Những năm gần đây, phong trào lễ hội ở nước ta khá rầm rộ. Nhân dân các địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh đã cố gắng tìm cách khôi phục các ngày lễ lớn, các hội làng (cả hội chùa và hội lễ đền miếu). Ở tầm quốc gia thì rất nhiều ngày lễ lớn đã được tổ chức – như lễ hội đền Hùng: Ngày lễ đã được nhà nước ta chấp nhận là ngày lịch sử để cán bộ các công sở, nhà trường, đơn vị v.v… được nghỉ ngơi.
Việc khôi phục các lễ hội này vừa là dịp để giáo dục quốc dân ở các mặt đức dục, trí dục, mỹ dục, lại vừa tạo cơ hội cho ngành du lịch của nước ta phát triển. Những nét đẹp cổ truyền được làm sống lại cùng với khả năng phát huy cái đẹp xưa, phát triển cái đẹp ngày nay và mai sau. Lễ hội đang là một nhu cầu không thể thiếu được của con người Việt Nam ở nhiều thế hệ.
Ấy là vì lễ hội của nước ta mang rất nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa cơ bản và lớn lao nhất, là do chúng ta có nhiều loại lễ hội. Giới nghiên cứu hình như đã nhất trí là ta có những hội nông nghiệp, hội văn nghệ vui chơi, hội thi tài, hội giao duyên và hội lịch sử. Nơi này hay nơi khác ở khắp đất nước ta, đều có những hình thức lễ hội này.