Hiện nay, tham nhũng đang là một căn bệnh hết sức nguy hại đối với không ít quốc gia, dân tộc, đặc biệt là đối với các nước chậm phát triển hoặc đang phát triển và đang trở thành một vấn nạn có tính toàn cầu. Chính vì vậy, ngày 01-10-2003, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về chống tham nhũng, là công cụ phòng, chống tham nhũng toàn diện, hệ thống, đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tham nhũng của mỗi quốc gia cũng như từng khu vực và trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, trong thời kỳ chế độ phong kiến, tham nhũng thể hiện trong luật tục cống tiến, biếu xén cho các quan chức phong kiến, thực dân từ dưới lên trên. Lâu dần, tham nhũng trở thành hủ tục, tệ nạn làm mục ruỗng xã hội.
Nhận thức rõ tham nhũng là một bệnh nan y, nguy hiểm đối với đất nước, ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến nay, cùng với việc đẩy mạnh thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, coi trọng cuộc đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí.
Trong những năm qua, nhất là từ sau khi tiến hành công cuộc đổi mới, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã luôn gắn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều văn kiện của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng được ra đời làm cơ sở cho cuộc đấu tranh này.
Từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Không ít cán bộ ở nhiều cấp bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong tình hình mới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật tái bản có bổ sung và điều chỉnh cuốn sách: Hỏi – đáp về phòng, chống tham nhũng do các tác giả Phạm Ngọc Hiền, Phạm Anh Tuấn đồng chủ biên.
Cuốn sách bao gồm 72 câu hỏi và trả lời về một số nội dung chủ yếu như sau: Nhận thức chung về tham nhũng, tội phạm tham nhũng; Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng; Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, yêu cầu, chiến lược quốc gia và giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.
Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 11 năm 2013
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT