Giáo trình “Địa lí Kinh tế Việt Nam” cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về tổ chức lãnh thổ kinh tế – xã hội của nước Việt Nam. Giáo trình đưa ra những quan điểm, khái niệm về vùng kinh tế, phân vùng kinh tế; giới thiệu vai trò, vị trí của từng ngành kinh tế trong tổng thể nền kinh tế; giới thiệu sự phân bố cụ thể của các ngành công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp và thương mại dịch vụ của Việt Nam. Từ đó, sinh viên có thể áp dụng vào thực tế trong quy hoạch, lựa chọn vùng (địa điểm) cụ thể cho đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế. Giáo trình giúp cho sinh viên hiểu được vị trí của Việt Nam trong tổng thể kinh tế thế giới, ảnh hưởng của vị trí địa lí đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Giáo trình còn giới thiệu các nguồn lực phát triển chủ yếu và cách sử dụng các nguồn lực đó để phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Cho đến nay, đã có một số giáo trình Địa lí kinh tế Việt Nam được xuất bản. Song tuỳ theo từng trường, nội dung giáo trình được thay đổi cho phù hợp với mục tiêu và đối tượng đào tạo. Đối với sinh viên khối ngành Kinh tế, Quản lí và Quản trị kinh doanh, vấn đề tổ chức lãnh thổ có vai trò đặc biệt quan trọng và gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy tổ chức lãnh thổ là vấn đề xuyên suốt trong giáo trình này.
Giáo trình được biên soạn theo đề cương đã được thống nhất của Bộ môn Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng khoa học Khoa Kinh tế và đã được thông qua Hội đồng Khoa học Đào tạo trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên. Giáo trình được kết cấu thành 06 chương:
Chương 1: Những vấn đề chung về địa lí kinh tế Việt Nam Chương 2: Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế
Chương 3: Nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam Chương 4: Lí luận cơ bản về tổ chức lãnh thổ và phân vùng kinh tế
Chương 5: Tổ chức lãnh thổ các ngành kinh tế Việt nam
Chương 6: Vùng và phát triển kinh tế – xã hội trong các vùng kinh tế Việt Nam
Tham gia biên soạn giáo trình là các tác giả có chuyên môn liên quan đến lĩnh vực địa lí và địa lí kinh tế, cụ thể tham gia biên soạn các chương như sau: (i) TS. Tạ Thị Thanh Huyền: chương 1, chương 4, chương 5; (ii) TS. Nguyễn Văn Công: chương 2; (iii) TS. Hà Xuân Linh: chương 3; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trường biên soạn chương 4 và chương 6.
Kể từ khi bắt đầu tiến hành biên soạn cho đến khi kết thúc, chúng tôi đã nhận được những ý kiến đóng góp quý báu về nội dung chuyên môn, cũng như yêu cầu chỉnh sửa của nhiều cá nhân, của tập thể giảng viên Bộ môn Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa Kinh tế, hội đồng khoa học Khoa Kinh tế, các nhà khoa học trong hội đồng nghiệm thu giáo trình cấp trường, chúng tôi xin chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp quí báu đó. Chúng tôi cũng xin cảm ơn Ban Giám Hiệu, Phòng Khoa học Công nghệ & Hợp tác Quốc tế, Khoa Kinh tế Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên đã đạo mọi điều kiện giúp đỡ chúng tôi hoàn thành công trinh của mình.
Mặc dù đã bám sát nội dung và cập nhật thông tin thường xuyên, nhưng do tính chất đặc thù của môn học, cũng như sự biến đổi liên tục của khoa học và thực tiễn, chúng tôi thấy rằng sẽ không thể tránh khỏi những thiếu sót về nội dung cũng như hình thức trình bày, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành từ phía độc giả và người học. Nhóm tác giả biên soạn, xin trân trọng giới thiệu giáo trình: Địa lí Kinh tế Việt Nam.