Ngục trung thư là một tác phẩm quan trọng giúp người đọc có thể hiểu được nỗi lòng của nhà ái quốc vĩ đại Phan Bội Châu khi bước vào đường cách mạng. Tác phẩm được viết bằng Hán văn và ghi lại những năm tù đầy ở Quảng châu và hồi ức của cụ Sào Nam từ khi còn là thanh niên cho tới khi Tổng đốc Quảng Đông là Long Tế Quang, bị toàn quyền Pháp mua chuộc, đã tống cụ vào nhà giam vào 1913. Đào Trinh Nhất tên tự là Quán Chi, gốc Thái Bình, sinh ở Huế 1900, xuất thân từ một gia đình nho học có xu hướng ái quốc nổi danh. Thân phụ là Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ, có lập trường chống Pháp tới chết, thân mẫu là cháu của cử nhân Lương Văn Can trong nhóm Đông kinh nghĩa thục. Ông nổi tiếng về Nho học lại sang Pháp học về báo chí nên có kiến thức kiêm thông Âu-Á và nhìn xa thấy rộng. Vào nghề văn bút ông là một ký giả có tiếng từng viết cho Hữu Thanh, Trung bắc chủ nhật, Tri Tân…ngoài Bắc và cộng tác với Đông pháp, Thần chung, Phụ nữ tân văn và Đuốc nhà nam… trong Nam. Ông còn là một dịch giả với ngòi bút tài hoa và bút pháp phong phú với Liêu trai chí dị và Ngục trung thư. Đào Trinh Nhất cũng viết tiểu thuyết và được hậu thế biết tiếng với những bộ như Cô Tư Hồng và Con quỷ phong lưu… Đào Trinh Nhất còn được biết là một cây viết quan tâm tới tiền đồ dân tộc qua những tác phẩm giới thiệu về Nhật bản duy tân (Nhật bổn 30 năm duy tânvề nạn khách trú bành trướng ở Nam phần (Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ, và về lịch sử cận đại như Đông kinh nghĩa thục, Việt Nam Tây thuộc sử… Ông tạ thế tại Sài gòn vào năm 1951 và cái chết của ông đã khiến độc giả ái mộ, báo chí toàn quốc xúc động và bày tỏ lòng thương cảm. Ngục trung thư là một tác phẩm quan trọng của cụ Sào Nam cũng như cuốn Tự phán sau này, không những giúp hậu thế tìm hiểu tác giả mà còn là những chi tiết về lịch sử quý giá mà những ai muốn biết thêm về các phong trào Duy tân và Đông du phải đọc. Ngục trung thư còn có một tác dụng quan trọng khác. Dưới dạng “thư” quen thuộc mà cụ Sào Nam hay dùng như Lưu cầu huyết lệ tân thư, Hải ngoại huyết thư… chúng ghi lại những lời tâm huyết, chân thực của một nhà cách mạng tiền bối gửi cho quốc dân, kêu gọi mọi người thức tỉnh và dấy lên bầu máu nóng giải phóng và xây dựng đất nước. Bản dịch của Đào Trinh Nhất lấy tên: Đời cách mệnh Phan Bội Châu, do nhà xuất bản Mai Lĩnh, Hà Nội xuất bản năm 1938.*** Tháng 2 năm Tân-hợi, tôi lại qua Xiêm. Lúc bấy giờ người trong đảng ta kiều-ngụ nương-náu ở nước Xiêm, có bọn các ông Tử Kính, Vĩnh-Long, Ngọ-Sanh và Minh-Chung, rủ nhau chịu khó cày-cấy ruộng-nương, chăn-nuôi gà vịt, để làm kế trử-sức lâu ngày. Các ông viết thư sang Hương-cảng kêu tôi qua. Tôi suy-nghĩ muốn bắt-chước Ngũ-Tử-Tư ngày xưa cày ruộng đợi thời, cũng là kế hay, bèn đáp tàu sang Xiêm. Sang đây, tôi tới ở sở ruộng Bạn-thầm, tắm gió gội sương, dầm mưa trải nắng, cùng mấy anh em thiếu-niên cùng chia sớt đắng cay, hầu cho tiêu bớt nông-nỗi đau-thương, ăn không ngồi rồi. Tôi sống cái đời nông-phu cực-nhọc trước sau 8 tháng. Nhưng trong 8 tháng đó, tôi thấy trong mình vui-vẻ thơ-thới lạ lùng. Lúc khát gặp có suối nước thì uống, lúc đói vớ được trái cây thì ăn, cái ngày giờ cảm-khái vô-liêu của tôi lúc nầy, chôn đứt ở trong cảnh sống ăn sương hút gió, kể cũng là một cách sống thú-vị của anh tráng-sĩ đang cơn túng thế cùng đường. Bởi vậy, tôi cho câu chuyện đáng ghi-chép là phải. Hồi nầy rảnh-rang nhàn-thích, tôi soạn ra được nhiều bài văn quốc-ngữ. Nào truyện Lê Thái-Tổ, nào truyện Trưng nữ-vương. Nào là những khúc hát bài ca cổ-võ tấm lòng yêu nước, yêu nòi, yêu giống. Tôi đem những bài ấy ra dạy cho những người ở trong sở ruộng học thuộc lòng, sớm tối họ thường nghêu-ngao ca hát làm vui. Ấy là tôi muốn gieo hạt giống cách-mạng ở giữa khoảng nước biếc non xanh vậy. Tháng 10 năm ấy (Tân-hợi, 1911Phan-quân Bá-Ngọc ở Hương-cảng sang Xiêm, dem cái tin Võ-Xương khởi-nghĩa nói cho tôi nghe. Tôi lấy làm động-tâm hết sức. Hồi trước tôi còn ở bên Nhật, từng có cơ-hội kết-giao với bọn lãnh-tụ cách-mạng Tàu như Hoàng khắc-Cường, Chương-thái-Viêm. Lại cùng bọn Trương-Kế và chí-sĩ các nước Triều-tiên, Nhật-bản, Ấn-độ và Phi-luật-tân, tổ-chức ra hội « Đồng-Á Đồng-Minh ». Chúng tôi với họ cũng là một hạng người đau lòng mất nước, mong phục nghiệp xưa, tôn-chỉ vốn là tương-hợp. Nay nghe tin quân cách-mạng Trung-hoa dấy lên, khiến tôi có cái cảm-giác « tiếng đồng reo tiếng chuông ứng ». Nhân đó Bá-Ngọc khuyên tôi nên trở về nước Tàu. Tôi liền từ-giã sở ruộng ở Xiêm mà đi.