🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : NGHỆ-THUẬT SÂN-KHẤU VIỆT-NAM Tác giả : TRẦN VĂN KHẢI
Nhà xuất bản : INSTITUT DE L’ASIE DU SUD-EST Năm xuất bản : 1987
------------------------
Nguồn sách : tusachtiengviet.com
Đánh máy : Khongtennao, alittleNu, Kim Ho, thuantran46, dacxeru, Laithuylinh, kd1995, ThaiThaiCJ, Meo_beo_123, bhp, little_lion, Thuong Nguyen
Kiểm tra chính tả : Lưu Đỗ Thanh Tâm, Ngô Thị Thu Hiền, Ngô Tùng Sơn, Nguyên Anh, Trương Đình Tý, Đào Tuấn Giang, Nguyễn Thanh Hải, Ngô Thanh Tùng
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 03/10/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả TRẦN VĂN KHẢI và INSTITUT DE L’ASIE DU SUD-EST đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
TỰA
CHƯƠNG THỨ NHỨT : HÁT BỘI I. LƯỢC SỬ HÁT BỘI
II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA HÁT BỘI A) SÂN-KHẤU HÁT BỘI
B) ĐIỆU BỘ
C) MÀU MÈ
III. CÁC GIỌNG HÁT BỘI
A) NÓI LỐI
1) Lối Xuân
2) Lối Ai
3) Lối xẳng
4) Lối thường
B) HÁT NAM
1) Nam Xuân
2) Nam dựng
3) Nam Ai
4) Nam bán Xuân Ai
5) Nam chạy
6) Nam biệt
7) Nam thoàn
8) Lý Nam Qua Ai
C) HÁT KHÁCH
1) Khách thi
2) Khách phú
3) Khách tử
4) Khách tẩu mã
5) Khách tửu
6) Khách Nam liên xướng
Đ) XƯỚNG
E) BẠCH
G) NGÂM
H) THÁN
I) OÁN
K) QUÂN BANG
L) HÁT BÀI
M) TÁN
N) HƯỜNG
O) VĨ
P) LÁY
Q) GIÁO ĐẦU VÀ CHÚC VÃN
R) CÁC GIỌNG PHỤ
IV. VĂN CHƯƠNG HÁT BỘI
A) VĂN HÁT NAM
B) VĂN HÁT KHÁCH
V. LỐI VẼ MẶT VÀ XIÊM-Y CỦA HÁT BỘI A) LỐI VẼ MẶT
B) MÃO VÀ XIÊM-Y
VI. ÂM-NHẠC HÁT BỘI
VII. NHẬN XÉT VỀ HÁT BỘI
A) NHẬN XÉT VỀ ÂM-ĐIỆU
B) NHẬN XÉT VỀ NGHỆ-THUẬT
Ồ Ế Ủ Á Ộ
VIII. NHỮNG VỠ TUỒNG DANH TIẾNG CỦA HÁT BỘI IX. DANH-SÁCH NGHỆ-SĨ HÁT BỘI
A) NỮ NGHỆ-SĨ
B) NAM NGHỆ-SĨ
CHƯƠNG THỨ NHÌ : CẢI-LƯƠNG
I. LỊCH-SỬ CẢI-LƯƠNG
II. NHỮNG ĐẶC-ĐIỂM CỦA CẢI LƯƠNG
A) SÂN-KHẤU CẢI-LƯƠNG (DÀN CẢNH VÀ Y-PHỤC HÓA TRANG)
B) ĐIỆU-BỘ
c) MÀU MÈ
III. CÁC GIỌNG CẢI-LƯƠNG
A) GIỌNG BẮC
1) Lối Bắc
2) Ca Bắc
B) GIỌNG OÁN
1) Tứ-Đại Oán
2) Cửu-khúc Giang-nam
3) Phụng cầu hoàng
4) Phụng-hoàng
5) Văn thiên-tường
C) GIỌNG NAM
1) Lối Ai
2) Ca-Nam
a) Nam Xuân
b) Nam Ai
c) Đão-ngũ-cung
đ) Nam chạy
d) Nam Bình
D) GIỌNG NAM DO HƠI BẮC BIẾN THỂ
1). Hành-Vân hơi Nam
2) Chuồn-chuồn hơi Nam
3) Vọng-cổ Hoài-lang
a) Lược-sử bản Vọng-cổ
b) Những thời-kỳ tăng nhịp của bản Vọng-cổ c) Những thể-thức cấu-tạo bản vọng-cổ
d) Các phương-pháp gối đầu bản Vọng-cổ
đ) Vì sao bản Vọng-cổ được công-chúng hoan nghinh và sự áp-dụng bản vọng-cổ trong tuồng Cải-lương và các nơi khác
g) Dân-tộc tính của bản vọng-cổ
E) GIỌNG LÝ
1) Lý giao-duyên
2) Lý Ngựa Ô
3) Lý Huế
4) Lý con Sáo
G) BÌNH
H) NGÂM
1) Ngâm tứ-tuyệt thất ngôn
2) Ngâm tứ-tuyệt bát-ngôn
3) Ngâm thi bát-cú
4) Ngâm lục-bát
5) Ngâm song-thất lục-bát
I) HÒ
Ó
K) NÓI THƠ
L) THÁN
M) GIỌNG QUẢNG
N) GIỌNG CẢI-CÁCH HAY TÂN NHẠC
IV. VĂN CẢI-LƯƠNG VÀ CÁCH SOẠN BÀI CA V. ÂM-NHẠC CẢI-LƯƠNG VÀ VỊ-TRÍ CÁC NHẠC-KHÍ 1) Đờn kìm
2) Đờn Tranh
3) Đờn Cò
4) Đờn Sến
5) Guitare
6) Violon
7) Ống Sáo
8) Cây Cuỗn
VI. NHẬN XÉT VỀ ÂM-ĐIỆU CẢI LƯƠNG
VII. KẾT LUẬN TỔNG-QUÁT VỀ CẢI LƯƠNG
A) CÁC THỜI-KỲ BIẾN-CHUYỂN CỦA NỀN CA-KỊCH CẢI LƯƠNG
B) NGHỆ-THUẬT CẢI-LƯƠNG ĐƯỢC ỦNG-HỘ VÌ NÓ ĐI SÁT VỚI QUẦN CHÚNG
C) GIẢI THANH-TÂM
CHƯƠNG THỨ BA : THOẠI-KỊCH
CHƯƠNG THỨ TƯ
A) THÚ XEM DIỄN KỊCH
B) BÀN VỀ SOẠN KỊCH
1) Lựa đề tài
2) Sáng tạo các nhân-vật (Création des personnages)
3) Bố cục (Disposition) 4) Lập từ (Elocution) KẾT LUẬN
TRẦN VĂN KHẢI
NGHỆ-THUẬT SÂN-KHẤU VIỆT-NAM
HÁT-BỘI, CẢI-LƯƠNG, THOẠI-KỊCH, THÚ XEM DIỄN KỊCH
INSTITUT DE L’ASIE DU SUD-EST 1987
INSTITUT DE L’ASIE DU SUD-EST, 1987 269, rue Saint-Jacques 75005 PARIS
Tous droits réservés pour tous pays, y compris l’URSS ISBN 2-86813-024-0
TỰA
Người ngoại-quốc, khi đến du-lịch trong một nước nào, muốn biết trình-độ văn-minh của dân-tộc nước ấy, thường hay đi xem diễn tuồng để thưởng-thức nghệ-thuật sân-khấu của bản-xứ.
Hiện nay sân-khấu Việt-Nam có ba bộ môn : Hát Bội, Cải-Lương và Thoại-Kịch. Thiết-tưởng nước nhà có thể tự hào để trình cho người ngoại-quốc xem ba điệu diễn tuồng của mình, mà mỗi điệu, nếu biết thưởng-thức, đều có cái hay của nó.
Hát Bội hay về lối cổ-điển. Về hình-thức tuy cổ-lỗ, nhưng về tinh-thần nó có thể tượng-trưng cho cái « Nho phong sĩ khí » của dân-tộc Việt-Nam. Nó nêu lên được những gương nghĩa-sĩ trung-thần, nghĩa-phu tiết-phụ, những cảnh bạn thiết, tớ trung và phụ từ, tử hiếu. Những trạng-huống éo-le gay-cấn trong lịch-sử Tàu hay lịch-sử nước nhà đều được hát Bội đem ra trình-diễn để làm gương cho hậu thế.
Song nghệ-thuật hát Bội rất sâu-sắc. Muốn thưởng-thức cái hay, cái đẹp của điệu hát ấy, khi xem cần phải chú-ý rất nhiều và quan-sát kỹ-càng mới lĩnh-hội được chỗ sâu sắc của hát Bội.
Trái lại điệu Cải-Lương là một lối hát bình-dân. Ai xem cũng hiểu được. Nó có thể hấp-dẫn một số đông khán-giả nhờ tính-cách bình-dân của nó. Gia-dĩ cách bố-cục, phân màn và dàn-cảnh của điệu Cải-Lương đều phỏng theo lối
Âu-châu, nên dễ xem. Lối hát nầy khi diễn tuồng xã-hội, được hạp nhãn người ngoại-quốc hơn.
Về Thoại-Kịch, mới phát-khởi trong lúc sau này, nên còn trong thời-kỳ phôi-thai. Nhưng có một vài vở kịch có thể nói là vừa xem đặng, nhờ tài diễn-xuất khả-quan của một ít kịch-sĩ ưu-tú.
Trong sách nầy, chúng tôi xin tuần tự lược-khảo ba điệu diễn-kịch của nước nhà để cống-hiến quí độc-giả những đặc điểm của mỗi điệu.
*
Trong hai chương đầu, chúng tôi có trích-dẫn những câu hát Bội và những bài ca Cải-Lương của các soạn-giả hữu danh để làm tài-liệu biên-khảo. Vì không rõ địa-chỉ của mỗi Vị nên chúng tôi rất tiếc không thể biên thư riêng để thỉnh-ý trước.
Chúng tôi xin Quí Vị vui lòng lượng-thứ cho và xin thể nhận nơi đây lời chơn-thành cảm-tạ của chúng tôi.
Sàigòn, Mạnh-Xuân Bính-Ngọ
Thanh-Trung TRẦN-VĂN-KHẢI
CHƯƠNG THỨ NHỨT : HÁT BỘI
Hai danh-từ « Hát Bội » và « Hát Bộ » đã làm cho nhiều người phân-vân vì không biết phải gọi thế nào cho đúng. Theo thiển kiến chúng tôi, nên gọi « Hát Bội » bởi danh-từ nầy đã có từ lâu và nó đúng với ý-nghĩa của điệu hát ấy. Muốn minh-xác điều nầy, chúng ta nên tham-khảo những bộ tự-điển xưa hơn hết đã xuất-bản trong nước.
Trong quyển nhứt « Đại-Nam Quốc-âm tự-vị » của Huỳnh-tịnh Paulus CỦA, in tại Saigon năm 1895, nơi trang 67, có chữ BỘI (倍) thích nghĩa : Hơn, bằng hai. Có chua ở dưới : Gia bội = Thêm bằng hai, bằng ba. Trò bội = Cuộc ca hát. Hát bội = Con hát, kẻ làm nghề ca hát.
Xem trong quyển « Dictionnaire annamite-français » của J.F.M. GENIBREL, in năm 1898 cũng tại Saigon, nơi trang 47, có chữ BỘI (倍) thích nghĩa : Bằng hai = double ; Bội số = Multiple ; Bội-nhị = Doubler.
Có chua thêm phía dưới : Bội bè = Comédie ; Hát bội = Jouer la comédie.
Chiếu theo hai bộ tự-điển trên đây, chúng ta có thể kết luận rằng : tiếng « Hát Bội » do chữ « Bội » trong Gia Bội, Bội Nhị mà ra, nghĩa là : Thêm bằng hai, bằng ba.
Ai đã từng đi xem hát Bội đều nhận-chân rằng trong điệu hát nầy, việc gì cũng « gia bội » (thêm lên). Một người Tướng có tánh nóng thường vẽ mặt rằn-rực quá dữ, bộ-tịch hung-hăng, nói năng nóng nảy. Thật ra, Tướng hồi xưa đâu có những cử-chỉ, ngôn-ngữ và mặt mày quá hung tợn như
thế. Nhưng muốn cho khán-giả dễ thấy tánh-tình bên trong của vai tuồng, nên diễn-viên phải gia-tăng điệu-bộ và hóa trang cách hung bạo như vậy.
Bởi thế, chúng ta chẳng nên lấy làm lạ cho sự diễn trò quá sự thật của điệu hát Bội vì là một điệu hát « Gia-tăng bội nhị, bội tam ».
Còn tiếng « Hát Bộ » mới có lúc sau nầy, hồi Cải-lương mới ra đời. Một số khán-giả đi xem Cải-lương, thấy điệu hát tả chân ấy ít có múa men ra bộ nhiều như hát Bội, nên gọi điệu hát sau nầy là hát Bộ, nghĩa là hát có múa bộ nhiều để phân biệt với điệu hát Cải-lương. Những người dùng tiếng hát « Bộ » là dùng sai ý-nghĩa của điệu hát cổ-điển nước nhà. Thế nên, chúng ta phải dùng tiếng « Hát Bội » mới đúng nghĩa.
I. LƯỢC SỬ HÁT BỘI
Trước khi điệu hát Bội từ Tàu sang Việt-Nam, dân-tộc ta chắc có một điệu hát riêng biệt vì một dân-tộc, dù còn man mạch đến đâu, cũng có một điệu hát riêng của mình. Trong các cuộc lễ công-cộng, thường nhân dân trong thôn-ổ hội họp lại để ăn uống, múa hát vui chơi. Đó là một sự dĩ-nhiên không ai chối cãi được. Hiện nay chúng ta thấy các dân tộc thiểu-số ở miền sơn-cước đều có điệu múa hát của họ. Nhờ những giọng hát của ta có sẵn, nó sẽ làm nền móng cho điệu hát Bội sau nầy.
Qua đến đời Nguyên bên Tàu (1285), tướng Toa-Đô sang xâm chiếm nước ta, bị Hưng-Đạo-Vương đánh đuổi. Khi quân Tàu thua chạy, quân ta bắt sống được một số tàn quân, trong đó có tên Lý-nguyên-Cát biết múa hát.
Nhà Trần bèn hậu đãi tên kép hát ấy để dạy cho người mình điệu hát Bội. Song dạy về hình thức mà thôi, như cách múa men, vẽ mặt, mặc xiêm giáp, v.v… Còn về nội-dung các giọng hát, người mình đã có sẵn từ trước, nên không cần ai dạy. Nếu nói một người kép hát Tàu qua dạy cho người Việt các giọng hát thật là phi lý.
Vả lại, âm-nhạc hát Bội của mình khác với âm-nhạc Tàu xa lắm, mà giọng hát là do âm-nhạc phát-sinh. Thế nên cái hay của tiền-nhân ta là biết dung-hòa cái hình-thức điệu-bộ của Tàu với cái nội-dung âm-điệu của mình sẵn có, để tạo nên một lối hát đặc-biệt Việt-Nam. Thật tiền-nhân ta rất am-tường về nghệ-thuật sân-khấu mới sáng chế được một
điệu hát cổ-điển có qui-củ hẳn-hòi cho nước nhà. Trong các giọng hát Bội, có điệu hát khách hơi mường tượng giọng hát Tàu, nhưng không giống hệt.
II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA HÁT BỘI
Hát Bội là một nghệ thuật tượng trưng (art symbolique). Từ cách dàn cảnh trên sân-khấu đến các điệu-bộ đều có tánh cách tượng-trưng.
A) SÂN-KHẤU HÁT BỘI
Cách dàn cảnh của sân-khấu hát Bội rất đơn-giản. Chính giữa sân-khấu có trải một chiếc chiếu trắng. Kế đó phía trong, để một cái bàn. Hai đầu bàn có để mấy cái ghế ngồi. Phía sau có treo một tấm màn thêu rất đẹp và có thể vẹt ra hai bên đặng. Trong tấm màn, để một cái rương lớn, trên rương để một cái ghế lên cao dùng cho vua hoặc tướng-soái ngồi, khi có thiết đại triều hay có hội-nghị nơi soái đường.
Hai bên phía vô buồng, có hai cửa buồng có treo màn. Còn hai bên sân-khấu, có đặt hai cái rào sơ-ly bằng cây sơn son để dựng tàn lọng và cờ xí. Hai rào sơ-ly nầy làm tăng vẻ trang-nghiêm của sân-khấu mà cũng có dụng ý để ngăn những trẻ em xem hát không cho tràn vô sân-khấu làm trở
ngại cuộc diễn tuồng.
Nhờ lối dàn-cảnh đơn giản ấy, nên rất thuận tiện cho soạn-giả sắp đặt lớp lang bổn tuồng. Sân-khấu hát Bội chẳng khác nào một trang giấy trắng, trên đó soạn-giả vẽ vời thế nào tùy ý, chẳng cần đổi cảnh, phân màn.
Chốn triều-đình cũng đó, chiến trường hay núi non rừng-rậm cũng đó. Khán giả nghe câu hát của vai tuồng rồi tưởng-tượng trong trí, biết nơi ấy là nơi nào. Vả lại người Việt đi xem hát Bội phần nhiều đã đọc truyện Tàu nên biết
rõ các chi-tiết trong tuồng, không cần trưng bày cảnh thực, khán giả cũng ý-thức được những nơi đã xảy ra các lớp tuồng. Lúc sau này hát Bội có bày ra tranh cảnh, nhưng nhiều người thích để sân-khấu như xưa.
B) ĐIỆU BỘ
Các điệu-bộ của hát Bội đều theo những qui-tắc nhứt định. Từ cách cầm thương lên ngựa đến cách vuốt râu đều có vẻ tượng-trưng.
Một ông Tướng khi xuất trận, đòi thương mã, trong buồng tên quân đem cái roi ngựa và cây thương ra đứng cách như dắt một con ngựa thiệt đến cho chủ (Nơi đây xin mở một dấu ngoặc để xét coi nên bỏ hay nên để cách dắt ngựa ra như vậy). Theo thiển kiến chúng tôi, nên bỏ nếu việc ấy không có điều chi quan-hệ cho lớp tuồng. Nhưng có một ít trường-hợp đặc-biệt phải để, vì nếu bỏ, lớp tuồng sẽ mất hay. Như lúc Đơn-hùng-Tín vào trào hay tin các tướng đều bị tử-trận, lập tức trở về nhà để giã từ vợ và lấy thương mã đặng đi thích-khách Vua Đường.
Vợ cản không muốn cho chồng đi vì biết thế nào cũng bị hại. Nhưng Đơn-hùng-Tín là người anh-hùng, quyết tâm phục hận, bèn kêu quân đòi thương mã. Nếu lúc nầy không cho quân dắt ngựa, đem thương ra, tất lớp tuồng sẽ bị hỏng.
Nhờ có cử-chỉ cầm thương lên ngựa rất quyết-liệt mà Đơn-hùng-Tín mới tỏ ra được cái chí-khí anh-hùng và vợ tỏ lòng trọn nghĩa với chồng khi ba lần ra cản đầu ngựa.
Về sự vuốt râu cũng có nhiều cách để thể-hiện được tánh tình bề trong của vai tuồng. Một ông quan văn trung vuốt râu nhẹ-nhàng kéo phớt qua bên mặt hay bên trái (nếu tay mặt cầm quạt). Ông quan võ trung cầm ngọn râu phía dưới rồi hất qua một bên. Vai nịnh hai tay ôm bộ râu rồi vuốt xuôi xuống và cười hơi nịnh bợ. Tướng có tánh nóng hai tay khấu lại và quào-quào hàm râu rìa bộ dữ tợn. Người nghĩa khí như Quan Công xòe ngón tay trỏ và ngón giữa vuốt râu mép tai rồi đưa thẳng ra phía trước.
Hiện nay ở sân-khấu hát Bội có một vài nghệ-sĩ có những điệu-bộ rất hay. Ví như cách đưa tay lên, ngồi xây lưng lại đều ăn rập với nhịp đờn. Đi bước chậm rãi ăn theo nhịp trống, nên xem có nghệ-thuật.
C) MÀU MÈ
Về phương-diện tâm-lý, muốn kéo khán-giả theo cùng cảnh ngộ vui, buồn, giận, sợ… của vai tuồng, diễn-viên thường làm những màu-mè theo những lệ thông-thường như sau :
VUI. – Khi vui thì nét mặt hân-hoan, hai mắt sáng lên, giọng cười giòn-giã. Nhưng một ông quan trung cười cách khác, còn vai nịnh cười một cách khác. Nghe giọng cười cũng rõ người trung kẻ nịnh.
BUỒN. – Lúc gặp cảnh ngộ bi đát, giàn đờn rao xuân nữ trước. Người hát nói lối thương, nước mắt rưng-rưng chảy. Khi dứt lối thương, bắt qua hát Nam Ai, nước mắt tuôn dầm, làm cho khán-giả cũng phải động lòng rơi lệ.
GIẬN. – Khi giận, diễn-viên dùng một miếng cây bằng bàn tay đập mạnh xuống bàn hay ghế nghe bốp-bốp. Tay chỉ, miệng la lớn và dùng lời rầy la dạy bảo. Ví như lúc Triệu-hoàng-Cô giận rầy Cao-quân-Bảo kết hôn không cho cha mẹ hay trước. Cũng có khi dùng điệu-bộ và lời nói để tỏ sự giận, không dùng miếng cây.
SỢ. – Cao-quân-Bảo sợ mẹ quở phạt, rạp mình xuống, mắt láo-liên, mặt thất-sắc, hai bàn tay chắp lại và chơn bước nhẹ, bộ cóm róm. Có nhiều điệu-bộ khác để chỉ sợ hãi, nhưng đây là một điệu-bộ sợ-sệt điển-hình của hát Bội.
GANH-GHÉT. – Một bà chánh-hậu mưu toan giết mẹ con bà thứ vì bà sau này mới sanh một hoàng nam. Sợ để hoàng-tử ngày sau nối ngôi vua thì mình sẽ mất quyền-thế và bà thứ sẽ lên ngôi quốc-thái, nên bà chánh-hậu lập mưu cùng người tâm-phúc để ám-hại kẻ thù. Trong lúc đàm
thoại, bà thường nghiến răng, sắc mặt hầm-hầm, tay giận run. Những sự ghen tức ở nội tâm đều tỏ ra ngoài bằng cử chỉ hay lời nói.
THƯƠNG YÊU. – Theo phong-tục đông phương, tình yêu không bộc lộ ra ngoài. Cha thương con, con thương cha, vợ thương chồng đều để trong lòng, không biểu lộ ra ngoài. Trừ trường hợp vợ chồng phải xa cách nhau thì chồng vịn vai vợ hoặc vợ vịn vai chồng để than vãn là cùng, không có sự âu-yếm quá mức như người phương Tây.
III. CÁC GIỌNG HÁT BỘI
Hát Bội có nhiều giọng : nói lối, hát nam, hát khách, xướng, bạch, ngâm, thán, oán, quân bang, quân bài, v.v… Sau đây xin lần lượt khảo về các giọng.
A) NÓI LỐI
Tuy nói lối, song cất giọng cao gần như hát. Nói lối có bốn cách : lối xuân, lối ai, lối xẳng và lối thường.
1) Lối Xuân
Lối xuân nói chậm rãi, nghiêm nghị, thường dùng trong khi xưng tên và đàm-thoại. Trong tuồng « Kim-Vân Kiều », lúc Túy-Kiều xưng tên có nói lối xuân :
(Túy-Kiều) :
Thiếp Túy-Kiều lạm dự hồng quân,
Nhà Vương-thị sớm roi giai lệ
Thượng uyển hoa còn bé nhụy,
Ngự câu lá chửa đề thi.
Sắc hổ trang lạc nhạn trầm ngư,
Tài ví kẻ đằng giao khởi phụng.
Ca vịnh não nề lòng chúng,
Tân thinh nổi tiếng hồ cầm.
Tác cập kê xấp-xỉ trăng rằm,
Nết trinh tịnh trau-giồi giá ngọc.
(Túy-Vân) :
Trịnh, vệ chi màng thói bạc,
Mạnh, Tào dốc đúc gương trong.
Tường đông ai đem dạ bướm ong,
Mái tây cũng mặc người trăng gió.
2) Lối Ai
Lối Ai nói lúc buồn để tả tâm sự đau-đớn thê-lương. Khi cha mẹ nhớ con, con nhớ cha mẹ, tôi chúa thất lạc, vợ chồng xa nhau, đều dùng lối Ai. Trong tuồng « Địch-Thanh ly Thợn », lúc Địch-Mẫu nhớ con nói lối Ai :
Trông con chi ngớt cơn sầu,
Nhớ trẻ lại thêm nỗi thảm.
Con ôi !
Cố quốc tam thu vân sắc ám,
Tây thiên vạn lý cổ thanh xa.
Thối não đưa hơi gió bên nhà,
Đem tin vắng cánh hồng ngoài ải.
Mẹ chẳng biết :
Cam-tuyền đã vắng hơi lửa dậy
Hay là :
Tế-liễu còn lộn tiếng quân reo.
Tai chẳng nghe lạc ngựa bình Liêu,
Mắt luống nhắm ngọn cờ thối Lỗ.
Trong tuồng « Kim-Vân-Kiều » lúc Túy-Kiều nhớ cha mẹ và người tình cũ có nói lối Ai :
Từ thuở lầu xanh treo giá,
Biết bao đất khách nhơ danh.
Trông mấy luống những ngẩn-ngơ tình,
Hỏi nguyệt càng thêm lai-láng lụy.
Sân hòe quế đủ mùi thục thủy,
Ôi cha mẹ ôi !
Nhà xuân huyên xế bóng tang du.
Ôi Kim-lang ôi !
Người qua thăm cây đa cũ, bến đò xưa
Em đã nối mối tơ thừa sợi chỉ mới.
Thổn-thức nỗi chung tình cựu ngỡi,
Ngổn-ngang lòng cố quốc tha hương.
Hàm sầu cố ảnh tự thương,
Bão hận thống tâm trường thán.
3) Lối xẳng
Lối nầy nói mau hơn lối xuân và lối ai, cũng bằng văn vần. Dùng trong lúc giận hay khi tỏ lời khí-khái.
Trong tuồng « Sơn hậu » khi Tạ-thiên-Lăng bị Triệu Khắc-Thường xỉ mạ, nói lối xẳng :
Nổi lôi đình chi nộ.
