" Hoàng Đế Nội Kinh Quyển 2 - Chơn Nguyên PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hoàng Đế Nội Kinh Quyển 2 - Chơn Nguyên PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo LỜI MỞ ĐẦU Sau khi phát hành 9 thiên đầu tiên (Quyển 1) Hoàng Đế Nội kinh, được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả từ Bắc chí Nam, chúng tôi vô cùng cảm kích vì biết đây là con đường đúng đắn hợp lý mà chúng tôi đã chọn lựa phục vụ cộng đồng. Và để đáp lại thạnh tình mong đợi, chúng tôi đã hết sức cố gắng nhanh chóng như đã hứa tại các buổi giao lưu với độc giả, hoàn thành 9 thiên tiếp theo (Quyển 2, từ thiên 10 đến thiên 18). Lần này, chúng tôi cũng quyết định thay đổi khổ sách thành kích cỡ A4 để bạn đọc tiện dụng, dễ cầm tay, dễ tra cứu và mang đi. Và đồng thời chuyển đổi thành sách bìa da mạ vàng cho xứng với loại sách kinh điển quý giá mà chúng ta cần lưu giữ nơi trang trọng nhất. Tuy nhiên công việc này quả thật hết sức khó khăn, vượt ngoài tầm khả năng của tập thể chúng tôi, Vì sách này được soạn trước năm 1975 cho nên một số thuật ngữ và kiến giải của dịch giả có thể xa lạ đối với bạn đọc đương đại do đó chúng tôi có chuyển đổi đôi chút để phù hợp hơn nhưng vẫn không làm mất đi ý nghĩa mà Sư Phụ chúng tôi muốn gởi gắm đến bạn đọc. Trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ có xảy ra nhiều sơ suất, mong được sự thông cảm lượng thứ hoặc góp ý chân tình của các bậc tri thức cao minh và các độc giả thân thiết bốn phương,để tác phẩm này mang lại nhiều lợi ích hơn nữa ở những lần tái bản sau. Một lần nữa, chúng tôi xin gửi lời biết ơn chân thành nhất đến quý vị và các ân nhân đã hỗ trợ mọi mặt để chúng tôi đạt được thành quả như ngày hôm nay. Chúc quý vị nhiều sức khỏe và phúc lành trong cuộc sống". Con xin thay mặt toàn thể các học viên, môn đồ, thắp nén hương lòng đảnh lễ tưởng niệm ân đức đến giác linh Ân sư Thích Minh Thiền bởi những trái ngọt quý giá đầu mùa mà chúng con được hưởng. Mong được Ngài tiếp tục chứng minh hộ trì cho các hạt giống ấy được nẩy mầm đâm hoa kết trái trên đất lành ở khắp muôn phương và việc làm của chúng con sớm được thành tựu trọn vẹn 9 quyển – 81 thiên đến cuối cùng như tâm nguyện sáng lập lớp Y đạo và nhóm biên dịch, bình giải Hoàng đế Nội kinh của Ngài. Mùa thu năm Bính thân, 2016 CHƠN NGUYÊN Cẩn bút Sống và chết Hữu tri và vô tri Khi tôi muốn rõ sự thật là thế nào, thì tự tôi phải khám phá, phải tìm học, không một ai có thể thay thế cho tôi. Đây là một định lý. Khi tôi muốn khám phá tất cả sự thật, là tôi phải khám phá chính con người của tôi trước nhất, thì công cuộc khám phá mới được chính xác. Đây quyết định là một định lý. Nếu tôi nghĩ áp dụng những cái máy vô tri chết cứng để khám phá cả một guồng máy linh thiêng biến hóa, thì tôi là thằng khờ. Nếu tôi không chấp nhận lý này thì làm sao tôi đọc được NỘI KINH? C.N Thiên 10 NGŨ TẠNG SANH THÀNH Định nghĩa tên thiên “Sanh” là cái khởi đầu của sanh, thuộc về nhân. “Thành” là cái kết quả đã hiện tướng của sanh, thuộc về quả. Tất cả vạn vật khi mới bắt đầu của sanh cơ đều từ khí dương, từ cái không, cái thuộc về khí, mà khi đã thành hình, tức là kết thành ở có, ở chất, ở tướng, ở âm. Vì lý do này nên khi được cấu kết thành tạng phủ trong con người, sự ứng hiện ra bên ngoài cũng có hai hệ thống khác nhau là khí sắc và mạch lạc, để cho chúng ta có thể theo đó mà nghiệm biết được cái thường cái biến của tạng phủ bên trong. Điểm chú trọng của toàn thiên này đều quy về sắc và mạch, vì lẽ đó mà có tên thiên là “Ngũ Tạng Sanh Thành”. BÌNH Những điều kiện ấn định cho một cuộc sống không ngoài thọ bẫm, khí hậu, hoàn cảnh, ăn uống, sinh hoạt và tâm tư; mà cuộc sống khổ hay vui hoàn toàn y cứ vào một điểm thông đạt hay không thông đạt. Toàn thiên này đều gói tròn vào nhân sự, vào con người, vào xác thân, ăn uống, sinh hoạt, bệnh tật, sắc, mạch và sống chết để nối tiếp với thiên trước; hầu mở lối cho một nhãn quan kiểm soát thấu suốt cho tất cả những thiên sau. Trong một thế hệ mà tất cả loài người đều bị chìm đắm hôn mê vào trong cái biển sóng dậy ba đào của vật chất năm châu họp chợ, cơ hồ như không còn được mấy ai còn đủ bình tĩnh sáng suốt để kiểm soát phán quyết về tất cả những cái gì nó đến với mình, dù cho tất cả những ông thầy thuốc, những nhà tu hành, các vị thiền sư rất có thiện chí cũng khó có một định hướng bình tĩnh vững vàng để gọi là cưỡi kình ngao du trong bể khổ là lại sao? Như tôi đã từng nói: Nếu tôi chưa thiệt biết rõ ràng về chính con người của tôi, thì tôi chỉ là một sinh vật để “bị”; mặc dù tôi chỉ thiếu sót về phương diện cơ thể, ăn uống, sinh hoạt mà thôi. Thế mới biết: một tinh thần thoát tục của thời đại Toàn cầu Hóa hiện nay với tinh thần thoát tục của một thế hệ ở đâu biết đó tận tự xa xưa phải khác nhau nhiều lắm! Tìm học về con người, tức là tìm học về chính con người của mình. Tìm học về vấn đề ăn uống, sinh hoạt của con người, tức là tìm học về lý do không có lối thoát của con người trong thời đại hiện nay. - Ngài có muốn chết chìm trong lượn sóng vật chất không?! Nếu ngài không muốn, xin mời hãy đọc kỹ thiên này. ĐOẠN 1 PHIÊN ÂM Tâm chi hợp mạch dã, kỳ vinh sắc dã, kỳ chủ thận dã. Phế chi hợp bì dã, kỳ vinh mao dã, kỳ chủ tâm dã. Can chi hợp cân dã, kỳ vinh trảo dã, kỳ chủ phế dã. Tỳ chi hợp nhục dã, kỳ vinh thần dã, kỳ chủ can dã. Thận chi hợp cốt dã, kỳ vinh phát dã, kỳ chủ tỳ dã. DỊCH Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Tim là mạch, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Tim là khí sắc, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Tim là tạng Thận. Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Phổi là da, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Phổi là lông, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Phổi là tạng Tim. Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Gan là gân, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Gan là móng, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Gan là Phổi. Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Tỳ là bắp thịt, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Tỳ là môi, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Tỳ là tạng Gan. Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Thận là xương, sự vinh nhuận hiện ra ngoài của tạng Thận là tóc, tạng để giữ thế quân bình cho tạng Thận là tạng Tỳ. GIẢI Tại sao cả thiên này không nêu lên thể tài hỏi đáp, mà lại đi thẳng vào thành phần cơ thể con người? Thế là trọn cả thiên này là cái trớn nhân sự của thiên trước còn đang diễn tiếp, mà đoạn này là hệ thống hóa 5 hành trong cơ thể con người, và nhắc lại thế chế hóa của 5 hành, để hiểu rõ nghĩa bên ngoài nhìn thấy như là trái nhau, nhưng sự thật bên trong chỉ là giúp nhau để quân bình tồn tại vậy. Tạng Tim là nguồn cội động cơ bơm máu bên trong của mạch. Mạch là cơ cấu để phân bổ máu ra khắp châu thân bên ngoài của Tim. Thiếu Tim mạch không động được, thiếu mạch máu không thể truyền đi. Thế là tạng Tim là tim của tạng phủ, mà mạch là tim của xác thân. Xác thân theo hệ thống của tạng phủ, xác thân với tạng phủ vốn phải vừa trật tự tương quan mà cũng vừa đồng nhất, dù mỗi một thành phần cực nhỏ trong cơ thể như một tế bào chẳng hạn, cũng đều phải có đủ cả cơ cấu của tạng phủ mắc liền cho khí huyết giao hòa mới có sự sống, mới có tồn tại. Bởi vậy trong khắp châu thân, nếu có một nơi nào hệ thống mạch máu bị đình đốn bế tắc, là quyết định cả bộ tuần hoàn của máu có bị mất bình thường. Đã là nguồn cội của sự sống, là cơ cấu nền tảng của tinh thần, mà cũng là mặt trời ở trong thân. Cho nên tạng Tim không những thuộc Hỏa, mà còn là màu đỏ. Vì thế mà chỗ nào có mạch máu lưu thông đến, là chỗ đó có khí tượng hồng hào. Cho nên nói: “Thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Tim là mạch, sự vinh nhuận hiện ra ngoài là khí sắc”. Đã thuộc về tinh thần, thuộc về khí sắc, lẽ tất nhiên chỗ vinh nhuận dễ thấy nhất là ở khuôn mặt. Vì thế người ta gọi khuôn mặt là cửa tinh thần. Thiếu than thiếu củi thì lửa không thể tồn tại; nhưng thiếu hơi nước, thiếu khí dưỡng lửa cũng khó kéo dài, điều này người ta khó thấy. Nhưng nếu trong những đêm sương mù dày đặc, có đốt lửa giữa trời rồi ta mới thấy điều này thật là rõ rệt. Tạng Tim là lửa, tạng Gan là củi, tạng Thận là nước, như thế đủ biết tạng Gan vốn giúp cho tạng Tim được nối tiếp đã đành, nhưng nếu thiếu tạng Thận cũng không thể giữ thế quân bình cho tạng Tim được. Cho nên mới nói: “Tạng để giúp thế quân bình cho Tim là Thận” thật là chí lý. Tạng Phổi là tạng nằm trên hết các tạng, cấu tạo bằng loại tế bào da, là cơ cấu bộng xốp có đủ sức co giãn, là động cơ chính yếu trong bộ máy bơm hơi, mà cũng vừa là cái ống khói cho 5 tạng, là cái nón bằng hơi úp trên tạng Tim, là cái hốc núi để cho tạng Tim cư ngụ, là vườn hoa trời bên nước Cực Lạc của Tịnh độ Phật giáo, là cửa để cho khí dưỡng đi vào tạng phủ và khí thán của tạng phủ đi ra, bên trên thông đồng với mũi miệng. Toàn thân con người có hai thứ da: bên ngoài là cả mặt da toàn thân; bên trong: da trong mũi, trong miệng, trong mắt, trong cổ họng, phía trong bộ tiêu hóa, trong hông sườn, trong Bàng quang, trong bộ sinh dục, trong tử cung v.v. nghĩa là tất cả mặt da trong cũng đều là da. Mặt da bên trong của cơ cấu tạng Phổi cũng như toàn cả mặt da bên ngoài, đều là những nơi để thâu hút khí dưỡng vào và thở khí thán ra; còn ngoài ra mặt da của tất cả các nơi khác bên trong cơ thể đều tùy theo mỗi nơi để vừa thở khí thán trược của 5 tạng ra, mà cũng vừa là để thâu hút tất cả các chất tiếp dưỡng vào trong nội tạng tùy theo cơ cấu của mỗi nơi mà đều có giá trị khác nhau. Mỗi khi Phổi hít khí dưỡng vào, thì toàn cả mặt da đều thở khí thán ra (mặt da ngoài thì thở ra, còn mặt da trong thì hít vào). Mỗi khi Phổi thở khí thán ra, thì toàn cả mặt da bên ngoài hút khí dưỡng vào; trái lại toàn cả mặt da bên trong lại là thâu hút chất dưỡng, chớ không phải thâu hút khí dưỡng như mặt da bên ngoài. Do đó mà ta thấy được nếu động cơ hô hấp ở Phổi đình đốn, là toàn cả bộ máy thâu hút mặt da khắp châu thân đều tê liệt. Bởi vậy cơ hít vào thuộc về đàng mũi, chiều nặng ở Phổi đi vào 5 tạng; cơ thở ra thuộc về đàng miệng, chiều nặng ở Vị ra từ sáu phủ. Thế là khắp mặt da trong cũng như da ngoài toàn thân con người đều có Phổi, cũng như đều có mũi miệng. Nhờ định luật này mà ta thấy được ở mặt da hễ có một lỗ chân lông dương (mở ra) là có một lỗ chân lông âm (mở vào), như là một cơ cấu nắp hơi (soupape), để ta có thể kiến thiết một nền tảng vững chãi cho tất cả hệ thống bệnh ngoại cảm của con người. Đó là nghĩa: “thành phần của xác thân bên ngoài hợp với tạng Phổi là da và sự vinh nhuận hiện ra ngoài là lông”. Như thế ta đủ biết mỗi khi một vùng mặt da nào đó bị mất khả năng thở hút, thì quyết định toàn cả cơ cấu hô hấp của Phổi phải có một phần bị mất bình thường. Nếu ta không thấy được như thế, thì ta sẽ không thấy được trọn vẹn công năng hô hấp. Tạng Phổi thâu hút khí thanh, khí dưỡng, tạng Tim sinh khí nhiệt, khí khinh. Thiếu tạng Phổi, tạng Tim sẽ thiếu khí thanh mát tiếp dưỡng; thiếu tạng Tim, tạng Phổi sẽ dễ bị áp lực của khí lạnh bên ngoài. Phương chi thiếu khí nhiệt, khí khinh thì khí thanh, khí dưỡng không thể ngưng tụ thành nước được, thì làm sao mà Kim sanh Thủy cho được? Cho nên mới nói: “Tạng để giúp thế quân bình cho Phổi là Tim” vậy. Tạng Gan vốn là khu rừng cây cổ thụ để hứng lấy sự xung động của gió máy bên ngoài, là tạng có nhiều tổ chức gân, bên trên dính liền với tổ chức Bọc Tim cũng là gân, bên dưới dính liền với tổ chức cuống Thận dương; là nơi chứa giữ khí thán trược của hột máu đen đưa về để chế hóa thành một thứ vị đắng, một thứ chất xanh lá cho buồng Mật, mà cũng là nơi thâu nhận cả vị ngọt, vị chua. Đối với hệ thống thần kinh, tạng Gan thuộc về cơ cấu quan hệ với phần thần kinh động tác, phần óc nhỏ phía sau. Bên trong nó là nguồn cội của tất cả hệ thống Tam tiêu, để hệ thống Tam tiêu bên ngoài mắc liền với tất cả hệ thống thuộc về gân của các khớp, thuộc về màng bao bắp thịt và tất cả các lớp bầy nhầy trong khắp châu thân để làm nền tảng cho mọi hoạt động. Nên chi khi tạng Gan sút kém, thì sức mạnh gân lực cũng theo đó mà sút kém; khi tạng Gan được sung túc mạnh mẽ, thì sức mạnh của gân lực cũng theo đó mà tăng cường; khi Gan bị biến động bằng cách giãn lơi, thì hệ thống gân lực toàn thân cũng bị co rút; khi Gan bị biến động bằng cách giãn lơi, thì hệ thống gân lực toàn thân cũng bị dãn lơi; Gan se thắt lại thì toàn thân gân lực cũng bị se thắt lại; khi Gan bị trương nở thì toàn thân gân lực cũng bị trương nở; khi Gan được tươi nhuận, thì toàn cả móng tay móng chân đều hiện tướng tươi nhuận; nếu Gan bị ngưng kết, thì móng cũng hiện tướng ngưng kết. Đây chính là nghĩa “thành phần xác thân bên ngoài hợp với tạng Gan là gân và sự vinh nhuận hiện ra ngoài là móng”. Tạng Gan vốn là tạng súc tích nhiều khí thán trược mà thuộc Mộc. Tạng Phổi vốn là ống khói chung của 5 tạng, mà cũng là nơi thâu hút khí thanh mát, khí dưỡng và là thuộc Kim. Nếu thiếu tạng Phổi, không những hơi nước bốc lên không lấy đâu để ngưng đọng mà rơi xuống, lại cũng không lấy đâu để mà xả bớt khí thán trược ra ngoài, thì rồi toàn cả hệ thống máu huyết khắp châu thân đều sẽ biến thành than khói ngưng đặc, mà bản thân tạng Gan cũng đến chết mất. Cho nên mới nói: “Tạng để giữ thế quân bình cho Gan là Phổi” vậy. Tỳ là tạng chính nó có vị ngọt, là cơ cấu thu nhiếp đường và dầu, là tạng chuyển đưa lương thực. Thuận dòng tương sanh, bên trên trực tiếp với tạng Phổi; thuận dòng tương khắc, bên dưới xuống đến Thận dương kết đúc thành chất tan trong dầu (cortine), để làm thành thế quân bình cho tạng Thận. Bên trong theo hệ thống Tam tiêu mà dính liền với mỡ sa, mỡ chài (thuộc loại dầu). Bên ngoài theo luật khí hóa và tác dụng của năng lực kinh mạch, để nối liền với tất cả các bắp thịt âm (tức là bắp thịt nạc mét), và gián tiếp nối liền với tất cả các bắp thịt dương (thịt nạc đỏ). Nên chi khi tạng Tỳ thiếu tiếp tế về đường và dầu, thì toàn cả hệ thống thịt nạc thịt mỡ đều bị thiếu kém. Khi tạng Tỳ bị biến động, thì tất cả bắp thịt toàn thân cũng bị biến động theo. Khi tạng Tỳ được tươi nhuận khỏe mạnh, thì khí sắc quanh môi cũng được tươi nhuận. Khi tạng Tỳ có biến động yếu đau thì khí sắc quanh môi cũng kém mất vẻ thắm tươi. Do đó nên mới nói: “Thành phần xác thân bên ngoài hợp với Tỳ là bắp thịt, và sự vinh nhuận hiện ra ngoài là môi”. Vốn đã là cơ cấu thu nhiếp vị ngọt và vị béo, là nền tảng của khí thấp (khí đạm) thuộc Thổ, là tạng chí âm; để đối lại với tạng Gan là tạng thuộc Mộc chuyên thu nhiếp khí thán trược, để sản xuất ra vị đắng, ra nước Mật, hầu quân bình và làm ráo bớt thế ẩm thấp của tạng Tỳ sản xuất ra. Nên chi khi tạng Gan bị suy yếu hoặc gặp niên vận làm cho tạng Gan suy yếu, thì sự hoạt động thừa của tạng Tỳ không những làm tổn hại đến Gan, biến động đến toàn cả các bắp thịt trong châu thân, mà còn nguy ngập đến chính tạng Tỳ nữa. Cho nên nói: “Tạng để giúp thế quân bình cho Tỳ là Gan” vậy. Tạng Thận đối với 5 tạng tựa hồ củ trối (củ lớn chính) của toàn thân cây, là nơi quy tụ tất cả khí tinh hoa trong tạng phủ đi theo hai hệ thống dầu và nước, để tinh luyện mà đưa vào bồi bổ cho toàn cả hệ thống tủy xương và cơ quan sinh dục. Nên chi khi sinh cơ của toàn bộ tạng Thận bị đình đốn biến động, thì hệ thống của tủy và xương bên ngoài cũng đều bị liên lụy theo. Thí dụ như: khi bị gãy xương mà tạng Thận lại tê liệt không đủ khí dương, thì xương dễ xảy ra thúi mục; cũng như khi tạng Thận bạc nhược, thì toàn cả cơ cấu của hệ thống xương cũng đều bạc nhược theo. Bởi vậy trẻ con khi mới sanh ra, nếu thọ bẫm ở cha mẹ tạng Thận yếu quá, thì tất cả hệ thống xương sẽ bị chậm phát triển, răng chậm mọc, chậm biết đi, tính tình cũng theo đó mà yếu hèn hơn. Cho nên biết được: “Thành phần xác thân bên ngoài hợp với tạng Thận là xương”. Tất cả tủy xương đều chầu về óc, óc đựng trong xương sọ. Đầu là phần trên cao nhất, là nơi tiếp xúc với sức phản chiếu của bao la nhiều nhất. Óc là nguồn cội của hệ thống thần kinh, là nơi xuất phát thấy - nghe - hay - biết, lẽ tất nhiên phải xảy ra ý thức bảo vệ mà nảy sanh ra tóc. Vì thế mà mái tóc của mỗi người cũng chẳng có ai giống ai. Cho nên nói: “Sự vinh nhuận hiện ra ngoài của Thận là tóc”. Đã là tạng thuộc Thuỷ và tác dụng cũng thuộc về nước. Nước thiếu đất sẽ không hiện rõ tác dụng, phải có đất nước mới có chỗ chứa giữ, mới có thể tạo thành thế ẩm ướt. Vì thế mà phần Thận dương có ٢ phần: phần tan trong nước bắt hệ thống theo phía trái mà thông đồng lên tận đến Tim, để làm thành tác dụng lưu thông; phần tan trong dầu bắt hệ thống theo phía phải, thông đồng với tạng Tỳ mà lên tận đến Phổi, để tạo thành cái thế chứa giữ nghịch lại, nhờ công năng này mà tác dụng của Thận được hiển rõ. Bởi vậy nếu thử cho chất tan trong nước hiện vọt lên một mức tột bậc cao, thì tạng Tim sẽ bị đập loạn xạ dữ dội, tạng Thận sẽ bị gồng thắt mạnh và con người sẽ bị hốc hác đi. Ngược tại nếu thử cho chất tan trong dầu vọt lên một mức thật cao, thì tạng Tim sẽ bị đập chậm lại, tạng Thận sẽ mất tác dụng gồng bóp và con người sẽ biến ra màu vàng âm. Chất tan trong dầu vốn là cơ cấu của tạng Tỳ ở Thận, lại có tác dụng ngược lại với chất tan trong nước. Lại thêm nếu vắng mặt chất tan trong dầu, thì toàn cả năng lực của hệ thống Thận và tủy xương khắp châu thân đều mất tác dụng. Do đó nên mới nói: “Tạng để giúp thế quân bình cho Thận là Tỳ” vậy. Có người hỏi: Tại sao phải thế quân bình của tạng Tim là tạng Thận v.v., mà không là một tạng nào khác? – Đáp: Nếu một người có cái nhìn từ cái cực lớn suốt vào cái cực nhỏ, và thâm nhập vào chính con người của mình một cách có trật tự lớp lang thì sẽ thấy không thể nói khác hơn được. Vậy xin mời ngài hãy đọc kỹ lại tất cả thì sẽ rõ suốt. BÌNH Nói: tạng phủ có trước, xác thân có sau; tạng phủ là gốc, tất cả thành phần bên ngoài của xác thân là ngọn; Tim có trước, óc có sau; cảm giác có trước, phân biệt tính toán có sau, thì tôi dám chắc rằng: không một nhà phôi thai học nào, một bác sĩ nào cũng như một nhà khoa học nào hiện đại mà không chấp nhận. Nhưng, lạ thay! Không biết tại sao lại đến khi nhập vào cuộc sống hằng ngày, người ta lại chỉ hoàn toàn tôn thờ ở phần ngọn phần trí óc tính toán, phần xác thân bên ngoài, mà người ta hoàn toàn quên phứt phần nguồn cội bên trong, làm như cây không cần thân với gốc, chỉ phần ngọn không cũng vẫn tồn tại được vậy. Cũng như nếu tôi nói: thiếu nước thì lửa không thể thành lập; thiếu màu đen, màu trắng không thể thành lập; thiếu chúng sanh, Phật không thể thành lập. Trừ tất cả những cái không phải là tôi đi, thì cái tôi cũng không thể thành lập, thì quyết định tất cả những hàng trí thức không ai mà không chấp nhận. