Người ngoại-quốc, khi đến du-lịch trong một nước nào, muốn biết trình-độ văn-minh của dân-tộc nước ấy, thường hay đi xem diễn tuồng để thưởng-thức nghệ-thuật sân-khấu của bản-xứ.
Hiện nay sân-khấu Việt-Nam có ba bộ môn : Hát Bội, Cải-Lương và Thoại-Kịch. Thiết-tưởng nước nhà có thể tự-hào để trình cho người ngoại-quốc xem ba điệu diễn tuồng của mình, mà mỗi điệu, nếu biết thưởng-thức, đều có cái hay của nó.
Hát Bội hay về lối cổ-điển. Về hình-thức tuy cổ-lỗ, nhưng về tinh-thần nó có thể tượng-trưng cho cái « Nho phong sĩ khí » của dân-tộc Việt-Nam. Nó nêu lên được những gương nghĩa-sĩ trung-thần, nghĩa-phu tiết-phụ, những cảnh bạn thiết, tớ trung và phụ từ, tử hiếu. Những trạng-huống éo-le gay-cấn trong lịch-sử Tàu hay lịch-sử nước nhà đều được hát Bội đem ra trình-diễn để làm gương cho hậu thế.
Song nghệ-thuật hát Bội rất sâu-sắc. Muốn thưởng-thức cái hay, cái đẹp của điệu hát ấy, khi xem cần phải chú-ý rất nhiều và quan-sát kỹ-càng mới lĩnh-hội được chỗ sâu sắc của hát Bội.
Trái lại điệu Cải-Lương là một lối hát bình-dân. Ai xem cũng hiểu được. Nó có thể hấp-dẫn một số đông khán-giả nhờ tính-cách bình-dân của nó. Gia-dĩ cách bố-cục, phân màn và dàn-cảnh của điệu Cải-Lương đều phỏng theo lối Âu-châu, nên dễ xem. Lối hát nầy khi diễn tuồng xã-hội, được hạp nhãn người ngoại-quốc hơn.
Về Thoại-Kịch, mới phát-khởi trong lúc sau này, nên còn trong thời-kỳ phôi-thai. Nhưng có một vài vở kịch có thể nói là vừa xem đặng, nhờ tài diễn-xuất khả-quan của một ít kịch-sĩ ưu-tú.
Trong sách nầy, chúng tôi xin tuần tự lược-khảo ba điệu diễn-kịch của nước nhà để cống-hiến quí độc-giả những đặc điểm của mỗi điệu.
*
Trong hai chương đầu, chúng tôi có trích-dẫn những câu hát Bội và những bài ca Cải-Lương của các soạn-giả hữu-danh để làm tài-liệu biên-khảo. Vì không rõ địa-chỉ của mỗi Vị nên chúng tôi rất tiếc không thể biên thư riêng để thỉnh-ý trước.
Chúng tôi xin Quí Vị vui lòng lượng-thứ cho và xin thể nhận nơi đây lời chơn-thành cảm-tạ của chúng tôi.
Sàigòn, Mạnh-Xuân Bính-Ngọ
Thanh-Trung TRẦN-VĂN-KHẢI
***
Hai danh-từ « Hát Bội » và « Hát Bộ » đã làm cho nhiều người phân-vân vì không biết phải gọi thế nào cho đúng. Theo thiển kiến chúng tôi, nên gọi « Hát Bội » bởi danh-từ nầy đã có từ lâu và nó đúng với ý-nghĩa của điệu hát ấy. Muốn minh-xác điều nầy, chúng ta nên tham-khảo những bộ tự-điển xưa hơn hết đã xuất-bản trong nước.
Trong quyển nhứt « Đại-Nam Quốc-âm tự-vị » của Huỳnh-tịnh Paulus CỦA, in tại Saigon năm 1895, nơi trang 67, có chữ BỘI (倍) thích nghĩa : Hơn, bằng hai. Có chua ở dưới : Gia bội = Thêm bằng hai, bằng ba. Trò bội = Cuộc ca hát. Hát bội = Con hát, kẻ làm nghề ca hát.
Xem trong quyển « Dictionnaire annamite-français » của J.F.M. GENIBREL, in năm 1898 cũng tại Saigon, nơi trang 47, có chữ BỘI (倍) thích nghĩa : Bằng hai = double ; Bội số = Multiple ; Bội-nhị = Doubler.
Có chua thêm phía dưới : Bội bè = Comédie ; Hát bội = Jouer la comédie.
Chiếu theo hai bộ tự-điển trên đây, chúng ta có thể kết-luận rằng : tiếng « Hát Bội » do chữ « Bội » trong Gia Bội, Bội Nhị mà ra, nghĩa là : Thêm bằng hai, bằng ba.
Ai đã từng đi xem hát Bội đều nhận-chân rằng trong điệu hát nầy, việc gì cũng « gia bội » (thêm lên). Một người Tướng có tánh nóng thường vẽ mặt rằn-rực quá dữ, bộ-tịch hung-hăng, nói năng nóng nảy. Thật ra, Tướng hồi xưa đâu có những cử-chỉ, ngôn-ngữ và mặt mày quá hung tợn như thế. Nhưng muốn cho khán-giả dễ thấy tánh-tình bên trong của vai tuồng, nên diễn-viên phải gia-tăng điệu-bộ và hóa-trang cách hung bạo như vậy.
Bởi thế, chúng ta chẳng nên lấy làm lạ cho sự diễn trò quá sự thật của điệu hát Bội vì là một điệu hát « Gia-tăng bội nhị, bội tam ».
Còn tiếng « Hát Bộ » mới có lúc sau nầy, hồi Cải-lương mới ra đời. Một số khán-giả đi xem Cải-lương, thấy điệu hát tả chân ấy ít có múa men ra bộ nhiều như hát Bội, nên gọi điệu hát sau nầy là hát Bộ, nghĩa là hát có múa bộ nhiều để phân biệt với điệu hát Cải-lương. Những người dùng tiếng hát « Bộ » là dùng sai ý-nghĩa của điệu hát cổ-điển nước nhà. Thế nên, chúng ta phải dùng tiếng « Hát Bội » mới đúng nghĩa.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com