Chương đặt cuốn sách xuống sàn nhà. Chàng đứng dậy một cách liều lĩnh, cố trấn áp cơn sợ. Thục cầm cái áo cụt màu đỏ tía lên. – Mai anh đi rồi. Thục không có gì để nói với anh sao? Thục làm thinh, đầu hơi cúi xuống. – Em cho anh xin cái áo này, được không? – Sẽ có quà, nhưng không phải cái này đâu. Chương nắm lấy chiếc áo Thục đang cầm, hai bàn tay chạm nhau. Chàng nắm mấy ngón tay. – Anh rất cần một chút hơi hướng của em để ra đi. Có thể anh sẽ không bao giờ trở về nữa. Thục gỡ nhẹ tay Chương ra. Chương run lên, không dám kéo Thục vô lòng. Khi Thục bước đến đầu cầu thang thì chàng tiếc ngẩn ngơ cái cơ hội ngàn năm ấy. – Sẽ có quà. Thục vừa bước xuống thang lầu vừa nói một cách nhí nhảnh. Em xuống đây. Chương liều mạng đuổi theo, kéo áo người con gái lại. – Thục ơi! Anh yêu em. Thục quay mặt tránh cái hôn, tình cờ nàng nhận ra đôi giày Chương mang hôm nay là đôi giày mới nàng chưa từng thấy bao giờ. Hình ảnh ấy làm nàng thấy tội nghiệp. Nhưng nàng vẫn nói: – Anh hiểu lầm rồi. Tình yêu không phải như thế đâu. Thục nói vừa hết câu thì đôi tay của Chương đã rời ra khỏi thân thể nàng như lớp vữa hồ mà người thợ vụng về đắp vội vàng trên vách đá. Chương không dám nhìn mặt người con gái, hấp tấp bước thẳng xuống cầu thang. Thục gọi: – Anh Chương! Anh phải ở lại dự liên hoan chớ. – Xin lỗi Thục. Tôi điên rồ. – Không có gì cả. Em không giận anh đâu, anh hãy ở lại. Nhưng Chương đã bước ra cửa và đi lẩn vào trong phố đông người. Chương nhảy lên một chiếc xích lô đạp định ra trung tâm Sài Gòn nhưng khi ngang qua trường đại học tổng hợp chàng bảo xe ngừng lại. Chàng trả tiền xe rồi bước vô cổng. Những kỳ thi ồn ào đã qua, giờ chỉ còn lại người quét sân quanh quẩn một mình bên bờ tường. Chương đứng trong hành lang tối nhìn lên cao. Trời nhiều mây, bàng bạc. Khoảng trời ấy gắn liền với quá khứ tình ái của chàng, với biển Nha Trang, những cuộc cắm trại mùa hè cái thuở chàng quen biết Thục, cô nữ sinh lớp chín thập thò phía ngoài lều nơi Chương đang tập hát cho bạn bè. Chàng nhìn ra bắt gặp đôi mắt ngơ ngác. Chàng bảo: – Vô đây hát với tụi anh cho vui. Cô bé vẫn đưa mắt tìm kiếm trên bãi biển. – Em tìm ai? – Em tìm anh Quang. Anh có biết anh Quang không? – Ảnh đang tắm. Để anh dẫn em lại đó. Và chàng nắm tay Thục đi về phía rừng dương liễu. Năm năm qua, chàng lui tới căn nhà đó như một người thân. Có nhiều lần Chương ngủ ở đó, khi thức dậy mọi người trong nhà đã đi hết, chàng tưởng như căn nhà này là của mình, cả bàn ghế, sách vở, bức màn và những cánh cửa sổ, chàng tưởng mình là con cái nhà này. Mọi quan hệ điều thân mật, dễ chịu. Hành lang của trường đại học tổng hợp đã tối mịt, chàng buồn và huýt sáo, thơ thẩn đi ra sân. Ta sẽ chẳng bao giờ còn trở lại đây nữa. Chàng đã đến gần cổng trường. Lúc ấy có tiếng cười khúc khích. – Em biết ngay là anh ấy đến đây mà. Chương dừng lại. Quang và Thục đã đứng ngay trước mặt. Quang hỏi: – Đến đây làm gì vậy? – Từ giã trường. Thục nói: – Mọi người