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là đã có cái một là hiện hữu tất cả. Thế nhưng tại sao khi nhập cuộc vào dòng cuộc sống, thì gần như hầu hết những hàng trí thức trong lòng đều sẵn một mầm mống bài trừ kẻ khác, làm như là đừng có vũ trụ, một mình tôi cũng tồn tại được vậy. Như thế phải chăng là bởi loài người là một giống thú dẫn đầu bậc nhất trong muôn thú, mà thú tính luôn luôn lớn hơn các loài vật khác?! Hay bởi cái máytôi chưa được chỉnh đốn trước, mà vội thu nhiếp vô số kiến thức bên ngoài vào để trở thành một thứ ngu hiểu biết của hệ thống chổng đầu nhảy chang cháng chăng?! Có người nói: “Vật có gốc ngọn, việc có trước sau, biết được phần nào trước để làm trước, phần nào sau làm sau, tức là gần với Đạo vậy”. Thế mới biết: khi bị cái Tôi nó bịt mắt rắc tiêu rồi, thì không chỉ là trước đây 5-6 ngàn năm hay ở ngay thời đại nguyên tử này; hoặc thật giàu kiến thức hay rất nghèo nàn cũng không vì thế mà thoát vòng ngu muội. ĐOẠN 2 PHIÊN ÂM Thị cố đa thực hàm, tắc mạch ngưng lịch nhi sắc biến. Đa thực khổ, tắc bì cao nhi mao bạt. Đa thực tân, tắc cân cấp nhi trảo khô. Đa thực toan, tắc nhục chi sô nhi thần yết. Đa thực cam, tắc cốt thống nhi phát lạc. Thử ngũ vị chi sở thương dã. DỊCH Cho nên nếu ăn nhiều mặn quá, thì mạch bị ngưng rít làm cho sắc biến đen. Ăn nhiều đắng quá, thì da khô lông rụng. Ăn nhiều cay quá, thì gân co và móng khô. Ăn nhiều chua quá, thì bắp thịt nứt nẻ và môi trớt. Ăn nhiều ngọt quá, thì xương đau tóc rụng. Đó là vì 5 vị thái quá làm tổn hại vậy. GIẢI Điểm chú trọng của đoạn này là nối tiếp với đoạn trên, để nói lên do sự ăn uống lạm dụng 5 vị thái quá, làm xâm phạm vào thế quân bình tương khắc của 5 hành theo hệ thống sở thuộc của 5 tạng, mà gây thành những hiện tượng tổn thương. Đoạn trên đã trình bày về gốc ngọn theo hệ thống sở thuộc và thế quân bình khắc chế của ٥ hành trong cơ thể con người rồi và cũng tiếp theohệ thống ấy mà đi sâu vào 5 vị ăn uống, nên nối tiếp bằng chữ “cho nên”. Vị mặn với tạng Thận đều thuộc về hành Thủy. Nếu ta cắt máu cho vào trong chén để qua vài ba tiếng đồng hồ, trước tiên ta sẽ thấy chia ra hai phần: phần máu đỏ đóng dề lại và phần nước vàng. Nếu ta đem phần máu đỏ mà luộc trong nước sôi trải qua mấy tiếng đồng hồ. Rồi ta ăn thử thì sẽ thấy hiện rõ chất chát; còn phần nước vàng ta đem hấp cách thuỷ, sẽ thấy cũng phân ra làm hai phần: một phần như lòng trắng trứng loãng chín lại, một phần nước trong, cả hai đều có vị mặn. Phần chát thuộc về phần máu đỏ, phần như lòng trắng trứng thuộc về phần máu trắng, phần nước thuộc về phần nước máu có chứa nhiều chất muối; cả ba đều có thế quân bình của nó. Phần máu trắng và nước muối thuộc về hệ thống tạng Thận, phần máu đỏ thuộc về hệ thống tạng Tim. Nếu ta ăn nhiều vị mặn quá, máu bị thu nạp nhiều muối, làm cho máu không đủ để pha loãng; do đó mà xảy ra hiện tượng mạch ngưng rít, sắc mặt biến đen và khát nước, như thế nghĩa là sao? Nghĩa là trên cảm giác tự động đã báo động lên một thế biến và đòi hỏi trả lại sự quân bình. Cho nên biết: chánh văn nói “cho nên ăn nhiều của mặn quá, thì mạch bị ngưng rít làm cho sắc biến đen”; cũng là một cách nói tuy biết tạng Thận là một tạng để làm quân bình cho tạng Tim, nhưng nếu sự quân bình ấy thái quá, rồi cũng trở nên là một thứ làm mất quân bình mà thôi. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là sửa quá hóa ra không ngay. Nói vị đắng là vị thuộc Hỏa, là ý nói vị đắng có ảnh hưởng thẳng vào tạng Tim và nó có tánh làm khô ráo, chớ không phải nói nghĩa nóng lạnh. Bởi vậy tất cả những món thuốc có vị thuần đắng, khi được bào chế khô rồi đem cất rất lâu hư và rất ít bị sâu mọt. Thí dụ như Huỳnh liên, Huỳnh bá chẳng hạn. Do đó nên khi ta ăn nhiều vị đắng quá, thì trước nhất Tim Phổi ta bị ráo và những mạch hệ thống các chất thấm nhuần ở mặt da đều bị se thắt co rút lại, làm cho lông ở mặt da mất nuôi dưỡng trở nên dễ rụng. Cho nên mới nói: “Khi ăn nhiều vị đắng quá thì da khô lông rụng”. Nói như thế, cũng như nói tuy biết rằng tạng Tim là tạng giúp thế quân bình cho Phổi, nhưng nếu thế quân bình ấy quá trớn thì lại cũng là một thứ phá hoại thế quân bình vậy. Vị cay thuộc Kim, tánh hay phát tán, nhưng vị cay ta ăn hằng ngày phần nhiều là cay nóng. Ngoài sức phát tán ra, còn làm tăng thêm sức kích thích bồng bột. Những người vì thói quen hồi tuổi trẻ ăn nhiều vị cay nóng quá, tiêm nhiễm vào Gan, lâu năm chầy tháng, đến khi tuổi lớn có sanh bệnh tật thường xảy ra triệu chứng gân co, hoặc run giật, hoặc chuyển lắc, không giữ được thế quân bình và móng tay móng chân cũng mất vẻ tươi nhuận. Vì thế mới nói: “Ăn nhiều vị cay quá làm cho gân co và móng khô”. Đây cũng là một cách nói khác rằng: dù tạng Phổi, là tạng để giúp thế quân bình cho tạng Gan, nhưng khi thế quân bình ấy quá trớn, thì cũng là một thứ đổ vỡ thế quân bình. Vị chua là vị đi về với Gan, thuộc Mộc, tánh nó lại thu liễm. Mỗi khi ta ăn vào là hạch nước miếng bị kích thích ứa ra nhiều chất nước miếng để ứng hợp với nó. Nếu ta cứ thường thường tái diễn như thế mãi, thì chất nước miếng ấy càng ngày càng bị rơi nhiều xuống bộ tiêu hóa cộng với vị chua mà dẫn xuống đường tiểu tiện. Vì thế mà tạng Tỳ càng ngày càng suy yếu, bắp thịt càng ngày càng co rút cằn cỗi, nên môi hiện ra tướng trớt. Cho nên mới nói: “Ăn nhiều vị chua quá thì bắp thịt nứt nẻ và môi trớt”. Đây cũng là một cách nói tuy tạng Gan là tạng để giữ thế quân bình cho tạng Tỳ, nhưng nếu thế quân bình ấy thái quá, thì lại cũng là một thứ mất quân bình. Vị ngọt vốn là vị của Tỳ, thuộc Thổ. Tạng Tỳ là tạng để giữ khí thấp cho cơ thể, nhưng nếu vì một lẽ gì mà tạng Tỳ sanh hoạt động thừa cao hơn các tạng khác, lẽ tất nhiên sức hoạt động thừa ấy sẽ ảnh hưởng vào tạng Thận, làm cho sức gồng bóp của tạng Thận bị suy giảm, mà tác dụng lọc nước cũng bị mất bình thường, và tất cả xương cốt đều trở nên nặng nề đau nhức, lại thêm xảy ra hiện tượng tóc rụng. Bởi lẽ này nên hầu hết những người bị bệnh thấp ôn nặng (đau ban trắng, có người gọi là đau ban cua), sau khi khỏi rồi, nếu thiếu hiểu biết về sự ăn uống thì đều xảy ra triệu chứng rụng tóc. Vì thế nên khi ta ăn nhiều vị ngọt quá, tất có hiện tượng xương đau tóc rụng. Đây cũng là một cách nói tuy biết tạng Tỳ là tạng giúp thế quân bình cho tạng Thận, nhưng khi thế quân bình ấy lên quá cao làm cho mất quân bình. Thế là trọn cả đoạn này luận giả muốn nói: Trong cơ thể sinh lý cũng như trong vật lý, trong ăn uống cũng đều có đủ hiện tượng tương sanh tương khắc của 5 hành. Và cả thế tương sanh tương khắc nếu ta biết áp dụng, thì đều là công năng để giữ cho thế quân bình. Nhược bằng ta dốt nát mà không biết sử dụng, thì thế để giữ cho được quân bình cũng sẽ biến thành thế đổ vỡ vậy. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là dù trong ăn uống nếu ta biết áp dụng thì tuy ở thế trái nhau, nhưng cũng là giúp nhau. Nếu ta không biết sử dụng, thì thế trái nhau ấy chính là thế tương khắc. BÌNH Ở thiên thứ 5 đoạn 11 có nói: “Ở trời là Huyền, ở người Đạo, ở đất là Hóa. Huyền sanh Thần, Đạo sanh Trí, Hóa sanh Vị v.v.”. Thế là ý luận giả muốn nói: bộ mặt thật của bao la này thấu suốt hiện tượng, vốn nó không là gì, không có tên tuổi, mà từ khi có con người mới nhìn thấy ra 3 chiều hướng: một là linh quang hồi tụ, hai là linh giác viên thông, ba là phản chiếu biến hóa. Rồi từ 3 chiều hướng ấy, mà con người nhìn thấy ra ba hệ thống hiện tượng là từ linh quang hồi tụ mà hiện ra linh diệu nhiệm mầu nên gọi là thần; từ linh giác viên thông mà hiện ra trí óc phân biệt nên gọi là trí; và từ phản chiếu biến hóa mà hiện ra 5 vị vật chất nên gọi là vị. Cho nên nói: Huyền sanh thần, Đạo sanh Trí, Hóa sanh 5 vị. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là thần, trí với vị vốn không khác, mà cả 3 đều xuất phát từ một nguồn cội chưa hề có tên tuổi. Đến thiên thứ ٩ đoạn ٧ lại nói: “Trời nuôi người bằng ٥ khí, đất nuôi người bằng ٥ vị. Khí đi vào bằng đường mũi, vị đi vào bằng đường miệng. Cả hai hệ thống sau khi được tinh luyện vào đến ٥ tạng gặp nhau mà hợp để tiếp dưỡng cho khí của ٥ tạng, nhờ đó mà tinh thần được nối tiếp”. Như thế nghĩa là sao? - Nghĩa là trong chỗ không lời luận giả muốn nói trên hệ thống dọc con người vốn có tổ tông, nhưng theo hệ thống ngang mà nhìn thì con người là một tác phẩm hun đúc bởi trời đất âm dương biến hóa xoay vần trong vòm linh không vô cực. Và nhìn vào con người thấy hình như có ٢ hiện tượng tinh thần và vật chất khác nhau. Nhưng nhìn sâu vào ٢ hệ thống tiếp dưỡng và quán xuyến đến thiên thứ ٥, thì ta mới thấy đây là một lần nữa để nhắc lại một cách khác về thần, trí với vị vốn không riêng, và cả bao la này chỉ một lò biến hóa. Đến đoạn này lại là đoạn nối tiếp với đoạn trên để nói lên luật chế hóa của ٥ hành trong ٥ vị, mà thái quá về bên này thì bất cập sẽ về bên kia, thái quá bên kia thì bất cập sẽ về bên này. Thái quá hay bất cập cũng đều là hiện tượng mất quân bình, và nếu là mất quân bình thì tuy có hiện tượng trái nhau cũng là một cách để giữ vững cho thế quân bình; và mặc dù sự mất quân bình ấy chỉ từ ٥ vị, nhưng kết quả của ảnh hưởng dù cho về mặt tâm lý, vật lý hay sinh lý cũng bị ảnh hưởng như nhau. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là trong chỗ không lời luận giả muốn nói: nếu ai hiểu rằng tâm với vật vốn là hai thứ riêng biệt không dính dấp gì nhau, mà xem thường sự ăn uống hằng ngày thì kể như người đó chưa hiểu gì hết, và trong vô tình hằng ngày chỉ là một sinh vật buông trôi theo sự biến hóa của vật chất và dục vọng mà thôi chớ không phải là hạng người thông đạt. ĐOẠN 3 PHIÊN ÂM Cố Tâm dục khổ, Phế dục tân, Can dục toan, Tỳ dục cam, Thận dục hàm. Thử ngũ vị chi sở hợp, ngũ tạng chi khí dã. DỊCH Cho nên Tim chỉ thích đắng, Phổi thích cay, Gan thích chua, Tỳ thích ngọt, Thận thích mặn. Đó là chỗ thích hợp của 5 vị với khí của 5 tạng vậy. GIẢI Vẫn khởi đầu bằng chữ “cho nên”, thế là mạch văn vẫn đang tiếp tục. Đoạn trên thuần nói về 5 vị vì bị lạm dụng thái quá mà xâm phạm vào luật khắc chế của 5 hành trong hệ thống 5 tạng, để lại kết quả hiện tượng tai hại. Đến đoạn nầy chỉ thuần nói về một mặt sở thích của 5 tạng đối với 5 vị. Thế là ý luận giả muốn nói: Biết rằng tác dụng của 5 vị đối với 5 tạng, hễ lạm dụng thái quá sanh ra khắc chế tổn thương. Tuy nhiên không thể vì thế mà con người phải bài trừ sự ăn uống, cuộc sống quý hồ ở làm sao cho ứng hợp với lẽ đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông, hầu cho thế quân bình của cuộc sống không bị xâm phạm mà đổ vỡ là thượng sách. BÌNH Một ông thầy đồ Nghệ dạy chữ Nho cho mấy cậu ấm miền Nam. Lần đầu tiên cụ đồ khai tâm: “mộn lạ cựa”. Các cậu cũng dõng dạc nói theo: “mộn lạ cựa”. Cụ đồ đính chánh: “Tạ nọi mộn lạ cựa, cựa rạ cựa vộ”. Các cậu cũng dõng dạc tiếp: “mộn lạ cựa, cựa rạ cựa vộ”. Cụ đồ bắt đầu bực mình gắt giọng chỉ vào cánh cửa mà nói: “Tạ nọi mộn lạ cựa, cựa ni ni”. Các cậu cũng dõng dạc tiếp: “Mộn lạ cựa, cựa ni ni”. Cụ đồ tức quá quát: “Cựa cha cựa mẹ mi”, làm báo hại mấy cậu hoảng hốt ngơ ngác không hiểu thế nào bèn ngậm thinh trợn dọc. Một cậu tú tài nọ nhân có bệnh đi đến bác sĩ. Bác sĩ dạy mỗi ngày phải uống nước lã từ 3 lít cho đến 4 lít càng tốt, nếu uống ít hơn thì sức khỏe không được bình thường. Bắt đầu từ đó câu nói của bác sĩ ấy trở thành một cây thước thần thánh. Thế rồi mỗi ngày anh ta cứ tiếp tục uống 3-4 lít nước lạnh, dù không khát không muốn uống cũng cố ráng mà uống, uống đến mang bệnh vì uống nước. Rồi một lúc nọ nhân đọc quyển sách gọi là Tân dưỡng sinh của Oshawa người Nhật bảo rằng: uống nước nhiều sanh bệnh, càng uống ít chừng nào càng hay; lại thêm bắt ăn cơm gạo lức với muối mè và cấm ăn đường. Thế rồi từ đó anh ta không dám uống nước nữa, lại còn cố ráng làm sao không uống chút nước nào càng hay, đến đỗi trở thành một thứ bệnh không uống nước. Thế mới biết: nếu chưa biết gì hết về chính con người của mình, cũng như không rõ tí nào về nghĩa trật tự tương quan biến hóa lưu thông, thì dù cho cố ráng để tìm lấy cái thế đúng mức quân bình chừng nào lại càng bị rơi vào trong cái hố làm giống làm theo để mà mất quân bình biến sanh đổ vỡ chừng nấy. ĐOẠN 4 PHIÊN ÂM Cố sắc kiến thanh như thảo tư giả tử, huỳnh như chỉ thiệt giả tử, hắc như thai giả tử, xích như phôi huyết giả tử, bạch như khô cốt giả tử, thử ngũ sắc chi kiến tử dã. Thanh như thúy vũ giả sanh, xích như kê quan giả sanh, huỳnh như giải phúc giả sanh, bạch như thỉ cao giả sanh, hắc như ô vũ giả sanh, thử ngũ sắc chi kiến sanh dã. DỊCH Cho nên nếu khí sắc người bệnh mà hiện lên màu xanh như màu cỏ úa là chết, vàng như màu trái Chỉ thiệt là chết, đen như than khói là chết, đỏ như huyết đông là chết, trắng như xương khô là chết; đó là 5 sắc chết hiện. Ngược lại nếu xanh như lông cánh chim Thúy là sống, đỏ như màu mồng gà trống là sống, vàng như màu vàng dưới bụng con cua bể là sống, trắng như màu mỡ heo là sống, đen như lông cánh quạ là sống; đó là 5 sắc sống hiện. GIẢI Cả đoạn này chỉ áp dụng phép so sánh để hiển rõ năm khí sắc sống hay chết, hầu đi sâu vào kỹ thuật khám phá con người. Trong bốn môn khám phá là nhìn, nghe, hỏi, khám, mà đây là phép thứ nhất. Thế mà khởi đầu vẫn dùng hai chữ “cho nên”, như thế không những vẫn là một mạch văn nối tiếp, mà hai chữ “cho nên” này gốc rễ của nó còn ăn sâu đến suốt thiên thứ 5 nữa. Điều này hết thảy người đọc rất nên lưu tâm. Đã nêu ra ٥ sắc sống và ٥ sắc chết bằng cách mượn những vật bên ngoài để hình dung, mà trong đó có nói đến lông cánh chim Thúy là một thứ chim rất ít ai biết. Tuy nhiên nếu ta đừng mắc kẹt trong chữ và lời thì ta sẽ nhận ra ý luận giả muốn nói không ngoài tuy sắc nào thì sắc, nhưng hễ có thần, có khí tượng sống, có sinh lực, có mạch sống thấm nhuần tức là sắc sống. Nếu ngược lại, sắc không có thần, không có khí tượng sống, không có sinh lực, không có mạch sống thấm nhuần tức là sắc chết. Mà thí dụ rõ rệt nhất là mỡ heo và xương khô. Vậy mà luận giả vẫn còn chưa yên tâm, sợ e người nghe, người đọc mắc kẹt chết cứng vào chữ vào lời, nên dưới đây còn một đoạn nối tiếp để biện bạch đến chỗ nhập thần. Chúng ta hãy theo dõi. ĐOẠN 5 PHIÊN ÂM Sanh ư Tâm như dĩ cao khỏa châu, sanh ư Phế như dĩ cao khoả hồng, sanh ư Can như dĩ cao khỏa cam, sanh ư Tỳ như dĩ cao khỏa quát lâu, sanh ư Thận như dĩ cao khỏa tử, thử ngũ tạng sở sanh chi ngoại vinh dã. DỊCH Đối với tạng Tim khí sắc sống của nó là phải như lụa mịn bọc son; khí sắc sống của tạng Phổi là phải như lụa mịn bọc màu hường; khí sắc sống của tạng Gan là phải như lụa mịn bọc màu cam; khí sắc sống của tạng Tỳ là phải như lụa mịn bọc trái Qua lâu; khí sắc sống của tạng Thận là phải như lụa mịn bọc màu tím. Đây là khí sắc ánh ra ngoài của 5 tạng vậy. CHÚ THÍCH Trái Qua lâu: một loại dây bò như dây mướp, trái giống như trái mướp khía nhưng ngắn và to hơn mà khía cũng cạn hơn, là một vị thuốc trong thảo mộc. Đến khi chín cũng như trái mướp khía chín, da trái nó có màu vàng đất sậm hơn trái mướp khía. GIẢI Đọc lên đoạn nầy ta thấy tinh thần luận giả trong chỗ không lời cố ráng nói lên cho người nghe rằng: đỏ, trắng, xanh, vàng, đen, mặc dù là màu sắc của Tim, Phổi, Gan, Tỳ và Thận nhưng chớ nên mắc kẹt vào chữ và lời. Vì khí sắc của 5 sắc trong con người không phải như đỏ, trắng, xanh, vàng, đen mà mọi người thường thấy bên ngoài. Cho nên mới mượn lụa trắng mịn bọc 5 thứ vật chất của 5 màu, để hình dung khí sắc sống cho 5 tạng, hầu giúp cho đoạn trên