Ngôi nhà vui vẻ là cuốn tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ cuộc sống của chính tác giả Gong Ji-Young qua góc nhìn của nhân vật chính – cô bé Wi Nyeong mười tám tuổi. Trước khi học lên lớp 12, cô đã chuyển về sống cùng mẹ đẻ sau nhiều năm sống cùng cha và mẹ kế. Bằng giọng văn chân thực, mạnh mẽ và sáng tạo của Gong Ji Young, câu chuyện sẽ góp phần an ủi, sẻ chia và làm ấm trái tim những người cô đơn. Qua nỗi tổn thương mà Wi Nyeong đã phải chịu đựng vì gia đình, nỗi đau tột cùng khi bị cự tuyệt tình yêu thương cũng như hành trình tìm lại bản thân mình, tìm lại tình yêu đã mất từ hai tiếng “gia đình”, người đọc có thể nhìn lại giá trị của gia đình và tình yêu nơi mỗi con người một lần nữa. Từ cổ chí kim, gia đình luôn đóng vai trò là nền tảng của xã hội, nhưng trong cuộc sống hiện đại bộn bề, gia đình và các mối quan hệ huyết thống đang dần lung lay theo nhiều cách khác nhau. Gia đình vốn là biểu tượng của hòa hợp, của chung tay góp sức đắp xây, của tấm lòng hi sinh vì nhau giữa các thành viên dưới một mái nhà chứ không phải mối khác biệt giữa cá nhân với mọi người. Vậy mà giờ, chúng ta đang đối mặt với một thực tế: Quan niệm gia đình biến đổi khiến những người thân thuộc “dù có ở cạnh nhau nhưng vẫn xa cách, tách biệt nhau” (trích Ngôi nhà vui vẻ. Đặc biệt, từ nhiều nguyên nhân mà gia đình cũng dần trở nên khác trước, việc ly hôn khiến gia đình không còn nguyên vẹn như xưa, thiếu vắng ba hoặc mẹ, cuộc sống của các bà mẹ đơn thân trở nên phổ biến hơn… Bởi vậy, tác phẩm mà bạn đọc đang cầm trên tay chính là một làn gió mới nếu được đặt cạnh ý niệm cũng như ý nghĩa về gia đình truyền thống. Giờ đây, chúng ta cần có cái nhìn bao dung hơn về “gia đình” và “tình yêu”. Có thể nói, Ngôi nhà vui vẻ là một trong những tác phẩm xuất sắc của nhà văn Gong Ji Young. Ngay sau khi phát hành, cuốn tiểu thuyết này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả Hàn Quốc bởi những nhận thức, quan điểm mới mẻ, phù hợp với xã hội hiện đại mà ta đang sống. Xuất phát từ những nét tương đồng về văn hóa cũng như xã hội, hẳn độc giả Việt Nam sẽ tìm thấy niềm đồng cảm, và đâu đó trong cuốn sách, ta sẽ thấy bóng dáng ai đó xung quanh mình. Như chia sẻ của tác giả: “Mỗi người trong chúng ta đều có hoàn cảnh gia đình khác nhau nên tôi mong cuốn sách sẽ mang lại chút hi vọng nào đó cho tất cả những người cảm thấy khó khăn”. Chúng tôi hi vọng bạn đọc sẽ nhận tìm được ý nghĩa vốn có của tình cảm gia đình, biết trân trọng và nâng niu nhau hơn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh “hợp tác chiến lược Việt – Hàn” trên nhiều lĩnh vực, cuốn tiểu thuyết có thể là nguồn tư liệu cho những người nghiên cứu cũng như những ai quan tâm đến xứ sở kim chi. Trần Hải Dương (Giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc Trường ĐHNN – ĐHQGHN*** Khi đó tôi chín tuổi. Xúng xính trong chiếc váy thêu màu xanh da trời tiến vào lễ đường để biểu diễn dương cầm thay lời chúc phúc tôi muốn gửi tới ba tôi. Tôi vốn là một đứa bé ghét đến lớp học dương cầm nên dù được học, tôi vẫn chẳng có chút tiến bộ nào, nhưng với khúc nhạc này tôi đã thực sự luyện tập rất chăm chỉ. Bởi vì hôm nay có cả ba mẹ tôi tham gia, hơn nữa việc được đảm nhận vai trò quan trọng tại hôn lễ như thế này tựa như có một điều gì đó đang thực sự diễn ra và có phần thú vị hơn việc đóng vai ba hay mẹ trong trò chơi với búp bê, trò chơi buôn hàng của lũ trẻ thường ngày. Khi tôi nói với cô giáo dạy dương cầm của tôi rằng: “Đây là bản nhạc con sẽ chơi trong ngày cưới của ba con” dường như cô ngạc nhiên đến mức không thể khép miệng lại, cô chỉ có thể lắp bắp vài lời hỏi lại: “Ba dượng con ư?” “Không ạ. Là ba con. Lần này là ba con sẽ kết hôn”. Một thoáng cô giáo nhìn tôi, tôi đang đứng trước những đứa trẻ khác mà như thế này thì không được, một người nếu đã quyết tâm thì phải luôn khí thế, tôi giả bộ nở một nụ cười rạng rỡ sau khi đã tạo dáng như đang nghĩ ngợi điều gì đó, tôi dõng dạc: “Vậy đi, chúng mình hãy cùng nhau luyện tập chăm chỉ một lần. Dù vậy đừng quá say mê tập luyện đấy”. Khi tôi nói thế, những đứa trẻ nhìn tôi giả bộ cười, điều ấy cũng chẳng còn xa lạ. Vốn dĩ chúng luôn nhìn tôi với ánh mắt đầy tò mò và thương hại như nhìn một đứa mồ côi tội nghiệp. Nhờ chút thương hại đó, tôi nghiễm nhiên được miễn bị phạt, đương nhiên chỉ là những hình phạt đơn thuần, nhưng điều đó chẳng bao giờ trở thành mảng ký ức tươi sáng trong tuổi thơ tôi. Hay nói một cách nặng nề hơn, đúng hơn là một ký ức buồn. Dẫu sao thì tôi nhất định sẽ biểu diễn bản nhạc Ngôi nhà vui vẻ của tôi trong hôn lễ của ba tôi. Dù có đến bất cứ đâu nơi tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc Nơi bình yên nhất chỉ có thể là ngôi nhà yêu dấu của tôi Thiên đường của tôi, niềm vui của tôi, điểm dừng chân của tôi Chỉ có thể là ngôi nhà của tôi – nơi hoa thơm đua nở với tiếng chim hót véo von.
Nguồn: https://thuviensach.vn