Sau khi phát hành thành công 9 thiên đầu tiên của cuốn sách “Hoàng Đế Nội kinh” và nhận được sự đón nhận tích cực từ độc giả khắp nơi, chúng tôi rất biết ơn và cảm kích sự ủng hộ của mọi người. Điều này đã khích lệ chúng tôi tiếp tục nỗ lực và hoàn thành 9 thiên tiếp theo (Quyển 2, từ thiên 10 đến thiên 18) như đã hứa. Lần này, chúng tôi đã quyết định thay đổi kích thước sách thành A4 để làm cho nó tiện lợi hơn cho độc giả, dễ dàng cầm và tra cứu. Đồng thời, chúng tôi cũng đã nâng cấp bìa sách thành bìa da mạ vàng, phản ánh sự quý giá của cuốn sách này.
Tuy nhiên, công việc này thực sự khó khăn và vượt ra khỏi khả năng của chúng tôi. Vì cuốn sách này đã được soạn trước năm 1975, một số thuật ngữ và giải thích có thể gây hiểu lầm đối với độc giả hiện đại. Do đó, chúng tôi đã thực hiện một số điều chỉnh nhỏ để phù hợp hơn, nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa mà sư phụ của chúng tôi muốn truyền đạt. Trong quá trình làm việc này, chắc chắn sẽ có một số sai sót, và chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm và góp ý chân thành từ các nhà tri thức và độc giả, để cuốn sách này có thể mang lại nhiều lợi ích hơn trong các lần tái bản sau.
Một lần nữa, chúng tôi muốn gửi lời biết ơn sâu sắc nhất tới tất cả mọi người và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ chúng tôi trong mọi khía cạnh để chúng tôi có thể đạt được thành tựu như ngày hôm nay. Chúc mọi người luôn mạnh khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.
Thay mặt cho toàn thể học viên, môn đồ, và nhóm biên dịch, bình giải của cuốn sách “Hoàng Đế Nội kinh”, tôi xin gửi lời tưởng niệm và lòng biết ơn sâu sắc đến giác linh Ân sư Thích Minh Thiền, người đã truyền đạt những tri thức quý báu cho chúng tôi. Mong rằng ngài sẽ tiếp tục hộ trì để những hạt giống ấy có thể nảy mầm và phát triển trên khắp thế giới, và để công việc của chúng tôi có thể được hoàn thành đầy đủ như nguyện vọng ban đầu.
Mùa thu năm Bính thân, 2016
CHƠN NGUYÊN
Cẩn bút
“Sanh” là cái khởi đầu của sanh, thuộc về nhân. “Thành” là cái kết quả đã hiện tướng của sanh, thuộc về quả. Tất cả vạn vật khi mới bắt đầu của sanh cơ đều từ khí dương, từ cái không, cái thuộc về khí, mà khi đã thành hình, tức là kết thành ở có, ở chất, ở tướng, ở âm. Vì lý do này nên khi được cấu kết thành tạng phủ trong con người, sự ứng hiện ra bên ngoài cũng có hai hệ thống khác nhau là khí sắc và mạch lạc, để cho chúng ta có thể theo đó mà nghiệm biết được cái thường cái biến của tạng phủ bên trong.
Điểm chú trọng của toàn thiên này đều quy về sắc và mạch, vì lẽ đó mà có tên thiên là “Ngũ Tạng Sanh Thành”.
Những điều kiện ấn định cho một cuộc sống không ngoài thọ bẫm, khí hậu, hoàn cảnh, ăn uống, sinh hoạt và tâm tư; mà cuộc sống khổ hay vui hoàn toàn y cứ vào một điểm thông đạt hay không thông đạt.
Toàn thiên này đều gói tròn vào nhân sự, vào con người, vào xác thân, ăn uống, sinh hoạt, bệnh tật, sắc, mạch và sống chết để nối tiếp với thiên trước; hầu mở lối cho một nhãn quan kiểm soát thấu suốt cho tất cả những thiên sau.
Trong một thế hệ mà tất cả loài người đều bị chìm đắm hôn mê vào trong cái biển sóng dậy ba đào của vật chất năm châu họp chợ, cơ hồ như không còn được mấy ai còn đủ bình tĩnh sáng suốt để kiểm soát phán quyết về tất cả những cái gì nó đến với mình, dù cho tất cả những ông thầy thuốc, những nhà tu hành, các vị thiền sư rất có thiện chí cũng khó có một định hướng bình tĩnh vững vàng để gọi là cưỡi kình ngao du trong bể khổ là lại sao?