được nhập thần. Đến đây ta mới thấy tinh thần của luận giả thật là chu đáo. ĐOẠN 6 PHIÊN ÂM Sắc vị đương ngũ tạng, bạch đương Phế tân, xích đương Tâm khổ, thanh đương Can toan, huỳnh đương Tỳ cam, hắc đương Thận hàm. Cố bạch đương bì, xích đương mạch, thanh đương cân, huỳnh đương nhục, hắc đương cốt. DỊCH Hệ thống sắc và vị ráp với 5 tạng: màu trắng với vị cay theo hệ thống của Phổi; màu đỏ, vị đắng theo hệ thống của Tim; màu xanh, vị chua theo hệ thống của Gan; màu vàng, vị ngọt theo hệ thống của Tỳ; màu đen, vị mặn theo hệ thống của Thận. Cho nên màu trắng thuộc về da, màu đỏ thuộc về mạch, màu xanh thuộc về gân, màu vàng thuộc về thịt, màu đen thuộc về xương. GIẢI Đây là một đoạn mắc liền với các đoạn trên tận đến đầu thiên, và dính liền với thiên thứ 9, thấu suốt đến thiên thứ 5, mà điểm chú trọng ở chỗ hệ thống hóa 5 hành từ: màu sắc khí vị của bên ngoài mắc liền vào hệ thống cơ thể mà vào sâu đến tạng phủ, hầu áp dụng sâu vào kỹ thuật; nếu không biết rõ thì không áp dụng được. Giờ đây ta thử sắp lại một cách khác là ta tức khắc thấy ngay. Hệ thống của 5 hành từ 5 tạng và xác thân bên trong ra đến sắc vị bên ngoài như sau: Tạng Phổi, da, màu trắng, vị cay. Tạng Tim, mạch, màu đỏ, vị đắng. Tạng Gan, gân, màu xanh, vị chua. Tạng Tỳ, thịt, màu vàng, vị ngọt. Tạng Thận, xương, màu đen, vị mặn. Thế là chỉ nhắc lại hệ thống của 5 hành, mà chúng ta đã thông qua từ trước chớ chẳng có gì lạ. Tuy nhiên nếu ta không thâm sâu suy tư, thì đây cũng chỉ là những chữ nói suông chẳng được chút bổ ích nào. Nếu ta đem ý thức này vào trong sự tương giao tiếp xúc với sắc vị hằng ngày, mà chứng nghiệm ngay ở nơi con người của mình, thì đoạn này vẫn là quý giá. Và là một đoạn để kết lại hết tất cả ý từ đoạn 1, 2, 3, 4, 5 vậy. BÌNH Nếu tôi là loại thầy thuốc tôn thờ trí óc, tôi không cần biết gì hết về cái thường cái sống, tôi chỉ cần biết làm thế nào để giải quyết ngay cái biến cái chết. Mà tôi đã không biết gì hết về cái sống cái thường của một con người đích thực, thì làm gì tôi biết được cái biến cái chết?! Tôi đã không biết gì hết về cái thường cái sống, cái đích thực là con người bình thường ở chính nơi tôi. Thế là tôi đã mang một bộ máy bất thường của tôi để khám phá hầu mong biết được cái bất thường cái chết của kẻ khác, thì cái biết cái giải quyết của tôi quyết định chẳng qua cũng chỉ là một thứ làm loạn không hơn không kém. Thế mới biết: muốn thấu suốt được cái biến, cái chết, cái không phải là một con người đích thực bình thường, thì ít nhất cũng phải biết được thế nào là thường, thế nào là sống. Mà muốn biết được thế nào là thường, thế nào là sống, thì chỉ có một cách duy nhất là phải tìm thấy cho được cái con người đích thực bình thường đích thực sống chính con người của mình trước đã, là một điều kiện quyết định muôn thuở không thể khác hơn. Nếu tôi là một thiếu phụ đã độ 2-3 con, chồng tôi chán cảnh con cái bận rộn gia đình giao phó mặc cho tôi làm sao thì làm, ông ta tha hồ đi đây đi đó. Lòng tôi bắt đầu cảm thấy trống trải, tinh thần tôi đâm ra thấy lạnh lẽo bơ vơ như lạc lõng vào chốn sa mạc ban đêm, cộng thêm vì tôi không hiểu tôi lại xấn bấn theo cái tủ lạnh mà uống nhiều nước lạnh quá. Lòng tôi lại càng thấy lạnh lẽo hơn, thế rồi tôi đâm ra thích ăn ớt chín. Có những hồi rỗi việc, tôi thấy tôi rất quyến luyến với lọ thuốc bôi móng tay màu đỏ, tôi bèn thử lấy bôi vào, trông qua thấy đẹp quá, tôi bôi nốt cả 10 ngón tay, 10 ngón chân. Thế là do Tim tôi thiếu nhiệt lực, mạch máu của tôi thiếu chu lưu, tinh thần của tôi thiếu ấm áp, nên phải đòi hỏi ớt chín và màu đỏ để tự cứu. Như thế há không phải màu đỏ thuộc về hệ thống của Tim sao?! Nếu tôi là một người chồng gia trưởng trong một gia đình, tánh tôi quá bạo tợn nóng nảy, tôi lại có bệnh ghiền rượu. Rồi một hôm bỗng dưng tôi đâm ra muốn ăn canh lá khổ qua và tôi ăn thấy ngon ngọt như người ta ăn những thức ăn ngọt. Thế là trong con người của tôi đã bị thừa nước chua, lại thêm tạng Tim vì quá bồng bột nóng nảy nên muốn to ra. Do vậy mà trong vô tình của bản năng thiên nhiên bảo vệ đòi hỏi vị đắng để lấy lại thế quân bình cho Tim. Như thế há không phải là vị đắng thuộc về hệ thống của Tim sao? Thế mới biết: từ sắc đến vị, tạng nào cũng có hệ thống nấy, chỉ có ta biết khám phá áp dụng hay không mà thôi. ĐOẠN 7 PHIÊN ÂM Chư mạch giả giai thuộc ư mục. Chư tủy giả giai thuộc ư não. Chư cân giả giai thuộc ư tiết. Chư huyết giả giai thuộc ư tâm. Chư khí giả giai thuộc ư phế. Thử tứ chi bát khê chi triêu tịch dã. DỊCH Hết thảy 12 kinh mạch đều thuộc(1) về mắt. Hết thảy các tủy đều thuộc về óc. Hết thảy các gân đều thuộc về khớp. Hết thảy các huyết đều thuộc về tạng Tim. Hết thảy các khí đều thuộc về tạng Phổi. Tất cả dinh vệ đều vận hành khắp châu thân (tứ chi bát khê(2)) suốt ngày đêm không bao giờ ngừng nghỉ. GIẢI Theo tinh thần NỘI KINH thì con người khi mới phôi thai 5 tạng có trước, xác thân có sau. 5 tạng là phần tạng của tạng phủ, óc là tạng của xác thân bên ngoài. Tinh hoa của 5 tạng được đưa lên kết đúc mà thành bộ óc. Đành rằng cuống mắt đều tóm và dính liền với phần óc nhỏ phía sau. Bộ óc nhỏ phía sau là vùng thuộc về thần kinh động tác, do đó mà con mắt là khiếu của Gan. Nhưng mí mắt trên thuộc Vị, mí mắt dưới thuộc Tỳ, mạch máu của khóe trong thuộc về Tim, khóe ngoài thuộc về Ruột non, bắp thịt ở khóe trong thuộc về Bọc Tim, màng mắt thuộc về Tam tiêu mà chỗ tóm là khóe ngoài, tròng trắng thuộc về Phổi và Ruột già, tròng đen thuộc về Gan với Mật, con ngươi thuộc về Thận với Bàng quang (xem hình vẽ). Hình 10-1: CÁC KINH MẠCH HỘI TỤ VỀ MẮT Nhờ thế mà khi con người có bệnh, con mắt là nơi giúp cho ta một phần lớn lao trong việc khám phá. Hơn nữa cặp mắt là cửa của tinh thần chiếu ra; cho nên trực tiếp thì mắt là tinh hoa của toàn bộ óc, gián tiếp mắt là tinh hoa của toàn cả cơ cấu tạng phủ châu thân. Chính vì nghĩa đó mới nói: “hết thảy 12 kinh mạch đều thuộc về mắt”. Phương chi mỗi khi tròng con mắt bị đè nặng vào, là nhịp đập của Tim chực muốn ngừng lại. Đây cũng là một bằng chứng cụ thể cho ta thấy nghĩa câu “hết thảy 12 kinh mạch đều chầu về mắt” vậy. Xương là thành phần bên ngoài của tạng Thận, tủy là tinh hoa của 5 tạng được tạng Thận tinh luyện mà đưa vào để bồi bổ cho xương. Tất cả những xương có lỗ bộng để đựng tủy, thì chỉ có bộng xương sọ là to nhất. Xương sọ là phần xương ở trên cao nhất trong con người, mà cũng là nơi chứa tủy nhiều nhất để ta gọi là óc. Óc là phần tủy được tinh luyện nhất, có đủ sức mạnh đi lên cao nhất. Khi con người trác táng nhiều quá, tạng Thận bị tổn thương trước, rồi kế đến tủy trong các xương, và cuối cùng sự tiêu hao ấy sẽ lấn lần về óc. Óc phải vận chuyển xuống các xương để cứu vãn thế quân bình tạm thời, nếu không thì sẽ bị lâm vào tình thế gián đoạn đến chết mất. Chính vì chỗ đó cho nên mới nói: “Hết thảy các tủy đều thuộc về óc”. Nói Mộc khắc Thổ. Nhưng sự thực bắp thịt nếu không được màng gân bao bọc thì thịt không thể thành bắp được, mà tác dụng của thịt cũng không thành. Hai đầu bắp thịt là nơi màng gân tóm lại để thành gân mà mắc vào 2 đầu xương, và đầu xương bên này với đầu xương bên kia mắc liền nhau cũng bằng gân, để cấu tạo thành một khớp xương linh hoạt. Nếu thiếu điều kiện gân thì cả xương lẫn thịt đều mất tác dụng. Chính vì thế mới nói: “hết thảy các gân đều thuộc về khớp”. Vòng tuần hoàn của máu xuất phát từ tạng Tim theo mạch và vọt ra đi khắp châu thân, rồi cũng phải trở về với Tim để thành vòng tuần hoàn luân lưu không hề ngừng nghỉ. Thiếu tạng Tim máu không thể chạy được. Vì thế nên mới nói: “hết thảy các huyết đều thuộc về tạng Tim”. Tất cả sự vận hành trong châu thân, động lực mạnh nhất, rõ rệt nhất, đặc biệt nhất không đâu hơn tạng Tim và tạng Phổi. Tạng Tim là cơ quan bơm máu tự động, tạng Phổi là cơ quan bơm hơi tự động. Như đã nói ở đoạn 1, nếu thiếu tạng Phổi thì tất cả cơ cấu thâu hút và bài tiết của hệ thống phần khí trong châu thân đều bị đình đốn không vận hóa được. Chính vì thế nên mới nói: “hết thảy các khí đều thuộc về tạng Phổi”. Tóm lại ý chính của đoạn nầy là tiếp tục với đoạn trên, mà ý thức cho ta thấy rõ hệ thống trong đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông đi vào cơ thể con người rõ rệt đâu ra đấy, để khi nhập cuộc vào tinh thần kỹ thuật không bị lạc tay lái. Và câu chót của đoạn nầy chỉ là một câu lưu thông để nói lên ý tóm lược về một con người sống, một con người linh động, để ý thức cho hậu học khỏi bị sa lầy vào cái nhìn con người như là một bộ máy vô tri vô giác, như hầu hết thầy thuốc ngày nay, mà cũng là để mắc liền với tinh thần đoạn sau. BÌNH Nếu tôi là một kẻ mắc kẹt vào cái Tôi lùn xủn tí teo ngắn ngủi của một kiếp người mà nhìn quả địa cầu nầy, thì địa cầu không khỏi chỉ là một vật chết tê không linh động. Nhưng giá tôi thử bước tránh ra ngoài vòng thái dương hệ và to lớn lên cho bằng như hư không, mà đứng im lìm quay nhìn vào địa cầu với suốt từ khi mới phôi thai đến giờ, thì tôi mới thấy đời sống của quả địa cầu thiệt là vô cùng linh động. Nếu tinh thần tôi là một khối hun đúc bằng cách nhìn một con người như là một bộ máy vô tri vô giác, mà mỗi một bộ phận chỉ là một thứ từ cục từ cục để riêng không quan hệ gì đến hệ thống tương quan nhân quả, cũng không cần chú trọng đến cái nhân, thì quyết định tôi phải nghĩ đến cách thay trái tim, đổi tròng mắt, và tử cung với bao tử không dính dấp gì nhau là lẽ dĩ nhiên. Với cặp mắt đó tôi đọc đoạn nầy của NỘI KINH, quyết định tôi phải bịt mũi phì cười mà cho là chuyện của đám trẻ con thơ dại. Ngược lại, nếu tôi biết trở về với tôi, tôi biết dừng lại ở giới hạn của giác quan, của trí óc tính toán và máy móc dụng cụ, là tôi thấy ngay không những ở con người của tôi, mà cả bầu bao la vô tận đều nằm tròn trong cái lẽ đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông của một mạch sống bắt nguồn từ linh không vô cực không bao giờ ngừng nghỉ. Rồi tôi đọc đoạn nầy, tôi mới thấy đây là một cách nói của một con người thật sống nói với người sống. Thế mới biết: nếu tôi mang cặp mắt chết mà nhìn sự vật, thì tất cả sự vật đều là khung cảnh chết. Nếu tôi có cặp mắt sống mà nhìn sự vật, thì mới thấy được tất cả sự vật đều sống đều tương quan. Do đó mà biết việc làm cho cặp mắt sống lại được, là một việc làm ưu tiên nhất, quyết định nhất. ĐOẠN 8 PHIÊN ÂM Cố nhân ngọa huyết quy ư Can. Can thọ huyết nhi năng thị, Túc thọ huyết nhi năng bộ, chưởng thọ huyết nhi năng ốc, chỉ thọ huyết nhi năng nhiếp. Ngoạ xuất nhi phong xuy chi, huyết ngưng ư phu giả vi tê, ngưng ư mạch giả vi lịch, ngưng ư túc giả vi khuyết. Thử tam giả, huyết hành nhi bất đắc phản kỳ không, cố vi tê khuyết dã. DỊCH Nên khi con người nằm ngủ thì huyết tụ về ở Gan. Gan nhờ có huyết mà con mắt có thể thấy, chân nhờ huyết mà có thể đi, bàn tay nhờ huyết mà có thể nắm, ngón tay nhờ huyết mà có thể cầm. Khi con người đang nằm ngủ bất thần trỗi dậy, nếu gặp luồng gió thổi đến, ở mặt da huyết bị ngưng đọng mà làm ra tê. Nếu huyết ngưng đọng ở mạch, thì làm cho khó lưu hành; ngưng đọng ở chân làm ra khuyết nghịch. Ba trường hợp ngưng đọng ấy, làm cho huyết đi ra mà không trở về được, sanh ra tê và khuyết nghịch vậy. GIẢI Đoạn nầy vẫn mắc liền với đoạn trên, mà ý chính là muốn nói: sự sanh hoạt của con người đối với khí dinh khí vệ vận hành bên trong của một con người sống cùng khí tiết bên ngoài rất có tương quan mật thiết. Nếu vô ý thức đánh mất sự tương ưng, thì thế quân bình bên trong sẽ đổ vỡ. Chữ “nên” ở đầu câu thứ nhất cũng như bao nhiêu chữ “cho nên” ở đầu những đoạn qua để làm thành thế chuyển tiếp. Vì cuối đoạn trên có nói “tất cả dinh vệ đều vận hành khắp châu thân suốt ngày đêm không bao giờ ngừng nghỉ”, nên ngoài ý chuyển tiếp chữ “nên” nầy còn có nghĩa để diễn tả tiếp một con người sống. Trong con mắt của người xưa nhìn con người như một cái ống, và cũng như bao nhiêu sinh vật khác, con người cũng phải chịu chung một luật ly tâm hướng tâm. Nếu tính theo như một cái ống, thì trong lòng bộ tiêu hóa là chính giữa lòng của cái ống. Nhưng nếu theo sự vận hành của 12 dòng năng lực trong kinh mạch, thì tạng Gan là đầu mối trong nhất mà cũng là nơi bắt đầu để đi ra ngoài. Sinh hoạt của con người ngoài thế thức ngủ, ngày đêm ra; còn có những lúc nghỉ ngơi, nằm dậy không theo sự vận chuyển của công lệ ngày đêm. Đã như là một cái ống cùng chịu chung một định luật ly tâm hướng tâm, mà nơi trong nhất của phần khí dinh (của ١٢ kinh mạch) lại là tạng Gan. Và cả khí dinh lẫn khí vệ đều lệ thuộc vào sự vận hành của ngày đêm sáng tối âm dương, lẽ cố nhiên khi con người nằm nghỉ hoặc đêm ngủ, tương tự như là một cái ống thuỷ bình để cân mặt bằng khi được để nằm theo mặt thuỷ bình, làm cho cả khí dinh lẫn khí vệ đều phải rút bớt ở phần mặt da để quy tụ về tạng Gan. Đây là một thế chung của trật tự tương quan biến hóa lưu thông trong đồng nhất, mà con người không thể khác hơn. Vì để diễn tả thế linh động đó, nên mới nói: “Khi con người nằm ngủ thì huyết tụ ở Gan”. Con mắt là khiếu của Gan, Gan thiếu huyết con mắt mờ. Cho nên mới nói: “Gan nhờ huyết mà con mắt có thể thấy”. Trong con người sống có 3 yếu tố quan hệ là: yếu tố khí, yếu tố huyết và yếu tố chơn nguyên. Yếu tố khí thuộc phần khí vệ, yếu tố huyết thuộc về phần khí dinh; hai phần nầy luôn luôn hoặc dời vào trong hoặc dời ra ngoài theo ngày đêm và thế sanh hoạt; còn yếu tố chơn nguyên là phần sinh lực nền tảng, lúc nào cũng chỉ một mực bình thường. Thí dụ trở về đêm mặc dù cả khí dinh lẫn khí vệ đều rút lui về bên trong, nhưng khí chơn nguyên bên ngoài vẫn giữ y nguyên như vậy; hoặc ngược lại khi trở về ban ngày cả khí dinh khí vệ đều hướng ra ngoài, mà khí chơn nguyên vẫn giữ y một mực ở bên trong. Do đó mà khí chơn nguyên trở nên quan trọng. Khi khí chơn nguyên bị suy giảm cộng với thế vận hành của khí dinh vệ ra vào, sẽ tạo thành một tình thế đảo lộn. Tuy nhiên nơi đây đang diễn tiếp về sự vận chuyển của khí dinh và khí vệ mà thôi. Thiếu khí dinh khí vệ, thì mạch sống trong con người không thể tương ưng kịp với đà linh động trong cõi thiên nhiên, cũng như trong sanh hoạt hàng ngày của con người. Bởi thế nên mới nói: “Chân nhờ huyết mà có thể đi, bàn tay nhờ huyết mà có thể nắm, ngón tay nhờ huyết mà có thể cầm”. Nếu huyết không tiếp dưỡng được đến tận tay chân thì liền sanh khuyết nghịch. Thế là huyết tùy theo sanh hoạt mà vận hành, mà sanh hoạtcũng phải bị lệ thuộc vào phần huyết. Như trên đã nói khi con người yên nghỉ khí dinh theo khí vệ đều tụ vào Gan, lẽ cố nhiên khi con người trỗi dậy trở lại sanh hoạt bình thường, thì cả khí dinh lẫn khí vệ cũng đều phải hướng về bên trên bên ngoài mà tan ra khắp châu thân để làm nhiệm vụ bảo vệ và tiếp dưỡng. - Chánh văn nói: “Khi con người đang nằm ngủ bất thần trỗi dậy, nếu gặp luồng gió thổi qua, ở mặt da huyết bị ngưng đọng mà làm ra tê”. Thế là trong chỗ không chữ ngoài lời, luận giả muốn nói từ khí dinh khí vệ ở Gan bắt đầu đi ra ngoài mặt da phải có một thời gian biện chứng. Nếu thiếu thời gian tính đó cộng thêm nếu có bị đổ mồ hôi rủi gặp luồng gió thổi đến, thì áp lực của luồng gió ấy sẽ lấn vào một vùng mặt da nào nó đã xâm phạm, để cho phần vi huyết quản ở mặt da bị ngưng đọng, tuần hoàn mặt da nơi ấy bị bế tắc làm ra chứng tê ở mặt da. Nghĩa là mắc một thứ bệnh có triệu chứng sờ vào mất cảm giác. Nếu thế tà khí tiến sâu hơn lấn đến phần mạch máu, thì sẽ làm cho sự tuần hoàn của máu trở nên đông rít khó lưu thông. Thế là mạch máu đã bị ngoại tà xâm chiếm. Nếu tà khí xâm lấn vào các kinh mạch ở hai chân, huyết ở hai chân bị ngưng đọng. Khí dinh vệ không chu lưu xuống đến chân được, lẽ cố nhiên hai chân bị các mạch vít lại, làm cho âm dương không chuyển tiếp được mà sanh khuyết nghịch. Cách thế xâm phạm vào con người của bệnh ngoại cảm, trong trường hợp nhiễm khí lạnh và nhiễm khí gió khác nhau. Vì khí lạnh là một thứ áp lực đè nặng chung cho khắp mặt da, còn khí gió là một thứ mũi nhọn từ bên ngoài xông vào một vùng nào đó trong cơ thể. Bởi vậy khí lạnh lấn vào cơ thể cũng chậm chạp hơn khí gió; do đó nên Thương Hàn luận của Trọng Cảnh đặt tên cho sự cảm nhiễm khí lạnh bằng danh từ “thương hàn”, còn cảm nhiễm khí gió thì gọi là “trúng phong”. Cho nên hoặc làm cho mặt da tê dại, hoặc làm cho mạch máu khó lưu thông, hoặc làm cho hai chân sanh khuyết nghịch, cũng chẳng qua là vì trúng gió làm cho vòng tuần hoàn đi ra mà không trở về được, cho nên mới xảy ra tê và khuyết nghịch như chánh văn đã nói. Thế là khí dinh phải tùy thuận theo khí vệ và sự sinh hoạt của con người mà vận chuyển chu lưu. Nếu trong vô tình sinh hoạt trái thường, không thuận theo cái đà biện chứng của thiên nhiên, thì sẽ dễ sanh ra bệnh tật. BÌNH Biết được cái thường cái sống, thì mới biết được cái biến cái chết. Đây là một định lý. Muốn giải quyết một sự việc gì, tất trước hết cần phải biết rõ sự việc ấy. Đây cũng là một định lý. Thông qua mạch chánh văn, rồi nhìn ra công tác tuyên truyền về khoa học cũng như y khoa theo phương tiện truyền thanh, truyền hình, chiếu bóng v. v. về sinh lý, về tuần hoàn, về hô hấp, về tiêu hóa trong con người ngày nay, tôi làm sao dám bảo