Đối với nước ta, quá trình đổi mới hoạt động ngân hàng thực chất là quá trình chuyển từ hệ thống ngân hàng một cấp trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang hệ thống ngân hàng hai cấp với việc phân định rõ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước và chức năng kinh doanh của ngân hàng thương mại theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, hệ thống ngân hàng được xác định như người mở đường, đóng vai trò đột phá cho việc xây dựng cơ chế mới đó. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ và nhất quán, từ việc hoạch định chính sách tiền tệ, chính sách tài chính quốc gia đến việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ; từ việc xây dựng những điều kiện vật chất và đầu tư công nghệ kỹ thuật ngân hàng tiên tiến đến việc xây dựng một hệ thống pháp luật điều chỉnh có hiệu quả đối với quá trình đó.
Nhìn lại thực tế sau 17 năm đổi mới hoạt động ngân hàng (1988 . 2005), chúng ta càng thấy được ý nghĩa tích cực, vai trò to lớn của pháp luật ngân hàng. Hệ thống pháp luật ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua, về cơ bản, đã đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định trị giá đồng tiền và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từng bước chuyển đổi và nâng tầm hoạt động của ngân hàng phù hợp với tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, hệ thống pháp luật ngân hàng Việt Nam, trong đó có pháp luật về ngân hàng thương mại, đang ngày càng bộc lộ những bất cập, hạn chế, tồn tại như: chưa đủ tầm để điều chỉnh hệ thống ngân hàng theo mô hình hiện đại, chưa bao quát được đầy đủ các loại hình tổ chức kinh doanh tiền tệ, chưa phân biệt được rõ loại hình ngân hàng và các tổ chức trung gian tài chính khác cũng tiến hành hoạt động ngân hàng, nhiều chế định pháp luật còn vướng mắc, chồng chéo, gây trở ngại không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. Nhiều quy định của pháp luật ngân hàng không còn đáp ứng được những nhu cầu mới đang nảy sinh trong quá trình hoạt động và phát triển của hệ thống ngân hàng thương mại… Những bất cập này cần phải được sớm khắc phục nhằm phát huy hơn nữa vai trò của ngân hàng thương mại cũng như vai trò của pháp luật về ngân hàng thương mại ở Việt Nam trong giai đoạn mới – giai đoạn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng, chúng ta ngày càng nhận rõ vai trò to lớn của pháp luật ngân hàng trong tiến trình phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng thương mại trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nó không chỉ góp phần điều chính có hiệu quả về mặt pháp lý đối với hoạt động của ngân hàng thương mại, mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật ngân hàng nói riêng và hệ thống pháp luật kinh tế ở nước ta nói chung, nhằm “hình thành môi trường minh bạch, lành mạnh và bình đẳng cho hoạt động tiền tệ – ngân hàng…, hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý, áp dụng đầy đủ hơn các thiết chế và chuẩn mực quốc tế về an toàn trong kinh doanh tiền tệ – ngân hàng”.
Trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế ở nước ta, hoạt động của ngân hàng nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng còn rất mới, nhiều vấn đề kinh tế và pháp lý chưa được nghiên cứu một cách toàn diện. Trong phạm vi và mức độ khác nhau, có khá nhiều công trình nghiên cứu đã bước đầu đề cập đến những vấn đề chung nhất, ở góc độ này hay góc độ khác, về các khía cạnh pháp lý của Ngân hàng nhà nước hoặc một vài vấn đề pháp lý cụ thể của ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, các công trình đó chưa nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống những vấn đề lý luận về ngân hàng thương mại, cũng như pháp luật về ngân hàng thương mại, những nhân tố ảnh hưởng đến pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng thương mại, nhất là chưa có công trình nào đánh giá thực trạng pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng thương mại, để trên cơ sở đó chỉ ra các yêu cầu, điều kiện, phương hướng và các giải pháp hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng thương mại trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Cuốn sách: “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động của ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” cung cấp cho bạn đọc những vấn đề lý luận cơ bản về ngân hàng thương mại, pháp luật, thực trạng pháp luật điều chỉnh hoạt động cụ thể của ngân hàng thương mại thông qua một số chế định cơ bản như: hoạt động cấp tín dụng; bảo đảm tiền vay; thanh toán qua ngân hàng; hoạt động của ngân hàng thương mại trên thị trường chứng khoán, bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại; về kiểm soát đặc biệt, thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với ngân hàng thương mại….
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Tháng 9 năm 2005 NHÀ XUẤT BẢN TƯ PHÁP
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com