đang đợi anh. – Sao biết tôi ở đây? – Anh Quang bảo anh đi uống cà phê nhưng em biết thế nào anh cũng đến đây. Chương bước ra khỏi cổng. Thục đi giữa hai chàng trai. Chương thấy lòng mình dịu lại và một tình cảm vô danh đang ve vuốt chàng. Chàng tự bảo: Được làm một người anh của Thục đã là hạnh phúc rồi, sao ta lại muốn đánh mất đi? ° Buổi tiệc nhỏ không đầy mười người tham dự nhưng cũng thật náo nhiệt. Ba chiếc bàn kê nối nhau thành một cái bàn dài phủ khăn trắng. Thực khách là các bạn hữu của Thục và Quang trong số đó có vài người quen biết Chương. Các cô bạn của Thục ăn mặc lộng lẫy, người nào cũng tươi cười và trang điểm rất kỹ, bọn thanh niên thì ít chải chuốt hơn nhưng ai cũng vui vẻ. Chương ngồi cạnh một anh chàng đeo kính cận được giới thiệu là “giáo sư”, bên trái chàng là một cô gái nhan sắc trung bình nhưng hơi làm dáng. Anh giáo sư nói nhiều quá, dường như anh ta đã say dù mới uống hai lon bia. Anh ta đứng dậy nói: – Tại sao các cô không nói chuyện với bọn tôi mà chỉ rù rì với nhau. Mời nâng ly. Nào, cô Trâm! Anh ta cầm chai Maxim rót vô cái ly nhỏ trước mặt Trâm. Cô gái chỉ nhếch cười, không nói gì. – Trâm ơi, nâng ly lên. Thục bảo. Mi cạn với tao chứ. – Được quá. Chương uống cạn phần của mình còn chàng giáo sư thì đã bắt đầu nghiêng ngả. Khi anh ta gục xuống bàn thì căn phòng trở nên yên tĩnh, lịch sự hơn. Chương quay sang Trâm: – Chị là bạn của Quang hay Thục? – Tôi học cùng lớp với Thục. Hình như anh có chuyện gì buồn phải không? – Ngày mai tôi đã đi rồi. – Anh đi nước ngoài? – Không. Tôi đi học ngành công an. – Anh thích nghề ấy lắm à? – Tôi thi hoài không đậu. Và ba tôi đã khuyên như thế. Gia đình tôi ai cũng làm công an cả. Trâm cười khúc khích: – Đối với tôi đó là một lời đe dọa. Chương cười. Hai ly chạm nhau. Trâm mời Chương liên tục. Cô uống rượu một cách sành điệu, điều đó làm Chương thích thú. Nỗi buồn khi chiều dường như đã tan hết. Hai người uống tràn. Trong cơn mơ màng chàng nghe có tiếng ai hát, chàng không biết có phải cái bóng hồng mờ nhạt đang đứng trước mặt mình là Thục không, nhưng tiếng hát ấy làm chàng nao lòng. Chàng ngã người ra sau, để mặc cho tiếng hát vuốt ve. Bỗng dưng có người nào đó giúi vào tay chàng một chiếc khăn nhỏ, chàng muốn giữ bàn tay người đó lại nhưng lại nắm vào khoảng không. Tiếng vỗ tay vang lên, Chương như chợt tỉnh. Chàng nói với Trâm: – Tôi xin phép ra ngoài một chút. Chàng định rửa mặt cho tỉnh táo nhưng khi ra đến sân chàng mới biết là thành phố đang chìm ngập trong một cơn mưa rả rích, đường phố loang loáng ánh đèn, vắng ngắt và lạnh lẽo. Tự nhiên Chương không muốn quay vào bàn tiệc nữa. Chàng cúi đầu cay đắng bảo thầm: Mình dư thừa trong thế giới đó. Dư thừa. Tiếng cười nghe lẩn trong tiếng vỗ tay tán thưởng. Chàng bước ra đường, men theo hè phố. Gió càng lúc càng lạnh, rượu làm cho chàng muốn nôn mửa. Khi chàng đón được chiếc xích lô thì đã say mềm. Người phu xe hỏi: – Về đâu? Chàng nói địa chỉ và gục xuống.