rằng: Y khoa cũng như khoa học ngày nay không biết gì hết về máu huyết, về hơi thở, về tiêu hóa, về sinh lý của một con người sống thực và cũng không biết gì hết về bệnh tật chớ?! Nhưng ngược lại, trông về toàn diện cuộc sống của tầng lớp trí thức (như các nhà khoa học, các bác sĩ v.v.) ngày nay, lúc nào cũng quạt máy, phòng lạnh, lúc nào cũng nước đá, cũng vitamine, cộng thêm với nhan nhản trước mắt càng ngày càng không biết bao nhiêu người cận thị, không biết bao nhiêu kẻ sinh ra không ngồi được, không biết bao nhiêu bệnh ung thư đang hoành hành cũng như không biết bao nhiêu người trúng gió quạt máy mà chết, kể cả những trường hợp trong gia đình bác sĩ; lại thêm đến ngày giờ nầy mà y khoa ngày nay cũng chưa biết gì hết về bệnh ngoại cảm, các bệnh thuộc loại huyết chứng (như bị đánh, bị té, kinh kỳ, sinh sản v.v.), bệnh thoát tinh trong sinh lý, bệnh thịt dư mũi, thịt dư cổ họng v.v. thì tôi làm sao dám tin rằng: Y khoa cũng như khoa học ngày nay thật tình biết được một con người sống chớ? Có ai ngờ! Khúc ruột dư bị bệnh mà lại bảo dư ruột rồi phải đi mổ cắt bớt đi mới được?! Có ai ngờ! Bệnh áp huyết cao (động mạch biến cứng) mà lại bảo là máu dư, rồi đâm kim lấy bớt?! Có ai ngờ! Một em bé mới mấy tháng mắc phải chứng bệnh ngoài da. Bác sĩ ngoài chữa không được, giới thiệu vào một bệnh viện ở Sài Gòn. Một ông bác sĩ giao phó cho y tá phải rút lấy 3 lọ Péniciline máu, để ông ta thí nghiệm. Y tá đến thấy em bé nhỏ ốm, biết được nếu lấy đủ số máu ấy thì em bé chết liền, nên ông ta chỉ lấy mới có 1 lọ đã thấy em bé ngất xỉu, bèn báo cáo với bác sĩ. Bác sĩ đến không cần nghĩ phải quấy, đâm kim lấy đủ số máu mình dự định, em bé cũng theo đó mà chết, bác sĩ vẫn điềm nhiên không nao núng! Như thế trong vô hình trong bụng tôi làm sao không nổi lên cả tá câu hỏi thì thầm rằng: - Không biết có phải vì lẽ phóng vọt ra ngoài nhiều quá, rồi họ biết quá hóa ra ngu chăng? - Hay vì dục vọng quá cao mà con người trở nên u mê lú lẫn? - Phải chăng những vị bác sĩ ngày nay họ định thí con người để làm bàn đạp cho dấu chân vụng về của họ bước đi?! - Nếu đã không biết gì hết về một con người sống, thì sao lại gọi là bác sĩ? - Đã không biết gì hết về con người sống, thì làm sao biết được vũ trụ sống? - Đã không biết gì hết về sống, thì sao gọi là khoa học? Vậy ý nghĩa của hai chữ “khoa học” nằm đâu? - Phải chăng ngoài phương pháp trở về với chính con người của mình trước để thực chứng thực nghiệm, quyết định không có một đường hướng nào khác hơn được? ĐOẠN 9 PHIÊN ÂM Nhân hữu đại cốc thập nhị phần, tiểu khê tam bá ngũ thập tứ danh, thiểu thập nhị du, thử giai vệ khí chi sở lưu chỉ, tà khí chi sở khách dã, châm thạch duyên nhi khử chi. Chẩn bệnh chi thỉ, ngũ quyết vi kỷ, dục tri kỳ thỉ, tiên kiến kỳ mẫu, sở vị ngũ quyết giả ngũ mạch dã. DỊCH Toàn mặt da con người có tất cả 12 huyệt cái và 354 huyệt thường, cộng cả hai lại mới đủ ăn khớp với số chu kỳ của một năm. Chúng nó là những địa điểm để khí vệ ra vào, vì thế mà khi tà khí bên ngoài xâm phạm vào mặt da phải đụng đến những nơi ấy trước, phép châm phép thạch(3) cũng nhờ đó mà được thành lập để chữa bệnh. Cái học khám bệnh phải rõ thông 5 mạch(4) làm giềng mối, muốn biết được trước phải kiến lập hệ thống tương sanh của 5 hành trong 5 tạng. GIẢI Đại khái đoạn này là nối tiếp của ý mạch văn trên để lưu ý về khí vệ bên ngoài ra tận đến mặt da, bên trong sâu tận 5 tạng và ứng ra hiện tượng 5 mạch, để kiến thiết một nền tảng khám phá về bệnh tật. Chu kỳ của quả đất quyện theo mặt trời là 365 ngày có hơn (1 năm) kể như 366 ngày, mỗi một ngày địa cầu lăn đi một độ. Con người là quả địa cầu thu nhỏ lại, để ứng hợp với thời gian 1 năm thu ngắn lại thành ngày. Vòng chu kỳ của 12 kinh mạch vừa là vòng chu kỳ của 12 tháng, mà cũng vừa là vòng chu kỳ của 12 giờ (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, v.v..) Lịch trình chu kỳ của 12 kinh mạch suốt trong 12 giờ phải trải qua 366 khúc thời gian, mỗi khúc là 1 khớp, bề mặt là vòng chu kỳ từng khớp nối tiếp nhau, nhưng chiều sâu lại là những cái hố vô hình thở ra tận từ 5 tạng; do đó mà con người có 366 huyệt chính, nhưng vì có một khớp thiếu nên đại lược người ta chỉ kể có 365 huyệt chính mà thôi, vì lẽ vừa nói trên nên người ta cũng gọi là 365 khớp. Điều này rất có nhiều hậu học sai lầm tưởng rằng người xưa không hiểu gì hết về cơ thể con người, thật là đáng tiếc! Trong 366 huyệt, có 12 huyệt cái ở phía sau lưng kèm hai bên xương sống, người ta thường gọi là 12 huyệt Du (Phế du, Tâm du v.v.). 12 huyệt Du nầy thông đồng trực tiếp với tạng phủ gần nhất quan hệ nhất, cho nên gọi là 12 huyệt cái. Khí vệ đã là luồng khí dương vận chuyển theo thế vận hành của mặt trời suốt ngày đêm, thế là khí vệ là khí Thái dương trong thân người vận hành theo thế ly tâm hướng tâm. Vì có tác dụng bảo vệ nhiệt lực cho suốt trong ngoài, cho nên mới gọi là khí vệ. Về đêm nó thu vào tận cùng bên trong 5 tạng, ban ngày nó trở ra đến tận cùng mặt da. Cách vận hành của nó y hệt như cách vận hành của bầu khí quyện quả địa cầu. Nếu không may vì một lẽ gì nó bị suy giảm, mà áp lực ngoại tà của khí hậu bất thường xâm lấn vào, tức là gây thành loại bệnh mà người ta thường gọi chung là bệnh ngoại cảm. Loại bệnh ngoại cảm đi vào con người luôn luôn có một qui luật biện chứng, lần lượt rồi chúng ta sẽ thấy rõ vào đoạn tới cũng như liên tục với những thiên sau. Nhờ cách vận hành của khí vệ theo ngày đêm, với cách cấu tạo mặt da có những luồng năng lực điện tuyến của chu kỳ kinh mạch và những huyệt thông đồng vào tạng phủ. Nên cái học châm cứu có cơ sở vững vàng, có thực chất rõ rệt, có kỹ thuật siêu tuyệt để dù trải qua 5-6 ngàn năm mà đối với chính chúng ta bây giờ vẫn tinh khôi như mới hồi nãy. Trong con mắt của người thông đạt, con người không những là một con người đúng nghĩa của nó, mà còn là một phần hiện tượng trong cả một guồng máy hiện tượng vĩ đại cùng khắp bao la. Cho nên khi muốn điều chỉnh lại cái máy con người, ít nhất trên phải thông thiên văn, dưới phải đạt địa lý, giữa phải biết rõ về nhân sự, và bên trong phải thấu hiểu nhiều lắm về thế nào là con người bình thường của chính mình trước nhất, thì mới có thể giáp mặt được với con người mà mình muốn hiểu biết và điều chỉnh. Vì thế nên những điều kiện như vận khí, như luật tương sanh, tương khắc của 5 hành ráp vào 5 tạng, như ăn uống sinh hoạt, như hoàn cảnh xã hội v.v.; và cuối cùng còn phải biết rõ khi bình thường sinh lực của 5 tạng tùy theo niên vận mùa màng, mà chiếu vào 5 hiện tượng mạch của nó ra sao, để khi biến ta mới có đủ khả năng nhận chân được bộ mặt thật của nó. Do đó nên mới nói: “Cái học khám bệnh phải rõ thông 5 mạch làm giềng mối, muốn biết được trước phải kiến lập hệ thống tương sanh của 5 hành trong 5 tạng”. Thế là tinh thần của mấy câu vừa kể trên đều có quan hệ suốt tận đến thiên đầu; Nếu ta chỉ coi như là mấy câu rời rạc, thì không sao nhận ra được tầm quan trọng của nó. Điều nầy người đọc phải nên cẩn thận. BÌNH Có người hỏi: “Khắp châu thân con người chỉ có 366 huyệt để ăn khớp với vòng chu kỳ trong 1 năm”, vậy ngày nay người ta còn tìm thấy một số lớn bao nhiêu huyệt khác nữa thì sao? Đáp: Nếu tinh thần thiệt lưu thông thì không bao giờ hỏi câu hỏi ấy. Vì sao thế? Đã chẳng từng nói: con người không những là một hiện tượng thu hẹp cả bao la, mà cũng là quả địa cầu được thu nhỏ lại. Sở dĩ nói ٣٦٥ hay ٣٦٦, chẳng qua chỉ nói đại lược về phần ảnh hưởng gần nhất. Nhưng nếu mở ra thì bao la nầy vô tận, thân con người cũng vô tận. Vì thế nên nếu ai mắc kẹt vào bệnh hướng ngoại mà dong ruỗi theo phần hiện tượng, phần tướng để săn đuổi theo cái vô cùng tận, thì quyết định cũng đến chết mất mà thôi. Có người hỏi: mang cây thước hệ thống tương sanh tương khắc của 5 hành mà ráp vào tạng phủ, vào kinh mạch, vào mạch tượng, như thế là bởi con người chế ra hay sự thật vốn nó là như thế? Đáp: Nếu do con người chế ra, quyết định là một sự nói láo không đáng để cho ta lưu tâm. Nếu ai nghĩ như thế, tức là chưa hiểu gì hết về cái lẽ đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông trong cái vòm viên dung vô tận này vậy. ĐOẠN 10 PHIÊN ÂM Thị dĩ đầu thống điên tật, hạ hư thượng thiệt, quá tại Túc Thiếu âm Cự dương; thậm tắc nhập Thận. Tuận mông chiêu vưu, mục minh nhỉ lung, hạ thiệt thượng hư quá tại Túc Thiếu dương Khuyết âm; thậm tắc nhập Can. Phúc mãn điền trướng, chi cách khư hiếp, hạ khuyết thượng mạo, quá tại Túc Thái âm Dương minh. Khái thấu thượng khí, khuyết tại hung trung, quá tại Thủ Dương minh Thái âm. Tâm phiền đầu thống, bệnh tại cách trung, quá tại Thủ Cự dương Thiếu âm. DỊCH Cho nên trên đỉnh đầu nhức, dưới hư trên thiệt, là lỗi ở Túc Thiếu âm và Túc Thái dương; nếu nặng nữa thì lấn vào tạng Thận. Tròng mắt hoặc bị như liếc kéo xếch về bên trong hay bên ngoài, làm ra hiện tượng chóng mặt xoay bồ bồ hoặc con mắt mờ tai ù, dưới thiệt trên hư; đó là lỗi ở Túc Thiếu dương và Túc Khuyết âm; nếu nặng nữa thì vào Gan. Bụng đầy căng trướng đẩy chẽn vừng lên, hai bên hông sườn bung ra, bên dưới khuyết nghịch, bên trên choáng váng; đó là lỗi ở Túc Thái âm và Túc Dương minh. Ho hắng hơi đưa xốc lên, trong lồng ngực nghẹt vít lại, đó là lỗi ở Thủ Dương minh và Thủ Thái âm. Tim bức rức, đầu nhức, nghe khó chịu ở vùng chẽn vừng, đó là lỗi ở Thủ Thái dương và Thủ Thiếu âm. GIẢI Đây vẫn là tiếp tục với đoạn trên để vạch ra 5 hệ thống triệu chứng mắc liền với kinh mạch thông đồng với tạng phủ, để mở lối khám phá cho những trường hợp bất thường khi con người bị ngoại tà xâm lấn, hầu ăn khớp với vấn đề 5 mạch của đoạn trên, mà cũng là để mở lối đề xướng cho qui luật Thương Hàn luận của Trọng Cảnh đời sau. Bất cứ một thứ bệnh thời tiết ngoại cảm nào từ bên ngoài xâm lấn vào thân con người trừ ra trường hợp bên trong con người ấy vốn sẵn cái thế sụp đổ. Hết thảy đều phải theo 4 cách thức và 4 giai đoạn như sau: khởi đầu lấn vào phần da lông thuộc về phần khí, phần lạc; rồi kế đến mới có thể xâm phạm vào phần kinh mạch, phần huyết; nếu nặng nữa sẽ lấn lần vào tạng; nếu tạng còn đủ sức chống đỡ, thì tà khí sẽ chạy sang phủ mà qui tụ. Cách thức biến chuyển của nó qua từng lớp cơ thể, từng hệ thống kinh mạch, từng hiện tượng triệu chứng tương quan với tạng phủ nào đó; do vậy mà ta có thể theo dõi những hiện tượng triệu chứng, để biết rõ hệ thống của bệnh tật. Chữ “cho nên” ở đầu đoạn này vẫn là tác dụng chuyển tiếp. Bàng quang: là phủ của Thận thuộc về nguồn cội của Túc Thái dương. Thận là tạng của Bàng quang thuộc về nguồn cội của Túc Thiếu âm. Cả hai bên trong vốn thông đồng liên lạc nhau, rồi từ tạng phủ theo kinh mạch mà thông ra đến phần khí tận bên ngoài, như hình đã vẽ ở trang 145 của thiên thứ ba - quyển 1. Nếu phân về thành phần 5 tạng, thì mặt da là thành phần của Phổi; nếu phân theo hệ thống kinh lạc thì mặt da mỏng bên ngoài thuộc về hệ thống khí của Túc Thái dương. Mặt da bên ngoài là nơi giàu cảm giác nhất và có nhiều mạch máu trắng nhất. Thành phần kinh lạc của mặt da thuộc Túc Thái dương kinh Bàng quang đều chầu hết về phía sau lưng (hệ thống thần kinh phía sau) mà tụ về đỉnh đầu. Vì nó thuộc về Hàn Thuỷ, cho nên dính liền với tạng Thận. Vì gốc nó là Bàng quang, cho nên tác dụng gốc của nó là nước là lạnh. Vì phần Thủ Thái dương gốc của nó là ruột non, phần Thủ Thiếu âm gốc của nó là tạng Tim. Cả Thủ Túc Thái dương và Thủ Túc Thiếu âm hợp lại mới sanh tác dụng vi huyết quản ra tận đến mặt da để gặp với vi ti thần kinh mặt da; do đó mà tác dụng ngọn của Thái dương là khí dương. Vì Thái dương đã thuộc về Hàn Thuỷ gốc là Hàn mà ngọn là dương, cho nên thể của nó là nước. Vì thế mà tất cả các nước trong các lớp màng bao tạng phủ: màng sườn, màng ngoại thận, màng bụng, trong ống dây thần kinh, màng óc đều thuộc về thành phần của Thái dương và Thiếu âm. Thể nước này tùy theo tác dụng âm dương của mỗi nơi mà hoặc đậm hoặc loãng khác nhau, nhưng hết thảy đều quan hệ đến khí Thái dương. Thể nó đã là nước, là hàn, là chìm xuống mà khí của nó là hơi, là dương, là bốc lên. Do đó mà khi khí Thái dương bị mắc kẹt đình đốn ở một nơi nào, thì thể nước ở nơi đó sẽ bị biến thái và khí ở nơi đó cũng bị đổi thay, để sanh ra một thứ triệu chứng tùy theo chỗ mắc kẹt ấy là âm hay dương. Bởi vậy, khi bị ngoại cảm Thương hàn, mặt da bị bít lại làm cho sự bài tiết da đình đốn, thế nhiệt lực mặt da mất quân bình, khí dương bị dồn lui trở về trong, bên trong còn đủ sức chống trả, làm cho nó phải phản ứng ngược dòng theo hệ thống thần kinh mặt da phía sau lưng mà đổ dồn lên đỉnh đầu, gây thành triệu chứng nhức đầu trên đỉnh, để xảy ra hiện tượng trên thiệt dưới hư. Nếu sức đè ở ngoài của tà khí mạnh quá, gặp phải lúc sự bài tiết mồ hôi đang nhiều, thì số lượng mồ hôi ấy bị đẩy lui về màng óc, làm cho nước ở màng óc tăng lên và chứng nhức đầu trở nên kịch liệt. Do đó chánh văn mới nói: “Trên đỉnh đầu nhức, dưới hư trên thiệt, là lỗi ở Túc Thiếu âm và Túc Thái dương”. Đó là bệnh ở khí mà vào kinh. Nếu hệ thống tạng phủ ấy không đủ sức chống đỡ, lẽ tất nhiên bệnh sẽ theo kinh mà lấn vào tạng; cho nên nói: “Nếu nặng nữa thì sẽ truyền vào Thận” là nghĩa thế. Xác thân bên ngoài là phần dương, tạng phủ bên trong là phần âm. Nhưng bên trong tạng phủ cũng vẫn có hệ thống phân ra âm dương, thế thì xác thân cũng vậy. Thế là bên trong có 3 âm 3 dương của âm, bên ngoài có 3 âm 3 dương của dương. 3 âm 3 dương của âm có thủ túc, thì 3 âm 3 dương của dương cũng có phân thủ túc. Thế là 3 âm 3 dương, 6 thủ sáu túc của xác thân bên ngoài phải ứng hợp với 3 âm 3 dương 6 thủ 6 túc của tạng phủ bên trong. Theo thế 3 âm 3 dương cấu kết thân người, thì chỉ có 3 dương bên ngoài còn 3 âm lại khuất vào bên trong để ứng hợp với 3 dương. Do đó mà trọn hết phía sau lưng lên đến đỉnh đầu, vòng ra phía trước đến Nhơn trung (giữa môi trên) là thuộc phần Thái dương; suốt hết phía trước từ dưới lên trên trùm cả khuôn mặt là phần Dương minh; hai bên hông người từ chân lên đến màng tang để giáp đỉnh đầu là khu vực của Thiếu dương. Thế là con người là một trụ cột 4 cạnh mà phân thành 3 dương. Đây là nói về nghĩa chính nghĩa đặc biệt, chớ không phải những luồng điện tuyến năng lực của kinh mạch phần âm cùng những huyệt ấy không có hiện ra bên ngoài. Thủ Thiếu dương thuộc về Tam tiêu là phủ của Bọc Tim, Túc Thiếu dương thuộc về Mật là phủ của Gan, Thủ Khuyết âm thuộc về Bọc Tim là tạng của Tam tiêu, Túc Khuyết âm thuộc về Gan là tạng của Mật. Vì thế mà Thiếu dương gốc là Hỏa mà ngọn là dương, Khuyết âm gốc là phong mà ngọn là âm. Phần Thiếu dương đã gốc là Hỏa mà ngọn là dương, thành phần kinh mạch lại chiếm trọn phía hai bên hông người, bên trên dính liền với gân phía ngoài tròng mắt thuộc về hướng đuôi con mắt. Vì thế nên khi ngoại tà lấn vào phần khí Thiếu dương mà vào kinh, thế Hỏa bốc lên theo hệ thống Tam tiêu mà đổ dồn về hai bên màng tang lên khoé ngoài của hai mắt để chi phối thế quân bình khí hóa của tròng mắt và lỗ tai, làm cho triệu chứng ở mắt thấy chóng mặt quay bồ bồ, ở tai nghe tai ù và nhìn chung thấy có hiện tượng dưới thiệt trên hư. Chính vì thế, mà Thương Hàn luận Trọng Cảnh dùng 4 chữ “nhỉ lung mục huyền” để diễn tả cho triệu chứng chánh của Thiếu dương. Đại phàm đúng theo luật của hệ thống ngoại cảm, khi bệnh từ phần khí đi vào phần kinh, hễ phần dương thiệt thì phần âm phải hư, phần âm thiệt thì phần dương phải hư; và khi bệnh nặng hơn nữa thì cách thế truyền vào tạng, cũng như đã nói ở câu Túc Thiếu âm, Túc Thái dương trên. Chính vì chỗ đó nên chánh văn mới nói: “tròng mắt hoặc bị như liếc xéo về bên trong hay bên ngoài, làm ra hiện tượng chóng mặt xây bồ bồ hoặc con mắt mờ tai ù, đó là lỗi ở Túc Thiếu dương và Túc Khuyết âm, nếu nặng nữa thì vào Gan”. Phía trước con người đã là bề mặt của Dương minh, bụng là cái thùng chứa bộ tiêu hóa mà Tỳ Vị là cơ quan chính; thế là âm dương ứng nhau. Khi bệnh ở khí lấn vào kinh, hễ Dương minh thiệt thì Thái âm phải hư, Thái âm thiệt thì Dương minh phải hư. Khi Dương minh thiệt thì xảy ra cuồng loạn không ngủ; nếu Thái âm thiệt thì bụng căng trướng đầy dẫy đẩy dồn lên chẽn vừng, làm cho hai bên hông sườn bung ra, ở dưới vít lại, ở trên choáng váng tối tăm. Cho nên nói “bụng đầy căng trướng đẩy chẽn vừng lên, hai bên hông sườn bung ra, bên dưới khuyết nghịch, bên trên choáng váng, đó là lỗi ở Túc Thái âm và Túc Dương minh”. Thủ Dương minh thuộc về Đại trường là phủ của Phổi. Túc Dương minh thuộc về Vị là phủ của Tỳ, Thủ Thái âm thuộc về Phổi là tạng của Đại trường. Túc Thái âm thuộc về Tỳ là tạng của Vị. Thủ Dương minh thuộc về Táo kim, Túc Dương minh thuộc về Táo thổ; thế là Dương minh gốc nó là ráo mà ngọn là dương. Tạng Phổi thuộc về thanh kim, tạng Tỳ thuộc về thấp thổ; thế là Thái âm gốc nó thấp mà ngọn là âm. Vì là tạng phủ lẫn nhau, nên khi Phổi có bệnh là ảnh hưởng sang Đại trường, Đại trường có bệnh cũng ảnh hưởng sang Phổi. Triệu chứng ho hắng hơi đưa xốc lên là triệu chứng chánh về phần khí của hệ thống theo kinh Phổi và Đại trường. Cho nên nói: “ho hắng hơi đưa xốc lên, trong lồng ngực nghẹt vít lại, đó là lỗi ở Thủ Dương minh và Thủ Thái âm”. Vì Phổi là tạng da chủ về da