Như tôi đã từng nói: Nếu tôi chưa thiệt biết rõ ràng về chính con người của tôi, thì tôi chỉ là một sinh vật để “bị”; mặc dù tôi chỉ thiếu sót về phương diện cơ thể, ăn uống, sinh hoạt mà thôi. Thế mới biết: một tinh thần thoát tục của thời đại Toàn cầu Hóa hiện nay với tinh thần thoát tục của một thế hệ ở đâu biết đó tận tự xa xưa phải khác nhau nhiều lắm!
Tìm học về con người, tức là tìm học về chính con người của mình. Tìm học về vấn đề ăn uống, sinh hoạt của con người, tức là tìm học về lý do không có lối thoát của con người trong thời đại hiện nay. – Ngài có muốn chết chìm trong lượn sóng vật chất không?! Nếu ngài không muốn, xin mời hãy đọc kỹ thiên này.
ĐOẠN 1
PHIÊN ÂM
Tâm chi hợp mạch dã, kỳ vinh sắc dã, kỳ chủ thận dã. Phế chi hợp bì dã, kỳ vinh mao dã, kỳ chủ tâm dã. Can chi hợp cân dã, kỳ vinh trảo dã, kỳ chủ phế dã. Tỳ chi hợp nhục dã, kỳ vinh thần dã, kỳ chủ can dã. Thận chi hợp cốt dã, kỳ vinh phát dã, kỳ chủ tỳ dã.
DỊCH
Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Tim là mạch, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Tim là khí sắc, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Tim là tạng Thận.
Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Phổi là da, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Phổi là lông, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Phổi là tạng Tim.
Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Gan là gân, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Gan là móng, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Gan là Phổi.
Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Tỳ là bắp thịt, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Tỳ là môi, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Tỳ là tạng Gan.
Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Thận là xương, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Thận là tóc, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Thận là tạng Tỳ.
Tại sao cả thiên này không nêu lên thể tài hỏi đáp, mà lại đi thẳng vào thành phần cơ thể con người? Thế là trọn cả thiên này là cái trớn nhân sự của thiên trước còn đang diễn tiếp, mà đoạn này là hệ thống hóa 5 hành trong cơ thể con người, và nhắc lại thế chế hóa của 5 hành, để hiểu rõ nghĩa bên ngoài nhìn thấy như là trái nhau, nhưng sự thật bên trong chỉ là giúp nhau để quân bình tồn tại vậy.
Tạng Tim là nguồn cội động cơ bơm máu bên trong của mạch. Mạch là cơ cấu để phân bổ máu ra khắp châu thân bên ngoài của Tim. Thiếu Tim mạch không động được, thiếu mạch máu không thể truyền đi. Thế là tạng Tim là tim của tạng phủ, mà mạch là tim của xác thân. Xác thân theo hệ thống của tạng phủ, xác thân với tạng phủ vốn phải vừa trật tự tương quan mà cũng vừa đồng nhất, dù mỗi một thành phần cực nhỏ trong cơ thể như một tế bào chẳng hạn, cũng đều phải có đủ cả cơ cấu của tạng phủ mắc liền cho khí huyết giao hòa mới có sự sống, mới có tồn tại. Bởi vậy trong khắp châu thân, nếu có một nơi nào hệ thống mạch máu bị đình đốn bế tắc, là quyết định cả bộ tuần hoàn của máu có bị mất bình thường.
Đã là nguồn cội của sự sống, là cơ cấu nền tảng của tinh thần, mà cũng là mặt trời ở trong thân. Cho nên tạng Tim không những thuộc Hỏa, mà còn là màu đỏ. Vì thế mà chỗ nào có mạch máu lưu thông đến, là chỗ đó có khí tượng hồng hào. Cho nên nói: “Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Tim là mạch, sự vinh nhuận hiện ra ngoài là khí sắc”.
Đã thuộc về tinh thần, thuộc về khí sắc, lẽ tất nhiên chỗ vinh nhuận dễ thấy nhất là ở khuôn mặt. Vì thế người ta gọi khuôn mặt là cửa tinh thần.
Thiếu than thiếu củi thì lửa không thể tồn tại; nhưng thiếu hơi nước, thiếu khí dưỡng lửa cũng khó kéo dài, điều này người ta khó thấy. Nhưng nếu trong những đêm sương mù dày đặc, có đốt lửa giữa trời rồi ta mới thấy điều này thật là rõ rệt.