Phấn thích lịch chi oai
(Ôn-Đình) :
Phú Ôn-đình em khá ra tài,
Chém đầu gã, để răn muôn chúng.
Trong tuồng « Tam-Quốc », lớp Trương-Phi ở Cổ-Thành nghe quân báo : Dạ dạ ! Hữu xa mã đáo thanh, xung Quan Hầu nhập yết :
(Trương-Phi nói lối xẳng) :
Tâm như hỏa liệt ! hỏa liệt !
Nhĩ tợ lôi oanh, lôi oanh !
(Vả chăng Quan-Hầu bội ngô huynh trưởng, hàng Tào lập công, Phi hỏi) : Hà sư đáo ngã thành. Tất kỳ trung hữu trá.
(Chư Tướng) :
Truyền chỉnh tu binh mã.
Mau bố liệt can qua,
Huy xà mâu sát phá oan gia.
Huyền thủ cấp báo ngô ca trưởng.
4) Lối thường
Lối thường dùng văn xuôi. Thí dụ Địch-Thanh nói với Thoại-Ba : « Công Chúa giận cũng phải, nhưng xin Công Chúa nghĩ lại. Nay thằng Bàng-Hồng nó xàm tấu cùng Thánh-Thượng rằng hạ quan là kẻ phản quốc tư cừu, nên lịnh trên đã dạy giam từ mẫu nơi ngục nội… »
B) HÁT NAM
Giọng Hát Nam là một giọng đặc-biệt của Việt-Nam. Có người nghe giọng Hát Nam hơi buồn rồi đoán là giọng hát nầy gốc của người Chàm. Chúng tôi không đồng ý-kiến ấy vì trải mấy ngàn năm lịch-sử nước Nam ta không có một giọng hát đặc-biệt của mình để biểu-thị sự buồn thảm thê-lương hay sao ? Vả lại những câu văn dùng trong điệu hát Nam đều là văn đặc-sắc Việt-Nam như : Thượng-lục hạ bát, Song thất lục bát hay Lục bát gián thất.
Hát Nam có năm điệu tùy cảnh ngộ : Nam Xuân, Nam Ai, Nam dựng, Nam chạy và Nam biệt. Sau hết có điệu Lý Nam qua Ai.
1) Nam Xuân
Hát Nam Xuân hơi thư-thái và có vẻ bi-hùng. Thường dùng trong khi đi đường để tả cảnh hoặc tả tình. Trước khi hát Nam Xuân, vai tuồng thường nói bốn câu hoặc hai câu lối xuân, rồi bắt qua Nam Xuân.
Trong tuồng « Kim Vân Kiều » lúc chị em Túy-Kiều đi tảo mộ có nói lối xuân và hát Nam Xuân để tả cảnh Xuân Thiên thích thú :
(Túy-Kiều) (lối xuân) :
Một sắc thiều-quang tỏ rạng,
Đôi nhành mai liễu đua tươi.
Trời xuân cảnh vật chào người,
Nội tử chị em tách dậm.
(Hát Nam Xuân) :
Nội tử chị em tách dặm,
Cảnh vật nhìn vẻ gấm càng tươi.
(Túy-Vân) (hát Nam Xuân) :
Thiều-quang vừa ngoại sáu mươi,
Đầy đường hoa nở, lắm người đạp thanh.
(Vương-Quang) (hát Xuân tiếp) :
Trời thanh rạng vẻ xuân xanh.
Một tiền tê tảo phỉ tình cửu u.
Trong tuồng « Huê-dung đạo » lớp Quan-Công hồi thành thọ tội, có hát Nam Xuân để tỏ tâm-trạng người anh hùng vì muốn trả ơn nên chẳng sợ tử tội cam đoan :
(Quan-Công) (nói lối Xuân) :
Đứng trượng phu xử thế,
Hà úy tử tham sanh ?
Trói mình nầy thọ tội trào đình,
Dầu mặc lịnh Quân-sư tha giết.
(Qua Nam Xuân) :
Mặc lịnh Quân-sư tha giết,
Ơn đền rồi, sống thác nài bao.
Sự tình phú có thiên cao,
Gươm Lưu đổi nặng, ơn Tào nỡ vong.
Những dầu xương rụi cốt tàn,
Ngàn năm để tiếng miếu đàng thơm danh.
2) Nam dựng
Hát Nam dựng có hơi Xuân nhưng tiếng phát âm hơi dựng đứng để tỏ sự cứng-rắn của tâm-tư. Ví như trong tuồng « Tam Quốc » khi Quan Công thất thủ Hạ-Bì, phò nhị Tẩu qui Tào, đáng lẽ phải hát Nam Ai để tỏ lòng buồn thảm của mình đối với Lưu-Bị. Nhưng Quan Công hát hơi Xuân dựng mấy câu dưới đây để biểu-lộ cái khí-tiết của bậc cái-thế anh-hùng, dù phải bại trận, song tinh-thần vẫn bất khuất :
(Quan-Công) (nói lối) :
Tuyển toàn quân tôn thập nhị đinh,
Phò tẩu-tẩu tấn kỳ xa… thượng.
(Qua Nam dựng) :
Tẩu tẩu tấn kỳ xa thượng,
Giã Hạ-bì, chỉ dặm Hứa-Xương.
Lau lau tiết rạng dường gương,
Chơn noi Bắc-Ngụy, dạ hằng nhớ Lưu.
Tuy là khác thửa đồng bào,
Lời thề ngày trước vườn đào đâu nguôi.
3) Nam Ai
Hát Nam Ai giọng buồn thảm ai bi để tả tâm-sự đau thương của vai tuồng. Khi nào một vai tuồng bị cảnh ngộ chia rẽ như mẫu tử, phu thê, huynh đệ, quân thần phân-ly, v.v… thường hát Nam Ai để tỏ tình thê-lương của mình đối với người cách-biệt. Phần thường đào kép Hát Bội nhờ điệu hát Nam Ai để làm mủi lòng khán-giả và cũng để phô-diễn tài-nghệ về hơi-hám của mình.
Ví như trong tuồng « Địch-Thanh ly Thợn » lớp Địch mẫu, mẹ của Địch-thanh, bị Vua sai bắt, em Địch-Thanh là Địch-kim-Lan theo đưa mẹ có hát Nam Ai :
(Địch-kim-Lan) (nói lối) : Bất tận ai bi, ai bi ; vô cùng thảm não, thảm não. Mỏi mắt nhắm theo hình vân cẩu. Đau lòng cho mấy cuộc tang thương. Vầng ô đã xa cách Trường an. Đàng thỏ kíp trông chừng cố-lý.
(Hát Nam Ai) :
Đàng thỏ trông chừng cố-lý,
Mượn sương trời rơi lụy đỗ-quyên.
Tình con nghĩa mẹ không yên,
Nghĩ thôi càng thảm càng phiền cho đây.
Cách rồi một đoạn ai bi,
Trời xanh soi xét có khi tương phùng.
Trong tuồng « Phụng-Nghi-Đình » lớp Điêu-Thuyền xuất-giá có hát Nam-Ai để từ-biệt Tư-Đồ.
Điều-Thuyền (nói lối) :
Ơn dưỡng-dục chưa thỏa tình báo-bổ.
Nghĩa minh-linh phải gắng sức tài-bồi.
Một lạy xin giả nghĩa tôi đòi,
Trăm năm quyết ghi lời dạy nhủ.
(Hát Nam Ai) :
Dạy nhủ ghi lời vàng đá,
Luống ngậm ngùi ngày hạ đêm đông.
(Tư-Đồ) (tiếp Nam Ai) : Thưa Thừa-Tướng ! Xin nhờ mở lượng bể sông. (Nầy con ôi ! Rồi con nhờ cũng tại đó, mà chi nhờ cũng tại đó). Mượn tay cân quắc đỡ lòng tu mi.
(Điêu-Thuyền) (tiếp Nam Ai) :
Dằn lòng một bước ra đi,
Cha lui ngọc các, con về tướng môn.
Trong tuồng « Kim-Thạch kỳ-duyên », lớp Kim-Ngọc giã-từ Hòa-Thượng Hư-Vô có hát Nam Ai :
(Kim-Ngọc) (nói lối) :
Thưa, lòng kính thành bái tạ cao tăng,
Dặm diêu viễn trông chừng làng hạnh.
(Nam Ai) :
Diêu viễn trông chừng làng hạnh,
Cúi đầu từ, đài kính cửa không.
Khuôn linh đã đúc anh hùng.
Dẫu ra gan chuột cánh trùng quản bao. 1
Cha mẹ ôi !
Ngùi ngùi chín chữ cù lao,
Công ơn cha mẹ, trời cao đất dày.
(Dũ-Đức) (Người tớ trung của Kim-Ngọc) : Thưa cậu, sách có chữ rằng : Trí giả bất dĩ hoạn-nạn nhi diệt kỳ tâm, còn Nhân giả bất dĩ bần tiện nhi cải kỳ tiết. Rất đỗi là, trăng còn có khi tròn khi khuyết, huống chi người sao không thuở nhục thuở vinh. Hễ là, đá cứng biết tuổi vàng, đường dài hay sức ngựa.
(Hát Nam Ai) :
Sức ngựa đường dài mới tỏ,
Đứng làm người không khó sao khôn.
Chiều theo ống thẳng bầu tròn,
Dẫu trong gian hiểm, cũng còn thảo ngay.
Trong tuồng « Địch-Thanh ly Thợn » lúc Thoại-Ba Công-chúa chia tay Địch-Thanh để trở lại Thợn-Quốc có hát Nam Ai :
(Thoại-Ba) (nói lối) :
Phò-Mã ôi ! Chưa lạt rượu giao-hoan một chén, Đã văng mình vĩnh-biệt ngàn trùng.
Khó theo chân thảo tặc Nguyên-Nhung,
Xin soi dạ tư quân thục-nữ.
(Nam Ai) :
Soi dạ tư quân thục-nữ,
Đoạn thâm tình nhứt khứ nhứt lưu.
(Địch-Thanh) (tiếp Nam) :
Ruột dường dao cắt chín chìu,
Sương bay trước mặt, gió hiu bên đàng.
(Thoại-Ba) (Nam) :
Chút duyên Chức-Nữ Ngưu-Lang,
Cầu ô đã bắc loại toan dứt cầu.
(Địch-Thanh) (Nam) :
Dùng-dằng nghĩa trước tình sau,
Dây phiền đó cột, chuỗi sầu đây mang.
(Thoại-Ba) (Nam) :
Phân tay một khúc dương-quan,
Tây-Liêu chàng tới, Thợn-Bang thiếp hồi.
Sau hết cũng trong tuồng « Kim-Thạch kỳ-duyên » (s.g. Bùi-hữu-Nghĩa), con gái của Thạch-đạo-Toàn là Thạch vô Hà xin làm nô-tỳ cho nhà Lâm-Vượng để lấy tiền chuộc tội cho cha, bị hàm-oan. Lúc giã-từ mẹ là Châu-Thị và em Thạch-hữu-Quang, Thạch-vô-Hà tỏ lòng đau xót bằng điệu Nam Ai :
(Châu-Thị, Hữu-Quang) (ngâm) :
Phù vân vô ngữ các tây đông,
Chi thượng đề quyên lụy nhiệm hồng.
(Vô-Hà) (tiếp) :
Dương liễu kiều đầu ly biệt thọ,
Lạc hoa vô ngữ oán xuân phong.
(Hữu-Quang) (hát Nam Ai) :
Xuân phong tấm lòng chua xót,
Đoạn ly kỳ mấy giọt tuôn rơi.
Trời làm chi cực bấy trời,
Nào ai tráo chác cho người hiệp tan ?
(Châu-Thị) (lối) :
Khôn lớn tưởng định bề đôi lứa,
Rủi ro xui ra phận tội đời.
(Con ôi) !
Nuôi mới vừa con mắt đương coi,
Thương đâu dứt tấm lòng cho đoạn.
(Nam Ai) :
Đâu dứt tấm lòng cho đoạn
Lạc cửa người chích nhạn bơ vơ.
Nuôi con kiếm chốn xe tơ,
Tưởng là sum hiệp, ai ngờ rẽ phân.
(Vô-Hà) (lối) :
Xin mẹ chớ nhiều ngày đeo thảm,
Liều như con trong tháng đứt nôi.
Giơ chơn một bước hóa mười lui,
Trơ mắt ba nhìn ra sáu giọt.
(Nam Ai) :
Trơ mắt ba nhìn sáu giọt,
Nhạn lạc bầy thảnh-thót đầu non.
Thà rằng liều một thân con,
Huê dầu lìa cội, lá còn xanh cây.
Nỗi nước nầy từ đây rời rã,
Tấc cỏ liều lo trả ba xuân.
4) Nam bán Xuân Ai
Trong điệu hát Nam, có khi hát nửa Xuân nửa Ai gọi Nam bán Xuân Ai. Những câu vui thì hát hơi Xuân, câu buồn trở qua Ai, tùy câu văn mà hát. Như đương hát Nam Xuân, muốn qua Nam Ai, diễn-viên cần phải ra dấu « Gạt nước mắt » cho giàn ngoài biết để đờn qua Ai. Như trong lớp
« Tô-Võ chăn dê » sau đây có hát hơi Xuân, kế qua Ai rồi trở lại Xuân :
(Tô-Võ) (nói lối) :
Đuổi dê ra ải bắc,
Lòng bát ngát sầu tây.
Miễn Võ-Hoàng cao ngự đài mây,
Thân chi sá nài bao lao khổ.
(Hát Nam Xuân) :
Đứng làm trai nài bao lao khổ,
Vái Phật Trời phò hộ chứng minh.
Võ-Hoàng còn ngự nam thành,
Có hay nông nỗi sự tình nầy chăng ?
Căm hờn Vệ-Luật Lý-Lăng,
Làm cho lỗi thửa đạo hằng quân thân.
Bao giờ (gạt nước mắt ra dấu qua Nam Ai) về tới cựu lân.
(Qua Nam Ai) :
Mẹ ôi ! ngõ cho thấy mặt từ thân chăng là.
Ngùi-ngùi hầu bước chơn ra,
Nhớ vua thương mẹ, xót xa đoạn trường.
Trách Hồ-Nhung đem lòng hãm-hiếp,
Biết ngày nào xum hiệp chúa tôi.
Đầm-đầm lụy ngọc sụt-sùi,
Ở Hồ nhớ Hớn chi nguôi tấc lòng.
(Trở lại Xuân) :
Tiết mao một cán cờ không,
Một người một bóng, bạn cùng sớm khuya.
Hồ-Vương độc dữ nhiều bề,
Trời ôi có biết gian nguy đỗi nầy !
5) Nam chạy
Lúc bị tướng giặc truy-nã cấp-bách, hay bị lạc vào rừng, vai tuồng vừa chạy vừa hát Nam gọi « Nam chạy ». Trong tuồng « Sơn Hậu » khi bà Thứ-Hậu và Đổng-kim-Lân bị Tạ ôn-Đình đuổi theo có hát Nam chạy :
(Thứ-Hậu) (lối) :
Đạo viễn nhơn tâm bất viễn,
Cơ-đô di, thần tử mạc đi.
Chỉ Sơn-thành thượng mã cao phi,
Nơi đằng nhạn từ từ giơ vọt.
(Hát Nam chạy) :
Giơ vọt trông chừng Sơn-Hậu,
Vái Phật Trời soi thấu lòng ngay.
(Kim-Lân) (tiếp Nam) :
Nguyệt lờ vì bởi tại mây,
Tuần hoàn thiên địa đổi thay vận thời.
Trong tuồng « Tiết-Cương chống búa » lớp Tiết-Cương và Kỹ-Lan-Anh bị Võ-Tam-Tư đuổi theo, chạy lạc vào rừng, có hát Nam chạy.
(Tiết-Cương) (nói lối) :
Hồ-nô đã biết đường xa thẳm,
Lâu-la tua nối gót lần dò,
Chớ ngại ngùng núi rậm hang sâu,
Miễn thoát đặng dây oan lưới họa.
(Hát Nam chạy) :
Thoát đặng dây oan lưới họa,
Bước gập ghềnh dìu đỡ lấy nhau.
Hồ-Nô (hát tiếp Nam) :
Một đoàn tớ trước thầy sau,
Chim kêu vượn hú thêm đau đớn lòng.
(Lan-Anh) (Nam) :
Lao-xao sóng vỗ ngọn tùng,
Gian-nan là nợ anh hùng phải vay.
(Tiết-Cương) (Nam) :
Sơn đình đoái đã gần đây,
Nhẹ chơn kỳ ký, thoát bầy khuyển ưng.
6) Nam biệt
Trong một lớp tuồng, khi hai vợ chồng hoặc mẹ con, anh em, v.v… sắp xa cách nhau, kẻ đi người ở, thường hát Nam để giã-biệt nhau, gọi hát Nam biệt hay Nam dứt. Khi người đi quay vô buồng rồi, người còn ở lại nhìn theo và kêu : Bớ phu-quân, hoặc bớ mẹ, bớ anh, rồi hát liền câu hát Nam biệt. Văn Nam biệt thường dùng câu song thất, nhưng cũng có khi dùng câu lục bát :
(Văn song thất) :
Bớ phu quân !
Én quy nam, nhạn hồi lãnh bắc,
Ngựa quay đầu, ruột thắt từng cơn.
(Văn lục bát) :
Bớ mẹ !
Dứt tình, tình lại vấn vương,
Cũng đeo một tấm đoạn trường mà đi.
Phần thường vai tuồng không nói lối khi bắt qua hát Nam biệt vì lúc chia tay nhau gấp rút không thể nói chi dài dòng hơn là hát dứt một câu Nam cho hết cơn nhớ thương bịn rịn.
Nhưng cũng có khi soạn-giả muốn tăng vẻ tha-thiết của mối tình chia rẽ, nên đệm thêm một câu « lối tán » cho người ở lại nói trước khi bắt qua câu Nam biệt. Câu « lối tán » nầy phải nói cho mau mới hợp tình cảnh :
(Lối tán) :
Sơn cách, thủy cách, tình nan cách,
Tinh di, nguyệt di, chi bất di.
(Qua nam biệt) :
Chi bất di, lưỡng đồ ly biệt,
Lụy sụt sùi, chi xiết lòng thương.
7) Nam thoàn
Nam thoàn hay nam thiền là một giọng hát Nam đặc biệt của những người xuất-gia. Trong tuồng « Sơn-hậu », bà Nguyệt Kiểu hát Nam thoàn lúc từ-giã các em và tướng sĩ đặng đi tu :
(Nguyệt Kiểu) (lối) : Nam Mô A-di-đà Phật. Xe rồng em trở lại, dặm liễu chị trải qua ; giã năm em an hưởng vinh hoa, phò một mối cho toàn huynh đệ.
(Nam thoàn) : Một mối cho toàn huynh đệ, Mặt giã-từ tướng-sĩ quần liêu. Mặc ai giàu mến sang yêu ; Mưa mai dễ
biết, nắng chiều nào hay. Hư vô là đạo mầu thay ; Hữu công Phật độ, có ngày siêu thăng.
8) Lý Nam Qua Ai
Điệu Lý Nam Ai dùng khi vai đào ngồi thêu, như Cửu-nhỉ công-chúa thêu Trân-châu-kỳ, hoặc lúc hồn ma đưa người qua núi, hay người chinh-phụ ru con, v.v… Điệu nầy thường dùng lối văn « song thất lục bát » :
(Lý) :
Trong cửa nầy, đã đành phận thiếp,
Ngoài mây kia, há kiếp chẳng vay ?
(Qua Ai) :
Những mong cá nước xum vầy,
Ai ngờ đôi ngả nước mây cách vời.
(Chinh-phụ ngâm).
Muốn gài vô câu Lý qua Ai phải nói hai câu lối Ai rồi xuống chữ Hồ : Tuồng « Lê-Lợi ».
(Lối Ai) :
Ngón kinh-luân kéo-kết tơ vàng,
Khuôn nhựt nguyệt lần đưa thoi ngọc… Hồ !
(Nếu câu ngâm lục-bát) :
Xuân đi rồi lại xuân về,
Nước non cũng vẫn một bề buồn xuân.
(Lý) :
Kia một dãy non sông gấm vóc,
Trách ai làm tang tóc cỏ cây (cỏ ư ứ cây).
(Qua Nam Ai) :
Buồn xuân càng gạt càng dầy,
Bâng-khuâng nước mất, ai hoài nhà tan.
(Lý) :
Tiếc cho mình hồng nhan phận gái,
Biết thế nào đem lại giang-san (giang ư ứ san).
(Qua Nam Ai) :
Hỡi ai nam tử bồng tang,
Thây bao da ngựa dậm ngàn chí trai.
(Lý) :
Lần tay ngọc dệt ngày tươi sáng,
Cảnh thanh bình chiếu rạng trời Nam (trời ư ứ Nam).
(Qua Nam Ai) :
Ngậm cay em đứt ruột tằm,
Hở môi sợ vách âm thầm nghiểng tai.
C) HÁT KHÁCH
Hát khách cũng gọi Bắc-xướng là một giọng hát có đờn kèn đưa hơi, mường-tượng giọng điệp khúc « Đại-quá trường » của Tàu. Ngày xưa người mình gọi người Tàu là Khách nghĩa là người Khách ở phương Bắc đến, chứ không gọi người Huê-Kiều như hiện nay. Giọng hát Khách rất hùng-hồn và dũng-cảm. Tuy nó hơi giống giọng Tàu, nhưng cũng vẫn giữ được âm điệu và tinh thần Việt-Nam. Hát Khách dùng khi tướng võ cầm thương lên ngựa để ra trận hoặc truy nã giặc hay sắp làm một việc gì quan-trọng.
Hát Khách có năm điệu : Khách thi, Khách phú, Khách tử, Khách tẩu-mã, Khách tửu. Sau hết có lối hát « Khách
Nam liên-xướng ».
1) Khách thi
Khách Thi là một bài Đường-luật « Thất ngôn tứ tuyệt » soạn bằng Hán-văn. Trong tuồng « Tiết-Cương chống búa » khi Võ-tam-Tư truy nã Tiết-Cương có hát khách thi :
(Võ-tam-Tư) (khách thi) :
Vũ sậu lôi đăng vạn kỵ lai,
Huy qua đáo xứ tảo trần ai.
Thệ tương kỉnh khí trừ cường địch,
Khẩn hứa ngu phu độc sính tài.
Trong tuồng « Triệu-Tử đoạt ấu chúa », lúc Triệu-Tử đi tuần ban đêm có múa rọi và hát Khách thi :
(Triệu-Tử) (ở trong buồng nói lớn) :
Hắc dạ vãn tuần Nam Bắc,
Sơ canh mật thám Đông Tây.
(Nam lao quân, Bắc lao quân, canh giờ cho nghiêm nhặt à !) (bước ra ngoài cầm rọi múa một vòng rồi nói) : Đông trại, tây trại, tuần-thủ tứ vệ môn à : Cho vào chớ khá cho ra, ai nghịch mạng chém đầu làm lịnh.
(Xướng) : Hắc dạ sơ canh thám đông tây.
(Hát khách thi) :
Vị chúa tương tùy bá chiến trung,
Binh cơ tận lực thị anh hùng.
Não can đồ địa tâm bất tại,
Bất phách Tào mang kỷ vạn trùng.
2) Khách phú
Khi nào câu hát khách soạn trên bảy chữ thì gọi Khách phú. Khách phú dùng văn Phú-lục có vấn đáp. Trong những lớp tuồng hai tướng gặp nhau hỏi nguyên do về việc giao chinh hoặc các vai tuồng hỏi nhau về điều quan-trọng, thường hát khách phú.
Trong lớp « Cổ-Thành » (Tuồng Tam-Quốc), nhị tẩu phân-giải cho Trương-Phi nghe bằng điệu Khách phú :
(Nhị tẩu) : Tẩu tẩu tại tư (chị có nghe tin) Lưu-Hoàng Thúc Nhữ-Nam quy tỵ ; Lao lao chi thử, Quan Quân-Hầu nhứt lộ phò trì.
(Trương-Phi đáp) : Thậm nghi, thậm nghi ! Bất thính, bất thính ! Phi nghĩ lại.
(Hát Khách phú) : Tào-Tháo gian-hùng, bỉ tàng dĩ thiên phương loạn chí ; Quan-Hầu nghĩa-khí, hà bất năng nhứt tử thù tri.
(Quan-Hầu đáp) : Hiền-đệ vật đa từ, đa từ ; Ngu huynh chân hữu quá, hữu quá.
(Hát Khách phú) : Thử nhựt hàng Tào, bất tế sự thi kỳ ngu dã ; Kim triệu khử Ngụy, hạnh tương phùng duy nguyện thứ chi.
3) Khách tử
Trong điệu hát khách còn có khách tử dùng khi lâm chung. Thái-tử Na-Tra lóc thịt hát khách tử :
(Na-Tra) :
Khả lân, khả lân a, khả tích khốc, càn khôn, tú khí. Kham ta hồ, nhứt nguyệt chi tinh di.
Hườn kỳ cốt nhục, hườn kỳ mạng,
Thủy lưu thanh bạch, chỉ lưu danh.
Hổn thiên lăng hưu sát phạt,
Càn khôn quyện bãi tung hoành.
Tiểu-nhân triêu mộ thường ân oán,
Quân tử tồn vong bất đảo khuynh.
Huy đao tự bá ly tình kiếm,
Tam xich hương hồn vãng Ngọc-cung.
4) Khách tẩu mã
Lối hát khách nầy dùng khi lên ngựa chạy mau để trốn giặc, trốn tình nhân hoặc đi phi báo việc gấp. Trong tuồng « Sơn Hậu » lúc Tạ-Ôn-Đình chạy trốn binh Tề có hát khách tẩu :
(Tạ-Ôn-Đình) (nói lối) :
Thậm cấp chơn thậm cấp,
Chí nguy thị chí nguy.
Nó ùng ùng như lửa muôn xe,
Ta chẳng khác nước kia một gáo.
Âu là :
Thượng mã hườn hườn tỵ,
Đề thương lẫm lẫm khai.
(Hát khách tẩu) :
Trực vãn sanh phương lữ hổ oai,
Đề thương khóa mã tốc bôn khai,
Vọng khán Tề binh truy bá vạn,
Ngô đơn thân tấn thối cùng đồ.
