Giáo trình Cơ kỹ thuật được biên soạn theo đề cương do Vụ GDCN, Bộ Giáo dục & Đào tạo xây dựng và thông qua. Nội dung được biên soạn theo tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu. Các kiến thức trong toàn bộ giáo trình có mối liên hệ lôgíc chặt chẽ. Tuy vậy, giáo trình cũng chỉ là một phần trong nội dung của chuyên ngành đào tạo cho nên người dạy, người học cần tham khảo thêm các tài liệu có liên quan đối với ngành học để việc sử dụng giáo trình có hiệu quả hơn.
Khi biên soạn, chúng tôi đã cố gắng cập nhật những kiến thức mới có liên quan đến môn học và phù hợp với đối tượng sử dụng cũng như cố gắng gắn những nội dung lý thuyết với những vấn đề thực tế thường gặp trong sản xuất, đời sống để giáo trình có tính thực tiễn cao.
Nội dung của giáo trình được biên soạn với dung lượng 90 tiết, gồm ba phần:
Phần một: do GS. TS. Đỗ Sanh thực hiện – gồm 9 chương từ chương 1 đến chương 9 bao gồm các nội dung thuộc lĩnh vực Cơ học vật rắn – Cơ học lý thuyết.
Phần hai: do PGS. TS. Nguyễn Văn Vượng thực hiện – gồm 5 chương từ
chương 10 đến chương 14 bao gồm các nội dung thuộc lĩnh vực Sức bền vật liệu.
Phần ba: do TS. Phan Hữu Phúc thực hiện – gồm 13 chương từ chương 15 đến chương 27 bao gồm các nội dung thuộc lĩnh vực Chi tiết máy.
Trong quá trình sử dụng, tùy theo yêu cầu cụ thể có thể điều chỉnh số tiết trong mỗi chương cũng như sắp xếp các nội dung. Trong giáo trình, chúng tôi không đề ra nội dung thực tập của từng chương, vì trang thiết bị phục vụ cho thực tập của các trường không đồng nhất. Vì vậy, căn cứ vào trang thiết bị đã có của từng trường và khả năng tổ chức cho học sinh thực tập ở các xí nghiệp bên ngoài mà nhà trường xây dựng thời lượng và nội dung thực tập cụ thể – Thời lượng thực tập tối thiểu nói chung cũng không nên ít hơn thời lượng học lý thuyết của mỗi môn.
Giáo trình được biên soạn cho đối tượng là học sinh TCCN, Công nhân lành nghề bậc 3/7 và nó cũng là tài liệu tham khảo bổ ích cho sinh viên Cao đẳng kỹ thuật cũng như Kỹ thuật viên đang làm việc ở các doanh nghiệp của nhiều lĩnh vực khác nhau.