lông, nên khi khí tà phạm vào mặt da thường làm cho hô hấp mặt da bị dội ngược trở lại Phổi mà tạo thành chứng ho hắng, lồng ngực bế tắc. Vì lẽ đó mà triệu chứng trên đây thường thông đồng với hệ thống triệu chứng Thái dương. Điều nầy ta chớ nên sơ hở. Lồng ngực là nơi chứa Phổi và Tim, Tim nằm dưới Phổi. Hai tạng này rất quan hệ trực tiếp với hơi thở. Ruột non là phủ của Tim thuộc về Thủ Thái dương, Tim là tạng của ruột non thuộc về Thủ Thiếu âm. Khi ngoại cảm tà khí xâm phạm vào mặt da mà lấn lần vào trong, có những trường hợp hệ thống vi ti huyết quản ở mặt da đồng thời với phần khí bị áp lực ngoại tà lấn dội ngược vào trong, làm cho một mặt có triệu chứng nhức đầu, một mặt lồng ngực bị ngột ngạt Tim bứt rứt. Đó là ngoại tà xâm phạm theo hệ thống Thủ Thái dương và Thủ Thiếu âm. Nên mới nói: “Tim bứt rứt, đầu nhức, nghe khó chịu ở vùng chẽn vừng, đó là lỗi ở Thủ Thái dương và Thủ Thiếu âm”. Thông qua 5 hệ thống triệu chứng trên, ta thấy tại sao 3 hệ thống sau không nhắc lại khi điều kiện bệnh nặng sẽ nhập vào tạng? Điều này không đáng gì để cho ta lấy làm lạ. Vì sao thế? Vì hai hệ thống đầu đã nêu rõ, ta có thể theo đó mà nhận biết đâu cần phải nhại lại cho thêm phiền. Thế là đây chẳng qua là mội phép lược giảng, nếu ta quá câu nệ ở chữ và lời thì lại càng thêm rắc rối. Cũng như ở thiên thứ 5 nói về nghĩa “thần”, cũng chỉ nêu lên ở hệ thống một hướng mà thôi. Trong đoạn này không dùng chữ “bệnh” mà dùng chữ “lỗi” quả là luận giả rất có dụng tâm, người đọc phải nên cẩn thận. Trong đây nêu lên năm hệ thống triệu chứng, là để ứng hợp với cái lẽ năm mạch với 5 hành của hệ thống toàn thiên. Nền tảng cả bộ luận Thương Hàn của Trọng Cảnh sau này đều từ NỘI KINH mà kiến thiết. Mặc dù luận Thương Hàn phân theo thế 3 âm 3 dương, nhưng đối với đoạn này về triệu chứng chính yếu đều hoàn toàn ăn khớp. Điều này nếu độc giả có lưu tâm tức khắc sẽ thấy rõ. Nếu ai đã thâm nhập vào sự thật trong con người và đã thấu hiểu tinh thần NỘI KINH, rồi tiến sâu vào định luật Thương Hàn, tất không còn lạ lùng gì với lý do tại sao Trương Trọng Cảnh lại ghép bệnh màng óc có nước cũng như màng Phổi, màng Tim, màng sườn, màng bụng, màng ngoại thận có nước vào trong luận Thương Hàn. BÌNH Một hệ thống khe rãnh, người ta đắp ngang ở hướng thấp, rồi khơi dòng cho thông để tát. Tại chỗ sòng tát, người càng tát nước càng tụ về, mà trên ngọn rãnh càng ngày càng vực cạn. Một người đắm say theo dâm dục quá độ, tinh lực càng bài tiết lại càng tụ về, mà các khớp xương, các tủy, cũng như trên Phổi tân dịch tinh lực càng ngày càng cạn kiệt. Một người bị bệnh nước tụ về ở màng bụng làm trướng lên. Nếu ta đâm ống vào rút nước ra, nước càng rút đi nó cũng càng tụ về, mà mạch nước toàn cả châu thân càng ngày càng cạn kiệt, và tay chân càng ngày càng teo nhỏ lại, bụng vẫn càng ngày càng trướng to. Đây là một định lý. Một bệnh u nhọt nổi lên, sưng to đau nhức chưa làm mủ, người ta có thể cho thuốc uống hoặc thuốc đắp, rồi lần lần tự nhiên nó tan đi, không đợi quyết định rằng: phải cắt bỏ đi nó mới tiêu được. Một bệnh thũng nước căng to, khi cho thuốc đúng cách nước tự nhiên giải tán rút đi hết, chớ không phải đợi đâm ống vào cho nước chảy ra nước mới rút được. Thế mới biết: hết thảy những bệnh tật ngưng tụ trong thân con người, hễ nó đến có cách biện chứng của nó tất nhiên khi nó rút giải tán đi cũng phải có cách biện chứng của nó, chỉ vì ta ta dốt nát chưa thâm hiểu nên tưởng rằng cái gì cũng đem máy móc vật chất mà áp dụng để giải quyết sẽ được mau chóng hơn, đến đỗi để lại không biết bao nhiêu là tai hoạ. Đây cũng là một định lý. Ngày nay người ta thường làm: Khi gặp bệnh màng óc căng nước, người ta dùng kim đâm vào khớp xương sống thắt lưng để rút bớt nước đi, rồi bắt bệnh nhân nằm đầu thấp hơn đít từ 3-4 tấc để đánh lạc hướng sự vận hành của hệ thống Thái dương. Người ta đang làm cái gì đó? Và người ta làm như thế là người ta hiểu thế nào? Một gia đình phụng thờ tủ lạnh, một cô bé bị thịt dư mũi, thịt dư cổ họng. Đem đến bác sĩ giải phẫu cắt đi, rồi bảo về luôn luôn ngậm nước đá và luôn luôn ăn thức ăn nguội để tủ lạnh. Rồi một hôm khí tiết thay đổi bị bệnh ngoại cảm, mồ hôi chuyển ra ngoài không được, ngưng tụ vào màng Phổi, mắc kẹt ở đó hóa thành nước thừa, làm nghẹt thở. Đem đến bác sĩ, bác sĩ đâm kim vào rút nước ra, rồi bơm thuốc vào gọi là chữa bệnh. Từ đó màng Phổi bị biến động. Phổi càng ngày càng suy yếu. Cô bé lớn lên với thân hình ròm rõi, mỗi khi trở trời, đưa đến bác sĩ gia đình chiếu điện rồi báo động là Phổi đã nám với bệnh lao và cho hàng tá thuốc trụ sinh Streptomycin, để con người ấy đến ngày nay cũng chỉ là một thứ nửa người. Người ta làm cái gì đó? Người ta hiểu thế nào?! Một bệnh màng bụng có nước, bụng căng to, vào nhà thương người ta bèn chích thuốc tê ở vùng hố hông bụng dưới bên phải, rồi khoét một lỗ đâm ống vào lấy nước ra, rồi từ đó người bệnh tay chân dần dần teo lại, nước ở bụng cứ giữ một mực trở lại đều đều. Làm theo cách nầy, trong 10 người bệnh tìm thấy một người sống sót thật rất khó khăn. Thế là người ta làm cái gì đó? Người ta hiểu thế nào? Một trường hợp vừa bị bệnh ngoại cảm vừa uống nhiều nước đá lạnh, hệ thống bài tiết mồ hôi bị mắc kẹt ở vùng màng bao Tim làm thành có nước. Vào nhà thương người ta cho kim vào để rút nước ra, sau nầy kết quả ra sao khoan bàn, chỉ hiện tại thấy người bệnh ngất xỉu suýt chết, nếu không may đụng đến tạng Tim là có thể chết liền. Thế là người ta hiểu thế nào? Người ta làm cái gì đó? Một người vốn có bệnh áp huyết cao, tánh tình nóng nảy hung tợn lại thêm uống rượu bê tha, một hôm ngồi phía sau một chiếc xe chở gạo của Hợp tác xã đang chầm chậm sắp qua ngã tư. Người ấy vịn bao gạo sau chót, bao gạo mất thăng bằng lăn rơi xuống đường, người ấy cũng rơi theo. Gạo nặng rơi trước nằm dưới, người ấy chúi đầu nghiêng theo chiều bả vai, trên đầu bị thương nhẹ, xương gánh gãy kín. Chở về nhà, nạn nhân bỗng dưng nổi lên cơn giựt, mỗi lần giựt là lưỡi thè răng cắn, con mắt kéo xếch về mang tai, đến 4-5 phút mới buông lơi, cứ độ nửa giờ, non giờ là giựt, giựt đến răng cắn lưỡi đứt đến 1/3. Đầu tiên đưa vào bệnh viện Grall, Grall không chữa được. Đưa vào Chung Cheng (Trung Chánh), các bác sĩ tụ tập rất đông cũng không biết là gì? Phải làm sao? Bệnh viện rước một bác sĩ người Nhật đến, khám xong Bác sĩ đoán: có lẽ đây là một trường hợp chảy máu bên trong xâm phạm đến thần kinh động tác v.v. Nếu nhà bệnh chịu, chỉ có cách giải phẫu để tìm máu chết lấy ra thì may sống, nếu không cũng sẽ không quá 10 ngày. Túng thế bệnh nhân được gia đình chở về, đưa đến một vị Trung y cho thuốc. Đại tiện ra rất nhiều máu chết, ba hôm hết giựt, 10 ngày sau người bệnh đi đứng bình thường và hiện giờ vẫn còn mạnh khoẻ (đây là chuyện xảy ra sau năm Mậu Thân). Thế là người ta hiểu thế nào? Người ta làm cái gì đó? Khoa học hiện nay có những hồi người ta nói: sự biến động của nhiệt lực mặt trời rất có quan hệ đến tinh thần của nhân loại. Hoặc khi luận đàm về thiên văn người ta nói: quả địa cầu nầy sở dĩ vạn vật sanh sôi là bởi hội đủ điều kiện khí hóa âm dương, do đó mà biết được trong không gian nầy sẽ còn nhiều thế giới khác v.v.. Về nguyên tử học của khoa học người ta bảo: vấn đề phân tích để tìm sự thật đối với ngày nay hết còn linh thiêng, vì sao thế? Vì trong cái cực nhỏ cũng vẫn là một thứ bao la. Rồi cũng trong phạm vi khoa học ở khía cạnh hóa học, dược học v.v. người ta đang say sưa đắm đuối trong công việc thí nghiệm và phân tích vật chất để tìm sự thật. Rồi cũng trong lúc đó, cũng thuộc lãnh vực khoa học ở khía cạnh y khoa người ta đang say sưa nhìn con người và làm những chuyện như đã kể trên. Vậy cái hiểu của người ta thế nào? Người ta đang làm gì đó? Người ta muốn cái gì? Người ta đang đứng đâu đó? Thế thì thế nào là nghĩa đích thực của hai chữ “khoa học”? Và khoa học chỉ là một thứ khoa học? Hay là có thứ khoa học văn minh khoa học? Có thứ khoa học lạc hậu khoa học? Có thứ khoa học phi khoa học phản khoa học? Hay là chỉ có y khoa và dược khoa là một thứ khoa học lạc hậu nhất? Nghi vấn nầy có ai lưu tâm không? ĐOẠN 11 PHIÊN ÂM Phù mạch chi đại tiểu họat sắc phù trầm khả dĩ chỉ biệt. Ngũ tạng chi tượng khả dĩ loại suy. Ngũ tạng tướng âm khả dĩ ý thức. Ngũ sắc vi chẩn khả dĩ mục sát. Năng hợp sắc mạch khả dĩ vạn toàn. Xích mạch chi chí giả, suyển nhi kiên, chẩn viết : hữu tích khí tại trung, thời hại ư thực, danh viết tâm tê, đắc chi ngoại tật, tư lự nhi tâm hư, cố tà tùng chi. Bạch mạch chi chí giả, suyển nhi phù, thượng hư hạ thiệt, kinh, hữu tích khí tại hung trung, suyễn nhi hư, danh viết Phế tê hàn nhiệt, đắc chi tuý nhi sử nội dã. Thanh mạch chi chí giả, trường nhi tả hữu đàn, hữu tích khí tại tâm hạ chi khư, danh viết can tê, đắc chi hàn thấp, dữ sán đồng pháp, yêu thống túc thanh đầu thống. Huỳnh mạch chi chí giả, đại nhi hư, hữu tích khí tại phúc trung, hữu khuyết khí, danh viết khuyết sán, nữ tử đồng pháp, đắc chi tật sử tứ chi hạn xuất đương phong. Hắc mạch chi chí giả, thượng kiên nhi đại, hữu tích khí tại tiểu phúc dữ âm, danh viết thận tê, đắc chi mộc dục thanh thủy nhi ngọa. DỊCH Vả chăng, về phần hiện tượng mạch hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc trơn hoặc rít, hoặc nổi hoặc chìm đều có thể dùng ngón tay mà theo dõi phân biệt. Khí tượng của 5 tạng đều có thể dùng cây thước của 5 hành để phân loại gẫm suy. Về tướng của 5 tạng cũng như về âm thanh cũng có thể dùng cây thước 5 hành để ý thức. Về 5 khí sắc tế nhị hiện ra ngoài của 5 tạng cũng có thể dùng mắt để quan sát. Nếu có thể hợp cả môn sắc mạch lại để khám phá, thì có thể vẹn toàn. Khi mạch xích(5) hiện thì vừa mau vừa cứng, thế là bên trong có chứa hơi, thường trở ngại cho sự ăn uống, gọi là chứng tâm tê(6). Nguyên nhân của bệnh này là vì bên trong quá tư lự làm cho tạng Tim hao, nương nơi đó mà tà khí bên ngoài lấn vào (nghĩa là vừa nội thương vừa ngoại cảm). Khi mạch bạch(5) hiện là vừa mau vừa nổi, trên hư dưới thiệt, tinh thần hoảng hốt, trong lồng ngực có chứa hơi, hơi thở suyễn và thiếu gọi là chứng Phế tê(6) hàn nhiệt, nguyên nhân của bệnh này là bởi say sưa rồi dâm dục. Khi mạch thanh(5) hiện thì huyền trường, ở vùng hai hông sườn và chẻn vừng có chứa hơi, gọi là chứng Can tê(6), nguyên nhân của bệnh này là nhiễm khí hàn thấp cùng với bệnh sán(7) đồng loại, thắt lưng đau, chân lạnh, đầu nhức. Khi mạch huỳnh(5) đến to mà hư, thế là trong bụng có chứa hơi có triệu chứng khí khuyết(8), gọi là chứng khuyết sán(7), bệnh nầy không phân nam nữ, nguyên nhân của nó là khi tay chân đổ mồ hôi nhiều quá gặp phải gió nhiễm vào. Khi mạch hắc(5) hiện thì ở trên cứng mà to, ở vùng dạ dưới có chứa hơi, gọi là chứng Thận tê(6), nguyên nhân của bệnh nầy là bởi trầm mình trong nước lạnh lâu quá hoặc nằm chỗ ướt át khí lạnh của nước nhiễm vào. GIẢI Đoạn nầy bao gồm cả tinh thần “sắc mạch” của toàn thiên trong cây thước âm dương 5 hành, để ý thức khái quái về môn khám phá con người, hầu dọn đường cho tất cả những thiên sau, mà gốc rễ của nó vẫn không rời tinh thần của bao nhiêu thiên trước. Hai chữ “vả chăng” là một tư thế để tỏ ra câu chuyện tạm ngừng giây lâu lại nói tiếp. Tất cả những cái có bên trong con người đều có tướng hiện ra bên ngoài; đây là một định lý. Vậy hiện bằng cách nào? Hoặc ứng hiện ở mạch, hoặc ứng hiện ở khí tượng, hoặc ứng hiện ở tướng, ở âm thanh, ở sắc diện v.v.. Con người là một sinh vật sống có nhiều khả năng nhất kể cả khả năng tốt, khả năng xấu, khả năng biến hóa và khả năng rắc rối. Cho nên tất cả những công cuộc khám phá, kể cả khám phá con người, không thể có một kẻ nào khác hay một thứ máy móc nào khác hơn con người mà có thể thay thế được. Do đó nếu chúng ta có một tay thước để áp dụng tất cả điều kiện ứng hiện nói trên, tức là ta đã kiến thiết một nền tảng khám phá khá vững chãi rồi đó. Đã là một sinh vật sống, giàu khả năng biến hóa, lại là cùng chung một guồng máy bao la. Thế tất những tướng ứng hiện ra bên ngoài chẳng qua cũng chỉ là những hiện tượng phải hoàn toàn lệ thuộc vào guồng máy chung của thiên nhiên mà biến hóa. Dùng một cái máy biến hóa vô cùng linh động để theo dõi một cái máy biến hóa, là một việc làm vô cùng hợp lý, tuyệt đối hợp lý. Chữ “sắc” với chữ “mạch” ở nơi đây giá trị tương đương với 4 chữ “vọng, văn, vấn, thiết” của những nơi khác. Muốn giải quyết một sự vật gì lẽ tất nhiên là trước phải biết rõ sự vật ấy. Muốn biết rõ không gì hơn khám phá. Nếu nền tảng khám phá không vững chãi thiếu linh động, thiếu chu tất, thì cuộc khám phá không thành. Nếu khám phá không thành thì không thể có vấn đề giải quyết, chỉ có vấn đề đập nhẹp để đó mà thôi. Chính vì thế nên mới có câu mở đầu của đoạn chánh văn nầy. Nói “khi mạch xích hiện v.v.” tức là muốn nói hệ thống “sắc mạch” của hành Hỏa thuộc về tạng Tim, khi biến động ứng vào mạch cổ tay, vào bộ Thốn bên trái bằng cách vừa mau vừa cứng, đó là hiện tượng mạch vừa nội thương vừa ngoại cảm. Nguyên do là bởi tư lự nhiều quá, làm cho tạng Tim và tạng Tỳ bị hao tổn, rồi tà khí bên ngoài mới có cơ xâm nhập, làm cho khí ở lồng ngực vùng Tim đình đốn không lưu thông và có triệu chứng không muốn ăn. Vì thế nên gọi là chứng Tâm tê. Thế là đây là một trường hợp bình thường vốn mắc phải bệnh Tâm Tỳ, rồi cộng thêm bệnh ngoại cảm. Nói “khi mạch bạch hiện v.v.” tức là muốn nói hệ thống “sắc mạch” của hành Kim thuộc về tạng Phổi, khi biến động ứng vào mạch cổ tay, vào bộ Thốn bên phải bằng cách vừa mau vừa nổi, trên hư dưới thiệt, tinh thần hoảng hốt, đó là hiện tượng mạch nội thương biến sanh triệu chứng nóng lạnh như là ngoại cảm. Nguyên do là bởi say sưa rồi dâm dục, làm cho hệ thống từ Thận lên Phổi bị tổn hao mà khí của tạng Phổi bị đình đốn, lồng ngực như bị bế tắc, hơi thở suyễn mệt, nên gọi là chứng Phế tê hàn nhiệt. Nói “mạch nổi” nghĩa là động mạch cổ tay sờ vào thấy nổi lên mặt da hơn bình thường. Nói “trên hư dưới thiệt” tức là càng đè xuống càng thấy rõ, càng nhớm tay lên càng thấy mờ. Tạng Phổi đã là cái nón úp lên tạng Tim, là cơ quan cung cấp khí dưỡng cho Tim, mà cũng là nguồn trên của Thận vì Kim sanh Thuỷ. Con người khi uống rượu vào, vì sức bốc nhẹ của rượu đưa xốc lên Tim nung gấp ra mặt da, làm cho phần lạc, phần vi ti huyết quản ở mặt da bị căng thiệt mà bên trong nội tạng phải thiếu. Trong khi đó người ta lại dâm dục, phần tinh lực bị bài tiết, phần khí phải hao tán đi, làm cho tạng Phổi tự nhiên một mặt phải gánh lấy hơi rượu thừa, một mặt sinh lực bị chùn lại đánh thốn trở về tạng Tim; do đó nên mới tạo thành tinh thần hoảng hốt, hơi thở mất thế nối tiếp mà sanh ra hư suyễn, mặt da mất thế quân bình mà sanh ra nóng lạnh. Thế là một trường hợp Phổi bị tổn thương do say sưa rồi dâm dục gây nên. Nói “khi mạch thanh hiện v.v.” tức là muốn nói hệ thống “sắc mạch” của hành Mộc thuộc về tạng Gan, khi biến động ứng vào mạch cổ tay, vào bộ Quan bên trái bằng cách huyền trường. Thế là vùng chẽn vừng hai bên hông sườn khí không lưu thông, thắt lưng đau, chân lạnh, đầu nhức. Nguyên do là bởi nhiễm phải khí hàn thấp cùng một tánh cách như bệnh sán, vì làm đình đốn trở ngại cho tạng khí của Gan, cho nên gọi là chứng Can tê. Mạch “huyền” nghĩa là mạch hiện dưới ngón tay như sợi dây đang đánh có hiện tượng bên trái bên phải xoắn nhau. Còn “trường” nghĩa là dài, tức là thấy cả ba bộ suốt nhau như một cái đũa. Và huyền mà trường còn có nghĩa khi đè xuống thấy ba bộ căng thẳng liền nhau, nhưng khi nhớm lên còn thấy có hiện tượng như đầu nhọn hình tam giác (r) nhô lên ở giữa đầu ngón tay. Nói “vùng chẽn vừng và hai bên hông sườn có chứa hơi” tức là để ám chỉ cho vùng địa phận của Gan. Nói “bởi nhiễm khí hàn thấp”, tức là khí hàn thấp xâm phạm vào làm cho tổ chức hệ thống của Gan biến động, mà Tây y ngày nay thường gọi là Gan yếu. Chứng nhức đầu ở đây thuộc về hệ thống Túc Khuyết âm. Còn nói chân lạnh tức là ý muốn nói hàn thấp luôn luôn nhiễm vào bên dưới trước. Chứng thắt lưng đau ở đây, tức là hệ thống của tạng Thận cũng bị bệnh lây. Thế là đây là một trường hợp vì nhiễm khí hàn thấp xâm phạm vào Gan và Thận mà sanh bệnh vậy. Nói “khi mạch huỳnh hiện v.v.” tức là muốn nói hệ thống “sắc mạch” của hành Thổ thuộc về tạng Tỳ, khi biến động ứng vào mạch cổ tay, vào bộ Quan bên phải bằng cách to mà hư v.v.. Nói mạch to mà hư, tức là hiện tượng biến của mạch hoãn của hiện tượng mạch lơi, thuộc về mạch của hành Thổ, đặt tay vào tuy thấy to nhưng đè lần vào thì lại thấy mềm lơi bở, nghĩa là ngược lại với huyền trường. Thế là ngôi chính của nó ở hữu Quan. Vì vùng bụng có chứa nhiều hơi, cho nên nói có khí khuyết. Nguyên nhân của trường hợp nầy là bởi khi tay chân đồ mồ hôi nhiều quá, rồi nhiễm phải gió, dù nam hay nữ kết quả cũng thế thôi; do đó nên mới nói: dù phụ nữ cũng vậy. Vì bụng bị căng hơi mà làm thành triệu chứng khuyết nghịch, triệu chứng sán; cho nên gọi là chứng khuyết sán. Đây là một trường hợp của hệ thống Tỳ Vị bị gió xâm nhập mà làm thành bệnh vậy. Nói “khi mạch hắc hiện v.v.” tức là muốn nói hệ thống “sắc mạch” của hàn thuỷ thuộc về tạng Thận, khi biến động ứng vào mạch cổ tay, vào hai bộ Xích bằng cách ở trên cứng mà to... Nói