao giờ có những nhịp đập, những hơi thở đó lần nữa. Thật ra, tôi vừa lấy đi ba nhịp đập trái tim và hai hơi thở từ bạn.
Nhưng điều đó cũng xứng đáng nếu nó giúp bạn thực sự cảm nhận được thời gian đang trôi đi.
Có thể bạn đang nghĩ rằng: “À, tầm quan trọng của thời gian. Hẳn rồi. Tôi đọc cuốn sách này vì thế mà. Hiểu rồi!”
Nhưng bạn có thực hiện không?
Nghĩ xem bạn chú ý đến tiền của mình nhiều như thế nào. Làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, theo dõi số dư tài khoản ngân hàng, nghiên cứu cách đầu tư tiền bạc tốt nhất, đọc những bí quyết kiếm nhiều tiền hơn, lo lắng vì sợ bị mất tiền.
Bạn sẽ không bao giờ để ví ở ngoài. Bạn sẽ không bao giờ đưa thẻ ATM và mật khẩu cho người lạ.
Nhưng chúng ta vốn ít nghĩ về thời gian. Chúng ta thường để người khác đánh cắp thời gian của mình, mặc dù đó là thứ có giá trị nhất mà ta sở hữu.
Con số ma thuật có thể thay đổi cuộc đời bạn là 1440.
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Người Thành Công Không Bao Giờ Trì Hoãn của tác giả Kevin Kruse