🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hồ Chí Minh Biên Niên Tiểu Sử
Ebooks
Nhóm Zalo
Mã số: 3K5H6 CTQG - 2016
TỔNG CHỦ BIÊN
GS. ĐẶNG XUÂN KỲ
PHÓ TỔNG CHỦ BIÊN
GS. SONG THÀNH
NHÓM BIÊN SOẠN TẬP 1
NGUYỄN HUY HOAN (Chủ biên)
PGS.TS. CHƯƠNG THÂU
NGÔ VĂN TUYỂN
NGUYỄN TRỌNG THỤ
NHÓM BIÊN SOẠN, CHỈNH SỬA, BỔ SUNG TẬP 1
PGS.TS. PHẠM HỒNG CHƯƠNG (Chủ biên) ThS. NGUYỄN TUYẾT HẠNH
ThS. TRẦN VĂN KHÔI
NĂM 1955
LỜI GIỚI THIỆU
Từ lâu, nhân dân ta, bạn bè và kiều bào ta ở nước ngoài vẫn mong muốn có một bộ sách lớn, công bố đầy đủ những tư liệu chính xác, đã qua xác minh khoa học, về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vô cùng oanh liệt và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, để có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu, học tập sâu sắc về tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.
Biên soạn công trình này, chúng tôi hy vọng giúp bạn đọc có điều kiện nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, thấy rõ thiên tài trí tuệ và phẩm chất đạo đức trong sáng, cao đẹp của một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, đồng thời là một con người giản dị, khiêm tốn, gần gũi, thân thiết với tất cả mọi người.
Qua tấm gương cao đẹp, trọn vẹn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ kính yêu, công trình sẽ giúp bạn đọc rút ra được những bài học bổ ích về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản, đạo đức - phẩm chất của con người mới xã hội chủ nghĩa, niềm tự hào vô hạn về lãnh tụ vĩ đại, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng do Bác Hồ sáng lập,
V
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, thực hiện bằng được mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Xưa nay, tiểu sử vĩ nhân có thể được trình bày dưới nhiều thể loại: niên phổ, niên biểu, biên niên sự kiện, biên niên tiểu sử, tiểu sử khoa học, truyện danh nhân, v.v..
Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử là một công trình lịch sử được trình bày dưới hình thức biên niên. Nhưng khác với niên biểu hay biên niên sự kiện trong đó chỉ liệt kê tóm tắt năm tháng xảy ra các sự kiện chính, đánh dấu bước chuyển biến trong cuộc đời và tư tưởng của vĩ nhân, mà không lược thuật nội dung các sự kiện, còn biên niên tiểu sử là một cuốn sử với đầy đủ các yếu tố niên đại, nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh... được ghi chép lại theo trình tự thời gian diễn ra các sự việc, lời nói, bài viết, hành động, sinh hoạt, giao tiếp, v.v. của vĩ nhân đối với thời đại, đất nước, dân tộc, giai cấp, gia đình, họ hàng, bạn hữu, kẻ thù...; từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, trong đời sống chung và đời sống riêng, thể hiện lãnh tụ vừa như một vĩ nhân, vừa như một người bình thường.
Biên niên tiểu sử được kết cấu theo đơn vị thời gian: năm, tháng, ngày, có khi đến từng giờ của sự kiện; người đọc được tiếp xúc với một khối lượng tư liệu phong phú, nhiều sự kiện cụ thể, tuy được thể hiện bằng văn lịch sử nhưng lại sinh động, chân thực đáp ứng được yêu cầu của nhà nghiên cứu lẫn người đọc thông thường.
Quan niệm về tính chất và đặc điểm của thể loại biên niên tiểu sử như trên đã định hướng cho các soạn giả trong việc
VI
TẬ P 1 : 1890 - 1929
giải quyết những vấn đề cụ thể về nội dung và phương pháp biên soạn biên niên tiểu sử của Bác Hồ.
Trước hết là việc lựa chọn sự kiện đưa vào biên niên. Nói chung, toàn bộ những sự kiện có ý nghĩa trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (với tư cách là chủ thể hành động) đã sưu tầm được, qua chọn lọc, xác minh, đều có thể đưa vào biên niên. Những sự kiện này bao quát các lĩnh vực:
- Trước tác: Bao gồm các tác phẩm lý luận chính trị, văn hóa, văn nghệ, thư từ - điện văn, bài báo, tài liệu dịch, bài phát biểu, lời kêu gọi... đã công bố ở trong và ngoài nước.
- Các văn kiện của Đảng và Nhà nước: Bao gồm các hiệp định, tạm ước, tuyên ngôn, tuyên bố, sắc lệnh, chỉ thị, nghị quyết hoặc các tài liệu tương tự do Bác Hồ trực tiếp thảo hay ký công bố trên danh nghĩa Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng...
- Hoạt động: Bao gồm các cuộc tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, hội nghị các đảng anh em, các Đại hội Đảng, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn; các cuộc họp với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, với các tổ chức kinh tế - xã hội, tham dự các cuộc mít tinh, bầu cử, đại hội liên hoan, các cuộc tiếp khách trong nước và ngoài nước; các cuộc đi thăm các nước, các ngành, các địa phương, các đơn vị tiên tiến, thăm gia đình các giới trong dịp Tết cổ truyền, v.v..
- Những sự kiện có ý nghĩa trong đời sống riêng: Ví dụ bữa cơm với bà Thanh, thư gửi họ Nguyễn Sinh về việc ông Khiêm tạ thế, sự kiện về thăm quê, những lần đi chữa bệnh, đi thăm danh lam, thắng cảnh, v.v..
VII
VII
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Tóm lại, đối với cuộc đời của một vị lãnh tụ vĩ đại như Bác Hồ, chúng tôi không đặt vấn đề phân biệt sự kiện lịch sử và sự kiện bình thường. Có những sự kiện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, đem lại cho người đọc một nhận thức đầy đủ về lãnh tụ, vừa như một vĩ nhân, vừa như một người bình thường. Các soạn giả sẽ không đưa vào biên niên những sự kiện được coi là gián tiếp (như việc nước ngoài tặng huân chương, việc lấy tên Người đặt cho các giải thưởng, các quảng trường, đường phố, con tàu,...) và những sự kiện chưa được các nguồn tài liệu chính xác khẳng định.
Trong các nguồn tài liệu, sau khối tác phẩm và văn kiện, khối hồi ký cách mạng và các sách chuyên khảo có liên quan đến tiểu sử Bác Hồ là một nguồn tham khảo quan trọng. Trong việc sử dụng hồi ký, chúng tôi đặc biệt coi trọng hồi ký của các đồng chí lãnh đạo là học trò, người cộng sự gần gũi của Bác Hồ, nhất là những hồi ký được xuất bản khi Người còn sống. Giá trị các hồi ký vốn khác nhau và giữa các hồi ký còn có chỗ chưa khớp với nhau do các tác giả nhầm lẫn hoặc có thêm một số chi tiết nào đó. Chúng tôi cố gắng tránh dựa hẳn vào một hồi ký riêng biệt mà phải qua đối chiếu, so sánh nhiều hồi ký với nhau để khôi phục lại những chi tiết, sự kiện còn thiếu trong biên niên tiểu sử của Bác Hồ.
Các sách chuyên khảo có giá trị khoa học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, trong đó các tác giả đã chỉ ra được các nguồn xuất xứ ở các kho lưu trữ nước ngoài mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp xúc, chúng tôi cũng khai thác và sử dụng ở mức độ cần thiết, có chú thích để chờ tra cứu thêm.
Đối với tài liệu, báo cáo của mật thám - chỉ điểm về hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở trong nước và nước
VIII
TẬ P 1 : 1890 - 1929
ngoài, sau khi phê phán và tước bỏ sự xuyên tạc ý nghĩa của sự kiện được nhìn nhận theo quan điểm của chúng, chúng tôi cũng khai thác và sử dụng có cân nhắc những chi tiết khách quan được ghi lại trong đó như thời gian, địa điểm diễn ra hành động, những con người và những sự việc có liên quan tới sự kiện được nói đến trong những báo cáo ấy.
Dựng lại được nội dung xác thực, khách quan của các sự kiện lịch sử là một quá trình. Nhưng đưa hay không đưa sự kiện nào vào biên niên tiểu sử, ngoài tính khách quan, tính lịch sử, còn phải tuân theo nguyên tắc tính đảng của sử học mácxít, nghĩa là còn phải tính đến những nhiệm vụ hiện nay của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội của nước ta, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc... Mỗi sự kiện có nhiều tầng ý nghĩa, ngoài mối quan tâm về lịch sử còn phải quan tâm đến ý nghĩa của nó đối với thời đại hiện nay. Do đó, bạn đọc có thể hiểu vì sao còn có những sự kiện chưa được đưa vào biên niên trong lần xuất bản này.
Về phương pháp trình bày, thể hiện, biên niên tiểu sử có những quy tắc riêng buộc phải tuân theo để đảm bảo tính nhất quán của thể loại. Trên nét lớn, mỗi sự kiện có thể được trình bày theo các công đoạn sau đây:
- Thời gian: năm, tháng, ngày, có thể đến giờ, nếu không biết giờ thì ghi: buổi sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Có sự kiện diễn ra một ngày, một buổi, một giờ. Có sự kiện lớn diễn ra nhiều ngày (Đại hội Đảng, các Hội nghị Trung ương, v.v.) thì ghi ngày mở đầu và ngày kết thúc. Trong một đại hội nhiều ngày, Bác Hồ có nhiều lần phát biểu, lần nào vào ngày nào, giờ nào đều được trình bày riêng.
- Địa điểm: được ghi theo địa danh lúc xảy ra sự kiện.
IX
IX
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
- Nội dung sự kiện: thông tin ngắn gọn, chính xác, đầy đủ về nội dung sự kiện, việc làm, cách làm, nhân vật, đối tượng tiếp xúc, câu nói tiêu biểu phản ánh quan điểm, tư tưởng, đạo đức, phong cách... của Bác Hồ. Trong một số trường hợp, chúng tôi đã dẫn lại những câu, những chữ hay nhất của lãnh tụ để người đọc được tiếp xúc trực tiếp với tư tưởng của Người, cá biệt cũng có khi thêm cả nhận xét, đánh giá của người đương thời đã tham gia, chứng kiến sự kiện (là bạn hữu hay đối phương) hoặc nêu lên ý kiến của chính Bác Hồ khi còn sống có dịp nhắc lại sự kiện ấy.
- Các nguồn xuất xứ của sự kiện: chỉ rõ lấy từ đâu, văn kiện, tác phẩm, báo chí, tác giả, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản, trang bao nhiêu, để giúp bạn đọc có thể trực tiếp tra cứu khi cần thiết.
Về cách thể hiện các danh từ riêng (tên người, tên đất, tên các tổ chức văn hóa - xã hội...) ở Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi dựa theo các quy ước thông dụng trên sách báo hiện nay. Về tên riêng nước ngoài thuộc các ngữ hệ Ấn - Âu, chúng tôi phiên âm theo gốc của nước đó và để nguyên tự dạng trong ngoặc (ví dụ: hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis), thành phố Brúclin (Brooklyn)) và chỉ ghi một lần nếu tên đó còn xuất hiện trong các sự kiện sau. Đối với các cơ quan ngôn luận, thông tấn, báo chí, theo xu hướng chung của thế giới hiện nay, chúng tôi để nguyên văn, in nghiêng, không dịch, ví dụ: Báo L’Humanité, Inprekorr. Đối với các danh từ riêng gốc Nga thì chuyển từ chữ cái Nga sang chữ cái Latinh, ví dụ: Hãng thông tấn ROXTA, Tạp chí Ogoniok, v.v..
Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử là một công trình lớn, nhiều tập, tổng số tập phụ thuộc vào số lượng tư liệu, sự kiện đã
X
TẬ P 1 : 1890 - 1929
được sưu tầm và xác minh. Khác với tiểu sử khoa học được phân chia theo giai đoạn, biên niên tiểu sử - như tên gọi của nó - ghi chép sự việc theo năm tháng, nên chia tập, có chiếu cố đến các mốc lịch sử lớn, nhưng chủ yếu chia theo số lượng các sự kiện, nhằm đảm bảo cho độ dày của mỗi tập không quá chênh lệch nhau.
Trong những năm qua, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã sưu tầm và xác minh được khoảng một vạn sự kiện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu đến lúc qua đời. Trong công việc này, chúng tôi đã nhận được sự cộng tác và giúp đỡ của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Lưu trữ Nhà nước (cơ sở I và II), Cục Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia; của nhiều cơ quan, thư viện, học viện, bảo tàng; của các vị nhân sĩ, trí thức, cán bộ lão thành cách mạng, kiều bào nước ta ở nước ngoài; của Cục Lưu trữ Viện Mác - Lênin trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây và nhiều cơ quan hữu quan khác ở Hà Nội và các địa phương.