mạch trên cứng mà to, tức là mạch thiệt, đè tay vào thấy có hiện tượng kết cứng. Hai bộ Xích là để khám biết sự biến động từ rún trở xuống chân, khi thấy hiện tượng mạch nầy tức là ở dạ dưới vùng âm bộ khí không lưu thông. Sở dĩ có triệu chứng và mạch như thế, là bởi trầm mình trong nước lạnh lâu quá hoặc nằm chỗ lạnh ướt, khí hàn thủy xâm phạm vào hệ thống của tạng Thận; nên gọi là chứng Thận tê. Vì vùng dạ dưới và âm bộ thuộc về khu vực của Thận, cho nên ở đó hiện triệu chứng rõ rệt. Đây là trường hợp tạng Thận bị nhiễm khí hàn thuỷ mà sanh bệnh. Nhìn suốt đoạn nầy ta thấy mở đầu một câu bao quát cả sắc mạch thật là khít khao, nhưng trong đây vẫn đặt nặng vấn đề mạch mà phần khí sắc sống chết sẽ nói hết ở đoạn sau. Nói sắc mạch, rồi nói tê; tuy rằng có một hệ thống của tạng Tỳ không dùng chữ “tê”, nhưng sự thiệt bên trong vẫn ứng hợp với tinh thần của tận tự đầu thiên thứ tư và quan hệ đến mấy thiên sau trong vấn đề 8 thứ gió, 5 thứ tê. Chỗ nầy độc giả hãy lưu tâm đến chữ “tê” trong phần chú thích, đừng nên sơ hở, đừng hiểu chữ “tê” theo nghĩa thông thường, thì mới khỏi bị sai lạc. Nghĩa là tinh thần luận giả không bao giờ lìa tay thước Dịch lý âm dương 5 hành 8 hướng v.v. để mà lập luận, và để giải quyết cho vấn đề ngũ quyết ở đoạn thứ 9 vậy. ĐOẠN 12 PHIÊN ÂM Phàm tướng ngũ sắc chi kỳ mạch, diện huỳnh mục thanh, diện huỳnh mục xích, diện huỳnh mục bạch, diện huỳnh mục hắc, giai bất tử dã. Diện thanh mục xích, diện xích mục bạch, diện thanh mục hắc, diện hắc mục bạch, diện xích mục thanh, giai tử dã. DỊCH Đại phàm quan sát 5 sắc tướng khi có bệnh, hễ thấy sắc mặt vàng mà tròng mắt xanh hoặc đỏ hoặc trắng hoặc đen đều là khí sắc sống. Nếu thấy sắc mặt xanh đi đôi với tròng con mắt đỏ hoặc đen; hoặc sắc mặt đỏ, đen đi đôi với tròng con mắt trắng hoặc xanh là khí sắc chết. GIẢI Đoạn nầy nối tiếp với đoạn trên để dứt khoát phần lược luận về sắc mạch của cuối thiên, nhưng thiên trọng hẳn về phần khí sắc. Con người vốn là hồi tụ của bao la, mà cũng là tướng địa cầu thu hẹp lại. Địa cầu nầy sở dĩ được sanh sôi phồn thịnh, là do cách cấu tạo của không gian thời gian được đầy đủ âm dương 6 khí 5 hành, mà hành Thổ là do Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa âm dương giao hoà hiện ra. Màu vàng tuy là màu của Thổ, nhưng sự thật là màu pha trộn của xanh, đỏ, trắng, đen. Khí của hành Thổ tuy là khí ẩm thấp, nhưng sự thật là phong, hoả, táo, hàn giao nhau pha trộn mà ra. Bởi vậy nên trên địa lý, mặt đất nơi nào có nhiều mầu mỡ, thường là có màu mỡ gà, và giàu khí thấp thổ, mà khí hậu cũng thường ấm áp. Trái lại địa lý nơi nào khí Thổ nghèo nàn thì đất đai cằn cỗi, con người hốc hác. Thế là khí Thổ là khí sanh, chỗ nào không có mặt khí Thổ là không có sanh khí. Cũng chính vì thế mà những vùng ráo lạnh quá độ chỉ phù hợp với một số ít sinh vật to lớn, mà những con vật nhỏ không thể sống được. Ngược lại nếu khí Thổ lên đến ẩm thấp lầy lụa thái quá, thì lại là môi trường phồn thịnh cho những con vật li ti, mà con người cũng theo đó dễ sanh bệnh tật. Tuy nhiên dù sao chăng nữa khí Thổ vẫn là nền tảng của sinh cơ. Khí thế của hoàn cảnh bên ngoài như thế, lẽ tất nhiên vào trong con người cũng không thể khác hơn. Tạng Tỳ thuộc về thấp Thổ, Vị là táo Thổ, màu vàng thuộc về tạng Tỳ, Vị khí là mạch sống. Con mắt tuy là tinh hoa của bộ óc, nhưng phải mượn khuôn mặt làm nền tảng. Khuôn mặt vừa là cửa của tinh thần, lại cũng là trọn cả một con người. Do đó mà dùng khí sắc của khuôn mặt đem so sánh với khí sắc của tròng mắt. Phần con mắt sao thì sao, nhưng nếu nền tảng của khuôn mặt có lồng khí sắc của màu thổ, tức là thuận với cái thế nền tảng mà cũng là thuận với cái thế vị khí. Cho nên dù tròng con mắt xanh, đỏ, trắng hay đen cũng đều là khí sắc có thể sống. Ngược lại nền móng không vững, vị khí không có nên mới có hiện ra mặt hoặc xanh, đỏ hay đen, mà tròng mắt hoặc đỏ, trắng, đen, xanh nên biết là khí sắc có thể chết. Nhưng thử hỏi: về khí sắc sống, nền khuôn mặt màu vàng tại sao không có điều kiện tròng con mắt vàng? Về khí sắc chết tại sao khuôn mặt không có màu trắng và tròng con mắt cũng không có màu vàng? Nếu trọn hết đoạn nầy là trình bày một sự thực dĩ nhiên như thế, thì hai câu hỏi vừa được nêu ra để làm đầu đề để tìm học, tất nhiên là đầu đề chung để chúng ta cùng nhau nhận xét. Mời độc giả suy tư. BÌNH Trong nghệ thuật cạm bẫy, tôi chỉ thấy người ta thường dùng con voi để dụ con voi, con cò để gạt con cò, con quốc để gạt con quốc, chớ chưa hề thấy dùng con gà để nhử con cò, dùng con vịt để gạt con quốc bao giờ. Tôi cũng chỉ thấy người ta dùng con người để theo dõi con người, chứ chưa hề thấy dùng con chó, con trâu hay con gà để theo dõi một con người. Trong giai đoạn Hoa Nhật chiến tranh, tổ chức trinh thám Nhật sang Trung Hoa bắt cóc trẻ con mới nở mang về nước Nhật chăm sóc nuôi dưỡng; đến khi trưởng thành đánh lạc hướng tinh thần huyết thống, rồi huấn luyện trinh thám thật tinh vi, để thả về Trung Hoa làm việc trong tổ chức gián điệp. Tâm địa sâu độc ấy của người Nhật chẳng qua cũng chỉ là xây dựng trên nguyên tắc đồng loại mà thôi. Có một ngôi nhà hoang có nhiều ma quái, người ta truyền khẩu nhau rằng: trong nhà ấy có một hồ ly tinh ban đêm thường hiện ra phá rối, không ai dám ở. Có mấy người bạo dạn hiếu kỳ mang trà bánh, đêm đến nấu nước pha trà, ăn uống vui chơi ngâm thơ đàn địch. Hồ ly thấy vui thích quá, bèn hiện về xin nhập cùng bọn vui chơi. Trong đám có người nêu lên vấn đề sợ, để hỏi ý kiến chung xem mỗi người sợ thứ gì nhất. Kẻ nói sợ ma, người nói sợ quỷ, người nói sợ cọp, người nói sợ hồ ly. Khi hỏi đến hồ ly, thì hồ ly đáp: “Tôi chỉ sợ hồ ly”. Khách hỏi: “Vì sao thế?” Hồ ly bảo: “Chỉ có đồng loại mới biết rõ nhau, mới có sự tàn hại nhau sâu độc. Các ông có thấy không? Có bao giờ ai dùng con cò để nhử con quốc đâu! Do đó nên tôi chỉ sợ hồ ly”. Tất cả nghe thế đều hoan nghinh. Thế mới biết: chỉ có đồng loại mới hiểu nhau rõ. Đây là một định lý. Trên mặt đất nầy chỉ có con người là giàu khả năng nhất, rắc rối nhất và cũng chỉ có bộ máy người là tinh vi nhất, nhiệm mầu nhất, linh động nhất. Đây quyết định là một việc hiển nhiên. Thông qua các định lý, đọc đoạn chánh văn trên, nhìn về cuộc sống hiện tại. Chúng tôi không khỏi xảy ra một điều ngờ: đang trong một thế kỷ mà loài người tự cho là một giai đoạn lịch sử khoa học tiến bộ đến cực thịnh; về phương diện trinh thám gián điệp, người ta đang tìm cách áp dụng những thứ máy móc để theo dõi con người; về phương diện khoa học chỉ huy, người ta đang nghĩ áp dụng phương pháp dùng máy móc để chỉ huy con người; về phương diện y khoa, người ta cũng đang tận lực để áp dụng máy móc thay thế cho ông thầy thuốc. Ta hãy thử nghĩ trước đây 5-6 ngàn năm mà con người đã biết áp dụng phương pháp đồng loại, cũng như dùng một thứ máy móc linh thiêng để mà khám phá một thứ máy móc linh thiêng mà tất cả chúng ta ngày nay đa số trong vô tình tuy không nói ra lời, nhưng vẫn xem là một việc làm vô cùng lạc hậu. Thế mà hiện nay chúng ta đang áp dụng một phương pháp dùng những cái máy vô tri chết cứng, để mà khám phá một thứ máy linh thiêng. Thế thì chúng ta ngày nay là văn minh hay lạc hậu? Và người xưa là lạc hậu hay văn minh? Và thế nào là văn minh? Thế nào là lạc hậu? Thế nào là khoa học? Thế nào là không khoa học? Mời độc giả hãy trầm tư. Lời giải toàn thiên Tên thiên gọi là “Ngũ Tạng Sanh Thành”, nhưng kỳ thực là từ “Lục Tiết Tạng Tượng” mà mở màn đi vào kỹ thuật áp dụng của vọng văn vấn thiết, hay nói một cách khác hơn là mở lối khám phá cho môn sắc mạch, hầu dọn đường đi sâu vào kỹ thuật trị liệu của y khoa để chứng thực con người. Tổng kết toàn thiên tất cả có 12 đoạn: - Đoạn 1: là bắt hệ thống tạng phủ với phần xác thân bên ngoài theo 5 hành để ăn khớp với 5 vận tương sanh tương khắc. - Đoạn 2 - 3: 5 vị theo ăn uống rất cần cho sở thích của 5 tạng, nhưng thái quá thì lại xâm phạm vào luật tương khắc của 5 hành. - Đoạn 4 - 5: Hệ thống khí sắc theo 5 hành ứng vào con người, nếu tươi nhuận thì sống, khô héo thì chết. - Đoạn 6: Hệ thống hóa tạng phủ, xác thân, màu sắc, khí vị vào 5 hành. - Đoạn 7: Tương quan sở thuộc của mạch, tủy, gân, huyết, khí trong một con người sống. - Đoạn 8: Huyết khí dinh vệ tùy thuộc vào trật tự thiên nhiên và sanh hoạt của con người, do đó sanh hoạt cũng có thể làm xâm phạm vào luật trật tự mà gây tai hại. - Đoạn 9: Nền tảng của nghệ thuật châm cứu, là dựa vào sự thật toàn thân có những huyệt để cho phần khí vệ thở ra. Và nền tảng của phương pháp sắc mạch phải dựa vào định luật âm dương của 5 hành. - Đoạn 10: Hệ thống hóa triệu chứng bệnh ở kinh, nếu nặng sẽ vào tạng để kiến thiết cho nền tảng về môn bệnh ngoại cảm. - Đoạn 11: Sắp hệ thống sắc mạch vào khuôn thước 5 hành, để lập thành một môn khám phá con người. - Đoạn 12: Lập pháp so sánh khí sắc của nền mặt và của mắt để định sống chết. Nhìn vào thiên và đoạn, trên bề mặt ngôn ngữ văn tự vốn là thế; nhưng nếu ta nhập thần vào chiều sâu hun hút ở ngoài lời, ta mới thấy cả một tòa lâu đài 9 tầng 81 ngăn không những không thể tách rời mà nhìn được, mà lại còn dù trong một ngăn của một căn phòng cũng vẫn đủ cả bóng dáng của một tòa lâu đài 9 tầng nữa. Thế là dù cho thiên thứ mười nầy vốn là cái đuôi của thiên thứ 9, nhưng trong đó vẫn gói tròn cả một kho tàng dịch lý. Nếu chúng ta chịu khó thâm tâm tìm học, thì quyết định sẽ có ngày bất chợt thấy suốt cả toà lâu đài của NỘI KINH vậy. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là chứng thực Dịch lý ở nơi mình, giáp mặt với bao la trong thấu suốt. Lời bình toàn thiên Ví dụ: Tôi ngồi trên một con tàu đang vượt biển, vì có chút xích mích với một số hành khách trên tàu, bỗng dưng tôi nảy ra ý nghĩ lấy búa đập vỡ lườn tàu, để trả thù. Vậy mọi người nên xem tôi là khôn hay ngu? Nếu tôi không biết gì hết về chính con người của tôi, rồi một hôm tôi ngồi nhìn trời thấy lưng trời khum khum không biết trên đó Thượng đế chế tạo bằng chất gì. Nếu một mai có xảy ra biến cố trời sập, thì tai họa này lấy gì chống đỡ. Rồi bỗng dưng tôi hoảng hốt chạy kêu gào lối xóm ầm lên, hô hào mọi người hãy kẻ công người của góp vào để cùng tôi xây dựng một chiến dịch chống đỡ. Tất cả mọi người đều phớt tỉnh làm ngơ, tức quá tôi nghĩ bụng rằng: sao người ta lại dại khờ đến thế?! Thế là tôi khôn hay ngu? Chỉ là một thứ hiện tượng li ti xuất hiện sau khi một cuộc dậy men trên một quả bóng đang bay lơ lửng giữa một bầu không gian vô định. Thế mà đoàn người li ti ấy một mặt chẳng biết gì hết về chính con người của mình, chỉ nghĩ cách tàn hại lẫn nhau bằng những vũ khí có thể đập vỡ tan quả bóng. Vậy mà một mặt khác họ đang hô hào kêu gọi nhau để nhóm họp một đại hội nghị quốc tế, hầu lo liệu công cuộc chống đỡ lại cái thế già nua xuống dốc của quả bóng. Thái độ đó, hiểu biết đó của loài người chúng ta ngày nay là khôn hay ngu? Chẳng có ai ngờ, không mấy ai lưu tâm đến chính con người của mình trước. Thế mà có hơn 100 quốc gia hùng cường cấp tiến trên thế giới mới vừa rồi đã tổ chức một khoáng đại hội nghị suốt 12 ngày, hầu hoạch thảo một chiến lược chống đỡ sự già nua của địa cầu, để lo sinh tồn cho nhân loại. Dự chi 5 năm đầu mỗi năm hằng 40 triệu Mỹ kim; thế mà vấn đề phá hoại địa cầu, vấn đề đói rách vẫn được đá hất qua một bên, và còn được coi đó là một thái độ giải quyết vấn đề chậm tiến. Ôi ! Họ hiểu cái gì? Họ đang lo cho ai? Họ khôn đến cỡ nào? (Rút trong “chuyện mỗi ngày” của Bút thần thứ bảy ngày 10 tháng 6 năm 1972) THIÊN THỨ 10 - HẾT - Dư ngọt thiếu đắng Thẳng mực tàu đau lòng gỗ Nếu suốt thời gian qua, tôi là người chỉ ưa ngọt và béo; thì ngay bây giờ trong người tôi đang thiếu đắng và cay. Nếu cả đời tôi chỉ ưa thích quyền thế, xu phụ, bợ đỡ, che đậy, quanh co, nịnh hót, xảo trá; thế thì ngay bây giờ tôi đang rất thiếu, rất cần lời ngay lẽ thật. Nếu tôi không dám chấp nhận như thế, tức là trong bụng tôi đang chất chứa đầy nhóc những thứ ma quỉ gian tà im ẩn, thì làm sao tôi đọc được NỘI KINH. C.N. Thiên 11 NGŨ TẠNG BIỆT LUẬN Định nghĩa tên thiên “Biệt” là phân biệt, là tách rời ra, là để riêng. “Ngũ Tạng Biệt Luận” nghĩa là một thiên luận phân biệt riêng từng bộ phần trong con người mà căn cứ ở nơi 5 tạng. GIỚI THIỆU MỞ ĐẦU Nếu đã thông qua toàn thiên, thì sẽ thấy mặc dù tên thiên là “Ngũ Tạng Biệt Luận”.Nhưng sự thật bên trong thì một mặt nhằm giúp nhà Vua đính chánh sự sai lầm của nhóm luyện cho sống lâu, một mặt làm cho minh bạch hệ thống tác dụng tạng phủ, và tiếp theo đó để trả lời cho nhà Vua về lý do quan trọng của mạch cổ tay và cuối cùng, tuy kết thúc vào nghệ thuật chữa bệnh, nhưng sự thật là để cho mọi người chú trọng đến vấn đề tâm linh, hầu giải quyết vấn đề cuộc sống cho được thỏa đáng. Ngài có nghĩ muốn tìm xem phương diện chánh yếu của cuộc sống nằm ở đâu không? Ngài có muốn biết thiên chức của một người lương y phải thế nào không? Nếu có, xin mời ngài hãy đọc tiếp thiên này. ĐOẠN 1 PHIÊN ÂM Huỳnh Đế vấn viết: Dư văn phương sĩ hoặc dĩ nảo tủy vi tạng, hoặc dĩ trường vị vi tạng, hoặc dĩ vi phủ, cảm vấn cánh tương phản, giai tự vi thị, bất tri kỳ đạo, nguyện văn kỳ thuyết? Kỳ Bá đối viết: Não, tủy, cốt, mạch, đởm, nữ tử bào thử lục giả, địa khí chi sở sanh dã, giai tàng ư âm, nhi tượng ư địa, cố tàng nhi bất tả, danh viết kỳ hằng chi phủ. Phù! Vị, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang, thử ngũ giả, thiên khí chi sở sanh dã, kỳ khí tượng thiên, cố tả nhi bất tàng, thử thọ ngũ tạng trược khí, danh viết truyền hóa chi phủ, thử bất năng cửu lưu thâu tả giả dã. Phách môn diệc vi ngũ tạng sử, thủy cốc bất đắc cửu tàng. DỊCH Huỳnh Đế hỏi: Trẫm nghe những kẻ chuyên tu luyện cho được sống lâu, có người nói Óc Tủy là tạng, có người cho Trường Vị là tạng, có người bảo là phủ, chẳng hay vì sao mà mâu thuẫn như thế mà ai cũng tự cho rằng mình là phải, mong được nghe cho rõ? Kỳ Bá thưa: Óc, tủy, xương, mạch, mật và tử cung, sáu bộ phận này thuộc về khí đất sanh ra, cho nên đều chứa ở âm mà tượng ở đất, nên có tác dụng chứa chớ không bài tiết, đây gọi là phủ kỳ hằng(1). Vả chăng! Còn Vị, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang, năm bộ phận này đều do khí trời sanh ra, khí của nó tượng cho trời, nên chuyên bài tiết chớ không chứa giữ. Đây là những nơi thâu nhận khí trược(2) của 5 tạng, nên gọi là phủ truyền hóa(3). Ở những nơi này không thể chứa lâu, chỉ có đưa đẩy và bài tiết mà thôi. Phách môn(4) cũng là dụng cụ chung cho 5 tạng, tất cả thức ăn uống đến đây cũng không được chứa lâu. GIẢI Ý chính của đoạn này luận giả nương nơi nhà Vua hỏi, để minh định rõ ràng nghĩa của chữ “tạng”, chữ “phủ” và giá trị cũng như công năng của tạng phủ khác nhau. Văn tự Trung Hoa vốn là một thứ văn tự trực giác, ví dù vốn có từ nguyên, có từ điển nhưng có khi chỉ một chữ mà tùy theo mỗi trường hợp có một ý nghĩa, một tác dụng khác nhau; do đó mà có khi không thể bằng vào tự điển để hiểu được. Lại thêm trên biển học giả, người ta còn chia ra nhiều trường phái, để mỗi trường phái chế ra một cách nói khác nhau. Do đó mà chữ “tạng”, chữ “phủ” cũng bị trở nên khó hiểu như nhà Vua đã nêu ra. Phương chi(1) trong lãnh vực tu luyện cho được sống lâu, cũng như trong lãnh vực Y khoa đều có chia ra hai phái, lập thành hai hệ thống lập luận khác nhau: một phái chuyên trọng về hệ thống tạng Thận thì bảo hễ Thận mạnh là toàn thân mạnh, do đó họ mới cho rằng óc tủy là tạng; nói như thế cũng như nói hễ óc và tủy được đầy đủ là tạng Thận mạnh, là được sống lâu; nhóm này người ta thường gọi là nhóm thiên tiên. Còn nhóm thứ hai thì lại cho rằng hễ bộ tiêu hóa mạnh thì tạng nào cũng mạnh, cho nên họ chủ trương làm đủ cách để tăng cường và giữ vững bộ tiêu hóa về thuốc cũng như về luyện, người ta thường gọi nhóm này là nhóm địa tiên; vì chủ trương như thế, nên họ gọi Trường vị là tạng để ngược lại với nhóm trên. Đó là động cơ của câu hỏi. Trong đoạn này, chữ “âm”, chữ “địa” có giá trị cũng như nghĩa nặng, thu vào, chứa giữ và sâu kín; còn chữ “dương” và chữ “thiên” có giá trị của nghĩa nhẹ, tung ra, bài tiết, cạn, ở ngoài. Trong 5 tạng còn có tạng quan trọng chánh yếu và quan trọng thứ yếu; do đó mà phần phủ, phần xác thân bên ngoài cũng phải có những nơi rất quan trọng và những nơi kém quan trọng. 