Hơn 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tư duy, nhận thức lý luận của Đảng trong từng lĩnh vực có sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ; quan điểm về phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước cũng có những bước tiến lớn đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đất nước… Kết quả đổi mới, sự phát triển tư duy, nhận thức lý luận đó là cơ sở khoa học cho việc hình thành, phát triển quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng hệ thống pháp luật của Nhà nước ngày càng hoàn thiện. Đây là những nhân tố cơ bản, quan trọng nhất để đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Những thành tựu và bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn đã tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đất nước và thế giới hiện nay, bên cạnh những kết quả đổi mới, phát triển tư duy, nhận thức lý luận đã đạt được, vẫn còn không ít vấn đề nhận thức lý luận chậm được làm rõ, hoặc chưa thống nhất; nhiều vấn đề mới đặt ra chưa được nghiên cứu, giải đáp có sức thuyết phục, nhất là trong các lĩnh vực về kinh tế và xây dựng, chỉnh đốn Đảng như: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tri thức trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và tăng cường quản lý phát triển xã hội; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí;… Những vấn đề nêu trên đòi hỏi phải được tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết, làm sáng tỏ, nhằm làm cho nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ngày càng hoàn thiện, sâu sắc, soi đường cho hoạt động thực tiễn kịp thời, có hiệu quả, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn.
Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về vấn đề nêu trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Một số vấn đề lý luận – thực tiễn cấp thiết liên quan trực tiếp đến đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước do PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và PGS.TS. Nguyễn Viết Thông – Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương làm đồng chủ biên.
Kết cấu nội dung cuốn sách gồm bốn phần:
Phần thứ nhất: Những vấn đề lý luận chung về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước;
Phần thứ hai: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và quản lý của Nhà nước;
Phần thứ ba: Thực tiễn đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ở Việt Nam;
Phần thứ tư: Định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Chủ đề của cuốn sách hàm chứa nội dung rộng lớn và phức tạp, nhiều nhận xét, kiến nghị nêu trong cuốn sách có giá trị tham khảo tốt, song cũng có ý kiến, nhận xét, kiến nghị cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi và thảo luận thêm. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tôn trọng ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, đồng thời mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 6 năm 2018
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com