Nhân dịp bộ sách được ra mắt bạn đọc, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với mọi sự giúp đỡ to lớn nói trên. Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các vị học giả, giáo sư, cán bộ khoa học, đã nhiệt tình cộng tác với chúng tôi từ bước đầu xây dựng đề cương công trình, hội thảo phương pháp biên soạn, đến đọc, góp ý kiến hoàn chỉnh bản thảo.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng tiến hành biên soạn theo những bước đi thận trọng, nhưng việc viết biên niên của lãnh tụ vô sản theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin ở nước ta còn là vấn đề mới và khó, do trình độ có hạn, nhất
XI
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
là chưa có điều kiện khảo sát tận nơi những sự kiện, những tư liệu gốc còn lưu trữ ở các nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc, chưa được tiếp xúc với các sổ tay, bản thảo, biên bản các cuộc họp Trung ương và Bộ Chính trị... mà Bác Hồ có tham dự và phát biểu, v.v.. Vì vậy, chắc chắn công trình không tránh khỏi những khiếm khuyết chưa khắc phục ngay được.
Chúng tôi thành thật mong mỏi bạn đọc xa gần chỉ bảo cho những điều bổ ích sau lần xuất bản này.
Hà Nội, tháng 8 năm 2016
VIỆN HỒ CHÍ MINH VÀ CÁC LÃNH TỤ CỦA ĐẢNG
XII
NĂM 1955
LỜI NÓI ĐẦU
Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 1 lấy mốc thời gian từ ngày 19-5-1890, ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến trước ngày 3-2-1930, với sự kiện Người đến Trung Quốc chuẩn bị Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Các sự kiện trong tập 1 sẽ giới thiệu với bạn đọc về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ sau đây:
Thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ lúc ra đời đến năm 16 tuổi, rời quê hương đi vào Huế lần thứ hai, phản ánh mối quan hệ của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành với gia đình và quê hương, việc học hành của Người và những nơi Người đã từng đi, từng sống với phụ thân, những việc vui, buồn của gia đình trong thời niên thiếu của Người.
Nguồn tài liệu của giai đoạn này chủ yếu là hồi ký đã được phân tích, đối chiếu với những tài liệu mới sưu tầm, phát hiện những năm gần đây để xác định thời gian rõ hơn. Với những sự kiện có kết luận mới, chúng tôi chú thích sử liệu để bạn đọc lưu ý.
Thời kỳ từ năm 16 tuổi đến lúc Người rời Tổ quốc (năm 1911) phản ánh về việc học hành ở Huế, những hoạt động yêu nước đầu tiên và sau đó là hành trình từ Huế vào Sài Gòn, những nơi dừng chân và làm việc trên chặng đường đó của Nguyễn Tất Thành.
XIII
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Thời kỳ Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước: Từ năm 1911 đến năm 1920, với sự kiện Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, là lúc Người trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là thời kỳ mà tư liệu còn ít ỏi, song với các nguồn đã có, chúng tôi cố gắng phản ánh hành trình của Người qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, cuộc sống của Người và sự trưởng thành dần trong nhận thức qua thực tế xã hội mà Người chứng kiến. Sự liên lạc thư từ giữa Nguyễn Tất Thành với những người Việt Nam đang sống ở Pháp, đặc biệt là với nhà yêu nước Phan Chu Trinh, việc Nguyễn Tất Thành tham gia các tổ chức ở Anh, ở Pháp và việc đưa bản Yêu sách của nhân dân An Nam tại Hội nghị Vécxây (Versailles).
Từ năm 1919, những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên báo chí Pháp, mở đầu cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân và vạch con đường giải phóng cho nhân dân các nước thuộc địa. Đây là một phương thức quan trọng trong hoạt động cách mạng của Người, vì vậy chúng tôi cố gắng lược thuật nội dung các bài viết hoặc trích dẫn những câu quan trọng nhằm giới thiệu những quan điểm, những tư tưởng lớn của Người.
Thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp: Từ năm 1920 đến tháng 6-1923, phản ánh những hoạt động phong phú, đa dạng của Người: tham gia các đại hội Đảng, các sinh hoạt chi bộ, liên lạc với những người dân thuộc địa sống trên đất Pháp để tuyên truyền, ra báo, xây dựng, tổ chức Hội Liên hiệp thuộc địa, tham gia câu lạc bộ Phôbua (Faubourg).
Chúng ta đều biết rằng từ cuối năm 1919, Bộ Thuộc địa Pháp đã bố trí một số mật thám theo dõi chặt chẽ mọi hoạt
XIV
TẬ P 1 : 1890 - 1929
động của Nguyễn Ái Quốc và gửi báo cáo hằng ngày cho Sở Mật thám Pari. Nhờ sự giúp đỡ của kiều bào Việt Nam ở Pháp, chúng ta có được nguồn tư liệu nói trên. Những nội dung cụ thể ghi trong các báo cáo đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn mối liên hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với Việt kiều và bạn bè các nước ở Pari. Vì vậy, chúng tôi đã chọn lọc và đưa vào sách này một số sự kiện giúp người đọc hiểu sâu thêm hoạt động của Nguyễn Ái Quốc.
Thời kỳ từ ngày 13-6-1923 đến đầu tháng 11-1924: Phản ánh hành trình của Người từ Pháp đến Liên Xô, những hoạt động tại các hội nghị Quốc tế Nông dân, Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva.
Thời kỳ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị thành lập Đảng: Từ tháng 11-1924 đến đầu năm 1930, phản ánh hoạt động của Người trên đất Quảng Châu (Trung Quốc), trên đất Xiêm (nay là Thái Lan) với hai nhiệm vụ lớn vừa xây dựng phong trào cách mạng trong nước, vừa theo dõi, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng ở một số nước Đông Nam Á; có một thời gian Người đi công tác ở Đức, Bỉ, Pháp theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản.
Trong tập này, chúng tôi sử dụng một số sự kiện lấy từ sách của các tác giả nước ngoài hoặc tác giả trong nước, dùng tài liệu gốc của nước ngoài, chúng tôi có ghi chú xuất xứ, tên tác giả cùng với tên sách đã sử dụng để bạn đọc có điều kiện tra cứu thêm.
Trong thời gian qua, một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được sưu tầm và công bố đầy đủ hơn, chính xác hơn. Chúng tôi đã căn cứ vào bộ Hồ Chí Minh toàn tập xuất bản lần thứ ba (năm 2011) và một số tài liệu mới khai thác của Bảo tàng Hồ Chí Minh để bổ sung cho tập biên niên những
XV
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
sự kiện mới, sửa lại thời gian của một số sự kiện và chú thích nguồn tư liệu theo Toàn tập mới.
Ngoài Hồ Chí Minh toàn tập, nhiều cuốn sách, nhiều báo cáo và một số công trình nghiên cứu khoa học đã phát hiện và giới thiệu thêm những sự kiện mới hoặc giới thiệu tỉ mỉ hơn các sự kiện về hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã cố gắng sưu tầm để bổ sung cho lần xuất bản này.
Về cách trình bày các sự kiện, chúng tôi vẫn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về viết biên niên, song đối với một số sự kiện trước đây do nguồn tài liệu hạn chế, viết còn sơ sài thì nay cố gắng viết rõ hơn, cụ thể hơn, toàn diện hơn, đầy đủ hơn, trích nguyên văn nhiều hơn, đặc biệt là phải nêu lên được mối quan hệ giữa Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành với hoàn cảnh lịch sử, với các nhân vật có liên quan, giúp người đọc thấy được môi trường và những nhân tố để Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trở thành Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này, để cuốn sách thực sự là cuốn biên niên tiểu sử chứ không dừng lại ở biên niên sự kiện.
Trong quá trình chỉnh sửa và bổ sung cho lần xuất bản này, chúng tôi được kế thừa các công trình nghiên cứu đã công bố và sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học và cán bộ nghiên cứu. Chúng tôi xin chân thành và trân trọng cảm ơn những sự giúp đỡ quý báu đó.
Mặc dù đã có cố gắng và thận trọng, song chắc chắn tập sách khó tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi chân thành mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc.
Hà Nội, tháng 8 năm 2016
NHÓM BIÊN SOẠN
XVI
NĂM 1890
Tháng 5, ngày 19
Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời niên thiếu tên là Nguyễn Sinh Cung, ra đời tại quê mẹ là làng Hoàng Trù (thường gọi là làng Trùa), xã Chung Cự1), tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Nguyễn Sinh Cung chào đời vào lúc thực dân Pháp đã đặt ách cai trị lên toàn cõi Việt Nam. Phong trào khởi nghĩa chống Pháp theo hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi tuy bị đàn áp nhưng thực dân Pháp vẫn không dập tắt được tiếng súng kháng chiến của nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Nghệ - Tĩnh và Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế... Ngay ở vùng Nghệ - Tĩnh,
1) Xã Chung Cự vốn có truyền thống nho học từ lâu đời. Theo sách Đăng khoa lục, từ đời Lê, niên hiệu Dương Hòa thứ nhất (năm 1635) đến năm 1919 là khóa thi Hương, thi Hội cuối cùng, qua 96 khoa thi, toàn xã Chung Cự đã có 193 người đậu, tính từ hiệu sinh và tú tài trở lên. Đây cũng là vùng đất có truyền thống yêu nước. Khi vua Hàm Nghi chạy ra Sơn phòng Quảng Trị hạ chiếu Cần Vương, ở Chung Cự có ông Vương Thúc Mậu lập đội nghĩa binh đóng ở núi Chung (gọi là Chung Nghĩa Binh) để chống Pháp. Dân Chung Cự và các xã lân cận theo ông rất đông. Đội Chung Nghĩa Binh đã nhiều phen làm cho giặc Pháp và quan lại Nam Triều phải lao đao.
1
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
nhiều sĩ phu yêu nước vẫn đang ngày đêm lo nghĩ về con đường cứu dân cứu nước thoát khỏi vòng nô lệ.
Thân phụ của Người là Nguyễn Sinh Sắc, sinh năm 18621) quê ở làng Kim Liên (thường gọi là làng Sen) cùng thuộc xã Chung Cự, cách Hoàng Trù 2km (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Ông Nguyễn Sinh Sắc vốn xuất thân từ gia đình nông dân, mồ côi cha mẹ sớm, từ nhỏ đã chịu khó làm lụng và ham học. Vì vậy, ông được cụ Hoàng Đường ở làng Hoàng Trù xin họ Nguyễn Sinh đem về nuôi. Ông vừa lao động, vừa tiếp tục học tập. Khi trưởng thành, ông thành hôn với người con gái đầu của cụ. Cho đến năm 1890, ông Nguyễn Sinh Sắc chưa thi cử và đỗ đạt gì.
Thân mẫu của Người là Hoàng Thị Loan, sinh năm 1868. Bà là một phụ nữ cần mẫn, đảm đang, đôn hậu, sống bằng nghề làm ruộng và dệt vải, hết lòng thương yêu và chăm lo cho chồng con ăn học.
Lúc này ông Sắc và bà Loan đã có ba người con. Nguyễn Sinh Cung là con thứ ba trong gia đình. Chị của Người là Nguyễn Thị Thanh, còn có tên là Nguyễn Thị Bạch Liên, sinh năm 18842).
1) Về năm sinh của ông Nguyễn Sinh Sắc, trước đây có sách ghi là năm 1863 nhưng các văn bản của triều Nguyễn bổ nhiệm ông, cũng như danh sách trúng tuyển kỳ thi Hội năm Thành Thái thứ 13 đều ghi ông sinh năm Nhâm Tuất (năm 1862).
Qua nhiều nguồn hồi ký cho biết: ông Nguyễn Sinh Sắc lên 3 tuổi (tuổi âm lịch) thì bố là Nguyễn Sinh Vượng mất (tháng 7-1864). Từ đó, chúng tôi cho rằng ông Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862.
2) Chị và anh của Nguyễn Sinh Cung đều là những người yêu nước và có tham gia phong trào yêu nước. Bà Nguyễn Thị Thanh đã từng nuôi giấu các thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp, bí mật vận động tiếp tế lương thực cho nghĩa quân và tham gia Duy Tân hội. Năm 1918, bà bị thực dân Pháp bắt, đày đi Quảng Ngãi, sau đó đưa về quản thúc ở Huế.
2
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Anh của Người là Nguyễn Sinh Khiêm, còn có tên là Nguyễn Tất Đạt, sinh năm 18881).
Gia đình Nguyễn Sinh Cung sống trong một căn nhà nhỏ ba gian lợp tranh, trên đất vườn của ông bà ngoại tại làng Hoàng Trù.
- Gia phả họ Nguyễn Sinh ở làng Kim Liên. Tài liệu lưu tại Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
- Bài viết “Xã Nam Liên và làng Kim Liên, quê hương của Hồ Chủ tịch”, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số tháng 5-1965, tr.7-8.
- Biên bản Hội thảo về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nghệ An, 1970. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.10.
1) Ông Nguyễn Sinh Khiêm đã từng tham gia biểu tình chống thuế ở Thừa Thiên, sau về quê tham gia phong trào Duy Tân. Năm 1914, ông Nguyễn Sinh Khiêm bị thực dân Pháp bắt, đày đi Nha Trang, rồi đưa về quản thúc ở thôn Phú Lễ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.
