LỜI GIỚI THIỆU
Từ lâu, nhân dân ta, bạn bè và kiều bào ta ở nước ngoài vẫn mong muốn có một bộ sách lớn, công bố đầy đủ những tư liệu chính xác, đã qua xác minh khoa học, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vô cùng oanh liệt và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, để có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu, học tập sâu sắc về tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Biên soạn công trình này, chúng tôi hy vọng giúp bạn đọc có điều kiện nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, thấy rõ thiên tài trí tuệ và phẩm chất đạo đức trong sáng, cao đẹp của một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là một con người giản dị, khiêm tốn, gần gũi, thân thiết với tất cả mọi người.
Qua tấm gương cao đẹp, trọn vẹn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ kính yêu, công trình sẽ giúp bạn đọc rút ra được những bài học bổ ích về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản, đạo đức – phẩm chất của con người mới xã hội chủ nghĩa, niềm tự hào vô hạn về lãnh tụ vĩ đại, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng do Bác Hồ sáng lập, mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, thực hiện bằng được mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Xưa nay, tiểu sử vĩ nhân có thể được trình bày dưới nhiều thể loại: niên phổ, niên biểu, biên niên sự kiện, biên niên tiểu sử, tiểu sử khoa học, truyện danh nhân, v.v..
Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử là một công trình lịch sử được trình bày dưới hình thức biên niên. Nhưng khác với niên biểu hay biên niên sự kiện trong đó chỉ liệt kê tóm tắt năm tháng xảy ra các sự kiện chính, đánh dấu bước chuyển biến trong cuộc đời và tư tưởng của vĩ nhân, mà không lược thuật nội dung các sự kiện, còn biên niên tiểu sử là một cuốn sử với đầy đủ các yếu tố niên đại, nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh… được ghi chép lại theo trình tự thời gian diễn ra các sự việc, lời nói, bài viết, hành động, sinh hoạt, giao tiếp, v.v. của vĩ nhân đối với thời đại, đất nước, dân tộc, giai cấp, gia đình, họ hàng, bạn hữu, kẻ thù…; từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, trong đời sống chung và đời sống riêng, thể hiện lãnh tụ vừa như một vĩ nhân, vừa như một người bình thường.
Biên niên tiểu sử được kết cấu theo đơn vị thời gian: năm, tháng, ngày, có khi đến từng giờ của sự kiện; người đọc được tiếp xúc với một khối lượng tư liệu phong phú, nhiều sự kiện cụ thể, tuy được thể hiện bằng văn lịch sử nhưng lại sinh động, chân thực đáp ứng được yêu cầu của nhà nghiên cứu lẫn người đọc thông thường.
Quan niệm về tính chất và đặc điểm của thể loại biên niên tiểu sử như trên đã định hướng cho các soạn giả trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể về nội dung và phương pháp biên soạn biên niên tiểu sử của Bác Hồ.
Trước hết là việc lựa chọn sự kiện đưa vào biên niên. Nói chung, toàn bộ những sự kiện có ý nghĩa trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (với tư cách là chủ thể hành động) đã sưu tầm được, qua chọn lọc, xác minh, đều có thể đưa vào biên niên. Những sự kiện này bao quát các lĩnh vực:
– Trước tác: Bao gồm các tác phẩm lý luận chính trị, văn hóa, văn nghệ, thư từ – điện văn, bài báo, tài liệu dịch, bài phát biểu, lời kêu gọi… đã công bố ở trong và ngoài nước.
– Các văn kiện của Đảng và Nhà nước: Bao gồm các hiệp định, tạm ước, tuyên ngôn, tuyên bố, sắc lệnh, chỉ thị, nghị quyết hoặc các tài liệu tương tự do Bác Hồ trực tiếp thảo hay ký công bố trên danh nghĩa Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng…
– Hoạt động: Bao gồm các cuộc tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, hội nghị các đảng anh em, các Đại hội Đảng, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn; các cuộc họp với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, với các tổ chức kinh tế – xã hội, tham dự các cuộc mít tinh, bầu cử, đại hội liên hoan, các cuộc tiếp khách trong nước và ngoài nước; các cuộc đi thăm các nước, các ngành, các địa phương, các đơn vị tiên tiến, thăm gia đình các giới trong dịp Tết cổ truyền, v.v..