6 bộ phận luận giả nêu ra, cốt là để chứng minh cho thấy tuy là rất quan trọng, không phải như những phủ truyền hóa, nhưng chưa phải là những nơi chánh yếu như 5 tạng, và để nói lên lý do tại sao. Nghĩa chứa giữ và nghĩa bài tiết ở đây cũng chỉ cần nhìn trên phương diện tương đối mà thôi, độc giả đừng hiểu theo nghĩa cực đoan, chỉ có giá trị so sánh lẫn nhau mà nói. Vì sự chứa giữ, thu vào, sâu kín đều hoàn toàn lệ thuộc vào luật hướng tâm của quả đất và còn mang hiện tượng vật chất có tồn tại theo thời gian nữa. Do đó mà luận giả mới nói: “Sáu bộ phận kể trên là do khí đất sanh ra đều chứa ở âm, tượng ở đất, có tác dụng chứa, không có tác dụng bài tiết, nên gọi là phủ kỳ hằng”. Nói rằng: “Do khí trời sanh ra, khí của nó tượng trời” tức là ý muốn nói hoàn toàn lệ thuộc vào luật ly tâm của quả đất mà dính với bầu khí quyển bên ngoài. Cả năm phủ truyền hóa (như có nhiều lần chúng tôi đã đề cập) đều phải nương nhờ nơi bộ hô hấp để làm động cơ cho vừa thu hút chất dinh dưỡng đưa vào 5 tạng, mà cũng vừa là nhận lãnh khí thán trược từ 5 tạng đổ dồn về để bài tiết ra ngoài; bởi vậy hơi thở ra của con người rất nhiều khí thán là thế. Do đó nên luận giả mới nói “Vị, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang là những bộ phận do khí trời sanh ra, thuộc về tượng trời, nên tác dụng của nó chỉ thâu nhận khí thán trược từ 5 tạng và bài tiết, vì không thể chứa lâu, nên gọi là phủ truyền hóa”. Khúc ruột cùn vì không có ngấn, xuống đến đấy lại là đi thẳng, cho nên người ta thường gọi là khúc ruột ngay. Đã ngay và đứng, không có ngấn, ở dưới chót, mà lại còn là một bộ phận hứng lấy tất cả chất xác, chất thừa từ tất cả tạng phủ đổ dồn về để chờ dịp mở cửa mà đưa ra ngoài, lẽ tất nhiên cũng phải thuận theo cái đà trật tự của tạng phủ. Bởi vậy nếu nhìn kỹ một chút, ta sẽ thấy phân theo đại tiện đi ra ngoài từ dưới lên trên có nhiều giai đoạn, nhiều hiện tượng khác nhau. Chính vì chỗ đó mà trong công cuộc khám phá bệnh tật, phải nên lưu tâm đến việc khám nghiệm đại tiện và chất phân. Vì thế nên mới nói “Phách môn cũng là dụng cụ của 5 tạng, chất xác thừa đến đây không thể chứa lâu”. Suốt đoạn này dù minh định rõ ràng như đã trình bày, nhưng với nghĩa âm dương trời đất mà luận giả đã dựa vào để phân định lý do của nghĩa phủ truyền hóa và phủ kỳ hằng thì theo chúng tôi, chắc chắn độc giả sẽ không khỏi rất lấy làm bỡ ngỡ. Nhưng nếu người đọc thật rất chín chắn về nghĩa con người vừa là bao la hồi tụ, lại cũng vừa là một bóng dáng thu nhỏ của quả địa cầu, nhớ kỹ lại vấn đề trong dương cũng có cả âm dương, trong âm cũng có cả âm dương, và cái nồi tuần hoàn tận tự thiên thứ năm, thì vấn đề sẽ trở nên tỏ sáng khỏi cần phải giải thích dài dòng. BÌNH Những nhân vật chuyên luyện tập để cho mình được sống hoài, mỗi người có một luận điệu trái với sự thật khác nhau. Nhưng ai ai cũng tôn thờ bộ kinh Huỳnh Đình Nội Cảnh, mà nguồn gốc của Huỳnh Đình Nội Cảnh lại là do một bàn tay nào đó rút ra từ kho tàng NỘI KINH. Và trong đó, Huỳnh Đế lại đưa ra một vấn đề thắc mắc, đây là một chuyện ngược đời. Toàn cả bộ NỘI KINH không hề thấy chỗ nào bảo cho ta phải tham sống sợ chết, để dạy cho ta một phương pháp tu luyện trái ngược với trật tự thiên nhiên. Và cốt tủy của tinh thần Lão Trang cũng đều từ NỘI KINH xuất phát, hai nhân vật ấy cũng chưa từng dạy ai một phương pháp tham sống sợ chết nào. Thế mà có lắm kẻ lại cho kho tàng NỘI KINH là một tài liệu để dạy con người tu luyện cho được sống lâu, và cho bọn tham sống sợ chết bằng kiểu đó là đồ đệ của Lão Trang. Cho nên họ ghép hai nhân vật Lão, Trang vào phái tiên gia, đây là một chuyện ngược đời. Đa số tín đồ Phật giáo đều xem thường số người gọi là tu tiên (luyện cho sống lâu), vì họ cho rằng: số người ấy hoàn toàn lầm lạc không hiểu gì hết về tâm; trái lại số người ấy lại rất lưu tâm từng chút đến vấn đề cơ thể sanh hoạt cũng như ăn uống hàng ngày, mà toàn cả hệ thống Phật giáo thế giới ngày nay vẫn chưa có một chút nào vững vàng trên tay thước; đây là một chuyện ngược đời. Ngược lại, các nhà chuyên tu luyện cho được sống lâu thường chê tín đồ nhà Phật chỉ biết tu tánh chớ không biết tu mạng. Thế mà trong đó, họ chưa hề nhận ra được thế nào là chánh nhân; ngược lại, tín đồ nhà Phật một mặt tuy không biết gì hết về vấn đề cơ thể sanh hoạt và ăn uống, mặt khác lại luôn luôn đề cập đến vấn đề chánh nhân. Đây cũng là một chuyện ngược đời. Hết thảy tổ thầy thuốc đều tôn thờ kính nể tinh thần NỘI KINH; thế mà có một số người mệnh danh là Đông y ngày nay lại cho rằng: tinh thần NỘI KINH không quan hệ gì mấy đến Y khoa ngày nay cả. Đây cũng là một chuyện ngược đời. Hệ thống văn minh Trung Hoa bắt nguồn bằng một dòng suối được mệnh danh là Dịch học tận tự Phục Hy, Thần Nông và bủa khắp ra mọi ngành từ Huỳnh Đế về sau. Thế mà có những nhân vật thiệt là Trung Hoa như Phùng Hữu Lan chẳng hạn, được mệnh danh là chuyên gia về cổ triết học Trung Hoa lại không biết gì hết về tinh thần NỘI KINH. Đây cũng là một chuyện ngược đời. Trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, một nhóm tôn giáo mới cũng có ý nghĩ rằng: nếu con người tủy óc được đầy đủ sung túc luôn luôn, thì sẽ được sống lâu không già. Do đó mà người ta tìm cách lấy tủy xương sống chế thành thuốc huyết thanh để chích cho được trường sanh. Thế rồi họ tìm được một người trai trẻ có một tinh thần cũng như một tướng tá hao hao giống như ông giáo chủ của họ, họ nuôi dưỡng anh ta, cho ở chung với vị giáo chủ đến một mức thật sung túc, để rồi họ lấy tủy xương sống làm thuốc trường sinh tiêm cho vị giáo chủ ấy được sống lâu thêm. Sau khi được tiêm thứ thuốc tủy xương sống, vị giáo chủ ấy liền bị bệnh máu lên mà chết. Đây cũng là một chuyện ngược đời. Tất cả những chuyện ngược đời như đã nói trên đều là những việc hiển nhiên nhưng do đâu mà có, mời độc giả trầm tư! ĐOẠN 2 PHIÊN ÂM Sở vị ngũ tạng giả, tàng tinh khí nhi bất tả dã, cố mãn nhi bất năng thiệt. Phủ giả, truyền hóa vật nhi bất tàng, cố thiệt nhi bất năng mãn dã. Sở dĩ nhiên giả, thủy cốc nhập khẩu, tắc vị thiệt nhi trường hư. Thực hạ tắc trường thiệt nhi vị hư. Cố viết: Thiệt nhi bất mãn, mãn nhi bất thiệt dã. DỊCH Cái gọi là 5 tạng đây, nghĩa là năm bộ phận chánh để chứa giữ khí tinh hoa chớ không bài tiết. Cho nên tuy đầy mà không thể có dư. Còn phủ nghĩa là có tác dụng truyền đưa và biến hóa các vật chất thâu nhận từ bên ngoài, chớ không có tác dụng chứa giữ. Cho nên hình như có dư mà không thể đầy. Vì sao thế? Vì khi thức ăn uống vào miệng đi vào Vị, thì Vị đầy mà ruột còn trống. Khi thức ăn xuống ruột thì ruột đầy mà Vị trống. Cho nên mới nói: hình như dư mà không đầy và đầy mà không dư, là nghĩa thế. GIẢI Đây chỉ là một đoạn chuyên nói về tác dụng sinh lý chính yếu của 5 tạng và năm phủ truyền hóa, để rõ nghĩa so sánh với sáu phủ kỳ hằng. Trong bao la này đại phàm hễ là tướng, là hiện tượng, thì không có vật nào là vật đóng cứng đặc kẹo chết tê một chỗ, dù là ngọc quí, hột xoàn hay cả quả địa cầu này cũng thế. Vì thế nên nghĩa chứa giữ và bài tiết của tạng và phủ nói đây cũng chẳng qua là nhìn trên bình diện tương đối mà thôi. Thí dụ như địa cầu đang quay vùn vụt mà ta đang ngồi trên thuyền buồm lướt gió, lẽ tất nhiên phải nói thuyền đi mà đất ở một chỗ. Ta đừng nên hiểu một cách chết cứng trên ngôn từ, rồi sẽ lạc hướng mất ý nghĩa chính. Nói “khí tinh hoa” ở đây không phải là chỉ riêng cho một chất gì, mà là một danh từ để chỉ cho tất cả khí và chất của hệ thống âm dương 5 hành vào trong cơ thể con người được tinh luyện thu nhỏ lại, tùy theo khả năng của mỗi tạng mà phân phối chứa giữ. Nói “đầy mà không có dư”, nói “không bài tiết” ở đây có nghĩa ngoài lời là những chất tinh hoa chứa giữ đều đã được tinh luyện, chỉ để dành chi tiêu vào những cơ cấu nào có điều kiện quan trọng cần thiết, không phải như những xác thừa chỉ cần vung vãi ra ngoài. Cho nên dù có thu vào nhiều đến đâu cũng không thể có dư, chớ không có nghĩa là không dùng. Trong công nghệ cũng như trên thương trường, những kho hàng hóa được tinh luyện bao giờ cũng quan trọng, cẩn thận, kín đáo hơn là những kho chứa nguyên liệu. Tạng và phủ trong con người cũng tương tự; vì thế nên đụng vào tạng là cả một sự nguy hiểm, nhưng đụng vào phủ thì lại không quan hệ mấy. Trong năm phủ truyền hóa, Vị là bộ phận nằm trên hết được tiếp xúc với thức ăn uống trước nhất, mà lại là thuộc về hệ thống nguồn gốc của Túc Dương minh, thuộc về Táo Thổ, khí của nó vượng vào buổi xế chiều. Còn phần Tiểu trường và Đại trường đã là bộ phận nối tiếp với Vị, thức ăn uống phải qua Vị trước. Phần Đại trường lại là nguồn gốc của hệ thống Thủ Dương minh, thuộc về Táo Kim, giờ khí vượng của nó thuộc về buổi sớm mai (đó là nói theo sự vận chuyển của khí vệ). Sanh hoạt của con người suốt một đêm yên nghỉ không có ăn uống, phần đông sáng ra lại còn đi đại tiện sớm làm cho cả Vị và Trường đều xếp ve. Buổi mai lại là buổi khí đêm còn thừa, khi con người bắt đầu ăn sáng thì Vị được nhận thức ăn trước, và nửa thân trên được tiếp nhận sự tiếp tế nhiều hơn, còn dưới ruột vẫn còn trống trơn; dần dần về trưa chiều thì dưới ruột mới đầy và đầy lần lên đến Vị; đến xế chiều là giờ khí dương (Táo Thổ) ngoài cõi thiên nhiên cực thịnh, mà cũng là lúc khí ở Túc Dương minh cực vượng; rồi lần về đêm khí dương trong con người lại lần hồi thu hết vào trong. Những lý do, những điều kiện vừa kể trên làm cho sinh lý ở bộ tiêu hóa: ở Vị thì sợ nóng, ở Đại trường thì sợ lạnh và hễ Vị đầy thì Trường trống, Trường đầy thì Vị trống. Do đó mà hết thảy chúng ta nếu những ai còn ăn, còn sống, còn nói, còn làm là đều phải nên lưu ý đến bộ tiêu hóa. BÌNH Thiên nhiên là tôi, tôi là thiên nhiên. Bao la là tôi, tôi là bao la. Thiên nhiên bao la vốn đồng nhất, tôi cũng vốn đồng nhất. Thiên nhiên vốn tương quan, tôi cũng vốn tương quan. Thiên nhiên vốn trật tự, tôi cũng vốn trật tự. Thiên nhiên vốn biến hóa, tôi đây cũng vốn biến hóa. Thiên nhiên vốn lưu thông, tôi đây cũng vốn lưu thông. Thiên nhiên vốn luôn luôn mới, con người của tôi cũng vốn luôn luôn mới. Thiên nhiên bao la chưa hề mở miệng bảo rằng: ta đây mới phải là thiên nhiên bao la, còn ngươi không phải. Và thiên nhiên bao la cũng chưa hề tỏ ra một thái độ nào để ngăn cản, cho tâm hồn tôi mất tự do. Thế mà bỗng dưng tôi lại nảy ra ý nghĩ: kia là thiên nhiên, kia là bao la, kia là ngoại vật; đây là tôi. Cả hai không dính dấp gì nhau. Để rồi nổi lên không biết bao nhiêu là ý nghĩ dục vọng đê hèn, cô lập, ngăn rào, cắt xén, phá hoại, chinh phục, phân chia, tàn hại; lại còn mệnh danh là văn minh, là tiến bộ. Để đến khi đục nước cùng đường rồi tôi mới hay rằng làm như thế chỉ là để tàn hại cho tự tôi mà thôi. Thật là tôi không dè tôi ngu hết bậc, mà mua lấy một bài học đắt giá quá chừng. Người xưa vốn biết thế, nên họ tự quay về với họ, để họ là thiên nhiên, họ là bao la. Họ vốn sẵn là đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông; nhờ thế mà họ ăn uống không cầu kỳ, mà họ vẫn thấy ngon, thấy khoẻ; họ ăn mặc không xa hoa, mà vẫn thấy vui, thấy thích; họ ở không đòi hỏi huy hoàng tráng lệ, mà vẫn thấy ấm áp đầy đủ tình thương; trong không bị phiền não, dục vọng, lo sợ chất chứa nó dày xéo tâm hồn; ngoài không bị bao nhiêu là luật lệ giáo điều khuôn khổ tập quán xã hội trói buộc. Tâm hồn họ tuyệt đối tự do, mãi mãi cùng với bao la bất diệt. Quả thật là một việc làm khôn ngoan hết bậc. Vậy mà họ còn đi xa hơn nữa, họ biết bắt chước từ cái lẽ đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông của cõi thiên nhiên, đến cái lẽ đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông của cõi tâm hồn. Và cả cái đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông của cơ thể sinh lý chính trong con người của họ. Để họ còn rút tỉa những tinh hoa mẹo mực hầu giúp cho con cháu họ sau này áp dụng vào trong cuộc sống xã hội, để khỏi bề vi phạm vào cái lẽ đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông của cõi thiên nhiên mà nảy sanh đau khổ thì lại càng là một việc làm tột bậc khôn ngoan hơn nữa. Thế mà hầu hết chúng ta ngày nay hình như chưa biết gì hết về điều này. Trời ơi! Chúng ta phải nghĩ sao đây?! ĐOẠN 3 PHIÊN ÂM Đế viết: Khí khẩu hà dĩ độc vi ngũ tạng chủ? Kỳ Bá viết: Vị giả thủy cốc chi hải, lục phủ chi đại nguyên dã. Ngũ vị nhập khẩu tàng ư Vị, dĩ dưỡng ngũ tạng khí. Khí khẩu diệc Thái Âm dã. Thị dĩ ngũ tạng lục phủ chi khí vị, giai xuất ư Vị, biến hiện ư khí khẩu. Cố ngũ khí nhập Tỷ tàng ư Tâm Phế, Tâm Phế hữu bệnh nhi Tỷ vi chi bất lợi dã. DỊCH Huỳnh Đế hỏi: Hai mạch Thủ Thái âm ở cổ tay vì sao lại là động mạch chủ cho cả 5 tạng? Kỳ Bá thưa: Vị là biển chứa thức ăn uống, là nguồn chánh của sáu phủ. Khi thức ăn uống cho vào miệng liền xuống chứa ở Vị, để rồi rút tỉa khí chất tinh hoa đem tiếp dưỡng cho khí của 5 tạng. Hai động mạch ở hai xương lớn cánh tay dưới cũng thuộc về mạch Thái âm. Cho nên sự tiếp dưỡng cho cả 5 tạng sáu phủ đều nhờ ở Vị mà biến hiện ra ở động mạch cổ tay. Cho nên khi năm khí vào mũi chứa ở Tim Phổi, Tim Phổi có bệnh thì mũi sẽ không thông. GIẢI Đây là một đoạn nương nơi câu hỏi của nhà Vua, mà luận giả vạch trần tầm quan trọng của hô hấp và tiêu hóa, để hiển rõ tác dụng tiên thiên hậu thiên và giá trị đặc biệt của động mạch cổ tay mà hết thảy Y khoa đều phải để ý. Lắng nghe cho kỹ câu hỏi của nhà Vua, ta sẽ thấy trước khi mở miệng hỏi, nhà Vua đã nhận thấy được toàn cả chuyển động hoặc thô hoặc tế, hoặc thường hoặc biến của toàn thân đều hiện rõ hình bóng trên hai động mạch cổ tay rồi. Hay ít nhất cũng được nghe nhiều lần trình bày rằng: động mạch cổ tay là mạch chủ cả 5 tạng. Chỉ vì nhà Vua không thấu suốt đến lý do của nó, nên mới đặt thành câu hỏi. Nói “Vị là biển chứa thức ăn uống” cũng được, hay nói “Vị là ngôi chợ trời cho tất cả tạng phủ toàn thân” cũng xong. Nếu chưa biết được điều này thì kể như là chưa biết gì hết về Vị, mặc dầu con mắt có thể nhìn thấy đến những cái hố cực kỳ li ti bên trong của Vị. Có Tiểu trường, Đại trường, Bàng quang, Tam tiêu v.v. là cũng tại có Vị. Nếu không có Vị thì tất cả các phủ cũng đều bằng thừa, thế là cả một trường thất nghiệp đình công. Lẽ dĩ nhiên Vị phải là nguồn chánh của sáu phủ. Có thể cũng có người nghĩ rằng: giả tỉ như không cần dùng đến Vị nữa, người ta có thể cho chất bổ từ hậu môn vào để nuôi dưỡng tạng phủ thì sao? Thưa: Thế là một cuộc chủ trương lấy hậu môn làm cái miệng, lấy cái đít làm cái đầu, mang cái biến dùng vào cái thường rồi vậy. Cũng có thể có người hỏi: ngày nay có những người có phép luyện không cần đến ăn, có thể chỉ uống nước không hằng tháng này qua tháng khác thì sao? – Thưa: Đây cũng là một thứ lấy cái quái gở mà làm cái chánh, tìm vào cái biến để làm cái thường. Ai thích thì cứ làm theo, điều đó chúng tôi không đề cập đến. Nguồn gốc của Thủ Dương minh là Đại trường, Túc Dương minh là Vị. Nguồn gốc của Thủ Thái âm là tạng Phổi, Túc Thái âm là tạng Tỳ. Khí hóa của tạng Tỳ là một mặt dính liền với Vị, một mặt nối tiếp với Tiểu trường để mắc liền với cái xây của Thái xung hầu đưa thẳng lên nối liền với khí hóa của tạng Phổi. Tất cả các chất tinh hoa rút ra từ bộ tiêu hóa không thể trực tiếp đưa vào các tạng để vận chuyển đi khắp châu thân, mà phải nương nhờ nơi tạng Tỳ làm trung gian. Và động cơ thở hút khắp cả toàn thân đều phải nương nhờ nơi sự hô hấp của Phổi; nếu bộ hô hấp đình đốn thì động cơ thở hút toàn thân tức thì tê liệt (nên xem lại kỹ ở thiên thứ 10). Tạng Phổi là tạng nằm trên hết, thuộc về hành Kim, về âm thanh, về rung chuyển, về tuyên truyền. Cả động mạch và tĩnh mạch hai bên xương gánh đều mắc liền vào Phổi. Trên bộ óc, khu vực thuộc về hô hấp có hệ thống thần kinh đi thẳng xuống Phổi, rồi Vị, và xuống thấu đến Đại trường (tức là hệ thống thần kinh Phế Vị). Và bên ngoài có nhánh rẽ theo hai bên động mạch xương gánh đi từ hệ thống dương ở phía sau lưng mà xuống cánh tay trên, theo phía trong cánh tay đi thẳng ra theo động mạch xương lớn cánh tay dưới, để cấu tạo thành một năng lực chi phối của Phổi đối với động mạch này, làm thành một dòng năng lực điện tuyến của kinh mạch Thủ Thái âm vậy. Khi ta ăn uống vào, chất bổ dưỡng xuống đến ruột non, phần đậm đục biến ra màu sữa rồi phải nương nhờ động cơ hô hấp, theo hệ thống tuần hoàn máu trắng qua trung gian tạng Tỳ, theo mạch Thái Xung đưa thẳng lên tĩnh mạch xương gánh cho vào tuần hoàn máu đỏ ở phần máu đen, rồi đưa sang Phổi biến đỏ mà trở về Tim để phân phát ra khắp động mạch châu thân. Mỗi một chặng đường đều có một tác dụng và cứ luân lưu như thế mãi không hề ngừng nghỉ. Sự lưu thông ấy luôn luôn hiện rõ ở động mạch cổ tay, vì thế nếu có xảy ra đình đốn ta cũng có thể căn cứ vào đó mà thấy rõ ngay. Và cũng vì thế mà động mạch cổ tay trở nên là yếu điểm để quan sát mọi sự biến động mất quân bình trong toàn thân, lại cũng là nơi để cân nhắc nặng nhẹ cho độ lượng áp dụng thuốc. Đây là lý do để hai động mạch ở hai cổ tay là mạch chủ cho cả 5 tạng, nhưng đây chỉ mới là phần sinh lý trong thân. Người xưa còn gọi động mạch Thủ Thái âm này là nơi mạch đại hội, để lập thuyết cho việc khám mạch cổ tay được vững chãi. Vậy thử hỏi: nghĩa đại hội là thế nào? Đã biết bao lần nói về con người vốn vừa là viên quang hồi tụ tận tự bao la, lại cũng vừa là tướng địa cầu thu nhỏ lại, tất cả đều cùng chung trong một định luật đồng nhất tương quan trật tự biến hóa lưu thông không thể khác hơn được. Tất cả những gì thuộc về có tướng đều là hiện tượng, đều là có sự rung chuyển biến động đổi dời, dù là tướng của ý niệm. Địa cầu vừa quay tít vừa lăn đi đuổi quyện theo mặt trời, chịu sự chi phối của mặt trăng. Bầu khí quyển luôn luôn vận chuyển theo thế ly tâm từ trung tâm địa cầu lên đến thượng tầng khí quyển, để rồi trở xuống theo thế hướng tâm mà vào lòng đất. Do định luật này làm cho tất cả những gì rung động từ mặt đất đều phải tung ra và đi lên tận cùng bầu khí quyển, rồi mới trở xuống mà rút vào giữa rún địa cầu. Bởi thế nên nếu một hòn núi dưới chân có một ngôi chùa, trên đỉnh có một ngôi chùa; thì khi chùa ở chân núi đánh chuông là trên đỉnh núi nghe hết, ngược lại nếu chùa trên đỉnh núi đánh chuông dưới chân núi chẳng nghe thấy gì. Đây là một bằng chứng cụ thể để cho ta thấy tất cả rung động đều đi lên trước xuống sau, ra ngoài trước vào trong sau. Chính vì thế mà kỹ thuật vô tuyến truyền thanh mới có cơ sở thành lập. Đã là một sinh vật sống trên mặt đất, con người đâu thể khác hơn. Phổi đã là tạng da bộng xốp thuộc Kim, bổn phận là âm thanh và tuyên truyền, lại nằm trên hết, luồng điện tuyến năng lực lại là động mạch cổ tay. Toàn thân con người là một khối rung động rất có trật tự ngăn nắp từ dưới lên trên, đúng theo lượn sóng rung chuyển ly tâm hướng tâm của bầu khí quyển địa cầu. Trung bình cứ 270 cái hít vào thở ra của hô hấp là một vòng chu kỳ nhỏ của cả tuần hoàn và hơi thở. Suốt ngày đêm, phải 50 chu kỳ nhỏ thành một vòng chu kỳ lớn trong con người, đến sáng hôm sau lại trở lại mối đầu. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là mỗi một chu kỳ nhỏ, 1 phần 50 của máu đỏ trong con người được thay đổi, và phải thay đổi đến 50 lượt thì tất cả máu trong toàn thân mới được thay đổi hết. Và từ sáng đến chiều cả khí huyết đều vận chuyển ra bên ngoài xác thân nhiều hơn, từ chiều đến sáng đều vận chuyển vào bên trong tạng phủ nhiều hơn. Phổi đã là bầu khí quyển của nội tạng, là ống khói của tạng phủ bên trong. Giờ của nó vào buổi sáng sớm là lúc không khí giàu dưỡng khí nhất, lúc đó là lúc mà con người chỉ mới chuẩn bị bắt đầu vào cõi động, ngoài trời đất màn đêm chưa kéo đi hết, sức đè nặng của khí đêm còn thừa, mặt trời chỉ mới hé nắng. Tất cả những điều kiện kể trên để cho Thủ Thái âm trở nên là nơi dinh vệ gặp nhau, là đầu mối chung cho cả khí dinh lẫn khí vệ. Then máy nhiệm mầu đã hé mở, nếu độc giả có suy tư, đến đây tất nhiên vấn đề lý do động mạch cổ tay trở nên vô cùng quan trọng trong y học Đông phương sẽ không còn là lạ lùng bỡ ngỡ nữa. Nói “năm khí vào mũi v.v.”, tức là trong chỗ không lời luận giả muốn bảo rằng: đừng tưởng không khí chỉ là không khí mà Xuân - Hạ - Trường hạ (cuối thu) - Thu - Đông, sanh - trưởng - hóa - thâu - tàng, Mộc - Hỏa - Thổ - Kim - Thuỷ, Đông - Nam - Trung ương - Tây - Bắc, ấm - nóng - ẩm - ráo - lạnh, hôi - khét - thơm - tanh - thúi, đều tùy mỗi lúc mà có sự khác nhau. Nói “năm khí vào mũi chứa ở Tim Phổi”, tức là trong chỗ không lời luận giả muốn nói một cách đối nghịch lại với “5 vị vào miệng chứa ở Trường vị”. Nói như thế là để cho ta thấy tạng Phổi và tạng Tim nằm trên chẽn vừng là hai bộ phận quan hệ trực tiếp với những thành phần không khí bên ngoài; mỗi khi thành phần không khí bên ngoài thay đổi một cách quá đột ngột, quá chênh lệch đều làm cho Tim và Phổi dễ sanh biến động ngay. Đặc biệt nhất là khi tạng Tim có bệnh, thì sự phản ứng với không khí bên ngoài lại càng nhạy hơn. Nói ‘‘khi Tim Phổi có bệnh thì mũi sẽ không thông”, tức là trong chỗ ngoài lời luận giả đã nói rõ cho ta biết rằng: khi Trường vị có bệnh thì cổ họng cũng sẽ không thông. Nếu ta thông minh có nhiệt tâm khám phá, có tinh thần thông đạt là tức khắc ta thấy ngay có lẽ hầu hết Y khoa ngày nay vị tất đã biết rõ những bệnh của mũi và cổ họng. Thế mới biết: trong chỗ không lời luận giả đã mật truyền cho ta một tâm pháp để chữa trị bệnh mũi và bệnh cổ họng rồi đó. BÌNH Hơn 35 năm trước đây, không biết do một dòng suối hiểu biết nào mà tôi dám ngang nhiên hãnh diện rằng: tôi đã biết rõ cơ thể con người hơn người xưa, và luôn luôn lúc nào cũng có một mặc cảm rằng cổ nhân chỉ là một thứ cổ quái. Giờ đây, đọc đoạn này tôi mới cảm thấy xấu hổ ghê, và thấy mình ngu hơn con bò, dại hơn những đứa con nít. Thật rất không ngờ! HÌNH 11 – 1: LUẬT RUNG ĐỘNG CỦA ÂM THANH Hình vẽ trên cho ta thấy hai ngôi chùa. Một ở chân núi, một ở đỉnh núi. Khi dưới chân núi đánh chuông trên đỉnh nghe rõ. Nhưng nếu trên đỉnh núi đánh chuông ở dưới không nghe. Do đó ta biết sự rung động luôn luôn lên trước, xuống sau. Ra ngoài trước, vô trong sau. Sau đệ nhất thế chiến (1914-1918) đồng bạc Đông dương được vọt lên một giá thật cao, đến nỗi từ một quả dừa năm xu xuống còn đến nửa xu,làm cho nguồn kinh tế Đông dương bị khủng hoảng lũng đoạn. Tất cả những tiểu tư sản vướng phải nợ nần vay mượn tiền đều bị một phen sạt nghiệp, làm cho giai cấp trở nên đảo lộn. Động đến chuyện này dường như hầu hết dân tộc Việt Nam đều biết rõ nguồn gốc xảy ra tận tự bên Pháp. Hết thảy những nhà trồng tỉa làm vườn, mỗi khi nhìn thấy một cành cây nào trên đọt xảy ra triệu chứng bệnh hoạn bất thường, họ đều biết bới dưới gốc về hướng đó để tìm lấy nguồn bệnh tận dưới rễ mà chữa trị. Hết thảy những thợ máy lành nghề khi nghe tiếng kêu biến động ở ống phun khói, họ có thể liệu lượng mà biết được nguồn bệnh trong máy tận tự nơi nào để phanh phui ra mà chữa trị. Nhưng lạ thay, trong giới Y khoa, một số người được mệnh danh là Lương y hoặc bác sĩ, thế mà mỗi khi bệnh ở mũi, ở miệng, ở cổ họng, ở mắt đều là cắm đầu vào tại chỗ để mà moi móc chữa trị bằng cách ỷ lại hẳn vào phương pháp giải phẫu, làm như thể toàn thân con người chỉ là từng cục từng cục không dính dấp gì nhau. Thế thì chúng ta có nên đưa ra vấn đề chính danh để chỉnh lại những tệ đoan(2) không nhỉ?! Xin mời độc giả hãy góp ý suy tư. ĐOẠN 4 PHIÊN ÂM Phàm trị bệnh tất sát kỳ thượng hạ, thích kỳ mạch, quan kỳ chí ý dữ bệnh dã. Câu ư quỉ thần giả, bất khả dữ ngôn chí đức, ố ư châm thạch giả, bất khả dữ ngôn chí xảo. Bệnh bất hứa trị giả, bệnh tất bất trị, trị chi vô công hỉ. DỊCH Đại phàm trị bệnh phải biết cách quan sát trọn cả một con người, phải biết theo dõi hiện tượng mạch, phải chú trọng đến ý chí tinh thần và phải nhận rõ được bệnh tình. Kẻ nào câu nệ ở quỉ thần, thì không thể cùng với họ mà nói về đạo lý. Kẻ nào sợ áp dụng phép châm thạch quá, thì không thể cùng họ mà bàn đến chỗ tuyệt xảo. Bệnh không muốn để cho thầy thuốc chữa, tất không thể chữa, có chữa cũng vô ích. GIẢI Đây là một đoạn nhập diệu vào tinh thần kỹ thuật đi sâu vào nhân sự, để giải quyết vấn đề bệnh tật mà luôn luôn không rời tay thước tinh thần, đúng với nghĩa như Khổng Tử đã nói: “chí ở Đạo, cứ ở Đức, y ở Nhân và ngao du ở Nghệ thuật”, mà tinh thần nghệ thuật vẫn không bị xem thường. Nói “đại phàm trị bệnh phải biết cách quan sát trọn cả một con người”, tức là trong chỗ ngoài lời luận giả bảo thẳng rằng: muốn khám phá một sự vật gì không thể nhìn từ lỏm mà thấy được mặt thật của nó. Cách nhìn từ lỏm là cách nhìn của trẻ con, của những kẻ thiếu thông minh, của những hạng người chưa biết gì hết về đạo lý, là cách nhìn của những kẻ mù kiểu khác, những kẻ thiếu trưởng thành mà thôi. Người học khám phá chớ nên vướng phải. Nói “phải biết theo dõi hiện tượng mạch, phải chú trọng đến ý chí tinh thần và phải nhận rõ được bệnh tình”, tức là muốn nói: hễ là trị bệnh, quan hệ ở chỗ phải biết khám và khám bệnh là phải thông cả bốn phép: nhìn, nghe, hỏi, khám của môn sắc mạch, và xác thân với tinh thần cũng không thể bỏ sót một phần nào, thì mới có thể biết rõ được bệnh để mà chữa. Thế là trọn cả câu này cũng là giải thích thêm cho ý của câu trên, để cho nghệ thuật khám bệnh được hoàn toàn đầy đủ. Nói “kẻ nào câu nệ ở quỉ thần thì không thể cùng bàn đạo lý”, tức là trong chỗ ngoài lời luận giả muốn nói: cái mà người đời gọi là quỉ thần ấy, chẳng qua chỉ là một thứ hiện tượng từ bóng dáng của lòng người rọi ra mà có vậy thôi (điều này đến phần Linh Khu sẽ thấy rõ). Bởi vậy kẻ nào cố chấp tin tưởng quyết định rằng ngoài tâm linh mình thật có một thứ quỉ thần nào đó, hoặc ngược lại cho rằng không bao giờ có những hiện tượng ấy đều là những kẻ mê tín. Và hết thảy những kẻ mê tín đều không biết gì hết về đạo lý; nếu cẩu thả mà áp dụng phương pháp Chúc do (trị mẹo) với họ, chẳng qua chỉ để cho họ tăng thêm cuồng tín bằng cách say mê theo, hoặc bằng cách chống báng lại. Và những người như thế không thể nào biết được đạo lý đối với bệnh tật có một tầm quan trọng tuyệt đối. Nếu người nào biết trở về với lòng mình, hợp với Đạo, thuận với Đức, tức là người đó hiểu được giá trị cách chữa tận nguồn gốc bệnh tật rồi vậy. Nhờ nơi yếu tố năng lực tinh thần mà nền tảng phép châm phép thạch có cơ để kiến thiết. Thiếu yếu tố năng lực tinh thần, thì phản ứng mặt da không thể hiện được. Phản ứng mặt da không thể hiện được, thì phép châm phép thạch mất tác dụng. Phương chi khi thiếu yếu tố năng lực tinh thần thì dù cho tác dụng đạo lý cũng không thể hiển hiện được nữa. Sức phản ứng của tinh thần con người ở mặt da biến hóa một cách vô cùng linh động, chẳng khác nào sự biến hóa trên hiện tượng vũ trụ không gian, chỉ có những tay châm thạch thật lành nghề mới có thể kịp thì đón tiếp. Bởi vậy mới nói “kẻ nào sợ áp dụng phép châm thạch quá thì không thể cùng bàn đến chỗ tuyệt xảo”. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là nội cái tâm sợ hãi của họ cũng đủ để tạo ra một thứ phản ứng xà ngầu, không thể đem lại một kết quả như ý muốn mà còn gây rối loạn ầm lên nữa là khác. Tiến sâu vào một tầng nữa, thâm nghiệm vào tinh thần câu nói trên của luận giả, ta còn thấy được nội một câu này cũng đủ để tố cáo cho sự lạm dụng phép châm phép cứu của tất cả lang băm ngày nay nữa. Như thế nghĩa là sao? Nghĩa là tất cả những cái gọi là châm cứu của thế giới loài người ngày nay, hầu hết nếu không phải là một thứ tả đạo bàng môn vong bổn, thì cũng là một thứ bịp bợm gạt lừa đổi chác lẫn nhau giữa lang băm và bệnh nhân mà thôi vậy. Thật chẳng có ai ngờ, chỉ vì một vọng niệm về cái Tôi, mà cả nhân loại mỗi người đều biến thành bên ngoài có một cái kén tường đồng vách sắt vô hình, để rồi không những làm trở ngại cho thế đồng nhất của năng lực trong cõi thiên nhiên với mình, mà còn làm cho chẳng ai thật hiểu ai cả. Ở trong cái thế ngăn cách như thế, muốn có một sự hợp tác giữa người bệnh và lương y để chữa một bệnh tật cũng đã là khó khăn lắm rồi. Giờ đây lại thêm người bệnh không bằng lòng muốn để cho lương y điều trị, tất nhiên trong đó phải có chứa đựng một yếu tố quanh co nào. Chính cái yếu tố quanh co ấy là động cơ làm cho dòng điện năng lực nội tạng bị mở nghịch chiều. Như thế dù lương y có tài giỏi đến đâu cùng chẳng qua chỉ là vô ích. Cho nên mới nói: “Bệnh không muốn để cho thầy thuốc chữa, tất không thể chữa, có chữa cũng vô ích” là nghĩa thế. Nhìn suốt đoạn này ta thấy tuy là liên tiếp đoạn trên, để nói lên nghĩa ngao du sâu vào trong nghệ thuật về chữa bệnh cũng như về khám phá con người, nhưng còn có những yếu điểm sau đây mà chúng ta cần phải biết qua: 1. Phải thấy suốt từ ngọn tới gốc, từ cơ thể tới tâm hồn, từ ngoài vào trong. 2. Phải nắm vững yếu tố tinh thần, vì yếu tố tinh thần là yếu tố nền tảng. 3. Phải chọn một đường lối áp dụng cho đích thật tương ưng với trình độ tâm lý của bệnh nhân. 4. Tuyệt đối không vì tình cảm mà sự thấy biết của mình bị bẻ quẹo qua ngả khác. Như thế tức là sao? Tức là phải đi đúng với nghĩa: khi người bệnh không đồng ý để cho chữa trị, thì không thể vì tình cảm cá nhân mà làm bừa. Thông qua bốn điểm trên, ta thấy rõ ràng là thái độ của một người thông đạt đang ngao du vào trong biển nghệ thuật, chớ không phải là một phàm phu bị mắc kẹt vào trong cái giếng chuyên môn. BÌNH Tại đất nước Việt Nam ngày nay có một số người được mệnh danh là lương y Á Đông, mỗi ngày, 8 giờ sáng có thể đã phát xong 70 - 80 thẻ cho bệnh nhân, để làm vừa đủ buổi sáng. Cách khám bệnh chỉ là sờ lên cổ tay độ một phút, không cần biết có trúng được vị trí mạch hay không, kế tiếp bảo bệnh nhân thè lưỡi ra rồi thụt lưỡi vào. Có khi buổi sáng chưa kịp xông khói cái miệng, nên vừa để tay lên cổ tay người bệnh mà cũng vừa chợp ngủ gà. Rồi cũng kế tiếp theo đó viết một cái toa nguệch ngoạc tựa hồ đạo bùa của một vị phù thủy nào, rồi giao cho bệnh nhân sang chỗ lấy thuốc. Trước sau tổng cộng không được hơn 4 - 5 phút là xong một người. Nếu là cơ quan chữa trị theo kiểu châm cứu, thì tiếp theo đó người ta cho kim vào da thịt bệnh nhân cũng tựa hồ như động tác chích mứt của trẻ con trong ba ngày tết, cơ hồ như là không cần đến có trúng huyệt hay không. Có khi còn cho bệnh nhân mang kim lòng thòng lểnh thểnh đi chơi ngoài cửa nữa. Vậy mà cũng vẫn được thiên hạ cho là lương y, là ân nhân của nhân loại. Thậm chí có khi còn mang thêm tướng ông Tiên hay ông Phật nào đó, hoặc mang thêm ống nghe mạch của Tây y vào để trợ oai càng tốt. Thế mà cũng vẫn có nhà lầu, có xe hơi để dạo phố như thường. Nhìn vào các nhân vật ấy, những thức giả Tây y luôn luôn mỉa mai nhạo báng cho rằng: Đông y chỉ là lừa bịp chẳng biết tí gì về khám bệnh cả. Ngược lại cũng có một số được mệnh danh là bác sĩ Tây y. Và đây chỉ kể những vị được ăn khách nhất, mỗi buổi sáng mai có thể chữa hàng trăm bệnh. Mỗi khi bệnh nhân vào, hễ nói đau đầu là lật đầu ra xem, đau đít là lật đít ra xem. Còn nghe mạch tựa hồ như nôm cá, làm như là biến động của bệnh to như sự vùng vẫy của một con cá lóc trong nôm, úp úp hai, ba cái là xong; rồi lụi thêm hoặc một hay hai mũi thuốc đã sắp đặt sẵn bằng mẹo mực ăn khách, và biên cho một cái toa có khi chỉ in sẵn rồi điền thêm mấy chữ là xong. Còn những nơi chiếu điện khám Phổi, thì lại lùa một lúc hàng tá bệnh nhân vào, rọi hết xong rồi ra ngồi cho toa; vậy mà vẫn đắt như tôm tươi. Những chuyện chúng tôi kể trên đây đều là những chuyện tận mặt với sự thật trên muôn vàn thận trọng. Thế mà có hồi tôi vẫn bị những hình thức như thử đàm, thử phân, thử nước tiểu, chiếu điện, thử thịt chỗ bệnh, thử máu, tìm vi trùng, dùi gõ, dụng cụ mở hậu môn, mở tử cung v.v. mê hoặc mà cho rằng Á Đông không biết cách khám bệnh. Giờ đây giáp mặt sự thật với đoạn chánh văn này cũng đủ để giúp cho tôi xây dựng lại tư tưởng. Và vấn đề Đông y ngày nay có phải là Đông y hay không? Thật tình Đông y có không biết khám bệnh hay không? Tây y khám bệnh có chính xác hay không? Và hiện tình ngày nay có phải là lúc Y khoa được cực thịnh hay không? Xin mời diễn đàn chung nhận xét. Trước đây 5 - 6 ngàn năm, không biết loài người có lần nào có kính hiển vi hay chưa, nhưng ta cứ kể như là chưa có đi. Thế mà người xưa họ đã mở miệng để lại cho ta biết rằng: phàm muốn trị bệnh là phải biết khám phá trọn cả một con người v.v.. Như thế phải chăng vì nhờ cái sở đoản thiếu phương tiện mà họ phải có cách nhìn như thế để bù vào?! Hay đây chỉ là một nguyên lý chung cho tất cả mọi cuộc chữa trị, dù cho trị tâm hay trị thân, trị cá nhân hay trị gia đình, trị nhà hay trị nước, trị quốc gia hay trị thiên hạ cũng không thể thiếu một cách nhìn khám phá suốt toàn diện của một sự việc y như là cách khám phá trọn vẹn một con người?! Có một vị bác sĩ Tây y viết sách nói: “Trời ban cho ta một cặp mắt thật rất vụng về, nên không thể nào nhìn thấy được một vật cực nhỏ, may nhờ cái khôn ngoan của khoa học chế ra được kính hiển vi để giúp ta nhìn thấy các giống vi trùng v.v..” Ôi! như thế có phải là nhờ dụng cụ khoa học giúp cho ta thấy được những vật cực nhỏ, tức là đã giúp cho cái thấy của ta càng thêm chính xác; hay là bị những dụng cụ khoa học giúp cho ta thấy được những vật cực nhỏ, để rồi ta bị mê hoặc mà sự đời trở nên từ lỏm từ khối riêng tư?! Và cách nhìn sự việc theo kiểu từ lỏm từ khối có giúp ích cho ta giải quyết cuộc sống được ổn thỏa hay không?! Người nói như thế có xứng đáng là một kiến thức bác sĩ hay không?! Đây cũng xin nhường cho diễn đàn chung nhận xét. Những người mắc phải tật lé nặng quá, đều trông thấy những vật ngay thẳng hóa ra lệch đi. Cho nên mỗi khi họ nhìn vật gì cũng đều phải ngó nghiêng. Những người điếc quá, luôn luôn có mặc cảm là người chung quanh đều điếc, cho nên họ nói lớn quá. Hết thảy những người khùng đều cho thiên hạ là mất trí nên họ dễ nổi cơn giận dỗi. Chắc có lẽ vì thế mà hầu hết người nay đều cho người xưa là mê tin, là không biết gì về tâm lý. Làm sao tôi dám nói thế? Không ai ngờ một tờ báo đứng đắn nhất ở Mỹ là tờ Times trong tuần tháng Sáu này có đăng hai nguồn tin: 1. Một nữ giáo sư đại học nước Anh viết một quyển sách nói về nguồn gốc loài người. Bà ta cho rằng: đầu tiên con người chỉ là một giống khỉ không đủ khả năng chen lấn trên lục địa, nên phải chạy xuống biển lặn mò những con vật thủy tộc mà ăn. Vì thế nên lông khắp mình rụng đi, còn lại trên đầu là tóc. Và cũng vì thế mà bộ sinh dục của đàn bà phải hót vào ở phía trước để tránh đất cát chui vào, bởi vậy bộ sinh dục của đàn ông cũng phải biến hóa nhô ra cho được tương ứng; và vì thế mà sự giao dục phải đâu mặt nhau, khác hơn các loài khác v.v.. Thế mà vẫn bán đắt như tôm tươi. 2. Hiện nay ở bên Mỹ nổi lên một phong trào chuyên thờ những tướng quỷ quái lạ kỳ hoặc đầu trâu mặt ngựa để làm những phép lạ mà người ta mệnh danh là thờ Sa tăng, rồi cũng luyện sọ người làm thiên linh cái v.v. Còn buồn cười hơn những ông thầy pháp, phù thuỷ ở Việt Nam nữa. Buồn cười nhất là Quỷ sa tăng trong niềm tin của phương Tây, vốn là đại diện cho tính ác trong con người, thế mà bây giờ lại là một phong trào, một mốt thịnh hành của hiện đại. Đọc đoạn chánh văn trên, nghe hai câu chuyện đăng ở tờ báo Mỹ, rồi mới thấy ý kiến của chúng tôi không chừng rất là hữu ý. Độc giả hãy chiêm nghiệm thử xem. """