1890
3
TỪ NĂM 1890 ĐẾN NĂM 1895
Nguyễn Sinh Cung sống ở làng Hoàng Trù trong tình thương yêu và chăm sóc của bố mẹ và ông bà ngoại. Ông ngoại là Hoàng Đường, thuộc dòng dõi Nho học, mở trường dạy chữ Hán ngay tại nhà cho một số trẻ em trong làng. Bà ngoại là Nguyễn Thị Kép, cũng là con một gia đình có truyền thống Nho học, làm ruộng để nuôi gia đình. Nguyễn Sinh Cung nhỏ tuổi nhất trong nhà nên được mọi người trong gia đình yêu thương và chăm sóc nhiều hơn. Là một thiếu nhi thông minh, Nguyễn Sinh Cung thích nghe chuyện và hay hỏi những điều mới lạ. Điều gì đã biết thì Nguyễn Sinh Cung nhớ rất lâu, đặc biệt là những chuyện cổ tích, những câu hát phường vải mà bà ngoại và mẹ thường kể.
- Biên bản Hội thảo về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nghệ An, 1970. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.15-16.
Tháng 5, ngày 22, năm 1893
Nguyễn Sinh Cung chịu tang ông ngoại, mất ngày 7 tháng 4 năm Quý Tỵ (ngày 22-5-1893).
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.15.
4
Khoảng tháng 6, năm 1894
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Nguyễn Sinh Cung đón nhận tin vui: cha đậu cử nhân, khoa thi Giáp Ngọ năm Thành Thái thứ 6 (năm 1894) tại trường thi Nghệ An1).
- Quốc triều Hương khoa lục, Long cương tàng bản, xuất bản năm Thành Thái thứ 11 - Kỷ Dậu (1899).
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
Khoảng gần cuối năm 1895
Sau khi đậu cử nhân (năm 1894), ông Nguyễn Sinh Sắc vào Kinh đô Huế dự thi Hội, nhưng không đỗ.
Ông xin vào học Trường Quốc Tử Giám để chuẩn bị thi Hội kỳ sau. Được tiếp nhận, ông về quê đưa vợ và hai con trai cùng vào Huế; gửi con gái là Nguyễn Thị Thanh ở lại nhờ mẹ vợ nuôi.
Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha mẹ vào Huế. Thời kỳ này từ Nghệ An vào Huế chưa có đường xe lửa và ôtô. Mọi người đều đi bộ, trẻ con thường được ngồi trong quang gánh, vất vả nhiều ngày dọc đường mới tới được Kinh đô Huế.
Tới Huế, lúc đầu gia đình Nguyễn Sinh Cung phải ở nhờ những người quen, sau ở tạm trong một gian của trại lính gần Viện Đô sát.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.19-20.
- Tư liệu của Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
1) Trong danh sách khoa thi Hương Giáp Ngọ, năm Thành Thái thứ 6 (1894) có ghi tên ông Nguyễn Sinh Sắc.
1890 - 1895
5
5
NĂM 1898
Gần cuối năm
Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha về làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế khoảng 7km. Theo lời mời của ông Nguyễn Sĩ Độ, ông Nguyễn Sinh Sắc về đây dạy chữ Hán cho một số học sinh trong làng.
Ông Nguyễn Sinh Sắc và hai con ở trong nhà người em ông Nguyễn Sĩ Độ là Nguyễn Sĩ Khuyến (lúc này ông Khuyến chưa lập gia đình, nhà bỏ không. Ngôi nhà này hiện nay đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, nằm trong cụm di tích lưu niệm về Người ở làng Dương Nỗ).
Nguyễn Sinh Cung bắt đầu học chữ Hán từ đây. Với trí nhớ tốt, các bài học Nguyễn Sinh Cung chỉ đọc ba, bốn lần là thuộc1).
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
- Tư liệu của Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Hồi ức của ông Nguyễn Sĩ Tích (cháu ông Nguyễn Sĩ Độ). - Tư liệu của Đoàn khảo sát di tích Hồ Chí Minh năm 1975.
1) Theo lời kể của người nhà ông Nguyễn Sĩ Khuyến, có một hôm ông Nguyễn Sinh Sắc đi vắng, Nguyễn Sinh Cung cất sách đi chơi. Bạn bè khuyên Cung vào học bài thì Nguyễn Sinh Cung đã đọc thuộc lòng một mạch bảy trang sách cho các bạn nghe.
6
NĂM 1900
Gần cuối năm
Nguyễn Sinh Cung vẫn ở Huế với mẹ trong thời gian ông Nguyễn Sinh Sắc đi làm giám thị kỳ thi Hương tại Thanh Hóa, đưa Nguyễn Sinh Khiêm đi cùng.
Cuối năm, bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư, vì ông Sắc đi vắng, bà lại thiếu sữa phải cho con đi bú nhờ nên bà con gọi đùa là Xin, nhưng Xin quá yếu, đã mất sau một thời gian rất ngắn.
- Tư liệu của Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
7
7
NĂM 1901
Tháng 2, ngày 10
Nguyễn Sinh Cung chịu tang lớn trong tuổi thiếu niên: bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu, lâm bệnh và qua đời tại Huế (theo âm lịch là ngày 22 tháng 12 năm Canh Tý)1). Bà đã được những người láng giềng thân thiết lo việc mai táng, vì lúc này ông Nguyễn Sinh Sắc sau khi coi thi ở Thanh Hóa đã trở về Kim Liên và đang ở quê nhà.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.24.
- Công văn mật số 711 của Chánh Sở Điều tra Trung ương và Tổng Mật vụ. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Sau tháng 2
Sau khi mẹ mất, Nguyễn Sinh Cung được cha đưa về Nghệ An, gửi bà ngoại chăm sóc.
Tại quê, Nguyễn Sinh Cung học chữ Hán với thầy Hoàng Phan Quỳnh, lớp học mở tại xóm Vang, làng Hữu Biệt, cách Hoàng Trù 3km (nay thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
- Theo Hồi ức của cụ Trần Thị Huy, năm 1963. Tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
1) Theo lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh (tháng 5-1920) với Sở Mật thám thì bà Hoàng Thị Loan mất ở Huế ngày 19 tháng Chạp năm Thành Thái thứ 12 (tháng 2-1901).
8
TẬ P 1 : 1890 - 1929
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.25.
- Hồi ký của đồng chí Võ Thúc Đồng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh.
Tháng 5, trong tháng
Nguyễn Sinh Cung đón nhận tin vui: thân phụ đậu Phó bảng khoa thi Hội Tân Sửu, năm Thành Thái thứ 13 (năm 1901)1).
- Quốc triều khoa bảng lục, Long cương tàng bản, xuất bản năm Thành Thái thứ 18 – Bính Ngọ (1906).
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.10.
Tháng 9, trong tháng
Nguyễn Sinh Cung cùng gia đình chuyển về sống ở quê nội là làng Kim Liên (làng Sen).
Theo tục lệ hồi ấy, ông Nguyễn Sinh Sắc được làng Kim Liên đón về và được làng cấp đất công, xuất quỹ công làm một ngôi nhà để mừng ông (ngôi nhà và mảnh vườn đó từ năm 1957 được phục chế và trở thành Khu di tích Kim Liên).
1) Sách Quốc triều khoa bảng lục viết về kỳ thi này có những điều đáng chú ý như sau:
Có 4 bài đạt 6 điểm ở môn thi thứ ba (tam trường) của các ông Lê Ngải, Nguyễn Đình Hiến, Hoàng Đại Bỉnh và Nguyễn Sinh Huy. Ông Nguyễn Sinh Huy được Hội đồng Bộ phúc tra “quảng thủ” (lấy nới rộng).
Kỳ thi này có 9 người trúng “Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân” và 13 người trúng “Phó bảng”.
Ông Nguyễn Sinh Huy xếp thứ 11 trong số 13 vị Phó bảng và được ghi như sau: “Nguyễn Sinh Huy, trước mang tên Sắc, Nghệ An – Nam Đàn – Kim Liên. Sinh năm Nhâm Tuất, tuổi 40. Đậu cử nhân năm Giáp Ngọ. Được đỗ “lấy rộng thêm””. Tài liệu này nói rõ ông sinh năm 1862.
1901
9
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Về nhà mới, ông Sắc thường răn dạy các con ông: “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng” (nghĩa là đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình)1).
Tuy đã đỗ đạt nhưng ông Nguyễn Sinh Sắc và gia đình vẫn sống thanh bạch, đạm bạc.
Cũng nhân chuyện về sống ở quê nội, ông Nguyễn Sinh Sắc làm lễ “vào làng” cho hai con trai, với tên mới là Nguyễn Tất Đạt (Sinh Khiêm) và Nguyễn Tất Thành (Sinh Cung).
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
- Lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh với mật thám Pháp ngày 7-5-1920. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Sau tháng 9
Nguyễn Tất Thành được phụ thân gửi học chữ Hán với thầy Vương Thúc Quý ở trong làng Kim Liên. Thầy Vương Thúc Quý là người con độc nhất của tú tài Vương Thúc Mậu, lãnh tụ phong trào Cần Vương của huyện Nam Đàn, người đã hy sinh trong cuộc càn quét của giặc Pháp tại Kim Liên. Mang nặng nợ nước thù nhà, thầy Quý tuy đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học và cùng các sĩ phu yêu nước trong vùng âm mưu chống Pháp. Nhà thầy Quý là nơi các sĩ phu yêu nước thường lui tới, trong đó có các ông Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân... Những hôm nhà có khách, Nguyễn Tất Thành thường được thầy Quý lưu lại giúp đun nước, pha trà... Nhờ đó, Nguyễn Tất Thành được nghe nhiều chuyện qua các buổi luận bàn thời cuộc của các sĩ phu yêu nước.
- Tư liệu hồi ký. Tài liệu lưu tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An.
1) Qua hồi ký của nhiều người, ông Nguyễn Sinh Sắc đã lấy vôi viết các chữ Hán đó lên xà nhà.
10
KHOẢNG NĂM 1901 - 1902
Nguyễn Tất Thành bước đầu tiếp thu tư tưởng yêu nước của các bậc cha chú thông qua mối quan hệ giữa cha với các sĩ phu trong vùng. Trong tác phẩm Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu kể lại rằng: Nguyễn Tất Thành thường nghe Cụ ngâm hai câu thơ và sau này anh vẫn nhắc lại:
“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương”.
Nghĩa là:
“Mỗi bữa (ăn) không quên ghi sử sách
Lập thân hèn nhất ấy (là) văn chương”.
Nguyễn Tất Thành còn tìm đọc những cuốn sách mà các bậc cha chú thường nhắc tới và được phụ thân dẫn đi thăm các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trong vùng. Ngoài việc học tập, Nguyễn Tất Thành thường cùng bạn bè chơi các trò chơi của tuổi thiếu niên như đánh khăng, đánh trận giả, câu cá, bẫy chim, đánh vật... hoặc rủ nhau thăm các thắng cảnh, các di tích lịch sử - văn hóa trong vùng như núi Chung, đền Thánh Cả, chùa Đạt, đền Độc Lôi... Nơi Nguyễn Tất Thành thường lui tới nhiều nhất là lò rèn ông Điền và giếng Cốc ở gần nhà.
Có lần Nguyễn Tất Thành làm chung cùng các bạn trong làng một cái diều sáo. Làm xong đem thả, diều không lên. Sửa mấy cũng không được, các bạn nản chí bàn phá đi làm lại cái khác. Nguyễn Tất Thành không nghe theo các bạn và tiếp tục
11
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
sửa chữa. Đến khi diều tung gió bay cao, các bạn hỏi về cách sửa chữa, Nguyễn Tất Thành chỉ vẽ cho các bạn và bảo: “Cứ kiên trì chịu khó là được”.
Một lần khác, cùng các bạn câu cá ở cái ao gần nhà bà ngoại ở làng Trùa. Khi một bạn giật mạnh cần câu, lưỡi câu sắc nhọn, mắc vào tai Nguyễn Tất Thành, máu ra nhiều các bạn rất lo sợ. Nhưng Nguyễn Tất Thành nén chịu đau, bình tĩnh rút lưỡi câu ra, nhờ các bạn lấy “lá niệt” rửa sạch, đặt vào chỗ vết thương để cầm máu, và dặn các bạn đừng nói cho bà ngoại biết kẻo bà lo. Vết thương này sau thành sẹo, để dấu ấn ở tai Nguyễn Tất Thành.
- Phan Bội Châu niên biểu, Nxb. Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1955, tr.30.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.10.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.26, 30.
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
12
NĂM 1903
Mùa xuân
Nguyễn Tất Thành theo cha đến ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và tiếp tục học chữ Hán. Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Sắc dạy chữ Hán tại nhà ông Nguyễn Thế Văn.
Xã Võ Liệt là một xã có truyền thống yêu nước. Đó là quê hương của Phan Đà, người thanh niên mới 17 tuổi đã đứng ra chiêu tập nghĩa binh, tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Đó cũng là quê hương của Trần Tấn, người khởi xướng cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất (năm 1874) của văn thân Nghệ - Tĩnh.
Trong thời gian theo cha đến học ở Võ Liệt, Nguyễn Tất Thành lại có dịp nghe chuyện thời cuộc của các sĩ phu đến đàm đạo với cha mình.
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.41-42.
13
NĂM 1904
Tháng 4, ngày 13
Nguyễn Tất Thành chịu tang bà ngoại (theo âm lịch là ngày 28 tháng 2 năm Giáp Thìn).
Đây là cái tang lớn của cả gia đình. Sở dĩ ông Nguyễn Sinh Sắc học hành và đỗ đạt được chủ yếu nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình vợ. Bà ngoại cũng đã dành cho Nguyễn Tất Thành và những người cháu sớm mồ côi mẹ lòng yêu thương sâu sắc.
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
Tháng 4, sau ngày 13
Sau khi bà ngoại mất, Nguyễn Tất Thành theo cha từ xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương trở về Kim Liên để có điều kiện lui tới Hoàng Trù chăm lo hương khói cho gia đình bên ngoại. Nguyễn Tất Thành được phụ thân gửi đến học một thời gian ngắn với thầy Trần Thân ở làng Ngọc Đình, cạnh làng Kim Liên.
- Biên bản Hội thảo về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nghệ An, 1970. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.42-43.
Khoảng tháng 6, tháng 7
Nguyễn Tất Thành được chứng kiến cảnh thực dân Pháp và quan lại bắt phu trong vùng hoàn thành gấp rút đoạn đường
14
TẬ P 1 : 1890 - 1929
từ Cửa Rào (miền Tây Nghệ An) đi Trấn Ninh. “Vì bọn đốc công Pháp tàn bạo, nước độc và lương thực thiếu nên nhiều người đi phu bị chết, những người sống thì đều đau ốm”, nhân dân than thở và oán thán:
“Ai đi đến chốn Cửa Rào
Nhớ mang chiếc chiếu bó vào trải ra”.
Bó vào là để chôn, trải ra là để nằm dọc bờ dọc bụi. Ngày lên đường đi phu người ta thường nhớ kỹ để sau này làm giỗ.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.47-48.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.10.
- Nhiều tác giả: Bác Hồ - Hồi ký, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.26-27.
Nửa cuối năm
Nguyễn Tất Thành theo cha sang làng Du Đồng, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Sắc dạy học tại nhà ông Nguyễn Bá Úy ở thôn Hạ, xã Chính Trung, tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ).
Trong thời gian dạy học, ông Nguyễn Sinh Sắc đã tổ chức những buổi bình văn thơ, có lúc kéo dài tận khuya. Nguyễn Tất Thành thường chăm chú lắng nghe các buổi bình thơ đó.
Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh như làng Đông Thái, quê hương của Phan Đình Phùng, làng Trung Lễ, quê hương của Lê Ninh, thăm các di tích thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, v.v..
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
- Lời kể của bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cháu nội ông Nguyễn Bá Úy.
1904
15
NĂM 1905
Tháng 7, trong tháng
Nguyễn Tất Thành theo cha đến huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình trong dịp ông Nguyễn Sinh Huy đi gặp các sĩ phu ở vùng đó1).
Chính trong thời gian này, ông Nguyễn Thức Canh đến Kim Liên tìm Nguyễn Tất Thành để rủ đi xuất dương du học (phong trào Đông du) nhưng không gặp2).
- Phan Bội Châu niên biểu, Nxb. Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1957, tr.59-60.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13.
- Trần Trọng Khắc: Năm mươi bốn năm hải ngoại. Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
1) Trong số các sĩ phu đó có ông Nguyễn Quang Đoàn, con trai của lãnh tụ chống Pháp Nguyễn Quang Bích.
2) Trong cuốn Hồi ký Năm mươi bốn năm hải ngoại của Trần Trọng Khắc (tức Nguyễn Thức Canh) có đoạn: “Tôi cùng cụ Sào Nam ở chung trong một thuyền. Chín mười ngày sau, lúc các đồng chí đã đến họp, bàn bạc xong, cụ lên đường ra Bắc, tôi cùng Ngư Hải tiên sinh đồng đi cáo biệt với cách mạng đồng chí và tìm thanh niên xuất dương du học. Cụ Phó bảng Thái Sơn đương thời có tặng tôi một bài thơ thất ngôn tuyệt cú để làm quà tiễn biệt. Chúng tôi trước tới nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rủ anh Nguyễn Sinh Cung đồng đi, nhưng anh Cung đã đi ra Bắc không được gặp”.
16
Tháng 9, trong tháng
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt được ông Nguyễn Sinh Huy xin cho theo học lớp dự bị (Préparatoire) Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh, cách Kim Liên khoảng 14km.
Hai anh em trọ ở một gia đình nghèo mạn Cầu Rầm (Vinh) và chiều thứ bảy thường đi bộ về thăm nhà, sáng thứ hai lại xuống Vinh.
Chính tại trường tiểu học này, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên tiếp xúc với khẩu hiệu: Tự do, Bình đẳng, Bác ái1). - Chưa hết năm học, Tất Thành cùng cha vào Huế nhân dịp cha vào Kinh đô nhậm chức.
- Tài liệu của Khu di tích Kim Liên và Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh.
- Hồi ký của ông Chu Văn Phi, người cùng học lớp dự bị với Nguyễn Tất Thành. Tài liệu lưu tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An.
1) Năm 1923, trả lời nhà thơ Ôxíp Manđenxtam, Nguyễn Ái Quốc nói: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.
Qua tờ trình của Bộ Lại ngày 6-6-1906 và hồi ký trên đây, chúng tôi cho rằng Nguyễn Tất Thành tiếp xúc với khẩu hiệu trên ở thời điểm năm học 1905 - 1906 tại Vinh (Nghệ An).
Theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương, loại trường Pháp - bản xứ được thiết lập tại tỉnh lỵ các tỉnh trên toàn cõi Việt Nam từ năm 1905.
1905
17
NĂM 1906
Tháng 5, trong tháng
Nguyễn Tất Thành cùng Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế trong dịp ông Nguyễn Sinh Huy vào Kinh đô nhậm chức. Những người đỗ cùng khoa với ông Nguyễn Sinh Huy đều đi làm thừa biện từ năm 1903, sau kỳ thi hai năm. Ông Nguyễn Sinh Huy không muốn đi làm quan, đã một vài lần lấy cớ ốm đau, chịu tang mẹ vợ, v.v. để nấn ná ở lại quê nhà. Song không thể trì hoãn thêm được nữa, cuối tháng 5-1906, ông phải vào Huế để chờ bổ nhiệm1).
- Tờ trình của Bộ Lại, ngày 15 tháng 4 (nhuận) năm Thành Thái thứ 18. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.53.
1) Trong tờ trình của Bộ Lại đề ngày 15 tháng 4 (nhuận) năm Thành Thái thứ 18 (tức ngày 6-6-1906) có ghi rõ: “Mới đây theo lời bẩm của Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (bốn mươi lăm tuổi, người tỉnh Nghệ An), viên này dự trúng Phó bảng kỳ thi Hội khoa Tân Sửu năm Thành Thái thứ 13 (1901). Lần đó về thăm quê nhà xong việc bị bệnh ở lại quê quán uống thuốc, nay bệnh đã khỏi đến bộ tôi đợi mệnh”.
Qua tài liệu này, chúng ta biết được ông Nguyễn Sinh Huy cùng hai người con trai đã đến Huế vào cuối tháng 5-1906 và tháng 6-1906 mới nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ.
18
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Từ tháng 7
Nguyễn Tất Thành cùng cha và anh ở tại căn buồng trong dãy “Thuộc viên”, cấp cho ông Nguyễn Sinh Sắc gần cửa thành Đông Ba (Huế). Dãy nhà này nguyên là trại lính “phòng thành”, được sửa chữa lại làm nơi ở cho các quan nhỏ làm việc trong sáu bộ của Hoàng triều. Anh em Nguyễn Tất Thành ngoài thì giờ học phải thay nhau lo việc nội trợ giúp cha.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.53.
Tháng 9, trong tháng
Nguyễn Tất Thành vào học lớp dự bị (Cours préparatoire) tại Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên1). Trường đặt trước cổng thành Đông Ba và xây trên nền của đình chợ Đông Ba ngày xưa nên nhân dân quen gọi là Trường Đông Ba. Trường dạy cả ba thứ chữ: chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán.
Ngoài việc học ở nhà trường, Nguyễn Tất Thành còn nhờ người mượn sách ở Lầu tàng thư (nơi lưu trữ sách và các loại văn thư của triều Nguyễn) về đọc.
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
- Tư liệu của Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Tư liệu khảo sát năm 1975 và năm 1976 của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
1) Theo lời khai của Nguyễn Tất Đạt ở Sở mật thám Huế ngày 19-3-1920: 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế. Nguyễn Tất Đạt làm thợ máy in tay ở Tòa Khâm sứ, còn Nguyễn Tất Thành tiếp tục học ở Trường Pháp - Việt. Nguyễn Tất Thành đỗ sơ đẳng tiểu học năm 1908 và được vào học tại Trường Quốc học Huế.
1906
19
NĂM 1907
Tháng 9, trong tháng
Nguyễn Tất Thành vào học lớp sơ đẳng (Cours élémentaire)1) tại Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên.
- Hồi ký của các ông Lê Thiện, Lê Thanh Cảnh. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
1) Về việc học tập của mình, có lần Bác Hồ nói với đồng chí thư ký của Bác rằng: Bác học chính thức trên ghế nhà trường chỉ hết lớp nhì của bậc tiểu học (Theo nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ, Bác nói vào tối 27-8-1945).
Đối chiếu toàn bộ quá trình, chúng tôi cho rằng Bác học lớp dự bị (Préparatoire) tại Vinh vào năm 1905 - 1906 nhưng chưa học hết năm học, vào Huế, Bác học lại lớp dự bị và tiếp đó học lớp sơ đẳng (Cours élémentaire) tại Trường Tiểu học Đông Ba vào các năm học 1906 - 1908.
20
NĂM 1908
Tháng 4, ngày 12
Nguyễn Tất Thành tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên.
Thời kỳ này, hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, nông dân các tỉnh Trung Kỳ nổi dậy chống thuế1. Họ đi tay không. Họ chỉ đòi giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc ngắn và gọi nhau là “đồng bào”.
Vì những hoạt động yêu nước, tham gia cuộc đấu tranh của nông dân, Nguyễn Tất Thành đã bị thực dân Pháp để ý theo dõi. Ông Nguyễn Sinh Sắc cũng bị chúng khiển trách với lý do đã để cho con trai có những hoạt động bài Pháp.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.12.
- Hồ sơ của mật thám Pháp. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 8, trong tháng
Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Sinh Côn có thể được nhận vào Trường Quốc học Huế, theo thư của ông Hiệu trưởng Quốc học Sukê (Chouquet) gửi ông Khâm sứ Trung Kỳ.
- Thư của ông Sukê (Chouquet) ngày 7-8-19081). Tài liệu lưu
1) Toàn văn thư của ông Sukê trả lời Công văn số 526, ngày 4-8-1908 của Khâm sứ Trung Kỳ như sau:
“Huế, ngày 7 tháng 8 năm 1908.
Tiếp theo thư số 526 đề ngày 4-8 năm nay của Ngài, tôi hân hạnh báo cho Ngài rõ có thể tiếp nhận vào Trường Quốc học học sinh có tên Nguyễn Sinh Côn, người gốc Nghệ An, học sinh Trường Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên. Ký tên: Chouquet”.
Qua thư của ông Sukê và lời khai của Nguyễn Tất Đạt ngày 19-3-1920 thì tháng 9-1908, Nguyễn Tất Thành mới vào học Trường Quốc học Huế.
21
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại (CAOM), ký hiệu RI tủ GGI, hộp RSA.
- Báo Lao động, số Tết Ất Dậu (2005), bài của Nguyễn Đắc Xuân.
Tháng 9, trong tháng
Nguyễn Tất Thành vào lớp trung đẳng (Cours moyen) tại Trường Quốc học Huế.
Thời kỳ này, Trường Quốc học Huế (Quốc gia học đường) có các lớp sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng (Cours supérieur). Trường dạy Pháp văn, Việt văn và Hán văn, ngoài ra còn dạy các môn khoa học khác. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính dạy trong trường.
Trong thời gian học tại Trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành được chứng kiến bọn thực dân Pháp khinh rẻ, bóc lột, hành hạ người Việt Nam, nhà trường ca ngợi chế độ thực dân phong kiến.
Nguyễn Tất Thành còn được nghe kể về những hành động của những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những bàn luận về con đường cứu nước trong các sĩ phu yêu nước.
- Hồi ký của các ông Lê Thiện, Lê Thanh Cảnh. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Hồi ký của La Hoài, đăng trong Tập san Hội Ái hữu Quốc học, số 2. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
22
NĂM 1909
Tháng 6, đầu tháng
Nguyễn Tất Thành theo cha vào huyện Bình Khê1) thuộc tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nhân ông Nguyễn Sinh Sắc được cử nhậm chức tri huyện ở đó2).
1) Lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh với mật thám Pháp ngày 7-5-1920 nói rõ lúc thân phụ của bà đi nhậm chức tri huyện Bình Khê có đưa Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt đi cùng.
Đối chiếu với nguồn tài liệu khác: Bác nói với đồng chí Phạm Ngọc Thạch rằng, lúc Bác vào Quy Nhơn thì Phạm Ngọc Thạch mới sinh (ngày 7-5- 1909), như vậy Bác có mặt ở Quy Nhơn cùng lúc với phụ thân đến nhậm chức vào khoảng đầu tháng 6-1909.
2) Trong tờ trình của Bộ Lại ngày 29-5-1909 (ngày 14 tháng 4 năm Duy Tân thứ 3) ghi rõ:
“Bộ Lại tâu,
Phụng Chiếu tri huyện huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định) hiện nay đang khuyết (do Hồ Tiếu Khanh dính líu tiền nong bị triệt hồi chờ xét), tỉnh ấy đã phái viên hậu bổ Phạm Lê Doãn kiêm tạm.
Bộ tôi chọn trong các người tại chức lâu năm đang được bổ dụng (là các ông trước tác tòng chức hành tẩu Bộ Lễ Lê Văn Tường, trước tác tòng chức thừa biện Bộ Lễ Nguyễn Sinh Huy, biên tu tòng chức hành tẩu Bộ Hình Nguyễn Đình Quảng), 12 ngày trước nhóm bàn, tiếp công văn trả lời của quý Khâm sứ đại thần Gơrôlô rằng y bổ Nguyễn Sinh Huy làm tri huyện Bình Khê. Xét trước tác tòng chức Thừa biện Bộ Lễ Nguyễn Sinh Huy (bốn mươi tám tuổi, người tỉnh Nghệ An, đỗ Phó bảng tháng 4 năm Thành Thái thứ 13 bổ thụ chức Kiểm thảo, làm Thừa biện Bộ Lễ, tháng 2 năm Duy Tân thứ 2 thăng chức Tu soạn thư trước tác, tháng 3 cùng năm lĩnh chức Trước tác thực thụ) xin cải bổ chức Đồng tri phủ lãnh chức Tri huyện huyện này”.
23
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Thời gian ở Bình Khê, Nguyễn Tất Thành thường được phụ thân dẫn đi thăm các sĩ phu trong vùng và thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn, nơi phát tích của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.
- Tờ trình của Bộ Lại ngày 29-5-1909. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
- Lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh với mật thám Pháp ngày 7-5-1920. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Tư liệu của Khu di tích Kim Liên - Nghệ An.
- Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Ban Khoa học Kỹ thuật, Tỉnh ủy Bình Định xuất bản, 1991, tr.36.
Từ tháng 9
Để tiếp tục việc học tập, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ1) dạy tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng (Cours supérieur).
- Lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh với mật thám Pháp ngày 7-5-1920. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Hồi ức của bà Phạm Ngọc Diệp, chị ruột ông Phạm Ngọc Thạch. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Tư liệu của Hội thảo Thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội, tháng 2-1987.
1) Ông Phạm Ngọc Thọ là thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, lúc đó là trợ giáo hạng nhì (Instituteur auxiliaire 2e classe) của Trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.
24
NĂM 1910
Tháng 1, sau ngày 17
Nguyễn Tất Thành được tin cha bị triều đình bãi chức và triệu hồi về Huế.
- Tờ trình của Bộ Hình ngày 19 tháng 8 năm Duy Tân thứ 4. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Điện của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Công sứ Phan Thiết, ngày 10-11-1923. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 9, đầu tháng
Trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Do hết tiền, anh phải xin vào làm trợ giáo (Moniteur), dạy môn thể dục tại Trường Dục Thanh1), một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội
1) Năm 1960, tập sách Bác Hồ do nhiều tác giả viết, được Nxb. Văn học in tại Hà Nội. Khi đọc bài Quê hương và thời niên thiếu của Hoài Thanh và Thanh Tịnh viết, Bác nói với đồng chí thư ký hai ý:
- Bác không có ý định dừng lại Phan Thiết song đến đó thì tiền lộ phí đã cạn mới quyết định ở lại tìm việc làm để có tiền đi tiếp cuộc hành trình. - Bác không dạy học ở Phan Thiết lâu đến “bảy, tám tháng” như Hoài Thanh và Thanh Tịnh đã viết.
(Ý kiến của đồng chí Vũ Kỳ trong buổi làm việc với Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương về bản thảo Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh). Theo Nguyễn Tất Đạt, lương tháng trợ giáo của Nguyễn Tất Thành là 8 đồng.
25
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
và Nguyễn Quý Anh (con trai cụ Nguyễn Thông, một nhân sĩ yêu nước) thành lập năm 1907.
- Hồi ức của các ông Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng - học sinh Trường Dục Thanh năm học 1910 - 1911. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.13.
- Tư liệu của Hội thảo khoa học Bác Hồ với Thuận Hải, Thuận Hải với Bác Hồ, tháng 5-1986. Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
26
NĂM 1910 - 1911
Từ nửa sau tháng 9-1910 đến trước tháng 2-1911 Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại một căn nhà có tên gọi là nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông. Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, chẳng hạn bài Á tế Á ca, bài Ca hớt tóc, v.v.. Thầy phụ trách thể dục buổi sáng của nhà trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng, như động Thiềng Đức, bãi biển Thương Chánh.
- Hồi ức của các ông Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng - học sinh Trường Dục Thanh năm học 1910 - 1911. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.15.
- Tư liệu của cuộc Hội thảo khoa học Bác Hồ với Thuận Hải, Thuận Hải với Bác Hồ, tháng 5-1986. Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
27
NĂM 1911
Tháng 2, trong tháng
Sau mấy tháng dạy học ở Trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành rời trường đi Sài Gòn, thực hiện hoài bão từng nung nấu là tìm cách sang Pháp và các nước phương Tây để xem “họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta”1).
- Tư liệu của Hội thảo khoa học Bác Hồ với Thuận Hải, Thuận Hải với Bác Hồ, tháng 5-1986. Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Tháng 6, trước ngày 2
Nguyễn Tất Thành bàn với một người bạn thân về chuyện đi ra nước ngoài. Anh nói:
“- Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không?”.
Khi người bạn hỏi lấy đâu ra tiền mà đi, anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay:
“Đây, tiền đây... chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13-14.
1) Theo lời khai của Nguyễn Tất Đạt, thời gian đầu Nguyễn Tất Thành xin vào học trường thợ máy (École des mécaniciens), sau vài tháng học mới làm phụ bếp trên tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis).
28
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Tháng 6, ngày 2
Nguyễn Tất Thành xin việc làm ở tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville)1), một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao2) đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille) Pháp.
- Đơn của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống Pháp, ngày 15-9-1911. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.14-15.
Tháng 6, ngày 3
Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới: Văn Ba.
- Sổ lương của tàu Amiran Latusơ Tơrêvin. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Tháng 6, ngày 5
Nguyễn Tất Thành từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc đi sang Pháp. Người thanh niên 21 tuổi ấy ra đi với mục đích gì? Để kiếm kế sinh nhai, hay để thỏa mãn một ước mơ xa lạ nào đó của tuổi trẻ. Điều đó, hơn mười năm sau chính anh đã trả lời một nhà báo Nga3) rằng:
“Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da
1) Tàu Amiran Latusơ Tơrêvin được đóng tại xưởng Sinazaire (Pháp) hạ thủy năm 1901, đăng ký tại cảng Lơ Havơrơ năm 1904, dài 110,02m; rộng 15,21m; cao 8,046m; sức chở 3.436 tấn; tốc độ tối đa 12 hải lý/giờ.
2) Hãng Năm Sao chính là Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) trên ống khói có năm ngôi sao năm cánh nên dân ta gọi nôm na là hãng Năm Sao. 3) Nhà báo, nhà thơ Nga Ôxíp Manđenxtam (B.T).
1911
29
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.
Một lần khác, trả lời một nhà văn Mỹ1), Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.
- Nguyễn Ái Quốc: “Thăm một chiến sĩ cộng sản”, báo Ogoniok, số 39, ngày 23-12-1923.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.461.
Tháng 6, sau ngày 5
Sau khi nhận việc ở tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, Nguyễn Tất Thành viết thư về cho thầy giáo Hải, dạy tiếng Pháp ở Trường Dục Thanh báo tin mình đã đi ra nước ngoài2).
- Hồi ức của các ông Nguyễn Quý Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, Từ Trường Phùng - học sinh Trường Dục Thanh năm học 1910 - 1911. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Tư liệu của cuộc Hội thảo khoa học Bác Hồ với Thuận Hải, Thuận Hải với Bác Hồ, tháng 5-1986. Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Tháng 6, ngày 8
Nguyễn Tất Thành ghé cảng Xinhgapo (Singapore) theo hành trình của tàu.
- Sổ nhập cảng của tàu Amiran Latusơ Tơrêvin. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
1) Nhà văn Mỹ Anna Luy Xtơrông (B.T).
2) Theo hồi ức của một số học sinh cũ của Trường Dục Thanh, bức thư đó đã được đọc cho thầy trò của trường nghe trong bữa tiệc tiễn số học sinh ra Huế học.
30
Tháng 6, ngày 14
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Nguyễn Tất Thành ghé cảng Côlômbô (Colombo) của Xâylan (Ceylan)1), theo hành trình của tàu.
- Sổ nhập cảng của tàu Amiran Latusơ Tơrêvin. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Tháng 6, ngày 30
Nguyễn Tất Thành ghé cảng Xaít (Sa’id) của Aicập theo hành trình của tàu.
- Sổ nhập cảng của tàu Amiran Latusơ Tơrêvin. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Tháng 7, ngày 6
Sau một tháng vượt biển, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin đến Mácxây, một hải cảng quan trọng của nước Pháp. Lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên đất Pháp.
- Sổ nhập cảng của tàu Amiran Latusơ Tơrêvin. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Tháng 7, sau ngày 6
Nguyễn Tất Thành sống những ngày đầu tiên trên đất Pháp, trong thời gian chờ tàu dỡ hàng.
Anh đã được chứng kiến ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở xứ sở của mình, nhận thấy người Pháp trên đất Pháp tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương.
Anh nói với người bạn điều anh nghĩ: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của nước họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta”.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.17-18.
1) Nay là Xri Lanca.
1911
31
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Tháng 7, ngày 15
Nguyễn Tất Thành tới Lơ Havơrơ (Le Havre), một hải cảng ở miền Bắc nước Pháp, theo hành trình của tàu.
- Sổ nhập cảng của tàu Amiran Latusơ Tơrêvin. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Tháng 8, ngày 26
Nguyễn Tất Thành đến Đoongkéc (Dunkerque), một hải cảng của Pháp trên bờ biển Măngsơ (Manche), theo hành trình của tàu.
- Sổ nhập cảng của tàu Amiran Latusơ Tơrêvin. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Tháng 9, ngày 15
Nguyễn Tất Thành viết đơn gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp trình bày nguyện vọng muốn vào học Trường Thuộc địa (École Coloniale)1). Đơn được gửi từ Mácxây ngày 15-9-1911, có đoạn viết:
“Tôi vinh hạnh, xin một đặc ân với lòng nhân từ cao cả của ông được thu nhận vào học Trường Thuộc địa như một học sinh nội trú.
1) Trường Thuộc địa (École Coloniale) được thành lập năm 1885 tại Pari với mục đích đào tạo những công chức để gửi sang các nước thuộc địa làm việc. Học viên chủ yếu là người Pháp, rất ít người của các nước thuộc địa, trừ một số do chính quyền ở thuộc địa gửi sang.
Lá đơn trên đây viết ngày 15-9-1911 từ Mácxây đặt ra một vấn đề mới để nghiên cứu thêm: sau khi tàu Amiran Latusơ Tơrêvin đến Lơ Havơrơ, Nguyễn Tất Thành chưa rời tàu để đi làm vườn như các tài liệu trước đây viết. Trong sổ lương còn ghi rõ: Văn Ba lĩnh lương tại Sài Gòn vào ngày 16-10-1911 trong chuyến đi của tàu từ Đoongkéc về Hải Phòng.
32
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Hiện tại tôi là nhân viên của Hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunis) tàu Amiran Latusơ Tơrêvin”.
- Đơn ngày 15-9-1911 của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống Pháp. Bản chụp bút tích lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
Tháng 10, trước ngày 31
Nguyễn Tất Thành vẫn làm việc trên tàu Đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin, theo hành trình con tàu trở về Sài Gòn.
- Hồi ký của Từ Trường Phùng - học sinh Trường Dục Thanh năm học 1910 - 1911.
- Sổ lĩnh lương tàu Đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin (bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, ghi rõ nhận lương tại Sài Gòn, ngày 16-10-1911, chữ ký Văn Ba).