– Những sự kiện có ý nghĩa trong đời sống riêng: Ví dụ bữa cơm với bà Thanh, thư gửi họ Nguyễn Sinh về việc ông Khiêm tạ thế, sự kiện về thăm quê, những lần đi chữa bệnh, đi thăm danh lam, thắng cảnh, v.v..
Tóm lại, đối với cuộc đời của một vị lãnh tụ vĩ đại như Bác Hồ, chúng tôi không đặt vấn đề phân biệt sự kiện lịch sử và sự kiện bình thường. Có những sự kiện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, đem lại cho người đọc một nhận thức đầy đủ về lãnh tụ, vừa như một vĩ nhân, vừa như một người bình thường. Các soạn giả sẽ không đưa vào biên niên những sự kiện được coi là gián tiếp (như việc nước ngoài tặng huân chương, việc lấy tên Người đặt cho các giải thưởng, các quảng trường, đường phố, con tàu,…) và những sự kiện chưa được các nguồn tài liệu chính xác khẳng định.
Trong các nguồn tài liệu, sau khối tác phẩm và văn kiện, khối hồi ký cách mạng và các sách chuyên khảo có liên quan đến tiểu sử Bác Hồ là một nguồn tham khảo quan trọng. Trong việc sử dụng hồi ký, chúng tôi đặc biệt coi trọng hồi ký của các đồng chí lãnh đạo là học trò, người cộng sự gần gũi của Bác Hồ, nhất là những hồi ký được xuất bản khi Người còn sống. Giá trị các hồi ký vốn khác nhau và giữa các hồi ký còn có chỗ chưa khớp với nhau do các tác giả nhầm lẫn hoặc có thêm một số chi tiết nào đó. Chúng tôi cố gắng tránh dựa hẳn vào một hồi ký riêng biệt mà phải qua đối chiếu, so sánh nhiều hồi ký với nhau để khôi phục lại những chi tiết, sự kiện còn thiếu trong biên niên tiểu sử của Bác Hồ.
Các sách chuyên khảo có giá trị khoa học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, trong đó các tác giả đã chỉ ra được các nguồn xuất xứ ở các kho lưu trữ nước ngoài mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp xúc, chúng tôi cũng khai thác và sử dụng ở mức độ cần thiết, có chú thích để chờ tra cứu thêm.
Đối với tài liệu, báo cáo của mật thám – chỉ điểm về hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở trong nước và nước ngoài, sau khi phê phán và tước bỏ sự xuyên tạc ý nghĩa của sự kiện được nhìn nhận theo quan điểm của chúng, chúng tôi cũng khai thác và sử dụng có cân nhắc những chi tiết khách quan được ghi lại trong đó như thời gian, địa điểm diễn ra hành động, những con người và những sự việc có liên quan tới sự kiện được nói đến trong những báo cáo ấy.
Dựng lại được nội dung xác thực, khách quan của các sự kiện lịch sử là một quá trình. Nhưng đưa hay không đưa sự kiện nào vào biên niên tiểu sử, ngoài tính khách quan, tính lịch sử, còn phải tuân theo nguyên tắc tính đảng của sử học mácxít, nghĩa là còn phải tính đến những nhiệm vụ hiện nay của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội của nước ta, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc… Mỗi sự kiện có nhiều tầng ý nghĩa, ngoài mối quan tâm về lịch sử còn phải quan tâm đến ý nghĩa của nó đối với thời đại hiện nay. Do đó, bạn đọc có thể hiểu vì sao còn có những sự kiện chưa được đưa vào biên niên trong lần xuất bản này.
Về phương pháp trình bày, thể hiện, biên niên tiểu sử có những quy tắc riêng buộc phải tuân theo để đảm bảo tính nhất quán của thể loại. Trên nét lớn, mỗi sự kiện có thể được trình bày theo các công đoạn sau đây:
– Thời gian: năm, tháng, ngày, có thể đến giờ, nếu không biết giờ thì ghi: buổi sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Có sự kiện diễn ra một ngày, một buổi, một giờ. Có sự kiện lớn diễn ra nhiều ngày (Đại hội Đảng, các Hội nghị Trung ương, v.v.) thì ghi ngày mở đầu và ngày kết thúc. Trong một đại hội nhiều ngày, Bác Hồ có nhiều lần phát biểu, lần nào vào ngày nào, giờ nào đều được trình bày riêng.
– Địa điểm: được ghi theo địa danh lúc xảy ra sự kiện. – Nội dung sự kiện: thông tin ngắn gọn, chính xác, đầy đủ về nội dung sự kiện, việc làm, cách làm, nhân vật, đối tượng tiếp xúc, câu nói tiêu biểu phản ánh quan điểm, tư tưởng, đạo đức, phong cách… của Bác Hồ. Trong một số trường hợp, chúng tôi đã dẫn lại những câu, những chữ hay nhất của lãnh tụ để người đọc được tiếp xúc trực tiếp với tư tưởng của Người, cá biệt cũng có khi thêm cả nhận xét, đánh giá của người đương thời đã tham gia, chứng kiến sự kiện (là bạn hữu hay đối phương) hoặc nêu lên ý kiến của chính Bác Hồ khi còn sống có dịp nhắc lại sự kiện ấy.
– Các nguồn xuất xứ của sự kiện: chỉ rõ lấy từ đâu, văn kiện, tác phẩm, báo chí, tác giả, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản, trang bao nhiêu, để giúp bạn đọc có thể trực tiếp tra cứu khi cần thiết.
Về cách thể hiện các danh từ riêng (tên người, tên đất, tên các tổ chức văn hóa – xã hội…) ở Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi dựa theo các quy ước thông dụng trên sách báo hiện nay. Về tên riêng nước ngoài thuộc các ngữ hệ Ấn – u, chúng tôi phiên âm theo gốc của nước đó và để nguyên tự dạng trong ngoặc (ví dụ: hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis), thành phố Brúclin (Brooklyn)) và chỉ ghi một lần nếu tên đó còn xuất hiện trong các sự kiện sau. Đối với các cơ quan ngôn luận, thông tấn, báo chí, theo xu hướng chung của thế giới hiện nay, chúng tôi để nguyên văn, in nghiêng, không dịch, ví dụ: Báo L’Humanité, Inprekorr. Đối với các danh từ riêng gốc Nga thì chuyển từ chữ cái Nga sang chữ cái Latinh, ví dụ: Hãng thông tấn ROXTA, Tạp chí Ogoniok, v.v..
Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử là một công trình lớn, nhiều tập, tổng số tập phụ thuộc vào số lượng tư liệu, sự kiện đã được sưu tầm và xác minh. Khác với tiểu sử khoa học được phân chia theo giai đoạn, biên niên tiểu sử – như tên gọi của nó – ghi chép sự việc theo năm tháng, nên chia tập, có chiếu cố đến các mốc lịch sử lớn, nhưng chủ yếu chia theo số lượng các sự kiện, nhằm đảm bảo cho độ dày của mỗi tập không quá chênh lệch nhau.
Trong những năm qua, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã sưu tầm và xác minh được khoảng một vạn sự kiện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu đến lúc qua đời. Trong công việc này, chúng tôi đã nhận được sự cộng tác và giúp đỡ của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Lưu trữ Nhà nước (cơ sở I và II), Cục Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia; của nhiều cơ quan, thư viện, học viện, bảo tàng; của các vị nhân sĩ, trí thức, cán bộ lão thành cách mạng, kiều bào nước ta ở nước ngoài; của Cục Lưu trữ Viện Mác – Lênin trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây và nhiều cơ quan hữu quan khác ở Hà Nội và các địa phương.
Nhân dịp bộ sách được ra mắt bạn đọc, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi sự giúp đỡ to lớn nói trên. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các vị học giả, giáo sư, cán bộ khoa học, đã nhiệt tình cộng tác với chúng tôi từ bước đầu xây dựng đề cương công trình, hội thảo phương pháp biên soạn, đến đọc, góp ý kiến hoàn chỉnh bản thảo.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng tiến hành biên soạn theo những bước đi thận trọng, nhưng việc viết biên niên của lãnh tụ vô sản theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin ở nước ta còn là vấn đề mới và khó, do trình độ có hạn, nhất là chưa có điều kiện khảo sát tận nơi những sự kiện, những tư liệu gốc còn lưu trữ ở các nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc, chưa được tiếp xúc với các sổ tay, bản thảo, biên bản các cuộc họp Trung ương và Bộ Chính trị… mà Bác Hồ có tham dự và phát biểu, v.v.. Vì vậy, chắc chắn công trình không tránh khỏi những khiếm khuyết chưa khắc phục ngay được.
Chúng tôi thành thật mong mỏi bạn đọc xa gần chỉ bảo cho những điều bổ ích sau lần xuất bản này.
Hà Nội, tháng 8 năm 2016
VIỆN HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC LÃNH TỤ CỦA ĐẢNG
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com