Luật hợp đồng là nơi chứa đựng nhiều kỹ thuật pháp lý nhất trong khoa học pháp lý. Do đó việc học tập và nghiên cứu luật hợp đồng thực sự hữu ích cho việc phát triển tư duy pháp lý.
Hợp đồng là một phương tiện quan trọng để tạo lập nên đời sống của con người, giúp con người đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình thông qua việc trao đổi các sản phẩm, dịch vụ và các lợi ích khác. Nó là một phương thức quan trọng để tổ chức đời sống chung và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Vì vậy các qui định về hợp đồng luôn luôn chiếm đa phần trong các đạo luật thuộc lĩnh vực luật tư.
Đất nước ta đã trải qua nhiều truyền thống pháp luật trong suốt chiều dài lịch sử. Có thể chưa có một sự chắp nối và tinh lọc thật sự giữa các truyền thống pháp luật này hoặc chưa có sự lựa chọn tinh tế và khoa học giữa các truyền thống pháp luật đó, nên luật hợp đồng của Việt Nam hiện nay thiếu tính kế thừa và thiếu đồng bộ. Trước khi thực dân Pháp chiếm đóng, ở Việt Nam chưa phát triển lĩnh vực pháp luật hợp đồng. Các qui tắc liên quan tới hợp đồng thường dưới dạng các điều cấm theo truyền thống pháp luật Viễn Đông. Khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, pháp luật của Pháp theo đó mà xâm nhập. Luật hợp đồng được pháp điển hóa theo truyền thống Civil Law. Tới khi thống nhất đất nước, pháp luật hợp đồng của Việt Nam được pháp điển hóa theo truyền thống Sovietique Law. Hiện nay luật hợp đồng Việt Nam được thể hiện qua nhiều đạo luật. Những các đạo luật này chưa có một luận thuyết chung thống nhất, do đó có sự mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn cho việc thi hành. Hơn nữa pháp luật hợp đồng của Việt Nam hiện nay thiếu nhiều qui định cụ thể và cũng thiếu nhiều qui tắc có tính cách tổng quát, nên gây khó khăn không nhỏ cho thực tiễn tư pháp, trong khi các quan hệ xã hội đang ngày càng phát triển theo định hướng kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Suy ngẫm từ các vấn đề đó, giáo trình này hướng tới xây dựng một tư duy pháp lý có tính cách nền tảng cho người học để trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hợp đồng, và cải cách tư pháp ở Việt Nam.
Vì giáo trình này sử dụng cho đào tạo sau đại học chuyên ngành luật dân sự và chuyên ngành luật kinh tế, do đó không cung cấp các kiến thức thông thường mà tập trung vào việc cung cấp các kiến thức chuyên sâu, đặc biệt giới thiệu cách thức tiếp cận nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu, đồng thời gợi mở cho người học các hướng nghiên cứu cụ thể. Giáo trình giúp cho người học có cái nhìn đa chiều và thấy được bức tranh toàn cảnh của luật hợp đồng nói chung từ quá khứ cho tới hiện tại và phần nào mường tượng được bức tranh đó trong tương lai