Tháng 10, ngày 31
Từ Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển số tiền 15 đồng cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Số tiền trên đã được ông Nguyễn Sinh Huy ký nhận ngày 9-11-1911.
- Hồ sơ của Chánh mật thám Trung Kỳ lập tại Huế, ngày 12-1-1923. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- D. Hémery: Jeunesse d’un colonisé, genèse d’un exil. Ho Chi Minh jusqu’en 1911, Approche - Asie, No11 - 1992, p.132.
1911
33
NĂM 1912
Trong năm
Nguyễn Tất Thành theo tàu lên Lơ Havơrơ để sửa chữa. Trong thời gian đó, anh theo chủ tàu về nhà, giúp việc làm vườn, thời gian khoảng độ một tháng. Nhân có một chuyến tàu hàng đi vòng quanh châu Phi, anh nhận lời ông chủ làm thuê trên tàu để có dịp được đi. Mỗi khi tàu dừng lại ở những bến cảng một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông..., anh lại tranh thủ tìm cách lên thăm thành phố. Ở đâu, anh cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Một trong những cảnh tượng ấy anh đã trông thấy ở Đaca (Dacar) như sau: “Đến Đaca, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả canô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi”.
Cảnh đó làm cho Nguyễn Tất Thành hết sức đau xót, anh khóc. Hỏi tại sao, anh buồn rầu trả lời:
“Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác và vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi cũng thấy những chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi
34
TẬ P 1 : 1890 - 1929
đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.23 - 24.
Khoảng quý IV
Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh. Toàn văn bức thư như sau:
“Hy Mã nghi bá Đại nhơn,
Cách lâu không tiếp được tôn tín, không hay Bác hành chỉ thế nào và sự thể bên ta thế nào? Và cháu muốn biết như cháu có thể gặp Bác trước lúc Bác đi1) hay không, vì cháu rất cần một ít tôn hội.
Xin Bác trả lời liền cho cháu, vì chừng nào trong tuần lễ cháu sẽ xuống tàu “đi chưa biết đi đâu”.
Kính chúc bác, Mr. Trường2) và em Dật3) và các đồng bào yên hảo.
C. Đ. TẤT THÀNH
10. Orchard Place. 10
Southampton
England”.
- Bản chụp bút tích lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc ở Pari (1917 - 1923), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.429.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.1.
1) Chỉ việc cụ Phan Chu Trinh đang bị phái hữu trong Bộ Thuộc địa ép phải đi khỏi Pari (B.T).
2) Tức luật sư Phan Văn Trường (B.T).
3) Em Dật, tức Phan Chu Dật, con trai cụ Phan Chu Trinh (B.T).
1912
35
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Tháng 12, trước ngày 15
Nguyễn Tất Thành đến nước Mỹ1).
- Điện tín số 125.S của Chánh mật thám Sài Gòn. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
- Đêvít Đenlingiơ: “Nói chuyện với Hồ Chủ tịch”, tạp chí Libération, tháng 10-1969.
Tháng 12, ngày 15
Từ Niu Oóc (New York), Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha là Nguyễn Sinh Huy. Thư cho biết đã gửi cho ông Nguyễn Sinh Huy ba ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một lần trả lời. Thư ký tên Paul Tất Thành, kèm theo địa chỉ hòm thư lưu: Số 1, đường Đô đốc Cuốcbê (Courbet), Lơ Havơrơ, Pháp.
- Điện tín số 125.S của Chánh mật thám Sài Gòn. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
- D. Hémery: Jeunesse d’un colonisé, genèse d’un exil Ho Chi Minh jusqu’en 1911, Approche - Asie, No11 - 1992, p.132.
1) Chúng tôi giới thiệu một tài liệu mới tìm được. Đó là Điện tín số 125.S của Chánh mật thám Sài Gòn gửi Chánh mật thám Huế và Giám đốc Tổng mật vụ Phủ Toàn quyền Hà Nội. Bức điện đó đánh đi từ Sài Gòn ngày 13- 11-1923 viết:
“Trong quá trình khẩn trương và được tiến hành với tất cả tinh thần trách nhiệm, tôi đã tìm thấy trong tài liệu lưu trữ bức thư gốc gửi Khâm sứ Trung Kỳ, đề tại Niu Oóc ngày 15-12-1912, ký tên Paul Tất Thành, con trai Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Bức thư đến Nam Kỳ vào cuối năm 1912. Lúc đó Nguyễn Sinh Huy đã có ở đây. Từ lâu ông Huy không có mối liên lạc gì với con trai, chỉ thật họa hoằn lắm mới nhắc tới con trai”.
Qua tài liệu này, đối chiếu với một số nguồn tài liệu khác, chúng tôi cho rằng Nguyễn Tất Thành đã có một thời gian sống ở Mỹ vào cuối năm 1912, đầu năm 1913.
36
Tháng 12, trong tháng
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Cùng với bức thư gửi cho phụ thân, Nguyễn Tất Thành còn gửi một bức thư cho ông Nguyễn Sinh Khiêm thời kỳ này đang giúp việc vặt ở Tòa Khâm sứ Trung Kỳ. Nguyễn Tất Thành nhờ anh trai vận động xin cho Thành vào học Trường Thuộc địa tại Pari. Ông Khiêm đã gửi bức thư cho Toàn quyền Anbe Xarô (Albert Sarraut) và lá thư đã được chuyển tới Khâm sứ Trung Kỳ1).
- Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc ở Pari (1917 - 1923), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.427-428.
Từ sau khi đến Niu Oóc
Nguyễn Tất Thành vừa làm thuê trên tàu, vừa tranh thủ đi thăm, tìm hiểu đời sống của những người lao động Mỹ. Năm 1966, trong một lần tiếp nhà báo Mỹ Đêvít Đenlingiơ (David Delingher), Bác Hồ có nói: “Khi trở về Mỹ ông có thể nói rằng tôi đã làm thuê cho người ta ở Brúclin (Brooklin) với lương tháng 40 đôla, còn bây giờ làm Chủ tịch nước Việt Nam tôi được lĩnh 44 đôla”.
“... Tôi làm việc không đến nỗi vất vả lắm và dùng một số thời gian rảnh để học tập và đi thăm những khu vực trong thành phố”.
Người còn nhắc đến chuyện đi xe điện ngầm tới thăm khu Háclem và rất xúc động trước điều kiện sống của người da đen.
- Đêvít Đenlingiơ: “Nói chuyện với Hồ Chủ tịch”, tạp chí Libération, tháng 10-1969.
1) Ngày 25-5-1912, Khâm sứ Trung Kỳ đã gửi Công văn số R28–6971 (lưu tại CAOM – Pari) gửi Toàn quyền Đông Dương, nội dung như sau: “Phúc Công văn số 263 chuyển đơn của Nguyễn Sinh Khiêm xin cho em là Nguyễn Tất Thành vào Trường Thuộc địa, xin báo Ngài là ông chủ sự giáo dục Trung Kỳ, được hỏi ý kiến đã cho biết người thanh niên này đã bắt đầu học Trường Quốc học Huế, nay qua làm bồi ở Pháp, có thể tiếp tục học ở một trường tại thuộc địa trước khi có tham vọng trở thành sinh viên ở Pháp”.
1912
37
NĂM 1913
Khoảng quý I
Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Lơ Havơrơ, sau đó sang Anh.
Sau khi đến nước Anh, để sinh sống, anh nhận cào tuyết cho một trường học. Công việc quá vất vả mệt nhọc, anh đành phải bỏ việc. Anh tìm được một việc khác là đốt lò. Từ 5 giờ sáng, anh đã phải chui xuống hầm để nhóm lửa, suốt ngày đổ than, thay than trong lò, sống trong cảnh tranh tối tranh sáng, ngột ngạt đáng sợ. Nhưng cũng ngay từ những ngày đầu tiên đến nước Anh, Nguyễn Tất Thành bắt tay ngay vào việc học tiếng Anh. Hằng ngày, sáng sớm và buổi chiều, nghĩa là trước và sau giờ lao động để kiếm tiền sống, anh miệt mài tự học. Hằng tuần, vào ngày nghỉ, anh học tiếng Anh với một giáo sư Italia.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.25-28.
- Thư Nguyễn Tất Thành gửi cụ Phan Chu Trinh. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Quý I
Từ Xuphơrarét (Anh), Nguyễn Tất Thành gửi cụ Phan Chu Trinh (lúc này đang sống ở Pháp) một bài thơ theo thể thất ngôn bát cú. Toàn văn như sau:
“Xuphơrarét
Chọc trời khuấy nước tiếng đùng đùng,
Phải có kiên cương mới gọi hùng.
Vai cứng long lanh ngoài ách tớ,
38
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Má đào nóng nảy giới quyền chồng.
Lợi chung dầu sẽ mua về được,
Kiếp mong chi nài sự có không.
Ba hột đạn thầm hai tấc lưỡi,
Sao cho ích giống mấy cam lòng.
Hy Mã nghi bá Đại nhân thấu
Cuồng điệt: TẤT THÀNH”.
- Bản chụp bút tích lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr.26.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.2.
Khoảng giữa năm
Từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh ở Pháp. Toàn văn bức thư như sau:
“Hy Mã nghi bá Đại nhơn,
Cháu kính chúc Bác, em Dật và ông Trạng mấy các anh em ta ở Pari đều mạnh giỏi. Nay cháu đã tìm được nơi để học tiếng. Mấy 4 tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn luôn. Tuy ở Anh song chẳng khác gì ở Pháp và tháng ngày luống những chỉ lo làm khỏi đói, chớ chẳng học được bao nhiêu. Và cháu ước ao rằng 4, 5 tháng nữa lúc gặp Bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều.
Bên ta có việc gì mới? Và nếu Bác dịch mấy hồi sau1) xong rồi xin Bác gửi cho cháu.
1) Chỉ tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca do Phan Chu Trinh dịch từ tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Sài Tử Lang xuất bản năm 1885, dựa theo bản dịch Hán văn của Lương Khải Siêu, thành 7.000 câu thơ lục bát. Sách gồm 9 hồi, hồi thứ 9 còn dở dang. Sách đặt vấn đề về quyền độc lập, tự do, dân quyền ở các nước thuộc địa trên thế giới những năm 50 của thế kỷ XIX. Năm 1926, Ngô Đức Kế cho in lần đầu tiên ở Hà Nội, nhưng chưa kịp phát hành đã bị tịch thu (B.T).
1913
39
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Chuyến này Bác sẽ đi nghỉ hè đâu?
Nay kính
Cuồng điệt: NGUYỄN TẤT THÀNH”.
- Bút tích bức thư lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr.23.-24.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.1, tr.3.
Khoảng cuối năm
Sau hai tuần nghỉ việc đốt lò vì bị cảm, Nguyễn Tất Thành đến làm thuê ở khách sạn Đraytơn Cơớc, đại lộ Đraytơn, khu Oét Ilinh (Drayton Court, Drayton Av., West Ealing), Tây Luân Đôn.
Một thời gian sau, Nguyễn Tất Thành lại chuyển sang làm phụ bếp ở khách sạn Cáclơtơn (Carlton), phố Hây Makét, một khách sạn sang nổi tiếng ở Luân Đôn. Anh làm việc dưới sự điều khiển của vua đầu bếp người Pháp Étcốpphie (Escophier).
Công việc của anh là dọn dẹp bát đĩa và đồ đạc. Anh làm rất cẩn thận. Đáng lẽ vứt thức ăn thừa vào một cái thùng thì anh lại để riêng những thức ăn còn sạch sẽ, có lúc là một phần tư con gà hoặc còn nguyên cả miếng bít tết để đưa lại cho nhà bếp.
Ông già Étcốpphie chú ý tới việc làm đó và hỏi anh: - Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng như những người khác?
Tất Thành trả lời:
- Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy.
40
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Étcốpphie vừa nói vừa cười và có vẻ bằng lòng: - Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dạy cho anh cách làm bếp, làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền.
Từ đó, Tất Thành được ông vua bếp đưa vào chỗ làm bánh với số lương cao hơn.
Những người trong khách sạn cho đó là một việc lớn vì lần đầu tiên ông vua bếp làm như thế.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.21, 28, 29.
1913
41
NĂM 1914
Tháng 8, đầu tháng
Từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Chu Trinh ở Pháp. Bức thư có đoạn:
“Bác kính mến,
Tiếng súng đang rền vang và thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đã vào vòng chiến. Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng, cháu đã nói với Bác về cơn giông sấm động. Số mệnh sẽ còn dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ thắng. Các nước trung lập còn đang lưỡng lự và các nước tham chiến không thể đoán biết được ý đồ của họ. Tình hình diễn ra là ai thò mũi vào thì chỉ có thể đứng về phe của địch thủ bên này hoặc địch thủ bên kia. Người Nhật Bản hình như có ý định nhúng tay vào. Cháu nghĩ trong ba hoặc bốn tháng tình hình châu Á sẽ có chuyển biến và sẽ có nhiều chuyển biến”.