Địch-Thanh trong tuồng « Ly Thợn » khi trốn Thoại-Ba lên ngựa chạy có hát khách tẩu :
Địch-Thanh (lối) :
Kình ngư du đại hải,
Hường mao ngộ thuận phong.
Âu là :
Đề thiết kỵ cao xung.
Huy kim thương trực tấn, a…
(Khách tẩu) :
Đề đao dược mã tẩu khinh khinh.
Khắc nhựt trường xu vạn lý trình.
Thừa hỉ chinh Liêu tiền lộ cấp,
Trân-kỳ hữu nhựt thượng đơn đình.
(Quân phi báo việc gấp hát khách tẩu mã) :
Hoang mang sách mã tẩu như phi,
Báo lai trào nội đắc tương tri.
Hành điểu đạo na từ vạn lý,
Vọng hồ tung mạc nại thiên lao.
5) Khách tửu
Lối hát khách nầy dùng khi uống rượu. Trong tuồng « Sơn Hậu » Vua Tề cùng các quan uống rượu có hát khách tửu :
(Tề Vương) (lối) :
Truyền khai đại yến triều đàng,
Tứ đẳng đẳng công khanh hoan lạc.
(Bá Quan) (uống rượu rồi hát khách) :
Diên trung bảo tửu chúc long nhan,
Ngự hưởng xuân tiêu lễ tạ an.
Phong xuân phất phất triều đơn phụng,
Võ lộ phiêu phiêu yến thưởng lang.
Kiến chúc Tề trào an bàn thạch,
Thế như đông hải, thọ nam san.
6) Khách Nam liên xướng
Trong một lớp tuồng, có khi một vai hát Nam rồi mấy vai khác hát Khách, gọi là « Khách Nam liên xướng ». Như trong tuồng « Kim-Vân-Kiều », lúc Kim Trọng đi trấn nhậm có hát Nam và gia-quyến hát Khách :
(Kim-Trọng) (nói-lối) : Vậy thời vầy một đoàn cầm hạc, tác ngàn dặm quan san. Sấp lưng từ cố lý gác an, bắc mặt chỉ Lam-Tri giơ vọt. (Xong)
(Hát Nam) :
Bắc mặt Lam-Tri giơ vọt,
Chăn dân trời giữ một niềm ngay.
(Vương Ông, Vương Bà, Túy-Vân, Vương-Quan) (đồng hát Khách) : Lam-Tri huề quyến mã đề khinh ; Cầm hạc tiêu dao tráng thử hành.
(Kim-Trọng) (hát Nam) :
Tang bồng đã trả nợ trai,
Nghĩ mình vinh hiển, thương người lưu ly.
(Tứ nhơn đồng hát Khách) : Hoa huyện phong thanh, thục thủy thừa hoan gia khánh hậu ; Cầm đường nhựt vĩnh, đảnh chung đãi dưỡng quốc ân vinh.
(Kim-Trọng) (hát Nam) :
Nhộn nhàng lạc ngựa tiếng vang,
Huyện đàng vừa tới, xuống an vỗ về.
Đ) XƯỚNG
Xướng nghĩa là nói lớn lên một cách chậm rãi cho mọi người đều nghe. Một vai tuồng, mới ra mắt khán-giả thường xướng bốn câu để tỏ tâm sự hoặc hoàn-cảnh của mình : Tuồng « Kim-Vân-Kiều »
(Túy-Kiều) (xướng) :
Thâm quê tịch mịch chánh hoài xuân,
Băng ngọc hồn vô bán điểm trần.
Thượng uyển danh hoa khoa phú quí,
Đông tường điệp sứ uổng lao thân.
Điêu-Thuyền, trong tuồng « Phụng-nghi-Đình », ngồi một mình trong khuê phòng, than thở tình duyên bằng điệu « xướng ».
(Điêu-Thuyền) (xướng) :
Khổ tâm à…
Độc tọa thâm khuê ám tự thương.
Hàm tình vô ngữ lệ lan lan,
Tẫn kê cầu mẫu tàm vô diện,
Hà xứ tình nhân giải muộn khan.
E) BẠCH
Bạch là bày tỏ rõ-ràng cho mọi người biết. Những vai tướng võ, kép núi, thầy rùa, đào chiến, v.v… trước khi xưng tên, thường bạch bốn câu hay hai câu để biểu-thị cái chí-
hướng hoặc tài-lực của mình. Bạch thường dùng câu Hán văn bảy chữ.
Trong tuồng « Tam-Quốc », ba anh em Lưu, Quan, Trương bạch như sau :
(Lưu-Bị) (bạch) :
Tam phân đảnh tức liệt can qua,
Cái thế công danh độc ngã kỳ.
(Quan-Công) (bạch) :
Vạn cổ trung can huyền nhựt nguyệt,
Nhứt tâm nghĩa khí định sơn hà.
(Trương-Phi) (bạch) :
Thinh nhược cự lôi khu hổ báo,
Oai như điển xiết tẩu long xà.
Ba người đồng xưng tên :
Hội đào viên tá nghiệp Hán gia.
Ngã Lưu-Bị… Quan-Công… Dực-Đức.
Có khi bạch bằng một bài thi tứ-tuyệt. Châu-Du, trong tuồng « Tam-Quốc », bạch như sau :
(Châu-Du) (bạch) :
Hoành hành tứ hải chiếm trung đô,
Danh quán anh hùng thế thượng vô.
Dõng quá long môn oai lẫm lẫm,
Thân phi thiết giáp sáng cơ đồ.
Bạch cũng có thể dùng những câu văn ngoài bảy chữ. Như Tiêu-hóa-Long, trong tuồng « Kim-Thạch kỳ duyên », bạch :
(Tiêu-hóa-Long) :
Thần cung nhứt bả, quải phò tang,
Thiên hạ anh hùng mạc cảm đang,
Sử ngã cẩm phàm, kình ngạc tiềm tôn bắc hải, Huy ngô bửu kiếm, tỳ hưu viễn tích nam san.
G) NGÂM
Ngâm là điệu ngâm thi Đường-luật. Giọng ngâm nghiêm-nghị và tha-thiết dùng để tỏ tình luyến-ái khi vợ chồng hay tôi chúa sắp xa nhau. Thường các vai tuồng ngâm thi và hát Nam trong bữa tiệc tiễn hành. Kim-Trọng và Túy-Kiều ngâm như sau :
(Kim-Trọng) (lối) :
Rượu tống biệt lưng vơi một chén,
Lụy tương tư chua xót hai hàng.
Hàm sầu thiên các nhứt phang,
Tiễn biệt thi ngâm sổ cú… Hồ…
(Ngâm) :
Cung thềm mới đặng bóng trăng kề,
Tin nhạn mây chia kẻ ở về.
(Túy-Kiều) (ngâm) :
Bờ liễu vó câu trời mấy dặm,
Biển sầu lai láng lụy thâm quê.
(Kim-Trọng) (hát Nam) :
Thâm quê ở về chua xót,
Đôi mắt nhìn mấy giọt thâm bâu.
(Kiều) (hát Nam) :
Mới gần nhau lại xa nhau,
Chơn rồi một bước, ruột đau trăm vòng.
(Trọng) (hát Nam) :
Trăm năm đã gắn chữ đồng,
Tỳ Bà xin chớ tay bồng thuyền ai.
(Kiều) (hát Nam) :
Phân tay kẻ tới người lui,
Bâng-khuâng mặt bắc, ngầm-ngùi niềm tây.
Trong tuồng « Bá-ấp-Khảo », lúc Nghi-Sanh và bá quan thiết tiệc tiễn hành Ấp-Khảo về Kinh để thục tội cho cha là Tây-bá-Hầu, có ngâm thi và hát Khách :
(Ấp-Khảo) (lối) :
Kim triêu tửu phiếm tam bôi thiểu,
Lãnh ngoại vân thâm vạn lý tràng.
Thảm lụy sái song hàng,
Hoài tỉnh ngâm sổ cú (Hồ)
(Ngâm) :
Nhứt biệt Tây kinh kỷ độ trình,
Bồi hồi không vọng nguyệt cô minh.
(Nghi-Sinh) (ngâm) :
Vân hàng thiên ngoại đê mê sắc,
Tửu phiếm diên trung áo não tình !
(Ấp-Khảo) (ngâm) :
Tráng sĩ bổn vô nhi nữ lụy,
Hành nhơn yên hữu biệt ly thinh.
(Hát Khách) :
Cảnh cảnh hoàn đô, thiên lý quan san thiên lý mục, Du du cố quốc, giá ban cảnh sắc giá ban tình.
(Nghi-Sanh) (hát Khách) :
Phất phất chinh trần, vạn lý lan đình thôi dịch lộ, Sô sô hành sắc, thiên chi liễu ngạn tống diêu an.
Xem đoạn trên, chúng ta thấy cái khéo trong cách hạ câu hát của người soạn tuồng cổ. Cũng trong tình cảnh phân ly, nhưng Kim-Trọng và Thúy-Kiều ngâm rồi qua hát Nam (bi), còn Bá-Ấp-Khảo và Nghi Sanh ngâm rồi hát Khách (hùng).
Xét kỹ trường-hợp của Kim-Trọng xa Túy-Kiều buồn thật. Vợ chồng vừa hứa hôn cùng nhau, kế bị tang chú, Kim-Trọng phải đành xa người yêu để về thọ-tang. Song về phương diện tâm-lý, cái « đi » của Kim-Trọng không có chi gọi là nguy-hiểm cả, nên trong tiệc rượu Kim-Trọng ngâm rồi hát Nam để tỏ tình phu-thê quyến-luyến trong lúc chia bâu.
Trái lại cái « đi » của Bá-Ấp-Khảo thật đầy nguy-hiểm. Ấp-Khảo đem bửu vật đến dưng cho Trụ-Vương để chuộc tội cho cha bị giam-cầm nơi Dữu-Lý. Ai ai cũng dư biết Trụ Vương là kẻ hôn-quân, lại sủng-ái Đắc-Kỷ, nó nói điều gì cũng nghe theo cả. Thế nên chuyến đi của Ấp-Khảo có thể gọi là chuyến đi vĩnh-biệt. (Thật ra Ấp-Khảo bị giết trong chuyến đi nầy vì lời xàm-tấu của Đắc-Kỷ). Nhưng bởi hiếu với cha và trung với nước, nên Ấp-Khảo phải cất bước ra đi. Nay Nghi-Sanh và bá quan thiết tiệc tiễn-hành, trong lòng Ấp-Khảo vẫn buồn vì tôi chúa phải xa nhau, nên khởi Ngâm
rồi kế đó, thay vì hát Nam như Kim-Trọng, lại bắt qua hát Khách, để tỏ cái chí-khí của người anh-hùng, vì nghĩa-vụ nên không sợ chỗ gian-nan nguy-hiểm. Soạn câu hát như vậy thì đúng tâm-lý và rất hay !
H) THÁN
Thán là than-thở. Đêm khuya canh vắng xa nhà xa xứ sở quê-hương, một mình than thân trách phận, thường vai tuồng tự thán bốn câu hoặc nhiều câu bằng chữ Hán.
Cũng trong tuồng « Bá-Ấp-Khảo », khi Tây-Bá-Hầu tức là Cơ-Xương, bị giam nơi Dữu-Lý, cô thân độc-thán như sau : Thiên cao đản đản ! Địa hậu minh minh ! Bất thức ngã ưu quân chi ý. Vô tri ngô ái quốc chi tình ! Vọng khán Tây
Đô, tịch tịch vô tùng âm tín đoạn. Hồi chiêm cố-quốc, du du đốn giác mộng hồn kinh !
Trong tuồng « Ly-Thợn » lúc Địch-Thanh ở Thợn-bang (Thiện-bang) đêm khuya nhớ chúa và nhớ mẹ, thán rằng :
Bi phong ngũ dạ quá tường đông,
Não khách thời văn cổ tự chung.
Ngô-quân hồ !
Ngọc khuyết cửu thiên lao mộng mị,
Mẫu thân hồ !
Đình vi thiên lý trướng âm-dung.
(Tạm dịch : Đêm năm canh, ngọn gió buồn, thoáng qua bên tường đồng. Người khách buồn thảm thỉnh-thoảng nghe tiếng chuông của một ngôi chùa cũ ở xa vọng lại. (Người khách chỉ Địch-Thanh. Nằm mơ tưởng đến quân vương
(ngọc khuyết) mà lòng băn-khoăn thương nhớ. Lo lắng cho mẹ ở nhà cách xa ngàn dặm và nhớ đến tiếng nói cùng hình-dung của mẹ).
I) OÁN
Oán là ai-oán, dùng khi khóc người quá cố, hoặc khi oán-trách vận-mạng :
(Túy-Kiều khóc Từ-Hải) (Oán) :
Can tràng đoạn, can tràng đoạn !
Phế phủ phân ! Phế phủ phân !
Sử quân tao uổng tử, thị thiếp ngộ lương nhân Kỷ tải kinh dinh bá chiến công,
Kim triều vị thiếp ngộ anh hùng.
Dụ hàng thùy thị tiềm gian kế,
Sơn hải chung tình nhứt mộng trung !
Trong tuồng « Sơn Hậu » Đổng-kim-Lân khóc Khương linh-Tá, bị Tạ-ôn-Đình giết :
(Lối) :
Ta Linh-Tá, ta Linh-Tá !
Mạng dĩ vong, mạng dĩ vong.