Tạng Tim là lửa, tạng Gan là củi, tạng Thận là nước, như thế đủ biết tạng Gan vốn giúp cho tạng Tim được nối tiếp đã đành, nhưng nếu thiếu tạng Thận cũng không thể giữ thế quân bình cho tạng Tim được. Cho nên mới nói: “Tạng để giúp thế quân bình cho Tim là Thận” thật là chí lý.
Tạng Phổi là tạng nằm trên hết các tạng, cấu tạo bằng loại tế bào da, là cơ cấu bộng xốp có đủ sức co giãn, là động cơ chính yếu trong bộ máy bơm hơi, mà cũng vừa là cái ống khói cho 5 tạng, là cái nón bằng hơi úp trên tạng Tim, là cái hốc núi để cho tạng Tim cư ngụ, là vườn hoa trời bên nước Cực Lạc của Tịnh độ Phật giáo, là cửa để cho khí dưỡng đi vào tạng phủ và khí thán của tạng phủ đi ra, bên trên thông đồng với mũi miệng.
Toàn thân con người có hai thứ da: bên ngoài là cả mặt da toàn thân; bên trong: da trong mũi, trong miệng, trong mắt, trong cổ họng, phía trong bộ tiêu hóa, trong hông sườn, trong Bàng quang, trong bộ sinh dục, trong tử cung v.v. nghĩa là tất cả mặt da trong cũng đều là da.
Mặt da bên trong của cơ cấu tạng Phổi cũng như toàn cả mặt da bên ngoài, đều là những nơi để thâu hút khí dưỡng vào và thở khí thán ra; còn ngoài ra mặt da của tất cả các nơi khác bên trong cơ thể đều tùy theo mỗi nơi để vừa thở khí thán trược của 5 tạng ra, mà cũng vừa là để thâu hút tất cả các chất tiếp dưỡng vào trong nội tạng tùy theo cơ cấu của mỗi nơi mà đều có giá trị khác nhau. Mỗi khi Phổi hít khí dưỡng vào, thì toàn cả mặt da đều thở khí thán ra (mặt da ngoài thì thở ra, còn mặt da trong thì hít vào). Mỗi khi Phổi thở khí thán ra, thì toàn cả mặt da bên ngoài hút khí dưỡng vào; trái lại toàn cả mặt da bên trong lại là thâu hút chất dưỡng, chớ không phải thâu hút khí dưỡng như mặt da bên ngoài. Do đó mà ta thấy được nếu động cơ hô hấp ở Phổi đình đốn, là toàn cả bộ máy thâu hút mặt da khắp châu thân đều tê liệt. Bởi vậy cơ hít vào thuộc về đàng mũi, chiều nặng ở Phổi đi vào 5 tạng; cơ thở ra thuộc về đàng miệng, chiều nặng ở Vị ra từ sáu phủ. Thế là khắp mặt da trong cũng như da ngoài toàn thân con người đều có Phổi, cũng như đều có mũi miệng. Nhờ định luật này mà ta thấy được ở mặt da hễ có một lỗ chân lông dương (mở ra) là có một lỗ chân lông âm (mở vào), như là một cơ cấu nắp hơi (soupape), để ta có thể kiến thiết một nền tảng vững chãi cho tất cả hệ thống bệnh ngoại cảm của con người. Đó là nghĩa: “thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Phổi là da và sự vinh nhuận hiện ra ngoài là lông”. Như thế ta đủ biết mỗi khi một vùng mặt da nào đó bị mất khả năng thở hút, thì quyết định toàn cả cơ cấu hô hấp của Phổi phải có một phần bị mất bình thường. Nếu ta không thấy được như thế, thì ta sẽ không thấy được trọn vẹn công năng hô hấp.
Tạng Phổi thâu hút khí thanh, khí dưỡng, tạng Tim sinh khí nhiệt, khí khinh. Thiếu tạng Phổi, tạng Tim sẽ thiếu khí thanh mát tiếp dưỡng; thiếu tạng Tim, tạng Phổi sẽ dễ bị áp lực của khí lạnh bên ngoài. Phương chi thiếu khí nhiệt, khí khinh thì khí thanh, khí dưỡng không thể ngưng tụ thành nước được, thì làm sao mà Kim sanh Thủy cho được? Cho nên mới nói: “Tạng để giúp thế quân bình cho Phổi là Tim” vậy.
Mời các bạn đón đọc Hoàng Đế Nội Kinh Quyển 2 của tác giả Chơn Nguyên.