Xin gửi lời thăm Bác và em Dật. Mong Bác trả lời sớm về địa chỉ sau đây:
Gửi Nguyễn Tất Thành, số nhà 8 phố Xtêphen Tốttenham, Luân Đôn”1).
- Bản chụp bút tích bức thư lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.4.
1) Về địa chỉ này, đến tháng 6-1915, Đại sứ quán Pháp tại Anh đã báo cho Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh biết (theo Hồ sơ số FO.372.668.33562).
42
NĂM 1915
Tháng 4, ngày 16
Nguyễn Tất Thành ký tên Pôn Thành (Paul Thành), từ Anh viết thư cho Toàn quyền Đông Dương, qua Lãnh sự Anh tại Sài Gòn, nhờ chuyển cho cha mình, nhưng bức thư không đến người nhận vì không tìm được địa chỉ.
- Bản chụp bút tích bức thư lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
43
NĂM 1917
Khoảng cuối năm
Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp1).
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.30.
1) Về thời gian Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp có nhiều nguồn tư liệu khác nhau, số đông nhà nghiên cứu đều cho rằng Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp khoảng cuối năm 1917.
44
NĂM 1918
Trong năm
Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên gặp Misen Decsini (Michele Zecchini), đảng viên Đảng Xã hội Italia, lúc đó là đại diện cho những nhà cách mạng thuộc địa bên cạnh Đảng Xã hội Pháp.
Theo lời kể của Misen Decsini, bấy giờ Nguyễn Tất Thành là đại diện được ủy quyền của Hội Lao động hải ngoại đang náu mình trong một căn phòng cho thuê ở phố Saron (Charonne). Lúc đó, các đồng chí trong Đảng Xã hội chưa tìm được cho anh giấy tờ hợp pháp. Misen Decsini đã thu xếp cho anh đến một nơi ở mới, Quận 13, tại nhà một người bạn Tuynidi tên là Mốcta (Moktar).
Lúc này chiến tranh chưa kết thúc, các cuộc vây ráp, bắt bớ lính thuộc địa đào ngũ xảy ra liên miên. Để đảm bảo an toàn, anh phải hạn chế đi lại, không được để hàng xóm phát hiện. Khi Mốcta không có nhà, anh không được thắp đèn và đốt lửa. Chiều chiều Mốcta đi làm về, nấu bữa tối cho Tất Thành, để dành lại một phần cho ngày hôm sau, chăm sóc Tất Thành như một người anh em.
- Michele Zecchini: “Le caligraphe” (Người viết chữ đẹp), tạp chí Planète-Action, tháng 3-1970, tr.26.
Trong năm
Nguyễn Tất Thành đến đảo Rêuyniông (Réunion) thăm cựu hoàng đế Thành Thái đang bị an trí tại đây. Tất Thành
45
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho vua Thành Thái. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, cựu hoàng Thành Thái đã nói:
“Tôi già rồi, tôi không có ý định trở lại cuộc đời chính trị. Vả lại cụ Hồ Chí Minh đã là người tiêu biểu của phong trào cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, cụ Hồ Chí Minh không phải là người xa lạ. Ngay từ năm 1918 khi trốn ra ngoại quốc, cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Rêuyniông. Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”.
- Báo Cứu quốc, số 748, ngày 6-11-1947.
46
NĂM 1919
Khoảng đầu năm
Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp.
Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.
Vào Đảng Xã hội, Nguyễn Ái Quốc có dịp gần gũi và hoạt động với các nhà hoạt động chính trị và văn hóa nổi tiếng của Pháp như Mácxen Casanh (Marcel Cachin), Pôn Vayăng Cutuyriê (Paul Vaillant Couturier), Lêông Bơlum (Léon Blum), Raymông Lơphevrơ (Raymond Lefèbvre), Giăng Lôngghê (Jean Longuet), Gaxtông Môngmútxô (Gaston Monmousseau), v.v..
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.39.
Tháng 6, từ ngày 7 đến ngày 11
Nguyễn Tất Thành ở tại nhà số 10 phố Xtốckhôm (Stokholm).
- Hồ sơ của mật thám Pháp. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 6, từ ngày 12
Nguyễn Tất Thành ở tại nhà số 56 phố Mơxiơ Lơ Pranhxơ (Monsieur le Prince).
- Hồ sơ của mật thám Pháp. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
47
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Tháng 6, ngày 18
Thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi đến Hội nghị Vécxây (Versailles)2 bản Yêu sách của nhân dân An Nam. Dưới bản yêu sách Người ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Bản yêu sách gồm tám điểm:
“1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; 8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.
Cùng ngày, Nguyễn Tất Thành, ký tên là Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Tổng thống Mỹ. Toàn văn bức thư như sau:
“Pari, ngày 18-6-1919
Kính gửi Ngài Tổng thống Cộng hòa Hợp chúng quốc, Đại biểu ở Hội nghị Hòa bình.
Thưa Ngài,
Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gửi đến Ngài, kèm theo đây bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam.
Tin tưởng ở độ lượng cao cả của Ngài, chúng tôi mong Ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền.
48
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Xin Ngài vui lòng nhận sự biểu thị lòng kính trọng sâu sắc của chúng tôi.
Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam NGUYỄN ÁI QUỐC
56, phố Mơxiơ Lơ Pranhxơ, Pari1)”.
Cùng ngày, bức thư với nội dung trên còn gửi đến Đoàn đại biểu Nicaragoa2).
- Tài liệu tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
1) Sau khi nhận được thư của Nguyễn Ái Quốc, Đại biện sứ quán Mỹ tại Pari đã có thư trả lời. Toàn văn như sau:
“Đoàn Mỹ tại Hội nghị Hòa bình Pari, ngày 19-6-1919.
Thưa ông Nguyễn Ái Quốc,
Đại tá Haoxơ (Haus) giao cho tôi báo để ông biết là đã nhận được bức thư của ông đề ngày 18-6-1919 và cảm ơn ông đã gửi cho chúng tôi bản Yêu sách của nhân dân An Nam nhân dịp chiến thắng của Đồng minh. Xin ông nhận cho những tình cảm quý trọng của tôi.
Đại biện sứ quán Mỹ”.
Hôm sau Đoàn Mỹ lại gửi tiếp một bức thư khác:
“Đoàn Mỹ tại Hội nghị Hòa bình Pari, ngày 20-6-1919.
Kính gửi ông Nguyễn Ái Quốc,
Tôi lấy làm hân hạnh báo để ông biết chúng tôi đã nhận được thư ông đề ngày 18-6-1919 và xin nói rằng chúng tôi sẽ trình thư đó lên Tổng thống. Thư ký riêng của Tổng thống Mỹ
(đã ký)”.
2) Ngày 19-6-1919, Đoàn đại biểu Nicaragoa đã viết thư trả lời. Toàn văn như sau:
Khách sạn Rúytxi (Russie), số 1 phố Đơ Ruyô (De Ruyo), ngày 19-6-1919. Thưa ông Nguyễn Ái Quốc,
Tôi hân hạnh báo để ông biết chúng tôi đã nhận được thư của ông cùng với bản Yêu sách của nhân dân An Nam mà ông gửi cho ông Xanvađo Xamôrô, đại biểu Nicaragoa tại Hội nghị Hòa bình.
Ông Xamôrô giao cho tôi chuyển lời cảm ơn ông về bản tài liệu nói trên đã làm cho ông ta hết sức chú ý.
Xin ông nhận ở đây những tình cảm quý trọng của tôi.
Thư ký Đoàn đại biểu Nicaragoa
(đã ký)”.
1919
49
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
- Báo L’Humanité, ngày 18-6-1919.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.32.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.469-470, 471.
Tháng 6, trong tháng
Bản Yêu sách của nhân dân An Nam được Nguyễn Ái Quốc chuyển thành thơ lục bát có tên là Việt Nam yêu cầu ca, để phổ biến rộng rãi trong Việt kiều ở Pháp. Bài thơ có đoạn như sau: “... Lòng thành tỏ nỗi sút sa,
Dám xin đại quốc soi qua chút nào.
Một xin tha kẻ đồng bào
Vì chưng chính trị mắc vào tù giam.
Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.
Nhưng tòa đặc biệt bất công,
Dám xin bỏ dứt rộng dung dân lành.
Ba xin rộng phép học hành,
Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương.
Bốn xin được phép hội hàng,
Năm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do.
Sáu xin được phép lịch du,
Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình.
Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm đều phải có thần linh pháp quyền.
Tám xin được cử nghị viên,
Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân.
50
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Tám điều cặn tỏ xa gần,
Chứng nhờ vạn quốc công dân xét tình...”.
- Tư liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại (CAOM) tại Aix en Provence (Pháp), hồ sơ SPCE/364.
- Tài liệu viết tay, tiếng Việt. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.472-473.
Tháng 7, trong tháng
Nguyễn Ái Quốc chuyển đến nhà số 6 Vila đê Gôbơlanh (Villa des Gobelins), Quận 13, Pari, ở chung với Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh.
Trong tháng, Nguyễn Ái Quốc viết bài Tâm địa thực dân nhân đọc trên tờ Thông tin thuộc địa, một bài báo khá dài của “một chàng thực dân đã muốn dùng bản Yêu sách của nhân dân An Nam để mở một cuộc tấn công gián tiếp vào chính sách của ông Anbe Xarô, Toàn quyền Đông Dương”.
Bằng giọng văn châm biếm sắc sảo, cách lập luận chặt chẽ, đanh thép, tác giả đi sâu phân tích một số đoạn trong bài báo của “chàng thực dân” đó để vạch trần cái tâm địa của bọn thực dân cho dù nó đã được che đậy một cách khéo léo và “chỉ cho ông thấy rằng cái chân lý theo tâm địa của ông, cái chân lý theo quan niệm của bọn thực dân thù ghét dân bản xứ, không có gì là giống với chân lý của chúng tôi..., cũng như không có gì là giống với chân lý theo quan niệm của những người Pháp tốt ở nước Pháp cả”.
- Báo cáo của mật thám Đơvedơ. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Tư liệu của Cục Lưu trữ Pháp. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Báo cáo (từ ngày 18 đến ngày 28-11-1919) của Pie Ghétxđơ (Pierre Guesde), Tổng thanh tra kiểm soát người Đông Dương tại Pháp. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.5-9.
1919
51
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Tháng 8, ngày 2
Bài viết Vấn đề dân bản xứ của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo L’Humanité3.
Bài báo nhắc lại những nội dung chính của bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây hồi tháng 6-1919, khẳng định nguyện vọng đó của nhân dân Việt Nam là chính đáng; đồng thời tố cáo, lên án chính sách cai trị, những thủ đoạn đàn áp, cướp bóc của thực dân Pháp ở Đông Dương và tin tưởng rằng nhân dân tiến bộ Pháp sẽ đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do và công lý của nhân dân Việt Nam.
- Báo L’Humanité, ngày 2-8-1919.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.10-15.
Tháng 8, ngày 3
Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Giăng Ajanbe (Jean Ajalbert)1). Toàn văn bức thư như sau:
“Pari, ngày 3-8-1919
Thưa Ngài,
Được biết Ngài quan tâm đến đất nước chúng tôi, tôi xin mạn phép gửi đến Ngài:
1. Bản Yêu sách của nhân dân An Nam;
2. Một bài của báo L’Humanité viết về các yêu sách đó; 3. Một bài báo của Courrier Colonial cũng viết về đề tài đó; 4. Bản tin của Liên minh nhân quyền có đăng bài điều trần của cụ Phan Chu Trinh.
1) Giăng Ajanbe: nhà văn, nhà báo Pháp đã từng đến Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX, có nhiều bài viết về Việt Nam đăng trên các báo Pháp (B.T).
52
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Địa chỉ của Ngài là do Giáo sư Gabrien Xailơ (Gabriel Seailles) vui lòng cung cấp cho chúng tôi.
Nguyễn Ái Quốc
6. Vila đê Gôbơlanh”.
- Tư liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại (CAOM) tại Aix en Provence, hồ sơ SPCE/364.
Tháng 9, trước ngày 2
Nguyễn Ái Quốc tiếp một phóng viên Mỹ - nhờ sự giới thiệu của Đại diện của Chính phủ lâm thời Triều Tiên tại Pari là ông Kim Tchong Wen và Kim Koei Tche, phóng viên Mỹ đã có dịp phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc.
Hỏi: Anh đến Pháp với mục đích gì?
Đáp: Để đòi quyền tự do cho dân An Nam.
Hỏi: Bằng cách nào?
Đáp: Bằng cách làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên. Hỏi: Nhưng đất nước đã sẵn sàng chưa? Các phong trào vũ trang hiện nay ra sao?
Đáp: Tình cảnh nước Việt Nam thật đáng buồn. Ngoài chúng tôi (chỉ một số người yêu nước) chưa có sự chuẩn bị nào cả và các hoạt động vũ trang gần đây đã hoàn toàn thất bại và không có tiếng vang nào...