Thủ cấp lưu tại thử.
Công hà nhựt kiến công (Hồ).
(Oán) :
Ta Linh-Tá, Ta Linh-Tá
Thán thiên vương, thán thiên vương !
Thán thích thích can trường sầu đoạn đoạn,
Hốt đê mê lụy ngọc sái uông uông.
Đãn ước bách niên tồn huynh đệ,
Thủy tri nhứt đán biệt sâm thương !
K) QUÂN BANG
Khi một nước kéo binh đi dẹp giặc biên thùy hay một tướng-soái cử binh về trào vấn tội nghịch thần, thường cho quân cầm cờ hiệu đứng tại cửa buồng hay đi ít vòng trên sân khấu, đồng thanh hát bốn câu gọi quân ban để thị oai ?
Phàn-định-Công trong tuồng « Sơn Hậu » kéo binh về trào để trừ Họ Tạ, cho Quân bang :
Phụng thiên oai, phụng thiên oai.
Thừa tướng lịnh, thừa tướng lịnh.
Nguyện tận phế sanh cầm Tạ-thị,
Quyết phơi can khôi phục Tề-bang.
L) HÁT BÀI
Khi chúc thọ cho Vua, các Mỹ-Nữ vừa múa vừa hát bài như sau :
(Mỹ-Nữ) (Dạ) :
Cúi đầu dưng thánh thọ.
Ngửa mặt chúc thiền ca.
(Hát Bài) :
Lâu đài thập nhị tấu sanh ca,
Tịnh xướng tiêu hoa hiến tuế hoa.
Điểm đích đồng long lưu bích thủy,
Linh lung ngọc thố chiếu sơn hà.
Nhơn nhơn phách thủ xang cầm nhạc,
Xứ xứ khai nhan hiến thọ hoa.
Đệ tử lê viên phùng hảo cảnh.
Sơn hà đảnh trỉ chúc hoàng gia !
M) TÁN
Đường hát Nam, vai tuồng đệm thêm một câu chữ Hán gọi Tán.
Bà Nguyệt-Kiều xuất gia đầu Phật, trong tuồng « Sơn Hậu », hát Nam và Tán như sau :
(Nam) : Phật đạo non tiên chí thiếp, tấm lòng thành sở mộ nào nguôi.
(Tán) : Hà thời phân thuyết nhân tình tận, nhứt nhựt công phu nhứt nhựt nan.
(Nam) : Bận lòng muốn dứt dây oan, sự đời mặc thế biến han sự đời.
(Tán) : Ác nghiệp mãn bồng vô đơn tải, Bất tri phong tống hữu khách thoàn.
(Nam) : Cám thương vì tổ vì tiên, liều thân tu trước ngõ đền ơn sau ; Phăng phăng tách dặm thuyền từ, ngao du nước trí, ta lìa non tiên.
N) HƯỜNG
Gọi Hường là những tiếng Việt đệm ở giữa hai câu hát hoặc hai câu lối để phụ nghĩa. Thí dụ : Úy a ! chừ thôi thời ! Ôi, mẹ ôi ! Ôi, Kim lang ! Chư tướng ! Thế nữ ! á thôi nào ! Hay a ! Thưa Phu-quân ; nầy nầy, ới mầu răng ; ủa lạ nầy v.v…
O) VĨ
Khi nói dứt một câu lối, vai tuồng muốn bắt qua hát Nam, hoặc hát Khách, hay muốn Ngâm, Thán, v.v… thường nói một tiếng kéo dài ở sau để ban nhạc biết đặng khởi đờn Nam hay đờn Bắc. Ấy là tiếng Vĩ hay Vĩa. Xin đơn cử một ít tiếng Vĩ thường dùng :
- Hồ (nghĩa muốn qua Ngâm, Thán hay Lý)
- Xong hay Tới a (muốn qua hát Nam)
- Thưa thính bẩm (muốn hát Khách)
- Hảo a (muốn hát Khách tẩu)
- v.v…
P) LÁY
Trong điệu hát Bội đào kép thường phải thêm những tiếng a, ư, ý a, ừ, hừ ở sau một câu hát để cho ăn theo đờn kèn. Đó là những tiếng láy đặc-biệt của điệu hát Bội.
Q) GIÁO ĐẦU VÀ CHÚC VÃN
Một tuồng hát Bội lúc khai-diễn thường có mấy câu của vai tuồng ra trước nhất, khoan-thai nghiêm-nghị hát lên gọi là « Giáo-đầu ». Trong tuồng « Bá-ấp-Khảo giáo đầu » :
Hải yến trình điềm thạnh trị,
Hà thanh mở vận xương kỳ.
Rạng đền nam cửu ngũ long phi,
Ngời sân bắc tam thiên hổ bái.
Long vân hội, long vân thiên tải,
Ngư thủy phùng, ngư thủy nhứt tràng
Ngô lịnh tử Cơ-Xương, biểu tự xưng Ấp-Khảo.
Khi gần chấm dứt buổi hát, các vai tuồng còn lại ở lớp chót đồng thanh hát bốn câu gọi là « Chúc Vãn ». Bốn câu chúc Vãn trong tuồng « Bá-Ấp-Khảo » :
Mừng đã đặt an thổ võ,
Toại thay hội hiệp quân thần.
Chúc Nam trào thọ khảo như san,
Nguyện Tứ Hải dân khương vật phụ ?
R) CÁC GIỌNG PHỤ
Trước đây là các Giọng hát chánh của hát Bội, còn nhiều giọng hát phụ khác, dùng vào các trường hợp đặc-biệt như : Giọng đào điên ; Điệu thiền hay thoàn (của sư tăng) ; Điệu phù thủy (của pháp sư) ; Thài (đào cầm quạt vừa múa vừa hát) ; Giao duyên (hát lúc vợ chồng hiệp cẩn giao bôi) ; Giọng gian nan (của các vai hề) ; Lý quân canh ; Lý mọi ; Lý quảng ; Ru con, v.v…
IV. VĂN CHƯƠNG HÁT BỘI
Văn hát Bội hay về lối cổ-điển. Những câu nói lối thường dùng thể văn biền-ngẫu có cân đối. Lời văn chen lẫn chữ nho và tiếng nôm và kết-cấu từ 4, 5, 6, 7, 8 chữ hoặc nhiều hơn.
- Văn nói lối có nhiều câu rất tao-nhã và dùng để tả cảnh tả tình rất hay. Văn tả cảnh nghèo như câu trong tuồng « Kim-Vân-Kiều » :
(Kim-Trọng) (nói lối) :
Xịch-xạc ba gian lều cỏ,
Bơ thờ một bức mành gai.
Khi sao vào các ra dài,
Chừ lại dầm mưa đãi nắng.
Hoặc câu :
Nhà dột ba căn, trời đẻ trứng,
Vách xiêu bốn phía, nhện ru con.
- Văn tả cảnh thanh-phong minh-nguyệt : « Kim-Thạch kỳ duyên »
(Kim-Ngọc) :
Trời xanh nguyệt rạng,
Gió mát sóng trang,
Trăng thanh mặt nước rơi vàng,
Sao tỏ da trời nhận ngọc.
- Văn tả tình như lúc Địch-Thanh nhớ mẹ nói lối : Tuồng « Địch-Thanh ly Thợn »
Lỡ bước vì ngươi Đình-Quí,
Gá duyên tạm với Thoại-Ba,
Trăng hồng-lầu giục não cùng ta,
Gió cố-quốc đưa sầu cho mỗ.
Mẹ ôi !
Mẹ nương cửa nhọc tình triêu mộ,
Con trông mây tủi phận thần hôn,
Bồi hồi vạn lý ngọc môn,
Trù trướng tam canh hồ sắt…
Mặt lơ láo hổ cùng trời đất,
Lụy vắn dài khóc với non sông.
Nỗi thần hôn con đã thẹn-thùng,
Vòng hoạn nạn mẹ mang lao-lực.
Tưởng tới dầu sôi sục sục !
Nhớ thôi lửa dậy phừng phừng !
(Giận nỗi thằng Bàng-Hồng) Cứ đem thói tật năng, vu cho người phản quốc.
Cơm Tăng-thị chưa đền một tấc,
Mây Thái-hàng trông mỏi ngàn trùng.
Đơn-bang hoa-thảo tỏa sầu dung,
Tổng-quốc sơn-hà di biệt hận.
Trong các tuồng hát Bội, văn nói lối thường chiếm một phần quan-trọng. Ngoài lối văn biền-ngẫu, soạn-giả cũng có khi dùng tục-ngữ ca-dao Việt-nam để phô-diễn ý-nghĩ của mình.
Ví như trong lớp tuồng « Kim-Thạch kỳ-duyên » sau đây Cụ Bùi-Hữu-Nghĩa tả cảnh vợ lớn, vợ bé đay-nghiến nhau bằng câu tục-ngữ ca-dao rất hợp tình :
(Lợi-Đồ viết) : Tân thăng tri-huyện, mỗ hiệu Lợi-Đồ ; Đường khoa mục không ngơ, việc phụng thù quá kỹ.
(Nói với hai vợ ở chung một nhà) : Hai em ngồi, Tế thử thanh phong minh nguyệt ; Lại có hai em là, Đỗ tư quốc sắc thiên hương ; Như ta, làm trai hai vợ thương đồng ; Ấy đó, lời thề ba bà giúp một.
(Bạch-thị) (vợ lớn) :
Thưa xin đừng nói tốt, tôi gẫm ở không bằng
Từng thấy nhiều, tham đó bỏ đăng,
Hãy để vậy, chẻ tre nghe lóng.
(Điêu-thị) (vợ nhỏ) :
Thưa chị, nói làm chi cái giọng,
Chớ em, cam chịu thiệt là phần.
Như chị em ta là, thân cậy da, da cũng cậy thân, Chớ đừng, kiến ăn cá, cá thời ăn kiến.
(Lợi-Đồ) : Á thôi, khéo gây nên chuyện, nói ít suýt nhiều : Mụ lớn đừng nói ớt nói tiêu ; Đĩ nhỏ chớ cà riềng cà tỏi.
Cũng trong tuồng « Kim-Thạch kỳ duyên » lúc thầy thuốc Thạch-đạo-Toàn bị bắt giam vì hàm oan 2ở nhà con gái là Thạch-vô-Hà xin với mẹ đem đợ nàng đặng kiếm tiền về chuộc tội cho cha. Văn nói lối của hai mẹ con có nhiều câu tục-ngữ như sau :
(Châu-Thị) : Con ôi ! như mẹ con ta chừ, nước không một gáo, lửa có muôn xe ; Như gia đạo người ta, nát giỏ hãy còn tre ; Chớ như gia đạo mẹ con mình, rán sành sao ra mỡ ; Thời, việc không nên một thuở, họa ắt đến ngàn
đời. Ngóng cổ kêu, kêu chẳng thấu trời ; Ôm bụng tính, tính không ra nước.
(Thạch-vô-Hà) :
Thưa mẹ, trẻ xin dưng một chước
Già ngõ bớt ba lo.
Vả con chăng chút phận liễu bồ,
Thương cha luống mắc vòng hạ sở.
Việc ni, một là tốn của, hai nữa thiệt thân ;
Vậy thời, xin đem con kiếm chốn đợ đần,
Ngõ đặng của chuộc nơi ràng buộc.
(Châu-Thị) :
Ai từng cắt ruột, mi biểu đành lòng ;
Thà với nhau một cửa chung cùng,
Nỡ khiến trẻ riêng mình lưu lạc.
(Thạch-vô-Hà) :
Thưa mẹ,
Gặp cơn tráo chác, sao đặng vuông tròn.
Như con là :
Tóc tơ chưa trả nợ nước non,
Son phấn quyết giày nơi gió bụi.
Nếu lắm lời riềng tỏi,
Thêm đau dạ bưởi bòng.
Con nói thiệt :
mẹ dầu chẳng ưng lòng,
Con nguyện không thấy mặt.
(Châu-thị) :
Con đà quyết chắc, mẹ phải đánh liều :
Cắt ruột rà chẳng đã phải theo
Chia máu thịt nghĩ đau quá đỗi.
Chừ, biết ai hầu đem mối, đặng kiếm chốn trao thân. Trách lòng trời, khéo gây cuộc phân vân,
Nhìn mặt trẻ, luống đau lòng ly biệt.
Khi hai vai tuồng công-kích lẫn nhau, dùng văn xuôi để nói lối sẽ gợi được sự sôi-động trong câu chuyện.
Trong lớp tuồng « Địch-Thanh ly Thợn » trích sau đây, khi Địch-Thanh trốn qua Tây-Liêu, công chúa Thoại-Ba theo bắt kịp, vợ chồng đối thoại bằng văn xuôi xen văn vần, nghe rất gay cấn :
(Địch-Thanh) : Thưa, tôi chào công-chúa, trông thế công chúa làm ngơ đó chăng ?
(Thoại-Ba) : Làm ngơ chẳng làm ngơ ?
(Địch-Thanh) : Công chúa giận đó chăng ?
(Thoại-Ba) : Giận chẳng giận !
(Địch-Thanh) : Công chúa giận cũng phải lắm chứ, nhưng xin công-chúa nghĩ lại cho kẻ hạ quan nhờ : Nếu bó tay hào-kiệt, sao gọi đứng anh hùng ; bận nỗi vợ nỗi chồng, sao rằng trung rằng hiếu ?
(Thoại-Ba) : Á thôi, ai không cho ông trung, ai không cho ông hiếu. Nếu muốn hiếu trung cho đặng chữ thủy chung, thời đàng khứ tựu phải cho minh bạch. Đã trốn đi lậm-lạch, lại nói chuyện bơ-thờ ; còn trách thiếp làm ngơ, nghĩ không nên giận hay sao ?
(Địch-Thanh) : Công chúa nghĩ đó coi : Nay thằng Bàng Hồng nó xàm tấu cùng Thánh-thượng rằng hạ quan là kẻ phản-quốc sự-cừu, nên lịnh trên dạy bắt giam từ mẫu nơi ngục nội. Thôi thôi, oan ấy ỷ khôn đôi chối, lụy nầy đòi bữa chứa chan (Công chúa là dâu) đó dâu hiền còn động lòng vàng (huống chi) đây con thảo há đem thói bạc.
(Thoại-Ba) : Nguyên soái biết thương mẹ, chớ thiếp đây không biết thương mẹ hay sao ? Thời mẹ Tề như mẹ Tấn, lòng đó cũng lòng đây. Như nguyên-soái có thương mẹ thời nói với thiếp, thiếp vào tâu cùng Phụ Vương, dầu có chi cũng chẳng can chi, cái nầy ông trốn ông đi, bởi thương lắm cho nên giận lắm !
(Địch-Thanh) : Có thương thời đừng giận, còn giận cũng như không thương. Xin công chúa cho tôi đi, đặng trả nợ quân vương, cho thỏa tình mẫu tử.
(Thoại Ba) : Tệ bởi ai sanh sự, chớ trách thiếp sự sanh ; quyết nắm chú vô tình, cho biết tay độc thủ (T.B. núm áo Địch-Thanh).
(Lưu Khánh) : Thưa công-chúa, đã biết : đạo mạc tiên hồ phu-phụ, đó chút ; nhưng mà, nghĩa tối trọng giả quân thân. Xin buông nguyên soái tôi ra đặng : chinh Liêu đoạt thủ quốc trân, hồi Tống thúc khai sanh diện. Công chúa hãy buông nguyên soái tôi.
(Thoại Ba) : Răng răng tao cũng không buông mà thôi.
(Lưu Khánh) : Thưa nguyên-soái, liệu hà mưu, coi nỗi nguyên-soái tôi, ăn xôi chùa ngọng miệng, bị nước bí bó tay…
Văn nói lối có khi để tả địa-vị và nghề-nghiệp của vai tuồng rất hay. Ví như đoạn văn sau đây, trích trong tuồng « Kim-Thạch kỳ-duyên » là những câu nói lối của ông thầy thuốc bắc Thạch-đạo-Toàn vừa tả gia cảnh theo ý
nghĩa câu tuồng, vừa là những tên các vị thuốc bắc.
(Thạch-đạo-Toàn) : Thú vui sanh-địa, nghiệp dõi Huỳnh Kỳ. Đất Tư-môn từ thuở đương-qui ; Dòng Thạch-thị nghề y quán-chúng. 3
Như ta,
An-tức Thanh-nang vận dụng, 4
Thung-dung đơn-táo luyện thành ; 5
Phương thang tô-hạp bịnh tình, 6
Mạch lý quyết-minh sanh tử.
(Lính lệ đến) : Thưa, quan huyện mời thầy sang coi mạch.
(Đạo-Toàn) :
Đây qua đó vốn đà thục-địa, 7
Vưng lịnh đòi nguyện bất lưu hành.
(Lợi-Đồ) :
Mừng thầy, minh sư tăng hữu đại danh.
Số là, chuyết phụ ngẫu triêm vi dạng. 8
(Chừ thời) : Mạch nọ coi qua cho hản, thuốc kia đầu lại mới linh.
(Đạo-Toàn) : Như bịnh bà nay, Kim-anh thử bịnh tình 9. Chỉ thiệt phi ác hậu 10; Chẳng qua là, Chướng-não trí
thương tạng phủ 11. Chừ thôi thời : Tôi đầu, phòng-phong điều dưỡng tinh-thần 12. Thưa, Dược phương dưng lại sứ quân, thảo thất xin lui Thạch-tử.
Sau hết, xin trích một đoạn văn nói lối trong tuồng « Tượng kỳ khí xa » (Cờ tướng thí xe) của Hoàng-cao Khải, tượng-trưng cho lối văn có khí-phách của quí vị anh hùng tuẫn-tiết vì đại-nghĩa : Thành Binh-Định cùng nhau ba tử-tiết (Quân báo đã gần hết lương-thực rồi).
(Võ-Tánh) :
Nay nhứt đán sự-cơ tương bách,
E tam quân tánh mạng nan toàn.
Thà mình ta êm giấc suối vàng,
Cho quân-sĩ thoát vòng mũi bạc.
(Ôi quan phó-soái, tôi nói thiệt cùng người như tôi bây giờ) :
Lầu tám góc đành chôn lửa đỏ,
Cửa chín lần ngõ giải lòng đau.
(Tôi nghĩ rằng : quân giặc nó giết thì chỉ giết một mình tôi thôi)
Thế cho nên :
Người văn-quan lo lấy sự toàn,
Tôi võ-tướng đã cam chịu thác.
(Ngô-tùng-Châu) : (Dạ, Nguyên-soái dạy làm vậy, nhưng tôi nghĩ rằng văn võ đều là tôi triều đình cả. Bởi thế cho nên). Người đã không ái tử, tôi cũng quyết quyên sinh. Do lai văn võ lưỡng đồ, đông thị tôn thân nhứt niệm.
(Võ-Tánh) : Hảo trượng-phu chi chí-khí a !
(Ngô-tùng-Châu) : Tôi xin lui.
(Võ-Tánh) : (Tống-binh Nguyễn-tấn-Huyên, như ta cùng ngươi lâm cơ hoạn-nạn, không lẽ hai ta đều chết cả ; một người mất thời phải một người còn, bởi vì) Nước còn đương nhiều nạn, tôi đâu dễ mấy người. Ta đã đành hết đạo làm tôi, ngươi cũng phải dành mình giúp chúa.
(Nguyễn-tấn-Huyên) : Dạ, dám bẩm quan Nguyên-soái, người dạy vậy, song thiết tưởng : còn thì ta còn cùng nhau, mất phải mất cùng nhau, lẽ nào để cho kẻ mất người còn. Vậy tôi hết lòng vì chúa tớ, trả nghĩa cùng thầy. Như tôi, tử sanh quyết ở phen nầy, giúp nước thiếu gì người khác.
(Võ-Tánh) : Hảo nam tử chi hung-khâm a ! (Người nam tử dữ-tợn mà đáng kính thay !) Hai người ta quyết kế, lầu bát-giác sửa sang, củi khô thuốc súng sẵn-sàng, ba ngày sẽ lên giàn hỏa. (Đồng hạ)
(Ngô-tùng-Châu) : (Ra) Như ta nay : Thân quản gì lâm cát, lòng đối với giang san ; dẫu không tài dược-mã khóa an (cỡi trên yên ngựa phóng chạy), chẳng kém kẻ thao chùy bỉnh-tiết (múa chùy cầm cương giục ngựa). Chí nầy đã quyết (quân), độc-dược (khả) tương lai. (Quân đem thuốc độc lại)
(Ngâm) : (Xưa nay ai cũng nói văn thần ái-tử, nay ta là văn thần, nào ta có sợ chết đâu).
Này thực gan già chẳng phải non,
Cũng như vàng đá đỏ như son
(Thuốc nầy là thuốc độc hả ?)
Thuốc nầy xin chớ cho là độc,
(Bởi ta có chết đi nữa, cũng là được thơm danh về sau, thế thì uống vào chẳng là ngon lắm ru ?) Danh tiết mùi thơm chắc của ngon.
(Ngô-tùng-Châu chết).
(Quân báo) : Dạ dạ, quan Hiệp-Trấn đã mất rồi.
(Võ-Tánh) : (Nào ở đâu ? Quan Hiệp-trấn đã mất thiệt rồi !) Như mần ri : Khóc vì tình bầu bạn, mừng vị nghĩa vua tôi ; khen cho xem thác như chơi, tiếc chẳng đợi ta ít nữa.
(Than) : (Hiền huynh ơi !)
Ai là không thác, đạo phải cho tròn ;
Thương thay hiền-hữu, lòng đỏ như son ;
Vì nòi vì giống, vì nước, vì non,
Dẫu ngàn năm nữa, bia miệng không mòn.
(Hựu viết) : Cảm thương nghĩa cũ, mai táng đã an, cách hai ngày ta sẽ đăng đàn (quân) truyền chư tướng đông lai hội diện.
(Đem xác Ngô-tùng-Châu vào, rồi các hàng chư tướng đều ra).
(Võ-Tánh) : (Chư tướng) Tờ nầy hiểu-thị khắp các quan binh (ta xin cám ơn các ông nghe) từ khi ta trấn-thủ cố thành ; nhờ tướng-sĩ hết lòng trung-phẫn ; nay binh bì thực tận mà lực kiệt thế cùng ; (Ta nghe lời cổ ngữ có nói rằng : « Thành tồn dữ tồn, thành vong dữ vong », nhưng rứa mà ta dầu có chết đi nữa, không thể để giặc thấy mặt ta đâu, bởi vậy cho nên) Thành nầy thệ dữ câu vọng, giặc nọ bất
dung kiến diện. (Tướng-quân Nguyễn-văn-Thịnh, nghe ta dặn). Gởi tây tướng phong thư nhất phiến, ta mất rồi người khá giao lai. (Gởi thơ cho tướng Tây-sơn xin đừng giết quân-sĩ trong thành). Thôi thôi, xin từ giã mọi người (Nguyễn-tấn-Huyên) sẽ lên lầu đồng tọa.
(Võ-Tánh giao thư cho Nguyễn-văn-Thịnh rồi cùng Nguyễn-tấn-Huyên lên ngồi trên lầu Bát-giác).
(Nguyễn-văn-Thịnh cùng chư tướng đồng viết) : Trông thấy lầu cao tám góc, nhìn qua củi chất tư bề ; xương đồng da sắt khôn bì, dạ ngọc gan vàng mấy kẻ.
(Đồng vãn) :
Dạ ngọc gan vàng mấy kẻ,
Tấm lòng nầy hầu dễ đan thanh ;
Cô-thân đối với cô-thành,
Dẫu ngàn năm nữa thơm danh vẫn còn.
(Võ-Tánh) : Thiên niên y thành quách, vạn cổ thử giang san ; thương thay trăm họ lầm than, hầu dễ một mình êm mát !
(Vãn) :
Hầu dễ một mình êm mát ;
Quyết phen nầy ngọc nát vàng tan.
Mình nầy đổi với giang san,
May ra xã tắc lại hoàn như xưa.
(Nguyễn-tấn-Huyên) : Trên hết ngay với chúa, dư trọn nghĩa cùng thầy ; thủy chung mong trả ơn dày, biệt càng thương nghĩa cũ.
(Vãn) :
Ly biệt càng thương nghĩa cũ,
Tấm lòng nầy biết thuở nào khuây.
Âm dương hai ngả chia tay,
Tồn vong âu cũng thảo ngay một niềm.
(Võ-Tánh) : Truyền phóng hỏa !
(Nguyễn-văn-Biên lấy lửa, song lại rụt rè, không dám đốt, rồi bỏ chạy).
(Hựu viết) : Thôi thôi xin các ông lui ra, đừng khóc làm chi nữa mà ! Một lời xin từ giã, các tướng phải lui xa, tàn thuốc ném ra, tức thời phóng hỏa.
(Ông Võ-Tánh ném tàn thuốc, tức thì thuốc súng bén lửa).
A) VĂN HÁT NAM
Văn đặc-sắc nhất của điệu hát Bội là những câu hát Nam. Văn hát Nam thường dùng câu tiếng Việt lục-bát, song-thất lục-bát, hay lục-bát gián-thất. Một đôi khi có đệm câu chữ nho.
Lúc đi đường vai tuồng thường hát Nam Xuân để tả cảnh vật thiên-nhiên. Tây-Bá-Hầu, tức là Cơ-Xương, sau bảy năm Dữu-Lý, được tha về nước, dọc đường hát Nam Xuân tả cảnh như sau : Tuồng « Bá-ấp-Khảo »
(Cơ-Xương) (nói lối) :
Ngao ngán tợ thất lâm phi điểu,
Bơ vơ dường lậu võng kinh ngư,
Chỉ ải quan giục ngựa từ-từ,
Trông cố quốc đưa roi nhẹ-nhẹ.
(Hát Nam) :
Cố quốc đưa roi nhẹ-nhẹ,
Đoái lộ đồ quạnh-quẽ trước sau,
Đòi ngàn lố xố bút lau,
Vẽ đồ bích hán giặm màu ngàn quang.
Trải qua mấy dặm quan san,
Lăng xăng sát khí, nhộn nhàng chinh vân.
Thoại-Ba công-chúa (Tuồng « Địch-Thanh ly Thợn ») đi dạo cảnh mùa Xuân với thế-nữ, có hát Nam-Xuân như sau :
(Thoại-Ba) (nói lối) :
Các con ! nay đã đến xuân rồi.
Rước gió, liễu giương mấy sắc,
Chào sương, đào nhuốm trăm màu.