Hỏi: Từ lúc đến Pari tới nay, anh đã đạt kết quả nào rồi? Đáp: Ngoài các nghị sĩ, tôi đã gặp tất cả những người chịu giúp chúng tôi. Những người Xã hội nghĩ rằng Chính phủ Pháp không khi nào chấp nhận những yêu cầu của chúng tôi nhưng họ vẫn vui lòng giúp đỡ. Và đó là chỗ dựa quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi cũng hoạt động trong những tầng lớp khác nữa.
- Báo cáo của mật thám P. Ôcua (P. Aucourt) ngày 2-9-1919. Tài liệu gốc lưu tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại (CAOM) tại Aix en Provence, hồ sơ SPCE/272.
1919
53
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
- Lê Thị Kinh: Phan Chu Trinh qua những tư liệu mới, Nxb. Đà Nẵng, 2003, t.II, tr.104-105.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.16.
Tháng 9, ngày 4
Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Đông Dương và Triều Tiên, đăng trên báo Le Populaire4.
Nhắc đến sắc lệnh của Thiên Hoàng công bố tại Tôkyô ngày 19-8-1919 với nội dung định rõ quyền bình đẳng giữa người bản xứ Triều Tiên với người Nhật trong tất cả các luật lệ, bài báo so sánh chính sách cai trị của đế quốc Nhật ở Triều Tiên và của đế quốc Pháp ở Đông Dương, nghiêm khắc lên án chính sách ngu dân của Pháp và đặt câu hỏi: nước Pháp có thể đối với Đông Dương ít nhất một cách sáng suốt như Nhật đối với Triều Tiên không?
- Tư liệu của Cục Lưu trữ Pháp. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Báo Le Populaire, ngày 4-9-1919.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.17-20.
Tháng 9, ngày 6
Nguyễn Ái Quốc được Anbe Xarô1) - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, mời đến trụ sở Bộ Thuộc địa. Anbe Xarô đã đích thân kiểm tra lai lịch của Nguyễn Ái Quốc.
- Tư liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại (CAOM) tại Aix en Provence, hồ sơ SPCE/364.
1) Anbe Xarô thời điểm này là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa. Trước đó ông ta là Toàn quyền Đông Dương từ tháng 11-1911 đến tháng 1-1914 và nhiệm kỳ thứ hai từ tháng 1-1917 đến tháng 5-1919 (B.T).
54
Tháng 9, ngày 7
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Sau một ngày gặp Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anbe Xarô, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Anbe Xarô. Toàn văn như sau:
“Pari, ngày 7-9-1919
Kính gửi Ngài Anbe Xarô, Toàn quyền Đông Dương1). Thưa ngài Toàn quyền!
Tiếp theo cuộc trao đổi với Ngài hôm qua, tôi xin phép gởi đến Ngài kèm theo đây bản trình bày các yêu cầu của người An Nam. Vì Ngài có nhã ý nói với tôi rằng Ngài luôn luôn muốn làm sáng tỏ mọi vấn đề, tôi xin phép yêu cầu Ngài cho biết là trong 8 điểm yêu cầu của chúng tôi có điểm nào đã được thực hiện, và chúng tôi phải liên hệ với những tư liệu nào để chứng minh điều đó. Vì tôi xin khẳng định là cả 8 điểm đều còn nguyên vẹn và chưa có điểm nào được giải quyết một cách thỏa đáng.
Xin Ngài vui lòng tiếp nhận.
Ký tên: NGUYỄN ÁI QUỐC
Số 6, biệt thự Gôbơlanh, Pari 13”.
- Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc ở Pari (1917 - 1923), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.420.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.21.
Tháng 9, ngày 18
Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây do Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp đứng tên, được đăng trên báo Yiche Pao (Nghị xã báo) xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc).
- Tài liệu của mật thám Pháp, bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
- Báo Yiche Pao, ngày 18-9-1919. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
1) Lúc này Anbe Xarô là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn ghi là Toàn quyền Đông Dương (B.T).
1919
55
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Khoảng hạ tuần tháng 9
Nguyễn Ái Quốc cùng với Phan Văn Trường sang Đức, trở về Pháp vào khoảng trung tuần tháng 101).
- Theo Lê Thị Kinh dẫn mật báo của Êđua ngày 5-11-1919. Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại (CAOM) tại Aix en Provence, hồ sơ SPCE/364 (Dẫn theo Lê Thị Kinh: Phan Chu Trinh qua những tư liệu mới, Nxb. Đà Nẵng, 2003, t.II, tr.53).
Tháng 10, ngày 14
Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Thư gửi ông Utơrây, đăng trên báo Le Populaire.
Bài báo tố cáo Utơrây (Outrey) xuyên tạc sự thật về tình hình Đông Dương.
- Báo Le Populaire, ngày 14-10-1919.
Tháng 10, ngày 16
Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Utơrây2). Trong bức thư dài này, Nguyễn Ái Quốc vạch trần thái độ xấu xa và những luận
1) Mật báo viết: “Sau khi nói chuyện dài dòng (với một chàng trai ở Bộ Thuộc địa), tôi đã dắt dẫn anh ta đến chuyện Nguyễn Ái Quốc, Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường. Qua câu chuyện này thì thấy Phan Văn Trường còn ở Đức, nơi anh ta đã sang từ hai tháng nay cùng với Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc quay về Pari có lẽ từ một tuần nay...”.
2) Bức thư đề ngày 16-10-1919, đánh máy bằng chữ Pháp, dài ba trang. So với bài Thư gửi ông Utơrây đăng trên tờ Le Populaire ngày 14-10-1919 thì dài hơn và viết tỉ mỉ hơn. Thư ký tên Nguyễn Ái Quốc, khi đó còn là bút danh chung của nhóm người Việt Nam yêu nước. Theo một số nhà nghiên cứu của Pháp và Việt Nam, bài này có thể do Phan Văn Trường chắp bút, Nguyễn Ái Quốc mới đến nước Pháp, có thể chưa đủ tư liệu để viết bài này. Xin nêu lên để cùng tìm hiểu thêm.
56
TẬ P 1 : 1890 - 1929
điệu xuyên tạc sự thật của ông ta trong các cuộc thảo luận tại Nghị viện Pháp, ngày 18-9-1919.
- Tài liệu đánh máy, tiếng Pháp của Cục Lưu trữ Pháp. Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.22-26.
Tháng 11, ngày 15
Nguyễn Ái Quốc gặp ông Pie Pátxkiê1) (Pierre Pasquier), một quan chức Bộ Thuộc địa Pháp theo giấy mời đề ngày 14- 11-1919 của Chánh Văn phòng Bộ Thuộc địa.
Cuộc gặp mặt này nói về tổ chức nghi lễ tại đền Nôgiăng (Nogent), nơi nhà cầm quyền Pháp lập nên để tưởng niệm binh lính Đông Dương đã chết trong cuộc chiến tranh 1914 - 1918.
Khi ông Pátxkiê hỏi: “Việc lập đền thờ các tử sĩ Đông Dương ở Nôgiăng sẽ tác động đến dân Nam như thế nào?”, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Về tình cảm thì chưa rõ nhưng giá như quan tâm nhiều hơn về vật chất cho vợ con họ thì tốt hơn”.
Nguyễn Ái Quốc nói thêm: “Mỹ sau 10 năm đã cho Philíppin tự trị, Nhật vừa cho Triều Tiên tự trị sau 14 năm. Sao Pháp chưa làm gì cho Đông Dương?”.
Nguyễn Ái Quốc hứa với ông Pátxkiê là sẽ đến dự lễ, nhưng các bạn của anh thì không chắc vì họ còn phải làm việc...
- Báo cáo của mật thám Êđua. Tài liệu Lưu tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại (CAOM) tại Aix en Provence, hồ sơ SLOTFOM 15/1.
- Lê Thị Kinh: Phan Chu Trinh qua những tư liệu mới, Nxb. Đà Nẵng, 2003, t.II, tr.55.
1) Pie Pátxkiê sau này là Toàn quyền Đông Dương từ ngày 26-12-1928 đến năm 1930 và tiếp đó là năm 1931 - 1932 (B.T).
1919
57
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
Tháng 12, ngày 1
18 giờ 30 phút, Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ nói chuyện với một vài người Việt Nam đến chơi nhà.
- Báo cáo của mật thám Giăng (Jean). Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 12, ngày 8
Buổi tối, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Phan Chu Trinh.
- Báo cáo của mật thám Giăng. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 12, ngày 9
Nguyễn Ái Quốc hai lần đến thư viện Xanhtơ Giơnơvievơ (Sainte Geneviève) và đến nhà Trần Văn Quốc, số 44 phố La Cơlê (La Clef), nhưng không gặp.
- Báo cáo của mật thám Giăng. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 12, ngày 10
Nguyễn Ái Quốc nhận được một bức thư gửi từ Mayăngxơ (Mayence) - một thành phố của Đức, đến thư viện Xanhtơ Giơnơvievơ và ở đó đến 16 giờ.
Nguyễn Ái Quốc đi cùng với Lê Văn Hạo đến nhà bác sĩ Tơri (Trie) ở số 47 phố Clôđơ Bécna (Claude Bernard) và ở đó đến 19 giờ 20 phút.
Trước khi về nhà, Nguyễn Ái Quốc gặp và nói chuyện với một người Việt Nam ở đại lộ Gôbơlanh (Gobelins).
- Báo cáo của mật thám Giăng. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
58
Tháng 12, ngày 11
TẬ P 1 : 1890 - 1929
Nguyễn Ái Quốc đến nhà Trần Văn Quốc, hai lần đến thư viện Xanhtơ Giơnơvievơ, sau đó đến nhà số 40 phố Êcônlơ (Écoles) hỏi thăm ông Hon, trở về nhà hồi 17 giờ 45 phút.
- Báo cáo của mật thám Giăng. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 12, ngày 12
Buổi sáng, từ 10 giờ đến 11 giờ 30 phút, và buổi chiều, từ 13 giờ 50 phút đến 14 giờ 45 phút, Nguyễn Ái Quốc đến thư viện Xanhtơ Giơnơvievơ.
16 giờ, đến Văn phòng Hội Liên minh nhân quyền5 ở nhà số 10 phố Uynivécxitê (Université) trong 5 phút. Từ 18 giờ 45 phút đến 20 giờ, lại đến thư viện Xanhtơ Giơnơvievơ.
Từ 20 giờ 15 phút đến 20 giờ 35 phút, gặp Trần Văn Quốc ở nhà số 44 phố La Cơlê.
- Báo cáo của mật thám Giăng. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 12, ngày 13
Từ 8 giờ 55 phút đến 12 giờ 13 phút và từ 13 giờ 10 phút đến 13 giờ 50 phút, Nguyễn Ái Quốc ở thư viện Xanhtơ Giơnơvievơ. Sau đó rời thư viện đến vườn hoa Lúcxămbua (Luxembourg), đi dạo chừng nửa giờ như đang chờ đợi ai.
- Báo cáo của mật thám Giăng. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 12, ngày 14
Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của tòa soạn báo L’Humanité. Hồi 10 giờ 30 phút, anh đến nhà thợ may Sarông (Charon) ở số 8 bis phố Gôbơlanh, hai người đi uống ở quán rượu số 1
1919
59
HỒ CHÍ MINH BIÊN NIÊN TIỂU SỬ
phố Gôbơlanh. Sau đó Nguyễn Ái Quốc đi tàu điện ngầm đến trụ sở báo La Dépêche coloniale.
Trở về nhà lúc 12 giờ 45 phút. Hồi 13 giờ 15 phút, Nguyễn Ái Quốc lại ra khỏi nhà và mất hút phía Quảng trường Italia. Gần 17 giờ 30 phút, mới thấy về nhà và 15 phút sau lại đến nhà Sarông.
Hồi 20 giờ 30 phút, Nguyễn Ái Quốc đi bỏ thư tại phòng bưu điện phố Gôbơlanh.
- Báo cáo của mật thám Giăng. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 12, ngày 15
Nguyễn Ái Quốc nhận được một thư dán tem ga Pari đuy No (Paris du Nord).
Lúc 10 giờ 50 phút, Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà, mua một tờ L’Humanité. Sau đó đến thư viện Xanhtơ Giơnơvievơ, ở đó đến 11 giờ 55 phút, rồi đi dạo ở vườn hoa Lúcxămbua.
13 giờ, Nguyễn Ái Quốc trở lại thư viện, ở đó đến 16 giờ, rồi lại đi dạo 20 phút ở vườn hoa trước khi về nhà. 19 giờ, Nguyễn Ái Quốc đến nhà số 16 phố Phốtxê Xanhtơ Bécna (Fossée Sainte Bernard). Lát sau, cùng với Đrigiông (Drijon) và Vécđơgien (Verdegene) đến quán rượu ở cùng phố. 20 giờ 10 phút, Nguyễn Ái Quốc về nhà.
- Báo cáo của mật thám Giăng. Bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tháng 12, ngày 16
Lúc 14 giờ 35 phút, Nguyễn Ái Quốc và Ai Cam (một thợ ảnh đã đến nhà Nguyễn Ái Quốc ở mấy ngày) rời nhà, đến phòng bưu điện ở phố Clôđơ Bécna tra bộ Niên giám Pari, rồi
60