Chừ thôi thời :
Mượn ngàn mai giải thửa cơn sầu,
Vầy một cuộc dạo chơi cảnh lạ.
(Hát Nam Xuân) :
Cảnh lạ dạ cho thỏa dạ,
Kẻo lâu ngày lã chã châu rơi.
Vừng mây dệt gấm giữa trời,
Cá trừng mặt nước, chim cười đầu non.
Giang sơn dầu trước hãy còn,
Nửa vừng phong nguyệt vuông tròn như xưa.
Chúng ta nên thưởng-thức mấy câu hát Nam Xuân tả cảnh đi đường trên đây. Nó gợi lại trong trí nhớ chúng ta
những kỷ-niệm êm-đềm về các phong cảnh hữu tình mà chúng ta thường mục-kích trong khi đi du ngoạn nơi chốn lâm-tuyền sơn-dã.
Nam Xuân thì tả cảnh đi đường lúc vui tươi. Nam Ai lại tả cảnh buồn-phiền đau-khổ. Ví như mấy câu Nam Ai của Thoại-Ba hát sau đây để tỏ nỗi sầu thảm của người vợ đi tìm chồng là Địch-Thanh đã trốn thoát Thợn-bang.
(Thoại-Ba lối) :
Thôi, thôi !
Giục vó lừa xông lướt non xanh,
Cấp bửu kiếm dò lần dặm tía.
(Nam Ai) :
Bửu kiếp dò lần dặm tía.
Giữ một lòng trọn nghĩa tùng phu.
(Thế-nữ) :
Nghĩ thầy tớ cũng đeo sầu,
Chim cưu ngao ngán, hà châu một mình.
(Thoại-Ba) :
Hữu tình mà hóa vô tình,
Bơ vơ phận thiếp, lênh đênh nỗi chàng.
(Thế nữ) :
Non xanh nước bích muôn trùng,
Người quen cảnh lạ thẹn thùng với ai.
(Thoại-Ba) :
Cang thường một gánh hai vai,
Thề cùng sông dải núi mài mà thôi !
Trên đây là những câu hát Nam bằng thơ lục-bát. Cũng có khi dùng câu thơ lục-bát gián-thất, như lớp Khương Thượng hát Nam dưới đây :
(Khương-Thượng) (hát Nam) :
Thương thầy nhớ bạn nào an,
Phất phơ trông gió, mơ màng đợi mây.
Đoái cỏ cây, xa miền tiên động,
Khinh phiêu tùng, phong tống mang mang.
Trong tuồng « Tiết-Nghĩa phục rượu Tiết-Cương », lớp Tú-Hà, vợ Tiết-Nghĩa, tự-ải có hát Nam Ai bằng thơ « lục-bát gián-thất » :
(Tú-Hà) (hát Nam Ai) :
Chịu dại đường ân nỗi ái,
Tâm sự nầy khó hỏi ông xanh.
Mảnh gương phút đã tan-tành,
Xuân vi giá lạnh, thu đình trăng trong,
Bước non sông ngại-ngùng đâu xiết,
Nợ phong trần rửa hết từ đây.
B) VĂN HÁT KHÁCH
Hát Khách thường dùng câu chữ nho thất ngôn, gọi Khách thi, hoặc dùng lối văn phú-lục gọi khách phú. (Xin xem mấy thí dụ trong đoạn hát Khách trước kia).
Có một ít soạn-giả tuồng cổ chủ-trương việc đặt câu hát Khách bằng tiếng Việt, cố ý muốn cho khán-giả dễ hiểu hơn những câu hát Khách soạn bằng Hán-văn. Thiết-tưởng về các câu nói lối hay ngâm lý, đổi như vậy có thể đặng. Còn
điệu hát Khách, nếu đổi như vậy sẽ mất hay vì câu tiếng Việt không cảm-kích khán-giả bằng câu Hán-văn.
- Văn Bạch, Xướng, Thán Oán, Bang, Bài dùng toàn Hán-văn.
- Văn Ngâm, Lý dùng vừa Hán-văn vừa Việt-văn.
V. LỐI VẼ MẶT VÀ XIÊM-Y CỦA HÁT BỘI
A) LỐI VẼ MẶT
Việc vẽ mặt để đóng trò của hát Bội bắt nguồn từ thời xưa vì hồi trước các tướng khi ra trận thường dùng mặt nạ. Trong sách Nhạc-phủ tạp-lục có chép rằng : « Dùng mặt nạ để đóng kịch sanh ra trước nhứt ở Bắc-Tề (479-501 sau T.C.) Lan-lăng-Vương có sức mạnh, đánh giặc giỏi, nhưng nét mặt không có oai hùng, nên mỗi lần ra trận đều đeo mặt nạ, trăm trận trăm thắng ». (Kẻ nghịch thấy mặt nạ rất ghê sợ nên mất tinh thần).
Lúc sau nầy hát Bội bỏ lần việc đeo mặt nạ rất phiền phức và vẽ mặt bằng màu sắc để thế vào. Trong việc vẽ kiểu mặt, đại khái các màu sắc được chia ra như sau : Đỏ tươi, đỏ bầm, hồng lợt, vàng, màu vàng kim, tím, xanh da trời, xanh lá cây, xám tro, màu bạc (ngân), đen và trắng. Cũng có khi để mặt thiệt.
Mỗi màu đều tượng-trưng tánh-tình bên trong của vai tuồng, không thể vẽ hỗn loạn được. Thí dụ :
1) Quan văn trung thường để mặt thiệt. Nếu lão thì vẽ lông mày trắng, râu bạc.
2) Quan võ trung vẽ mặt đỏ (Quan Công, Cao-hoài Đức, Địch-Thanh, v.v…) hay đỏ có tròng táo (Phàn-định Công, Nhạc-Phi, và các con cũng theo sắc mặt của cha như Phàn-Diệm, Nhạc Vân, Nhạc-Lôi). Hoặc đỏ có tròng táo (Hoàng-phi-Hổ, Dương-chấn-Tử).
3) Quan võ trung cũng có khi để mặt thiệt có giặm phấn lợt (Tiết-nhơn-Quí, Dương-lục-Sứ. Tiết-đinh-San, Triệu-tử Long, v.v…)
4) Gian-thần hay Nịnh-thần vẽ mặt trắng mốc, mặt xám hoặc hồng lợt, vỏ cua mày rõ (Tào-Tháo, Bàng-Hồng, Tư-mã Ý).
5) Thầy rùa : mặt rần-rực có cặp mắt thao (Dư-Hồng, Dư-Triệt, Hổ-Ngươn).
6) Tướng võ : mặt vằn đen và trắng (mắt tròng trứng) (Trương-Phi, La Oai, Trương-Bào, v.v…)
7) Tướng võ nịnh vẽ mặt vằn đen trắng có xen chấm đỏ (Tạ-ôn-Đình, Từ-hải-Thọ, Đổ-Kiển, v.v…)
8) Tướng Phiên mặt rằn-rực, xen lẫn nhiều màu (ngụ ý mọi rợ).
9) Yêu : mặt nhiều màu rằn-rực, xen đỏ (Yêu Hồ-ly, Mật-đà-Tăng).
10) Kép núi : mặt xanh-xám, mắt tròng xéo, má đỏ, đen hay xanh. Đầu chít khăn đen.
11) Trường hợp đặc biệt như Tôn-ngộ-Không, Trư-bát Giái, Ngưu-Thần, Hạc-Đồng, Kim-tiền-Báo, Hồ-tứ-Vân, đều mặt giống như Khỉ, Heo, Trâu, Hạc, Beo, Chồn.
12) Thần, Tiên để mặt thiệt có hai điểm son trên gò má, râu đen dài.
13) Đào : mặt thiệt giồi phấn son (trừ ra Chung-vô Diệm mặt đen và Điền-tam-Xuân mặt nửa trắng, nửa đỏ, nhưng thường cũng để mặt thiệt).
Sự dùng màu sắc để vẽ mặt trên đây không tuyệt-đối. Một đôi khi diễn-viên sửa đổi một vài chi-tiết để hợp với hoàn-cảnh đặc-biệt của vai tuồng, nhưng luôn luôn phải tôn trọng nguyên-tắc căn-bản. Trong việc vẽ kiểu mặt in vào sách nầy, chúng tôi dung hòa hai lối hóa-trang Tàu và Việt
Nam.
Ngoài việc áp-dụng màu sắc để biểu-thị bản-tính trung, nịnh, hiền, ngu của vai tuồng, hát Bội còn chủ tâm đến việc vẽ các loại mày, khoen mắt, miệng và trán, cùng một mục tiêu ấy.
Điểm quan-trọng nhứt là vẽ cặp chân mày. Để miêu tả người lành, phải vẽ mày hiền-từ ; người ác phải vẽ mày thô, mặt lớn ; người đắc ý vẽ mày như bay, như múa ; người tánh nóng hay giận vẽ đôi mày dựng đứng ; người hay sầu muộn vẽ đôi mày cau-có, v.v…
Ô. Đới-ngoạn-Quân, một nhà điêu-khắc trên ngà và vẽ kiểu mặt hát Bội Trung-hoa, có phân-định các loại mày như sau : Mày thường, mày thẳng, mày xụ, mày thưa, mày rậm, mày răng cưa, mày răng sói, mày dùi đục, mày bươm
bướm, mày tằm, mày vòng-nguyệt, mày chữ nhứt, mày chữ vạn, mày lưỡi dao, mày lửa ngọn, mày lá liễu, v.v…
Ông cũng có phân biệt các loại khoen mắt, các loại miệng và trán như sau.
Các loại khoen mắt. – Khoen mắt thẳng, khoen mắt già, khoen mắt chim, khoen mắt tròn, khoen mắt nịnh, khoen mắt gian hùng, khoen mắt xụ, khoen mắt bầu dục,
khoen mắt bầu thúng, khen mắt tròng táo, mắt tròng xéo, mắt tròng trứng, v.v…
Các loại miệng. – Miệng nén bạc, miệng cọp, miệng lôi-công, miệng vịm lửa, miệng củ ấu, miệng quai xách, v.v…
Các loại trán. – Trán thái cực, trán bắc-đẩu trán, quải tượng, trán não vàng, trán núi lửa, trán chữ hổ, trán chữ thọ, trán trái bầu, trán trái chùy, trán mặt trăng, trán trái đào, trán hình vật, trán thường, v.v…
Việc vẽ kiểu mặt, theo như trên đã thấy, là một nghệ thuật có nghiên-cứu rất công-phu, nhưng phần nhiều khán giả ngày nay không để ý cho lắm.
B) MÃO VÀ XIÊM-Y
Mão hay mũ và xiêm-y đều là sắc-phục của vua ban cho các quan mặc để đi chầu. Từ thiên-tử đến các quan, mỗi phẩm-cấp đều có sắc-phục riêng biệt của mình.
Hát Bội cũng trang phục giống như các quan trong triều và cũng dùng mão, áo rộng, áo giáp, cân đai, hia, hốt, cờ xí và binh khí của các quan văn võ xưa.
VUA. – Vai vua đội mão « Cửu Long », mặc áo « Long bào » hay « Long-cổn » có thêu rồng.
QUAN VĂN. – Đội mão « Văn-công » chóp mão tròn (quân sư, hoạn quan) hoặc đội mão « Bình-thiên » chóp bằng màu đen (thái-sư, hoàng-đệ). Khi thường triều, mặc áo Bào tay rộng thường. Còn khi thiết « Đại triều » phải mặc Mãng có Gai và thêu rồng.
QUAN VÕ. – Đội « Ngạch », mặc áo « Long-chấn » màu xanh hay đỏ, tay hẹp có Đai, xem gọn gàng.
TƯỚNG XUẤT TRẬN. – Đội mão « Kim khôi », mặc giáp nam, mang hia. Sau lưng có hai chùm cờ « lịnh tiễn » hình vuông. Nếu nữ tướng thì mặc giáp nữ, sau lưng có cờ lịnh tiễn hình xéo.
THẦY RÙA. – Đội mão « Hiệp chưởng », mặc áo pháp sư, chơn mang giày tàu đen.
KÉP NÚI. – Đầu chít khăn đen, dưới vành khăn có hai vành xếp con bằng vải trắng và đỏ. Mặc áo đen thường, lưng có thắt « xiêm trường » và quân giáp, từ lưng trở xuống, đi chơn không hay mang giày đen.
ĐÀO. – Hoàng-Hậu đội mão « Cửu Phụng », có gắn bông và chạm chín con phụng vàng. Vợ quan thì cài trâm giắt bông, mặc áo rộng thêu, dưới mặc xiêm trường, mang vớ trắng hay mang giày thêu.
Đào chiến đeo đai, trên đầu giắt lông trĩ thường cầm song kiếm, trừ Lưu-kim-Đính cầm siêu.
Mặt Quan-Công (Tam-Quốc) (Xích-diện, thanh-tu, tàm-my, phượng-nhãn)
Mặt Tướng-trung (mắt tròng trứng) Trương Phi (Tam-Quốc)
Mặt kép võ trung (mắt tròng táo) Phàn-Diệm – con Phàn định-Công (Sơn-Hậu)
Mặt tướng nịnh Tạ-ôn-Đình (Sơn-Hậu)
Mặt quan võ trung (con mắt tròng xéo) Hoàng-phi-Hổ (Phong-Thần)